Thứ Ba, 31 tháng 3, 2009

THƠ NGUYỄN THỊ ANH ĐÀO

BÂY GIỜ NHỚ HUẾ

em về ngắm sông vượt lũ
đưa nhau qua mấy nhịp cầu
cứ thương người xa đứt ruột

ấm hơi đêm tựa sương mờ

em về một mình đêm Huế
nhịp chèo chếch nắng dòng Hương
bây giờ mình em thương Huế
anh đi quên mất câu thề

chắp tay lên trời khấn nguyện
em về trọn mối tơ duyên
hoa đào trái mùa nhớ rét
thủy chung một sắc phớt hồng

bây giờ một mình về Huế
run tay chạm phải lời thề
bây giờ một mình mong Huế
đêm trần tay nắm bàn tay

khoảng trời bên kia quá rộng
cánh chim bay mỏi chân trời
bây giờ một mình rời Huế
mang theo một nửa lời thề

tràng tiền một mình lặng bóng
soi vào tận đáy mùa sau…

T3.09

Thứ Hai, 30 tháng 3, 2009

CHUYỆN ĐẦU TUẦN :PHO TƯỢNG PHẬT NGỌC ĐÃ ĐẾN TP HCM

Sau khi Pho tượng Phật Ngọc được chiêm bái tại lễ hội Quán Thế Âm (Đà Nẵng),Đại Tùng Lâm (Vũng Tàu), hiện đã đến Tp Hồ Chí Minh.Chiều qua 29.3, lễ cung nghinh tượng Phật bằng ngọc thạch quý hiếm và lớn nhất thế giới đã được tổ chức trang nghiêm lúc 17 giờ tại chùa Phổ Quang (số 64/3 đường Phạm Hồng Thái, Q.Tân Bình) để phật tử và đồng bào các giới chiêm bái đến hết ngày 5.4.2009.sau đó đưa về chùa Hoằng Pháp(Hóc Môn) tiếp tục đón khách hành hương.
Đạo hữu Ian Green,người cung nghinh tôn tượng đến Việt Nam là một phật tử hơn 35 năm, bắt đầu từ khi ông du hành đến Ấn Độ khoảng đầu năm 1970. Ông đã chiêm ngưỡng Đại Tháp ở vườn Lộc Uyển - nơi được đánh dấu là Đức Phật giảng bài pháp đầu tiên sau khi Ngài chứng ngộ, cũng là một trong sáu thánh địa của Phật giáo.
Ông bà Ian Green tại Lễ hội Quán Thế Âm Đà Nẵng
Sau đó, ông tìm hiểu thêm về Phật giáo và rồi ông "không có chọn lựa nào khác mà hiển nhiên là một phật tử". Năm 1981, thân phụ của ông cúng dường 50 mẫu đất hoang sơ với trùng điệp cây rậm thấp cho Lạt Ma Yeshe để kiến lập một trung tâm Phật giáo. Năm 2009, ông chọn Lễ hội Quán Thế Âm ở Đà Nẵng là điểm đến đầu tiên trên thế giới của pho tượng Phật Ngọc, có tên đầy đủ là "Phật Ngọc cho Hòa bình Thế giới". Đây là pho tượng được điêu khắc từ tảng ngọc thạch lớn nhất thế giới hiện nay. Cạnh pho tượng Phật Ngọc này còn có một tượng cao 0,50m nặng 132 kg. Cả hai tượng đều có tư thế ngồi thiền. Theo ông Ian Green pho tượng Phật Ngọc được điêu khắc từ khối ngọc bích Polar Pride - niềm kiêu hãnh Bắc cực - ở Canada chỉ có một và duy có một mà thôi.
Xin cầu nguyện sự bình an đến với em .

Chủ Nhật, 29 tháng 3, 2009

THƠ NGUYỄN MIÊN THẢO

mời em uống rượu

uống đi em,nữa, chén này
chén vơi anh uống,chén đầy anh dâng
chén xuân anh tặng môi hồng
chén vui anh để tặng chồng em say
uống đi em ,nữa,chén này
chén sầu, chén muộn, chén đầy,chén lưng
uống đi em chén rượu mừng
uống đi mừng cuộc phong trần bấy lâu
rượu nồng em uống cho mau
uống nhanh uống cạn trước sau uống cùng
uống mừng trăm cuộc thuỷ chung
cũng bay như một cánh hồng xác xơ
ví như trăm cuộc tình hờ
cũng tan như khói cũng mờ như sương
như con chim chết trong vườn
nghìn năm tiếng hát đoạn trường chưa tan
uống đi uống vội uống vàng
uống nghiêng cả núi uống tràn cả sông
uống cho buốt cả môi hồng
chén cha chén mẹ chén chồng chén con
*
em cao như phướng như cờ
anh làm ngọn gió đứng chờ bên truông
ví em như cánh chuồn chuồn
khi vui thì đậu khi buồn thì bay
uống thêm một chén rượu này...

Thứ Bảy, 28 tháng 3, 2009

VIỆT NAM HƯỞNG ỨNG GIỜ TRÁI ĐẤT 2009


Lễ hội pháo hoa Đà Nẵng
Đêm 27.03.2009, pháo hoa tỏa sáng
trên sông Hàn. Du khách và người dân TP Đà Nẵng trực tiếp chiêm ngưỡng đã không ngớt lời trầm trồ, thán phục nghệ thuật kết hợp hài hòa giữa âm thanh và ánh sáng, tạo cảm xúc thăng hoa cho hàng vạn tâm hồn...bắt đầu lễ hội pháo hoa Quốc tế Đà Nẵng 2009

*****************************************
Việt Nam hưởng ứng
Giờ trái đất 2009
Tính đến 25.3, đã có 2.712 thành phố, đô thị, thị xã ở 84 quốc gia, vùng lãnh thổ công bố tham gia chiến dịch Giờ trái đất 2009 .Ở VN,từ 20 giờ 30 - 21 giờ 30 ngày 28.03.2009 đã có những tỉnh, thành là Hà Nội, Hải Phòng, Hội An, Huế, TP.HCM, Khánh Hòa... hưởng ứng sự kiện này tắt điện 1 giờ .

Sinh viên Huế “nối vòng tay lớn”
với khắp hành tinh trong “Giờ trái đất” - Ảnh: Ngọc Vinh
Theo hãng tin AFP, vào lúc 20 giờ 30 phút ngày 28.3, vùng biển quanh cảng Sydney (Úc) đã chìm trong bóng tối 1 giờ, chính thức bắt đầu chiến dịch Giờ trái đất. Gần 4.000 thành phố, thị trấn của 88 quốc gia đã tham gia vào chiến dịch chống thay đổi khí hậu này. Khoảng 371 địa danh nổi tiếng toàn cầu đã lần lượt tắt đèn, có cả thủ đô Vatican, thác Niagara, tháp Eiffel, tòa nhà Empire State, khu sòng bài Las Vegas, tháp đôi Petronas, sân vận động Tổ Chim… Tại Singapore, một tổ hợp khách sạn đã yêu cầu khách ngủ "nude" hoặc không bật máy điều hòa nhiệt độ

Thứ Sáu, 27 tháng 3, 2009

THƠ NGUYỄN MIÊN THẢO

đoá lặng thầm

Người ta hái nụ tầm xuân
Anh xin hái đoá lặng thầm em thôi
Mặc ai muốn hái sao trời
Anh về cất giữ nụ cười tháng Giêng
Dù ai nói đảo nói điên
Anh ngồi tĩnh lặng hành thiền nhớ em

Thứ Năm, 26 tháng 3, 2009

TRANG VĂN NGÀY CŨ - SỐ 16

tác giả và nhà thơ Lê văn Ngăn,
Võ Quê, Thái Ngọc San
Tình yêu muôn thuở
Đôi bạn thơ đa tình
Thời đại internet đã dần thay đổi các phương thức thể hiện tình yêu. Các bạn trẻ của "thế hệ @" có thể không cần đến bức thư tình viết tay diễm lệ, không biết chuyện "trồng cây si" trước cổng trường... Thế nhưng một thời cách đây chưa xa, người ta đã yêu như vậy.
Chiều bên quán vỉa hè trên đường Đoàn Thị Điểm, nhìn ra Thành Nội với cánh cửa Hiển Nhơn rêu phong, mỗi lần về Huế nhà thơ Lê Văn Ngăn lại ngồi lai rai vài chai bia Huda với bạn bè cố cựu. Con đường này, thế hệ thanh niên Huế những năm 60 thế kỷ trước vẫn quen gọi tên theo ca từ của Trịnh Công Sơn là "đường phượng bay". Cũng tại nơi này, có một quán cà phê mà nhạc sĩ và bạn bè thường ngồi để nhâm nhi mỗi khi chiều đến. Trải qua bao nhiêu năm, quán đã thay chủ, đường cũng thay tên, nhưng nỗi miên man của những người nghệ sĩ già vẫn vậy. Cuộc lai rai cứ sau vài chai thăm hỏi, những nghệ sĩ già lại trở về với khung trời xa vắng. Và nhà thơ Lê Văn Ngăn bao giờ cũng hồi tưởng về kỷ niệm khó phai của những mối tình đầu chóng vánh. Chí ít cũng đã hơn 30 năm, những kỷ niệm đó qua lời kể hóm hỉnh, duyên dáng của nhà thơ, vẫn nồng nàn cảm xúc.

Nỗi nhớ... cà rem

Câu chuyện thứ nhất kể về một người bạn gái của nhà thơ thời còn là học sinh trường Tiểu học An Cựu. Thời đó, các học sinh con nhà khấm khá lắm mới có tiền ăn quà vặt. Và món "thượng đẳng" cũng không gì sang hơn cây cà rem mát lạnh đầy cám dỗ với âm thanh leng keng ngay trước cổng trường, giờ tan học. Những đứa trẻ thời đó, ăn cà rem đâu dám cắn mà chỉ mút cho vị ngọt mát tan dần trong miệng, để kéo dài niềm khoái cảm.
Người bạn gái của nhà thơ là con nhà khá giả. Cứ nhìn cảm xúc trào dâng qua lời kể, đủ thấy hai người chừng như đã có tình ý với nhau. Mỗi buổi tan trường, cô gái kiêu hãnh với cây cà rem trên tay. Thèm lắm, nhưng nhà thơ vẫn "giữ thể diện" nên đâu dám ngỏ lời xin... ăn ké. Một bữa, gần đến tiết hè, trời Huế oi nồng nóng bức. Vừa bước ra khỏi cổng trường, nhà thơ đã thấy cô bạn gái cầm cây cà rem. Không kiềm chế được nỗi thèm, nhà thơ liều mình xấn tới. "Cho mình mút cái!" - câu nói khó khăn nhất bật ra khỏi miệng. Người bạn gái liếc mắt đầy ẩn ý. Nhà thơ tiến tới sát hơn. Cô gái đưa cây cà rem đến gần miệng nhà thơ thì... rút lại. Nhà thơ năn nỉ: "Cho mút cái nờ!". Cô gái lại đưa que cà rem ra. Khi nhà thơ vừa há miệng đủ để ngậm lấy cây cà rem thì bất ngờ một ngón tay ướt đã chìa vào miệng. Thay vì được hưởng một miếng ngọt ngào mát lạnh, nhà thơ lại đón nhận một hương vị hoàn toàn trái ngược. Ngón tay vừa nóng vừa mặn. Cô gái cười tinh quái rồi bỏ chạy mất hút sau đám học trò nhí nhố. Nhà thơ đứng lại một mình với nỗi thẹn thùng ngơ ngẩn. Chỉ có vậy, mà cái ngón tay người con gái đã bám theo nhà thơ đến tận bây giờ...

Rung động trên cầu Tràng Tiền

Câu chuyện thứ hai cũng liên quan đến một người con gái. Thời chàng trai đa tình Lê Văn Ngăn còn học trung học, cứ mỗi chiều lại rong ruổi khắp phố phường của miền núi Ngự sông Hương để tìm ý thơ. Buổi chiều, những chàng trai hay đi bộ trên cầu Tràng Tiền để chờ đợi những tà áo dài tan học. Trong số những nữ sinh mơ mộng ấy, nhà thơ để ý một người. Cô gái dường như đã biết được tình ý nên cũng thường xuyên thả gót tha thướt dạo qua cầu. Không ai nói với ai câu nào, chỉ có ánh mắt vẫn nhìn nhau. Đã thành một thói quen, hôm nào trên cầu thiếu bóng dáng của người con gái ấy là đêm về nhà thơ khắc khoải chẳng thể ngủ yên.
Một ngày, cô gái không đi bên kia đường như mọi khi. Nàng đột ngột đổi hướng đi qua ngang lối mà nhà thơ vẫn đứng nhìn. Trái tim chàng trai trẻ rung lên. Khoảng cách rút ngắn dần cho đến khi hai người chạm mặt. Cô gái e thẹn bước ngập ngừng, trong khi nhà thơ đứng chết lặng. Khi cô gái sắp bước qua nơi nhà thơ đứng, một làn gió nhẹ thổi tung tà áo dài vương vào bàn tay của chàng thi sĩ. Cái cảm xúc lướt qua nhanh ấy không thôi cũng đủ làm nhà thơ ngất ngây niềm hạnh phúc, để thành thơ:
"Không phải chỉ một mình tôi dưới rặng thông đêm

vì bên tôi còn có tiếng chân em dẫm lên mặt đường mười năm trước
vì bàn tay tôi còn nguyên cảm giác khi chạm vào tà áo em mười năm trước.
Không phải chỉ một mình tôi trở về căn phòng trọ ngồi lại bên ngọn đèn và trang sách mở
Ngỡ như em sắp thức dậy nhen lửa trong tiếng mưa khuya"
(Không phải như thế)

Trao thơ tình cho tình địch

Một chuyện tình khác khá ngô nghê liên quan đến cả nhà thơ Lê Văn Ngăn và người bạn chí cốt của anh là cố nhà thơ Thái Ngọc San. Hai nhà thơ là bạn thân từ phong trào sinh viên tranh đấu. Nếu như Thái Ngọc San bụi đời và quyết liệt chừng nào thì Lê Văn Ngăn trầm lắng và mơ mộng chừng ấy. Câu chuyện họ cùng nhau trốn lính trên một căn gác nhỏ của Thư viện Đại học Huế diễn tả tính cách hồn nhiên thi sĩ của Lê Văn Ngăn. Đó là những năm tháng đấu tranh khốc liệt nhất của phong trào sinh viên miền Nam. Để tránh những cuộc bố ráp lùng sục của cảnh sát chế độ cũ, hai chàng trai đã lên trú ẩn trên căn gác nhỏ của một thầy giáo trên tầng hai của thư viện. Nơi đây, họ bàn tính chuyện kết nối đường dây để thoát lên rừng. Một lần đang ngồi chờ liên lạc với một đầu mối trong nội thành Huế, Lê Văn Ngăn chợt suy tư: "Ê, San này, lên rừng mình có được uống cà phê không hè?". Nhà thơ Thái Ngọc San cười: "Người ta đang lo bao thứ lớn lao của cuộc cách mạng, chỉ riêng một mình Lê Văn Ngăn đi lo chuyện lên rừng không có cà phê".
Điều thú vị là cả hai nhà thơ đa tình này đều làm thơ tán gái. Nhà thơ Lê Văn Ngăn, vốn cũng là bạn rất thân với N.Y.Th. Ông Th. có một người em gái mà nhà thơ Lê Văn Ngăn rất mê nên đã nhiều lần làm thơ để tặng. Những bài thơ tặng người con gái này thường được tác giả gửi qua một người bạn trai khác trong nhóm để nhờ làm "chim xanh". "Chim xanh" vẫn nhận thơ của chàng thi sĩ mơ mộng đều đặn nhưng thơ đi mãi vẫn không thấy hồi âm. Chiến tranh đến hồi ác liệt và người bạn trai làm "chim xanh" bị địch bắt đưa ra Côn Đảo. Sau năm 1975, đất nước giải phóng, người tù cách mạng trở về và ngay sau đó anh làm đám cưới với người đẹp. Lúc này, Lê Văn Ngăn mới vỡ lẽ ra rằng anh đã trót trao thơ tình cho chính tình địch !
Trong khi đó, nhà thơ Thái Ngọc San cũng làm thơ tặng một cô gái khác. Cô gái này không ai khác chính là người hiện đang "đầu bạc răng long" với nhà thơ Lê Văn Ngăn. Những lần về Huế giỗ bạn, nhà thơ Lê Văn Ngăn vẫn thường tiết lộ với bạn bè "những bài thơ nớ như răng chừ mình cũng không được biết, vì đó là tài sản riêng của vợ"...
Bùi Ngọc Long

Thứ Tư, 25 tháng 3, 2009

THƠ HOÀNG THỊ THIỀU ANH

em đánh cắp
trái tim anh rồi
Em đánh cắp trái tim anh rồi!
Anh đau không anh?
Mà đôi mắt cứ u uẩn hoài

Để ngày đêm: anh và em
Ta chơi trò cút bắt
Một đời tìm
Tìm mãi…
Chẳng thấy nhau
Em đánh cắp trái tim anh rồi!
Anh vui không anh?
Mà vần thơ cứ say hoài trong nỗi nhớ
Ngày-đêm trăn trở
Gặp nhau,cười tái buốt…ngàn sau
Em đánh cắp trái tim anh rồi!
Anh sống làm sao?
Những đêm lang thang
Gọi,gào…
Nát nhàu kí ức
Tìm hoài trong thầm lặng
Riêng mình.
Anh ơi!

Thứ Ba, 24 tháng 3, 2009

THƠ NGUYỄN MIÊN THẢO

khi nhận được tin em

Một ngày mới để yêu thương
Một ngày mới để vấn vương một ngày
Cám ơn em.Cám ơn đời
Cám ơn tất cả mọi người yêu nhau



Thứ Hai, 23 tháng 3, 2009

CHUYỆN ĐẦU TUẦN - SÔNG HƯƠNG ƠI...

Xin tặng những hình ảnh này
đến lãnh đạo đảng và chính quyền
Thừa Thiên - Huế

Không giống như những dòng sông bình thường khác. Sông Hương mang trong mình vẻ đẹp trữ tình đầy chất thơ, gắn liền với văn hóa Huế, con người Huế.
Vẻ đẹp ấy không chỉ tồn tại trong tiềm thức mỗi con dân nước Việt mà còn lan tỏa ra khắp thế giới, Sông Hương được thế giới công nhận là di sản văn hóa của nhân loại. Thế nhưng trong quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa ngày nay, con người nơi đây lại dường như vô tình với vẻ đẹp ấy, chỉ biết tận thu, vắt kiệt sức lực của dòng sông mà thiếu hẵn sự chăm sóc.

Mạn phép tác giả,xin gửi tặng những tấm ảnh này đếncác ngài lãnh đạo đảng và chính quyền Thừa Thiên - Huế

Rác thải trên bờ bắc sông Hương phía sau chợ Đông Ba


Dân đò buôn bán quanh chợ Đông Ba và...rác



Bãi rác trước bến đò du lịch trên đường Chi Lăng
Biết bao du khách trong và ngoài nước nghĩ gì khi du thuyền đi ngang qua đây?!


Rác trôi nổi theo dòng nước ở đoạn Bao Vinh



Con người sống và gắn bó với sông Hương nhưng trả ơn sông bằng ...rác và nước thải


Nguồn : Tuổi Trẻ Online




Chủ Nhật, 22 tháng 3, 2009

NGUYỄN MIÊN THẢO - ĐÁM CƯỚI THI SĨ NGUYỄN ĐỨC SƠN


Đám cưới Thi sĩ
NGUYỄN ĐỨC SƠN

Tình cờ tôi gặp nhà sư Nguyễn Đức Vân ở quán cà phê Bông Giấy ,vui miệng tôi bảo với sư thời trẻ tôi có thời gian sống vơi bố Nguyễn Đức Sơn hơn 1 năm ở chùa Tây Tạng Thủ Dầu Một-Bình Dương. Sư Vân nghe vậy chuyễn ngay cách xưng hô gọi tôi bằng chú và tôi vẫn gọi sư Vân bằng Thầy. Tôi kể cho Sư Vân nghe một số câu chuyện về bố anh thời trẻ, là những giai thoại có thật, trong đó có chuyện Đám cưới của bố mẹ anh: Thi sĩ Nguyễn Đức Sơn và chị Nguyễn thị Phượng.
Nguyễn Đức Sơn là một người đầy cá tính mà nếu không hiểu thì tưởng là …khó tính.Tính cách của ông khác người, luôn mâu thuẫn với chính mình.Tôi nghĩ sự ” va chạm “ nội tại đã đưa ông tới đỉnh điểm của sáng tạo trong tác phẩm của ông. Tâm địa ông thì rộng bao la nhưng hay… thù vặt; rất mê chủ nghĩa Cộng sản nhưng không ưa “cách mạng”, sẵn sàng chửi cả những người khen ngợi ông dù người khen rất thật tình và có nhân cách nhưng trong bụng Nguyễn Đức Sơn thì sướng rơn. Tôi ví dụ một câu chuyện nhỏ: Sau khi tập thơ Những Bài Tình Đầu ra đời, nhà văn Tam Ích, một nhà văn đứng đắn và nổi tiếng thời đó viết một bài phê bình khen thơ Nguyễn Đức Sơn hết lời. Nguyễn Đức Sơn viết một bức thư ngắn nhờ tôi đem về Sài Gòn trao tận tay nhà văn Tam Ích. Nội dung lá thư không phải là lời cám ơn mà vỏn vẹn một dòng chữ như sau : Bởi vì ông là nhà văn đứng đắn nên tôi không biết chửi ông như thế nào. Nhà văn Tam Ích nhận thư, không giận, lại viết thêm một bài ca ngợi N Đ Sơn là thiên tài, mặc dầu không nói ra nhưng tôi biết N Đ Sơn sướng trong bụng lắm. Sướng không phải vì được khen mà vì có cớ để chửi người khác.
Tôi kém N Đ Sơn 9 tuổi mà tính theo tuổi mụ năm nay tôi đã 64, quĩ thời gian sắp hết nên nảy ra ý định viết một số giai thoại độc đáo về N Đ Sơn mà tôi từng biết, có gì sai Sơn còn có thể bổ sung đính chính và còn kịp thời gian để …chửi. Nguyễn Đức Vân cũng khuyến khích :”Chú viết đi”

Tôi vào Sài Gòn khoảng giữa thập niên năm 1960, thuê một phòng trọ ở khu Nguyễn Thông nối dài gần ga xe lửa. Một hôm vào khoảng 9 giờ sáng, một người đàn ông khoảng 30, áo quần chỉnh tề, thắt cà vạt, tay ôm một chồng sách trên 20 cuốn đến gõ cửa phòng tìm tôi (sau này tôi mới biết khi nào đi đâu N Đ Sơn cũng thắt cà vạt vì trốn lính). Anh giới thiệu là Nguyễn Đức Sơn và hỏi tôi có phải là Tụng không (Tụng là tên tục của tôi mà chỉ những người thân mới biết), thì ra do Thái Ngọc San giới thiệu. N Đ Sơn hỏi sơ tình hình ăn ở của tôi và bảo: Cậu cầm mấy cuốn sách đem bán ăn cơm tạm, ít hôm nữa moa lên đón cậu về Bình Dương. Một tuần sau anh lên đón tôi thật. Thực ra tôi biết N Đ Sơn từ trước, chỉ là chưa gặp mặt.Tôi biết anh khi tờ MẶT ĐẤT do anh chủ trương ra đời và tôi có gửi thơ nhưng chưa được đăng. Nguyễn Đức Sơn sinh sống bằng nghề dạy Anh văn, đời sống rất đạm bạc bây giờ lại thêm một miệng ăn quả là vất vả. Nhà N Đ Sơn khá rộng, không phên vách, bốn bề lộng gió, nằm trên đường Thích Quảng Đức, cách chùa Tây Tạng khoảng 300 mét. Ngôi nhà vừa là phòng học, thư viện vừa là nơi ăn ở. Học trò học với Sơn khá đông, nhưng cuối khoá học chỉ còn vài ba em nên cả hai thường đói. Chỉ cần không trả lời đúng câu hỏi hoặc làm sai bài tập là bị đuổi và đặc biệt học sinh bị đuổi được …trả lui tiền học phí đã đóng trước đó. Thế mà khoá nào học trò cũng đăng ký học rất đông. Cơm chùa thì không thiếu, cửa chùa thì rộng mở nhưng N Đ Sơn cấm tiệt không ăn cơm chùa vì đang thời gian “tìm hiểu “ cô Phượng, cháu của Hoà thượng Thích Trì Bổn. Và thế là chúng tôi trở thành những kẻ ăn trộm bất đắc dĩ và bảo đảm không bao giờ bị bắt. Ngày nào hết gạo mà hết gạo hầu như thường xuyên, Sơn rủ tôi đi dạo vườn chùa, muc đích là xem vị trí của những quả bí đao, bí ngô để chờ tối rình mò đi làm đạo chích.Thực ra hái đôi ba trái ban ngày ban mặt chẳng ai nói gì nhưng Sơn thích vậy. Bí đao hoặc bí ngô cứ rửa sạch, gọt vỏ và nấu nhừ, bỏ một chút muối và xúc ăn bằng bánh tráng. Những hôm có chút tiền Sơn đi chợ và làm đôi món ăn rất ngon, phổ biến là món xúp xương heo hầm cà rốt, khoai tây.
Cuộc tình của Nguyễn Đức Sơn và cô học trò Nguyễn thị Phượng chín mùi khi nào thì quả tình tôi không hay biết. Một hôm vào khoảng giữa năm 1967, 1968 gì đó (tôi không nhớ chính xác), N Đ Sơn nhờ tôi lên báo với Thầy Thích Thanh Tuệ in gấp tập thơ Đêm Nguyệt Động để kịp ngày đám cưới. Và khoảng mươi ngày sau, đám cưới Nguyễn Đức Sơn –Nguyễn thị Phượng được tổ chức tại chùa Tây Tạng, Thủ Dầu Một-Bình Dương.
Từ sáng sớm, môt chiếc xe con 4 chỗ ngồi đỗ trước nhà Nguyễn Đức Sơn, Sơn trong bộ com lê màu sẫm sang trọng, đầu húi cua đã chờ sẵn đón những người trên xe bước xuống, đó là Đại đức Thích Thanh Tuệ, chủ Nhà xuất bản An Tiêm; Giáo sư, nhà văn Bửu Ý và Đại đức Thích Nguyên Tánh tức nhà thơ Phạm Công Thiện, Khoa trưởng Văn Khoa Đại học Vạn Hạnh. Khi biết tập thơ Đêm Nguyệt Động không in kịp ,N Đ Sơn chào đoàn nhà trai một câu chửi: “ Đ. mẹ…mẹ thầy, thầy có biết ngày này là ngày ngày trọng đại của tôi không? “Thầy Thanh Tuệ cười trừ còn mọi người đã biết N Đ Sơn là ai.
Đám cưới cử hành tại Đại điện chùa Tây Tạng,Thượng Toạ Thích Trì Bổn, trụ trì chùa, cậu ruột của cô dâu Nguyễn thị Phượng đại diện nhà gái vừa là chủ hôn (Phượng mồ côi cha mẹ ở với cậu từ nhỏ), Đại đức Thích Thanh Tuệ, đại diện nhà trai, Đại đức Thích Nguyên Tánh (Phạm Công Thiện) và nhà văn Bửu Ý phụ rể. Trong khi niệm hương lễ Phật,Thượng toạ Thích Trì Bổn và Đại đức Thích Thanh Tuệ quì phía trước, Sơn và Phượng quì phía sau, Sơn dùng miệng mum hết chân nhang, khi cắm nhang vào lư, ba cây nhang của Sơn lùn tịt, không giống ai. Khi qua làm lễ cáo tổ tiên, Sơn láy mắt với tôi, tôi nghĩ Sơn bày trò gì đây nhưng không doan ra. Bàn dọn cỗ là loại bàn tròn bằng gỗ, mặt bàn rời đặt trên cái giá 4 chân hình chữ x, Sơn và Phượng quì trươc bàn cáo tổ tiên, lạy bốn lạy, Sơn lạy thêm một lạy, trồi người tới trước, khi đứng dậy, đầu đội vào cạnh bàn, cỗ bàn bị lật đổ không còn một món. Những người dự lễ cưới không ai không cười, trừ Bửu Ý.
Một tuần lễ sau đám cưới, tôi từ Sài Gòn về Bình Dương thăm vợ chồng Nguyễn Đức Sơn, vừa bước vào nhà tôi thấy Sơn cầm một con dao dí Phượng vào sát vách, Tôi kêu lên: Sơn, làm gì vậy? Sơn vứt dao, choàng vai tôi bước ra ngoài: moa muốn đo sự sợ hãi của Phượng như thế nào!
Từ dạo đó tôi không còn gặp Nguyễn Đức Sơn cho đến những ngày đầu tháng năm 1975, tôi gặp lại Sơn trong một ngôi chùa ở Gia Định .
Saigon 2009
NMT

Thứ Sáu, 20 tháng 3, 2009

HOÀNG THỊ NHƯ HUY,NGHỆ NHÂN ẨM THỰC VIỆT

Yêu thơ phú văn chương và thích viết lách, chứ chẳng mê nấu ăn như những cô gái Huế đảm đang khác. Thế nhưng số phận lại đẩy đưa cô đến với nghề để rồi không thể dứt ra được.

15 năm ấy biết bao nhiêu... nghề

Tốt nghiệp hai trường Sư phạm và Văn khoa Huế rồi trở thành một cô giáo dạy văn, thế nhưng cô giáo Hoàng Thị Như Huy lại gắn bó cuộc đời mình với những mùi vị món ăn. Cái nghề đến với cô như có sự định đoạt của số phận.
Hoàng Thị Như Huy sinh năm 1953, trong một gia đình nhà giáo Huế. Nối nghiệp gia đình, ngày đất nước thống nhất, cô đã giã từ quê hương đến gõ đầu trẻ ở tận Quảng Nam. Năm 1981, mẹ chồng cô bị tai nạn hiểm nghèo. Vì hai chữ hiếu đạo, cô đã nghỉ dạy để trở về Huế chăm sóc cho mẹ. Về Huế, cô xin chuyển công tác giảng dạy nhưng mãi vẫn chỉ nhận được câu trả lời... không có biên chế. "Qua bao đêm nằm trằn trọc suy nghĩ, tôi hiểu rằng khi cái chữ đã không nuôi sống được nữa thì mình phải dùng đến hai bàn tay để lao động". Từ đó, cô sống lặng lẽ và làm không biết bao nhiêu nghề, từ bỏ hàng thuê, trông trẻ, rồi nấu ăn thuê cho các nhà hàng..., chỉ mong đủ tiền mua thuốc thang cho mẹ và các con ăn đủ no. Và tình cờ, từ những món ăn cô nấu, cô đã được Tổ chức Schzmith Foundation tài trợ, mở lớp dạy nữ công gia chánh. Từ đây cô bắt đầu có ý tưởng chuyển hướng cho sự nghiệp của mình. Cô đã dự thi tuyển và trở thành bếp trưởng khách sạn Sài Gòn - Morin. Đó cũng là thời điểm tạo nên bước ngoặt trong cuộc đời cô sau này, đó là trở thành Nghệ nhân dân gian ẩm thực Việt Nam.
Năm 1996, mẹ chồng cô qua đời. Hoàn thành bổn phận của một người con dâu với mẹ chồng, để mở mang vốn hiểu biết về ẩm thực 3 miền, một mình cô "lều chõng" và Sài Gòn học nấu bếp tại trường Trung học Du lịch và Khách sạn TP.HCM. Tại đây, để có tiền trang trải, cô vừa học vừa xin giảng dạy về văn hóa ẩm thực Huế, cách chế biến và phục vụ các món ăn truyền thống và Cung đình Huế. Năm 2000, trường Trung học Nghiệp vụ Du lịch Huế thành lập, cô lại dự thi tuyển và được chọn làm giáo viên Trưởng bộ môn Kỹ thuật chế biến món ăn. Từ đây cô chính thức trở về với nghề truyền thống của gia đình và bắt đầu biên soạn giáo trình và hệ thống ngân hàng đề thi chuyên ngành bếp. Ngoài ra, cô còn tham gia giảng dạy tại Trung tâm xúc tiến việc làm Hội Phụ nữ tỉnh Thừa Thiên-Huế, trường Trung học Nghiệp vụ Du lịch Huế, trường Đại học Nông lâm Huế..., đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ bếp cho TP.HCM, khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Trong 15 năm ấy, cô đã đi qua và làm không biết bao nhiêu nghề để hôm nay trở thành một giáo viên chuyên về ngành bếp, viết và biên soạn cách thức chế biến các món ăn để truyền lại cho các thế hệ học trò hôm nay.

Ẩm thực diễn... thơ

Có lẽ kỷ niệm đáng nhớ nhất trong quãng thời gian học nấu bếp ở Sài Gòn của cô là trình bày bài thi... bằng thơ. Với cách trình bày thông minh "có một không hai" này, cô đã lấy trọn số điểm tuyệt đối là 70/7 môn thi. Không những thế, cô đã làm cả ban giám khảo xúc động sau khi nghe cô trình bày món canh chua cá lóc miền Nam với đầy đủ thành phần từ khâu chọn nguyên liệu, chế biến cho đến khi hoàn thành món ăn bằng... thơ. Bài thơ tuy vừa làm vừa nghĩ ra nhưng lại bao quát được toàn bộ nội dung bài giảng cũng như kinh nghiệm của cô giáo mình khi dạy về món ăn này. Bài thơ ra đời lúc đó cô đã bước sang tuổi 46.

Cô Hoàng Thị Như Huy dạy Văn hóa ẩm thực tại trường Nghiệp vụ Du lịch Huế - Ảnh do nhân vật cung cấp
Dường như cái thú văn chương đã ăn sâu vào trái tim của người phụ nữ đất thần kinh. Sau này, khi dạy các học trò của mình, đôi khi cô cũng "tức cảnh" biến lý thuyết bài giảng thành thơ để học trò dễ nhớ, dễ thuộc. Cô tâm sự: "Nói không về lý thuyết mãi, không những trò mà chính người dạy cũng chán. Vì vậy, không ít lần tôi đã chuyển bài giảng thành thơ. Làm như vậy vừa làm cho các em học không chán mà lại nhớ công thức chế biến món ăn rất nhanh". Nói rồi cô đọc cho chúng tôi nghe về món bánh ít khoai tía: "Ăn đi anh !Bánh cung đình cổ xưa của Huế/Thoang thoảng hương thơm nếp mới đầu mùa/Quyện cùng khoai tía tím màu mơ/Nhân đậu ngọt ngào điểm thêm hương quýt/Say lịm hồn ai như uống men nồng/Quết nếp cùng khoai cho mịn nhé/Tay gầy ai đó? Gầy vì ai?/Thêm đường vừa vị đừng ngọt quá/Hấp chín dẻo thơm ấp ủ nhân vàng".

Vinh danh ẩm thực Việt

Năm 1998, cô Hoàng Thị Như Huy sang Pháp tập huấn về ẩm thực châu Âu, tham dự Hội thi đầu bếp quốc tế do Viện hàn lâm ẩm thực Pháp tổ chức. Với vốn kiến thức đã tích lũy và dưới bàn tay khéo léo của mình, sau 3 ngày thi căng thẳng, cô đã giành được Huy chương Ẩm thực, rồi được công nhận là thành viên danh dự của Viện Hàn lâm ẩm thực Pháp. Từ đây, cô đã mang nét văn hóa truyền thống của ẩm thực Huế, ẩm thực VN giới thiệu với nhiều quốc gia trên thế giới như Anh, Pháp, Bỉ... Tham gia thực hiện phim Perfume wine's Mme Huy cho hãng The food hunter film, bộ phim Ẩm thực cung đình Huế cho hãng phim truyền hình London...
Không dừng lại ở việc giảng dạy và giới thiệu về văn hóa ẩm thực trong và ngoài nước, cô còn dành thời gian để đi khắp nơi tìm hiểu, sưu tập và ghi chép lại các món ăn của các vùng miền, dân tộc để viết thành sách cho các thế hệ học trò. Hiện tại, cô đang cố gắng để hoàn thành cuốn Từ điển ẩm thực Huế và Giáo trình ẩm thực Việt Nam. Cô tâm sự: "Ai cũng nghĩ đơn giản ẩm thực chỉ là món ăn, nhưng mấy ai hiểu được đằng sau đó là những nét văn hóa của một dân tộc, một quốc gia thể hiện qua những món ăn đó. Việc biên soạn từ điển và giáo trình về ẩm thực vẫn đang tiến triển tốt. Khó khăn chỉ còn ở vấn đề tài chính".
Với những cố gắng ấy, năm 2005, cô Hoàng Thị Như Huy được Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam trưng bày về cuộc đời và sự nghiệp cho những cống hiến trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục và du lịch. Và năm 2008, cô vinh dự được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ẩm thực VN
.
Bùi Ngọc Long - Minh Phương
Nguồn : Thanh Niên Online

Thứ Năm, 19 tháng 3, 2009

TRANG VĂN NGÀY CŨ - Số 15

Nhà thơ Võ Quê và CLB Ca Huế
Tp Hồ Chí Minh
Nhà thơ
VÕ QUÊ
nặng tình với Huế

Võ Quê sinh ngày 7.3.1948; quê quán: An Truyền, xã Phú An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế , nguyên Chủ tịch Hội liên hiệp văn học nghệ thuật Thừa Thiên - Huế, Hội viên Hội nhà văn Việt Nam.Võ Quê vừa tên thật vừa là bút danh,còn có các bút danh khác: Sao Khuê, Quỳ Lê .Trước năm 1975,thơ ông đăng trên nhiều tạp chí văn học và các tập san đấu tranh của SVHS trong các phong trào đấu tranh đô thị ở miền Nam
Tác phẩm đã xuất bản : Ngựa ca - thơ, in chung Trần Dzạ Lữ, Trần Bản Thiểm , 1969 ; Chị Sáu - truyện ngắn , 1971 ; Giọt máu ta một biển hòa bình - kịch thơ , 1971 ; Nguồn mạch mới - thơ, in chung Thái Ngọc San , 1971 ; Nhờ ơn câu lý lúa ơi - thơ thiếu nhi , 1975 ; Ngợi ca- thơ , 1993 ; Mười thương em bé - thơ , 1993 ; Khúc tri âm - thơ ca Huế , 2000 ; Thơ một thuở xuống đường - thơ , 2001 ; Lửa đường phố - hồi ký , 2003.

HUẾ ĐÊM

Đi trong đêm Huế xuân này
Gió mùa đông băc gửi heo may về
Trường Tiền hắt bóng vào thơ
Riêng tôi hắt bóng ngẩn ngơ với mình
.
Đi trong đêm Huế lặng thinh
Không gian dường có tơ tình ai giăng
Thời gian đứng lại tần ngần
Đợi ai trẻ lại một lần chờ ai
.
Đi trong đêm Huế hoàng mai
Lắng sâu nhịp phách trang đài tri âm
Lạc nhau trong khúc nam xuân
Thương con hồng nhạn nhớ thầm trao thơ
.
Đi trong đem Huế sương mờ
Trong hương vườn ngự trong khuya nguyệt cầm
Nụ hôm hẹn ướp vào xuân
Lời yêu thắm nét son hồng hoa tiên.
.
Đi trong đêm Huế tìm duyên
Thuyền thơ ẩn hiện lửa đèn sông xa…

GIỮA VƯỜN XANH


Em đưa anh qua những vườn xanh
Nắng óng ánh nắng xuyên vòm lá
Chôm chôm đỏ lung linh sắc lửa
Những ngọn đèn thiên nhiên
.
Em mời anh hương vị sầu riêng
Trang thơ yêu thơm vàng múi nhớ
Có phải từng cuộc tình một thuở
Gặp nhau trong trái sầu riêng?
.
Gió bao dung em tóc rối sợi mềm
Tiếng chim hót gọi chiều xuống chậm
Sợ tan biến phút giây đằm thắm
Ngại mặt trời sớm khuất, hoàng hôn…
.
Lời ca em hòa quyện hương vườn
Điều nhơn ngãi đơm mầm lộc biếc
Giọng nam bộ trữ tình da diết
Nghe mặn mà thanh sắc giáng châu
.
Anh tặng em khúc tương tư sầu
Em đừng trách cái buồn trong câu hát
Buồn là nhớ là trông người ươm hạt
Niềm vui thường qua mau
.
Vườn em xanh cây trái ngọt ngào
Anh thầm hẹn một ngày về chợ Lách
Em cần mẫn con ong hiền luyện mật
Hèn chi người và đất cứ duyên nhau
.
Chợ Lách, Bến Tre
8. 6. 2002

CÓ CON GÁI

Có con gái là có thêm thanh sắc
Trong ngôi nhà bừa bộn của ba
Có con gái là ngọt làn hương mật
Dịu dàng xuân thục nữ nhu hòa

Có con gái vườn quê biêng biếc lá
Gió bao dung xào xạc cây cành
Giọng chim hót gọi ngày đi chậm
Mùa hạ thơm sen trắng trong lành

Có con gái cung đàn ngân muôn điệu
Tiếng dương cầm óng ánh pha lê
Bảy sắc cầu vồng thơ và nhạc
Trái vàng thu tím cúc hương về

Có con gái bếp hồng lên lửa ấm
Chén cơm thơm vị ngọc trời cho
Tóc con gái xanh dòng thơ ba viết
Mưa ngày đông ba thôi âu lo

Có con gái bốn mùa ba hạnh phúc
Nụ hôn vui lên đỉnh trán ngoan hiền
Con gom hết những gì ba yêu nhất
Trời đất trăng sao sông núi thiêng liêng...

Huế, 20.12. 2008.

Thơ lục bát giới thiệu đặc sản Huế

CƠM HẾN

Đã nghe ớt đỏ cay nồng
Tìm trong vị hến một dòng Hương xanh
Ruốc thơm, cơm nguội, rau lành...
Mời anh buổi sáng chân thành món quê

BÁNH BÈO

Tôm chấy hồng thắm cánh bèo
Dẻo thơm bột gạo quê nghèo nên thương
Hẹn em ngồi quán ven đường
Bánh bèo kết mối tơ duyên đôi lòng

BÁNH NẬM
Mảnh mai xanh sắc lá dong
Mềm mại bánh nậm ấm trong tay người
Nhụy hồng bột trắng tươi mươi
Xuýt xoa nước mắm ngọt lời tỉ tê

BÁNH BỘT LỌC

Bột trong bọc thịt tôm hồng
Lá xanh em gói ươm nồng hương yêu
Bánh ngon nước mắm cay nhiều
Mời anh bữa lỡ ban chiều cùng em


BÁNH PHU THÊ

Lá dừa ôm bột lọc trong
Ngọt ngào thơm nhụy đậu xanh ửng vàng
Phu thê vui chuyện xóm làng
Mừng nhau tác hợp thiếp chàng hòa duyên

MÈ XỮNG

Thơm tho mềm dẻo ngọt ngào
Mè vàng bột nhuyễn ôi chao! Tuyệt vời!

Món quà xứ Huế em ơi
Kẹo ngon mẽ xững tặng người tình chung

TÔM CHUA






Nguyên là đặc sản miền trong
Theo bà Từ Dũ ra cùng Hương Giang
Tôm hồng, ớt đỏ, riềng vàng...
Vị chua thấm lưỡi nhớ hàng thịt phay



NEM HUẾ

Mời em khai vị món nem
Em nem anh chả tình thêm mặn mà
Nem thơm, chua, ngọt đậm đà
Nhờ ai quết nhuyễn thịt thà đêm đêm

CHẢ HUẾ

Mời anh thử miếng chả này
Nâng ly hào sảng hương say tận lòng
Cung đình chả phượng nem công
Đôi ta nem chả vốn dòng dân gian


TRÉ HUẾ


Tai heo, riềng, thính, tỏi, mè...
Các nguyên liệu chính mới nghe đã thèm
Gói trong lá ổi tươi nguyên
Tré cùng nem chả ông ghiền, bà mê

BÁNH ÍT RAM


Mời em ăn ngậm mà nghe
Bánh ram dòn dụm đắm mê vị nhà
Bánh ít mềm dịu tình ta
Ít ram khăng khít đôi ta chung lòng

BÚN THỊT NƯỚNG KIM LONG

Thịt thơm bún trắng rau tươi
Nước mắm ớt tỏi em mời anh chan
Kim Long vườn cũ nắng tràn
Mời nhau "chút Huế" duyên càng đượm duyên

BÁNH KHOÁI CÁ KÌNH

Cá kình vừa béo vừa ngon
Em đổ bánh khoái xương dòn thịt thơm
Vừa ăn vừa nhấp rượu Chuồn
Món quê dân dã tiếng đồn gần xa
.
BÁNH CANH CÁ LÓC THUỶ DƯƠNG

Bánh canh cá lóc Thủy Dương
Đang thành đặc sản phố phường Huế thơ
Sáng trưa chiều tối đêm khuya
Trẻ già trai gái tìm mê vị nhà
.
BÁNH CANH NAM PHỔ

Nhờ em dáo bột tài ba
Bánh canh Nam Phổ nhà nhà đều ưa
Nhụy tôm hồng thắm màu xưa
Tiếng rao thánh thót bài thơ Ưng Bình *
------
* Ưng Bình có bài thơ về Bánh canh Nam Phổ:
Mời chị mời anh chén bánh canh Nam Phổ
Xơi vô bổ khỏe, có chất bổ có mùi hương
Sâm Cao Ly cũng sút, rượu Quỳnh tương cũng không bì
Lại thêm mát mẻ can trường

BÁNH ƯỚT THỊT NƯỚNG KIM LONG


Kim Long tỏa khói chiều thơm
Thịt em nướng đã ướp hương đậm đà
Bánh ướt dẻo trắng mượt mà
Đón mừng thực khách gần xa lót lòng

BÁNH KHOÁI







Bột tôm thịt trứng ửng vàng
Cùng chung khuôn bánh thơm tràn phố đông
Nước lèo rau sống tỏi nồng
Càng an càng khoái càng… không muốn về

CHÈ HẠT SEN

Hạt sen vừa bổ vừa thanh
Tan trên đầu lưỡi ngọt lành hương xưa
Chè sen mời gọi người thơ
Mát lòng du khách ngẩn ngơ bạn tình

CHÈ BỘT LỌC BỌC THỊT QUAY







Ngọt ngào bùi béo tìm nhau
Thịt quay nằm giữa trắng phau bột mềm

Quen nhau tình đã nên duyên
Chè ngon xứ Huế ngỡ quên đường về

CHÈ ĐẬU NGỰ

Thức ngon xưa tiến quân vương
Tinh hoa trời đất đượm hương kinh thành
Chè đậu ngự mát và thanh
Đêm, dâng chén ngọc an lành châu thân


Người Huế đón Xuân

Mùa xuân về, bên cạnh những thú vui mang bản sắc văn hóa, người dân Huế còn thưởng xuân bằng nhiều cách khác nhau: Người say mê âm nhạc cổ truyền thì thả hồn theo điệu đàn tuyệt kỹ, giọng ca Huế trữ tình với hình ảnh phong hoa tuyết nguyệt, với sao trăng sông nước bằng tâm trạng rạo rực chào xuân hay man mác cảm hoài khi ngắm cảnh sinh tình. Người ham mê võ thuật thì đến với những xới vật mùa xuân tìm cảm giác mạnh hứng khởi xuân tươi. Người chí thú với những giá trị tâm linh mang dấu ấn thiêng liêng một thời khai canh, mở đất thì tìm về lễ hội tín ngưỡng dân gian... Từ những góc nhìn ấy mà bài viết nầy xin trang trọng mời bạn vui xuân cùng Huế.

CA HUẾ
Nghệ thuật ca Huế vốn đã từng kén chọn không gian biểu diễn (tịch bất chỉnh bất đàn), thời gian (hoàng hôn bất đàn), thời tiết (phong vũ bất đàn), người thưởng thức ca Huế cũng phải là người chuẩn mực, trang nghiêm (Y phục bất chỉnh bất đàn), là tay sành điệu mang tính tri âm, tri kỷ (nhân bất thính bất đàn). Giữa mang mang thanh khí đất trời, trong sắc xuân muôn hồng ngàn tía, ca Huế theo tiết xuân lan tỏa, ngân nga, thấm sâu cái tình dào dạt những hòa âm đẹp, vi tế, thuần khiết, cao nhã, sang trọng đang được chắt chiu, nâng niu, gìn giữ: Mùa hoa nở, nước non càng ngời xanh. Khiến tâm hồn khinh khoái. Xuân gấm thêu ước dệt biết bao tình. (Long ngâm - Vui xuân thanh bình, Thanh Tùng).Giá như được dạo thuyền đêm Nguyên tiêu thì lại càng kỳ ảo, người và thiên nhiên là một, xuân tứ càng dâng: Dạo thuyền lúc gặp trăng. Nước trong ngần một hồ băng. Lời gió rụng động muôn rừng. Khi nước mây một vần. Nào là người quen biết. Bóng trăng xa lại gần...(Phẩm tuyết - Dạo thuyền lúc gặp trăng).
Từ mạch nguồn sinh động của quê hương, trong làn khói hương trầm và hương hoa trang trọng, những làn điệu ca Huế bay bổng, dập dìu hơi thở xuân thì xứ sở gợi cảm, gợi tình. Cảnh quan, non nước Hương Bình từ đó được nghệ thuật âm nhạc truyền thống thăng hoa. Giọng hát cung đàn đan thanh hòa quyện với thiên nhiên cẩm tú muôn phương và muôn thuở.Chỉ một đóa hoàng mai cũng trào dâng tứ xuân ca: Tiếng nguyệt cầm lên khoan nhặt, lòng thắp sao trời. Lung linh đêm dài, sáng đường vui. Xuân lai láng, Năm tháng xuân hoài. Tình say, nhạc đời say.Hiên ngoài một cánh hoa nở cho đời. Gởi bên lòng mộng lành ngày xuân, sắc trời xanh trong...Mây vờn qua núi xuân mãi xuân tình... (Cổ bản - Một bài ca xuân).
Đến với Huế trong những ngày xuân. Tết Nguyên Đán, Tết Nguyên Tiêu...du khách trong và ngoài nước không thể không thưởng thức ca Huế được tổ chức theo dạng thính phòng hoặc du thuyền trên sông Hương. Trong khung cảnh thiên nhiên trữ tình, thơ mộng, nhất là những đêm trăng sáng, làn đông phong nhè nhẹ, êm đềm gợn sóng, mờ ảo sương sa. Hương Giang với vẻ đẹp kỳ ảo được hòa thanh vào cung bổng cung trầm réo rắt và lời ca nữ điệu nghệ ngân êm dễ làm say đắm lòng người: Tiếng ca mềm em trỗi một mầm xanh. Lời ca gọi vầng trăng. Níu ngàn sao bay xuống với đời xanh, bóng đêm xa dần...(Tứ đại cảnh - Lời ca gọi vầng trăng).
Thuyền nhẹ nhàng trôi, dưới nước trên trăng. Những giai điệu đàn khách, nam, hơi dựng, hơi xuân, vui buồn cùng lời ca thanh thoát, khoan thai giàu bản sắc Huế thường tạo cho người nghe một mối đồng cảm tương giao với người biểu diễn; với thiên nhiên và con người Huế trầm lặng mà hiếu khách, dịu dàng mà đắm say. Sự đắm say nghệ thuật của một miền đất văn vật được tiếp truyền từ dĩ vãng và lưu giữ, chuyển tải đến hôm nay.
Giữa mùa xuân đẹp cảnh, sinh tình, dòng sông Hương, con thuyền ca đang đón đợi những tâm hồn đồng điệu. Xin trang trọng mời người!


HỘI VẬT LÀNG SÌNH
Từ quan niệm “một linh hồn minh mẫn trong một cơ thể tráng kiện”, tinh thần thượng võ cũng là điều mà người dân Huế thường quan tâm hướng tới mà tiêu biếu là Hội vật làng Sình trong những ngày đầu xuân mới
Như đã thành lệ, hàng năm cứ vào ngày mồng 10 tháng Giêng âm lịch, làng Sình, - tên chữ là Lại Ân, thuộc xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế - một ngôi làng nằm bên hữu ngạn, phía hạ lưu sông Hương lại diễn ra hội vật. Dân gian Thừa Thiên Huế quen gọi là Hội vật làng Sình. Hội vật làng Sinh bên cạnh yếu tố tâm linh, mang giá trị truyền thống dân tộc còn được thể hiện ý chí mong muốn người dân Lại Ân luôn sung sức, khỏe mạnh, rèn luyện cho đàn ông, thanh niên làng được cường tráng cùng đức tính dũng cảm, tự tin, giàu có niềm tự hào quê hương, xứ sở; làng mạc thanh bình, yên ổn, ruộng đồng tươi tốt, ngành nghề phát triển - Lại Ân còn nổi tiếng với giòng tranh tín ngưỡng: Tranh làng Sình.
Ngày diễn ra hội vật mới thật sự là ngày người dân làng Sình ăn Tết. Cùng với xới vật, nơi hội tụ đông đảo đô vật của nhiều vùng đất võ về là sự hiện diện nhiệt thành của ông già bào lão, của nam thanh nữ tú, tuổi thơ từ thành phố Huế, từ các vùng phụ cận về trẫy hội. Mơn man gió sông Hương tràn sắc nắng. Trống làng vang giục giã tứ phương về. Cờ xí rợp sân đình cao xới vật. Người chưn người áo nối cạnh thâm the... Do xới vật nằm bên bờ sông Hương nên thuyền bè cũng tấp nập vào ra, rộn ràng tiếng nói cười du khách. Trước sân đình làng Lại Ân cờ xí phần phật bay trước gió sông Hương. Vui nhất là từ hôm trước và trong ngày diễn ra hội vật, các điểm trò chơi dân gian cũng đã thu hút nhiều khách xuân đến cùng chơi. Đồng thời, khắp nơi trong làng nổi lên hình ảnh các mệ, các o tất bật luôn tay trong các hàng quán cơm hến, bún bò, bánh bèo, bánh nậm, bán bột lọc, bánh ướt, bánh ram ít, bánh tét, cháo lòng, bánh canh, chè... để làm vui lòng thực khách. Đến với đất võ mà không “thời” vài món đặc sản Huế thì chuyến du xuân về làng Sình làm sao trọn vẹn. Ngày hội vật làng Sình luôn sống động. Mái đình xưa truyền thống một đời dân. Con thuyền trôi giọng hò ngân sóng nước. Trai thượng đài gái trây hội mùa xuân...


LỄ HỘI CẦU NGƯ
Mùa xuân Huế, còn có một lễ hội khác mang tính cách tín ngưỡng dân gian nhưng không kém phần sinh động, giàu thanh sắc, hương xuân. Đó là Lễ hội cầu ngư tại làng Thai Dương Hạ, thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang tỉnh Thừa Thiên Huế nhằm suy tôn vị Thành Hoàng của làng là ngài Trương Quý Công (biệt danh của Trương Thiều), gốc Thanh Hoá, là người có công dạy cho dân làng Thai Dương nghề đánh bắt thủy hải sản và nghề buôn bán ghe mành, ngư cụ để đem lại sự no ấm, sung túc, thịnh vượng cho dân làng. Lễ hội cầu ngư làng Thai Dương Hạ bao gồm các nội dung sinh động, nhiều màu sắc dân gian như lễ tế thần linh, tri ân các bậc tiền hiền, lễ cầu ngư và lễ hội đua trải. Lễ tế thần diễn ra khoảng 2 giờ sáng ngày 12 tháng Giêng âm lịch. Một bài văn tế được dâng lên các vị thần linh và các bậc tiền bối của làng, cầu mong quốc thái dân an, mưa thuận gió hoà, đánh bắt cá được mùa, dân làng no ấm, sung túc, thịnh vượng mọi người khỏe mạnh, hạnh phúc. Đêm cầu ngư rộn rã trống chuông. Đình Thai Dương hương trầm nghi ngút. Cờ xí rợp gió lên phần phật. Khuya thiêng liêng giao cảm đất trời.... Khoảng 4 giờ sáng lễ chánh tế kết thúc.
Tiếp sau đó là phần hội cầu ngư. Có nhiều màn hoạt cảnh mô tả những sinh hoạt nghề biển. Trò diễn "bủa lưới" là màn diễn về nghề mang đậm tính chất lễ nghi. Tiếp theo trò bủa lưới bắt cá là màn trình diễn của các ngư dân bán thuỷ hải sản cho các "bà rỗi" (người bán cá) đang chờ sẵn. Màn mua bán kéo dài khoảng hơn một giờ.

Dô ta nào !
Lưới bủa nơi nơi
Dô ta nào !
Lưới câu giăng thả
Nào nhám, nào thu, nào ngừ ... đủ cả
Nào mực, nào tôm, nào vọ ... đầy thuyền

Chương trình ngày hội được tiếp tục bằng cuộc đua trải trên phá Tam Giang. Cuộc đua mang ý nghĩa cầu cho no ấm, vừa được mùa cá, vừa được mùa lúa, thoả mãn ước vọng no ấm của cư dân; đồng thời thế hiện sức mạnh của người dân biển trước đại dương bao la:

Dô ta nào !
Thuyền ta ra khơi
Sóng biển xuân hồng hào sức trẻ
Dô ta nào !
Thuyền ta mạnh mẽ
Lướt đại dương mở hội trùng dương
Lễ hội Cầu Ngư đúng là ngày hội của cả cộng đồng người quê biển, vừa dào dạt lòng yêu nghề, tràn đầy nguồn lạc quan trong cuộc sống vừa chứa chan hy vọng giữa mùa xuân. Lễ hội là nguồn cổ vũ cho ngư dân có thêm sức mạnh để vượt qua mọi khó khăn trong nghề biển nước mênh mông, gió to sóng cả. Hội cầu ngư thành nét xuân tươi. Hồn dân tộc đơm mầm trỗ lộc. Mừng bội thu ngư dân mình đậm da xanh tóc. Mặt trời lên từ phía Thai Dương...









.































Thứ Tư, 18 tháng 3, 2009

THƠ HOÀNG LỘC

một mình

một mình em, một mình tôi
hai ta mà phải chia đôi nỗi buồn
mái đời sắp sửa hoàng hôn
trong nhau, chỉ ngọn đèn hồn lẻ loi

đành em khép đoá tình hoài
phấn hương chừng cũng tan phai ít nhiều
đành tôi lá mỏng cành xiêu
không che em đủ đôi chiều nắng mưa

hai lòng cùng chút niềm xưa
có nhau mà để trang thơ dải dầu
vẫn tôi bèo giạt chân cầu
chờ chi, nước lạc dòng - đau cuối trời

một mình em, một mình tôi
hai ta cứ một mình, đời khổ chưa ?

một đời lãng du

xa, đi - nhớ vẫn nhớ về
có em tiếng guốc khua hè phố quen
với hồn mắt nói vô biên
đời anh từ đó oan khiên rụng dần

sao buồn em hỡi, tình nhân
bao nhiêu tuổi mới có lần yêu say
để anh chết suốt một ngày
khi mùa sương bỏ mù phai áo người

ơi em, buồn quá em – thôi
giúp anh giết trớt một đời lãng du

ngồi nghe em hát

ngồi nghe em hát bài ca quen
nhớ thuở đời ta là con thuyền
sông gió hồ mây còn mấy nữa
mà đáy lòng như cuộn sóng lên

ngồi nghe em hát câu tình phai
em đấy – hay câu hát thở dài ?
muốn hỏi – bâng khuâng dòng nhạc chậm
em, người-ta-yêu vừa yêu ai ?

em khác em rồi . ta khác ta
nỗi gần bi thiết bởi niềm xa
em còn hát chứ ? hay thôi hát ?
ta hoá thân làm một khúc ca

có khúc ca nào chẳng dứt không ?
chứa trong ta tới nốt vô cùng
mấy tờ lạnh lẽo đây, em hát
một quãng đời em níu lại giùm !

Thứ Hai, 16 tháng 3, 2009

CHUYỆN ĐẦU TUẦN - TƯỞNG NIỆM 41 NĂM VỤ THẢM SÁT SƠN MỸ...

Những số phận
SƠN MỸ
(Tưởng niệm 41 năm

vụ thảm sát Sơn Mỹ 16.03.1968)

Đúng ngày này cách đây 41 năm,ngày16-3-1968, nhằm ngày 18-2 Mậu Thân, chỉ trong vòng bốn giờ, 504 người dân Sơn Mỹ đã bị thảm sát bởi một đại đội lính Mỹ. Từ đó đến nay, hằng năm cứ đến ngày 16-3 dương lịch người dân lại đến xã dự một buổi lễ chung; rồi ngày 18-2 âm lịch lại đứng trước bàn thờ nhà, đối diện với nỗi đau riêng của mình.

Năm 1998, lần đầu tiên trong vòng 30 năm, ngày 16-3 dương lịch lại trùng với 18-2 âm lịch. Nhang khói lại âm thầm lan ra trong từng ngõ xóm.
Thư - 24 tuổi, sinh viên Sư phạm Huế, khoa Anh - bắt đầu công tác ở khu chứng tích Sơn Mỹ kể từ hai tháng nay. Thư kể người Mỹ đầu tiên mà cô hướng dẫn đã bật khóc hu hu. Hai lần người Mỹ này ngồi vào bàn định viết vài dòng cảm nghĩ nhưng cả hai lần anh ta đều khóc. "Tôi xấu hổ vì những đồng bào của tôi", anh nói, rồi hỏi Thư: "Người dân Sơn Mỹ còn căm giận lính Mỹ, căm giận nhân dân Mỹ không?". Thư an ủi: "Sơn Mỹ không bao giờ quên những người lính Mỹ đã giết cha, mẹ, anh, em họ. Nhưng trong buổi sáng hôm ấy cũng có những người Mỹ tốt; nếu không có những người tốt đó, thế giới đã không biết tới tội ác này".
Sáng 8-3-1998, chị Thao - một hướng dẫn viên kỳ cựu của bảo tàng - dẫn chúng tôi xuống xóm Thuận Yên. Bà Trương Thị Lê - lúc xảy ra vụ thảm sát bà mới 38 tuổi - kể lại rằng: "Sáng hôm đó, chưa kịp ăn uống gì thì Mỹ đến. Mỹ đến xóm này thường. Mọi ngày vẫn cho kẹo, xoa đầu trẻ con, nên chúng tôi cũng không để ý. Nhưng...".
Herbert Carter, một lính Mỹ đã tự bắn vào chân để khỏi tham gia cuộc thảm sát, nhớ lại: "Tôi thấy một cụ già đứng giữa ruộng lúa vẫy tay thân thiện. Nhưng lính Mỹ hạ sát ngay. Tôi chẳng thấy một Việt cộng nào cả, chỉ toàn những nông dân chạy ra khỏi túp lều, bị đốt và bị bắn chết". Bà Trương Thị Lê hôm đó bị dẫn ra bờ mương, và khi lính Mỹ bắt hơn một trăm người dân cứ đứng lên, ngồi xuống, thì bà nhìn thấy những họng súng. Bà Lê không đứng lên, bà ôm đứa con trai sáu tuổi nằm gí sát xuống bờ mương. Súng nổ. "Nhờ có ba xác chết đè lên, mẹ con tôi mới thoát". Hôm đó, ngay chỗ bà Lê có 102 người bị thảm sát. "Chôn tập trung, không chiếu đương gì cả". Bà Lê khóc, dù đã 30 năm, dù bà đã kể câu chuyện này hàng trăm, hàng vạn lần.
Buổi sáng hôm đó, trên vùng trời Sơn Mỹ còn có chuẩn úy Thompson. Hugh Thompson bay trên một chiếc trực thăng được phái đi tìm "vixi". Qua một ruộng lúa, Thompson thấy một phụ nữ bị thương bèn bắn pháo hiệu xin cứu cấp.
Trung uý William Calley kẻ chỉ huy vụ thảm sát Sơn Mỹ
Nhưng, lính Mỹ mặt đất chạy tới không những không cứu cấp mà còn xả súng bắn chết người phụ nữ kia. Thompson lượn thêm một vòng thì thấy một nhóm khoảng mười người Việt đang bị gom lại. Một tốp lính Mỹ đang dự định giết họ. Thompson ra lệnh cho xạ thủ Lawrence Colburn chĩa súng máy vào bọn lính Mỹ và "bắn ngay nếu lính Mỹ nào bắn vào dân làng". Sau đó Thompson gọi một trực thăng khác tới đưa những người dân này đến nơi an toàn.
Bà Phạm Thị Nhành, lúc đó 14 tuổi, kể: "Bị đưa lên khỏi hầm tôi cứ sợ

bị hiếp, nên lấy đất trét lên mặt. Khi bị đẩy lên trực thăng tôi lại càng sợ, cứ khóc hu hu". Bà Nhành nói thêm: "Tôi không chịu lên trực thăng, cứ nghĩ là chúng xúc đổ ra biển. Nhưng người lính Mỹ trắng cứ cố đẩy lên rồi đóng sập cửa lại. Khi lên đến Trường An trực thăng hạ xuống, người Mỹ ra hiệu cho chúng tôi đừng quay lại nơi lính Mỹ đang bắn giết". Chúng tôi nói với bà: "Người Mỹ ra lệnh cứu bác hôm đó là ông Thompson, ông ấy sắp tới đây". Gương mặt của bà Nhành sáng lên: "Tôi phải cám ơn ông ấy. Chính ông ta đã cứu mạng chín người chúng tôi".
Cũng sáng hôm ấy, trên đường trở về, một người lính của Thompson là Glenn Andreotta nhìn thấy trong đống xác người bị giết một cái gì ngọ nguậy. Thompson ra lệnh hạ xuống và họ tìm thấy một bé trai "khoảng ba tuổi" mình mẩy đầy máu nhưng còn sống. Đứa bé được đưa về thị xã Quảng Ngãi. Thực ra bé trai lúc đó đã sáu tuổi nhưng bị còi. Tên cậu ta là Đỗ Ba.
Bà Nga, cô ruột của Đỗ Ba, kể: "Trong vụ thảm sát đó, mẹ và hai em của Đỗ Ba bị giết chết. Cha Đỗ Ba, tháng 4-1975 là tù chính trị được đưa từ Côn Đảo về, nhưng ông chết bệnh chỉ sau đó vài tháng. Đỗ Ba ở với chúng tôi, năm 1979 cháu đang đi học thì có một cán bộ ở trên xuống xin cho cháu nghỉ học, rồi đưa đi Đức, tố cáo vụ Sơn Mỹ và tham dự trại hè. Trở về cháu có tên mới là Đỗ Hòa. Cháu nó có được ít tiền, lại không chịu được đồng ruộng vất vả nên bỏ đi Sài Gòn. Mãi tới tháng rồi, cháu mới gửi thư về nói là cháu phạm pháp nên đang ở trại K2, Z30A Xuân Lộc, Đồng Nai. Cháu cho biết cuối năm nay sẽ được ra".
Chị Thao, 43 tuổi, quê ở Sơn Mỹ, theo du kích lên rừng từ nhỏ. Sau 1975 chị chỉ học hết lớp 2, tự học hết lớp 12, năm 1984 thi đậu vào Đại học Văn hóa, năm 1988 về quê xin vào làm trong khu chứng tích Sơn Mỹ. Sau đó chị là người phụ trách bảo tàng này. Cũng trong năm 1988, chị Thao hướng dẫn đoàn làm phim Nhớ Sơn Mỹ của người Anh. Những người làm phim cho chị xem những đoạn phim quay cảnh những tên lính Mỹ tham gia vụ thảm sát trở về luôn phải mang theo mình lọ thuốc an thần. Riêng trung úy Calley, kẻ trực tiếp chỉ huy trung đội 1, đại đội Charlie, trung đội bắn giết dã man nhất, cũng đã phải thú nhận với đoàn làm phim: "Tôi có một đứa con gái, mỗi khi nó vấp té, tôi lại có cảm giác như đang thấy những đứa trẻ Mỹ Lai bị bắn gục xuống". Suốt hai tuần liền, chị Thao không lấy một đồng tiền công nào, chỉ xin bộ ảnh gần 100 tấm mà đoàn làm phim thu thập từ Mỹ về những số phận Mỹ Lai.
Trưa 8-3-1998, hàng trăm người dân Sơn Mỹ tụ tập xem một chiếc máy gặt hiệu Yanmar lần đầu tiên được đưa về. Nhưng ở những thửa ruộng khác người nông dân vẫn tay liềm, tay hái, giữa trưa giở cơm nắm ra ăn ngoài đồng. Năm 1997 Sơn Mỹ mới có điện. Cũng trong năm, Nhà xuất bản Văn Học tái bản tập thơ Trẻ con ở Sơn Mỹ của nhà thơ Thanh Thảo (viết năm 1976). Thanh Thảo lại về, và giật mình bởi vẫn còn có bao trẻ em ở đây thất học. Một mình lặn lội vào Nam ra Bắc, Thanh Thảo đi quyên góp tiền để lập một quĩ học bổng cho trẻ em nghèo hiếu học ở làng quê đau khổ này. (Trước đó năm 1994, báo Tuổi Trẻ đã xây tặng Sơn Mỹ năm phòng học, cấp 52 học bổng, trợ vốn cho 14 giáo viên).
Chị Thao mỗi ngày lại thu thập thêm được một chứng tích mới về Sơn Mỹ. Những tấm ảnh mà chị Thao thu thập được phần lớn do Ronald Haeberle chụp. R.Haeberle là phóng viên ảnh thuộc biên chế quân đội Mỹ. Sáng 16-3-1968, một tuần trước khi R.Haeberle giải ngũ, anh được lệnh đi theo đại đội Charlie. R.Haeberle mang theo ba máy ảnh, hai chiếc của quân đội lắp phim đen trắng, còn chiếc của riêng thì lắp phim màu.
Hơn một năm sau, R.Haeberle công bố những tấm hình này trên tờ Life. Hôm đó Haeberle chụp được cảnh một tốp phụ nữ tụm lại với nhau dưới gốc gòn, gương mặt đau đớn và sợ hãi đến cùng cực. Ít giây sau họ bị bắn chết. Haeberle cũng chụp được cảnh em bé trai Trương Năm 4 tuổi bị thương, anh là Trương Bốn 6 tuổi nằm đè lên che chở cho em. Ít giây sau, lính Mỹ xả súng bắn chết hết...
30 năm sau tôi trở lại thôn Cổ Lũy, nơi đại đội của Medina đã thảm sát 97 người, gặp anh Lương Hùng - 49 tuổi, một dũng sĩ diệt Mỹ, một thương binh còn mảnh đạn nằm bên lá lách. Anh Lương Hùng nhớ lại buổi sáng hôm đó khi từ trong địa đạo Mỹ Khê chạy về, thấy những xác chết ngổn ngang, thấy bà thím dâu Võ Thị Mại nằm trên vũng máu, bên cạnh là đứa trẻ sơ sinh. Anh Hùng kể: "Bà thím tôi sinh hồi 5 giờ sáng, 7 giờ tụi lính tới, hiếp cho đến chết". Cặp mắt anh Hùng dần đỏ hoe, rồi nước mắt, cứ thế, lăn xuống hàm râu tua tủa của anh.
HUY ĐỨC (TT 12- 3-1998)







Chủ Nhật, 15 tháng 3, 2009

THƠ NGUYỄN MIÊN THẢO

tuần sau
vẫn có ngày chủ nhật

Chủ nhật Sài Gòn buồn như chó ngáp
Anh nhớ em, không,nhớ tiếng cười
Người đang ở phương trời xa ngái
Có giây phút nào thầm nhớ áng mây trôi

Thứ Bảy, 14 tháng 3, 2009

THƠ NGÔ THỊ HẠNH

Hoa Cúc Xanh
Anh cứ đi như nắng phải xa chiều
dẫu một đêm cũng đủ dài để nhớ…

Anh cứ đi như chưa từng gặp gỡ
bởi mùa thu đâu chỉ có một lần
em sẽ quên như quên hương nồng của gió
như xương rồng quên một buổi nắng mai

Em không trách tình phụ
chỉ trách sự dịu dàng không níu nổi bước chân
em biết cúc xanh giờ đã thành hiện thực
ước vọng xưa đã chạm tầm tay
lại bị tham vọng hôm nay đánh cắp

Những đoá hoa hướng về mặt trời
Em không thể hướng về anh
sắc biển đổi màu mà hoa cúc vẫn xanh

Thứ Sáu, 13 tháng 3, 2009

TRANG VĂN NGÀY CŨ KỲ 14 - NHÀ THƠ CAO THOẠI CHÂU

NHÀ THƠ
CAO THOẠI CHÂU
bàng bạc nhan sắc và
nỗi niềm cố quận

Nhà thơ Cao Thoại Châu tên khai sinh Cao Đình Vưu,sinh năm 1939 tại Giao Thuỷ,Nam Định, Bắc Việt,thời trẻ sống ở Huế rồi Sài Gòn .Tốt nghiệp ĐHSP và ĐH Văn Khoa Sài Gòn- dạy học cho đến 1998.
Có thơ đăng trên hầu hết các báo văn hoc ở Miền Nam từ đầu thập kỷ 1960 thế kỷ trước : Văn, Văn học, Khởi Hành, Nghệ Thuật, Bách Khoa, Thời Tập… Sau 1975 nghỉ viết cho đến 1990 xuất hiện lại trên Mực Tím, Áo Trắng, Thanh Niên, có thời gian viết cho Tuổi Trẻ Cười với bút danh Du Thản Chi, Văn Thị, Khinh Khỉnh v.v.
Đã in : Bản Thảo một đời, thơ 1991
Rạng đông một ngày vô định,thơ 2006

Giải thưởng : Giải nhất thơ ĐBSCL năm 2006

Thơ Cao Thoai Châu sâu lắng , trữ tình ,chân chất,bàng bạc nỗi niềm cố quận và đặc biệt nhan sắc là nguồn cảm thụ không thể thiếu trong thơ ông,đươc liệt vào những nhà thơ chuyên trị thơ tình cùng thời với ông như các nhà thơ Hoàng Lộc,Vũ Hữu Định,Phạm Cao Hoàng...

Thơ
CAO THOẠI CHÂU

ADAM,EVE

Giữa muôn loài ngây dại vô danh
anh bẻ đi một nhánh xương sườn
muối của đất, em thành người nữ
thành bông hồng biết nở trong anh

Suối ngây thơ chưa chảy thành dòng
con cá nào biết lội trên sông
em biết yêu khi thành người nữ
khi ngày chưa biết đổ thành đêm

Adam ơi, em thánh thiện vô ngần
lửa tim em bốc cao vòi vọi
hãy cho em nghe tiếng loài người
bản nhạc đầu tiên trên trái đất

Đêm là đêm rất đỗi dịu dàng
đêm thánh thiện ngày chưa thức giấc
con suối trong mở đường đi thứ nhất
em vô tình đi lạc trong anh

Và em mơ, em mơ thành bất tử
thành bông hồng biết nở trong anh
hãy đưa em trốn khỏi địa đàng
có trái cấm và mối sầu vạn cổ

Eve ơi, tình-yêu-ở-ngoài-cái-chết
đang trở thành quen thuộc tàn phai
khi từ anh trái đất có hai người
sông suối đã âm thầm chảy ngược

Sự bất tử tàn phai cay đắng nhất
anh thấy cần phải chết, eve
con sông bình yên chết giữa đôi bờ
con cá bơi để tự trầm trong nước

Và thản nhiên như điều vô nghĩa
hãy theo anh ra khỏi địa đàng
Jéhovah thành con số lẻ
thành nỗi sầu vạn cổ trong anh

THƠ TẶNG VỢ
Không phải vợ ông Trần Tế Xương
nhà thơ có hai bàn tay trắng
có bãi xa thân cò cánh mỏng
tiếng eo sèo như sóng dậy trên sông

Không phải vợ nhà thơ để hiểu nỗi lòng
của ông quan nửa đời ăn lương vợ
nửa đời leo lét ngọn đèn xanh
người tự thắp trên nấm mồ yên nghỉ

Chiều lang thang trên bến Vị Hoàng
để biết thói đời ăn ở bạc
chút sương nắng luồn trong giá
cỏ cây buồn vội khép quanh thân

Bà sống mãi trong đời thơ Tú Xương
giữa thời buổi có nhiều ông phỗng
đêm cô đơn lặng đi từng tiếng trống
gió đông tàn nghe lạnh rít trên thang

Không làm thơ như Hồ Xuân Hương
để bôi vôi lên đầu lũ trọc
tấc văn chương chôn vùi ba tấc đất
gió thương Bà như thét buổi chiều nay

Không khổ đau như Hồ Xuân Hương
kẻ nổi loạn giữa tro tàn của kiếp
kẻ đứng giữa hai hàng nước mắt
đóng những đinh dài chan chát trên thân

Không phải vợ nhà thơ đất Tiên Điền
hiểu vì sao đời ông khánh tận
giữa chiều vàng mà vó câu Kim Trọng
chàng bù nhìn làm hỏng một tình yêu

Không phải vợ nhà thơ Nguyễn Du
để chia sẻ lý do Kiều bị bán
giữa nhà thơ và bề dầy tác phẩm
nỗi buồn phủ kín những trang không

Là vợ nhà thơ để nhận cùng người

tiếng thở dài những đời sau than trách
biển gào lên khi Kiều ra lầu Ngưng Bích
thân thể người tan nát những đòn roi

Là vợ nhà thơ để hiểu tiếng đàn
tiếng cuộc sống rơi trên vàng trên đá
iếng hương bay và lòng hoa lặng lẽ
tiếng lòng người bị xé lúc sang đông

Tiếng mười năm gửi lại trăm năm
người ra đi tiếp lời dâu bể
áo vẫn xanh trên thân người kỹ nữ
đời vẫn buồn trên vó người Lâm Truy

Ba trăm năm nước sông còn nổi sóng
mặt người thu vẫn nhuốm quan san
cánh hồng gieo trên đời người chết đứng
thi sĩ buồn máu đọng trong tim

Không phải vợ nhà-thơ-của-nhiều-thời-đại
đốt đuốc cho chồng viết Cáo Bình Ngô
một trái tim một thanh gươm mở nước
một mái đầu gửi lại đất Đông Đô

Lỡ theo chồng mười năm chân đất
đưa chàng về nghỉ mát Côn Sơn
Hài cỏ đẹp chân đi đủng đỉnh
áo bồ quen cật vận xênh xang

Không làm thơ như Bà Huyện Thanh Quan
qua đèo Ngang thương những đời lác đác
khói lam tỏa ngập ngừng trên mái bếp
ngựa qua đèo ngại rét lom khom

Mỗi tảng đá rêu phong Thành Nội
còn in hình người con gái Thăng Long
đêm đêm buồn xõa tóc giữa cung trung
hồn cố quận một vầng trăng vương giả

Không phải vợ ông Phan Sào Nam
Hương Cảng - Hoành Tân - Tokyo - Bến Ngự
mà đại dương trong lòng người xứ Nghệ
váy quai cồng cuốc đất thay trâu

Đường thiên lý đi lần tới Huế
mòn gót giầy suốt ba mươi năm
thăm thẳm chiều trên bến sông Hương
nước trong vắt giữa đôi bờ đá dựng

Không phải vợ ông-đồ-của-vũ-đình-liên
nghe tiếng lá đào rơi trên giấy
lá vẫn rơi, lá còn rơi mãi
khi bóng chiều thời đại đã ra đi

Người ra đi có bao giờ trở lại
lòng thuyền không chở nổi lòng sông
dây đàn cũ trên tay người tiếp nối
giữa lòng đời vẫn gảy khúc vô thanh

Không phải bà Bồ Tát Quan Âm
mắt vẫn khép ngàn năm không mở
cuộc trần thế đâu cũng là dâu bể
người rùng mình e gió buổi tàn năm

Là tượng Xi-Va trong cổ viện Chàm
người đàn bà trong Lệ Chi viên
úp xuống đời tôi án tru di tam tộc
đường gươm ngọt ngào đi rất sắc

Là giọt đắng trong hồn tôi tí tách
tiếng ngựa thồ lóc cóc trong đêm
kinh Sáng thế đọc thành lời hủy diệ
là ảnh một người tôi yêu suốt trăm năm

Tân An 01 - 1990

VẦNG TRĂNG CỐ QUẬN
Trăng của ta ơi nuôi chi hận trong lòng
Mà lặng lẽ chìm trong đáy nước
Trong mắt em có vầng trăng thứ nhất
Những đêm rằm xao xuyến cả lòng ta

Ta vẫn lang thang cuối bãi đầu ghềnh
Đi theo ánh của vầng trăng cố quận
Không ai đập mà vỡ ra từng mảnh
Cứ thế theo dòng, tối sáng lênh đênh

Ta ra đi thành kẻ giang hồ
Giày mảnh gót như chút hồn kiêu bạc
Đêm nay dưới vầng trăng xứ khác
Thì rượu giang hồ uống nữa để mà chi

Và em nuôi mối hận làm gì
Để ánh trăng bập bềnh theo sóng
Chiếc bóng phai màu của kẻ ra đi
Trong mắt em không xóa mờ đi được

Không phải anh hùng, không là tráng sĩ
Đêm nay rằm vuơng bóng mây quang
Mà sầu dựng như thành như lũy
Tâm tư không gửi được ánh trăng buồn

Của ta ơi,vầng trăng cố quận
Tự bao giờ chỉ sáng phía sau lưng
Dáng liêu xiêu đi về phía trước
Ta nghe lòng ta quặn thắt đến vô chừng !

6-11-08


TÌNH CŨ
Tặng nhiều người


Đôi khi trong những khúc quanh buồn
Những khúc quanh trên đường rất gắt
Ở những chỗ tưởng như bờ vực
Lại bất ngờ chấp chới bóng hình em

Không phải người nào trong quá khứ
Dĩ vãng trong tôi không có bao giờ
Luôn chỉ là mới sáng hôm qua
Hoặc quá lắm một hôm qua nữa

Những chuyến xe khởi hành rất sớm
Họăc bến phà ngồi đợi giữa đêm khuya
Đèn ở bến bóng còn bóng tắt
Thản nhiên không khái niệm đợi chờ

Dăm mảnh củi của đám xe thồ nào đó
Hơi ấm vẫn còn, cả khói vẫn bay lên
Tự thắp lấy cho mình chút lửa
Cho qua đêm chờ khách nhọc nhằn

Những chuyến xe dừng rất đỗi vô tâm
Vội vã thả dăm người khách xuống
Đám xe thồ ào lên hụt hẫng
Chia chung kẻ đợi chút ưu phiền

Biết bao lần đánh thức bóng hình em
Thức dậy đi như một người hiếu động
Không cũ kỹ như màu dĩ vãng
Mới đây thôi và mới đến khôn cùng

Ở những khúc quanh có khi nguy kịch
Sự sống và cái chết không xa
Giây phút ấy thêm một phen thầm nhắc
Giữa đôi bên không có sự chia lìa

Mới hôm qua và hoàn toàn có thể
Vừa mới đây thôi trong tiếng gió
Nhịp thở nào đây nghe rất rõ
Thổn thức, vui buồn, chắc chắn rất thân quen.!

10-8-2008


BÀI THƠ TÌNH LƯU LẠC
Cũng không ngờ đã bấy nhiêu năm
Chữ người trên giấy đã hoe vàng
Bài thơ biết mấy phen luân lạc
Sống ơ hờ trên kệ sách không quen

Thuở ấy ta còn thơ dại lắm
Vụng về để lạc trái tim nhau
Người về trong buổi hoàng hôn tím
Tím cả người đi lúc xế chiều

Và ta khờ khạo biết bao nhiêu
Thời gian có khi dài, khi tự nhiên rất ngắn
Người đứng lặng giữa phi trường ảm đạm
Người một mình lầm lũi bước lên thang

Không ai muốn giơ bàn tay lên vẫy
Cứ lạnh lùng buông thõng đứng vô tri
Người phi công cũng biết mình có lỗi
Hai nửa cuộc đời, mang một nửa ra đi

Nét chữ ấy vẫn vô cùng mềm mại
Ngón tay người phát vãng cuộc đời ta
Bốn mươi năm thơ biết đường về lại
Không lẽ con đò quên hẳn bến sông xưa

Và như thế, xa muôn trùng hiu hắt
Đã bạc màu theo dấu thời gian
Đã vàng úa cả những gì xinh xắn
Đã hoang mang phiêu lãng đến vô cùng

Mới trở lại nửa bài thơ luân lạc
Không phai gì trong ký‎ ức mong manh
Ta biết Chúa giờ này đang hối tiếc
Lỡ đuổi chúng ta ra khỏi Địa đàng!

Tân An 23-7-2008


LÀ SAO

Bỏ đời ta lại lên non
Nhớ câu nước chảy đá mòn là sao
Núi cao hơn cả trời cao
Đôi bên chẳng có khi nào gặp nhau

Rừng khuya những lá rì rào
Lắng nghe ta biết lá nào thân quen
Lá nào rụng xuống long đong
Lá nào đi hết một vòng tử sinh

Ta nghe, nghe bất thình lình
Ngạc nhiên nghe tiếng hồn mình rụng theo
Lá rơi vèo,lá rơi vèo
Như tình chẳng đếm ít nhiều cũng rơi

Trên cao cũng rất đông người
Lăng quăng đi đứng nói cười tự nhiên
Thân ta chỉ có một mình
Lòng không cứ thế không phên liếp gì

Nghe đời cứ lặng lờ đi
Buồn ta sông suối đưa về miền xuôi
Ở đây còn một ta thôi
Trái tim cũng gửi theo người, là sao?

Là sao, và tự khi nào
Vô tình ai đó lạc vào thơ ta!


EM VÌ TA THAY THẾ MỘT MIỀN QUÊ


Người ta ai cũng có một miền quê
Để có cái đi xa mà nhớ
Tạm biệt quê đi từ thuở đó
Khi nao lòng ta chẳng biết tìm đâu

Ta cậy em đóng thế một cây cầu
Sóng mắt thay sóng sông hiền quê cũ
Em có thắp giùm ta chút lửa
Thay bếp hồng ấm áp buổi vào đông

Chốn quê ấy hồn nhiên như tiếng gió
Chẳng làm buồn như những tiếng về sau
Thuở ra đi chưa hề biết khóc
Không hay rằng như thế một niềm đau

Ta là gã đàn ông giang hồ phiêu bạt
Buổi dừng chân trên bến nước không quen
Chưa nói được nỗi niềm chi muốn nói
Thuyền đi rồi bến ấy của mình em

Ta ghé vào nhau một thời như thế
Em cũng vô tình đóng giả một miền quê
Trong giây phút khi con đò thức giấc
Em bên này ta sang tới bên kia

Trách mà chi đợi chi ngày trở lại
Buồn chi hơn con sóng vỗ lên ghềnh
Trái tim đã một lần sóng vỗ
Âm hưởng bền vang vọng đến trăm năm


GỬI NGƯỜI THỤC NỮ

Cây cũ bờ sông phơi áo rách
Hai chung trà song ẩm một mình ta
Thương cái bến bị đời neo cứng ngắc
Đêm vô hồn nghe gió hú bâng quơ

Thương con nước bị xô ra biển
Con nước bao giờ mà chẳng thanh tân
Mây vô cớ ngàn năm lận đận
Phủ xuống đời chiếc bóng phân vân

Và giai nhân người bao nhiêu nhan sắc
Mà đời đau như bị phân thân
Hương trên trời hương rơi xuống đất
Hoa trong vườn hoa bị chôn chân

Ta uất khí vung gươm làm kiếm khách
Chém dòng sông bên lở bên bồi
Nghe gió hú trên thanh kiếm cụt
Không thấy đầu chỉ thấy lệ mình rơi

Trang thục nữ bỗng đâu thành hiệp nữ
Ly rượu này xin được dâng em
Thân hàn sĩ lấy đâu nuôi ngựa
Lục lạc trong chiều gõ tiếng leng keng


QUÁN CỦA NGƯỜI TÊN V

Đường sinh tử một vòng chưa khép
Tạt vào đây quán trọ đời em
Rót cho tôi chai nào cay đắng nhất
Hồn tôi là một chiếc ly không


Mái quán em tường xiêu giấy lợp
Hào phóng đời cho mượn ánh đèn
Tôi sẽ thắp giùm em thêm chút nữa
Dẫu chỉ là đom đóm trong đêm


Bàn ghế nhựa làm sao rơi loảng xoảng
Rừng ở đâu cho phá đá cưa cây
Em chỉ đưa mượn tạm chiếc ly này
Không cho đập lấy gì phóng đãng

Chủ quán ơi, hôm nay ngày tháng mấy
Nhân loại trừ tôi còn lại được bao người
Mái quán em thành trời cao vời vợi
Để cái nền làm vỡ chiếc ly rơi

Trăm cơn sầu đang đổi cơn say
Tôi đốt quán, em đừng buồn tôi nhé
Mở giùm tôi chai nào cay đắng nữa
Ly vỡ rồi cứ đổ xuống thân tôi


(Giải nhất thơ ĐBSCL 2006)


ĐỂ NHỚ LÚC TRÂM XA

Hình như tôi vừa tiễn một người
có điều gì mất đi trong tôi
lúc qua đèo tôi nhủ mình như thế
lệ có bào mòn núi cũng không nguôi


Mấy giờ trưa nay người lên phi cơ
người mặc áo hoa lần đầu gặp gỡ
hay áo hồng như chiều hôm qua
một buổi chiều mây đen trắng xóa
cho tôi già trong một cõi vô tư


Tôi tiễn người để biết kẻ đi xa
đã mang theo hồn người ở lại
sao người không đi bằng sân ga
có ánh đèn cho mắt tôi vàng úa
đời buồn tênh sao người không đi ngựa
cho tôi nghe lóc cóc trên đường

Tôi không muốn người dùng phi cơ
bởi đôi mắt làm sao ngó thấy
Tôi không muốn người dùng phi cơ
tình chỉ đẹp trong một bàn tay vẫy


Có thật người đã đi chiều nay
hay tiễn đưa chỉ là ảo tưởng
hay chính tôi, tôi vừa khởi hành
vào trăm cõi nhớ nhung vô tận


(Yêu có phải suốt đời níu giữ
một điều gì không có trong tay
yêu có phải là cần thay thế
những cơn buồn vô cớ trong tôi)

Có người đi, sao chiều không mưa
có người đi, sao chiều không nắng
rất lãng mạn, sao tôi không buồn
chỉ hình như có nhiều đau đớn

Thôi hãy đi cho thật bình an
và cô đơn suốt cuộc hành trình
sá gì tôi cành cây nhớ gió
hắt hiu buồn trên đỉnh chênh vênh

Chuyện người đi đã là có thật
thôi cũng đành to nhỏ với hư không
tôi là núi sao người bỏ núi
tôi là thuyền sao người không qua sông

Tôi là cầu sao không qua thử
cho tôi nhìn bóng nước rung rinh
cho tôi nhìn tôi hốc hác điêu tàn
cho tôi khóc và nghe tiếng khóc

Người đi rồi tôi như mặt bàn
ngón tay nào vu vơ trên đó
người đi rồi tôi như chiếc gương
thỏi son nào tô môi trong đó
người đi rồi tôi như chiếc xe
không hành khách ngủ vùi trên bến

Và người đi tôi thành nỗi buồn
không cách nào làm tăng thêm nữa
Người đi rồi tôi còn một mình
làm nhà tu trong căn nhà trống
ai sẽ tắt giùm tôi ánh điện
cho tôi nhìn thật rõ đời tôi
để biết nên buồn hay nên khóc

Pleiku
11-05-1969


LỠ CÓ XA ĐỒNG BẰNG
Cũng đành bứt sợi dây câu
Ra đi để lại một châu thổ buồn

Chân bước không nhấc hồn lên được
Ly rượu đầy không thể nhắp trên môi
Lửa và nếp đã làm nên rượu
Em làm nên tôi ngơ ngác giữa trang đời

Ai nào muốn chôn chân một chỗ
Cổ thụ già rồi mục mất mà thôi
Thì xin chọn làm cây cột điện
Ai quan tâm đứng đấy giữa ban ngày

Một lần xa chắc đâu là xa tạm
Chập choạng ánh đèn buông lưới ra khơi
Trong một mẻ có khi nhiều tôm cá
Biết đâu chừng lưới được cả hồn tôi

Tôi sẽ về như cá nằm trên thớt
Mùa này ruộng lúa cũng đang hong
Trên vết nứt hằng trơ gốc rạ

Nhớ mài cho sắc lưỡi dao em

Xa sẽ nhớ dãy thềm rơi những nắng
Cỏ bình nguyên xanh mượt chân đê
Thương và xa, số phần tôi như thế
Đừng ai tin lời hẹn sẽ quay về.

(Giải nhất thơ ĐBSCL 2006)