Thứ Năm, 31 tháng 12, 2015

ĐÊM 30 Ở THIÊN AN - VIÊM TỊNH

ĐÊM 30 Ở ĐỒI THIÊN AN
                       với Cao Huy Khanh - Trần Lượng
 
 
Đêm bỗng nhiên lững lơ một nỗi nhớ
những tiếng thầm thì
thổi ngọn lá thông reo
bên triền đồi mược mà sương giá Thiên An
chập chờn những gọi mời mộng ảo
 
Em không để lại gì hơn bước đi rộn rã
nụ hôn tuyệt vời
đêm đang sâu
đêm ba mươi choáng ngợp qua mỗi gốc thông già
em quấn quýt mười ngón tay
hồng nhuận
 
Và thế thôi, khởi từ nhúm lửa nhỏ
cháy bùng lên óng ánh một làn da
soi bóng em, hằn vết nỗi đoạn đời
trần gian ơi,
điều không thể thả rơi vào quên lãng
 
Với chiếc que diêm
đốt vội điếu thuốc
sao mà,
lại,
phải sang xuân rồi.
 
VIÊM TỊNH. 


Thứ Tư, 30 tháng 12, 2015

BUỒN KHẮP XƯA SAU - HOÀNG LỘC


em chẳng nói gì sao ta vẫn nhớ
vẫn nghe đầy ứ chuyện trong lòng
ước em kề bên cho ta được nói
cho cạn chữ tình kẻo uổng trăm năm

không kịp rồi, ta ơi - em ngàn dặm
trăng héo bên đồi, rừng phai xanh
yêu thương thì vô cùng, tuổi đời ta có hạn
cứ lo mai đây chi yên mối tình

ngày thu đã qua rồi - nắng cũng xế
gọi em - là muốn dặn dò nhau
em yêu đôi lần mà em thơ dại
ta biết ta buồn đến khắp xưa sau?

HOÀNG LỘC

Thứ Bảy, 26 tháng 12, 2015

ĐÊM GIÁNG SINH - TRẦN BẢO ĐỊNH


anh lắc chuông tim nhân loại thức
đẩy lùi cái ác cứu tương lai!

Anh kiếm sống, bằng những gì có thể
Bằng đôi chưn?Xin lỗi, chẳng là chưn!
Anh đứng dậy!Hạt mồ hôi, máu lệ
Cõng đau đời bất hạnh nặng còng lưng

Và, đêm nay. Đêm Thánh Thể vô cùng
Nỗi thống khổ, bình an trong tay Chúa!
Anh mất chưn. Biết sao về Đất Hứa?
Cõi nhân gian mù tuyệt nẻo Thiên Cung!

Anh quỳ hôn cây Thập Giá quê hương
Máu thịt Người bỗng hóa thành cuộc sống
Đêm Sài Gòn nhớ nhung và ngong ngóng
Những cánh chim xưa quay lại trùng phùng

Phố sắc màu hoa, người chật ngả đường
Không che chắn nổi sau lưng nghèo khó
Anh kiếm sống, bằng những gì anh có
Để cháu con biết tự lực, tự cường!

Và, đêm nay. Đêm Thánh Thể vô cùng
Nỗi thống khổ, bình an trong tay Chúa!

trần bảo định
đêm Giáng Sinh quê nhà 2015
*

Thứ Ba, 22 tháng 12, 2015

HƯƠNG CỎ MAY - HOÀNG THỊ THIỀU ANH

Chẳng hiểu sao em cứ nghĩ về anh?
Chỉ một chút…
Mà lòng em quặn thắt!
Chiều muộn rơi.
Im lìm.
Như thầm nhắc…
Tên anh.
Có gì giữa thinh không?
Hình như là…thắc mắc?
Mà cỏ may đắm đuổi gót chân mòn.
Như khao khát mà em thầm mơ ước.
Cố gội rữa hình anh trong kí ức
Em lần mò giặt giũ vết thương lòng
Tìm kim chỉ vá khâu…tình lành lặn
Đem bình tâm hóa giải những ăn năn.
25/5/07

Thứ Tư, 16 tháng 12, 2015

" ĐI CHỖ KHÁC CHƠI" THƯƠNG NHỚ CHÚ TƯ SÂM - TRẦN BẢO ĐỊNH

CÀ KHỊA CHUYỆN ĐỜI.
*
''ĐI CHỖ KHÁC CHƠI''(1)
Thương nhớ chú Tư Sâm.
Phải nói ngay rằng, hồi trai trẻ, tôi không thích giới văn chương, chỉ thích giới văn nghệ. Chẳng hiểu vì sao?Nhưng, có lẽ cái chữ ''chương'' với tôi, hình như nó chứa nội hàm buộc ràng, khuôn mẫu. Còn chữ''nghệ'' với tôi, nó phóng túng theo cảm hứng cũng nên. Tôi nghĩ tầm bậy tầm bạ của người nhà quê không biết có đúng không?Có điều, biết chắc là, tôi khoái nghe vọng cổ ''Sầu vương biên ải'' của soạn giả Viễn Châu, do Út Trà Ôn hát, từ cái máy hát lên dây thiều hơn coi phim Âu-Mỹ ở rạp chớp bóng.
Một hôm, ông anh họ mang tặng tôi tập truyện ngắn''Nắng đẹp miền quê ngoại''của tác giả Trang Thế Hy vào khoảng năm sáu lăm(2)Tôi đọc lai rai suốt mùa hè năm đó. Và rồi, qua chữ nghĩa trên trang sách, tôi mến ông.
*
Khi trí của tôi bắt đầu trở chứng:Không khoái mần việc nữa. Ông nhà nước đồng ý cho cái trí của tôi nghỉ, tên chữ gọi là ''hưu trí''. Vợ tôi thường cằn nhằn, nói:
- ''Hưu trí''nghĩa là, cái trí của ông ''ngưng hoạt động''. Chờ đến nước nầy, nhà nước cho về, tôi thuộc ''nhà cái'' hốt trọn ổ!
Nghe vợ nói, nhột quá!Tôi phang bừa:
- Thì, bà cứ bảo cái trí của tôi giờ đã ngu, đừng xía vô chuyện của nhà cái mà hư bột hư đường.
Sợ lâu ngày dài tháng, sinh giặc ''cơm không lành, canh không ngọt'', tôi kiếm cớ dông tuốt về quê chẳng ''cắm câu'', cũng không ''ở ẩn, chiêm nghiệm''mà, thiệt tình ''sợ vợ sai, vợ bắt nộp thuế...'' hằng đêm thì, toi sinh mạng chớ chẳng phải chơi.
Thời gian thừa thải, rảnh rỗi tôi đi ''ta bà thế giới''bằng con ngựa sắt của vợ sắm cho. Nhờ vậy, thỉnh thoảng tôi gặp tác giả ''Nắng đẹp miền quê ngoại'', sống lặng lẽ trong căn nhà đơn sơ ẩm thấp, bên dòng kinh quê che bởi những tán dừa xanh. Tôi gọi tác giả ''Nắng đẹp miền quê ngoại'' bằng chú:Chú tư Sâm!
Thiệt ra, tôi gọi ông bằng chú tư Sâm là, gọi theo người bạn kết nghĩa tên Hoàng An. Hồi nẫm, chú tư Sâm cùng anh Hoàng An và một số các anh, như: anh Thảo(3)Lý Văn Sâm, Phan Lạc Tuyên, Thủy Thủ(4) Xuân Bắc(Cà Mau)Vân Lam (hy sinh cùng nhạc sĩ Hoàng Việt ngày 31.12.1967 trên đường đi công tác ở Quận Cái Bè thuộc tỉnh Định Tường)...trên dưới áng chừng 40 học viên, có Anh Đức(dự thính, vì đã học khóa viết văn ở Miền Bắc)...
Khóa 2, lớp Viết văn ở Miền Nam, gọi ''Tiêu Tương''đóng Xóm Rẫy, phía trên là Xóm Giữa(Tây Ninh)do nhà văn Nguyễn Văn Bổng(5)làm Hiệu Trưởng.
Anh Hoàng An, nói:
- Học viên từ các nơi tụ về, xúm nhau lo cất trường, lo đủ mọi thứ để kịp ngày khai giảng. Và, anh chị em Khóa 2 lớp Viết văn ngày đó, không ai không nhớ anh Thảo: Một tay guita có hạng, một kiện tướng đào đất ''số zách'' và, chỉ cần độc chiếc cái quần xà lỏn, anh ngồi bệt xuống đất với đôi tay điêu luyện... nghĩa là, một cái ''lò Hoàng Cầm''ra đời, một tay cật lực lao động cất trường, một tay cuốc đất trồng khoai...dẫu anh xuất thân từ cựu sinh viên Đại học Khoa học Sài Gòn. Anh là, mẫu người ''tranh nhau mần việc hết mình''.Tuy rằng, tính anh rất kiệm lời nhưng, không hẳn là người không tình cảm.
Ở xóm Rẫy có cái chợ, gọi là chợ xóm Rẫy. Gọi tiếng chợ cho nó oách, chớ chỉ là hàng quán lèo tèo kiểu nhà quê tuy cũng có:Hủ tiếu, cà phê, trà, thuốc lá, bánh kẹo...Vì, toàn ''văn sĩ''nên học viên được sinh hoạt thỏa mái hơn những lớp học ngành nghề khác. Đôi lần, tôi định lân la hỏi anh Thảo cho ra môn ra khoai.Tiếc rằng chưa có dịp.
Lớp học khai giảng năm 1964, lúc trời mưa sa dông và dân bắt đầu vào vụ sạ lúa hè thu trên đất gò biên giới.
*
- Chú Tư, cháu mạo muội muốn hỏi chú một chuyện.
Tôi vừa nói lối chưa vô câu vọng cổ để xuống xề. Chú Tư nhướng cặp chưn mày, rít một hơi thuốc lá, buông một câu gọn lỏn:
- Đi chỗ khác chơi!
Tôi không để tâm câu nói của chú nên, chẳng cớ gì tự ái. Tôi thoáng nghĩ:''Đi chỗ khác chơi''là tôi đi hay chú đi?Mà xin lỗi, ai đi rồi cũng được. Tôi nhón ké điếu thuốc, cười vả lả cầu tài:
- Thưa chú, cháu ''thỉnh ý''chú chuyện nầy không thể ''đi chỗ khác chơi''.
- Tại sao không?
Miệng dẫu nói vậy, nhưng dường như chú ''đánh hơi'' có điều lạ ở ''thằng nhỏ''không dính dáng đến chuyện ''văn nghệ, văn gừng''.
- Đâu, chú em nói thử, qua nghe!
Ngày đó, giữa lớp học Khóa 2 Viết văn, chú ''trình làng''một tiểu phẩm(6).Trong tiểu phẩm nầy, chú đặc tả ''nét đẹp ngũ sắc lộng lẫy của những cái bong bóng xà bông dưới ánh mặt trời, nhưng dễ bễ...''Và, chú ''còn nợ cái xe đạp như lời hứa đối với đứa con trai lúc chú ra đi kháng chiến...''
Tiểu phẩm của chú được học viên lớp học đóng góp và phê phán. Ông Tám Nhàn, phân tích có tình có lý, rất chân tình và thuyết phục, chớ ''không dùng đao to búa lớn''. Hồi ấy, anh chị em giới nhà văn thường đối xử nhau đúng mực'' kẻ cầm bút'', hiếm khi ''liệng đá'' hoặc báng bổ nặng lời.
Chú nhận ra điều cần nhận của một nhà văn từng là nhà thơ, nhà báo. Gần 20 ngày sau, truyện''Anh Thơm râu rồng''ra đời. Cả lớp học thích thú, ông tám Nhàn khen đáo khen để! Và, ''Anh Thơm râu rồng''nhận Giải thưởng''Văn học Nguyễn Đình Chiểu của Hội Văn Nghệ giải phóng Miền Nam(1960-1965)
- Việc đó, thực hư thế nào chú Tư?
Tôi hỏi.
Chú Tư im lặng, hút thuốc, mắt ngó ra bờ kinh. Buổi chiều trải nắng qua xóm nhỏ.
*
Chú bỏ chốn kinh kỳ, qua phà Rạch Miễu, về sống bên cạnh ''người vợ cực khổ sơn trường''với mình ở quê nhà. Thường thì, người ta cực mà không khổ hoặc khổ mà không cực. Đằng nầy, thiếm Tư gánh cả hai cái cực và khổ trên đôi vai gầy yếu. Thiếm Tư đi về trời trước chú. Chú nuối, chưa hẳn là tiếc trần gian. Song, cố ở lại ngóng coi mọi sự rõ ràng mà, không phải ''lộng giả thành chân''. Ngóng cổ chờ miết, chẳng thấy mưa rào, ngày một cứ tăm tăm, mù mù...Chú thở dài, một mình buông một câu: Đi chỗ khác chơi!Chuyện đời đâu phải dễ. Chẳng chơi được chỗ nầy thì, chỗ khác có gì chơi?
Sức yếu, tuổi cao...chú dựa vào anh hai Lê, nương nhờ vợ chồng Ái Thy(7)chống chọi bịnh tật và cái già. Hai năm cuối cuộc sống, gần như chú buông bút. Tôi lứa tuổi thuộc hàng con cháu, không ngồi''mâm chiếu''dùng ''đũa văn chương''gắp''chữ nghĩa''. Tôi thương mến chú, không là những tác phẩm chú để lại cho đời. Chưa chắc chú viết thiệt lòng và tôi, cũng chưa chắc đọc mà hiểu mà thấm hết những gì chú đã viết?Tôi thương mến chú từ thân phận con người trong cái cõi nhân gian:Hiền-Dữ!Biết sao hiền sao dữ?Không có dữ, chắc gì ló cái hiền?
Có điều chắc nuột, chú yêu liếp dừa, mương nước. Chú không thể nào quên tàu cau, tàu dừa lả lơi dưới ánh trăng quê thời thơ ấu. Từng lón phù sa Ba Lai, Hàm Luông làm nên vùng đất Hữu Định và, cái làng nghèo Hữu Định đã hun đúc nên một nhà văn yêu đất yêu người. Chú rời mái gia đình từ rất sớm, ''đi vào cách mạng như đi vào ngày hội lớn'' như ai đó từng viết. Chú không thuộc tiếp người ''ham vui'' đi vào cách mạng như đi vào'' ngày hội lớn'', chú đi vào cách mạng như một sứ mạng làm trai, một nghĩa vụ cứu nước giành Độc Lập, cứu dân thoát khỏi cảnh nô lệ lầm than!
Chú Tư, chàng trai làng Hữu Định đã đáp lời cụ Đồ Chiểu:''Hỡi trang tuấn kiệt rày đâu vắng/Nỡ để dân đen mãi thế nầy?''và ''Tuyên ngôn Độc Lập'' ngày 2.9.1945 tại Ba Đình của Chủ Tịch Hồ Chí Minh!
Chú nhớ lại, ngày đó:Người người giành hy sinh, nhà nhà giành cống hiến. Nếu, phải tự tay mình đập nát căn nhà do mồ hôi nước mắt của mình làm ra, vợ chồng, con cái sẵn sàng đập vì, công cuộc ''Tiêu thổ kháng chiến''. Gia đình ba má chú thuộc gia đình có cái ăn cái để, giàu có trong vùng. Vậy mà, chú bỏ tất cả lại sau lưng, nốp với giáo lên vai đi vào khói lửa.
Chú Tư là một người yêu nước, đúng nguyên chất yêu nước của người Nam Bộ.
*
Tôi đến viếng chú Tư ngay ngày hôm sau lễ ''Mở cửa mã''. Nghĩa là, lúc ''con gà''chạy vòng quanh nắm mồ kêu những tiếng kêu báo thức. Và, chắc là chú giựt mình thức dậy trong một cảnh giới khác. Cái cảnh giới chỉ có ma, thiếu vắng người. Chú biết mình rời dương thế. Tôi tin ở thời khắc không dài lắm, chú sẽ gặp lại ''bằng hữu''và những ''cố nhân''mà, khi sống chú mong gặp. Thượng đế rất sòng phẳng và công bằng trong việc ân oán cõi thế gian.
Ngồi thềm mã chú, thợ hồ đương xây mộ dở dang. Tôi vin cây mía lau túm ngọn chao nghiêng gió sớm, ngó cái thang làm bằng sống lưng bẹ chuối, cái thang để đêm đêm chú trèo lên đứngngó trời sao, nghĩ thế sự man man...Tôi thắp nhang, thầm vái:
- ''Thằng nhỏ cà khịa''đến thăm chú Tư đây! Không phải ''ké, bón''chụp ảnh, dựa hơi hồn ma bóng quế ''Người hiền Nam Bộ''để đánh bóng bộ mặt nhà quê ''bùn sình''của mình. Đến để coi chú có nói gì với thằng nhỏ hay ''tò mò. tọc mạch'' lúc chú còn thở khí trời, lúc Thân-Tâm đoàn kết từ Thở, tạo thành sự sống con người. Tắt Thở, Thân-Tâm chia lìa vĩnh viễn. Đến để nghe chú nói:Chú chả trách oán ai bởi, Trang Thế Hy không bầm và dập thì, không có một Trang Thế Hy đích thực Trang Thế Hy! Tôi biết chú quý và thương nhà văn Nguyễn Ngọc Tư là ở chỗ đó, khi ''Cánh đồng bất tận'' lùm xùm nơi Đất Mũi.
Thương cảnh vợ chồng Ái Thy, đứa con gái mà lúc sống, chú rất mực yêu thương. Vợ chồng ăn ở với nhau nhiều năm, không có con. Chú mất, Ái Thy hụt hẫng tinh thần. Gặp tôi, em nó lơ mơ như người đãng trí. Một cảm xúc xót xa chạy rần rật trong tôi.
Hằng giờ, tôi ngồi bên mộ chú. Ngôi mộ khang trang nằm im lìm dưới những hàng dừa mượt mà trên 5 công đất. Nghe chồng con Út Thy nói, lễ Thanh Minh sang năm, anh hai Lê dời phần mộ của thiếm Tư từ ngoài mép lộ vào nằm cận kề chú Tư.
Ngó cái ảnh của chú trên bia mộ, tôi có cái cảm giác chú mỉm cười với thằng tôi. Cái thằng nhỏ ngịch ngợm, bạ đâu nói đó, tính thẳng ruột ngựa. Có lần, tôi tưởng đâu chú nghỉ chơi với tôi. Vì, tôi vượt qua vai vế. Tôi nhớ, tôi nói với chú khi chú hỏi:
- Thằng nhỏ, đọc ''Anh Thơm râu rồng'' thấy sao?
Tôi bậm trợn trả lời đại.
- Thưa chú, hay thì có hay vào cái thời đó. Cái thời quất sụm bà chè địa chủ. Nhưng, theo cháu địa chủ Nam Bộ không ác như địa chủ Bắc Bộ.
Chú nhỏm đít, xoay người trở bộ tư thế ngồi nghe tôi lý sự.
Tôi như được chú khuyến khích, nói tiếp:
- Gần như toàn bộ địa chủ Nam Bộ vào dân Tây, hấp thụ nền văn hóa Tây...moa, toa...tá lả. Tinh thần khoáng đạt, sẵn lòng tự nguyện ''Địa chủ kháng chiến'', góp công góp sức cho phong trào Việt Minh; kể cả gả con cho cốt cán, lãnh tụ phong trào. Thậm chí, sau mùa lúa, địa chủ còn mướn thầy giáo về dạy chữ cho con tá điền...Điều đó, khó có thể xảy ra ở Bắc Bộ bởi, tàn dư phong kiến kềm tỏa và nhuộm đen đầu óc địa chủ. Địa chủ Bắc Bộ mần gì biết ''moa, toa...nhảy đầm...''là cái quỷ quái gì?Nếu có biết chăng, là biết cái ''bàn đèn'', nói ''hoa hòe hoa sói'' là nàng tiên nâu hoặc cùng lắm đi hát ả đào... xin lỗi, được vậy đã là thuộc hạng chãnh...Nên, truyện ''Anh Thơm râu rồng'', thưa thiệt với chú, cháu đọc không thấy đã!
Tưởng chú giận mà không. Đôi mắt chú buồn...buồn rất xa. Tôi ân hận vì đã lỡ lời. Chú hút thuốc, nói lảng sang chuyện khác.
*
Bàn thờ chú-một nhà văn đại thụ, một người hiền Nam Bộ-rất đơn sơ hơn cả sự đơn sơ của người nghèo khó. Tôi ngậm ngùi trong cái bồi hồi của kẻ hậu sinh:''Đi chỗ khác chơi''!Tôi lần mối ra mới hiểu, ''Đi chỗ khác chơi'' vừa là câu thiệu khởi đầu, cũng là câu khẳng định cho một sự kết thúc. Có thể, đuổi bọn ''giá áo túi cơm'', đồng thời cũng là câu ''thấy chơi không được, đi chỗ khác chơi''. Đơn giản như tướt lá dừa mần chổi quét sân, quét bồ hống...
Tự dưng, tôi nghĩ đến thời khắc ra đi của chú. Chồng Út Thy kể với tôi:
- Buổi chiều, ba vẫn bình thường:Ăn cơm, uống sữa...khoảng tối, ba bảo khó chịu có lẽ hơi cảm, em đòi quậy sữa hoặc vắt cam cho ba uống, ba bảo khỏi. Lát khuya, ba tuột quần và lòm còm đứng dậy. Em hỏi:Ba mần gì vậy ba?Ba nói:Ba tiểu ướt cả quần, ba vắt chỗ quạt máy cho mau khô. Em nói, để con lấy cái quần khác cho ba mặc, kẻo lạnh. Ba không cho, ba bảo đắp mền lại cho ba. Em nhắm mắt thiu thiu nhưng, không ngủ được. Bất chợt, em thấy ba nhá nhá đèn pin lên cái đồng hồ...Em ngồi bật dậy, nghe tiếng ba thở rất nhẹ 2 cái...em chạy đến bên giường, hỏi:Có sao không ba? Ba em đã đi. Lúc đó, kim dồng hồ chỉ 0 giờ 50 phút rạng sáng ngày 8.12.2015.
*
Đời chú Tư đã trải qua 2 lần coi giờ để đi.
Hồi năm 45 thế kỷ 20, qua vội lua ba hột cơm cho vững bụng, coi giờ sợ trễ cùng anh em làm cuộc Cách mạnh tháng tám ở quê nhà. Qua không chơi được với bọn cường hào, cò bót...nên xếp bút nghiêng ''đi chỗ khác chơi''. Bây giờ, ở tuổi 91 và nếu tính tuổi mụ là 92, chú xịt đèn pin coi giờ để ''đi chỗ khác chơi''.Tiếc là, thằng nhỏ cà khịa của chú chưa kịp hỏi:
- Vì sao, chú không ở lại chơi cuộc chơi còn dở dang?Vội vả, cuốn tượng ''đi chỗ khác chơi''vậy chú Tư!?
TRẦN BẢO ĐỊNH
Bến Tre,13.12.2015

(1)Câu nói thường khi của nhà văn Trang Thế Hy
(2)''Nắng đẹp miền quê ngoại, Tập truyện ngắn 1964.
(3)Nhà văn Lê Văn Thảo
(4)Phan Lạc Tuyên, Đại úy VNCH, Thiếu úy Hải quân VNCH
(5)Nhà Văn Nguyễn Văn Bổng, bút danh Trần Hiếu Minh, Bí danh Tám Nhàn
(6)Thời đó, không gọi tác phẩm
(7)Anh hai Lê (con trai). Ái Thy (con gái), Chín Hy(Trần Văn Hy, con rể)
*
Ảnh nguồn Băng Châu Nguyễn Thái.
Từ trái
1. Lối mòn dẫn vào mộ chú Tư Sâm
2. Vừa lễ ''Mở cửa mã'' và thợ hồ tiếp tục xâymộ.
3. Trước bàn thờ chú Tư Sâm
4. Vợ chồng Ái Thy và tác giả.

Thứ Ba, 8 tháng 12, 2015

THƯƠNG TIẾC NHÀ VĂN TRANG THẾ HY



Nhà văn Trang Thế Hy đã qua đời vào hồi 0h50, ngày 8.12.2015 (nhằm ngày 27 tháng 10 năm Ất Mùi) tại nhà riêng ở phường Phú Tân - thành phố Bến Tre, hưởng thọ 92 tuổi.
Lễ viếng bắt đầu vào lúc 9h ngày 8.12 tại phường Phú Tân - thành phố Bến Tre. An táng vào lúc 13h ngày 10.12 tại đất nhà phường Phú Tân - TP. Bến Tre. 

Thành kính chia buồn với gia đình và cầu nguyện nhà văn thanh thản ở cõi vĩnh hằng

nguyễn miên thảo - lê dân - lê hoàng dũng -viêm tịnh - cáo huy khánh - từ hoài tấn - vũ hồng - trần bảo định - triệu từ truyền - nguyễn liên châu - hồ trường - kim ba - mặc tuyền - nguyễn khoa chiến - nguyễn minh chiếm - đặng nhật thắng - đặng văn chơn - hoàng lộc - đức phổ - ngô đình hải ...

-

Thứ Sáu, 4 tháng 12, 2015

SÔNG NHƯ NGÀY NGUỘI NẮNG - HOÀNG THỊ THIỀU ANH

Sông Như ngày trở lại
Nắng rơi vàng mênh mông
Dòng đời trôi hoang dại
Loang lỗ chiều thu buồn

Đông nhuốm màu ưu ái
Lên bao nỗi muộn phiền
Gió trở trăn mê mãi
Em một mình _ một tôi
4/12/15
( Sông Như chiều nguội nắng)

Thứ Ba, 1 tháng 12, 2015

GỬI EM MỘT BÀI THƠ MỚI - NGUYỄN MIÊN THẢO

gửi em một bài thơ mới
trong veo như nước giếng làng
đêm nay lại không ngủ được
hình như ngoài ấy mưa tan

huế ơi mưa dầm nắng cháy
ông trời là cái chi chi
ví như tình yêu em vậy
buồn vui hờn giận vu  vơ

sáng nay trời còn mưa gió
em đi có lạnh bờ vai
nhớ về con đường xa ngái
gửi em một tiếng thở dài

gửi em những bài thơ mới
trong veo như nước giếng làng
mai sau em không đọc nữa
anh về đốt gửi sông hương

Thứ Hai, 30 tháng 11, 2015

CÓ MỘT NHÀ BÁO NHÀ VĂN CHU TỬ RẤT CHU TỬ ! - TRẦN BẢO ĐỊNH


Gửi nhà thơ Triệu Từ Truyền,
người hoạt động cách mạng nội thành Sài Gòn-Gia Định
từ những năm 60 thế kỷ trước(Thành Đoàn)
*
Xin có đôi lời thưa trước, rằng:
- Viết về nhà văn, nhà báo Chu Tử(1) tôi ''chỉ múa riu qua mắt thợ''. Việc đó, đã có nhiều nhà văn, nhà báo, nhà nghiên cứu và phê bình...chuyên nghiệp, cùng thân hữu, bạn bè hoặc cộng sự cộng tác với ông ...viết dưới nhiều dạng, nhiều góc độ cảm xúc khác nhau; chính kiến, biểu kiến khác nhau từ nửa thế kỷ trước và, có thể đến bây giờ còn đang viết cũng nên.
Vậy thì, anh viết mần chi?
- Xin thưa!Vì, có một nhà văn, nhà báo Chu Tử rất Chu Tử!
*
Thầy giáo Chu Văn Bình nghỉ nghề gõ đầu trẻ trường Trung Tiểu học Lê Văn Trung ở Tây Ninh, về Đô thành Sài Gòn mần Báo, viết Văn với cái tên Chu Tử. Tự thân, Chu Tử mần sao không biết mình đang dấn thân vào chốn ''gió tanh mưa máu''của ''trường văn, trận bút''Miền Nam trong thời kỳ hỗn loạn.
Rồi, y như rằng,Tòa soạn báo Sống được ''dàn chào'' bởi một số đông người ''cuồng nộ'' đập phá, đốt Tòa soạn báo ở đường Gia Long cháy phừng phừng giữa ban ngày ban mặt mà, chính quyền Sài Gòn lúc bấy giờ im re, nín như nín địt, không có một động thái nào can thiệp cứu giúp. Chu Tử bơ vơ và cô đơn giữa bộ máy ''chạy hết công suất'' chiến tranh, của các tướng lãnh Sài Gòn đang tập hợp nhau thành băng đảng''tranh bá đồ vương''
Nhiều người căm tức, thề trả đũa và chơi tới bến!
Chu Tử với thân hình gầy gò, cao dong dỏng. Mỉm cười, xăn tay áo cùng ê kíp cật lực mần lại. Có lẽ, đó là khí chất của con người Chu Tử. Mỗi lần té ngả là, mỗi lần đứng dậy. Mỗi lần đau thắt lòng, cố nở nụ cười để đời nở một đóa hoa. Ngày đau thương tột cùng của đời ông là, cái ngày đứa con út Chu Trọng Ly đã dùng súng Carbine bắn đạn vào đầu tự sát, khi chưa tròn 15 tuổi. Chu Tử ôm xác con khóc không thành tiếng, nước mắt người cha đẫm ướt mặt đứa con mà ông yêu thương nhất. Ngày đó, Chu Tử ở nhà mượn của người bạn là Thẩm phán Phạm Hải Hồ, phía sau chợ Bà Chiểu để ở. Chu Tử gần như hoảng loạn mất hồn, các người bạn:Dịch giả Phan Huy Chiêm, nhà thơ Hà Thượng Nhân, ...và một số thân hữu đã cận kề động viên, an ủi.
Rồi, một Chu Tử kiên cường đã đứng dậy từ ''tai nạn''đau đớn tận cùng để sống, để viết văn, để làm báo...Một nghị lực phi thường và hiếm có trong một cái thể xác ốm yếu, gầy gò...sẵn lòng hào sảng, hồn nhiên.
Khi phải đối đầu với một thế lực cường quyền, Chu Tử chẳng hề ngán và sợ. Sẵn sàng chơi với đối phương tới lúc''đứt chếnh''. Số là, cuối 69 đầu năm 70 của thế kỷ trước, báo Sống viết một loạt bài phóng sự điều tra nẩy lửa về chuyện nhà cầm quyền Nguyễn Văn Thiệu buộc dân chúng di dời nơi khác, giao Quân đội Mỹ toàn quyến sử dụng căn cứ Cam Ranh. Nhà đương cuộc lúc ấy, đề nghị Chu Tử ngưng loạt bài phóng sự ''chết chế độ'', Chu Tử bất chấp lời đề nghị mang nội hàm đe dọa, cương quyết xấn tới. Và, báo Sống bị thu hồi giấy phép vĩnh viễn.
Rõ là, Sống thành Chết!
*
Tin nhà báo Chu Tử bị ám sát lúc 8 giờ sáng ngày 16.4.1966, lan nhanh khắp Miền Nam và thế giới. Sài Gòn như trong cơn địa chấn.Tại sao, Chu Tử bị ám sát?
Về vấn đề nầy, nhà thơ Du Tử Lê, viết:
''...ông đã không ngừng thổi một luồng sinh khí mới cho sinh hoạt báo chí miền Nam thời đó vốn hiền lành, ngại đương đầu với chính quyền hoặc, những nhân vật có quyền thế về tôn giáo, chính trị cũng như những tệ nạn xã hội...
Cũng chính vì chủ trương làm một cuộc cách mạng đầy nguy nan cho xã hội miền Nam mà, nhà báo Chu Tử đã có không ít kẻ thù.
Kẻ thù của ông đủ loại. Từ một ông tướng quyền uy nghiêng đất, lệch trời, tới một vị lãnh đạo tôn giáo... Từ nhân vật số một, số hai của miền Nam, tới quý vị tổng trưởng, bộ trưởng trong chính phủ... ông đều không tha một ai, nếu ông có tài liệu trong tay.
Cụ thể, chủ nhiệm nhật báo Sống từng bị ám sát hụt vào tháng 4 năm 1966; sau loạt bài ông viết trong cột mục “Ao Thả Vịt” về một vị lãnh đạo tôn giáo thời đó. Lại nữa, trước đấy là loạt bài ông viết, cũng trong mục Phiếm hàng ngày, có tên “Ao Thả Vịt” về một ông tướng “trấn nhậm” một vùng ở miền Trung mà, ông gọi là “Quê Tướng Công,” và, nhiều nhân vật hét ra lửa khác... Nhưng giới chức hữu trách thời đó đã không điều tra ra phe phái hay, cá nhân nào đứng đằng sau những vụ ám sát ấy!!''
(Trích:''Báo Sống và những lần nhà văn Chu Tử bị ám sát''Du Tử Lê)
Chu Tử tạo ''Ân oán giang hồ''từ mục ''Ao thả vịt''của báo Sống, với bút danh Kha Trấn Ác, một tay nghĩa hiệp giang hồ, đầu đàn ''Giang Nam thất quái''trong Tiểu thuyết ''Anh hùng xạ điêu'' tác giả Kim Dung. Lắm bạn bè trong giới, ngoài giới báo chí khuyên ông ''nương tay''hoặc ngưng lùa ''bọn người dơ dái'' đầy quyền lực, thế lực vào ''Ao thả vịt''tắm rửa, kỳ cọ kỹ lưỡng. Bởi, hậu quả khó lường. Thời chiến, chúng có thể giết người như mồi thuốc hút một điếu Salem, rồi liệng tàn thuốc cho ai đó...Chìm xuồng! Những lần nghe bạn bè khuyên như vậy, Chu Tử cười:...thì, có sức chơi sức chịu, liệu sức mà chơi!Chu Tử cóc cần ''liệu sức'' mà chơi.
Theo tin tức các tờ báo Sài Gòn thời bấy giờ, giật tít lớn ở trang nhất:
Khoảng 8 giờ sáng, ngày 16.4.1966, Chủ Nhiệm báo Sống-Chu Tử bị bắn 4 phát đạn vào đầu, đang trong cơn nguy kịch! Tin sau đó, rằng Chủ Nhiệm Chu Tử rời nhà ở cư xá đường Trương Tấn Bửu, Phú Nhuận, ra xe hơi đến Tòa báo Sống. Kẻ giết người, bắn 4 phát đạn súng Colt 9 vào ông, có một phát trúng sau ót trổ ra cửa miệng. Nhưng, ông không chết!
Theo nhà văn Trùng Dương:
''...Số ông Chu Tử còn cao, nên dù trúng đạn gãy xương quai hàm, mất mấy cái răng, song không có viên đạn nào đi vào chỗ phạm. Và ông đã thoát chết nhờ sự chữa trị tận tâm của các y sĩ và nhân viên tại Bệnh viện Cơ Đốc gần nhà ông ở vùng Phú Nhuận''.(Trích:''Nhân kỷ niệm 38 năm ngày giỗ Chu Tử...'').
Rồi, nhà văn Trùng Dương còn cho biết thêm:
''...chưa đầy một tuần sau ngày ông Chu Tử bị ám sát hụt, toàn thể làng báo Miền Nam đồng loạt nghỉ ra báo một ngày, đó là ngày thứ Năm 21.4.1966, tức số báo đề ngày 22.4.66''(Trích:''Nhân kỷ niệm 38 năm ngày giỗ Chu Tử...'')Và, ngày 21.4.66. theo Chu Tử, viết:
''...để tỏ tình đoàn kết báo chí trong việc tranh đấu chống đàn áp và kềm chế báo chí'', đồng thời,''nêu cao tinh thần tranh đấu chung cho tự do, dân chủ''(Trích:''Chu Tử không hận thù")
*
Trong lúc một số người quyết đoán và kèm theo tin đồn VC bắn Chu Tử. Ngược lại, ông khẳng định, rằng:Kẻ bắn 4 phát đạn súng Colt 9 vào ông, không thể là VC.
Sau khi ông hồi phục và bình phục, cơ thể ông yếu và đặc biệt, đôi bàn tay ông run. Tuy vậy, để xác tín điều ông khẳng định:''Kẻ bắn ông, không thể VC'' nên ông viết bài đăng công khai nhiều kỳ trên báo Sống. Về sau, Ban biên tập báo Sống in thành sách với tựa''Chu Tử Không Hận Thù''(2). Trong đó, ông viết:
''...trong vụ ám sát tôi, tôi nhận thấy kẻ sát nhân của tôi không những là một tay ''non'', khờ khạo, chưa có kinh nghiệm gì, tôi còn nhận diện rõ sát nhân của tôi là một ''anh em quốc gia(!)''. Ở điểm hắn còn lúng túng, vương vấn đôi chút lương tâm, nên đi ngang mặt tôi mà không dám bắn, chỉ đủ can đảm bắn vào sau xe, vào lưng, vào cổ gáy tôi,chứ không dám nhìn thẳng vào mặt tôi để bắn''.
Nên nhớ rằng, hồi nhỏ ở quê nhà, Chu Tử từng theo Việt Nam Quốc Dân Đảng của Nguyễn Thái Học, từng là ''đệ tử'' Nguyễn Khắc Nhu trong Đội ám sát và tham gia đánh đồn Hưng Hóa. Những nhận xét của ông là có cơ sở.
Thế nhưng, nhà cầm quyền Sài Gòn thuở ấy, không tích cực mở cuộc điều, cà lớt phớt phơ chiếu lệ cho qua chuyện. Thời cuộc rối như tơ vò, Mỹ ồ ạt đổ quân, Sài Gòn tràn ngập Snack Bar...Chiến sự mỗi ngày một ác liệt, Sài Gòn nghe ''Đại bác ru đêm'', Sài Gòn run bởi dư chấn bom rải thảm của B52...Tâm trí đâu nghĩ đến chuyện Chu Tử bị ám sát hụt.
*
Cái mà tôi muốn viết về ông là, có một Chu Tử rất Chu Tử, vừa bao dung vô lượng, vừa hào sảng và chí tình, lãng mạn và rất Người...hồ dễ mấy ai trong cõi trần gian nầy đạt được!?Có lẽ, ông vốn là nhà giáo với trái tim sư phạm của mình, ông hiểu rằng mọi tai họa khổ đau, xuất phát từ tham lam vô độ, say quyền lực và danh vọng, biến mọi thứ thành cực đoan, cuồng tín...Đã sa vào chốn đó là, sa vào cõi mê; ắt sinh thù hận và giết người. Với ông, sau lần đứng giữa đôi bờ sinh tử, ông nhận thấy rất rõ bất cứ sự cực đoan nào, dù có nhân danh thứ mỹ ngữ cao siêu cũng chứa cái ác, cái ngu muội mà trước hết, làm cho người cực đoan trở thành kẻ ác và là, kẻ thù của mọi kẻ thù!Nguy hại hơn, nó làm cộng đồng phân liệt, xã hội chia rẽ và lòng người ly tán...nó là loài nấm cực độc, đẻ ra một loại người vong nô, sẵn sàng mồi lửa cho bọn ngoại bang xăm lược, bất kể bọn ngoại bang nào miễn, thỏa mãn được cái cực đoan. Không dám dút bỏ cái cực đoan, hận thù ''thiệt''hay hận thù ngụy trang ''cơ hội dở hơi''ra khỏi trái tim mình thì, đừng hòng nói thương ai, nói chi đến thương nòi giống!? Chỉ là, sự lừa phỉnh hào nhoáng!Mất sự đoàn kết thì, sao có Bình Than, Diên Hồng?
Ông vừa là nguyên nhân, vừa là hậu quả của cuộc chơi tự mình chơi không ''liệu sức mà chơi''. Bởi vậy, từ cõi chết trở về, ông vẫn tươi cười và trong ''Ao thả vịt'' ông lạc quan ra câu đố:''Chu Bình sứt miệng bình!'' rất Chu Tử.
''Ông sẵn sàng tha thứ, mong gặp người đã bắn ông để...cảm ơn''(Trùng Dương)và,'' không phải một lần mà tới 3 lần, vì kẻ sát nhân đã giúp tôi 3 điều vô giá, dù có núi tiền núi bạc, cũng không mua nổi!''(Trích:''Chu Tử không hận thù''). Ông cũng ngộ ra rằng, không hiểu tại sao khi ông cầm bút thì cái nhẫn tâm đến độ ác, độ đểu, xỏ lá ba que...đối với những gì ông viết mà, thật tâm con người ông chẳng hề như thế?Một thứ ma quỷ trong văn chương hình như bám miết ở ngòi bút của ông. Chu Tử cũng không quên xin lỗi những ai đã từng bị ông lùa vào cái ''Ao thả vịt''...Tận đáy lòng, ông tha thiết muốn cái xã hội ông đang sống tốt hơn, đáng sống hơn. Rồi, ông hiểu ra, dễ gì?Dù là ''Biển thả vịt'' cũng chẳng ăn thua, huống hồ ''Ao thả vịt''?
Bốn viên đạn oan nghiệt bắn vào ông, giúp ông tỉnh ngộ và có đủ thời gian nhìn lại chính mình. Ông liệng thù hận ra khỏi tâm, ông buông thị phi miệng đời thiên hạ, ông thong thả rước sự bình an về trú ngụ ở tâm hồn. Ông để lại đời một tấm gương biết sống.
Chu Tử đích thực là, con người như thế!
TRẦN BẢO ĐỊNH

(1) Chu Tử tên thật Chu Văn Bình(1917-1975)gốc nhà giáo trước khi trở thành nhà văn, nhà báo. Tửng nổi tiếng với những Tiểu thuyết:Yêu, Ghen...và là, Chủ nhiệm Nhật báo Sống.
(2)Tác phẩm''Chu Tử không thù hận'' gồm bài viết đăng nhiều kỳ trên báo Sống, với những bản tin, bài viết, thông báo, tuyên ngôn...vụ Chu Tử bị bắn. Tất cả in chung thành sách. Sống 1966.
*
Ảnh:
1. Nhà văn, nhà báo Chu Tử
2. Tòa soạn báo Sống bị đám đông ''cuồng tín''đốt(cháy gần 20 chiếc xe máy).Nguồn:minhduc7.blogspot.com.
3. Nhật báo Sống(Nguồn:minhduc7.blogspot.com)

Thứ Tư, 25 tháng 11, 2015

NHÀ PHÊ BÌNH VĂN HỌC CAO HUY KHANH NHẬN ĐỊNH VỀ TÌNH HÌNH VĂN HỌC VIỆT NAM

Nhà nghiên cứu Cao Huy Vĩnh: “Thiếu tác phẩm đỉnh cao, công chúng mất phương hướng”

(LĐCT) - Số 46 NHẬT LỆ (thực hiện) 
Nhà nghiên cứu Cao Huy Vĩnh
 Không thoát ra khỏi “vòng kim cô” của chủ nghĩa lý lịch, sau giải phóng, nhà báo, nhà nghiên cứu Cao Huy Vĩnh long đong, lận đận trên con đường làm nghề. Nhưng ông nhanh chóng thoát ra khỏi hoàn cảnh, tự mình tìm ra cái mới để chơi. Thú chơi của một người nghiên cứu văn, triết, Hán nôm lại bắt đầu từ những chuyện mà chẳng ai nhìn thấy. Thoạt đầu, ông nổi tiếng với những bài tiểu luận phê bình trước năm 1975 về văn học cổ điển, sau đó là công trình “Văn học sử 20 năm miền Nam”, một công trình có giá trị mà rất tiếc, đến bây giờ bản thảo thất lạc khá nhiều.

Sau giải phóng, nhiều trí thức chế độ cũ khác, ông lên nông trường sản xuất, tham gia các khóa học sinh ngữ để chờ tái bổ nhiệm dạy học. Tuy nhiên, nghề báo đã chọn ông, từ thuở ông mở sạp bán báo phụ vợ. Từ mô hình sạp báo, ông đã biến nó thành mô hình tờ Tin nhanh World Cup Italia 1990 được Việt hóa hấp dẫn và cùng với nhà báo Tường Vy, cùng cả êkíp Báo Tuổi Trẻ đạt được thành công rực rỡ. Một thời gian dài, ông viết và biên dịch cho Báo Lao Động ở chuyên mục thể thao. Một con người tài cao, học rộng nhưng lại rất khiêm nhường.
Mới đây nhất, ông lại xuất bản trên mạng tập “Hồ sơ hậu chiến”, nói về số phận kỳ lạ của 7.000 người từng trải qua cuộc chiến ở cả hai phía, thu hút sự quan tâm của độc giả.

Vì sao có một thời gian viết báo hết công suất mà ông vẫn có thể làm được tuyển tập Guinness Việt Nam - điều mà trước đó chưa ai làm?

- Guinness Việt Nam bắt đầu hình thành trong đầu tôi là nhờ cái sạp báo. Hồi đó, tôi giữ một chân ở Báo Giác Ngộ, nhưng tờ báo mỗi tháng ra một lần, không đủ sống, đành phải bán báo thêm phụ vợ. Mỗi lần báo bán ế, tôi ngồi đọc cả đống báo, thấy có nhiều thông tin hay, liền bật ra, a mình làm cái này chơi. Thế là ra đời Guinness Việt Nam. Ra được 2 tập, trong năm 1990 và 2000, do NXB Trẻ ấn hành. Sau này, người ta bắt đầu làm nhiều, thấy quá nhàm nên thôi không ra tập tiếp nữa.

Lúc làm Guinness, ông nghĩ đến những giá trị nhất thời hay còn cả về sau?

- Đúng là Guinness có những giá trị của nó. Tôi chỉ lấy thông tin trên báo chí, chứ nếu muốn hay, phải đến tận nơi, gặp gỡ nhân vật, chụp hình, phỏng vấn… thì sẽ có nhiều điều thú vị. Nhưng thời đó điều kiện chỉ có thế. Người ta thích vì nó lạ. Tại thời điểm đó, các kỷ lục về thể thao được người ta chú ý đến rất nhiều. Càng về sau, mới mở rộng ra nhiều kỷ lục khác. Mở ngoặc một chút, thời những năm 1980, chuyện tường thuật thể thao hầu như không hề có trên đài truyền hình, phát thanh. Nhờ có vốn sinh ngữ, tôi nghe đài nước ngoài, sau đó ghi lên bảng dựng ở sạp báo, có lời bình cho hấp dẫn, và ghi tên cầu thủ ghi bàn. Tôi chủ trương đã làm thì phải làm cái mới, cái chưa ai làm thì mới đột phá được. Nếu đi theo cái cũ thì khó ăn lắm. Khi chưa ai làm Guinness thì mình làm, còn khi quá đông người nhảy vô thì nghĩ cái khác mà chơi.
Sau Guinness, ông còn làm tuyển tập “1.000 nhà thơ Huế đương thời”, gây ấn tượng cho độc giả?

- Đó là cách tri ân Huế, coi như món quà cho quê hương. Nhờ sự cộng tác với các bạn tôi mới hoàn tất 3 tập. Không phân biệt chức tước hay già trẻ, chỉ cần bài thơ đạt tiêu chuẩn hay theo ý mình. Tôi tự bỏ tiền ra in, hòa vốn là mừng. Hồi đó, in thơ là liều lắm, không NXB nào dám bỏ vốn ra in đâu vì sợ lỗ là cái chắc.

Trong cuốn “Văn học Việt Nam - tổng quan” in tại Mỹ năm 1987, nhà văn Võ Phiến (1925 - 2015) cho rằng, “thời kỳ 1954 - 1975 (ở miền Nam - BT chú thích), gặp cái rủi ro hiếm thấy, là trong suốt 20 năm trời không có được lấy một nhà phê bình chuyên nghiệp”. Võ Phiến nhiều lần nhắc đến tên ông trong cuốn sách một cách trân trọng và có cả tiếc nuối: “Ông Cao Huy Khanh (tức Cao Huy Vĩnh. BT chú thích) có nghiên cứu về bộ môn tiểu thuyết cùng các tiểu thuyết gia trong thời kỳ này, nhưng sách chưa kịp phát hành thì miền Nam sụp đổ”. Thời ấy, tiểu thuyết ở miền Nam có nhiều thành tựu, Võ Phiến đã trích dẫn sự nhìn nhận của Cao Huy Khanh là “tiểu thuyết chúng ta có quá nhiều sắc thái, nhiều tính chất, nhiều đặc điểm khác biệt”. Võ Phiến còn kết luận rằng, “Biên khảo về tiểu thuyết miền Nam Việt Nam sau 1954 thì hình như chỉ mới có Cao Huy Khanh”…

Không chỉ viết báo chuyên về thể thao, văn hóa, ông còn là nhà phê bình với nhiều bài tiểu luận gây tiếng vang trước 1975. Ông có thể cho biết về các nhân vật mà ông từng nghiên cứu?

- Công trình trước năm 1975 mà tôi thực hiện là một số bài tiểu luận, phê bình gây được tiếng vang vì ít nhiều có cái lạ. Hồi đó, tôi sử dụng phương pháp hiện đại, áp dụng phân tâm học, phê bình kiểu hiện sinh về phân tâm học. Phương pháp đó khá mới thời đó. Tôi viết về Hồ Dzếnh, Bùi Giáng, Tế Hanh… Theo quan điểm của tôi, khi viết bài phê bình, tôi chỉ lấy tác giả đó làm cái cớ thôi, để đưa cái chủ quan của mình vào. Nên nó không phải phê bình lý luận khoa học bình thường, mà giống như một dạng cảm xúc phối hợp tác phẩm nên mới dễ đọc.
Bùi Giáng thì tôi không đánh giá cao ở tài thơ, mà con người ông mới lạ, mới đáng phục. Là người nửa tỉnh, nửa mê nhưng thực chất ông không điên. Còn sự nghiệp thơ văn của ông chủ yếu là lục bát, nhưng ông có thế mạnh là sức viết rất khỏe - có cả chục ngàn bài. Điều này trong lịch sử văn học VN chỉ có hai người đạt được thôi, là Tản Đà và ông. Còn về dịch, ông dịch nhiều cuốn giá trị, nhưng chủ yếu vẫn thêm vào sáng tác của mình, như một kiểu dịch phóng tác.
Bài viết “Chân trời cũ” nói về bài thơ “Chiều” của Hồ Dzếnh, có lối viết vừa nghiêm túc, vừa tưng tửng. Hay “Mái hiên người” viết về bài thơ “Trên sân ga” của Tế Hanh. Ở Huế, tiếng còi tàu kinh hoàng lắm, cả trăm năm nó vẫn như vậy. Mượn cớ bài Tế Hanh để viết ra những ý nghĩ, suy tư của mình.


Thế còn công trình “20 năm Văn học sử miền Nam từ 1954 - 1974”?

- Mới làm được một phần ba thì đất nước thống nhất, nên thôi luôn. Tôi làm văn học sử theo quan niệm truyền thống, dùng lịch sử, thời đại, tiểu sử tác giả để phân tích, chia làm các giai đoạn, cột mốc… Tuy nhiên, dự án vừa mới đăng vài ba số thì bị ngưng...

Theo nhà phê bình Vương Trí Nhàn, bây giờ nhìn nhận lại, thời đó, văn học miền Nam đã có những thành tựu nhất định, có thể nói là phát triển lên đỉnh, với nhiều tác giả lớn, có ảnh hưởng đến văn học về sau. Quan điểm của ông ra sao?

- Văn học sử thời đó chia ra làm 3 giai đoạn. Thời gian đầu, dựa vào nhóm nhà văn từ Bắc di cư vào Nam, cụ thể là nhóm Sáng tạo. Nhóm này gồm Mai Thảo, Doãn Quốc Sỹ, Thanh Tâm Tuyền… Trong đó, nổi bật nhất là Thanh Tâm Tuyền, một người rất đứng đắn, có trình độ. Ông nổi bật với thơ tự do “Mặt trời cô đơn”, và văn thì có cuốn “Bếp lửa”. Trong Nam, phát triển sau hơn một chút là nhóm “Bách Khoa”, tức nhóm làm bán nguyệt san Bách Khoa, đứng đầu là ông Võ Phiến, Nguyễn Hiến Lê, Nguyễn Ngu I, Võ Hồng, Lê Tất Điều... Võ Phiến là chuyên gia truyện ngắn, phân tích tâm lý rất hay. Lớp văn trẻ sau này có Y Uyên viết về chiến tranh cũng rất đặc sắc, nhưng bị chết trận. Nhóm Văn nghệ xuất hiện sau khi nhóm Sáng tạo tan rã, có Viên Linh, Du Tử Lê… Ngoài ra có những nhà văn nữ có cá tính như Nhã Ca, Thụy Vũ, Túy Hồng…

Ông đánh giá thế nào về sự ảnh hưởng của các nhà văn thời đó đến thế hệ sau? Bản thân nhiều nhà phê bình cho rằng, thời đó, mặc dù cũng bị kiểm duyệt, nhưng các nhà văn miền Nam vẫn có những tác phẩm đỉnh cao?

- Trong lịch sử có một chân lý kỳ cục, từ thời Roma cho đến bây giờ, là những người đi chinh phục, sau khi chiến thắng thì lại bị ảnh hưởng bởi nền văn hóa của những kẻ bị chinh phục. Người đi chinh phục thường mạnh về quân sự, nhưng họ không thể mạnh về văn hóa.

Có người nói báo chí, xuất bản miền Nam hồi đó rất phát triển, liên tục cập nhật các trường phái, trào lưu trên thế giới. Ông có thể cho biết nguyên nhân tại sao?

- Báo chí miền Nam thời trước ít được tổ chức đàng hoàng, mà hầu hết chụp giật, chỉ gói gọn vài người viết bài, chụp ảnh, chứ không nhiều ban bệ như báo chí thời bây giờ. Sở dĩ, xuất bản thời đó phát triển, là bởi cũng nhờ cơ chế tự do, không bị o ép. NXB hay nhà văn cá nhân vốn thiên biến vạn hóa. Cứ để người ta tự do, nếu có những sai phạm thì sẽ bị cơ quan chức năng xử lý, còn không, thì để họ tự xoay xở, sống còn. Muốn vậy, các NXB phải tự thân vận động, tìm những tác phẩm hay nhất, mới nhất về dịch. Vì thế mà thời đó, các trào lưu văn chương thế giới đều được cập nhật khá sát sao.
Còn nói về dân trí, thời đó, đội ngũ trí thức đông hơn, văn hóa đọc cũng phát triển. Từng làm nghề giáo qua hai chế độ, tôi thấy thời đó có những thầy cực giỏi, mà có những thầy cực dốt. Còn ngược lại, giờ không có thầy dốt, nhưng thầy giỏi cũng không có.


Theo ông, do đâu mà thời nay, phê bình văn học không phát triển?

- Phê bình bây giờ không phát triển là do công chúng không còn chú ý đến văn chương nhiều nữa. Thứ hai, không dễ phê bình, phải có học thuật, có trình độ, mà nhất là muốn phê bình văn học VN phải hội đủ hai yếu tố, phải có kiến thức về văn chương Việt Nam, và cả phương pháp Đông Tây hội tụ. Điều đó không đơn giản. Người ta thườngchỉ giỏi một trong hai thứ đó thôi. Những người Tây học thì viết không ai hiểu. Những người không biết tiếng Tây thì là ông đồ gàn. Thứ ba nữa là có cả yếu tố chính trị.

Phải chăng, văn học thời kỳ nào cũng nằm trong dòng chảy chung của văn học Việt Nam, nhắc đến nó phải vẽ nên những nét tổng thể của bức tranh hoàn chỉnh, cũng như không thể thiếu văn học miền Nam trước ngày thống nhất hay văn học hải ngoại đương đại…

- Thực ra, những thành tựu chính đạt được tính ra ở văn học miền Nam, còn văn học hải ngoại thì theo tôi nghĩ, văn nghệ sĩ mà xa rời cái gốc của mình thì viết khó mà hay được nữa. Điểm khác biệt giữa nhà văn ở hai miền chính là ở chỗ lòng yêu nước thể hiện qua thái độ và tư tưởng hành động khác nhau. Trải qua 20 năm đổ xương máu giành độc lập, bao nhiêu thù hận, bao nhiêu đổ vỡ, đến bây giờ người ta mới tạm nguôi ngoai, mới nói đến hòa hợp dân tộc.

Bao nhiêu năm viết về văn hóa văn nghệ, thể thao, ông có nhận xét gì khi thời nay, rác văn hóa tràn ngập, trong khi chẳng có ai buồn dọn dẹp hay ra tay để làm sạch môi trường văn học nghệ thuật?

- Quan trọng nhất là sự tự do, để người hành nghề tự định đoạt, xoay xở, đừng kèm cặp, chỉ đạo nhiều quá. Trình độ văn hóa bây giờ đi xuống, vì ngay cả những tác phẩm chân chính cũng không có nhiều, không định hướng được khán giả, buông lỏng về mặt quản lý. Văn hóa nghệ thuật xuống cấp, lại thực dụng nữa, chính vì thế mà xã hội không có được tác phẩm đỉnh cao, công chúng mất phương hướng thì nhảy từ cái này qua cái kia… là điều dễ hiểu.

Xin cảm ơn ông!

Nguồn : laodong.com.vn

Thứ Bảy, 21 tháng 11, 2015

NHÂN NGÀY NHÀ GIÁO NÓI CHUYỆN PHIẾM: RUỘNG ĐỒNG-ĐẤT ĐAI NAM BỘ! - TRẦN BẢO ĐỊNH


Tôi có cá tính bẩm sinh:Hễ thấy người thân, người quen, bạn bè...thành đạt chức quyền hoặc tiền bạc, thường ''kính nhi viễn chi''. Hội hè, đình đám...ít lui tới, bởi hay mắc cỡ. Chẳng hiểu cá tính đó, tốt xấu; nên hoặc không nên. Theo như ông bà trong làng An Vĩnh Ngãi, cá tính như vậy, nó đặc sệt dân miệt ruộng. Vả lại, hồi nhỏ má tôi thường căn dặn:''Ham vui chịu lận nha con!'' hoặc thản như có chuyện gì gấp gáp, chị Hai tôi nôn nóng thì, má tôi bảo:''Nước chảy, ngày nó tới!''...Lời má, đã ăn sâu vào tiềm thức của tôi.
Dân nhà nông.Nam Bộ sống bằng 3 nghề cha truyền con nối thành cái nghiệp:Ruộng, vườn, sông nước(còn gọi là thương hồ).Vì vậy, mới có câu thành ngữ:Sống nghề, chết nghiệp!
Trời cho ông Sơn Nam thọ nhưng không thọ đến 100 năm, ông chỉ kịp thời gian nói về ''Văn minh miệt vườn'', chưa chạm và nói ''Văn minh miệt ruộng''. Riêng ''Thương hồ''chẳng ai dám nói''miệt'', vì sống trên sông nước, rài đây mai đó, người đòi thường gọi, rằng ''Lưu linh lưu địa''thì, xin lỗi biết miệt nào?Ở mặt nầy, cánh cửa Nam Bộ Học đang mở tác hoách chờ các nhà nghiên cứu.
Ruộng gắn với đồng như trò gắn với thầy. Đó là, cách nghĩ nôm na của dân ruộng. Nói tới đồng là phải nói cánh bởi sự mênh mông của nó, ngó mút tầm mắt chẳng có vật chi che chắn. Văn minh miệt ruộng gọi cánh đồng. Cánh ở đây, chính là hình tượng cánh cò. Cò bay thẳng cánh! Cánh cò đi vào tâm hồn dân ruộng, nó đồng nghĩa với quê nhà.
Người thầy khác chi cánh đồng gieo hạt chữ xuống từng thửa ruộng. Rồi từ hạt chữ nẩy mầm ngậm sữa kết thành nghĩa làm người.
*
Năm khi mười họa tôi mới có dịp lên Sài Gòn. Mỗi lần lên Sài Gòn, thường thì tôi rụt rè ngồi uống cà phê với anh Hiền, anh Tụng...nơi vỉa hè dọc đường gió bụi.
Số là, anh Hiền, anh Tụng dân ''Mệ'' thứ thiệt 100 phần trăm. Anh Hiền, dân làng Chuồn tên chữ An Truyền, hành phương Nam và cõng ''người tình muôn kiếp'' người đẹp tràm, bưng, trấp...Đức Huệ. Anh Tụng, dân Mỹ Lợi thuộc Phú Lộc, đằng vân mang bút vô Sài Gòn tham gia hội quần hùng Ký giả báo Sóng Thần, phụ trách''trang nằm''tức trang 5 của báo...Anh sử dụng Sóng Thần một phần vào việc''giữa đường thấy chuyện bất bình ra tay'', rồi ''di tản chiến thuật'' về Bến Tre, cuối cùng ẫm một cô thôn nữ ''dáng đứng Bến Tre''lớn lên từ đất Giồng Trôm.
Những năm đầu 60 thế kỷ trước, các anh sống và đi học ở Huế. Khoái văn chương từ những người thầy dạy Tiếng Việt, giảng Văn nghị luận, bình thơ-phú...Say với cái say thiên nhiên đúc nên núi Ngự, sông Hương...Mê với cái mê Kinh Đô quyện vào trời đất, tạo nắng Kinh kỳ và trăng Hoàng cung...Có lẽ, trên đất Việt, chẳng có nơi nào tuyệt như thế. Và rồi, các anh tụ lại lập bút nhóm Cuồng Biển giữa lúc Huế vừa gồng mình, vừa chuyển mình theo dòng thời cuộc rực lửa đấu tranh. Thật ra, trên đất Thần kinh mọc lên rất nhiều Thi văn đoàn vào cái thời chiến tranh bom đạn đó. Có lúc, tưởng chừng Huế ''ly khai'' Sài Gòn...''thách thức Thiệu-Kỳ''...Đêm thơ''Chiến tranh-Quê hương-Tình yêu''của phong trào Sinh viên-Học sinh được tổ chức vào một đêm mùa Đông tại giảng đường Trường Đại Học Sư Phạm Huế, có thầy Lê Văn Hảo và Tỉnh Trưởng Khoa cùng dự. Các anh bút nhóm Cuồng Biển tham gia diễn ngâm thơ của chính mình và, Biển từ Tam Giang đã Cuồng nộ đêm thơ ấy.
Các anh, bao gồm:Hiền, Tụng, Quảng do Hiền sống với ngoại ở An Truyền đi học, đảm trách nhận bài, biên tập, sửa bài và đặc biệt ''in Tập san''bằng bút máy Pilot do Hiền cặm cụi viết tay, Quảng vẽ bìa và minh họa, xong xuôi cả ba anh em hì hục đóng thành tập, xuất bản...với cái tên NXB Nội Dung và chuyền tay nhau đọc...trân trọng và quý báu. Nói theo chữ nghĩa bây giờ là, trân quý!Giữa khi đó, Trần Dzạ Lữ đang cùng anh ruột là Trần Văn Khai chăm chút Thi Văn Đoàn Mây Ngàn với những vầng thơ tình mượt mà, thổn thức!
Hồi đó, cùng thời ở Sài Gòn có nhóm Bộ Lạc Mới ra đời do Triệu Công Tinh Trung(2)chủ trương với các bạn Nguyễn Tôn Nhan(còn có bút danh Trần Hồng Nhan), Từ Kế Tường...Cả ba anh như là biểu tượng ''Hòn Ngọc Sài Gòn'' cứ nhắm mắt nhắm mũi nghĩ rằng:Bút nhóm Cuồng Biển là những nường nữ sinh Đồng Khánh:Nguyễn Miên Thảo, Trần Thị Gioan (bút danh của anh Quảng...nên ''Hòn ngọc Sài Gòn''yêu ''tối lòng tối mắt'' gái Huế ''đa dâm''.
Một hôm, các anh Bộ Lạc Mới gửi bằng đường dây thép ra cho các em Cuồng Biển(mai mà các anh chưa gọi ''Cuồng dâm'') 20 số báo Bộ Lạc Mới (khổ giấy lớn xếp làm tư) kèm theo cái thư, xin trích một đoạn:
''...nhờ các em phát hành. Trước khi phát hành, các em lấy 1 tờ để đọc, để biết các anh là những thiên tài...''(Xin miễn nêu tên người Đại diện Lạc Bộ Mới ký tên bức thư)
Trong bút nhóm Cuồng Biển ở Huế, Tụng là thanh niên nhanh nhẹn và ''rắn mắt'' nhất. Anh ta thay mặt Hiền, Quảng viết thư trả lời nhóm Bộ Lạc Mới và cũng không quên tự tay cầm kéo cắt ''chùm lông d...'' gửi kèm theo thư.
Thư rằng:
''...tụi em công nhận các anh là thiên tài...xin gửi đến các anh ''kỳ vật'', để các anh yêu quý của tụi em làm vòng hoa đeo...thương nhớ gái Kinh đô''
Sau Mậu Thân 68, bút nhóm Cuồng Biển tan thành những bọt sóng trôi về phương Nam, mỗi người một hướng...trong cái vòng xoáy nghiệt ngã của trò chơi chiến tranh. Và, Triệu Công Tinh Trung ''thiếu sống thừa chết'' qua những trận đòn thù, tù đày nơi Côn Đảo. Các anh tạm''tan hàng. Cố gắng!''Đứa vô quân trường, đứa ra bưng biền, đứa trốn lính...Bút nhóm rã, Bộ Lạc Mới rã...nhưng những vầng thơ từ trái tim của các anh chẳng những không rã mà nó, kết tụ từ máu, nước mắt...thành thơ mang tiếng lòng hòa vào nhân thế, đất trời...
*
Tôi như ngỗng đực, nghe các anh kể chuyện cũ mà phát thèm cái không khí sinh hoạt văn chương học trò thời chớm lớn. Đẹp và thơ mộng! Dẫu đẹp và thơ mộng đó dưới bầu trời hỏa châu!
Thói đời, người ta dùng thời gian để đẽo gọt tâm hồn và trôi gốc. Rời nơi chôn nhau cắt rún, dù bất cứ lý do gì, cũng là ly hương bỏ xứ. Chạy vô Nam chớ chạy đi đâu?Sài Gòn chính là nơi dung chứa, cưu mang, không đòi hỏi bất cứ điều kiện gì. Đừng ai đó nghĩ-kể cả tầng lớp sĩ phu Bắc Hà-rằng:Cảm hóa, đồng hóa...ngàn cái hóa...hòng đổi thay làm Sài Gòn biến chất, mất gốc. Một Sài Gòn phát pháo lệnh ''Nam Bộ kháng chiến''...''mùa thu rồi...ngày 23, ta ra đi...khi sơn hà nguy biến...''Giờ đây, còn ngun ngút khói ở góc phố, con đường...
Bọt biển hiện thân của nhóm Cuồng Biển đã nhập cư và hòa vào lòng sông Bến Nghé. Cả hai bạn Tụng, Hiền đều dính gốc Nam Bộ và hai anh, dù là hậu duệ của Tề Thiên cũng chẳng thoát nổi cái ''hóa'' gái Nam Bộ. Ngay cả cái ''văn hóa đéo'' của Hà Nội một thời, như:''Biết, nhưng đéo chỉ'', ''đéo hiểu'', ''đéo nghe'', ''đéo sợ'', đéo sai'', ''đéo trả tiền''...Nghĩa là, mọi thứ ''thượng vàng hạ cám'' đều được đéo tất...Khi ''Đéo'' lò dò vô Sài Gòn chưa ''tàn điếu thuốc rê Gò Vấp'' đã bị ''anh Hai Sài Gòn'' đá cho một phát, ''đéo'' rơi lả tả vào Sở Thùng miệt Cầu Hang, Bình Thạnh. Quán liều ăn uống ở Hà Nội ứng xử thực khách...xin lỗi, vợ tôi cứng họng không nỡ lòng nói ra, vì ''sợ đau cái cửa mình em lắm, mình ơi!''. Chủ quán liều ăn uống ở Hà Nội vào Sài Gòn kinh doanh, không dám giở trò như ở đất Hà thành. Tại sao?Thực khách Sài Gòn mỉm cười tẩy chay, sập tiệm!Chủ chạy lộn lại Hà Nội, không còn tiền mua vé tàu xe.
Đất Sài Gòn với tâm linh Lăng Ông, Bà Chiểu...người Nam Bộ vững thần khí, giữ hồn cốt riêng mình, đồng thời đồng hóa người bốn phương tụ về.
Nói vậy, chẳng là người Nam Bộ cao đạo mà thực tế, kẻ dữ đền đây cũng bỗng hóa ra hiền. Ví như, dân quê tôi xưa, thấy chữ tàu trên giấy báo nhật trình rớt dưới đất thì, lượm lên phủi bụi đem cất, chớ không dẫm chưn. Có người thấy, bảo:Sao kính trọng và u mê thế?Thưa không, dân quê tôi mần thế, vì đó là chữ của thánh hiền, đâu phải là chữ của họ. Nên nhớ, cái gì thuộc về họ và họ thực nắm trong tay thì họ mới trân quý. Họ gọi chữ của thánh hiền, nghĩa là cái thuộc về ''cõi trên'', cái chẳng có.
Thử hỏi, Nam Bộ với thủ phủ Sài Gòn, kém sức mạnh tiềm ẩn vô song thì, lấy chi chống chọi, lấy chi thuyết phục bao kẻ ngoại lai, lắm đứa con hư hỏng định cướp ''Hòn ngọc'' của tiền nhân để lại trên 300 trăm năm?
*
Nơi nào đó gọi đất là đất đai. Dân quê tôi không gọi đất là đất đai, chỉ quen gọi đất là ruộng và là ruộng đồng. Bởi, đất ở nơi nào đó người phải đai theo, không đai theo sẽ bị cướp. Khác chi cái ''cân đai'' của nhà quan. Ruộng không cần đai, vì ruộng theo đồng. Đồng thì bát ngát. Nôm na, đồng ruộng gắn nghĩa thầy trò. Tục
ngữ:''Không thầy đố mầy làm nên '' là vậy. Thương ruộng phải yêu đồng.Nói cho cùng, thương yêu ruộng đồng là không quên ca dao, tục ngữ, hò vè...qua Văn chương Việt; không quên cội nguồn trong tinh thần Sử Việt. Văn -Sử là chất nhựa nuôi sống tầm hồn dân tộc, là hoa đẹp nở trên cành bút nhóm với hàng trăm, hàng ngàn Văn thi đàn, như: Bộ Lạc Mới, Cuồng Biển, Mây Ngàn...Hầu như, nơi nào có trường học, nơi đó có Thi văn đàn.
Đai niệt đất như ách niệt trâu cày, hỏi còn hơi sức đâu quan tâm đến Văn-Sử Việt?Tâm hồn đội nón đi chơi trong một thân thể đẩy đà quá khỗ. Giàu vật chất , nghèo tinh thần là vậy. Vì chỉ là đất đai nên tình nghĩa thầy trò, Tôn sư trọng đạo giờ đã nằm trọn trong dấu ngoặc kép. Trò học thêm, chạy trường, phong bì lễ tết...thứ thứ được quy ra ''Tiền''...Tội nghiệp đa số gia đình trò bỡ hơi tai không kip ngáp. Chẳng hiểu ''ai bày'' ra cớ sự nầy. Thầy nhận những thứ từ trò hoặc từ cha mẹ trò, có bao giờ cảm thấy run tay!?Thảm cảnh trò đâm thầy, thầy gạ tình đổi điểm...nay, chẳng còn cá biệt, giấu giếm gì cho cam. Nghiệp chướng từ Nhân-Qủa?Không, dân quê tôi bảo do ruộng đồng mất dần...mất dần, mất cái tự ngàn năm thuộc về mình.
Rõ ràng, người nông dân sống tưới mồ hôi, cũng lắm khi tưới máu trên ruộng đồng với phương châm ''một tấc không đi, một ly không rời''. Người chết, nằm dưới lòng đất ruông đồng, quây quần nhau thành bãi tha ma...Ơn sâu nghĩa nặng với đồng ruộng như ơn sâu nghĩa nặng với thầy trò. Mới thoáng qua, tưởng dân quê tôi tôn thờ ''Nho gia'', ngó kỹ chẳng phải. ''Nho gia'' đã nép mình theo cái phép tắc lễ nghĩa nhà quê Nam Bộ trong cách xử thế:Nhập gia tùy tục, đáo xứ tùy nhân.... ''Tôn sư trọng đạo'' theo kiểu nô lệ tư tưởng Khổng-Mạnh không có ''đất'' cắm dùi nơi nầy. Vì vốn dĩ, ở Nam Bộ gọi ruộng đồng chớ nào gọi đất đai?
TRẦN BẢO ĐỊNH
20.11.2015
*

(1)
*Hiền, tức Nhà thơ Từ Hoài Tấn
*Tụng, tức Nhà báo-Nhà thơ Nguyễn Miên Thảo
*Quảng, tức Nhà thơ Mường Mán
(2)
*Triệu Công Tinh Trung, tức Nhà thơ Triệu Từ Truyền, 2 lần tù Công Đảo
trước 1975) nguyên Phó Chủ Tịch UBND Q.4 TpHCM. Vừa ra mắt Tập thơ ''Hạt Sứ giả tâm linh''tại HNV.TPHCM
*
Ảnh:
. Quảng cáo đăng ở Tạp chí Văn, số 110 ngày 15.7.1968.