Thứ Tư, 31 tháng 3, 2010

NHẠC SĨ TRỊNH CÔNG SƠN - DIỄM CỦA NHỮNG NGÀY XƯA

DIỄM CỦA NHỮNG NGÀY XƯA
Thuở ấy có một n gười con gái rất mong manh, đi qua những hàng cây long não lá li ti xanh mướt để đến trường đại học văn khoa ở Huế.
Nhiều ngày, nhiều tháng của thuở ấy, người con gái ấy vẫn đi qua dưới những vòm cây long não. Có rất nhiều mùa nắng và mùa mưa cũng theo qua. Những mùa nắng ve râm ran mở ra khúc hát mùa hè trong lá. Mùa mưa Huế người còn gái ấy đi qua nhòa nhạt trong mưa giữa hai hàng cây long não mờ mịt.
Nhà cô ấy ở bên kia sông, mỗi ngày phải băng qua một cây cầu rồi mới gặp hàng long não để đến trường.
Từ balcon nhà tôi nhìn xuống, cái bóng dáng ấy đi đi về về mỗi ngày bốn bận. Thời buổi ấy những người con gái Huế chưa hề dùng đến phương tiện có máy nổ và có tốc độ chóng mặt như bây giờ. Trừ những người ở quá xa phải đi xe đạp, còn lại đa số cứ đến trường bằng những bước đi thong thả hoàng cung. Đi để được ngắm nhìn, để cảm thấy âm thầm trong lòng, mình là một nhan sắc. Nhan sắc cho nhiều người hoặc chỉ cho một người thì có quan trọng gì đâu. Những bước chân ấy từ mọi phía đổ về những ngôi trường với những cái tên quen thuộc, đôi khi lại quá cũ kỹ.
Đi để được những con mắt chung quanh nhìn ngắm nhưng đồng thời cũng tự mình có thì giờ nhìn ngắm trời đất, sông nước và hoa lá thiên nhiên. Long não, bàng, phượng đỏ, muối, mù u và một giòng sông Hương chảy quanh thành phố đã phả vào tâm hồn thời con gái một lớp sương khói lãng mạn thanh khiết. Huế nhờ vậy không bao giờ cạn nguồn thi hứng. Thành cổ, đền đài, lăng tẩm khiến con người dễ có một hoài niệm man mác về quá khứ hơn và một phần nào cũng cứu rỗi cho con người ta khỏi vành đai tục lụy. Và từ đó Huế đã hình thành cho riêng mình một không gian riêng, một thế giới riêng. Từ đó con người bỗng đâm ra mơ mộng và ước mơ những cõi trời đất như không có thực.

Nhưng thật sự thực và mơ là gì? Thật ra, nói cho cùng, cái này chỉ là ảo ảnh của điều kia. Và với những ảo ảnh đó đã có một thời, khá dài lâu, những con người lớn lên trong thành phố nhỏ nhắn đó đã dệt gấm thêu hoa những giấc mơ, giấc mộng của mình. Đó cũng là thời gian mà mỗi sớm tinh mơ, mỗi chiều, mỗi tối, tiếng chuông Linh Mụ vang xa trong không gian, chuyền đi trên dòng sông để đến với từng căn nhà khép hờ hay đang đóng kín cửa.
Thời gian trôi đi ở đây lặng lẽ quá. Lặng lẽ đến độ người không còn cảm giác về thời gian. Một thứ thời gian không bóng hình, không màu sắc. Chỉ có cái chết của những người già, vào mùa đông giá rét, mới làm sực tỉnh và bổng chốc nhận ra tiếng nói thì thầm của lăng miếu, bia mộ ở những vùng đồi núi chung quanh.
Trong không gian tĩnh mịch và mơ màng đó, thêm chìm đắm vào một khí hậu loáng thoáng liêu trai, người con gái ấy vẫn đi qua đều đặn mỗi ngày dưới hai hàng cây long não để đến trường. Đi đến trường mà đôi lúc dường như đi đến một nơi vô định. Định hướng mà không định hướng bởi vì những bước chân ngày nào ấy dường như đang phiêu bồng trên một đám mây hoang lạc của giấc mơ.Người con gái ấy đã đi qua một cây cầu bắc qua một dòng sông, qua những hàng long não, qua những mùa mưa nắng khắc nghiệt, để cuối cùng đến một nơi hò hẹn. Hò hẹn nhưng không hứa hẹn một điều gì. Bởi vì trong không gian liêu trai ấy hứa hẹn chỉ là một điều hoang đường. Giấc mơ liêu trai nào cũng sẽ không có thực và sẽ biến mất đi.
Người con gái đi qua những hàng cây long não bây giờ đã ở một nơi xa, đã có một đời sống khác. Tất cả chỉ còn là kỷ niệm. Kỷ niệm nào cũng đáng nhớ nhưng cứ phải quên. Người con gái ấy là Diễm của những ngày xưa.
Trịnh Công Sơn (davang.blog)

Thứ Ba, 30 tháng 3, 2010

KHÔNG THỂ CÓ EM BÊN ĐỜI TÔI


không thể có em bên đời tôi ?
canh đêm cứ lớn nỗi u hoài
nhớ em là nhớ điều không thể
có phải em đang bên đời ai ?

tôi có trăm lời không thể nói
(dẫu có vạn lời vẫn nín câm)
em là hoa nở trong vườn lạ
có dám cho hồn tôi thơm hương ?

có biết ngày tôi đi rất mau
dĩ nhiên tôi khó đợi chờ lâu
trời bạc phơ loài mây rất cũ
cứ theo tôi trắng vội trên đầu

em giả vờ yêu- yêu giả vờ ?
sao tôi còn vất vả mùa xưa ?
giữa đêm sâu tuyệt mù, vắng lặng
có tấm lòng tôi bật tiếng kêu :

không thể có em bên đời tôi !

HOÀNG LỘC

2010

Thứ Hai, 29 tháng 3, 2010

TRẦN TRỌNG THỨC - TỪ CHUYỆN "RỪNG VÀNG" BÀN VỀ "BIỂN BẠC"

Từ chuyện “Rừng vàng” bàn về “Biển bạc”

Núi rừng và biển cả gắn bó với chiều dài lịch sử nước ta. Nếu “rừng vàng” là chuyện nhạy cảm không nên bàn luận thêm vào lúc này thì “biển bạc” chắc chẳng có vấn đề gì. Để phát triển đất nước, nếu chỉ dựa vào núi rừng là chưa đủ mà phải mở rộng tầm nhìn về phía biển bởi đó là không gian sinh tồn của dân tộc trong tương lai lâu dài.
Ba tuần lễ trước đây, báo chí đồng loạt lên tiếng về tình trạng nhiều tỉnh cho doanh nghiệp nước ngoài cho thuê đất rừng trồng cây lấy gỗ, rồi mấy ngày sau đó lại đồng loạt ngưng tiếng. Chẳng qua đây là vấn đề nhạy cảm, như ông Đặng Hùng Võ – cố vấn cao cấp của dự án Ngân hàng Thế giới về hệ thống quản lý đất đai, đã nói rất chí lý rằng: “Hiểu một chiều chủ trương kinh tế hóa tài nguyên thiên nhiên là đưa chủ trương này vào thế của con dao hai lưỡi“. Và cũng có lẽ do chính phủ đang rà soát lại việc thực hiện chủ trương nói trên dưới nhiều góc độ khác nhau.
Núi rừng và biển cả vốn gắn bó với chiều dài lịch sử nước ta. Từ huyền thoại Lạc Long Quân – Âu Cơ một mẹ trăm con, phân nửa theo cha lên núi, phân nửa theo mẹ xuống biển; đến việc phá rừng lấn biển và gần đây nhất là chuyện biên cương lãnh thổ trên rừng vừa yên thì ngoài biển lại nảy sinh vấn đề.
Nếu “rừng vàng” là chuyện nhạy cảm không nên bàn luận thêm vào lúc này thì “biển bạc” chắc chẳng có vấn đề gì. Thế cho nên hôm 19/3 vừa qua, hơn 300 nhà quản lý, nhà nghiên cứu và chuyên gia đã họp nhau tại Quảng Ngãi, không phải để mổ xẻ về chủ quyền trên biển Đông mà bàn về kinh tế biển, một tiềm năng chúng ta chưa khai thác hết.
Nước ta được thiên nhiên ưu đãi với chiều dài 3.200 km bờ biển và một vùng lãnh hải giàu tiềm năng, đã xây dựng “chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020″ phấn đấu trở thành một quốc gia mạnh về biển, giàu lên từ biển và kinh tế biển đóng góp khoảng 55% GDP.
Nếu tính tỉ lệ chiều dài bờ biển trên diện tích lãnh thổ, thì Việt Nam ở trong Top 10 của thế giới (trừ những đảo quốc), với 100 km² thì có 1 km bờ biển, nhưng rõ ràng chúng ta chưa khai thác hết tiềm năng của nó. Đơn giản nhất là đánh bắt thủy sản cũng chưa được là bao, đội tàu đánh cá 87.000 chiếc nhưng chỉ có khoảng 10.000 chiếc đánh bắt xa bờ. Thềm lục địa thì mới chỉ khai thác dầu mỏ và nguồn lợi này cũng chỉ chiếm 20% GDP, đóng góp 30% ngân sách quốc gia. Nhìn chung còn nhiều tài nguyên khác vẫn chưa được nghiên cứu kỹ lưỡng.
Các dự án công nghiệp cơ bản của một nước có lợi thế về biển là nhà máy đóng tàu, nhưng hiện chúng ta chỉ mới đóng được tàu dưới 60 ngàn tấn. Trong khi cảng nước sâu của nhiều nước trên thế giới có khả năng phục vụ tàu tới 200 ngàn tấn thì cảng của Việt Nam mới đủ sức phục vụ cho tàu dưới 50 ngàn tấn…
Cũng từ đây nhìn lại mới thấy việc quy hoạch hệ thống cảng biển của Việt Nam thật manh mún, nhỏ lẻ, dàn trải và chồng chéo nhau. Con số trên 100 cảng biển nằm dọc theo 3.200 km bờ biển của nước ta là quá nhiều nhưng lại chưa có cảng nào đủ sức tiếp nhận tàu loại trung bình của thế giới hoặc tàu container 2.000 teu cập bến. Rõ ràng, với tài sản cảng biển hiện có chúng ta đang rất lạc hậu so với thế giới, thậm chí so với các nước trong khu vực.
Trong khi chúng ta đang đổ tiền tỷ làm cảng thì hàng tỷ USD lợi nhuận từ vận tải biển lại đang để cho đội tàu nước ngoài lấy đi một cách dễ dàng. Hàng năm khoảng 80% lượng hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam được vận chuyển qua đường biển, thế nhưng đội thương thuyền Việt Nam chật vật lắm cũng chỉ dành được khoảng 20%, còn lại 80% thị phần béo bở này do các đội tàu biển nước ngoài nắm giữ…
Bờ biển của chúng ta là điểm du lịch nhiều tiềm năng không chỉ của châu Á mà của thế giới, nơi đây thực sự là một mỏ vàng khổng lồ, nhưng việc qui hoạch lại còn tùy tiện.
Lịch sử phát triển của nhân loại cho thấy biển cả là một không gian vô cùng quan trọng đối với những quốc gia muốn vươn ra khỏi giới hạn lãnh thổ của mình. Từ thế kỷ 14, thế giới đã chứng kiến những cuộc chinh phục biển với qui mô lớn, nhiều nước ở trời Tây xưa nay xây dựng văn minh trên đất liền đã lần lượt vượt qua đại dương với nhiều tham vọng.
Gần đây hơn, tham vọng bá quyền trên biển của Trung Quốc đang làm phát sinh những tranh chấp ở khu vực, mà trong sâu xa cũng vì tiềm năng của kinh tế biển. Việc cưỡng chiếm đảo Hoàng Sa của chúng ta hồi năm 1974, tự vạch ra ranh giới Lưỡi Bò bao gồm gần 80% Biển Đông, cản trở việc khai thác dầu khí trên biển và ngang ngược ra lệnh cấm ngư dân chúng ta đánh cá trên vùng biển lâu nay thuộc chủ quyền của Việt Nam là những biểu hiện cụ thể.
Nhìn từ nhiều góc độ, có vẻ như chúng ta chưa có tư duy về biển một cách bài bản nên tỏ ra không mấy thân thiện với biển. Tại sao vậy? Phải chăng vì rất nhiều cuộc xâm lăng của ngoại bang vào đất nước ta là từ biển, khiến chúng ta luôn luôn cảnh giác với biển, rồi từ đó lấy núi rừng làm chỗ dựa lưng.
Đây là điều nguy hiểm vì núi rừng thì hữu hạn, dựa lưng vào núi gặp lúc khốn cùng là không có đường lùi. Còn biển thì bao la, tư duy về biển là tư duy phóng khoáng, là tư duy khám phá, dám ra khơi đương đầu với sóng gió. Thế cho nên chỉ dựa vào núi rừng là chưa đủ mà phải mở rộng tầm nhìn về phía biển bởi đó là không gian sinh tồn của dân tộc trong tương lai lâu dài.
Sách Luận ngữ viết “Trí giả nhạo thủy, nhân giả nhạo sơn” (tạm dịch: người có trí dũng thì ưa nước, người có nhân nghĩa thì thích núi). Chu Hy, triết gia Trung Hoa thời Nam Tống, chú giải rằng “Người trí đạt sự lý thông suốt mọi lẽ, không bị đình trệ, giống thể của nước nên thích nước. Người nhân ổn định nghĩa lý, trước sau không thay đổi, giống đức của núi nên ưa thích núi“.
Suy cho cùng thì đời sống của một đất nước cũng như đời sống con người, chỉ có nhân vẫn chưa đủ mà còn phải có trí nữa
(davang Blog).

Chủ Nhật, 28 tháng 3, 2010

LÝ ĐỢI - PHÁN XÉT THẾ NÀO VỚI SỢI XÍCH


PHÁN XÉT THẾ NÀO VỚI SỢI XÍCH ?

Hơn tuần qua, giông tố đã xảy đến với Sợi xích (NXB Hội Nhà văn và You Books liên kết) của Lê Kiều Như, tác phẩm đầu tay.
Ban đầu cuốn sách này đã bị NXB niêm phong với lý do chưa nhận được sách lưu chiểu (Luật Xuất bản quy định 10 ngày sau khi sách nộp lưu chiểu mới được phát hành).
Dư luận (thông qua sự chụp mũ của một số tờ báo, đa phần là chưa đọc, do sách chưa phát hành) thì gán tội cho Sợi xích là… “dâm thư”, cần phải tẩy chay và lên án.
Đến nay, vì dư luận quá ồn nên các tờ báo chính thống buộc ngừng lên tiếng (ngay cả chê) vì việc này.
Quyền viết dở
Từ thực tế của giới cầm bút hiện nay cho thấy cái quyền bất khả xâm hại và gần như ai cũng thực hiện được, đó là quyền viết dở.
Ngày xưa, khi xã hội với đa phần chưa biết chữ, thì việc ai đó biết đủ chữ để cầm bút viết văn thơ, dù có viết dở, thì cũng được xã hội xem như người biết dùng chữ thánh hiền.
Ngày nay, khi mà văn chương đã kém đi nhiều phần thanh cao, vị thế của nhà văn trong xã hội bị tuột dốc thê thảm, tưởng như vậy thì phần nhà văn còn lại sẽ chỉ tập trung viết những gì hay ho, tâm huyết, nhưng không, đa phần tác phẩm in ra cũng chỉ thuộc hạng “gần sạch nước cản”.
Tuy vậy, nhưng vấn đề được đặt ra ở tình trạng vô thiên lủng này là gì?
Phải chăng với công việc cầm bút (vốn khó đoán trước được kết quả, vì ngoài tài năng, còn có cả cảm hứng và cơ may), cái đích duy nhất mà ai cũng có thể đạt đến được, đó là viết dở!
Vậy viết dở thì có tội gì không? Xin thưa rằng chẳng có tội gì cả, vì thế gian này có được mấy người viết hay.
Nếu nhìn như vậy thì tác phẩm Sợi xích (NXB Hội Nhà văn và You Books liên kết) của Lê Kiều Như cũng chẳng có tội gì cả!
Tội duy nhất của cuốn sách này, xin chưa bàn đến thi pháp và nội dung, là do một kiều nữ sexy viết.
Ở ta lâu nay vốn có định kiến rằng chân dài thường ít đọc sách, nói chi đến chuyện viết sách, tự nhiên Lê Kiều Như ra sách, nghe nói còn sắp ra phiên bản tiếng Nhật tại Nhật Bản, thì bị soi mói là đúng rồi.
Cũng từ dư luận đây đó, nghe nói sắp tới “người đẹp dao kéo” Phi Thanh Vân và “công chúa Bạch Tuyết” Trúc Diễm sẽ in mỗi người một cuốn hồi ký nóng bỏng, chắc thiên hạ sẽ được thêm mấy dịp dèm pha.
Nếu giả dụ tác giả của Sợi xích không phải là Lê Kiều Như mà là một nữ tác giả mới nào đó, chỉ đủ khả năng viết một tác phẩm hạng làng nhàng (giống với rất nhiều tác phẩm mà mấy đại diện của giới xuất bản như: NXB Văn học, Hội Nhà văn, Văn nghệ… đã in), thì chắc chắn dư luận sẽ chẳng có gì làm rầm rộ.
Câu chuyện xuất bản
Theo cá nhân tôi, cái tài tình của Lê Kiều Như trong Sợi xích là biết cách kéo dài câu chuyện, rất giống thủ pháp của phim truyền hình ở ta, dù “nồng độ” của nó chỉ xứng đáng với một truyện ngắn.
Nhà làm sách cũng đã tiếp tay với cách chọn in co chữ thưa và to để kéo dài 9 chương thành 186 trang, khổ 20x12cm (chiều cao nhân với chiều rộng).
Phần cuối sách là phụ lục 16 trang hình chân dung của Lê Kiều Như trên giấy 4 màu, do Ngô Nhật Huy và Coban chụp.
Giá bán lại chịu lỗ tiền in: 39 ngàn đồng.
Tuy nhiên chuyện ồn ào quanh cuốn sách chưa qua phát hành này lại ở cái tên của cơ quan xuất bản: NXB Hội Nhà văn.
Lâu nay người ta vẫn có suy nghĩ rằng Hội Nhà văn thì phải xuất bản cái gì đó văn vẻ và cao cấp một chút.
Thế nhưng làm sao để phân biệt một tác phẩm cao cấp và “thấp cấp” khi Việt Nam chưa có một cơ quan chuyên thẩm định làm việc hiệu quả.
Thử nhìn vào danh mục tác phẩm được in ra trong một năm, của phần lớn các NXB, thì có bao nhiêu tác phẩm không phù hợp với tiêu chí mà NXB đó đề ra, chắc chắn là không ít.
Còn chuyện in sách đúng tiêu chí mà kém chất lượng thì nhiều không kể xiết.
Riêng sách của NXB Hội Nhà văn cũng thế, nếu không phải sách của “hot girl” Lê Kiều Như thì cũng chẳng mấy khi có cái “vinh dự” được bới móc, mổ xẻ.
Việc bới móc hoàn toàn dựa vào cái tên tác giả, chứ ít khi đi vào “nội tình” tác phẩm, đây là thói quen thường thấy ở cái gọi là “dư luận”.
Bằng chứng, NXB Hội Nhà văn và các NXB khác cũng đã có những cuốn sách giá trị, chất lượng, hoặc có vấn đề thực sự, nhưng mấy khi được độc giả quan tâm, được báo giới tập trung phân tích.
Trong bối cảnh đa phần các NXB chỉ dừng lại ở việc kiểm duyệt và bán giấy phép xuất bản, mà không có ý định phân khúc thị phần, chứng minh đẳng cấp của mình, thì việc một tác giả viết văn gởi tác phẩm đến NXB Hội Nhà văn và được cấp phép, ấy cũng là chuyện bình thường.
Đó là chưa nói, trước khi Sợi xích gặp“sự việc” như hôm nay, khiến e dè, thì trong quang cảnh xuất bản ngày một nhiều đầu sách nhưng khá đìu hiu về mặt quảng bá, NXB nào cũng muốn có một tác phẩm nóng để tạo cú hích.
Sòng phẳng mà nói, dưới góc độ của Luật Xuất bản thì Sợi xích chẳng có vấn đề gì để hạn chế xuất bản cả.
NXB Hội Nhà văn khi cấp phép cho tác phẩm này đã ở thế 50-50, nghĩa là họ có dự kiến được dư luận, nếu im re thì xem như mình đã “chơi đẹp”, đã ủng hộ cho một nghệ sĩ trình diễn ra sách – một hành động thanh cao; còn nếu dư luận ồn ào thì cũng chẳng sao, vì chẳng có quy định nào bắt buộc họ chỉ được cấp phép xuất bản cho các tác phẩm hay(!?).
Nhìn rộng hơn, ngày nay sự liên kết xuất bản, tự cân bằng thu chi đã cho thấy nhiều NXB đang phải tìm cách tồn tại, hạn chế bán giấy phép cũng đồng nghĩa với làm ăn kém hiệu quả.
Phân loại độc giả
Xét về thi pháp và nội dung, Sợi xích là một tác phẩm bình thường, được viết bởi một người non tay nghề.
Việc non tay nghề này không chỉ xảy ra với trường hợp Lê Kiều Như mà còn hiện diện ở khá nhiều cây bút trẻ viết tiểu thuyết của Việt Nam, những người tự xem mình là chuyên nghiệp và được độc giả xem là đã cầm bút quen tay hơn.
Sợi xích cũng rất giống với nhiều tiểu thuyết hạng ba của Trung Quốc (do các tác giả trẻ viết trên mạng, sau đó in thành sách) mà gần đây được dịch ra tiếng Việt ồ ạt, và được xem là “hiện tượng văn học”, là sách “nóng”.
Cũng như phần lớn tiểu thuyết đang bán ngoài thị trường, thao tác cấu thành Sợi xích khá đơn giản, đó là có một câu chuyện muốn kể và đã được kể ngây ngô trên giấy; cách kể này chưa có được giọng văn, sự ẩn ý và cách dùng ngôn ngữ ở mức độ tinh tế, sắc bén.
Thông thường ở các nước phát triển, các NXB, các cơ quan truyền thông có tên tuổi thường biết từ chối và phân loại các sản phẩm, các tác phẩm không đủ đẳng cấp hoặc không phù hợp với tiêu chí của mình.
Ở Việt Nam thì thật là khó, vì từ các chuyên mục, các chương trình nhỏ đến các NXB, các cơ quan truyền thông lớn… thì đẳng cấp và tiêu chí không bao giờ được giữ vững.
Các chương trình phỏng vấn định kỳ trên các phương tiện truyền thông là dễ nhận thấy sự đánh lận này nhất; ví dụ hôm trước phỏng vấn một chuyên gia đầu ngành, có nhiều đóng góp thì hôm sau lại phỏng vấn một người mà trong giới biết tỏng là “đạo chích”, chẳng có công trình nào mà lại không dùng “thủ pháp”… đạo văn, thì đâu cần phải nói tới đẳng với cấp!
Cho nên, trước câu hỏi là phải “phán xét” thế nào với Sợi xích? Có lẽ cách trả lời dễ nghe là chẳng có gì phải phán xét cả, vì ở Việt Nam chuyện này đang diễn ra hàng ngày.

Thứ Bảy, 27 tháng 3, 2010

EM TIN


Khi trăng rụng
anh nhặt lên và đưa cho em
ánh mắt rất xanh nụ cười như lửa
dù muộn

anh vẫn nói lời thương em thứ nhất
em tin!

Ngoài kia đàn sếu về đêm
bay khắc khoải sợ mưa về bên sóng
anh đã đón em từ đường bay gãy cánh
nụ cười xanh và mắt cháy rất nồng
buổi trễ tràng đã hóa trăm năm

anh nói lời yêu em duy nhất
em tin!

Và bây giờ em sửa soạn chờ anh
dù em biết dẫu đến hết trăm năm này hay ngàn năm khác
em không còn là cái đích
để anh có thể dừng chân!

Vậy mà em tin...

ĐÔNG HÀ

Thứ Sáu, 26 tháng 3, 2010

GỬI H


Hạt cát và
Sa mạc

Khu vườn và
Giếng nước

Anh chọn điều
Thứ nhất

Để được mơ
Về em

NGUYỄN MIÊN THẢO


Thứ Năm, 25 tháng 3, 2010

VIỆT NAM HỒ SƠ HẬU CHIẾN ( KỲ 13 )


VIỆT NAM
HỒ SƠ HẬU CHIẾN
1975 - 2010
NHỮNG SỐ PHẬN KỲ LẠ
Kỳ Mười Ba

131 Jackie Zudis
NÔ LỆ TÌNH DỤC
Việt kiều ở Mỹ tên cũ Nguyễn Thị Mỹ Linh sinh 1968 tại Sài Gòn. Sống ở Mỹ (2010).
Là con lai Mỹ không cha, năm 1973 lúc mới được 5 tuổi đã bị mẹ đem bán cho một nhân viên dân sự Mỹ làm việc ở Sài Gòn tên G.J.England - khi ấy 28 tuổi, trước là lính Mỹ đóng quân ở Hàn Quốc – để cho con “có một cuộc sống tốt hơn.”
Không ngờ mẹ đã “giao trứng cho ác” bởi tên cha nuôi là một con “quỷ râu xanh” cực kỳ bệnh hoạïn chuyên lạm dụng trẻ em. Vì thế hắn đã đưa cô bé về Mỹ - ở Quận Cam, bang California trung tâm cộng đồng Việt kiều Mỹ – nói với bên ngoài là con nuôi nhưng thực chất dùng cô bé nhỏ hơn mình 23 tuổi để thỏa mãn tình dục xấu xa, tập cho cô bé uống rượu say rồi thường xuyên cưỡng hiếp hàng ngày, hàng tuần.
Còn quá nhỏ nên cô bé sợ không dám báo cho ai biết, thậm chí khi tên này bị bắt ra tòa năm 1977 ở California vì tội xâm hại 3 em bé khác thì cô bé được xem là nhân chứng cũng không dám khai ra.
Lợi dụng thời gian tại ngoại hắn đã đưa cô bé trốn về bang Florida sống dưới một cái tên giả khác và tiếp tục hành hạ thân xác cô bé làm cô nhiều lần mang thai. Tuy nhiên chỉ có lần mang thai đầu tiên năm cô 13 tuổi là sinh được một bé trai bị tên ác dâm đem đi cho, còn lại những lần sau đều buộc phải đi phá thai. Vẫn không dám chống cự vì bị y hăm dọa đẩy ra đường làm điếm hoặc cho người khác cưỡng hiếp. Mãi đến năm 16 tuổi dọa tự tử thì hắn mới thôi..
Năm 1988 lập gia đình ra ở riêng như một cách giải thoát khỏi địa ngục này, sau đó ly dị. Năm 2002 tái hôn và lần này gặp được người chồng thông cảm đã kể lại với chồng quãng đời trầm luân khổ ải của mình. Từ đó năm 2005 đã tự nguyện khai báo với FBI tố cáo tên quỷ dâm dục đội lốt ngươì kia để bắt hắn ra tòa California trị tội. Nhưng lúc đó hắn chỉ bị truy tố về tội cũ năm 1977, do đó chỉ lãnh án tù 6 năm.
Dù vậy đến đầu năm 2010 khi nghe tin gã cha nuôi “chó đẻ” kia – nay 65 tuổi – sắp được giảm án trả tự do, lập tức một lần nữa bà đã dũng cảm đứng lên tố cáo tội ác tên này từng làm với mình, chấp nhận vì thế mà mình phải ra mặt, phải bị tai tiếng thay vì được luật pháp cho phép “ẩn danh”. Bằng cách đồng ý để cho công tố viên thực hiện một cuộc phỏng vấn quay hình mình – làm bằng chứng - kể lại đầu đuôi sự việc mình đã bị hắn xâm hại trong hơn 10 năm trời như thế nào.
Kết quả toà án ra lệnh tiếp tục giam giữ y để di lý về bang Florida truy tố tiếp về tội trạng làm nhục bà – còn vị thành niên - trong một thời gian dài.
Bà nói rõ mục đích mình phải làm tới cùng như thế nhằm cảnh giác giới phụ huynh hãy trông chừng con gái mình trước những cạm bẫy dục tình bệnh hoạn trong xã hội ngày nay. Đồng thời cũng mong nhờ đó lương tâm mình nhẹ bớt gánh nặng mặc cảm, tâm hồn sớm tìm thấy bình yên thoát khỏi mối ám ảnh sợ “một ngày nào đó một đứa con trai nay cũng khoảng 18-19 tuổi hao hao giống tôi nhưng một nửa lại giống con quỷ kia đến gõ cửa nhà tôi”!

132 - Huỳnh Phước Đường
TIẾN SĨ ĐI XE LĂN
Nhà khoa học sinh 1958 tại Quảng Nam. Sống ở Mỹ (2010).
Mới 10 tuổi mồ côi cha cùng mẹ và các em chạy nạn chiến tranh vào trại tị nạn ở Hội An vậy mà vẫn không thoát khỏi tai họa năm 1973 bị lạc đạn trúng cột sống gây liệt toàn thân. Được đưa vào Sài Gòn chữa trị không khỏi vì vết thương quá nặng làm tổn thương tủy sống và một bên thận. Cuối cùng vào nhà nuôi trẻ khuyết tật ở Bình Triệu do một cha cố người Mỹ thành lập.
Tháng 4.75 theo đoàn trẻ khuyết tật trong trại được đưa qua Mỹ trước khi Sài Gòn giải phóng. Tại đây nhờ phương tiện y học hiện đại được điều trị tốt hơn, đến năm 1977 có thể ngồi thẳng được trên xe lăn với 2 chân nẹp sắt bất động.
Từ đó dù đã khá lớn tuổi vẫn hạ quyết tâm đẩy xe lăn đi học lại từ đầu (ở VN chỉ mới học cấp 3) để mưu tìm cho mình một tương lai có hy vọng tươi sáng hơn. Quá trình học lên tới đại học thành đạt rất gian nan vất vả mà ngay ở Mỹ cũng chưa có tiền lệ tương tự đối với một người khuyết tật nặng lớn tuổi như ông. Có khi phải nhờ thầy về nhà dạy kèm, vào phòng thí nghiệm phải tự chế tạo những dụng cụ riêng biệt để tiện sử dụng..
Năm 1992 tốt nghiệp tiến sĩ chuyên về lĩnh vực tế bào thần kinh gây bệnh nhằm nghiên cứu rút kinh nghiệm về nguyên nhân bệnh lý của mình để giúp đỡ các bệnh nhân như mình. Đạt nhiều thành tựu, giải thưởng có tiếng vang quốc tế.
Năm 1993 trở về quê hương – ngồi xe lăn, tất nhiên - thăm mẹ và các em. Lúc đó mới nhìn thấy thực trạng đất nước hiện có quá nhiều người khuyết tật như mình do hậu quả chiến tranh và CĐDC. Thế là về Mỹ bắt đầu lao vào công tác từ thiện quyên góp mua thiết bị y tế, dụng cụ y khoa tặng các bệnh viện, phụ trách chương trình phẫu thuật chỉnh hình cho hơn 4.000 trẻ bị sứt môi, hở hàm ếch, khuyết tật tay chân trong cả nước. Đồng thời thường xuyên hợp tác trao đổi thông tin nghiên cứu chuyên môn với các đại học y trong nước.
Một người đi xe lăn mà vẫn luôn thấy nụ cười tươi trên môi hài lòng với cuộc sống của mình nhờ “Làm được một việc từ thiện sẽ làm cho ta sống một cuộc đời đầy đủ và vui vẻ hơn…”

133 - Lâm Chí Trung
LƯU LẠC TRUNG QUỐC
Doanh nhân sinh tại VN. Sống ở Trung Quốc (2007).

Thuộc gia đình người Việt gốc Hoa. Cha tham gia hoạt động kinh tài cho Cách mạng ở Mỹ Tho và Chợ Lớn sợ lộ tung tích gây nguy hiểm cho con nên gửi con về Trung Quốc nhờ bà con nuôi.
Người con lớn lên thành công dân Trung Quốc nhưng lòng vẫn không nguôi nhớ về quê cũ nơi có cha mẹ và một người chị còn ở lại không biết sống chế thế nào. Nhưng do đường xa cách trở, chiến tranh làm thất tán tin tức đến sau 75 vẫn không tìm ra được tông tích gia đình.
Nhưng vẫn kiên trì theo đuổi tìm kiếm. Mãi đến năm 2007 qua một bài trên báo Thanh Niên mới tìm được một đồng chí cũ cùng hoạt động với cha mình. Vội vàng bay về TPHCM mới hay cha mình đã trở thành liệt sĩ (bị bắt tra tấn đến chết vì không chịu khai cơ sở).
Đành thắp hương bái biệt cha hãy yên nghỉ an bình trên quê hương thứ hai.

134 - Lê Bá Đại Dương
THẢ HOA TƯỞNG NIỆM TRÊN SÔNG THẠCH HÃN
Nhà báo sinh 1953 tại miền Bắc. Sống ở Nha Trang (2010).
Một trong số ít bộ đội còn sống sót sau trận cố thủ Thành cổ Quảng Trị năm 1972, Cách mạng vinh danh là 81 ngày đêm Thành cổ còn chế độ cũ gọi là Mùa hè đỏ lửa.
Trên trận địa dữ dội này từ Thành cổ đến dòng sông Thạch Hãn kế bên – điểm tập kết cũng là đường rút lui qua bờ Bắc - đã có khoảng 15.000 bộ đội hy sinh (sinh viên Hà Nội mới nhập ngũ khẩn cấp chiếm phần lớn) đến độ dòng sông một màu “nhuộm đỏ” đến nay vẫn còn nhiều hài cốt bị vùi lấp thỉnh thoảng lại phát hiện một số.
Sau chiến tranh ngay từ năm 1976 đã quay lại chiến trường xưa nơi đây một mình tưởng nhớ đồng đội và tự mình tìm mua hết tất cả hoa bán ở chợ để thuê đò tự tay đem rải hoa tưởng niệm bao chiến sĩ đã hy sinh trên dòng sông Thạch Hãn nấm mồ chôn liệt sĩ vô tận. Bắt chước từ một lần về quê báo tin đồng đội tử trận cho một bà mẹ già thấy bà lụm cụm ra bờ áo thắp nhang rồi hái một nhánh bông bụt đỏ thắm ven bờ ao thả xuống ao với lời khấn nguyện “Không biết mẹ có còn sống đến ngày giải phóng mà vào đón con về.? Thôi thì nhờ nước nhờ sông mẹ gửi cho con chút hương khói. Con ở nơi xa có linh thiêng hãy nhận cho mẹ yên lòng…”
Từ đó năm nào vào dịp lễ Thương binh liệt sĩ 27.7 đều quay về sông Thạch Hãn thực hiện nghi lễ này. Từ đó có không ít giai thoại về lễ thả hoa “tự phát” tưởng niệm trên sông Thạch Hãn như sau khi thả xuống, bè hoa không bao giờ trôi xuôi liền mà cứ như quyến luyến quẩn quanh hoài bên bến dù nước chảy rất mạnh, lấy sào đẩy ra cứ lao vào lại khiến phải chắp tay khấn nguyện thì bè hoa mới “chịu” trôi xuôi ra xa!
Và cả bài thơ ngẫu hứng chỉ 4 câu “Lời người bên sông” mình làm tại đó năm 1987 nay đã trở thành “thương hiệu” bất hủ cho buổi lễ:
“Đò lên Thạch Hãn ơi chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm
Có tuổi hai mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm.”
Đến năm 2007 tỉnh Quảng Trị mới xây Đài Tưởng niệm lớn bên bờ sông để chính thức đưa nghi lễ thả hoa này thành một Lễ tưởng niệm truyền thống hàng năm với một cầu cảng dài sát bờ sông cho mọi người thả hoa và đèn tưởng nhớ vô vàn anh linh liệt sĩ đã bỏ mình nơi đây hòa quyện xác thân vĩnh viễn cùng dòng sông.

135 - Lê Đình Hùng
SỐNG VỚI VIÊN ĐẠN NẰM TRONG TIM 40 NĂM
Bộ đội về hưu sinh 1947 tại Hà Tây. Sống ở Hà Tây (2007).
Năm 1965 vào bộ đội đi chiến đấu trên chiến trường Nam Lào.
Năm 1968 bị trúng đạn vào ngực nhưng không chết mà cũng không được mổ lấy ra vì không có điều kiện phẫu thuật tại chỗ, chỉ tạm khâu lại. Đầu năm 1969 được đưa ra Hà Nội qua chụp phim khám nghiệm tưởng chỉ sót lại một mảnh kim loại nhỏ dính vào thành tim, dù vậy cũng không dám giải phẫu lấy ra sợ nguy hiểm tính mạng.
Nhưng vẫn sinh hoạt bình thường, còn thi đậu đại học song được khuyên là không nên đeo đuổi việc học sợ sức khoẻ không bảo đảm. Đành chuyển về làm việc ở Học viện Quân y cho đến lúc về hưu năm 1992.
Vẫn lấy vợ sinh con và chơi thể thao, đánh bóng bàn, bóng chuyền thoải mái. Thậm chí vẫn hút thuốc lá và rít thuốc lào coi như không!
Tuy nhiên bắt đầu từ năm 1997 có nhiều triệu chứng đau tim, khó thở phải 7 lần đi cấp cứu. Cuối cùng năm 2007 bị suy tim nặng kèm cao huyết áp buộc bác sĩ Viện Tim Hà Nội (mới thành lập 2004) quyết định phải mổ lấy mảnh đạn ra.
Ca ca mổ kéo dài 3 tiếng đồng hồ “moi” ra mảnh đạn bấy giờ mới biết ấy là cả một… đầu đạn súng trường dài 2,5cm, đường kính 0,8cm xuyên thủng van tim nằm trong thành tim nay đã gỉ sét , sù sì dính chặt vào các mô tế bào tim, gân tim chung quanh.
Một “phép lạ chiến tranh” của “những người không chịu chết” khiến vết thương trong tim tự cầm máu không ảnh hưởng đến những bộ phận khác rồi “sống chung hòa bình” với chủ nhân suốt 40 năm! Một phần nữa có lẽ còn nhờ thể chất đương sự khoẻ sẵn từ nhỏ, thời trung học từng vào đội tuyển điền kinh của trường.

136 - LIỆT SĨ SỐNG LẠI 4
Thương binh sinh khoảng 1954 tại Hưng Yên. Sống ở Campuchia (2009).
Năm 1974 nhập ngũ vào Nam chiến đấu để lại vợ và một con trai mới sinh ở quê nhà. Sau 75 theo đơn vị chuyển qua trấn giữ Campuchia.
Năm 1979 gặp quân Pol Pot phục kích bị thương vào đầu bất tỉnh, quân địch tưởng đã chết nên bỏ đi. May mắn được người dân Campuchia tìm đến đưa về nhà ở tỉnh Siêm Rệp cứu sống.
Để che mắt bọn Khmer Đỏ, ân nhân Campuchia phải cải trang anh thành dân Campuchia. Hơn nữa khi tỉnh lại thì đã mất trí nhớ, thỉnh thoảng khi dứt con đau cũng có nhớ mơ hồ vài điều về quá khứ nhưng sau đó cơn đau trở lại là quên hết.
Từ đó sống như một người Campuchia thực thụ gần như quên hết tiếng Việt. Năm 1984 lấy vợ người bản địa sinh được 2 con gái, cùng vợ làm nghề đẩy xe bán nước mía trên đường phố. Trong lúc đó ở quê nhà gia đình đã nhận bằng Tổ quốc ghi ơn và giấy chứng nhận liệt sĩ.
Mãi đến giữa năm 2009 trong một dịp tình cờ gặp được ông Tổng Lãnh sự VN ở tỉnh Battambang mới được cơ quan ngoại giao tại đây quan tâm giúp truy tìm tông tích cũ cả ở Campuchia lẫn VN, từ đơn vị quân đội đến cơ quan hành chánh địa phương. Kết quả tìm ra được lý lịch liệt sĩ… chưa chết!
Đích thân người con trai duy nhất qua Campuchia đưa bố về quê sau 30 năm mất tích gặp lại mẹ già (khi nghe tin đã… lăn đùng ra bất tỉnh) và người vợ cả “đôi lúc phải cấu vào tay mình mới tin là thực ông ấy bằng xương bằng thịt đang ngồi trước mặt đây”!

137 - Lê Hoán
NGƯỜI MÔHICAN CUỐI CÙNG 1
Thường dân sinh 1977 tại VN. Sống ở Canada (2008).
Mới 12 tuổi được anh dẫn theo vượt biên đến Philippines. Tuy nhiên mãi đến năm 2005 người anh mới được nhận qua Mỹ vì lý do tị nạn chính trị, còn bản thân người em lúc ra đi còn quá nhỏ “chưa có chính kiến” nên đành phải… ở lại đảo… lâu dài!
Người anh mới qua chưa đủ niên hạn để bảo lãnh em qua theo, thế là em giờ không còn ai nương tựa phải tiếp tục chờ đợi trong trại. Đến năm 2008 nhờ sự vận dộng của các tổ chức hải ngoại mới được qua Canada định cư trong đợt chót chuẩn bị đóng cửa trại tị nạn ở Philippines.
Tính ra đã sống ở trại 19 năm liền đến lúc 31 tuổi – mấy năm cuối “đơn thương độc mã” - có thể là kỷ lục dân ở trại tỵ nạn lâu nhất!

138 - Lê Hoàng Thân
ĐỘC THỦ GHI TA
Ngư dân sinh 1955 tại Cà Mau. Sống ở Cà Mau (2007).
Thời trẻ theo gia đình làm nghề đánh cá phiêu bạt nay đây mai đó trên các dòng sông Nam bộ. Có máu mê văn nghệ đặc biệt là cải lương vọng cổ, vì thế đã mày mò học đàn ghi ta vọng cổ có ngón nghề cũng khá.
Ai ngờ sau chiến tranh, trong một buổi đi phát cỏ làm nông không may phát trúng một đầu đạn M79 của Mỹ khiến mất nửa cánh tay trái. Tưởng nghề đàn vọng cổ cũng mất theo.
Nhưng không, bằng niềm đam mê am nhạc tha thiết và bằng một nghị lực vô bờ, đã kiên trì tập đàn lại với một cánh tay phải gãy đàn và… cùi tay trái dùng để nhấn phím đàn. Lúc bắt đầu tập, cùi tay nhấn phím đến tưa máu bầm tím.
Nhưng tiếng đàn dần dần vẫn ngọt như xưa với cây ghi ta tri kỷ dù đã tróc sơn te tua vẫn là vật bất ly thân không chịu đổi cây đàn mới vì “Nó đã gắn với tui cả cuộc đời như một người bạn thân vậy.”
Từ năm 1988 chọn định cư luôn ở vùng Đất Mũi (huyện Ngọc Hiển, Cà Mau) là nơi cùng trời cuối đất để từ đó đêm đêm vẫn mãi vang vọng tiếng đàn ghi ta vọng cổ “độc thủ” của danh cầm nông dân “Hai Thân” (đoạt nhiều giải thưởng văn nghệ trong tỉnh từ năm 1982). Được người dân nơi đây ví là một “đặc sản” của mảnh đất tận cùng đất nước này.

139 - Lê Mạnh Thát
TRỞ VỀ TỪ ÁN TỬ HÌNH
Tu sĩ nhà nghiên cứu Phật giáo sinh 1944 tại Quảng Trị. Sống ở TPHCM (2010).
Một thiên tài học thuật Phật giáo bắt đầu tu học ở Huế rồi lên Đà Lạt học đại học, sau đó du học Mỹ lấy 3 bằng tiến sĩ triết học, nhân chủng học và cả… y khoa, thông thạo 15 ngoại ngữ.
Về nước trước 75 giảng dạy ĐH Vạn Hạnh và nghiên cứu lịch sử, văn học Phật giáo theo khuynh hướng khoa học tiến bộ (thiền sư vẫn để tóc).
Năm 1984 bị bắt đưa ra tòa vì tội tham gia nhóm trí thức, học giả Phật giáo (thuộc Giáo hội Phật giáo VN thống nhất cũ không được công nhận) có âm mưu chống đối Cách mạng lãnh một trong 2 án tử hành (án kia dành cho nhà sư kiêm học giả, thi sĩ Tuệ Sĩ). Sau được giảm xuống án chung thân, đến năm 1998 được ân xá về ở Thiền viện Vạn Hạnh tại TPHCM.
Từ đó chỉ tập trung vào nghiên cứu chuyên môn về lịch sử và văn học Phật giáo. Trở thành nhà nghiên cứu xuất bản nhiều công trình nghiên cứu Phật giáo nhất nước với hơn 26 tác phẩm dày khoảng 20.000 trang.
Ngoài ra, dựa trên những tư liệu lịch sử PG còn nghiên cứu thêm về lịch sử VN cổ đại đưa ra những luận thuyết mới rất táo bạo - đậm tính dân tộc - gây sốc đề nghị chỉnh sửa lại lịch sử VN truyền thống do có nhiều điểm sai “vọng ngoại” theo Trung Quốc. Vấn đề rất khó này vẫn còn đang được tiếp tục tranh luận trong giới học thuật nước nhà.
Được xem là người kế thừa của Hoà thượng Thích Minh Châu (cùng quê), đảm nhiệm chức Phó Viện trưởng Viện Phật học Vạn Hạnh (nâng cấp Thiền viện VH cũ), làm Chủ tịch UB Tổ chức quốc tế Đại lễ Phật giáo Liên Hợp Quốc tổ chức ở Hà Nội năm 2008.
Tất cả như muốn thể hiện ước vọng hòa hợp xã hội và đạo Phật hướng về mục đích chung xây dựng đất nước, hạnh phúc cho nhân dân: “Đức Phật cũng như những nhân tài của đất nước bao giờ cũng nói gọn, khúc chiết về những điều cốt lõi của cuộc sống… Chuyện đạo đơn giản lắm, có gì cao xa đâu… Ổn định mới phát triển được…”

140 - Ngô Vũ Bích Diễm
“DIỄM XƯA”
Nhân viên công tác xã hội ở Mỹ sinh 1943 tại Hà Nội. Sống ở Mỹ (2010).
Năm 10 tuổi theo gia đình vào Huế, học trường Đồng Khánh. Chính là nguyên mẫu của ca khúc để đời “Diễm xưa” của Trịnh Công Sơn sau này được chính nhạc sĩ mô tả: “Thủa ấy có một người con gái rất mong manh đi qua những hàng cây long não lá li ti xanh mướt để đến trường. Nhà cô ấy ở bên kia sông (Bến Ngự, nhà nhạc sĩ ở bên này sông đối diện), mỗi ngày phải băng qua một cây cầu rồi mới gặp hàng long não để đến trường. Từ ban công nhà tôi nhìn xuống, cái bóng dáng ấy đi đi về về mỗi ngày bốn bận...”
Qua trung gian của người bạn họa sĩ, tình yêu đầu đời chớm nở thầm kín e ấp đúng phong cách Huế của một chàng trai nghệ sĩ Huế thuần chất với một “tiểu thư” gốc Bắc song lại có dáng điệu, phong cách kiêu sa như con gái Huế chính gốc.
Nhưng cuộc tình lãng mạn điển hình của một Huế đẹp và thơ ấy không thành vì nề nếp phong kiến môn đăng hộ đối của một Huế cố đô (gia đình nhà giáo mẫu mực so với nhạc sĩ thời này vẫn còn bị mang thành kiến “xướng ca vô loại”!).
Cuộc tình tan vỡ, nhạc sĩ rời Huế vào Quy Nhơn học ra làm giáo viên tiểu học lên dạy Bảo Lộc (Lâm Đồng) cùng lúc “Diễm xưa” vào Sài Gòn học trường Quốc gia hành chánh ra làm công chức (có đi tu nghiệp ngắn hạn ở Philippines) rồi lấy chồng một quan chức cao cấp tỉnh Vĩnh Bình (nay là Trà Vinh).
Sau 75 trong khi chồng đi cải tạo thì tình nguyện tham gia phong trào “trí thức tại chỗ” (trí thức chế độ cũ) lên nông trường ở Củ Chi làm quen với Cách mạng, với lao động sản xuất hưởng ứng chủ trương xây dựng nếp sống mới của chế độ mới. Từ đó một lần nữa đi vào nhạc Trịnh (lúc này đã từ Huế vào lại TPHCM) qua bài “Em lên nông trường anh ra biên giới”.
Nay tuy lại cùng ở chung một thành phố song tình cũ đã ngậm ngùi rồi như chính nhạc sĩ từng hoài niệm “Tất cả chỉ còn là kỷ niệm. Kỷ niệm nào cũng đáng nhớ nhưng cứ phải quên”. Tuy nhiên nói là nói thôi chứ mối tình đầu quá sâu nặng nên những mối tình sau này của nhạc sĩ – đến… 22 mối tình nữa (trong đó có một người em của Diễm) – chỉ là một cách đi tìm hình bóng của “Diễm xưa” mà thôi (Bửu Ý).
Còn “Diễm của những ngày xưa” ấy sau đó rời nông trường trở về làm việc cho Viện Khoa học xã hội TPHCM rồi cùng chồng (học tập trở về) đi Mỹ. Nhưng ở Mỹ hai người lại… chia tay, chồng trở về lại Vũng Tàu phụng dưỡng mẹ già còn mình ở lại làm công tác xã hội chăm sóc cho bệnh nhân tâm thần.
Thỉnh thoảng vẫn theo đoàn Phật tử về VN làm từ thiện. Đầu năm 2010 quay lại thăm Huế, tại đây sau 50 năm đã ngậm ngùi chính thức thừa nhận huyền thoại “Diễm xưa” một thời: “Đó là một mối tình rất đẹp của chúng tôi ngày ấy. Lâu nay tôi giữ im lặng vì bóng dáng to lớn của anh Sơn đã đủ rồi. Hình bóng anh Sơn đã bao trùm lên suốt cuộc đời tôi. Anh Sơn như một dòng sông…”

CAO HUY KHANH
(Còn tiếp)

VIỆT NAM HỒ SƠ HẬU CHIẾN ( KỲ 14 )


VIỆT NAM
HỒ SƠ HẬU CHIẾN

1975 - 2010
NHỮNG SỐ PHẬN KỲ LẠ
Kỳ Mười Bốn

141 - Lê Hữu Dũng
TỪ TRUNG RA BẮC VÀO NAM
Thường dân sinh 1948 tại Huế. Sống ở TPHCM (2010).
Trong biến cố Mậu Thân 1968 ở Huế, con một nhà làm kinh tài cho Cách mạng nên đi theo ra Hà Nội như một điển hình thanh niên tiến bộ ở đô thị đi theo tiếng gọi Cách mạng. Lấy vợ tại đây và được biên chế vào làm đài truyền hình, cơ quan trọng yếu của chế độ.
Sau 75 về lại Huế với đầy hào quang chiến thắng vinh quang, vẫn làm đài truyền hình. Nhắm bước phát triển cao hơn nên xin chuyển vào TPHCM tiếp tục làm đài truyền hình với tương lai rộng mở. Có máu kinh doanh gặp thời đổi mới kinh tế muốn bung ra làm ăn, vì thế bỏ đài truyền hình qua làm sếp cơ quan kinh doanh nhà nước tham gia hùn vốn đi… buôn lậu trầm. Có chuyến gặp xui bị bể sô khiến phải 2 lần ra tòa… ngồi tù!
Nhưng ra tù vẫn sống an nhàn vui chơi thoải mái đều đều như một… đại gia từng một thời Cách mạng “nổ” rầm trời.

142 - Lê Hựu Hà
NỐT NHẠC CÔ ĐƠN
Nhạc sĩ sinh 1946 tại Huế – Mất 2003 ở TPHCM (58 tuổi).
Một thủ lĩnh sáng tác của phong trào nhạc trẻ “Việt hóa” thành công ở Sài Gòn trước 75 (cùng Elvis Phương, Đức Huy, Tuấn Ngọc). Sau 75 sống khép mình trong sự quên lãng chẳng được ai đoái hoài biết tới.
Nhưng vẫn không từ bỏ sự nghiệp, chưa bao giờ xa rời niềm đam mê âm nhạc của mình bằng cách chuyển hướng từ sáng tác qua hòa âm đồng thời góp phần dẫn dắt giới nhạc sĩ trẻ. Còn viết lời Việt cho gần 100 ca khúc nước ngoài.
Cuối đời thêm nỗi buồn gia đình quay về sống lặng lẽ chiếc bóng, vợ là một ca sĩ vang bóng một thời đã chia tay sống riêng cùng con. Cho đến một ngày về nhà đóng cửa nằm một mình bị đột quỵ ra đi không lời từ giã mà mãi hơn 3 ngày sau người ta phá cửa vào mới phát hiện ra. Cái chết giống như quan niệm của mình lúc sinh thời thường nhìn nó một cách bình thản.
Có một điều lạ là nhạc trước 75 không hiểu sao lại “ứng” vào cuộc đời sau 75 ở điểm luôn có sự mâu thuẫn giữa ước mơ tươi sáng và thực tại buồn đau khi “Em không thấy hoa kia mới nở/ Trong giây phút nhưng đẹp tuyệt vời” lại “Như hạnh phúc thoáng qua mất rồi...” Nhưng vẫn “Cười lên đi em ơi/ Dù nước mắt có dâng đầy mi/ Hãy ngước mặt nhìn đời/ Vì tha nhân ta cất tiếng cười…”

143 - Lê Long
NHÀ BÁO GIANG HỒ
Nhà báo sinh 1941 tại Đà Nẵng – Mất 2007 ở TPHCM (67 tuổi).
Xuất thân từ tầng lớp dân nghèo bụi đời ở Sài Gòn đã vào khu tham gia chống Mỹ từ những năm 60 (từng là đồng chí sát cánh với Chủ tịch nước sau này) vì lý tưởng “Đòi sách vở cho trẻ em, cơm ăn cho người nghèo, bông hồng cho tình yêu/ Lý tưởng cháy trên đầu ngọn súng” (Từ Nguyên Thạch).
Sau 75 về TPHCM làm quan chức đài phát thanh một thời gian thì vì chuyện tình cảm nên mất chức trôi giạt xuống Vĩnh Long được đồng chí cũ đưa vào làm báo văn nghệ. Được một thời gian cũng lại mất việc vì bắt đầu thời đổi mới bị xem là có hơi hướng “nổi loạn” chống tệ nạn tiêu cực ở địa phương.
Quay lại TPHCM đi bán cà phê lề đường nuôi vợ con rồi được bạn chiến đấu cũ thu nhận vào làm báo tiếp “đánh” tiêu cực xã hội, “những thằng cơ hội, chúng ăn sắt thép nghìn tỉ, chúng đánh bạc triệu đô, chúng mua quan bán chức trao tay như món đồ”à. Nhưng tạm ổn định chưa bao lâu lại bỏ đi theo tiếng gọi của tình cũ cố nhân.
Khi tình yêu cũ chấm dứt chia tay, hết đường lại quay về làm báo: “Để lý tưởng kia không bao giờ tắt/ Để tình yêu trong trái tim không bị đánh mất/ Anh chấp nhận làm người công dân hạng hai/ Không chứng minh thư, không tờ khai hộ khẩu…” (TNT).
Tuy nhiên sức người có hạn, đã hết thời rồi, tuổi già sức yếu, bệnh tật nên làm hết tờ báo nhỏ hết tờ này đến tờ báo nhỏ khác khác thi nhau yểu mệnh. Cuộc đời hoạn lộ gặp nhiều trắc trở liên miên một phần vì bản tính ngang tàng thẳng thắn và phần khác do vướng chuyện tình ái quá nhiều.
Cứ thế sống dật dờ qua ngày với niềm vui bạn bè quán xá và thêm vài… mối tình qua đường tạm bợ nữa. Cuối cùng ra đi trong cảnh khốn khó, qua đời vẫn 2 bàn tay trắng …

144 - Lê Ngọc Bình
ANH HÙNG TỬ TRẬN IRAQ
Việt kiều Mỹ sinh 1984 tại VN – Mất 2004 ở Iraq (20 tuổi).

Được bố mẹ gửi đi vượt biên một mình năm 1988.
Qua Mỹ được nhận làm con nuôi. Lớn lên mong mỏi có tiền bảo lãnh cha mẹ qua nên 18 tuổi tình nguyện gia nhập quân đội Mỹ (lương cao so với lứa tuổi đó). Mang lon hạ sĩ được gửi đi chiến đấu trên chiến trường Iraq.
Đến cuối năm 2004 mới tròn 20 tuổi đã tử trận trong một nỗ lực chận đứng quân nổi loạn Iraq âm mưu đánh bom cảm tử. Được Tổng thống Mỹ J. Bush (con) truy tặng huy chương như là anh hùng đầu tiên trong cuộc chiến Iraq được tôn vinh hy sinh để bảo vệ đồng đội.
Lúc còn sống vẫn ấp ủ giấc mơ dành dụm đủ tiền để bảo lãnh cha mẹ qua song chưa thực hiện được, nay Chính phủ Mỹ đã hoàn thành tâm nguyện đó bằng cách cho cha mẹ nhập cư vô điều kiện. Và 2 ông bà đã kịp bay qua có mặt trong lễ tang được cử hành trang trọng tại Nghĩa trang quốc gia Arlington ở Thủ đô Washington.
Trước đó đã có 2 lính Mỹ gốc Việt bỏ mình trên chiến trường này (một Việt kiều trung sĩ 26 tuổi và một binh nhất Việt gốc Hoa 22 tuổi).

145 - Lê Như Khoa
LIỆT SĨ SỐNG LẠI 5 (hay TRỞ THÀNH NGƯỜI DÂN TỘC 3)
Nông dân sinh 1930 tại Hà Nam. Sống ở Gia Lai (2008).
Năm 1966 theo bộ đội vào Nam chiến đấu trên chiến trường Gia Lai, khi ra đi để lại 2 con một trai một gái sau khi đã ly hôn với vợ.
Năm 1971 được phân công về Tỉnh đội làm nhiệm vụ cấp dưỡng. Tại đây yêu một cô gái người dân tộc Jrai tên Rơma H’Choah kém mình 15 tuổi làm việc chung trong tổ và được phép cưới làm vợ.
Năm sau bị thương trong một trận địch càn vào căn cứ nên được đơn vị cho chuẩn bị về Bắc an dưỡng nhưng đúng lúc đó vợ mang thai cũng được cho về làng cũ chuẩn bị sinh nở. Không nỡ xa vợ khi đang măng nặng đẻ đau nên tự ý… bỏ đơn vị không chấp hành lệnh về Bắc để theo vợ về làng Tung Amô buôn làng của người Jrai.
Từ đó dần dần đồng hóa thành người Jrrai luôn, đổi tên họ thành Rơ Chăm Khoa người dân tộc, cũng mặc khố đeo gùi làm nương rẫy, nói tiếng Jrai còn sõi hơn tiếng Việt. Sinh được tới… 7 đứa con người dân tộc!
Nhiều lúc nhớ quê cũ nhưng không dám có ý nghĩ tìm về vì sợ mang tội đào ngũ. Vì vậy hiếm khi gặp được người Việt lên đây cũng cố tình trốn tránh ngại bị “nhận mặt” cựu bộ đội.
Mãi đến năm 2001 nhờ tình hình đổi mới chính quyền đưa người lên thôn bản khảo sát tình hình phát triển kinh tế xã hội nơi đây mới tình cờ gặp một người đồng hương (cùng huyện cũ ở Hà Nam) mới đánh bạo kể hết sự tình với mong ước được dò hỏi tin tức về 2 người con đời vợ truớc ở ngoài Bắc còn sống hay không. Mới hay vẫn còn sống, từ đó mới cầm bút viết lá thư đầu tiên gửi về quê sau 30 năm con tưởng bố đã chết rồi (năm 1975 chính quyền đã trao bằng Tổ quốc ghi công, xây Nhà Tình nghĩa cho gia đình).
Hai người con đã vào tận làng Tung Amô rước cha về quê. Nhưng chỉ về thăm thôi chứ sau đó vẫn quay lại với buôn làng dù nơi đây đời sống còn thiếu thốn thua xa thôn Đại Hưng tỉnh Hà Nam ngày nay. Vì “Với tôi, căn nhà sàn, mùi mồ hôi của bà H’Choah và những đứa con đen đúa núi rừng mới thực sự là cuộc sống của tôi.”

146 - Lê Phước Huệ
NGHI ÁN NỮ BIỆT ĐỘNG “GIẢ”
Cán bộ về hưu sinh 1938 tại miền Nam. Sống ở Bà Rịa – Vũng Tàu (2009).
Từng là nữ biệt động Sài Gòn – Gia Định được cài vào hàng ngũ địch làm nội gián hoàn thành nhiệm vụ được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến.
Đầu những năm 1990 được thừa kế ngôi nhà do người anh để lại (có di chúc đàng hoàng) nhưng bất ngờ lại bị chính quyền địa phương… sung công! Lấy lý do đương sự mạo nhận chiến sĩ biệt động có huân chương mà thực chất là… “đầu hàng theo địch”. Kiện cáo thì bị thi hành cưỡng chế nhà đất, đập phá tài sản và còn bắt giam con gái với lý do “cản trở người thi hành công vụ”.
Từ năm 1994 cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Văn phòng Quốc hội lẫn Chủ tịch tỉnh đã ra lệnh trả nhà đất nhưng vẫn… không thi hành. Năm 2001 công an vào cuộc điều tra xác nhận đúng là chiến sĩ biệt động có cống hiến và năm 2005 Phó thủ tướng chấp nhận kết quả điều tra song chuyện trả nhà cũng… như không. Thậm chí năm 2008 một Phó Chủ tịch tỉnh lại ký văn bản… không trả!
Đến giữa năm 2009 tất cả vẫn giữ y nguyên trạng. Còn đương sự thì suy sụp tinh thần nằm liệt giường từ vài năm nay rồi.

147 - Lê Phước Thúy
BẤT HẠNH BẤT CÔNG
Cán bộ giáo dục sinh 1941 tại Huế – Mất 2002 ở Huế (63 tuổi).
Tốt nghiệp đại học ở Huế ra đi dạy ở Quy Nhơn quay về Huế bỏ “lên núi” tham gia kháng chiến. Sau đó được đưa ra Bắc, nổi tiếng là một người cực tả.
Sau 1975 trở về quê hương Huế trên cương vị lãnh đạo ngành giáo dục đã có nhiều sự giúp đỡ, cảm thông với bạn bè sống trong chế độ cũ – dân “tại chỗ” -- để cùng nhau bắt tay hợp lực xây dựng xã hội mới bất chấp sự không đồng tình của nhiều đồng chí quan chức cùng thời.
Đặc biệt ngay từ thời đó đã có tầm nhìn xa chống những biểu hiện tiêu cực quan liêu chậm phát triển, có tư tưởng đổi mới rất sớm, thậm chí kề cận với quan điểm “đa nguyên”! Có lẽ phần nào cũng vì thế mà dẫn đến việc bị “đánh” mất chức, giáng chức qua làm phó ngành khác (vin vào lý do một phụ tá dân “tại chỗ” phạm tội tham nhũng).
Mang nỗi buồn chung ưu thời mẫn thế, thất vọng trước lý tưởng nhạt nhòa cộng với nỗi buồn trong đời sống riêng (người yêu cũ đi lấy chồng, vẫn sống độc thân, cháu gái bệnh chết khi còn quá trẻ…), đã đột ngột qua đời vì bệnh phổi (hút thuốc lá quá nhiều) để lại nhiều thương tiếc cho giới trí thức Huế.

148 - Lê Quang Vịnh
SUÝT VÀO NHÀ THƯƠNG ĐIÊN
Cán bộ hưu trí sinh 1936 tại Thừa Thiên – Huế. Sống ở Huế (2010).
Cha là liệt sĩ chống Pháp nên đã có máu Cách mạng từ thời còn học sinh ở Huế.
Sau đó vào Sài Gòn học đại học và tham gia phong trào học sinh sinh viên đấu tranh đô thị chống Mỹ . Bị bắt 3 lần ra tòa lĩnh án tổng cộng 16 năm tù từ 1962-1975 - là “tù chuồng cọp” Côn Đảo nổi tiếng - đến 30.4 mới được giải phóng.
Sau 75 đảm đuơng nhiều chức vụ quan trọng ở TPHCM.
Đến năm 1986 trong xu thế Đổi mới vừa mở đầu được điều trở về làm lãnh đạo “cố hương” Côn Đảo. Nhưng không ngờ chính tại đây một lần nữa lại ghi thêm một dấu ấn oan nghiệt cuộc đời nữa như thời tù đày khi vì chủ trương chống tiêu cực địa phương nên đã bị nội bộ chống đối cô lập, gán tội phá hoại đòi khai trừ. Thậm chí còn bị đổ cho bệnh hoang tưởng đề nghị cho đưa vào… nhà thương điên luôn!
Sự cố gây khủng hoảng tinh thần trầm trọng làm tái phát bệnh cũ thời ở tù phải nằm viện 2 năm và đương nhiên… mất chức.
Mãi đến năm 1993 mới được giải oan khôi phục danh dự, kết luận đánh tiêu cực hồi đó là… đúng! Được đề bạt trở lại làm Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ đi Mỹ tranh luận về vấn đề tôn giáo và nhân quyền ở VN.
Năm 2003 hưu trí lui về quê nhà Huế lập Nhà lưu niệm tù Côn Đảo tại gia và… làm thơ tổng kết đời mình: “Cuộc đời tôi cũng có những vấp ngã nhưng ngã xuống lại biết đứng dậy để vươn lên. Tôi cũng có những sai sót nhưng tôi không gục ngã trước oan trái…” .

149 - Lê Thanh Bùi
NGHI ÁN CÁN BỘ VƯỢT BIÊN
Cán bộ ngành giao thông vận tải sinh 1935 tại Quảng Bình. Mất tích năm 1982 (47 tuổi).
Con mồ côi từ nhỏ phấn đấu vào làm ngành vận tải đường biển. Trước 75 là thuyền trưởng đảng viên chuyên lái tàu hoa tiêu dẫn tàu tránh ngư lôi dọc tuyến sông biển Quảng Bình trong cuộc chiến tranh phá hoại vùng biển miền Bắc. Em trai cùng nghề đã hy sinh năm 1965 khi làm nhiệm vụ vận chuyển vũ khí theo đường biển vào chi viện cho chiến trường miền Nam.
Sau 75 vào dịp trước Tết năm 1982 đang nằm viện dưỡng bệnh ở Đông Hà thì được lệnh của Cty Vận tải thủy Bình Trị Thiên làm thuyền trưởng – cùng 6 thuyền viên - ra Hải Phòng nhận một chiếc tàu vừa sửa chữa xong tại đây chở hàng từ đó về cảng Quy Nhơn. Dự kiến chuyến hải trình đến Quy Nhơn chỉ kéo dài 5 ngày nhưng chờ mãi vẫn… không thấy tàu về. Từ đó hầu như toàn bộ tàu và thuyền viên trên tàu bỗng nhiên… mất tích luôn!
Vậy nhưng một thời gian dài các cơ quan chức năng liên quan vẫn không có tin tức hay thông báo gì hết. Đến khi gia đình các thuyền viên yêu cầu, khiếu nại thì mãi đến năm 1986 công an Bình Trị Thiên mới ra công văn khẳng định các thuyền viên này phạm tội… phản quốc vì đã lợi dụng đưa tàu… vượt biên!
Tuy nhiên phía công an hoàn toàn không đưa ra được một chứng cứ nào hết mà cũng không biết có điều tra đến đâu trong khi thực tế cho thấy nếu quả là họ vượt biên thì sao từ đó đến hơn 20 năm sau cả 7 gia đình không có gia đình nào nhận được tin tức gì về họ? Chưa kể họ đều là cán bộ đảng viên lâu năm từng có thành tích chống Mỹ đáng kể.
Nhưng vào thời đó mọi thắc mắc khiếu nại về vấn đề “nhạy cảm” này – vượt biên đang từ một “hiện tượng” đã trở thành “phong trào” -- rất khó. Bởi vậy các gia đình thân nhân phải hứng chịu biết bao hậu quả của vụ án vượt biên không rõ ràng này. Như trường hợp đương sự, trong 6 đứa con có 2 con trai đi bộ đội bị ngưng xét lý lịch vào Đảng, một con trai khác bị gác hồ sơ không cho đi thi đại học…
Cùng lâm vào hoàn cảnh bi đát oái oăm như vậy còn một số thuyền viên khác:
+ Thuyền phó Trần Mạnh Hà: Vợ bị cho nghỉ việc, 2 con trai thì đứa đầu bỏ học, đứa sau lớn lên cũng bỏ xứ vào Nam kiếm sống.
+ Thuyền viên Nguyễn Ngọc Hới (sinh 1948): Bộ đội từng tham gia chiến dịch Mậu Thân 68, 1972 đến ngày giải phóng miền Nam, 1980 mới chuyển qua ngành GTVT. Không chịu nổi dư luận chòm xóm, vợ đành ôm con nhỏ vào Bình Thuận tìm đường sống.
+ Thuyền viên Dương Thanh Hải: Đảng viên. Cả 3 con trai đều bỏ học đi làm thuê làm mướn quanh vùng.
Các gia đình “nạn nhân mất tích bất đắc dĩ” đành chọn một ngày trong khoảng thời gian chồng mình ra đi làm nhiệm vụ vào giữa tháng giêng âm lịch hàng năm để làm đám giỗ đồng thời lập bàn thờ và mộ gió tưởng niệm họ.
Mãi đến năm 2007 các gia đình mời nhờ luật sư làm đơn yêu cầu Nhà nưóc trả lời vụ việc này, kể cả nhờ sự giúp đỡ của cơ quan Cảnh sát quốc tế Interpol. Nhưng có lẽ khó có kết quả vì vụ việc xảy ra đã lâu trong khi hồ sơ, tài liệu liên quan đã thất tán hết rồi sau khi Bình Trị Thiên được tách tỉnh, công ty cũ giải thể.
Giả thuyết hợp lý hơn cả là có thể tàu đã bị bão tố đánh chìm ngoài khơi xa vì vào thời điểm đầu năm âm lịch thường có đợt gió mùa đông bắc mạnh cấp tập trên biển Đông. Hơn nữa tàu đã cũ được xác định trước đó là bị thủng phải sửa chữa nhiều không biết đạt chất lượng thế nào. Nhưng cơ quan công an Bình trị Thiên lúc đó đã không điều tra kỹ mới vội vàng đưa ra một kết luận võ đoán dựa vào cảm tính “theo thời” biến nó thành một án treo oan khuất cho biết bao người.

150 - Lê Thành Nhơn
TỪ PHAN BỘI CHÂU ĐẾN PHẬT THÍCH CA
Nhà điêu khắc sinh 1940 tại Bình Dương. Mất 2002 ở Uc (63 tuổi).
Bức tượng đồng Phan Bội Châu – hoành tráng, sáng quắc, vạm vỡ – của ông làm trước 75 còn ở Huế (nhưng lâu nay nằm tại một địa điểm khá hẩm hiu) như thể hiện qua đó một Lê Thành Nhơn đầy nhiệt huyết yêu nước. Nhưng có vẻ như càng về sau cùng với cuộc chiến kéo dài càng mất lòng tin vào thực tế chiến tranh không như ý muốn nên bắt đầu hướng về đạo Phật với tư tưởng hòa bình (2 giai đoạn này đều có dấu ấn của Huế nơi ông dạy mỹ thuật thời đó).
Từ đó có tham vọng làm tượng Phật Thích Ca vĩ đại như dự án tượng Phật ngồi thiền cao 25m nhưng rốt cuộc trước khi rời VN di tản qua Uc năm 75 chỉ để lại tượng Phật cao 4,5m nặng 100 tấn may mà nay vẫn còn được lưu giữ ở chùa Huệ Nghiêm, TPHCM.
Đến khi qua Úc (lúc đầu từng không nề hà làm tái xế lái xe điện ngầm mà nay trong Bảo tàng quốc gia Úc treo bên cạnh các tác phẩm của ông là chiếc áo khoác và dây nịt tài xế của ông) giấc mơ tượng Phật vẫn tiếp tục bằng một tượng Phật cao 2,5m và một loạt tượng Phật nhỏ hơn hiện được trưng bày trong Bảo tàng quốc gia Úc bên cạnh loạt tranh liên hoàn mang tên “Sinh lão bệnh tử” đậm triết lý Phật giáo. Nay thì đúng là “Đức Phật bao trùm tôi”.
Nhờ thế cuối đời đã tìm được sự thanh thản tâm hồn, vẫn sống thanh bạch như trước kia. Vẫn với phong cách sống hài hước cuộc đời, ngước nhìn trời khen trời đẹp, nắng đẹp rồi một chút buồn ngậm ngùi nhớ quê xa… Nhìn thấy ảnh trên báo bức tượng Phật còn tồn tại ở quê nhà đã buộc miệng “Thật không tin đứa con của tôi vẫn còn sống. Tôi hạnh phúc quá…”
Đáng tiếc không còn được hưởng niềm hạnh phúc nhìn thấy bức tượng Phan Bội Châu sắp được cho phép đưa vào đặt trang trọng trong công viên sát dưới chân cầu Tràng Tiền nhìn ra dòng sông Hương lưu dấu đậm đà một thời nhiệt huyết tuổi thanh xuân…

CAO HUY KHANH
(Còn tiếp)

Thứ Tư, 24 tháng 3, 2010

THÁNG BA VÀNG NẮNG


Nắng tháng ba vàng thêm bờ tóc nhuộm
Những cung đường loang lổ dấu chân chim
Con suối cạn đau lòng mây trắng lắm!
Áo nâu sồng treo vạt lá nghiêng nghiêng.

Nắng tháng ba vắt trên cành hoa phượng
Khúc chia lìa không kịp cánh tay đưa.
Nên chớp mắt, cuộc tình cơn mộng ảo
Em lên đồi, tắm gội nắng mùa xưa.

Nắng tháng ba, môi em hồng mấy thưở.
Buổi trưa về, chiều gió lộng xôn xao?
Thôi sớm muộn mảnh tình kia cũng vỡ.
Tôi lại về đối ẩm với trăng sao.

Nắng tháng ba cánh rừng tôi bén lửa
Đêm mịt mùng khơi dậy chút tàn tro.
Rồi em lại về bên tôi lần nữa,
Thêm một lần day dứt trái tim khô.

Nắng tháng ba, tiễn mùa xuân héo muộn
Tóc xanh phai, thương nhớ cũng hoe vàng.
Sông núi nhuộm tình tôi màu tiễn biệt
Nên một đời mây trắng vẫn đi hoang.

BÙI NGỌC THÀNH

Thứ Ba, 23 tháng 3, 2010

VATICAN VÀ VẤN NẠN ẤU DÂM

Tai tiếng tình dục rúng động Vatican Bức thư của Giáo hoàng Benedict XVI vẫn chưa thể trấn an hoàn toàn dư luận - Ảnh: AFP
Hàng ngàn nạn nhân tại nhiều nước đã lên tiếng về việc bị các giáo sĩ Công giáo lạm dụng tình dục, vốn bị che giấu lâu nay.
Lá thư xin lỗi của Đức Giáo hoàng Benedict XVI hôm qua đã được đọc tại tất cả nhà thờ của Ireland - nơi khởi nguồn cho một cuộc khủng hoảng toàn cầu, đe dọa gây mất uy tín trầm trọng cho Giáo hội Thiên Chúa La Mã. Hồi cuối năm ngoái, các thanh tra chính phủ nước này công bố một loạt báo cáo cho thấy từ thập niên 1950, hàng ngàn vụ đánh đập và xâm hại tình dục đã diễn ra tại các giáo phận Dublin, Ferns và trong hệ thống trường nội trú do nhà thờ quản lý. Hầu hết đều bị che giấu và rất ít thủ phạm bị trừng phạt.
Sự việc tại Ireland đã gây ra một hiệu ứng dây chuyền khi hàng ngàn nạn nhân - cả nam lẫn nữ - tại nhiều nước khác cũng lên tiếng tố cáo bị hành hạ và xâm hại trong quá khứ. Từ đầu năm đến nay, cuộc khủng hoảng đã lan đến Thụy Sĩ, Áo, Đức, Hà Lan và Brazil - nơi có cộng đồng Thiên Chúa giáo lớn nhất thế giới. Hãng tin AFP dẫn lời phát ngôn viên của Giáo hội Công giáo Hà Lan Pieter Kohnen cho hay tính đến nay, nhà thờ đã nhận được 1.100 đơn tố cáo.
Trong hơn 300 vụ xâm hại vừa được đưa ra ánh sáng tại Đức, có hai vụ liên quan gián tiếp đến Giáo hoàng và anh trai của ngài. Cuối tuần trước, giới truyền thông đưa tin Tổng giáo phận Munich hồi đầu thập niên 1980 đã phớt lờ những cảnh báo về hành vi lạm dụng tình dục trẻ em của linh mục Peter Hullerman. Ông này chỉ bị chuyển sang giáo khu khác và tới tận gần đây mới bị đình chỉ sau nhiều cáo buộc. Thời gian vụ việc xảy ra nằm trong giai đoạn ngài Benedict XVI còn là Tổng giám mục Munich, theo CNN. Bên cạnh đó, anh trai của Giáo hoàng là linh mục Georg Ratzinger hồi đầu tháng cũng thừa nhận đã đánh các bé trai khi còn làm trưởng ca đoàn chính tại vùng Bavaria từ năm 1964-1994, theo tờ Passauer Neue Presse của Đức. Tuy nhiên, ông Ratzinger nói mình không hề biết về những vụ xâm hại tình dục tại đây. Tòa thánh Vatican vừa qua đã lên tiếng phản đối những lời cáo buộc gắn kết Giáo hoàng với các vụ tai tiếng.
Không phải vụ nào cũng liên quan đến trẻ em nhưng cũng đủ khiến uy tín của Giáo hội sụt giảm trầm trọng. Một đoạn phim quay lén của Đài truyền hình SBT ở Brazil khiến hơn 100 triệu giáo dân nước này bàng hoàng khi thấy rõ cảnh linh mục Marques Barbosa quan hệ tình dục với một lễ sinh nam 19 tuổi tại bang Alagoas. Ông Barbosa đã bị đình chỉ cùng hai linh mục khác.
Trong bức thư gửi tới giáo dân Ireland, Giáo hoàng Benedict XVI viết ông “hối hận và hổ thẹn” vì hành vi của các tu sĩ bệnh hoạn và xin lỗi các nạn nhân. Giáo hội Ireland cùng nhiều người bày tỏ sự ủng hộ đối với bức thư, cho rằng nó đến vào thời điểm cần thiết nhất. Tuy nhiên, đa số nạn nhân đều cho rằng bức thư đã không đáp ứng được sự chờ đợi của họ. Nhiều ý kiến cho rằng đáng lẽ bức thư phải xin lỗi về việc cả hệ thống nhà thờ che đậy những vụ xâm hại bằng cách phớt lờ hoặc buộc các nạn nhân im lặng. “Tôi không cần Giáo hoàng xin lỗi giùm những tên bệnh hoạn” - AP dẫn lời ông Andrew Madden tại Ireland nói - “Tôi và hàng ngàn người bị hại khác cần được xin lỗi về việc Vatican bảo vệ bọn họ bằng cách hy sinh cuộc sống của trẻ em”. Ngoài việc kêu gọi các giáo hội hợp tác với chính quyền và ngăn chặn các vụ lạm dụng, Giáo hoàng cũng không cho biết sẽ có hành động cụ thể nào cũng như không đề cập sẽ trừng phạt các giáo chức đã che đậy các vụ việc ra sao. Các hồng y tại những nước liên quan đều tuyên bố chỉ từ chức khi Giáo hoàng yêu cầu. Người phụ trách website Bishopaccountability.org - Terry McKiernan cũng nói: “Dường như mục đích của bức thư chỉ nhằm làm dịu dư luận mà thôi”.
Giới quan sát nhận định khi Giáo hoàng vẫn còn ủng hộ việc nhà thờ tự giải quyết bí mật bằng giáo luật chứ không phải bằng pháp luật thì vấn đề còn chưa được giải quyết. “Chính sách bí mật của nhà thờ hiện diện khắp thế giới và vụ việc sẽ không dừng lại ở đây”, bà Marie Collins - người thường xuyên bị một linh mục tại Dublin cưỡng hiếp từ lúc 13 tuổi trong thập niên 1960 - nói với AP. Ngoài việc bị mất uy tín, Vatican còn đối mặt với những vụ kiện đòi bồi thường với số tiền hàng chục triệu USD.
Trọng Kha (TNO) 21.3.2010

Thứ Hai, 22 tháng 3, 2010

HOÀNG PHỦ NGỌC PHAN - HƯỚNG VỀ 1000 NĂM THĂNG LONG : ĐÔI ĐIỀU XIN CÂN NHẮC


Hướng về 1000 năm Thăng Long
Đ Ô I Đ I Ề U X I N
C ÂN N H Ắ C
hoàng phủ ngọc phan

1. Về phim Trần Thủ Độ và người tình
Kế hoạch làm phim kỷ niệm 1000 năm Thăng Long đã được khởi động cách đây 10 năm. Cuối cùng thì phim Trần Thủ Độ và người tình đã được đưa vào sản xuất. Như thế đôi tình nhân nầy mặc nhiên đựơc tôn vinh như là những tấm gương người tốt việc tốt, tiêu biểu cho nhân vật và sự kiện của đất Thăng Long nghìn năm văn vật. Tạm gác một bên cái gọi là “mối tình” – (thực ra là sự loạn luân giữa Thủ Độ và Trần Thị, hai người là chị em họ) - trước hết cần phải dựa lên chính sử mà đánh giá công và tội của Trần Thủ Độ qua những hành động sau đây của ông ta :
Làm tôi nhà Lý mà cướp ngôi nhà Lý: ấy là tội soán nghịch của kẻ gian thần.
Vua cuối cùng của nhà Lý là Lý Huệ Tông đã bỏ đi tu mà Thủ Độ còn vào tận chùa bức tử để sau đó đoạt luôn vợ của vua. Bước kế tiếp là lập mưu tận diệt con cháu họ Lý. Đến năm Nhâm Thìn (1232), nhân làm lễ Tiên hậu nhà Lý, Thủ Độ sai đào hầm, làm nhà lá ở trên, đến khi các tôn thất nhà Lý vào tế lễ thì sụt cả xuống hố rồi đổ đất chôn sống cả. Lại lấy cớ ông tổ nhà Trần tên Trần Lý, bắt cả nước, những ai có họ Lý đều phải đổi thành họ Nguyễn. Đây là loại tội ác diệt tộc.
Lấy cớ cần phải có một dòng họ Trần thuần chủng, bắt người trong họ Trần phải lấy nhau, không được lấy người khác họ. Đây là cách làm cho mọi người cùng vấy bẩn để che dấu tội loạn luân của mình.
Trong lịch sử chưa từng thấy nhân vật nào đại gian, đại ác, bại hoại cương thường luân lý, bất trung, bất nghĩa, bất nhân đến như vậy.
Trong cuộc kháng chiến chống giặc Nguyên Mông lấn thứ nhất, đúng là Thủ Độ có vai trò tích cực được ghi nhận qua câu nói: đầu tôi chưa rơi xuống đất, xin bệ hạ đừng lo.Nhưng vào đời Trần, không chỉ Thủ Độ mà cả trăm vạn con dân nước Việt cũng đều có được tinh thần quyết chiến quyết thắng ấy. Vả lại không có thứ công lao nào xóa được những tội ác trời không dung đất không tha của Thủ Độ. Càng không thể có thứ mục đích nào biện minh được cho nhân cách của ông ta.Trong những đợt khủng bố trắng của Thủ Độ, có một đối tượng may mắn trốn thoát. Đó là hoàng tử Lý Long Tường cùng đoàn tùy tùng vượt biển sang tỵ nạn chính trị ở lãnh thổ Kô-Ry-Ô, nước Cao Ly - nay thuộc Hàn Quốc. Trước đó còn có hoàng tử Lý Dương Côn, em vua Lý Thần Tông cũng đã sang tỵ nạn ở Cao Ly. Cả hai hoàng tử nầy đều có công giúp triều đình Cao Ly đánh thắng giặc Nguyên Mông, dẹp yên phản loạn, được ghi tên trong sử sách nước nầy. Dòng họ Lý ở Triều Tiên đến nay đã truyền được hơn 30 đời, con cháu đều là công dân Hàn Quốc, nhiều người thành đạt. Tuy vậy họ vẫn không quên nguồn gốc nước Việt và rất tự hào về triều Lý của mình trong lịch sử Việt Nam. Những hậu duệ họ Lý ở Hàn Quốc đã từng thuê bao một chiếc tàu về Hà Nội để chiêm bái tổ tiên. Trong đại lễ 1000 năm Thăng Long sắp tới, cuộc hành hương của họ chắc càng qui mô hơn.· Với việc đánh bóng nhân vật Trần Thủ Độ qua bộ phim Trần Thủ Độ và người tình - liệu tiền nhân và hậu duệ của nhà Lý – từ 9 đời vua cho đến những người họ Nguyễn gốc Lý ở Việt Nam cũng như phái đoàn khách quí người gốc họ Lý ở Hàn Quốc – có còn tình cảm “hướng về đại lễ 1000 năm Thăng Long” nữa không?· Ban Tuyên Giáo Trung Ương đã có chỉ thị nêu rõ: “Từ nay đến thời điểm kỷ niệm 1000 năm Thăng Long vào năm 2010 - Ủy ban toàn quốc các hội Văn Học Nghệ Thuật Việt Nam và Hội LHVHNT Hà Nội cùng các thành phố cả nước gắn với cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, đẩy mạnh và triển khai cuộc vận động, tuyển chọn các tác phẩm có giá trị về đề tài nói trên.”Xin hỏi một người cầm quyền như Trần Thủ Độ có gắn được với tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh không?
2. Về vở kịch nói “Anh hùng và Mỹ nhân” (Huy Chương Vàng Hội diễn sân khấu toàn quốc)·
Nội dung cũng lại xoay quanh chuyện Trần Thủ Độ, Trần Cảnh, Lý Chiêu Hoàng… Riêng Lý Chiêu Hoàng được các tác giả sân khấu đề cao như là nhân vật vừa là anh hùng vừa là mỹ nhân trong ván cờ chính trị thời chuyển giao Lý-Trần, như người mẹ của mình là Trần Thị Dung (Việt Hoài – Đan Huyền – tinnhanhvn.net). Theo chính sử thì Lý Chiêu Hoàng lên ngôi năm 1224. Qua năm sau bị Thủ Độ ép nhường ngôi cho Trần Cảnh. Lúc bấy giờ Chiêu Hoàng mới lên 7 và Trần Cảnh lên 8. Thời kỳ chuyển giao Lý-Trần kéo dài không đầy một năm. Trong vòng một năm đó, không hiểu cô bé 7 tuổi Chiêu Hoàng được chế tác làm sao mà có thể trở thành vừa anh hùng, vừa mỹ nhân được? Trên sân khấu, người ta thấy Nghệ sĩ Ưu tú Trung Anh (vai Trần Cảnh) và diển viên Thanh Giang (vai Lý Chiêu Hòang) đều là những khuôn mặt không còn bé bỏng chút nào. Khi Lý Chiêu Hoàng và Trần Cảnh ở vào tuổi đó, mọi âm mưu thủ đọan của Trần Thủ Độ xem như đại công cáo thành, họ Lý còn gì để mà chuyển giao? Chẳng lẽ sáng tác đề tài lịch sử mà không cần dựa vào chính sử? Chẳng lẽ đất Thăng Long ngàn năm văn vật không còn ai đáng mặt tài tử giai nhân, anh hùng liệt nữ sao mà cứ xúm xít quanh ông Trần Thủ Độ để khai thác đề tài?
3. Về pho tượng cố đạo Alexandre de Rhodes
Nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng ở TP. HCM đã hoàn thành pho tượng cố đạo Alexandre de Rhodes bằng đá hoa cương, nặng 43 tấn và có nhã ý làm quà tặng thành phố Hà Nội để góp phần tôn vinh lễ hội 1000 năm Thăng Long. Chính quyền Hà Nội liền hứa sẽ cử phái đoàn vào Nam để thẩm định giá trị tác phẩm. Đúng ra trước tiên phải nhận thức đầy đủ về vấn đề nầy:· Nền văn minh Việt Nam thời Lý-Trần gắn liền với văn hóa Phật giáo. Vậy pho tượng ông cố đạo nầy có ý nghĩa gì trong Lễ hội 1000 năm Thăng Long?· Alexandre de Rhodes tuy có công lao nhất định trong việc hình thành chữ quốc ngữ nhưng cũng có nhiều hoạt động nguy hại, tiếp tay cho thực dân xâm chiếm nước ta. Riêng đối với Phật giáo, toàn thể tín đồ rất sốc khi biết ông từng phát biểu trong phép giảng ngày thứ năm, đòi chém Thằng Thích Ca và còn nhiều lời lẽ rất ác khẩu khác…Việc ông Phạm Văn Hạng có nhã ý tặng pho tượng làm quà cho đại lễ không có gì đáng trách. Nhưng chính quyền Hà Nội đáng lẽ phải từ chối ngay món quà nầy thì lại tính cử một phái đoàn vào thẩm định giá trị của pho tượng. Thẩm định làm gì? Chẳng lẽ nếu thấy tượng đẹp thì có thể chở ra đặt bên cạnh chùa Một Cột?Chúng tôi rất trân trọng tâm huyết của các tác giả làm phim, làm kịch và làm tượng. Ba công trình nói trên tất nhiên đều có những mặt thành tựu nghệ thuật nhất định. Tuy nhiên nếu nhận ra những vấn đề nhạy cảm của lịch sử, của văn hóa và của tôn giáo ở Việt Nam thì chắc không chỉ riêng tôi mà còn có nhiều người – nhất là người Hà Nội – sẽ đồng ý rằng không nên sử dụng ba công trình (phim Trần Thủ Độ ̶ kịch Anh hùng và Mỹ nhân – pho tượng Alexandre de Rhodes) phản cảm nói trên làm làm phẩm vật cúng tế trong lễ hội 1000 năm Thăng Long. Phim ấy, kịch ấy và tượng ấy nếu đã lỡ làm xong thì vẫn có thể tùy nghi sử dụng trong những dịp khác, nhưng trong dịp lễ hội thì rất không thích hợp. Xin hãy cân nhắc trước khi quá muộn.
HPNP (Viet - Studies)

Chủ Nhật, 21 tháng 3, 2010

KÝ ỨC


Người đã xa tôi rời xa tôi
Những khoảnh khắc thôi dành cho quá khứ
Nỗi đau thâm trầm vụn vỡ
Bơ phờ
Người đã ra đi, hãy ra đi
Ghé làm chi những bước vội
Chiều rơi
Âm thầm cùng cánh lá lã lơi
Vùi vụng dại cũ mèm thêm cũ rích.
Còn gì đâu?
Còn nữa đâu?
Tôi chẳng phải là tôi thưở trước.
Anh chẳng phải là anh ngày xưa


Mưa!
Ta cứ nắm tay nhau rảo bước.
Con đường đầy những hoa xuyến chi
Cùng con sóng vùng vằng đi ở
Giấc mơ.
Vỡ toang như bọt sóng trào

Thoảng thốt giật mình sau những khát khao
Tôi bất chợt hình dung
Ngàn nỗi nhớ
Vùi lấp cơn mưa


Trộm nghĩ thời bé bỏng xa xưa
Và đôi tay dang cú đấm vào kí ức
Một vài vết cứa
Quyện mùi ái ân
Đã xa rồi những cảm nhận buồn vui
Còn lại đây vệt lăn trầm mê muội
Nhắm mắt tìm nhau qua hơi thở
Một thưở yêu người
Bỗng thai phôi.


HOÀNG THỊ THIỀU ANH

Thứ Sáu, 19 tháng 3, 2010

NHÀ THƠ HỮU LOAN ĐÃ RA ĐI...

Nhớ "Màu tím hoa sim"

19 giờ ngày 18.3.2009, nhà thơ Hữu Loan - tác giả của bài thơ nổi tiếng Màu tím hoa sim đã đi vào cõi vĩnh hằng tại nhà riêng (thôn Vân Hoàn, xã Nga Lĩnh, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa), thọ 95 tuổi.
Ít có nhà thơ nào ra đi ở cái ngưỡng thượng thọ như nhà thơ Hữu Loan. Sau hơn một năm đau ốm, ông đã ra đi thanh thản trong một không gian “màu tím” rất riêng của ông, “tím chiều hoang biền biệt”. Khép lại một chuỗi ngày dài đằng đẵng đến cả 50 năm nhọc nhằn thể xác lẫn tinh thần. Chỉ khoảng mười năm cuối đời ông mới nếm trải được hương vị ngọt ngào của “đứa con tinh thần” khi mà Công ty cổ phần công nghệ Việt Vitek VTB mua bản quyền bài thơ Màu tím hoa sim với giá 100 triệu đồng (ngày 19.12.2004).
Nói tới Hữu Loan là phải nhắc đến bài thơ Màu tím hoa sim - bài thơ đã hơn 60 tuổi và đã được bao nhiêu thế hệ yêu thích thơ ca chép vào sổ tay thơ. Trên BBC News ngày 10.11.2002, trong bài viết Chiến tranh đã tạo nên cảm xúc cho các nhà thơ trên thế giới như thế nào?, tác giả L.Pollard đã chọn Màu tím hoa sim là một trong ba bài thơ tiêu biểu viết về đề tài chiến tranh. Đó là một bài thơ đầy tâm trạng của người lính Vệ quốc quân hay tin người vợ trẻ vừa mất ở quê nhà.
Màu tím hoa sim được Nguyễn Bính đăng trọn vẹn lần đầu tiên trên báo Trăm hoa vào năm 1956. Bài thơ đã được nhiều nhạc sĩ phổ thành ca khúc như: Áo anh sứt chỉ đường tà (Phạm Duy), Màu tím hoa sim (Duy Khánh), Những đồi hoa sim (Dzũng Chinh), Chuyện hoa sim (Anh Bằng), Tím cả chiều hoang (Nguyễn Đặng Mừng), Tím cả rừng chiều (Thu Hồ), Chuyện người con gái hái sim (?)... Trong đó phổ biến nhất là các bài hát của Dzũng Chinh và của Phạm Duy.
Dạo ấy (khoảng năm 1932 - 1933), chàng thanh niên Nguyễn Hữu Loan con nhà nghèo nhưng học giỏi nổi tiếng. Cha mẹ cày thuê cuốc mướn, đi học “bữa đực bữa cái” mà lại đỗ đầu kỳ thi cao đẳng tiểu học. Để có thể học tiếp, Hữu Loan phải vừa đi dạy vừa theo học trường Trung học Đào Duy Từ (Thanh Hóa). Năm 1941, Hữu Loan ra Hà Nội thi tú tài. Có tới 700 thí sinh dự thi nhưng số người đỗ chỉ “đếm đủ trên đầu ngón tay”. Vậy mà trong số đó có anh học trò nghèo tự học ở tỉnh Thanh. Vì mến sự hiếu học của “cậu tú Loan” nên bà Đái Thị Ngọc Chất - vợ của ông thanh tra canh nông Đông Dương Lê Đỗ Kỳ đã bàn cùng chồng mời Hữu Loan làm gia sư cho các con của mình: Lê Đỗ Khôi, Lê Đỗ Nguyên (sau này là trung tướng Phạm Hồng Cư) và Lê Đỗ An. Chính từ chuyện làm gia sư trong gia đình này mà sau này kết thành mối lương duyên giữa Hữu Loan và cô em gái Lê Đỗ Thị Ninh của 3 người anh trai này. Họ kết hôn ngày mùng 6 tháng hai (âm lịch) năm 1948, khi đó Hữu Loan 33 tuổi còn nàng mới 17.
Lúc đó “Tôi người Vệ quốc quân xa gia đình/yêu nàng như tình yêu em gái/ Ngày hợp hôn nàng không đòi may áo cưới/Tôi mặc đồ hành quân/Đôi giày đinh bết đất bùn hành quân/Nàng cười xinh xinh bên anh chồng độc đáo/Tôi ở đơn vị về/Cưới nhau xong là đi...”.
Hữu Loan từ biệt người vợ trẻ, trở về nơi đơn vị đang đóng quân ở vùng Thọ Xuân (Thanh Hóa) cách nhà khoảng 100 km. Chỉ hơn 3 tháng sau ngày cưới, người vợ trẻ ra sông giặt áo, bị trượt chân ngã và nước lũ cuốn trôi.
“...Ngày xưa nàng yêu hoa sim tím/Áo nàng màu tím hoa sim/Ngày xưa đèn khuya bóng nhỏ/Nàng vá cho chồng chiếc áo ngày xưa/Một chiều rừng mưa/Ba người anh từ chiến trường Đông Bắc/ Biết tin em gái mất trước tin em lấy chồng/Gió sớm thu về rợn rờn nước sông/Đứa em nhỏ lớn lên ngỡ ngàng nhìn ảnh chị...
Chiều hành quân qua những đồi hoa sim/Những đồi hoa sim/Những đồi hoa sim dài trong chiều không hết/Màu tím hoa sim tím chiều hoang biền biệt...
Ai hỏi vô tình hay ác ý với nhau/ Chiều hoang tím có chiều hoang biết/Chiều hoang tím, tím thêm màu da diết...
Màu tím hoa sim tím tình tang lệ rớm/Tím tình ơi lệ ứa/ Ráng vàng ma và sừng rúc điệu quân hành/Vang vọng chập chờn theo bóng những binh đoàn/Biền biệt hành binh vào thăm thẳm chiều hoang màu tím/Tôi ví vọng về đâu? Tôi với vọng về đâu?...”.
Xin tiễn biệt tác giả của một trong những bài thơ tình hay nhất thế kỷ XX!
HÀ ĐÌNH NGUYÊN (TNO)
HỮU LOAN
MÀU TÍM HOA SIM
Nàng có ba người anh đi bộ đội
Những em nàng
Có em chưa biết nói
Khi tóc nàng xanh xanh
Tôi người Vệ quốc quân
xa gia đình
Yêu nàng như tình yêu em gái
Ngày hợp hôn
nàng không đòi may áo mới
Tôi mặc đồ quân nhân
đôi giày đinh
bết bùn đất hành quân
Nàng cười xinh xinh
bên anh chồng độc đáo
Tôi ở đơn vị về
Cưới nhau xong là đi
Từ chiến khu xa
Nhớ về ái ngại
Lấy chồng thời chiến binh
Mấy người đi trở lại
Nhỡ khi mình không về
thì thương
người vợ chờ
bé bỏng chiều quê...
Nhưng không chết
người trai khói lửa
Mà chết
người gái nhỏ hậu phương
Tôi về
không gặp nàng
Má tôi ngồi bên mộ con đầy bóng tối
Chiếc bình hoa ngày cưới
thành bình hương
tàn lạnh vây quanh
Tóc nàng xanh xanh
ngắn chưa đầy búi
Em ơi giây phút cuối
không được nghe nhau nói
không được trông nhau một lần
Ngày xưa nàng yêu hoa sim tím
áo nàng màu tím hoa sim
Ngày xưa
một mình đèn khuya
bóng nhỏ
Nàng vá cho chồng tấm áo
ngày xưa...
Một chiều rừng mưa
Ba người anh trên chiến trường đông bắc
Được tin em gái mất
trước tin em lấy chồng
Gió sớm thu về rờn rợn nước sông
Đứa em nhỏ lớn lên
Ngỡ ngàng nhìn ảnh chị
Khi gió sớm thu về
cỏ vàng chân mộ chí
Chiều hành quân
Qua những đồi hoa sim
Những đồi hoa sim
những đồi hoa sim dài trong chiều không hết
Màu tím hoa sim
tím chiều hoang biền biệt
Có ai ví như từ chiều ca dao nào xưa xa
Áo anh sứt chỉ đường tà
Vợ anh chưa có mẹ già chưa khâu
Ai hỏi vô tình hay ác ý với nhau
Chiều hoang tím có chiều hoang biết
Chiều hoang tím tím thêm màu da diết
Nhìn áo rách vai
Tôi hát trong màu hoa
Áo anh sứt chỉ đường tà
Vợ anh mất sớm, mẹ già chưa khâu...
Màu tím hoa sim, tím tình trang lệ rớm
Tím tình ơi lệ ứa
Ráng vàng ma và sừng rúc điệu quân hành
Vang vọng chập chờn theo bóng những binh đoàn
Biền biệt hành binh vào thăm thẳm chiều hoang màu tím
Tôi ví vọng về đâu
Tôi với vọng về đâu
Áo anh nát chỉ dù lâu...
(1949, khóc vợ Lê Đỗ Thị Ninh)

Thứ Năm, 18 tháng 3, 2010

CAO HUY KHANH - VIỆT NAM HỒ SƠ HẬU CHIẾN (KỲ 12)


CAO HUY KHANH
VIỆT NAM
HỒ SƠ HẬU CHIẾN

1975 - 2010
NHỮNG SỐ PHẬN KỲ LẠ
Kỳ Mười Hai


121 - Bà Hồng
BÀ MẸ CÂM NUÔI CON BỎ RƠI
Người khuyết tật bán vé số không rõ tên họ sinh khoảng 1958 tại Đà Nẵng. Sống ở Đà Nẵng (2009).
Sinh ra đã bị câm lại thêm bệnh hen suyễn nặng, tuổi còn nhỏ thì năm 1968 cả bố mẹ đều đã chết trong chiến cuộc Mậu Thân. Sau đó lưu lạc trải qua các trại trẻ mồ côi như thế nào không ai biết, một phần do nói không được nên cũng không thể thố lộ gì về cuộc đời bất hạnh của mình.
Sau 1975 làm nghề đi bán vé số dạo đã đến tác túc luôn trong… Bệnh viện Đà Nẵng từ một tình huống ngẫu nhiên: Lên cơn hen suyễn nặng nên được bạn bán vé số đưa đến bệnh viện chữa trị, sau đó tự động chọn nơi này làm nhà mình luôn! Ngày đi bán vé số, đêm về nằm vạ vật trên ghế đá ngoài sân hoặc có khi được nhân viên thương tình cho vào nằm ké hành lang bệnh viện. Hoàn toàn đơn độc một thân một mình lủi thủi không chồng con không ai bà con thân thích.
Nhưng từ đó lại nảy sinh một việc làm lạ lùng là tình nguyện trở thành một bà mẹ nuôi cho những đứa trẻ dị tật sau khi sinh ra tại bệnh viện đã bị cha mẹ bỏ rơi!
Hễ nghe tin có cháu bé như vậy là tất bật chạy đến giúp y tá lo săn sóc, nuôi dưỡng chúng. Lấy tiền bán vé số ra thuê nguời tắm rửa cho chúng, cho ăn, mua sữa cho uống (trẻ sơ sinh thì ẵm đi xin các bà mẹ khác cho bú ké), mua áo quần cho bé… Trong lúc đó bản thân mình sáng ăn cháo từ thiện bệnh viện, trưa tối ăn cơm bình dân 5.000 đồng.
Mẹ và con nuôi – con nuôi “tự phát”! - quyến luyến nhau không muốn rời xa, mẹ đí trước con níu áo lập chập bước theo sau. Khi trẻ lớn hơn phải chuyển qua cho trung tâm nuôi trẻ mồ côi thì mẹ… không chịu! Khi có trẻ bệnh qua đời thì mẹ bỏ đi bán vé số ngồi khóc cả ngày sưng mắt.
Một đứa con mồ côi của chiến tranh nuôi những đứa con mồ côi (như mình) của hòa bình như một phép lạ bù đắp cho số phận thiệt thòi.

122 - Hồ Phúc Yên
MỘT MÌNH LÀM MỘT CON ĐƯỜNG
Bộ đội về hưu sinh 1952 tại Quảng Trị. Sống ở Quảng Trị (2009).
Năm 1998 là thương binh người dân tộc Pa Cô nên xin về hưu sớm trở lại quê hương xã A Dơi thuộc huyện vùng cao Hướng Hoá ở Quảng Trị.
Thấy quê mình vẫn còn nghèo quá, điều kiện phát triển kinh tế lạc hậu cộng với kinh nghiệm chiến đấu đi đây đi đó nhiều mới nảy sinh ý định làm một con đường đất xuyền qua núi cho ô tô chạy được từ ngoài huyện vào tận xã, tất cả dài hơn 13km để giúp bà con kiếm sống dễ hơn. Thế là ban đầu chỉ mình và vợ trần thân ra làm đường, dần dà vận động đồng bào trong bản làng cùng làm không công vì lợi ích chung. Hơn một năm sau hoàn thành, nhờ đó đời sống người dân nơi đây được tiếp xúc với “ánh sáng văn minh” ngày một khá hơn.
Con đường trên nay đã được Nhà nước đầu tư nâng cấp rộng và tốt hơn nhưng tên đường thì vẫn giữ nguyên như cũ: Đường Hồ Yên.
Nhưng làm đường xong chưa kịp hưởng hết niềm vui thì lại lãnh tai ương mắc một chứng bệnh lạ chân phải bị liệt rồi teo lại phải nằm một chỗ, sau đó nổi hạch mưng mủ. Theo phong tục người dân tộc cho là bị “ma bắt” nên chỉ nhờ thầy mo và thấy cúng chữa mãi vẫn không khỏi, sau cùng vào cuối năm 1999 theo tục lệ buôn làng bị đưa ra nằm trong một cái lán ngoài rừng để… chờ chết!
May mà cuối cùng đuợc một toán nhân viên y tế từ Quy Nhơn lên công tác tổ chức mổ cấp cứu ngay tại lán ven rừng hút ra hơn 7 lít mủ cứu sống. Mà toán công tác lên tới xã này cũng là nhờ đi theo… con đường Hồ Yên!

123 - Lâm Văn Bảng
BẢO TÀNG KỶ VẬT NHÀ TÙ VÀ CHUYỆN CÔ CON GÁI MẤT TÍCH Ở NƯỚC NGOÀI
Thường dân sinh 1942 tại Hà Tây. Sống ở Hà Tây (2009).
Nguyên bộ đội chịu 15 vết thương, bị bắt tù Phú Quốc từng bị tra tấn đánh gãy cả chân tay, 7 lần lên bàn mổ, sau được trao trả tù binh. Sau 75 chuyển ngành làm công chức nhưng vẫn bị ám ảnh không quên về thời gian ở tù “Đêm nào cũng như nghe tiếng đồng đội trở về nói bên tai”!
Từ đó đã bỏ 20 năm ròng rã – từ năm 1985 - chuyên đi sưu tầm vô số vật lưu niệm từ nhà tù đó về tự lập nên một “Bảo tàng kỷ vật” về nhà tù Phú Quốc năm 2004. Dùng 1.600m2 đất hương hỏa để xây bảo tàng và phải lặn lội đi khắp nước, tìm đến những bạn tù và đồng đội cũ để truy tìm kỷ vật, có khi hết tiền phải nhịn đói mà đi. Qua đó thu thập được hơn 2.246 hiện vật từ nhà tù chế độ cũ giam giữ chiến sĩ Cách mạng. Có kỷ vật lấy từ thi hài đồng đội khi bốc mộ (còn cả chiếc đinh đóng vào đầu để tra tấn) , có kỷ vật gia đình đã đặt trên bàn thờ đồng đội cũng nài nỉ xin lại đem về cho bảo tàng… Gọi là để “trả nợ đồng chí mình, trả nợ đời”.
Tất cả được ghi nhận trân trọng “Giá trị của mỗi kỷ vật bảo tàng đang lưu giữ là vô giá. Từng con dao, cây gậy, tấm áo, quyển sổ đó đều thấm đẫm mồ hôi, nước mắt và máu…”
Gắn liền với bảo tàng này là câu chuyện gần như một giai thoại lạ lùng khó tin về một đền thờ nhỏ bên cạnh bảo tàng làm nơi tưởng niệm anh linh liệt sĩ hy sinh trong chiến tranh và cuốn sách Phật giáo “Gương nhân quả” ông mua được ở TPHCM năm 1995 trong một chuyến đi sưu tầm kỷ vật. Đây là cuốn sách ông đọc rất tâm đắc lấy làm sách gối đầu giường, đến năm 2000 khi cô con gái Thanh Huyền được học bổng đi Úc du học mới trao cho con với lời dặn “Khi gặp khó khăn con hãy đọc nó, nó sẽ giúp con vượt qua” (có ghi kèm tên bố và địa chỉ lên gáy sách).
Cô con gái qua Úc chẳng bao lâu thì mắc chứng bệnh hiểm nghèo biến chứng viêm não rất khó chữa, may được một phụ nữ Pháp nhận làm con nuôi đưa qua Mỹ giải phẫu hết bệnh nhưng lại bị biến chứng khác là mất trí nhớ. Rồi trên đường ra sân bay về Úùc lại bị tai nạn thảm khốc khiến khi tỉnh dậy không thấy bà mẹ nuôi đâu cả, chỉ còn một mình mà cũng không nhớ được mình là ai, tên gì, từ đâu tới! Từ đó xem như mất tích luôn đối với bạn bè ở Úc cũng như gia đình ở Hà Tây.
Cô con gái đành xin làm nghề lao động chân tay rửa chai lọ nhà hàng ở New York sống vạ vật qua ngày. May gặp một nữ doanh nhân Trung Quốc có lòng tốt thương tình cho đi quá giang tàu thủy chở hàng về Trung Quốc rồi từ đó đưa lên xe về Lạng Sơn. Không một đồng xu dính túi từ cửa khẩu đi bộ thất thểu gần 200km về Hà Nội, đi họa hoằn theo lời người ta chỉ dẫn chứ cũng chẳng biết nơi đâu là quê nhà mình. Về Hà Nội rồi xin rửa bát cho một quán cơm ở Cầu Giấy mà không hề hay biết nhà bố mẹ chỉ cách đó 30km! Sau đó chuyển qua bán sách vỉa hè ban ngày và đạp xe đi bán bánh mì buổi tối.
Trải qua 4 năm như vậy, đến ngày 26 Tết 2005 tình cờ mới vớ lấy một cuốn sách bán lề đường đọc cho khuây khỏa, đó chính là cuốn “Gương nhân quả” mà bạn bè ở Úc sau khi cô mất tích đã gửi về nước cho gia đình nhưng lạc địa chỉ thành ra… nằm lề đường! Và khám phá trong cuốn sách có giấu giấy tờ cũ kèm ảnh của mình cùng tên bố và số điện thoại ghi trên đó. Nhờ tấm ảnh thấy giống mình mới gọi điện về nhà tìm lại được gốc gác bản thân mình.
Đáng chú ý ngày đoàn tụ gia đình đó cũng là ngày đền thờ liệt sĩ bên cạnh Bảo tàng Kỷ vật nhà tù “tại gia” khánh thành! Như một bằng chứng “hiển linh” từ tấm “Gương nhân quả”.

124 - Lê Ánh
LÃNH ÁN TRỤC XUẤT VỀ NƯỚC
Nữ thường dân sinh tại VN, sống ở Mỹ (2008).
Được chồng và 2 con bảo lãnh qua Mỹ năm 2000.
Nhưng không hiểu gia đình gặp cảnh khốn khó đến cỡ nào mà sinh ra tật đi… ăn trộm ở cửa hàng. Năm 2002 bị bắt tại trận ăn trộm bánh sandwich và nước ngọt tại một cửa hàng ở TP Houston bang Texas vì “con bị đói”. Năm 2004 lại bị bắt vì tội ăn cắp 2 cái ví tiền và một cái nón, may mà tội nhẹ nên chỉ bị giam 2 ngày rồi thả ra.
Tuy nhiên như thế cũng đã bị vào sổ đen phạm tội hình sự ở Mỹ nên năm 2006 bị đưa vào danh sách Việt kiều vi phạm pháp luật phải trục xuất về lại VN sau khi 2 nước ký hiệp định thỏa thuận về vấn đề này (áp dụng với khoảng 1.500 người đến Mỹ sau năm 1995).
Được luật sư giúp làm đơn kêu oan với Cục Di dân với lý do “Ở VN tôi không còn ai là thân nhân cả. Thà bắn vào đầu tôi còn hơn bắt tôi quay về VN”! Nhưng đơn bị bác chờ đến hạn cuối năm 2008 thi hành lệnh trục xuất không biết rồi kết quả cuối cùng thế nào.

125 - Lê Bá Quát
THIỀN ĐƯỜNG BAO LA
Bác sĩ sinh tại VN, sống ở Mỹ (2005).
Trên đất Mỹ năm 2003 mắc bệnh ung thư bệnh viện đã “chê” rằng chỉ sống được 6 tháng nữa nhưng ngẫu nhiên làm quen với phương pháp tập thiền nên trong lúc cùng đường thử tập theo xem sao không ngờ quá hạn “điểm chết” vẫn còn sống khoẻ!
Thế là càng tập luyện chuyên cần hơn đồng thời bỏ công mày mò nghiên cứu thêm, kết quả đến năm 2005 vẫn sống tiếp bình thường.
Từ đó phát thiện tâm theo nhà Phật bỏ tiền ra mua một khu đất rộng ở Caliornia lập một thiền đường lớn, mở cửa đón nhận miễn phí tất cả ai muốn vào tập thiền, tu thiền xin cứù thoải mái.

126 - Lê Bửu Tần
CUỘC TRẢ THÙ CỦA QUÁ KHỨ
Thường dân ở Mỹ sinh khoảng 1946 tại Bình Định – Mất 2002 ở Mỹ (56 tuổi).
Tốt nghiệp ĐH Vạn Hạnh ở Sài Gòn đi làm công chức chế độ cũ rồi được cân nhắc về làm quan chức ở tỉnh Vĩnh Bình (nay là Trà Vinh).
Sau 75 đi cải tạo về sống nhờ nhà mẹ vợ (có 2 con một trai một gái) gặp thời buổi khó khăn kinh tế nảy sinh mâu thuẫn gia đình. Không sống nổi cuối cùng nhờ bạn bè giúp đỡ một mình vượt biên qua Mỹ.
Trên đất Mỹ ban đầu cũng có ý định trở lại tham gia hoạt động chính trị xã hội trong cộng đồng hải ngoại nhưng được một thời gian thất vọng chuyển qua làm ăn kinh doanh. Rồi gá nghĩa chung sống với một người vợ sau cũng vượt biên qua trước.
Với vợ mới không có con mà lòng vẫn không nguôi nhớ hai đứa con bỏ lại nên làm thủ tục bảo lãnh cho hai con qua với mình (vợ cũ gần như cũng có “người khác” nên xem như chia tay luôn). Bà vợ cũ rất hận việc mình bỏ rơi nên vẫn cho 2 con đi song trước đó đã dạy con lòng căm thù cha và mẹ kế xem như là kẻ đã gây ra cảnh ly tán làm tan nát gia đình cũ bên này, đẩy mẹ ruột mình đến chỗ tuyệt vọng.
Vì thế sau khi qua Mỹ cả 2 đứa con tẩy chay cuộc sống gia đình mới và tìm mọi cách phá nát gia đình mới này! Phá phách đủ kiểu tới mức cả gia đình cha và mẹ kế phải phá sản luôn rồi cả 2 bỏ nhà đi bụi đời, gia nhập băng nhóm xã hội đen. Trộm cướp bị tù cha phải đi thăm nuôi, ra tù lại bỏ đi giang hồ tiếp, đẻ con xong thì đem về “vứt” ở nhà cho cha và mẹ kế nuôi…
Buồn sự đời cắn rứt lương tâm âm thầøm dai dẳng không mở miệng nói với ai được dẫn đến bệnh nặng qua đời sớm.

127 - Lê Cao Đài
SINH NGHỀ TỬ NGHIỆP CHẤT ĐỘC DA CAM
Bác sĩ sinh 1928 tại Hà Nội – Mất 2002 ở Hà Nội (75 tuổi).
Còn là sinh viên y khoa Hà Nội đã lên đường vào chiến khu chống Pháp, trở thành bộ đội quân y của Đại đoàn 308 lừng danh. Sau 54 làm việc ở Viện Quân y, đến năm 1966 từ chối đi Bulgaria du học để lại ba lô lên đường vào Nam đánh Mỹ.
Trên chiến trường Tây nguyên vừa làm nhiệm vụ cứu chữa thương bệnh binh vừa tranh thủ xuất bản một tạp chí nghiên cứu y khoa phục vụ chiến trường. Và cũng tại đây chứng kiến quân Mỹ rải chất độc da cam, từ đó như một định mệnh gắn liền cuộc đời mình với sự nghiệp nghiên cứu chất độc này.
Sau 75 dồn tất cả tâm lực, tinh huyết vào các công trình nghiên cứu CĐDC đầu tiên ở VN và cả trên thế giới: Đi khắp nơi để điều tra, nghiên cứu về CĐDC và hậu quả để lại (hợp tác với cả các nhà khoa học Mỹ), là giám đốc đầu tiên của Quỹ Hỗ trợ nạn nhân CĐDC (tiền thân của Hội Nạn nhân CĐDC hiện nay), in công trình “Thực trạng chất dioxin ở VN”, dịch cuốn hồi ký “Cha con tôi” của Đô đốc Mỹ E. Zumwalt người trực tiếp chỉ huy rải CĐDC xuống VN nhưng lại có con là sĩ quan không quân trong chiến tranh VN sau này chết vì nhiễm độc và cháu chịu di chứng CĐDC…
Từ những công trình mà ông đi tiên phong mở đầu mới có con số công bố khoảng 4 triệu người VN đã chết vì CĐDC và khoảng 500.000 trẻ em bị dị tật từ đó. Ngay các nhà khoa học Mỹ cũng ngã mũ thán phục: “Ông ấy có thiên bẩm tuyệt vời để biết rõ nơi nào cần đến xem, nơi nào tìm ra được mẫu nạn nhân. Và ông hiểu biết một cách khoa học về lịch sử sự gieo rắc chất độc này.” (GSTS Arnold Schecter, ĐH Texas). Sự hiểu biết đó sở dĩ có được sâu sắc như vậy bởi chính ông là một chứng nhân lịch sử.
Con người được bạn nước ngoài ca ngợi là “một Albert Einstein về nghiên cứu CĐDC và dioxin”, được mô tả là “một ông già mắt mờ, chân tập tễnh vẫn ghé đến chia sẻ nỗi đau của những phận đời bất hạnh nơi hang cùng ngỏ hẻm làng quê xa xôi…” ấy rốt cuộc đã phải trả giá cho sự cống hiến đầy nguy hiểm của mình: Mắc chứng viêm tụy cấp hoại tử nội tạng không thuốc nào chữa được do đã bị nhiễm dioxin trong cơ thể ở mức gấp 100 lần người bình thường!
Nhưng hẳn là ông không hề thấy hối tiếc gì. Duy chỉ có lời nhắn nhủ gửi lại cho các thế hệ sau đầy ray rứt: “Những gì chúng ta làm được cho nạn nhân CĐDC đến giờ chỉ mới là chiếc khăn lau nước mắt cho họ mà thôi.”

128 - Lê Cao Nguyên
BIẾN THÀNH NGƯỜI DÂN TỘC 1
Nông dân tên cũ Lê Cao Nguyên sinh 1971 tại Pleiku. Sống ở Pleiku (2010).
Tháng 3.1975 mới 3 tuổi cùng bố mẹ (bố là sĩ quan Biệt động quân chế độ cũ) và em gái từ Pleiku rút chạy theo lệnh “di tản chiến thuật” theo Tỉnh lộ 7 thuộc địa phận Phú Bổn. Đoàn người di tản bị đánh tan tác khiến lạc mất gia đình, chỉ có mẹ và em gái sống sót chạy về Nha Trang còn chồng và con trai đầu lòng xem như mất tích.
Bà mẹ sau đó có trở lại Phú Bổn truy tìm dấu vết nhưng vô vọng, đành lập bàn thờ cho chồng và con trai. Đến năm 1985 hai mẹ con vượt biên qua Na Uy.
Năm 2005 nhân đám cưới con gái, bà mẹ và 2 vợ chồng em gái trở về Nha Trang tìm lên địa điểm cũ làm lễ tưởng niệm chồng và con trai.
Không ngờ tình cờ đi chợ phiên của người dân tộc tại đây mới phát hiện ra con trai mình… vẫn còn sống nhờ nhận dạng qua vết sẹo trên cánh tay hồi con trai còn nhỏ ở Pleiku bị trúng đạn pháo kích! Thì ra con trai được bố bị thương nặng trong trận chiến chống trả mang đến nhà một gia đình người dân tộc gửi gắm trước khi chết (mộ người cha chôn gần đó).
Nhưng người con… từ chối nhận mẹ và em vì bây giờ đã trở thành một người dân tộc chính cống nói tiếng Việt còn bập bẹ – tên mới Ksor Tlang – hầu như không còn nhớ biết gì gốc gác xưa kia của mình. Đã có vợ người dân tộc sinh được 2 con.
Cuối cùng nhờ cha mẹ nuôi kể rõ đầu đuôi sự tình (ban đầu cha mẹ nuôi cố giấu kín chuyện này) mới chịu nhận mẹ và em song vẫn từ chối không chịu cho mẹ ruột đưa về Nha Trang sống một cuộc sống “văn minh” hơn bởi tình nghĩa đã lỡ gắn bó với cha mẹ nuôi nguời dân tộc.
Bà mẹ cũng đành chấp nhận thực tế dẫu đau lòng, xin gửi con ở lại với núi rừng linh thiêng đã cứu sống và đùm bọc giọt máu mất tích của mình. Kể cả mộ chồng cũng thôi không cải táng mà vẫn để lại chỗ cũ để sớm hôm linh hồn còn gần gũi con cháu hơn là vợ con giờ đã lưu lạc xa xôi tận phương trời nào.

129 - Lê Chăm Đào
BIẾN THÀNH NGƯỜI DÂN TỘC 2
Nông dân tên thật Nguyễn Kim Hùng tức Tèo sinh tại miền Trung. Sống ở Phan Rang (2009).
Lạc bố mẹ từ nhỏ khi cả gia đình bị cuốn vào cuộc chạy loạn điên cuồng tháng 3.1975 trên con đường “di tản” của binh lính chế độ cũ từ Phú Bổn xuống Tuy Hòa. May mà được một người đàn ông người dân tộc Chăm H’Roi cõng chạy trốn đạn rồi đem về nhà nuôi đặt tên người dân tộc luôn là Lê Chăm Đào.
Nhưng vẫn được cha mẹ nuôi kể lại gốc tích nên lớn lên theo học trường dân tộc nội trú đến năm 2008 nhờ sự giúp đỡ của thầy giáo trong trường làm hồ sơ tìm thân nhân gửi chương trình nhân đạo “Như chưa hề có cuộc chia ly” của VTV 1. Thế rồi được hồi âm có người nhận là cha tìm con thất lạc nhưng đến khi gặp mặt mới biết là… nhận lầm!
May sao định mệnh cuối cùng cũng mỉm cười vào năm 2009 giúp tìm được cha… thật để cùng đoàn tụ với gia đình.

130 - Lê Đình Duật
CẢ NHÀ HIẾN MÁU
Bộ đội về hưu sinh 1945 tại Thanh Hóa. Sống ở Hà Nội (2007).
Vào bộ đội năm 18 tuổi chỉ phục vụ chiến đấu ở miền Bắc từ Quảng Bình đến Hải Phòng, Hà Nội. Năm 1990 về hưu.
Nhưng vẫn giữ mãi trong lòng một mối ám ảnh từ thời chiến tranh năm 1964 tại Hà Tĩnh đã tận mắt chứng kiến cảnh nhiều đồng đội của mình chết vì không có đủ máu để tiếp cứu dù mình cũng đã tham gia hiến máu. Một năm sau lại nhận hung tin bố vợ bị trúng bom Mỹ qua đời cũng do bệnh viện không đủ máu cấp cứu kịp thời!
Từ đó nhìn ra giá trị của những giọt máu gắn liền với sinh mạng con người cũng như mình vốn dĩ “chỉ có thể sống trên thế giới này có một lần, không thể có lần thứ hai”.
Bởi thế khi cả nước bắt đầu mở cuộc vận động toàn dân hiến máu năm 1990 đã xung phong đi đầu. Nhưng oái oăm thay bản thân… không được nhận cho máu vì lý do tuổi cao mà lại mắc chứng huyết áp thấp!
Thế là quay qua vận động gia đình vợ và ba con đi hiến máu. Ban đầu còn bị bà vợ phản đối kịch liệt nhưng cuối cùng cũng thuyết phục được, đến năm 2007 bốn mẹ con đã hiến 84 đơn vị máu. Không chỉ thế, còn vận động cả bà con láng giềng cùng tham gia hiến máu nhân đạo…
(Còn tiếp)