Thứ Ba, 31 tháng 12, 2013

KHÚC LÃNG DU - HOÀNG THỊ THIỀU ANH

KHÚC LÃNG DU

Em nghiêng đời xuống nhé
Soi dấu cuộc tình buồn
Ru đời chút hư ảo
Đêm về giữa chiêm bao

Nắng hạ vàng xác xao
Giọt,giọt rơi trong vắt
Phố vắng tênh dấu mặt
Mắt lá hồn chát chao

Lắng trong nỗi khát khao
niềm tin dịu vợi
Tơ sầu giăng chờ đợi
Kéo cung đàn tả tơi

Em nằm giữa tinh khôi
Nhìn đời lăn náo nức
Bâng khuâng chiều thổn thức
Khẻ hát lời lẻ loi

Mê mãi những con đường
Nhịp bước chân cô quạnh
Ai thả từng nốt lặng
Cuối chân trời xa xăm

Em tìm chút thanh âm
Trong ngút ngàn hơi thở
Dìu bước chân bơ vơ
Say nghiêng tràn nỗi nhớ

Thôi chỉ là giấc mơ
Lung linh hồn lá cỏ
Thả trôi theo mây gió
Cuộc tình muộn...rơi...rơi

22.6.2007

Thứ Hai, 30 tháng 12, 2013

HỌA SĨ KIM LONG ĐÃ RONG CHƠI CÕI KHÁC

BẠN BÈ ĐAU ĐỚN ĐƯỢC TIN 
HỌA SĨ KIM LONG
ĐÃ QUA ĐỜI TẠI SÀI GÒN VÀO LÚC 23 GIỜ 40 NGÀY 29 THÁNG 12 NĂM 2O13
HƯỞNG THỌ 68 TUỔI
BẠN BÈ XIN CHIA BUỒN ĐẾN CHỊ  HỌA SĨ KIM LONG  VÀ CÁC CHÁU
CẦU NGUYỆN ANH THANH THẢN RONG CHƠI CÕI KHÁC

viêm tịnh - nguyễn miên thảo - phạm tấn hầu - nguyễn văn trai - huỳnh ngọc thương - 
dương đình hùng - nguyễn thượng hải - hồ đăng thanh ngọc - nguyên quân 
trần áng sơn - nguyễn liên châu - miên đức thắng  - bảo cường - từ hoài tấn
 nguyễn vân thiên - lê nho quế sơn - trần dzạ lữ - nguyễn tuấn - đặng mậu triết
lê vĩnh thái - đặng mậu tựu - phạm nguyên tường - hàn ni - đặng văn chơn -
đặng ngọc quang - nguyễn khoa khiêm - triệu từ truyền - võ chân cửu - văn viết lộc - hoàng trân và bằng hữu

Thứ Bảy, 28 tháng 12, 2013

ĐỂ CÒN LO NGỦ - HOÀNG LỘC

ta mở mắt thấy ngày qua rất vội
mùa đông kia vừa phủ kín u hoài
em có lẽ đã dần quen tiếc nhớ
sao mối tình chưa tới lúc phôi phai ?

ta lại đắp chăn dày hơn- ngủ nữa
lạnh đầu hôm còn lạnh tiếp trưa trời
đầu đã bạc, gối làm chi nỗi khổ
tiếng thở dài - cứ thế - giữa cơn mơ

sông đã biết gì sông mà hiểu biển
mỗi thác ghềnh, ân nghĩa cũ vời xa
em dễ biết gì ta mà yêu mến
mà cam lòng gắn bó với phong ba ?

khi thức giấc thấy con chiều rũ mỏi
lại không yên - nằm tính chuyện chia lìa
em cứ khóc một lần cho tỉ đã
để ta còn lo ngủ kẻo khuya lơ...

Thứ Năm, 26 tháng 12, 2013

NHỮNG CÂU CHUYỆN TƯỞNG TƯỢNG - NGUYÊN HẬU


Trong giấc mơ
em nhìn thấy anh và em trong những câu chuyện tưởng tượng
thiên đàng
hạ giới
bóng tối trộn trạo ánh bình minh
em và anh
hai mảnh vỡ địa đàng
đặt cạnh nhau không bao giờ khít
nhưng có chung một nhịp giao hưởng
giữa bản hợp âm ồn ĩ
Trong giấc mơ
em mơ về anh - một thế giới không có thực
chỉ em và anh
gieo mầm ánh sáng
cất giữ chút thiên lương còn sót lại chốn địa đàng
chỉ có em và anh
hai người làm vườn cần mẫn
ươm lại những mầm xanh
Cũng trong giấc mơ
chúng ta hòa vào nhau
những ngôi sao thấp sáng những câu chuyện tưởng tượng
đam mê
dâng hiến
cứu rỗi linh hồn nhau giữa ánh chớp cuộc đời
Và mơ
em vẫn cứ mơ…
N.H

Thứ Tư, 25 tháng 12, 2013

CHÚC MỪNG GIÁNG SINH VÀ NĂM MỚI 2014


 

KÍNH CHÚC QUÝ BẠN VÀ GIA ĐÌNH MỘT MÙA GIÁNG SINH VUI VẺ VÀ NĂM MỚI AN LÀNH HẠNH PHÚC GẶP NHIỀU MAY MẮN

Thứ Ba, 24 tháng 12, 2013

DỌC ĐƯỜNG - VÕ CHÂN CỬU



BÀI 10
Chim Khách Đang Kêu…*

 Hai Nhà thơ Võ Chân Cửu vá Nguyễn Lương Vỵ

Mỗi sáng sớm thức dậy tôi vẫn ra trước hiên, ngồi nhìn ra ngoài suối, chờ. “Hôm nay giọng con nào sẽ hót trước ?” Tôi và người hàng xóm duy nhất là nhà thơ Triệu Từ Truyền vẫn đố nhau như vậy.

Thường thì con chim khách đuôi dài xanh đen vẫn về chuyền lần lượt qua cả các cây của hai nhà, nhưng lại chọn một nơi để “hót” lên rằng: “khách… khách…”

Chim kêu để khẳng định chủ quyền và gọi bạn tình, nhưng chúng tôi sẽ vui mừng. Một nhà sẽ được ưu tiên sắp xếp để đón khách. Khi có tiếng loài chim này kêu thì mười bữa như chục không hề sai. Rằng sẽ “có khách…có khách !”. (Có những ngày chim khách không đến sớm, thay vào đó là dáng con bìm bịp. Nó về đậu, lặng im xòe cánh ra như điệu vũ. Và chúng chỉ kêu lên khi chiều xuống. Bìm bịp kêu nước lớn ai ơi !)
Hôm nay không phải chim khách kêu, nhưng tôi lại không buồn. Vì gần hết năm lại nhận được tin của một người bạn đang ở phương xa: nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ. Anh báo đang chuẩn bị xuất bản tập thơ thứ 8 vào tiết xuân 2014:“Những hòa âm, huyêt âm, tinh âm, huyền âm đã bay về mở hội trong Năm Chữ Năm Câu”.
Chị chim bìm bịp hay chú chim khách đã giúp tôi hiểu thêm về loài chim cũng như con người, nhất là các nghệ sĩ. Vạn vật thường say mê, quyến rủ từ một trong 2 thứ, là màu sắc hoặc âm thanh. Nếu có được cả hai, thì đó là một tuyệt tác. Chỉ có ngôn ngữ của thi ca mới thể hiện được điều ấy!
Nguyễn Lương Vỵ in tập thơ đầu tiên có tựa đề “Âm Vang Và Sắc Màu” (NXB Trẻ-1991). Khi đó anh đã 39 tuổi, một bước nữa là đến thời kỳ “nhi bất hoặc-hết nghi ngờ viễn mộng”. Thì ra ấy là sự lựa chọn. Nói đúng hợn là cái “vận” đã về, mãnh liệt hơn trước. Anh được công nhận là  nhà thơ từ  những tháng năm còn rất trẻ. Bài đầu tiên  đăng trên  Bán nguyệt san Văn năm 1969 đã rất nổi tiếng, đến nay nhiều người còn nhớ. Khi đó anh mới 17 tuổi, đang phải bỏ quê, vào sống ở Quy Nhơn.

Nửa Đêm Thức Dậy Nhìn Mây Trắng
         
Lung linh hồn quê cũ
Mây trắng phủ khắp trời
Nhớ trăng khô hết máu
Muôn trùng dặm núi ơi!!!

Khi ấy bài thơ được nhiều người thuộc, là vì cả nước đang trong cuộc chiến. Trong văn đàn Miền Nam, sự va chạm giữa các luồng tư tưởng cũng như sự tìm kiếm của các trường phái thơ ca đang đến hồi cao độ. Các anh “hiện thực” luôn phê phán các cây bút “viễn mơ”. Những cây bút “cơ hội” vẫn thường quy chụp anh này anh nọ là “ăn tiền” từ văn hóa Mỹ hay “phát ngôn” cho “Mặt trận”.
Bài thơ Nguyễn Lương Vỵ thì không nhắm vào những điều ấy. Anh đang chịu nỗi đau phải xa nơi chôn nhau cắt rốn (Quán Rường, Tam Kỳ-Quảng Nam), nhưng lại nhớ đến cái vầng trăng đang “khô hết máu” ! Chỉ những nhà thi sĩ mới có thể liên tưởng đến nỗi đau của kiếp người, hóa thân nó vào một hình hài vũ trụ, lại kết thúc bằng tiếng than cho “muôn trùng dặm”. Tứ và thể loại của bài thơ không mới; có khi tác giả lại có xu hướng trở về cách diễn đạt và hình thức cổ điển, nhưng làm người đọc cảm được nỗi đau của thời thế lẫn số phận nhỏ bé của con người !
Nói gọn, đó là một bài thơ hay. Và mặc dù khá thân của tác giả, nhưng phải đến khoảng 40 năm sau, qua một tiết lộ trong bài viết của nhà thơ Du Tử Lê, tôi mới hiểu được vì sao Vỵ luôn ám ảnh hình tượng của máu khô, huyết khô. Sống bên nhau, làm thơ cùng thời, nhưng Nguyễn Lương Vỵ luôn cố tình giấu nỗi đau của mình. Cha anh là một trí thức yêu nước bị bức tử man rợ khiến người vợ (là mẹ anh) đã đau đớn tột cùng, nhưng vẫn nhẫn nhục thờ chồng, nuôi 5 người con ăn học thành tài. Nỗi đau ấy về sau không bị anh quy chụp vào một thế lực chính trị nào, mà lại biết nhìn rộng hơn, xa hơn, nhân bản hơn…
Năm 2000, Nguyễn Lương Vỵ cho in tập thơ thứ 2 tên “Phương Ý” (NXB Thanh Niên, Hà Nội) trước khi rời hẳn quê nhà để sang sống nơi xứ người. Tập thơ ghép 2 tên rất thân yêu của Vỵ là tên con gái út và người cha ruột, có nhiều chỗ vẫn đầy ám ảnh hình tượng máu khi anh biết sắp sửa đi xa, như bài:

Xa Xôi
                  
Thơ khắc trên ngực đá
Nghe máu bầm trên cao
Xa xôi hay máu đã
Đất với trời thâm giao…

Nhận ra “đất với trời thâm giao”, để rồi sau tập thơ đầu tiên in ở Mỹ năm 2007 có tên “Hòa Âm Âm Âm…” (NXB Thư Ấn Quán-USA), năm 2008 anh cho ra đời thi tập thứ 4, mang tên “Huyết Âm”, gồm 81 bài thơ không đề.

Bài thứ 29:

Những dấu huyết từ rất lâu trong đá
Cuồng âm mưa
Điên sắc nắng
Không lời
Không tiếng nói
Đá rền câm gót ngựa
Bờm hư không
Gió huyễn ảo
Sóng đôi…

Trong tác phẩm thứ 4 là tập thơ “Huyết Âm”, Nguyễn Lương Vỵ đã ngẫu nhiên nhắc các nhà thơ “thời thượng” ở Việt Nam và ở Mỹ cần biết về diễn tiến của dòng thi ca Miền Nam. Lúc đó họ đang xưng là những nhà thơ “đương đại”. Thực ra những bài thơ có câu chữ kết cấu theo kiểu tự xưng là “tân hình thức” đã được anh và nhiều nhà thơ trong nhóm “Tập san Văn Chương” sử dụng ở Sài Gòn khoảng 1972-1975. Nếu quá thiên lệch vào tìm kiếm chữ nghĩa hoặc âm điệu, nhà thơ dễ sa lầy vào chủ nghĩa hình thức. Ở Mỹ, nhiều năm Nguyễn Lương Vỵ “vật vã” với “âm… âm…”. Nhưng anh đã cố tình hóa giải nó qua hình thức thể hiện. Bằng cách sử dụng các thể thơ mang hơi hướm cổ phong của tâm hồn “Việt Thi”.
Nếu chịu khó đọc các tác phẩm văn học chữ Nôm từ thời Hàn Thuyên mở cửa, người đọc sẽ nhận ra và yêu quý những trăn trở của nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ. Ngôn ngữ Việt Nam thuộc hệ tiếng đơn âm nhưng rất giàu  nhạc điệu vì rất nhiều chữ điệp âm, có rất nhiều chữ vừa là trạng từ, vừa là tĩnh từ, lại vừa làm một tán thán từ !
Cách dùng từ của Nguyễn Lương Vỵ:

Em ơi trăng dịu dịu
Ảo ảo ngợp hồn ta
(bài Nguyệt III, trang 180 thi tập Tinh Âm, 2010)

Hoặc như bài:
         
Muối Hát

Đồng không thì mông quạnh
                  
Em không thì quá lạnh
Muối hát trong lòng tay
Kết tinh lời mây bay
                   
(Thi tập Tinh Âm, trang 144)

Tôi không có ý định bình giảng về thi pháp hay thi điệu, chỉ muốn bày tỏ nỗi lo nếu một thi sĩ quá sa lầy vào việc tìm chữ, chơi chữ. Bỡi lẽ khi đó, hồn thơ dễ bị “để sang một bên”. Người ta dễ cho là Nguyễn Lương Vỵ khá chấp vào hình thức. Vì sau “Tinh Âm” anh liên tiếp xuất bản các thi tập “Bốn câu Thất Huyền Âm”-2011; “Tám Câu lục Huyền Âm”-2013; và giờ đây, sắp sửa ra mắt “Năm Chữ Năm Câu”…Nhưng hình như không phải vậy. Chấp nhận sự ràng buộc của niêm luật để tự thoát ra khỏi nó một cách điệu nghệ  bằng sự giàu có của nhịp điệu ngôn ngữ thơ mà mình sở hữu. Đó không phải điều ai cũng có thể làm !

Thể thơ 6 chữ là một sáng tạo của thi ca chữ Nôm, khởi đầu từ thi hào Nguyễn Trãi (1380-1442). Có người nói rằng đó là tổng hòa giữa các bài “thất ngôn bát cú” theo luật Đường Thi và thể thơ Lục Bát của Việt Nam. Đáng lưu ý là ngôn từ trong các bài thơ 6 chữ xưa nay đều rất trong sáng, dễ hiểu. Cuối 2012, tôi có 2 tháng sang Mỹ sống với Nguyễn Lương Vỵ. Khi về lại quê hương, tôi xúc động nhận được bài thơ anh gửi tặng:
                  
một mình

1.

mở mắt lại thấy chiêm bao
thấy đêm xanh thẳm rì rào
khuya hoan hỉ nên khuya thức
bóng hàm ơn nên bóng chao
chuyện vãn một mình lúp xúp
tâm tình muôn nẻo lao xao
còn may lắm đêm xanh nhỉ
một vuông trời một chấm sao…

2.

một chớp nháy một niềm trời
hạt bụi bay lang thang chơi
vết hằn xoáy theo trốt gió
niềm thương tít tắp trùng khơi
rạch một âm sâu nhớ bạn
gõ vài phách lạnh đau đời
năm với tháng chìm trong ngực
mở lời thưa một tiếng thôi…

3.

rằng niềm trời thức đã lâu
rằng chiêm bao tự sơ đầu
giọng nói truông ngàn vọng mãi
tiếng tru rừng rú mong nhau
xa xa ngái tình hôm trước
trầm trầm hoài nghĩa bữa sau
gom hết bóng đời trọn gói
tặng đêm xanh mượt vút mau…

Con chim khách kêu rằng Nguyễn Lương Vỵ đang sắp sửa in tập “Năm Chữ Năm Câu”. Liệu đây có phải cách chơi chữ của nhà thơ này? Thơ Việt Nam “ngũ ngôn tứ tuyệt” nằm trong thể Đường Luật xưa nay đã có nhiều bài hay và nổi tiếng, trong đó có Nửa Đêm Thức Dậy Nhìn Mây Trắng” đã trích dẫn ở đầu bài. Nay ông làm thêm câu thứ 5 để kết thúc bài. Liệu đó có phải là kiểu kết thúc như những bài thơ 3 câu của thế Haiku Nhật Bản? Tôi chưa dám kết luận vì hồn thơ Haiku rất không giống với hồn thơ Việt Nam. Chỉ xin mạn phép đưa ra một bài không đề trong tập sách anh sắp xuất bản để các bạn thơ cùng thưởng lãm:

đếm ngàn sông trên lá
lá ngu ngơ thở dài
thời gian phai nhanh quá
lá chỉ nhớ một vài

giọt sương tan ban mai…

Tôi cố tình tự ý cách đoạn câu thứ 5 thay cho kiểu viết liền của tác giả, để nhấn mạnh đến nghệ thuật kết thúc bài thơ. Tôi nghe đâu đó, có bạn viết rằng câu thơ thứ 5 là “một cú nhảy sau cùng” của Nguyễn Lương Vỵ. sự ví von ấy dễ gây ra hiểu lầm, rằng anh đã cố tình “dụng công” để tạo ra những bài thơ “ngũ tuyệt” Việt Nam !Chắc không phải như vậy đâu. Vì nếu quá dụng công thì chẳng nên thơ. Mà bài thơ “ngũ tuyệt” được trích dẫn trên đây lại rất đầy thi vị.

Sáng nay trên ngọn cây bên dòng suối trước nhà, hình như chúng tôi nghe con chim khách kêu lên trước tiên… ./.
                                                                                                V.Ch.C
 -----------                                                                                      
* Một chương trong tập tạp bút “Mặt Tiền Nghệ Thuật” sắp xuất bản.
           

Thứ Hai, 23 tháng 12, 2013

ĐỌC THƠ TÌNH NGUYỄN MIÊN THẢO - KHOA CHIẾN



107 bài thơ được tập hợp lại trong tập thơ mang tên Nguyễn Miên Thảo - Thơ tình (NXB Hội Nhà văn tháng 7.2013) là chút tình thi ca mà Nguyễn Miên Thảo, một người làm thơ gần bước vào tuổi thất thập, muốn chia sẻ với người yêu thơ.
Trong tản văn Giỡn chơi cuộc đời vô tận thay cho lời tựa về tập thơ, Cao Huy Khanh viết: Tập thơ này in khá muộn, bởi Tụng (tên thật của Nguyễn Miên Thảo) làm thơ đã lâu, từ hồi còn học Quốc Học ở Huế giữa những năm 1960, sau đó vào Sài Gòn làm văn nghệ (đăng thơ báo Văn), làm báo (Trình Bày, Sóng Thần)... Nhưng bây giờ thơ mới chính thức ra mắt vì hình như nhà thơ chưa bao giờ hành xử với cuộc đời một cách thật nghiêm túc như bao kẻ đứng đắn đạo mạo vẫn thường làm (hay giả bộ làm bên ngoài như vậy) nói chi thơ. Mà ngược lại, cứ xem cuộc đời là một chuyến đi dài lông bông phiêu lưu may nhờ rủi chịu nên cũng không xem thơ là một cứu cánh gì quá đáng lắm... Cho nên trong thơ anh, trước hết, đời hầu như là những chuyến rong chơi thú vị, những chuyến đi và về cười ha hả, về rồi lại đi miên man bất tận trên nền của những mối tình, những người tình có thể vĩnh cửu, có thể chỉ thoáng qua chốc lát phù du…
Cao Huy Khanh vốn gần gũi với Nguyễn Văn Tụng (tức Nguyễn Miên Thảo) nên cái nhìn của ông hẳn là tri kỷ. Ông có thể “lôi” ra hàng loạt câu thơ của Nguyễn Miên Thảo để minh chứng một cách thuyết phục về “chuyến đi dài lông bông phiêu lưu” của con người này.
Chẳng hạn: Ba mươi năm trước anh về phố/ Em mãi rong chơi ở chốn nào/Ba mươi năm sau anh hoang phế/ Em về tặng một mối tình sâu (Trước và sau).
Con người ấy dám Dặn dò người mình thương: Em xem trong đám học trò/ Đứa nào yêu sớm thì cho điểm mười/ Dạy văn ấy tức dạy người/ Tình yêu có trước cuộc đời có sau.
Dám giỡn hớt với cả Phật pháp: Em cười xóa cả vô minh/ Anh trong kinh kệ giật mình bước ra/ Mõ chuông gởi lại trăng tà/ Anh xin phiêu hốt bên tà áo em (Quy y em).
Để rồi có lúc bị ngấm đòn một cách da diết: Thấy em xõa tóc ngã nghiêng bên trời/ Anh cầm một sợi lên chơi/ Ai dè suốt cả một đời lao đao (Ai dè).
Quả là một sự đáng đời thiệt… dễ thương!
Nhưng trong tập thơ tình này của Nguyễn Miên Thảo, bên cạnh phần lớn các bài thơ về tình ái, ông vẫn không quên dành chỗ cho những mối tình sâu thẳm khác: tình yêu quê hương, tình đời, tình bạn, tình nghĩa vợ chồng thủy chung son sắt…
Một người sinh ra ở Huế, từng lập nghiệp ở Sài Gòn và bây giờ định cư ở Bến Tre ấy đã không kềm được nỗi khát khao quy hồi cố quận khi bất chợt được nghe lại tiếng mẹ đẻ từ một người em gái đồng hương: Nghe em tiếng nói xanh xao/ Tự dưng anh nhớ cồn cào sông Hương/ Rứa răng ngọt lịm như đường/ Từ trong giọng nói tìm phương anh về (Tiếng mạ).
Con người ấy sống gan ruột với bạn bè, hết mình với bạn ngay cả khi bạn đã khuất núi. Trong bàiGiáp năm viết nhân ngày giỗ đầu người bạn thân Thái Ngọc San - nhà thơ và cũng từng là phóng viên Báo Thanh Niên, đằng sau những lời lẽ có vẻ cà rỡn, là một tình bạn đằm thắm, tha thiết: Tự nhiên lăn ra chết/ ngỡ như là đi chơi/ bạn bè ngồi uống rượu/ tưởng mày đi kiếm mồi/… Mày chết sớm hơi uổng/nhan sắc còn quá trời/ rượu nhân tình chưa cạn/biết khi nào cho vơi/… Thôi chạy tuốt lên núi/ uống với mày vài ly/giáp năm đông đủ mặt/ bạn bè say li bì…
Con người ấy khi có lần đã phải chạm mặt với cái chết, vẫn đủ tỉnh táo, an lạc để sẻ chia cho người bạn đời của mình một cái nhìn bao dung, tri kỷ, thấu suốt lẽ đời: Ngày tôi bỏ em mà đi/ Cỏ vẫn xanh/ Sương vẫn mềm như lụa/ Và em sẽ khóc/ Mà tôi thì chỉ muốn mang theo một nụ cười/ Tiếng cười trong veo/ Đã từng làm tôi say đắm/…Chỉ có một ngày em bỏ tôi mà đi/ Tôi không còn tôi nữa/ Em ơi! (Ngày tôi bỏ em mà đi).
Thơ của con người ấy hẳn đáng được sẻ chia cùng bạn đọc.
KHOA CHIẾN
( BÁO THANH NIÊN)

Thứ Bảy, 21 tháng 12, 2013

BẤT CHỢT KHÔNG TÊN - HẠ NHIÊN THẢO

Chiều nay như mọi ngày, em ngồi tĩnh lặng rót niềm vui hòa vào những âm ngân phiêu diêu miền nguyên thảo. Bởi chỉ ở đó, em mới thỏa sức rong chơi thả rơi mọi ngôn từ. Và đôi khi em lại trượt ngã trên con phím khi chợt nhớ về một ngày của xa xưa... ngày mong manh như thế thật dễ thương! Những triền đồi xanh cỏ mượt, hanh hao từng giọt nắng vàng ươm, như màu mật ong óng ả mà mỗi buổi sáng ngủ dậy lười biếng em nhấp môi.

Ngày qua, con phố nhỏ vẫn lặng im cùng năm tháng. Hoàng hôn về vây quanh trên những khúc ngoặt cuộc đời, thấy đó, nghe đó, đau buồn đó, thế giới ngoài kia vẫn đang bình thản trôi. Người ta vẫn bước vào đời nhau rồi ra đi như thế!
Em cũng mỏng manh như chiếc lá ngơ ngẩn chếnh choáng rơi nhưng cũng kiên cường đến vô cùng. Bên song cửa, buổi chiều nghe thời gian chảy dài mơ hồ quanh em. Ẩn mình như những giọt mưa còn đọng lại trên hoa cỏ trước thềm nhà, nghe đâu đó tiếng đàn chim ríu rít như bản âm hưởng trong ngần khẻ cựa mình trôi lang thang, hạnh phúc như những bài thơ bất chợt không tên.

Đêm đầy sao bơ vơ. Một chút khóe buồn hòa mình vào ánh sáng dịu dàng bên khe cửa, em đuổi theo giấc mơ nụ cười hiền, ấm, dòng tóc em buông lơi mang màu dị mộng.
Đêm sót lại chỉ là một khoảng không chập chờn dai dẳng... em xiết chặt và cự tuyệt. Cuối cùng, chỉ còn lại là những vết cắt sâu thẳm trong tim.

Thứ Sáu, 20 tháng 12, 2013

MÙA THU RA ĐI - HOÀNG LỘC

mùa thu ra đi

https://encrypted-tbn3.gstatic.com/images?q=tbn:ANd9GcQ0IIyiF4Mdr4LwYkdCQxdV86Eb0JKZs7XbF95Pm9qvHBCNTeMx

như lúc cành cây vừa nhớ lá
mắt em vừa ướt chút sương mù
tôi biết tôi không còn em nữa
để bóng mây hoài khóc lãng du

thành phố cũng buồn trong giấc tôi
ngọn đèn khuya mấy vẫn đèn khuya
ngày lên sẽ tiếc ngày thu cũ
là áo em phai một góc đời

tôi thức đầu ngày riêng cánh nhớ
bay về thuở của mối tình xanh
thấy nhau ở quãng vừa dâu bể
cái nắm tay em rất dỗ dành...

10-2013

Thứ Năm, 19 tháng 12, 2013

THƠ NGUYỄN ĐỨC SƠN



NHỮNG BUỔI TRƯA  CÂM

từ hôm lính trói anh về
chuông tù réo gọi não nề thân tâm
bịt bùng những buổi trưa câm
anh thường náo nức được đâm mặt  trời
(kỷ niệm Tổng nha,trại B phòng 17
Ngày 28.5.1968)

CHÚT LỜI THỞ THAN

mỗi ngày cúi xuống hạt cơm
anh nghe thấu một mùi thơm lạ lùng
cắn đôi hạt muối thường dùng
biết ơn trời đất vô cùng em ơi
trăm năm ta sống một đời
ngàn năm gửi lại chút lời thơ than
(kỷ niệm Tổng nha,trại c,phòng 36,5.6.1968)

NÓI VỚI QUÁN THẾ ÂM
Kính gửi hương linh Sư Bác,nhà sư Việt Nam đầu tiên
Đi Tây Tạng về và là một trong những nhà sư
kháng chiến nổi danh của miền Nam

cho con xin một chút trăng
đêm nay mười bốn phải chăng khởi đầu
trên cao toả sáng nhiệm mầu
sao con chỉ thấy địa cầu tối om
bốn bên súng chĩa đen ngòm
thiết tha tâm Phật con dòm vô trong
(kỷ niệm trại c quên phòng quên ngày)

SỰ THẬT

năm thằng ngột thở trong phòng
năm thằng tù nữa muốn thòng cổ ra
căn phòng thước sáu nhân ba
thầy chú bắt được chết cha chúng mày
(kỷ niệm Tổng nha,trại B,phòng17,26.5.1968)

KỶ NIỆM BÌNH DƯƠNG

những chiều sẩm tối anh về
em ra lớp dạy đi kề vai anh
một thân áo cánh mong manh
hôn nhau lệ nhỏ trung thành cho nhau
cầm tay ta bước đi mau
hình như bố ráp đằng sau xóm này
nhìn nhau bụng trống một ngày
mà sao hạnh phúc giăng đầy nhà thôi
nửa khuya sao chiếu xa vời
ở trong thiên cổ anh ngồi bên em
(Kỷ niệm Tổng nha,trạiB,phòng 17,24.5.1968)

LẠI CHUYỆN THẬT

người tù thổ huyết chết tươi
tên y tá đến đứng cười nhe răng
một mình y nói rất hăng
mười lăm phút nữa có băng ca rồi
(kỷ niêm Tổng nha trại B,phòng 17,26.5.1968)

CHUYỆN NGÀY XƯA

nửa đêm thức dậy nấu chè
lim dim hai mắt ai dè rất ngon
gọi em giấc mộng vuông tròn
trăm năm bếp lửa chưa bòn đâu em
(kỷ niệm Tổng nha trại B , phòng 17,24.5.1968)

BẦU TRỜI NGÀY MAI

 trời sinh ta có tay chân
đẹp hơn đôi cánh thiên thần biết bao
phi thuyền tăm tắp trăng sao
ta cùng đứng dậy nghiêm chào hư không
bơi trong thế giới đại đồng
tay ôm trời rộng tay bồng thân em
(kỷ niệm Tổng nha trại C ,phòng 36,5.6.1968)

 NHỚ CHÙA XƯA
Thân kính tặng cô Sáu,Tây Tạng Tự Bình Dương,
một trong những người đàn bà hiếm hoi và lạ lùng nhất
tôi đã gặp trên cõi ta bà này

bao giờ trở lại chùa xưa
viếng thăm cây cỏ cho vừa lòng nhau
trưa nằm nghe chút thương đau
tan theo mây tráng phau phau trên đồi
(Kỷ niêm Tổng nha,trại B,phòng 17,28.5.1968)