Thứ Hai, 31 tháng 3, 2014

HẸN VỀ VỚI HUẾ - NGUYỄN MIÊN THẢO



Anh hẹn em về nắng tháng tư
đỗ quyên còn thắm ủ sương mềm
dấu xuân còn đọng bên thềm cũ
còn có chút gì của tháng Giêng

Anh đưa em ra ngồi bến sông
để nghe con nước chảy xanh lòng
để nghe em hát bài thương nhớ
để thấy trăng mềm giữa sáng xuân

Ta về Cầu Ngói thăm ngày cũ
lên khuất Trường An gọi núi rừng
ghé qua An Cựu thăm mùa lúa
chắc bữa nay đồng gặt sắp xong

Anh cùng em thăm lại trường xưa
bao năm lặn lội một thân cò
hỏi thăm có kẻ nào thương nhớ
mỗi sáng mỗi chiều say ngẩn ngơ

Anh sẽ về thăm đêm nguyệt tận
dắt tay em dạo khắp cổ thành
lắng nghe chìm khuất từ thiên cổ
khúc tuyệt tình ca của tháng năm

Anh hẹn em về nắng tháng tư
anh đã về thăm Huế trong mơ
nghe tiếng cười em,cơn gió thoảng
thổi tạt hồn anh đến dại khờ

Thứ Bảy, 29 tháng 3, 2014

CHÂN DUNG - THIẾU KHANH

Khi về vỗ cánh thinh không
Nghe rơi tiếng hạc muôn trùng núi cao
Em phiêu du tuổi hoa nào
Nghìn xưa để lại nghìn sau dấu giầy

Khi về giấu mặt hai tay
Lời kêu ca đã phơi bày chân dung
Em từ vô thỉ vô chung
Tan theo tiếng hạc phụ lòng anh yêu

Khi về đầu núi trăng treo
Con từ qui lạc cuối đèo gọi nhau

Khi về nắng nhặt mưa mau
Vắng em anh cũng nhạt màu chân dung.

Khi về vỗ cánh thinh không...

Pleiku, 5. 1963 - Sàigòn, 7-1965
  
THIẾU KHANH
(Nghìn Xưa Để Lại)

Thứ Sáu, 28 tháng 3, 2014

GỬI TRÁI TIM LẬN ĐẬN - HOÀNG LỘC

khi tôi biết trái tim mình đang khóc
là tôi lo em cũng đớn đau cùng
có những thứ đã rồi – không đổi được
cành đời riêng vừa trổ trái sầu chung

em đang biết trái tim mình lận đận
vì chưa tin tôi lận đận theo tình?
có nhiều thứ gửi về nhau thầm lặng
mà tháng ngày khó trốn những âm vang

ôi sai trái là của đời em ạ
chúng ta ngây ngô từng bước lỗi lầm?
chuyện đã vậy, cần chi ai tha thứ
hãy dám cùng tôi bước hết trăm năm!

14-3-2014

Thứ Năm, 27 tháng 3, 2014

NHẮN VỚI NGƯỜI - HOÀNG NGA


https://encrypted-tbn1.gstatic.com/images?q=tbn:ANd9GcSDj6ekS2SpupuUvzSDFszxg6Ve-n2Az5jcdODoEv9wXKS_1s7tug
              Bậu về cũng chắc về luôn
              Để khăn chéo lại, luỵ tuôn em chùi (*)

Lẽ ra em đã quên người
Nếu mưa không đổ ngậm ngùi ngoài hiên
Chiều chưa đi, sợi ưu phiền
Sợi trên mái ngói, sợi nghiêng góc vườn

Người về, em biết về luôn,
Chỉ tại mưa, nên em buồn đó thôi
Người về bóng vỡ làm đôi
Hai bàn tay rỗng, tình phôi phai rồi

Người về, còn lại em thôi
Đôi con mắt dõi bóng rơi cuối đèo
Người về thuận mái xuôi chèo
Câu thơ ở lại giữa chiều xót xa.
 
HOÀNG NGA
(*)Ca dao.

Thứ Tư, 26 tháng 3, 2014

NHIỀU SẢN PHẨM DU LỊCH MỚI Ở FESTIVAL HUẾ 2014

Festival Huế 2014


Nhiều sản phẩm du lịch mới ở Festival Huế 2014

Festival là sự kiện văn hóa nghệ thuật đặc sắc, mang tầm cỡ quốc gia và có vai trò quan trọng trong ngoại giao văn hóa. Với chủ trương giữ vững cốt cách văn hóa truyền thống Huế trong cách thể hiện mới, Festival Huế 2014 sẽ mở rộng không gian diễn xướng, không gian lễ hội, với mục tiêu là đưa Festival đến với cộng đồng. Tính cộng đồng và tính nhân văn được chú trọng là điểm nhấn bao quát của Festival Huế lần thứ 8.
Lễ khai mạc có vai trò rất quan trọng, góp phần tạo ấn tượng cho chuỗi chương trình. Do vậy năm nay kịch bản chương trình đã được chuẩn bị từ sớm, với sự tham gia của đạo diễn Ngọc Cường, người đã có nhiều gắn bó với Festival Huế.
Chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập phát triển” thể hiện được bản sắc cố đô Huế trong hội nhập và giao lưu. Năm nay, lễ khai mạc được tổ chức ở quảng trường Ngọ Môn, xoay sang hướng Kỳ Đài, với những tiết tấu, vũ đạo hiện đại sẽ được thể hiện trên nền những loại hình di sản văn hóa đã được thế giới công nhận nhưng vẫn mang tính văn hóa truyền thống, di sản, nét văn hóa của Huế.
Đặc biệt, Festival lần thứ 8 trùng hợp với kỷ niệm 115 năm chợ Đông Ba, 115 năm cầu Tràng Tiền, và 120 bệnh viện Trung ương Huế - bệnh viện “tây” đầu tiên của Việt Nam. Do đó đêm bế mạc sẽ là sự kết hợp đầy đủ không gian 3 địa điểm này. Mà cầu Tràng Tiền sẽ là sân khấu chính với nghệ thuật sắp đặt lửa Carabosse. Độc đáo hơn, trên cầu Trường Tiền còn có triển lãm ảnh nghệ thuật 54 dân tộc Việt Nam của nghệ sĩ Sebastienne Laval.
Để làm đa dạng và phong phú các sản phẩm thì ngoài 2 điểm chính là Quần thể di tích cố đô Huế và Nhã nhạc cung đình Huế làm nền tảng, ban tổ chức sẽ mở rộng thêm các loại hình sản phẩm du lịch ở kỳ Festival Huế 2014.
Như hoạt động tôn vinh Ca Huế và mở rộng khai thác sản phẩm du lịch tâm linh với các điểm đến là Đền Huyền Trân công chúa, đặc biệt Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã - điểm du lịch “thiền” hoàn toàn mới. Phục dựng nguyên bản 2 lễ Tế đàn Nam Giao (thần Trời), lễ Tế đàn Xã Tắc (thần Đất, thần Lúa) do Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế đảm trách. Kết hợp du lịch văn hóa và du lịch cộng đồng khi đầu tư, làm mới sắp xếp bài bản các tour về Làng cổ Phước Tích, Cầu ngói Thanh Toàn, làng Sình, làng hoa giấy Thanh Tiên.
Đặc biệt, “Phố đêm Festival” sẽ lần đầu tiên được đưa vào thể nghiệm xung quanh Hoàng thành Huế ở các tuyến đường như Đoàn Thị Điểm, Đặng Thái Thân. Đồng thời khôi phục Vườn Thượng uyển Cơ Hạ, đây sẽ là nơi diễn ra các đêm Nhạc Trịnh nhằm đa dạng thêm sản phẩm du lịch cố đô Huế về đêm.
YB
http://tapchisonghuong.com.vn/tin-tuc/p38/c145/n14548/Nhieu-san-pham-du-lich-moi-o-Festival-Hue-2014.html

Tour du lịch Festival Huế 2014 

 
(NetCodo) Khởi hành vào các ngày 12, 15, 18/04/2014, tour du lịch Festival Huế 2014 (3 ngày 2 đêm) của Công ty Lữ hành Huetourist sẽ là trải nghiệm thú vị cho du khách khi đến Huế trong dịp lễ hội Festival Huế 2014.
Tiếp tục chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển”, Festival Huế lần thứ 8 diễn ra từ ngày 12/4 đến ngày 20/4/2014 sẽ là nơi tụ hội của các thành phố Cố đô của Việt Nam và một số quốc gia trên thế giới. Festival Huế 2014 hứa hẹn mang đến cho quý khách nhữnh hoạt động lễ hội hoành tráng và những trải nghiệm văn hóa độc đáo nhất
FESTIVAL HUẾ 2014 (3 NGÀY 2 ĐÊM) Khởi hành vào ngày: 12, 15, 18/ 04/ 2014
NGÀY 01 : ĐÓN KHÁCH - THAM QUAN HUẾ (Tr,T)
08h30 – 09h00:Đón khách tại sân bay, đoàn khởi hành tham quan Đại Nội gồm nhiều công trình cổ kính: Ngọ Môn, Lầu Ngũ Phụng, Điện Thái hòa, Thể Miếu,…
10h30:             Đoàn tham quan Lăng Tự Đức – nột công trình nằm trong Quần thể di tích cố đô Huế được Unesco công nhận là di sản Văn hóa thế giới.
11h30:            Ăn trưa tại nhà hàng. Nhận phòng khách sạn, nghỉ ngơi
Buổi chiều:   Quý khách tự do tham gia các hoạt động khác trong khuôn khổ Festival 2014
19h00:            Xe đón đoàn tại khách sạn đi đến Quảng Trường Ngọ Môn hòa mình vào không gian Festival với Lễ hội áo dài đậm sắc dân tộc Việt Nam lúc 20h00
22h00:            Xe đưa đoàn về khách sạn. Ngỉ đêm.

NGÀY 02: CHỢ QUÊ NGÀY HỘI CẦU NGÓI THANH TOÀN (S,Tr)
08h00:           Sau điểm tâm xe và hướng dẫn viên đón quý khách tại khách sạn khởi hành đi tham quan Cầu ngói Thanh Toàn, với các hoạt động dân gian của Chợ Quê ngày hội, tham gia các trò chơi: hát bài chòi, gánh nước, các hoạt động của làng quê Việt Nam
11h00:           Đoàn về lại Huế, dùng cơm trưa tại nhà hàng
Buổi chiều, tối:Quý khách tự do cùng nhau trải nghiệm và tham gia các hoạt động đường phố, “Di sản và sắc màu” của các đoàn nghệ thuật Đông Á – Mỹ La Tinh trên các tuyến đường chính của Thành phố Huế. Nhận phòng khách sạn, nghỉ ngơi

NGÀY 03: CHÙA THIÊN MỤ - CHỢ ĐÔNG BA – TIỄN KHÁCH (S, Tr)
08h30:           Điểm tâm tại khách sạn. Du thuyền trên sông Hương và tham quan chùa Thiên Mụ, ngôi chùa cổ kính được xây dựng từ đầu của thế kỉ XVII.
10h30:            Rời Thiên Mụ, đoàn tham quan, mua sắm ở Chợ Đông Ba – trung tâm mua sắm lớn nhất ở Huế với các đặc sản: mè xửng, tôm chua, nón lá, áo dài,…
12h00:           Ăn trưa tại nhà hàng.
14h30:           Kết thúc chương trình, xe đưa quý khách về sân bay, chia tay đoàn. Hẹn gặp lại quý khách.
GIÁ: 2.475.000VND/KHÁCH
    Dịch vụ dung cấp
1.       Xe du lịch đời mới đón - tiễn và phục vụ khách suốt hành trình,
2.       Thuyền du lịch
3.       Khách sạn 3 sao: 2 - 3 khách/ phòng. Tiện nghi: Hệ thống máy nước nóng lạnh, điện thoại, nước uống tại phòng. Trường hợp lẻ nam, lẻ nữ: ngủ phòng ba, trường hợp đi 1 người, phụ thu phòng đơn,…
4.       Ăn các bữa theo chương trình (S: ăn sáng; Tr: ăn trưa)
5.       Vé tham quan các điểm: Đại Nội, Lăng Tự Đức
6.       Hướng dẫn viên  phục vụ tận tình,
7.       Nước uống, khăn lạnh,
8.       Bảo hiểm du lịch.
    Không bao gồm:
1.       Chi phí các nhân,
2.       VAT.
    Phụ thu:
1.       Phụ thu phòng đơn: 250.000đ/ khách/ đêm,
2.       Phụ thu vé tham quan cho khách nước ngoài: 80 000đ,
    Chính sách giá tour trẻ em:
1.       Trẻ em dưới 5 tuổi: Được miễn phí (ăn chung, ngủ chung với cha mẹ). Hai người lớn chỉ được kèm 1 trẻ em dưới 5 tuổi, em thứ hai trở lên phải mua ½ giá tour,
2.       Trẻ em từ 6 -11 tuổi, được giảm 30% chi phí tour (ngủ chung cùng bố mẹ),
3.       Trẻ em trên 11 tuổi được tính theo giá của người lớn.
    Lưu ý khi đăng ký mua tour:
Chương trình có thể thay đổi cho phù hợp với nhu cầu thực tế của Khách hàng và thời tiết tại địa điểm đến nhưng vẫn đảm bảo các điểm tham quan có trong chương trình (nếu cắt bớt có sự đồng ý của khách hàng).
    Điều kiện hủy tour:
Trước 15 ngày khởi hành:          Không mất phí,
Trước 10 ngày khởi hành:          50% giá tour,
Ngay trong ngày khởi hành:        100% giá tour.
    Ghi chú:
-          Các hoạt động diễn ra trong Festival 2014:
-          Chương trình nghệ thuật khai mạc: 20h00 ngày 12/4/2014 tại Kỳ Đài – Quảng trường Ngọ Môn.
-          Đêm Hoàng Cung: 19h00 các tối 15 và 19/4/2014 (có dạ nhạc tiệc) tại Đại Nội, Huế.
-          Lễ hội Áo dài: 20h00 ngày 14 và 17/4/2014 tại Kỳ Đài – Quảng trường Ngọ Môn.
-          Chương trình sân khấu hóa tôn vinh Ca Huế “Hương Bình khúc tri âm”  lúc 20h00 ngày 16/4/2014 tại Nghinh Lương Đình.
-          Chương trình “Đêm Phương Đông” lúc 21h00 các tối 13, 15, 16 và 18/4/2014 tại sân trước Điện Thái Hòa – Đại Nội, Huế.
-          Chương trình nghệ thuật sắp đặt lửa tại cầu Trường Tiền của đoàn Carabosse (Pháp) vào các tối 18 và 20/4/2014.
-          Lễ hội đường phố “Di sản và sắc màu văn hóa” của các đoàn nghệ thuật Đông Á – Mỹ La Tinh vào các buổi chiều 13 đến 19/4/2014 trên những đường phố chính của TP Huế.
-          Chương trình nghệ thuật bế mạc: 20h00 ngày 20/4/2014 tại công viên cầu Gia Hội.
    Liên hệ:
Lữ hành Huetourist
Địa chỉ:             120 Lê Lợi, tp Huế
Tel:                   0543 816 263
Hotline:             (84) 913 458 464
Email:               info@huetourist.vn
Website:           www.huetourist.vn
Yahoo, skype, Msn: huetourist
Nguồn: Lữ hành Huetourist

 http://hue.vnn.vn/vi/64/6249/Cam-nang-du-lich/Tour-du-lich-Festival-Hue-2014-.html#.Uy5jfygQ_IU

Thứ Ba, 25 tháng 3, 2014

RU TÌNH - TRẦM MẶC

Lần khâu lại những vần thơ
Để ru hạt nhớ mong chờ tháng năm
Lần khâu lại thưở duyên rằm
Mà nghe tha thiết trăm năm bến bờ
Lần gom trăng tỏ khi mờ
Nghe như xao xuyến lời thơ một thời
Lần gom sao sớm cuối trời
Bâng khuâng da diết à ơi ru tình
Lần gom áo trắng thư sinh
Nghe tha thiết nhớ chuyện tình thưở nao
Lần gom kỷ niệm dạt dào
Nghe lòng xa xót lao đao sóng dồn
                         Tháng 03/2014

Thứ Hai, 24 tháng 3, 2014

ĐÓA LẶNG THẦM - NGUYỄN MIÊN THẢO



Người ta hái nụ tầm xuân
Anh xin hái đoá lặng thầm em thôi
Mặc ai muốn hái sao trời
Anh về cất giữ nụ cười tháng Giêng
Dù ai nói đảo nói điên
Anh ngồi tĩnh lặng hành thiền nhớ em

Thứ Bảy, 22 tháng 3, 2014

MỘT SỐ HIỆN TƯỢNG THÚ VỊ TRONG TIẾNG VIỆT

Trong tiếng Việt, có những từ ngữ hoặc địa danh sử dụng hằng ngày mà nếu có người hỏi tại sao nói thế và nguồn gốc của những từ ngữ ấy từ đâu thì chúng ta đành bó tay; chẳng hạn câu hỏi trên trong một bài ca dao:
Nước không chưn sao kêu nước đứng?
Cá không giò sao gọi cá leo?
Ghe không tay sao kêu ghe vạch?
Bánh không cẳng sao gọi bánh bò?...
1. Hiện tượng tỉnh lược trong ngôn ngữ.
Chúng ta chỉ có thể giải đáp câu trên dựa vào cuốn Ðại Nam quốc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Của, xuất bản cách đây trên 110 năm. Trong sách này, tác giả ghi bánh vú bò và giải thích vì bánh đổ vào chén, trông giống như cái vú con bò. Về sau rút gọn thành bánh bò. Ðây là hiện tượng tỉnh lược trong ngôn ngữ.
Các từ sau đây cũng bị hiện tượng tỉnh lược chi phối: dầu con rái => dầu rái, nấm tai mèo => nấm mèo...
Ở miền Bắc có một loài cá giống và to bằng cá chép, nhưng có đặc điểm là tươi rất lâu tên là cá rói. Dù bị bắt ra khỏi nước từ sáng đến trưa cá vẫn còn tươi nên có thành ngữ tươi như cá rói, về sau tỉnh lược thành tươi rói.
Một thành ngữ tương tự: ngay như cây chò (một loại cây rừng thân rất thẳng) => ngay chò(ở Nam bộ biến âm thành ngay chừ).
Cầu Kiệu ở TP.HCM được Trương Vĩnh Ký ghi là cầu Xóm Kiệu (tức là xóm chuyên trồng kiệu), như vậy chữ Xóm ban đầu đã bị giản lược.
                                                                         2. Hiện tượng mượn âm.
Một từ khá phổ biến ở Nam bộ dùng để chỉ người phụ giúp tài xế lái xe đò trong công việc bán vé, thu tiền, khiêng xách hành lý là lơ xe. Từ này bắt nguồn từ tiếng Pháp contrôleur, nghĩa là “người kiểm soát (vé)”. Như vậy, từ một âm tiết vô nghĩa - leur, người Việt biến thành một từ có nghĩa.
Ở miền Bắc, người ta thường dùng từ ngữ săm lốp để chỉ vỏ ruột xe đạp và xe gắn máy. Lốpthì người miền Nam cũng dùng và những người biết tiếng Pháp đều biết nó bắt nguồn từenveloppe, nghĩa là “vỏ xe”. Còn săm ban đầu người miền Nam và nhất là những người không học tiếng Pháp không hiểu nghĩa. Từ săm bắt nguồn từ ngữ chambre à air “ruột xe”.
Tại sao có từ bồ bịch, nghĩa là nhân tình? Nguyên trước đây có một từ ghép bồ bịch, chỉ hai nông cụ. Bồ là dụng cụ đựng lúa, có đáy; còn bịch cũng là nông cụ đựng lúa nhưng là tấm ví khoanh tròn, không đáy vì lấy nền nhà làm đáy. 
Do đó, ca dao VN có câu:
Bởi anh chăm việc canh nông
Cho nên mới có bồ trong bịch ngoài.
Trong tiếng Việt trước đây có từ bầu (bạn), có biến âm là bồ tương tự như đậu xanh - đỗ xanh, thi đậu - thi đỗ... Vì từ bồ (bạn) đồng âm với từ bồ (cái bồ) nên từ bồ bịch thứ hai (người yêu) ra đời. Chúng tôi gọi đây là hiện tượng     mượn âm.
Một số trường hợp tương tự. Trái sầu riêng có nguồn gốc từ Malaysia là đu-riêng. Ban đầu (giữa thế kỷ 19) người Việt dùng cả hai từ, sau loại hẳn từ đu-riêng.
Huyện Kế Sách ở tỉnh Sóc Trăng gốc Khmer là Ksach, nghĩa là “cát”. Vì gần âm với từ kế sách (phương kế, sách lược) nên Kế Sách đã thay thế Ksach.
Nhà thơ ngụ ngôn La Fontaine của Pháp đã được các trí thức VN khoác cho chiếc áo của Lữ Bố: Lã Phụng Tiên (họ Lữ cũng đọc Lã, Phụng Tiên là tự của Lữ Bố).
Ðèo ở phía bắc thành phố Nha Trang do kỹ sư người Pháp Rury điều khiển sửa sang nên Pháp dùng tên người này đặt cho đèo. Người Việt đã gọi là đèo Rù Rì.
                                                                              3. Hiện tượng biến âm.
Người Nam bộ thường bảo trẻ con đi chỗ khác chơi, không được láng cháng trước mặt. Nhưng trong từ điển của Huỳnh Tịnh Của đã nói ở trên ghi loán choán. Như vậy từ gốc là choán, yếu tố láy là loán và nghĩa gốc của láng cháng là “choán chỗ”. Ðây là hiện tượng biến âm.
Ở các đô thị Nam bộ có loại xe chuyên chở đồ đạc phục vụ xã hội mang tên ba gác. Nhiều người biết tiếng Pháp cũng ngỡ ngàng khi biết nguồn gốc Pháp của từ này là bagage, nghĩa là “hành lý”.
4. Hiện tượng láy nghĩa. 
Bỏng trong từ bé bỏng có nghĩa là “nhỏ”. Trong tập thơ cổ Thiên Nam ngữ lục có câu thơ sử dụng từ bỏng với nghĩa này:
Trẻ thơ bỏng dại thiếu người lo toan
Hai từ bé và bỏng đồng nghĩa hay gần nghĩa kết hợp với nhau. Ðó là hiện tượng láy nghĩa.
Nhiều từ trong tiếng Việt bị chi phối bởi hiện tượng này: Việt + Việt: tìm kiếm, chờ đợi, yêu thương; Việt + Pháp:canh gác
Biết được nguồn gốc và ý nghĩa của nhiều từ tiếng Việt, ngoài cảm giác thú vị, ta còn yêu thích tiếng mẹ đẻ hơn.
LÊ TRUNG HOA