“Thơ tình” của người không chịu già
Bốn
mươi tám năm trước, tập thơ “Hãy thức dậy cùng ta” do Nhà xuất bản Nội Dung ấn
hành năm 1966 ra đời. Đó là tập thơ in thủ công nhòe nhoẹt chữ nghĩa
nhưng hừng hực hoài bão dấn thân của tuổi trẻ vào cuộc chiến giành lại hòa bình
và thống nhất cho quê hương. Nguyễn Miên Thảo, gã đàn ông nhỏ con gầy gò được
bạn bè yêu mến gọi “người lùn gây máu lửa”… Sau thời gian dài dằng dặc đi
trong chinh chiến, trong cuộc sống đời thường khá chật vật, gã nhà thơ khai
sinh ở miệt biển Thừa Thiên Huế, lại trở về bản quán ra mắt Thơ tình, mà như
nhà thơ Phạm Nguyên Tường, Chủ tịch Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế nhận định “…trọn
gói cuộc đời… gói trọn cuộc tình” trong buổi ra mắt tác phẩm Nguyễn Miên
Thảo - Thơ tình (NXB Hội NHà Văn) do Hội Nhà Văn Thừa Thiên Huế, Nhà Sách
Phương Nam và tủ sách Văn Tuyển Đồng tổ chức.
Sự tái xuất trên thi đàn của nhà thơ Nguyễn Miên Thảo
bằng những vần thơ tình hơi hơi nghịch ngợm, ngạo nghễ và đầy say đắm của một
kẻ tình si: Nghe tin trái đất nóng lên / Em nằm lơ đễnh ở bên lụa là /
Anh xin làm bóng trăng tà / Để che khuất cái nõn nà cùng em (39 độ C)
Thỉnh
thoảng trong tập Thơ tình, lén bật một vài nét thơ mang âm hưởng của dòng chảy
thi pháp đặc thù hào sảng, phiêu hốt về từ “Hãy thức dậy cùng ta”. Những vần
thơ hồi tưởng viết tặng những người bạn cũng của bốn mươi tám năm trước, thời
hoa niên đầy hào khí dấn thân, múa ngòi bút trên các tờ báo đối lập với chính
quyền đương nhiệm để gào gọi hòa bình và thống nhất đất nước: …Mày ra
đi trên con thuyền Tổ quốc / Mày hy sinh hơn cả anh hùng / Quân xâm lược thời
nào chẳng có / Từ Hoàng Sa - phút cuối cùng - mày mơ một dòng sông
…Tao đã khóc viết bài thơ tiễn biệt / Hơn ba mươi năm không bến
không bờ/ Phút cuối cùng mày đứng chào Tổ quốc / Tao chạnh lòng viết lại mấy
vần thơ. (Đọc bài thơ tình
của bạn trong thư viện)
Hay
trong bài viết tặng nhà báo, nhà văn Thái Ngọc San nhân một năm ngày giỗ đầu
của người bạn cùng lý tưởng thời thanh xuân: Tự nhiên mầy lăn ra chết /
ngỡ như là đi chơi / bạn bè ngồi uống rượu / tưởng mày đi kiếm mồi
……
…Thôi chạy tuốt lên núi / uống với mày vài ly / giáp năm đông đủ
mặt /bạn bè say li bì… (Giáp
năm)
Với
thơ, tôi quan niệm là cõi riêng của người viết, và là khách quan bất tư nghị
của người đọc, chỉ dám cảm nhận bên ngoài chứ không dám đi sâu. Nên chỉ lạm kể
một chút về nguyên khởi sự ra đời của nó.
Mỗi
tác phẩm văn học khi ra đời thường đi với nhiều giai thoại. Cái “thi thoại” của
tập thơ tái xuất thi đàn sau hơn bốn tám năm của nhà thơ Nguyễn Miên Thảo, cũng
lắm nhiêu khê.
Có
lẽ phải bắt đầu từ một chuyến về thăm cố xứ của anh. Trong những ngày lang
thang, bù khú với hoài niệm, với bạn bè trên những nhánh đường ủ đầy kỉ niệm
giữa mùa đông rét mướt của Huế, như một số phận, anh bắt gặp nàng thơ cho riêng
mình, bắt gặp cái dĩ nghiệp thi ca mà bao nhiêu năm dài anh đã cố tình ngoảnh
mặt quay lưng.
Thời
đó, người viết bài này đang còn di thực ở cái thành phố Sài Gòn nắng bụi, người
ngợm nháo nhác và may mắn làm nhân chứng cho một mối tình lặng lẽ, đơn phương
mà kết quả của nó là sự ra đời của tập Thơ tình.
Thường
mỗi buổi sáng sớm, tôi lại ghé nhà, chở anh xuống quán cà phê 81 Trần Quốc
Thảo, nơi tụ hội của dân làm văn nghệ. Là người đang yêu, dĩ nhiên thứ tình cảm
mông lung, đơn lẽ thầm lén chỉ có thể giãi bày qua thi ca. Âu cũng là cái khổ
nạn rất chung của những gã làm thơ tình, có nàng thơ mới sáng tạo được, nhưng
lại dễ mang đến sự ngộ nhận thơ là đời và đời thể hiện qua thơ của sư tử nhà.
Mỗi
sáng… chỉ mỗi buổi sáng ngồi quán anh mới dám làm thơ, viết say đắm, cặm cụi
viết những vần thơ tình trên điện thoại di động, khi hoàn thành được bài nào,
mới chép qua cuốn sổ tay nho nhỏ.
Viết
và không dám cho ai đọc, nhất là người trong cái tổ ấm của anh. Vậy là mỗi buổi
sáng tôi lại làm nhiệm vụ chở cái cuốn sổ tay từ nhà mình đi, xong cà phê lại
lẳng lặng mang nó về nhà mình. Gần 365 buổi sáng của năm 2008, tôi chỉ làm một
nhiệm vụ duy nhất, bảo vệ tập bản thảo, không để “lộ hàng”.
Và
bây giờ sau hơn năm năm, được cầm trên tay tập thơ (Nguyễn Miên Thảo – Thơ Tình
) với 107 bài, dày 145 trang do nhà xuất bản Hội Nhà văn và tủ sách Văn Tuyển
ấn hành, tôi không thể quên một câu nói rất chi là nhà thơ của Nguyễn Miên
Thảo. Lúc tôi chuẩn bị hành trang về lại Huế đã hỏi: "Bây giờ em giao cuốn
sổ tay đầy thơ này cho người nào, cho chị hay nàng thơ?"
Anh
vẫn nụ cười hồn nhiên như tuổi teen… Muốn giao cho ai cũng được…
Nguyên Quân
( Báo Thừa Thiên Huế )
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét