Thứ Ba, 30 tháng 9, 2014

TRÊN NHỮNG RÊU PHONG ĐƯỜNG THÀNH NỘI - CAO THOẠI CHÂU


Tặng Nguyên Quân / Lê Vĩnh Thái
*
Tôi về không phải một ngày mưa
Trời tránh cho tôi cái buồn kinh khiếp ấy
Mưa không phải từ trời rơi xuống
Mưa từ lòng đất chui lên!
Con mắt nhìn thôi chưa đủ
Còn phải dài thêm một chút đuôi
Truyện cổ tích không ngừng khi hết kể
Xao xuyến âm vang như để nuôi đời
Tôi đã về dáng đi rón rén
Sợ đụng vào quá khứ
Cả một thành phố tiềm ẩn bên trong
Mấy trăm năm ngổn ngang tâm sự
Kẻ lạ về không ai trông đợi
Đôi mắt nào cũng giống một câu thơ
Đêm sông có sẵn câu hò
Làm quà tặng cho người khác xứ
Về, tôi nghe tiếng thầm thì quá khứ
Những quân vương hoàng đế đâu rồi
Vua đa tình vua làm thi sĩ
Đường Nội Thành mỗi viên đá mỗi rêu phong
Dấu chân người còn in rất rõ
Và dấu chân thơm là chân Công chúa
Lá ngọc cành vàng đi mở giang sơn
Để hôm nay tôi trở lại đi tìm
Hồn cứ ngẩn ngơ trước dòng đời bão lũ

26-9-2014

Thứ Hai, 29 tháng 9, 2014

NHÀ THƠ HẠ NHIÊN THẢO RA MẮT TẬP THƠ ĐẦU TAY

19 giờ ngày 27.9.2012, tại Cà phê Sách Phương Nam thành phố Huế, Tủ sách Văn tuyển TP Hồ Chí Minh tổ chức buổi ra mắt tác phẩm đầu tay " Lạc Mất Mùa Xưa " của nhà thơ Hạ Nhiên Thảo do Tủ sách Văn tuyển tuyển chọn, nhà xuất bản Hội Nhà Văn ấn hành. Dự buổi ra mắt có nhà thơ Nguyễn Liên Châu,chủ trương Tủ sách Văn tuyển, nhà thơ Cao Thoại Châu, nhà văn Tô Nhuận Vỹ,nhà văn Nguyễn Quang Hà, họa sĩ Đạng Mậu Tựu ,nhà thơ Nguyễn Thiền Nghi, nhà thơ Kiều Trung Phương,nhà văn Nguyên Quân,nhà thơ Lê Tấn Quỳnh,nhà thơ Lê Vĩnh Thái, nhà thơ Lê Vũ Trường Giang,nhà thơ Nguyễn Văn Vũ,nhà nhiếp ảnh Phạm Bá Thịnh, một số anh chị em văn nghệ sĩ Huế và bạn bè thân hữu của nhà thơ. Buổi ra mắt trong ấm cúng và thân tình.

Thứ Tư, 24 tháng 9, 2014

HUẾ, THÁNG CHÍN - NGUYỄN MIÊN THẢO



Anh đắm đuối trong mắt em
Quán cà phê vắng người
Chiều tháng chín không mưa

Em hóa thành chiếc lá
 Bay ngoài đồng nội
Anh đi tìm
Bắt gặp nụ hôn xanh

Đường phố vắng tanh
Chỉ còn em và anh
Chiều Thu chết đứng

Thứ Ba, 23 tháng 9, 2014

NGHĨ VỀ NHÀ THƠ PHẠM NGỌC LƯ - CUNG TÍCH BIỀN

1.
Nhà Thơ Phạm Ngọc Lư xuất hiện khá sớm trên văn đàn Miền Nam, trước 1975, qua các tập san văn chương; trong dòng văn học phóng khoát, bay bổng. Thơ buổi này? Là của nửa lãng mạn, và nửa kia của Lửa, trong đấu tranh sống còn. Mỗi tâm thức là nghìn gạn hỏi về phận người trong một Việt Nam phân ly Bắc-Nam. Một Việt nam bị cuộc chiến ác liệt, vừa của bom đạn máu lửa vừa của ý thức hệ thù nghịch. Nó thách thức và ngăn cách toàn triệt với hạnh phúc; lại rất gần gũi trong ý nghĩa lưu đày.

Nhưng đây cũng là thời kỳ may mắn cho những ai làm văn học nghệ thuật, đương nhiên là ở Miền Nam. Vì cái thực tế nơi đây, là đầy rẫy rủi ro lại phong phú những mong chờ. Rất nhiều cảm thán về thân phận nhưng cũng thừa những nụ cười về nghịch lý đời thường. Và, vì họ được sống, được làm Người Sáng tạo, trong một môi trường tự do. Có nghìn tự do lựa chọn. Có biển tư tưởng để tương phùng. Và trên hết, từ một thế giới rộng mở, đa dạng, sấm uất những phát biểu, họ tồn tại trong đầy đủ ý nghĩa của Tồn Tại. Phạm Ngọc Lư là một Đóa Hoa, trong vườn hoa sắc màu hoằng viễn này.
Hồi ấy, hơn ba mươi lăm năm trước, tôi đọc thơ Lư mà chưa hề có dịp gặp mặt. Cứ nghĩ, anh là một người giàu trầm tư, vừa sống vừa phiêu bồng thấy ra:
Ngàn sau hồn chữ rêu phong
Miên man thiên địa… tấc lòng du du…
[Phạm Ngọc Lư]
Vừa Thấy-Ra lại vừa an nhiên cùng Mộng:
Bó đời ta nửa manh chiếu rách
Đêm nằm mộng lớn nuốt mộng con
Chiêm bao cứ thấy mình mọc cánh
Bay với chim trời ra cố hương
[Phạm Ngọc Lư 1971]

Thấy-Ra được cõi “Bạch vân thiên tải không du du”, và an nhiên trong “xử thế nhược đại mộng” ? Thế là đạt. Đạt, là nhìn ra Vô thường.
2.
Những nghìn cơn gió bay. Nghìn thế sự phù du qua vó cửa. Hơn ba mươi lăm năm tôi đọc bài thơ đầu của Lư, tôi mới gặp Phạm Ngọc Lư trong một lần, chiều cuối năm 2008, ở Đà Nẵng.
Kể ra hôm ấy lạnh. Thành phố mù mưa. Gió mạnh. Tưởng có thể thổi bay một bóng người mong manh từ đỉnh cầu sa mù xuống mặt nước sông Hàn. Chúng tôi ngồi trong một quán trà sang trọng. Những liễn đối. Những chiếc độc bình hoa văn. Những bức hoành phi sơn son thiếp vàng. Cái này tương phản cái lưu lạc không biên cương, cái đau đớn không có tận cùng, của thân phận chúng tôi, qua bao mùa trắc ẩn của Đổi Thay. Trà rất nóng và thơm, màu hổ phách. Cái cách của Cung đình Huế tại một xứ Quảng thô tháp không mấy thấm đậm được màu sắc cung đình. Nhưng có Lư và bạn bè. Có thơ, và tâm sự. Có lời cảm ơn lưỡi hái của tử thần đã đậm tình bỏ chúng tôi lại nhân gian, qua bao thăng trầm từ hòn bom trái lửa. Để còn tương phùng hôm nay.
Một làn da trắng lấm tấm bụi phong trần. Một khuôn mặt xương xương khắc khổ. Một giọng nói mềm của Huế. Một thân người mảnh mai. Duy đôi mắt sáng, một vầng sáng đã xám đậm những rêu đời. Đó là chân dung Nhà thơ Phạm Ngọc Lư. Tôi cũng rất mừng là anh còn sáng tác. Và cái tốt đẹp trên cùng, là anh còn giữ được chừng mực cái tinh túy Chính-Mình.
Phạm Ngọc Lư, qua thời cuộc thăng trầm, làm thân phiêu dạt, nhưng không hóa ra bọt bèo. Mà anh đã minh triết nhận ra cái Tính Lý của cuộc Sinh - Diệt:
Đất đá thở ra mùi u uất
Bốn bề hun hút rợn màu tang
Ai chết quanh đây mà cú rúc
Mà cơn gió lạnh réo hồn oan
Ai trong muôn dặm không về nữa
Cố lý mười năm mộng bẽ bàng
[Cố lý hành - Phạm Ngọc Lư]

3.
Trở lại Sàigòn tôi nhận được của Lư hai tập thơ gởi tặng. Đó là hình hài, là hồn cốt Lư, là ngẫu dựng một mệnh người Thơ. Của Lư. Có trước 75, và Còn, sau 75.
Vì sao trong tôi mãi mãi tồn lưu, triền miên lập dựng não thùy cái ám tượng 1975? Hà cớ hiểm hoại nào tôi phải nhắc tới cái hố thẳm Trước và Sau ấy? Vì đó là lúc Cánh cửa Hy vọng, Niềm Riêng đành khép lại. Không chỉ cố mà chôn Quá Khứ, mà còn phải đào huyệt cho Tương lai. Quên quá khứ? là phạm trù của tâm linh trừu tượng. Đào huyệt cho tương lai? là hiện hữu của gánh chịu trong Hôm nay. Con đường trước mặt là lưỡi dao ý thức hệ. Trần trụi. Nhọn. Bén. Mỗi thân phận của Miền Nam, từ Miền Nam, phải bước qua với đôi chân trần. Không cố bước qua bằng bản lĩnh? bằng niềm sỉ nhục? thì xin vui lòng nằm giãy giụa trên cái tấm thớt lạnh lùng. Một tấm thớt vĩ đại, tập thể. Và, có ai đang hí hửng mài dao.
Hiểu cái ngặt nghèo bao la, cái sự vụ rất mênh mông không đếm xuể từ tâm thức này, để ta hiểu rằng thơ của Phạm Ngọc Lư là Thơ-Của-Nỗi-Lòng. Là trăn trở. Là phản chiếu một cách ba chiều của Thực, Mộng, và cái Phi-thực-mộng. Là cửa ngõ, tới lui, từ đan kết trong phiêu bạt phận người. Là dấu hỏi trường miên trong đối diện với Thời cuộc.
Thơ Phạm Ngọc Lư khá khiêm tốn trong phát biểu. Có giới hạn của biểu hiện nghệ thuật ngôn ngữ nhưng độ trải nghiệm thì sâu sắc, thâm trầm. Và chừng mực, ta có thể tinh tế nhận ra.
Buồn quá giả làm con vượn hú
Nào ngờ ta con thú bị thương
[Biên cương hành]
Chiều chết đuối trên sông ngờm ngợp
Nước đua chen đớp bọt nắng tàn
Đò qua sông đìu hiu bến đợi
Buồn rút lên bờ cây khai quang
[Cố lý hành]
Nước đứng tim đêm
Ta còn thở hết ?
[ Bên sông]

4.
Phạm Ngọc Lư khá điềm tĩnh trong hành trình sáng tác của mình, tuy sâu trong tâm khảm, từ biển rộng tâm linh, Lư vẫn cháy bỏng với những khắc khoải, tư duy.Trong bao năm Lư không chạy theo những trào lưu, trường phái, những hào nhoáng ồn ào của thị hiếu. Không làm con thiêu thân để chết non, tàn mùa theo những cám dỗ tức thời.
Thơ Lư hình thức là mẫu mực, cổ điển. Vì ta cứ đủng đỉnh cái Riêng mình. Cái bình cổ sống rất lâu. Chính ở điểm này Lư thành công. Nói được rất nhiều trong biểu hiện điều Muốn Nói. Không cầu kỳ. Không đánh bóng ồn ào mặt ngoài bởi ngôn ngữ rỗng. 
Chữ nghĩa có Xác và Hồn. Cái Xác có thể sơn màu Đỏ, Nâu, Vàng. Cái Xác nó, có thể xác chết vô nghĩa, có thể thành khẩu hiệu trơ trẽn. Nhưng cái Hồn Chữ - nhất là Chữ của Thi ca - khó thể mặc áo cái kiểu đi với Ma phải mặc áo giấy.
Một người Cầm-bút phải trung thành, và lương thiện - dù ít ra, trong tương đối, giữa giới hạn - với giọt mực, trước trang giấy của mình. Đó là điều tôi rất mừng khi trải nghiệm qua Thơ của Lư. Qua những gì trong hai tập thơ Phạm Ngọc Lư gởi tặng tôi.
Hữu xạ tự nhiên hương. Trong ngẫu nhĩ, trong tâm tình lắng đọng, thi ca của mỗi nhà thơ, là mỗi bày lộ cái cảm xúc khi đi trong dặm chiều, nghe nắng trong gió vàng, cái mùi hương nhẹ thoảng. Có những nhẹ thoảng rất lâu bền. Vì sự lưu dấu thì vô cùng.
Lòng ấp ủ một làn hương
Từng đêm âm ỉ lịm buồn lửa tro
Từng đêm le lói, cơ hồ
Người về thắp mộng đốt lò chiêm bao
[Nhớ Trầm - Phạm Ngọc Lư]
Cung Tích Biền
Sài gòn, tháng 8 - 2009
@
PHẠM NGỌC LƯ
Luân Hoán
thiếu chút nữa bỏ sót
người bạn thơ đồng thời
lâu nay ít được rước
ông lên Chiếu ngồi chơi
với tôi, là bằng hữu
ngoài tay bắt mặt mừng
còn khoái cái bản lãnh
người có thú chơi chung
với gần lòng xa mặt
đồng hội đồng thuyền nào
cũng dễ thành thân thiết
tình thơm như ca dao
tôi, ông chưa đụng độ
trên bàn rượu bao giờ
cũng chưa cùng xớ rớ
đi theo một em nào
nhưng có chung nhiều điểm
biết mê gái làm thơ
hy sinh nhiều cuốn vở
cho thương nhớ bâng quơ
ông sinh năm bốn sáu
trên đất Huế - Thừa Thiên
cõi vua chúa nhà Nguyễn
vốn phong phú bút nghiên
tôi gặp ông lững thững
trên Nghệ Thuật, Bách Khoa
Ý Thức, Văn, Tuổi Ngọc...
những sân chơi quên già
nếu tôi như cột điện
muốn cũng phải ngồi nhà
chắc chắn năm chín bốn
đã cùng ông khề khà
tôi đi, đất Đà Nẵng
có ông vào ở đời
có tán nhầm em út
tôi tơ tưởng một thời ?
ông cao hơn mấy tất
hay tầm cỡ ngang tôi ?
với tài hoa thổi sáo
chắc chắn phải lành người
nghe nói thời đi học
ông đã giàu suy tư
thân phận và cuộc chiến
lòng nào không ngậm ngùi
yêu em và yêu nước
say sưa ông làm thơ
chép hẳn hoi thành tập
Hoa Rêu thơm nghẹn ngào (1)
thơ chưa kịp xuất bản
chợt chộ mặt Mậu Thân
thi ca đành thay mạng
ông hú vía sống còn
vốn xuất khoa Nôm Hán
đại học Huế thanh nhàn
ông vào Tuy Hòa dạy
gặp chị nhà hồng nhan ?
thời đó tôi lạng quạng
đã cầm súng chơi rồi
dù cuốn vở luân hoán
vẫn lận lưng theo đời
(thật ra cái bút hiệu
là tên mẹ, cha tôi
nhắc khéo để bè bạn
mắng vốn dễ chửi chơi)
tiếc, ông chưa kịp thấy
cái huy chương tôi mang
gỗ liền với da thịt
để rõ người bạn tàng !
ông có nghề sư phạm
cũng nếm mùi sĩ quan
Quang Trung lẫn Thủ Đức
sớm biệt phái hưởng nhàn
sau màu cờ thay đổi
tự bỏ dạy vào Nam
đất lành không duyên đậu
lại quay về sông Hàn
vẫn làm thơ viết truyện
không biết có bị đì ?
làm thầy dạy Anh ngữ
khá không Phạm Triều Nghi ? (2)
đã có hai thi phẩm
Mây Nổi và Đan Tâm (3)
ông trình làng chữ nghĩa
một tấm lòng nở bông
thành công cả thơ, truyện
cuộc sống vẫn khiêm nhường
hẳn cái nghề cầm bút
chỉ giàu được mùi hương ?
vẽ ông tôi bối rối
và ngập ngừng hơi nhiều
bởi các anh xứ Huế
nghe nói nhiều người kiêu
dù sao đã phóng bút
đành thả lòng theo thơ

Hy vọng ông bạn quý
có nụ cười bất ngờ
Luân Hoán
(1) tên tập thơ chép tay đầu tiên của PNL, bị cháy trong Mậu Thân
(2) bút hiệu khác của Phạm Ngọc Lư
(3) Đan Tâm (thơ, 2004), Mây Nổi (thơ, 2007)\
@

Phạm Ngọc Lư:
Tên thật Phạm Ngọc Lư, bút hiệu khác Phạm Triều Nghi. Sinh năm 1946 (Bính Tuất) ở Vinh Xuân, huyện Phú Vang, tỉnhThừa Thiên.
Học trung học Nguyễn Tri Phương, Quốc Học; viện Hán học Huế, vào trường Sư phạm Quy Nhơn. Ra trường, dạy học ở Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Ghi danh học Đại học Văn khoa Huế. Sau 1975 bỏ dạy.
Động viên khóa 5/68 Thủ Đức, được biệt phái sau 9 tuần lễ ở quân trường Quang Trung.
Bắt đầu viết năm học đệ tứ. Có bài trên các nguyệt san, tạp chí Nghệ Thuật,
Văn, Bách Khoa, Trình Bày, Khởi Hành, Ý Thức, Tuổi Ngọc...
Tác Phẩm Đã xuất bản:
- ĐAN TÂM (Thư Ấn quán 2004) 
- MÂY NỔI (tự in 2007)

Thứ Hai, 22 tháng 9, 2014

LỄ PHÁT THƯỞNG HỌC SINH GIỎI HỌ NGUYỄN VĂN KHAI CANH LÀNG DIÊN LỘC

Vừa đến Huế trưa ngày 21.9.2014, tôi về làng dự lễ phát thưởng của chi hội khuyến học họ Nguyễn Văn khai canh, một trong 2 họ trong toàn tình được nhận bằng khen về thành tích khuyến học của tỉnh TT Huế

Thứ Bảy, 20 tháng 9, 2014

TỪ SÀI GÒN NGHE GIÓ SÔNG HƯƠNG - NGUYỄN MIÊN THẢO

Từ Sài Gòn anh nghe gió sông Hương
Thổi tạt vào thành nội
Trưa nay em ngồi giặt áo
Nhớ về một cuộc tình buồn
Lòng trống rỗng chứa đầy hư vô
Mười ngón tay em hát

Ngọn lửa anh thổi vào tim em
Chắc chắn có một ngày nồi cơm sẽ chín

Anh muốn làm ngọn gió sông Hương
Giữa mùa hè oi bức
Thổi tạt giùm em nỗi muộn phiền
Thổi tóc em bay giữa thành quách cũ


Nhưng ngọn lá tình cờ như môi hôn
Rơi vào nỗi nhớ
Mùa xuân

Có những lúc lòng em trống trải
Nỗi buồn vây kín thanh xuân
Em gỏ bước giữa đêm khuya một mình xa vắng
Thu bay

Từ Sài Gòn anh nghe gió sông Hương
Thổi tạt vào thành nội…

Thứ Sáu, 19 tháng 9, 2014

ẨN - HUỲNH DẠ THẢO

Ta đợi em từ đêm trăng mồng một

Thuở trần gian chưa lộ mặt chị Hằng
Lúc chú Cuội còn ngủ gà ngủ gật
Và cây đa chưa đủ tuổi ngàn năm

Em ngất ngưỡng trên lưng chừng kỷ niệm
Một thời yêu ta chỉ biết mơ
Nay vẫn thế 
Trăng đã rằm mấy độ
Ta chon von đỉnh núi gọi mây về

Cạn hồ trường chưa rửa sạch đam mê
Em nhan sắc
Ta trái tim vụn dại
Phượng Hoàng cao có bao giờ ngoãnh lại
Phiến đá mòn nơi lưu dấu chân xưa

Đời đã nhẵn lối đi – về cõi tại
Ngộ như Không một kiếp lụy tình
Ta vẫn thế 
Kẻ cuồng si thảm hại
Em vẫn cao bay giữa bình minh

Huỳnh Dạ Thảo 

Hình ảnh: ẪN

Ta đợi em từ đêm trăng mồng một
Thuở trần gian chưa lộ mặt chị Hằng
Lúc chú Cuội còn ngủ gà ngủ gật
Và cây đa chưa đủ tuổi ngàn năm

Em ngất ngưỡng trên lưng chừng kỷ niệm
Một thời yêu ta chỉ biết mơ
Nay vẫn thế 
Trăng đã rằm mấy độ
Ta chon von đỉnh núi gọi mây về

Cạn hồ trường chưa rửa sạch đam mê
Em nhan sắc
Ta trái tim vụn dại
Phượng Hoàng cao có bao giờ ngoãnh lại
Phiến đá mòn nơi lưu dấu chân xưa

Đời đã nhẵn lối đi – về cõi tại
Ngộ như Không một kiếp lụy tình
Ta vẫn thế 
Kẻ cuồng si thảm hại
Em vẫn cao bay giữa bình minh

    Huỳnh Dạ Thảo

Thứ Năm, 18 tháng 9, 2014

TRỐN TÌM - HOÀNG THỊ THIỀU ANH


Hôm nay mặt trời e thẹn.
Cùng mây chơi trò trốn tìm
Mưa chiều về trên lối nhỏ
Lặng thầm trao chút tình riêng.

Đong đầy gió trên đôi tay
Em hong tình anh dịu vợi
Lối xưa phủ đầy nắng mới
Khẽ khàng câu hát yêu người....

Thứ Tư, 17 tháng 9, 2014

VÀNG LẠNH 2 - NGUYỄN NHO SA MẠC


đừng nói nữa bài thơ vàng lạnh ấy
tình ngày xưa xin trả lại cho người
kỷ niệm buồn vui một thuở xa xuôi
chợt đứng dậy đi lần vào thương nhớ

anh bỏ đi tìm tình yêu thành phố
những khi buồn muốn nhắc lại tên em
đếm những vì sao rơi rụng bên thềm
chợt thức giấc thấy đời mình cô độc

làm con trai lần đầu yêu để khóc
tập thư màu xanh nước mắt đau thương
xin trả lạị em thành phố với con đường
từng buổi sáng buổi chiều ta qua đó

hai mươi tuổi hôm nào yêu người em môi đỏ
tình khai sinh bằng tiếng hát hoàng hôn
những âm thanh não nuột chảy qua hồn
em có thấy tình ra đi nhè nhẹ

em còn nhớ chuyện hôm nào kể lể
đôi bàn tay chưa siết chặt làm cầu
khi tâm hồn hai đứa chửa yêu nhau
con nước chảy đi xa rồi cát lỡ

em có nghe muôn hành tinh đổ vỡ
những mảnh buồn bốc cháy giữa không trung
tình yêu hôm nay mệt mỏi vô cùng
đời vàng lạnh xin em đừng nói nữa.

Thứ Ba, 16 tháng 9, 2014

THẤT HUYỀN ÂM: NHẮN NGƯỜI MUÔN SAU - NGUYỄN LƯƠNG VỴ


         Hai nhà thơ Võ Chân Cửu và Nguyễn Lương Vỵ

1
Người muôn sau, cho nhắn đôi câu
Thơ ta gửi theo tiếng hú trắng
Chịu khó hú theo mà bắc cầu
Mở ra đọc chơi, đỡ quạnh vắng

Rằng ta hạnh phước được làm người
Được mần thơ nên trào máu tươi
Máu bay đỏ trong cơn bão tuyết
Vũ trụ mồ côi từ lâu rồi!!!

Từ lâu rồi cái lạnh nghít đen
Tỉ độ âm nên nghịt tiếng kèn
Trái đất phun một luồng khí lạ
Thơ bay ngùn ngụt bốc hơi men!!!

Lời thơ vắn số, chữ bạc mệnh
Nhưng vẫn còn tươi ý tận cùng
Nhưng vẫn còn rực nghĩa tuyệt tận:
Thi tửu xin mời nhau uống chung

II.

Người muôn sau cùng ta uống cạn
Này đây trăng gió ấm hồn quê
Tri ân giọt lệ từ thiên cổ
Nhịp phách thinh không đã vọng về:

Tinh âm bay vút vút đá vang
Tinh tú hát rợp rợp hồng hoang
Ta đáp lễ một chầu trống ngực
Tim trong veo và óc chói chang

Ý tịch liêu những sợi khói bay
Tứ tịch lặng những tia nắng gầy
Ta đáp lễ một câu thơ mọn
Như nhện giăng tơ đón tháng ngày

Rất lạ như trời cha đất mẹ
Chia tay từ trận gió sơ huyền
Âm A vô tận rền trong đá
Hòa âm bè mây bay lãng quên?!

III

Người muôn sau cho nhắn đôi câu
Khuya bắt nhịp xừ xang xê cống
Tặng hài nhi tiếng khóc ban đầu
Có hơi thở ta vừa nhấp giọng

Vừa mới nhớm nửa bước chân đi
Vừa đôi tay chạm tiếng rầm rì
Vừa chết mười phương hương trổ nhạc
Vừa em khép mắt đẹp trầm mi!!!

Đẹp nát tan, vũ trụ lỡ làng
Ta sầu câm sẫy bước lang thang
Thời gian? Bóng mộ u hồn đắp
Một bóng hư không đành cười khan…

Đành khóc thầm mần thơ đếm đo
Vũ trụ lừng hương một cọng ngò
Khẩn thiết tạ ơn em gửi lại
Một trời ngây dại để dành cho…

IV.

Cho ta thấu hiểu tình muôn trượng
Tinh tú muôn năm nhấp nháy hoài
Em đã cho ta muôn tưởng tượng
Thơ mần ngưỡng vọng cọng ngò…gai!!!

Đùa chơi cho đỡ cơn trầm uất
Vỗ trán reo, thơ đã túa về
Đoàn quân chữ nghĩa chen vai hát
Nhịp trời phách đất đẹp cuồng mê

Thời ta trú ngụ rất ồn ào
Thiệt tình: Thơ là chuyện tào lao
Mà sao xanh mặt chiêm bao miết
Trí muốn quên mà hồn cứ trào

Cứ trào miết lời núi lời sông
Lời ta xưa: Mèo mả gà đồng?!
Có thể lắm, ai mà biết được
Trào thì mần như ngọn triều đông…

V.

Người muôn sau cho nhắn đôi câu
Nếu gặp ta bên cầu thệ thủy
Đang nhậu với ông Ôn Như Hầu (*)
Thì xin có đôi lời hoan hỉ!!!

Hoan hỉ địa chào nhau khinh khoái
Chào tang thương ngẫu lục nhớ hoài
Ta lầm lũi nên rất gần gũi
Những linh hồn oan nghiệt tả tơi

Ta bụi bặm bầm xác dập thân
Nên thương câu thiên địa phong trần
Em hồng nhan đa truân bạc phước
Ta ghiền thơ ghiền chữ nên…đần

Nên ghiền sống ghiền chết ghiền…em
Ghiền bơ vơ ghiền thức thâu đêm
Ghiền âm cựa khẽ trong đáy mộ
Ghiền ngó trời sâu ngút lỗ đen

VI.

Ghiền ngó em nằm ngủ như nguyệt
Khép hai tà và mở hai môi
Tiếng mớ mộng, lời thơm hai búp
Niềm rưng rưng, thơ vuột mất rồi!!!

Ôi những tiếng thất thanh cổ độ
Bóng ta ngồi và dáng em nằm
Một chớp nháy ngàn thâu vắn số
Một thoáng nhìn thoáng mộng mất tăm

Thời ta trú ngụ người giết ngưòi
Chết rất nhanh và chết rất tươi
Người khôn quá thành ra…ác quá
Chủ nghĩa thành bom dội ngút trời!!!

Sầu khôn kham, mộng cũng khôn kham
Mần thơ đợi chết không càm ràm
Chậc lưỡi, đôi khi cũng tiếc thật
Trần gian đẹp quá, chết sao cam?!

VII.

Người muôn sau cho nhắn đôi câu
Tự dưng mần thơ mà rơi lệ
Chẳng lẽ khóc rống mà vô cầu
Thân còn tục lụy giữa nhân thế

Tái sinh? Nào biết được then chốt
Vũ trụ bí mật và âm u
Xin nguyện làm con ma lù đù
Muốn tái sinh thì rờ sau…ót

Vũ trụ ơi! Có chi vui không?!
Hẳn là vui tịch mịch mênh mông
Hẳn là dứt huyễn hoặc sống chết
Luân vũ đen tuyền, ta rất mong

Rất mong em cùng ta bụi bay
Hai hạt ôm nhau, âm tròn đầy
Người muôn sau nhớ nhau đừng hỏi
Bay bay bay bay bay bay bay…

7.2009
(*) Ôn Như Hầu (Nguyễn Gia Thiều): “…Cầu thệ thủy ngồi trơ cổ độ…”