Thứ Ba, 3 tháng 12, 2013

DỌC ĐƯỜNG - VÕ CHÂN CỬU

Họa sĩ Đinh Cường và nhà thơ Võ Chân Cửu

BÀI 7

                                 Hoài Niệm của Đinh Cường

Sự đam mê cái đẹp khiến nhiều nhà thơ cảm thấy diễn đạt bằng nhịp điệu ngôn ngữ không đủ. Họ bước sang dùng màu sắc, âm thanh… Nhiều nghệ sĩ đa tài, ở lĩnh vực nào cũng thành công, nhưng công chúng vẫn định danh họ ở bộ môn sáng tác gây ấn tượng nhất. Họa sĩ Đinh Cường là một ví dụ.
     Những năm gần đây người ta đọc được khá nhiều thơ Đinh Cường trên các trang mạng. Những câu thơ tự do như cảm xúc về hành trình, hay những rung động vô tình đâu đó: về một chiếc lá rơi, một áng mây trên nóc giáo đường ông đang sống…Sinh năm 1939 ở Thủ Dầu Một, tốt nghiệp trường Mỹ Thuật Huế, rồi Mỹ Thuật Sài Gòn, đi dạy trường Mỹ Thuật Huế rồi sống ở nhiều thành phố, ông trở thành họa sĩ nổi tiếng từ những năm đầu thập niên 1960. Năm 1989, ông sang Mỹ định cư ở bang Virginia và đi vẽ tranh, triển lãm gần như khắp hết các tiểu bang ở Hoa Kỳ. Người ta vẫn nhận ra trong tranh ông những nét ấn tượng mang nhiều hoài niệm về sắc màu quê hương. Và Đinh Cường hàng năm vẫn thường xuyên về Việt Nam, mở các cuộc triển lãm, thường là chung phòng btranh với những người bạn.
     Cuối tháng 11-2013, sau khi mang những di vật của Trịnh Công Sơn về tặng cho “Gác Trịnh”, ông tổ chức triển lãm cùng một người bạn ở đây rồi về Đà Lạt trưng bày một phòng tranh mới, chung với 2 người bạn nhân kỷ niệm 120 năm Đà lạt.
     Ngày cuối cuộc triển lãm (30-11), Đinh Cường cho biết sẽ về thăm lại Dran, nơi anh  có nhiều kỷ niệm khi Trịnh Công Sơn về dạy học ở đây. Có lẽ ông muốn ngắm lại nóc giáo đường xưa. Khung trời nhỏ thị trấn còn giữ nguyên cảnh cũ, không phải như một Đà Lạt đang xóa nhòa khi “Đồi Cù” thơ mộng bị hàng rào vây

kín làm sân golf.

Đà lạt mù sương cũ

Có một người nội trú Couvent des Oiseaux
đeo chiếc vành khuyên bạc
trốn ra sân Đồi Cù
từ đó ngàn cánh hạc
chỉ như cánh vạc bay

Có một người ở căn nhà không số
có ngọn đèn cháy cả đêm
có một người đứng giữa trời băng giá
gọi cánh rừng mùa đông
tiếng vọng về rất nhỏ
phùng L. ơi phùng L.
nghe như là tiếng gió
gió rừng thông muôn trùng
Đàlạt mù suơng cũ
tình yêu ơi buồn không

                       (Virginia 12.10)
     Virginia nơi ông đang ở thì mỗi mùa thu về, rừng cây vàng lá. Một năm trước, khi tôi t Little Saigon bay qua, vui sao buổi họp mặt đầu tiên tại nhà Phạm Cao Hoàng, đã có anh được một người bạn đưa đến. Lúc này, anh mới hồi phục sau lần tự lái xe đâm vào lề vì cơn choáng bất chợt. Thật bất ngờ khi nhắc về một người bạn thi sĩ đã mất một năm trước:

Nhớ xưa Nguyễn Tôn Nhan



Xưa, lâu rồi Nguyễn Tôn Nhan
Cà phê Huy Tưởng hiên đình Lê Chân (1)
Sáng ngồi ghế thấp dựa lưng
Nói huyên thuyên chuyện thơ Đường bạn ưa

Xưa, với chòm  râu lưa thưa
Áo nâu hàn sĩ như đùa cuộc chơi
Thơ ba câu, tiếng bạn cuời
Vung tay thảo chữ nho đười ươi bay

Xưa, lâu rồi, sao chiều nay
Năm cùng tháng tận ai bày tử sinh
Thắp cây nhang thấy tượng hình
Sáo ai thổi, ôi buồn tênh cuối trời 

                                (Virginia 1.2.2011)

     Trong bài thơ lục bát trên, người ta không khỏi ngạc nhiên khi thấy một họa sĩ thuộc trường phái ấn tượng lại gieo được những vần tự nhiên đầy xúc cảm. Và khi tôi kết thúc chuyến đi để về lại Việt Nam, ông vẫn không quên gửi món quà nhỏ  nhờ  tôi cầm về cho một người bạn đang sống tách biệt giữa rừng thông tự trồng trên Bảo Lộc.


Vĩnh Viễn


Anh vẫn trở về đêm khuya thắp hàng bạch lạp
Tách nước trà nguội như căn phòng có nhiều vết loang
Anh đồ lên thành khuôn mặt em hai mắt to đen
Là Nh… với chiếc trâm cài lên tóc
Con đường buổi chiều là tấm thảm
Anh đưa em về với tiếng hát của Trang
Sương mù vữa trên dãy núi xa còn lại một tí mặt trời
Sáng dịu như màu áo dài xanh non em phơi rồi để quên
Là Nh… với dáng vai gầy bắt được
Làm sao anh nói ra lời lẽ giản dị như ca dao và tình yêu
Hồn nhiên như rừng núi, hồn nhiên như hơi thở em
Anh lắng nghe bằng tiếng tim
Là Nh… với đêm dài mộ huyệt
Cho anh gọi em một lần rất nhỏ như phi lao
Như tiếng sao vỡ nửa khuya
Em ngửa mặt cười nghe lệ rơi
Là Nh… với bản Serenata buổi chiều buồn hơn bao giờ
Là Nh… với niềm sầu đau vĩnh viễn
                                (Tp chí Mai, Sài Gòn 1964)

     Ít người biết rằng khi đã trở thành họa sĩ nổi tiếng, anh còn viết cả những bài luận bình về thơ, như bài viết về thi sĩ Bích Khê. Về sau sách về Thơ Bích Khê trong nước lấy in lại nguyên văn.
  Ở Mỹ, Đinh Cường là một trong số ít họa sĩ sống hoàn toàn bằng sáng tác tranh. Nhưng nếu như được đọc thơ ông, người ta sẽ hiểu thêm vì sao những bức tranh ấn tượng của ông lại tạo nên nhiều ấn tượng. Trước tiên là từ những hoài niệm.
                                                                              
                                                                                Võ Chân Cửu
                                                                                                                                                                 








Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét