Thứ Tư, 13 tháng 4, 2016

HOA BÌM BÌM - TẠP VĂN CỦA NG. HƯ VĂN

                                                   
                                                                                   
      Thích sắc đào phai nên lúc rảnh,tôi vẫn thường ra bờ giậu, vắt những sợi bìm bìm. Cho chúng chỉ bò ngang, và thòng xuống đất. Khoảng vào xế trưa là hoa sẽ tàn. Sắc tím ẩn trong cuống nụ sẽ chảy vào trong lá, hẹn giờ trăng lên.

Tin học đang xâm nhập vào mọi ngã của cuộc sống. Trước sự khắt khe của tôn chỉ văn nghệ ở các báo in, nên nhiều người làm thơ, dù đã có tên tuổi hay mới chập chững cầm bút, đã không ngừng lựa chọn Facebook làm nơi công bố những bài mới làm. Trên thế giới ảo này, chủ nhân có thể lưu giữ, sửa chữ, hay dễ dàng xóa bỏ chúng. “Khẩu thuyết vô bằng”, “lời nói gió bay”…Thơ ca giờ đây giống như những đóa hoa bìm bìm, rộ nở nhưng chóng tàn phải. “Nghịch cảnh” đó có khi lại giúp cho thơ ca tìm ra đúng chỗ có mặt trong cõi đời đa sự này.
Ngày 08-4-2016, nhà thơ Trần Vạn Giã ở thành phố biển Nha Trang đưa lên Facebook một bài thơ mới:
THƯA EM ĐỒNG KHÁNH
1.
Thưa em Đồng Khánh bây giờ
Gió bay tóc bạc bên bờ sông Hương
Tôi đi đếm lá trên đường
Nhặt năm tháng rụng mà thương chính mình
Còn đây dấu cũ cung đình
Rêu phong thành cổ nên tình thêm đau
Ngày xưa. Ngày xửa qủa cầu
Tại rơi chiếc nón. Tại màu tím ơi
Mười năm phiêu dạt nhiều nơi
Ngày về núi Ngự trắng trời mây bay
Già chưa ? Sao run bàn tay
Choàng vai níu lại tháng ngày trinh nguyên
2.
Hình như nước khẳm con thuyền
Huế thương trăng ngủ trên miền cỏ lau
Tặng em tóc bạc trên đầu
Dạ thưa sợi tóc nhiệm mầu tình yêu.

Trần Vạn Giã là một người làm thơ có tiếng ở Nha Trang. Không lâu sau năm 1975, ông được kết nạp vào Hội nhà văn VN. Gần đây, anh xuất bản nhiều tập thơ lục bát. Tết 2016, người xem Facebook cũng thấy nhà thơ này có 2 câu thơ theo thể truyền trống này được trích in trong “lốc” lịch của một nhà xuất bản. Bài thơ mới mà anh đưa lên “phây” lập tức được nhiều facbooker tán thưởng. Có người còn khoe rằng lâu nay đã sưu tập đủ các bài thơ của anh trên “phây”, không sót bài nào!
Với một nhà thơ, thật khó có niềm vui nào hơn lời bày tỏ như vậy! Nhưng không xa sau “commen”t trên, có một độc giả khác lại thẳng thắn viết rằng: “Thi sĩ Bùi Giáng đã từng có các câu nổi tiếng, là: Dạ thưa ở Huế bây giờ/ Vẫn còn núi Ngự bên bờ sông Hương. (Ghi chú: câu lục nổi tiếng này, được “khẩu truyền” trên một số Web có nhiều dị bản: Huế, xứ Huế, hoặc bên Huế).
Người không thích “phây”, nhân cớ sự này có thể mạnh miệng khẳng định rằng “Facebook đích thị dành cho những người vô công rổi nghề. Qua thế giới ảo này, họ “like”, “comment” hoặc giải bày trong một “status” chỉ để cho vui, như một cách “nói cho sướng miệng”! Nhưng nào ngờ đâu, chỉ một ngày sau, chính trên trang “phây” của mình, nhà thơ Trần Vạn Giã đã chỉnh sửa câu thơ cuối, thành:
… “Tặng em tóc bạc trên đầu,
Tình ơi, sợi tóc nhiệm màu thời gian.”
Nhân chuyện “sửa thơ” trên Facebook, người viết cũng xin tự nhận là đang “vô công rổi nghề”, nên xin được bình luận thêm rằng: câu thơ được sửa lại rõ ràng không hay bằng câu đã công bố trước đó. Bởi lẽ, tiếng “Dạ thưa” không phải  là hai chữ độc quyền của thi sĩ Bùi Giáng. Nó thường là chữ mở đầu một câu nói, nằm ngay nơi cửa miệng của đa số người Huế. Nghe các cô gái Huế “thỏ thẻ”, từ ngữ trên càng trở nên ngọt ngào hơn.
Tứ thơ mà Trần Vạn Giã thể hiện qua những vần lục bát này gần như khác hẳn ý nghĩa trong câu thơ “khơi khơi” của Bùi Giáng. Bùi Giáng như nhằm nói lên sự hiện hữu thường hằng của thiên nhiên và con người. Miền đất cố đô xinh đẹp này mang nét giao hòa tuyệt mỹ của sông núi. Có nhà bình luận còn cho đây là cách diễn tả rất khéo của chàng “Học trò xứ Quảng ra thi…” Còn những câu thơ Trần Vạn Giã, nó mang nỗi buồn tiếc nuối của “chàng trai tóc bạc” khi gặp lại người thiếu nữ năm xưa. Tóc nàng nay cũng đã nhuốm màu thời gian.
Mỗi nhà thơ tài năng đều sở hữu những cách diễn tả đặc thù. Bút pháp tạo nên phong cách riêng của từng người viết. Nhưng một từ ngữ thơ, khi được dùng ở vị trí đắc địa, nó sẽ trở thành tài sản riêng của một nhà thơ.
Từ ngữ là của chung, nhưng trong sáng tác, nếu dùng không khéo, sa vào cách diễn tả của một nhà thơ nổi tiếng khác, sẽ bị độc giả cho là đã “vay mượn”, là chịu “ảnh hưởng”. Nói cách nặng lời thì đó là việc “đạo thơ”- giống như đã lấy nguyên văn một đoạn, hoặc cả một câu của người khác. Nói một cách nhẹ nhàng, có thể cho đây là một sự “ăn gian” khi sáng tác!
Mạng xã hội Facebook đã trở thành một sân chơi hấp dẫn. Nó thu hút ngày càng đông người thuộc mọi giới tham gia. Sự phát triển của công nghệ thông tin hình như ngày càng làm cho con người trở nên nhỏ bé. Và cái “tôi” gần như ngày càng nhỏ bé. Phải chăng vào một ngày kia, nó sẽ biến mất trong thế giới phẳng?
Trên thế gian này, những người có cái “tôi” mạnh mẽ nhất thường là giới nghệ sĩ, trong đó, “cá tính” nhất vẫn thuộc về các nhà thơ. Mẫn cảm trước sự phát triển vũ bão của khoa học kỷ thuật và nền sản xuất công nghiệp hàng loạt, nên ở nhiều nước, nhiều người làm thơ phá cách đã “sáng tạo” ra những cách xóa bỏ “cái tôi” nhỏ bé trong mỗi người. Bằng cách làm ra những bài thơ có “tác giả tập thể”: mỗi người tung ra một câu (trên mạng), chúng sẽ liên hoàn nhau, tạo ra một “tác phẩm” nghệ thuật trong thời đại mới. Cá nhân từng tác giả trở nên vô giá trị vì sẽ không còn bút pháp, cách diễn đạt riêng.
Trào lưu sáng tác “hậu hiện đại” này xuất hiện đã vài chục năm qua ở nhiều nước Âu Mỹ. May mắn thay, nền “nghệ thuật” ấy đã sớm đi vào tàn lụi. Nhưng tại Việt Nam vừa qua, việc “cầm nhầm” những câu ca dao, bê một câu thơ hay của người khác vào trong bài mình lại được cách đối xử: coi như chuyện bình thường. Vì: “ở đời muôn sự của chung”?
 Bài thơ “Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa” có 2 câu kết lấy từ câu ca dao: “Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa/ Miệng nhai cơm búng lưỡi lừa cá xương”. Tác giả những câu lục bát này đang được xưng tụng là một trong những “nhà thơ hàng đầu” của Việt Nam hiện nay. Bài thơ được cổ vũ bằng nhiều bài bình giảng trong các luận văn tốt nghiệp, trong những giờ dạy văn ở trường học…Chúng phổ biến đầy dẫy ở các mạng Internet. Khi nghe tôi phàn nàn, các “fan” của nhà thơ nổi tiếng nọ chống chế rằng có thể các Blogger, Facebooker khi trích dẫn khen ngợi đã quên in nghiêng hoặc thêm dấu hoa thị (dấu*) để chú thích rằng nó vốn là một câu ca dao.
Tạm tin những lời chống chế, hay cứ đổ tội cho Fackbook và thế giới phẳng để bảo vệ uy tín của một nhà nổi tiếng-cũng được đi. Nhưng tình cờ trên một tờ báo in, trang 67 Tạp chí Du lịch Tp.HCM số xuân Bính Thân 2016, độc giả thấy lại có câu thơ “Bắt phong trần phải phong trần”vốn là một câu Kiều. Nó được bê nguyên si vào bài thơ “Đọc Kiều” của một nhà thơ cũng khá nổi tiếng ở Tp.HCM. Tác giả này cũng đã có hàng chục đầu sách từ thi tập đến tản văn, biên khảo được xuất bản.

Từ một câu “like” trên Facebook, nhà thơ Trần Vạn Giã liền sửa lại một câu thơ trong bài. Sự cẩn trọng của người sáng tác thơ trong “thế giới phẳng” hôm nay thật đáng quý trọng xiết bao.