Thứ Năm, 4 tháng 3, 2010

CAO HUY KHANH - VIỆT NAM HỒ SƠ HẬU CHIẾN ( KỲ 10 )


CAO HUY KHANH
VIỆT NAM
HỒ SƠ HẬU CHIẾN
1975 - 2010
NHỮNG SỐ PHẬN KỲ LẠ
Kỳ Mười

101 - Hoàng Kiều
TỪ “ÔNG HUYẾT TƯƠNG” ĐẾN “ÔNG HOA HẬU”
Doanh nhân sinh 1944 tại Quảng Trị. Sống ở Mỹ (2010).
Cha là liệt sĩ chống Pháp mất khi mình mới 3 tuổi, mẹ (con gái một Bà mẹ VN Anh hùng sau này) một mình nuôi 4 con nhỏ ở làng quê nghèo không nổi nên gửûi riêng ông cho người chú là nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ ở Sài Gòn nuôi nấng.
Được ông chú cho học nhạc nhưng được thời gian ngắn thì xin thôi do thấy mình không có năng khiếu, ngược lại có tài tổ chức bẩm sinh nên theo chú phụ việc tổ chức các đại nhạc hội thịnh hành ở miền Nam những năm 60 – 70. Ngoài ra còn làm việc thêm cho một hãng dược phẩm ở Sài Gòn.
Sau 30.4 đem vợ và 5 con vượt biên qua Mỹ. Nhờ từng có kinh nghiệm làm việc trong ngành dược phẩm nên được nhận vào làm ở Abbot công ty dược phẩm lớn chuyên sản xuất các sản phẩm từ huyết tương. Từ đó ngày càng thăng tiến tách ra lập Công ty RAAS năm 1980 cũng chuyên về huyết tương và sản phẩm máu miễn dịch với cả cơ sở thu mua huyết tương lẫn sản xuất kèm nhiều trung tâm thí nghiệm ở Mỹ. Năm 1988 mở rộng hoạt động qua thị trường rộng lớn Trung Quốc đặt trung tâm ở Thượng Hải thành công lớn. Được Thượng Hải phong làm “Công dân danh dự”, được Mỹ bình chọn là “Doanh nhân tiêu biểu” năm 2003 và 2005. Với doanh thu hàng năm nhiều tỉ USD, trở thành một trong số ít Việt kiều giàu nhất ngang tầm cỡ quốc tế.
Thành đạt rồi bắt đầu nhớ về quê hương, từ năm 1999 đã gửi tiền về giúp đỡ bà con ở Quảng Trị (làng Bích Khê quê nội nổi tiếng có nhiều danh nhân nghệ sĩ, xuất xứ cảm hứng cho ca khúc “Đường xưa lối cũ” bất hủ của Hoàng Thi Thơ).
Đến năm 2005 mới đặt chân về lại cố hương để bắt đầu thực hiện một “hành trình từ thiện” quy mô lớn với khẩu hiệu “RAAS- Mãi mãi những lời yêu thương”: Trong 3 năm đã chi tổng cộng hơn 150 tỉ đồng tặng tiền và quà, xây dựng khoảng 2.000 căn nhà tình nghĩa (trị giá 50 tỉ) tặng đồng bào nghèo khắp nước. Đích thân tự mình – và có khi cả các con cũng tham gia – đi đến tận nơi trao nhà, tặng quà, tặng tiền từ Bắc chí Nam qua vô số tỉnh từ Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Hà Giang, Hà Nam, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiện – Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên đến TPHCM, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Kiên Giang, Cà Mau…Còn tài trợ cho một số dự án về y tế, chi tiền cho bữa ăn giúp bệnh nhân tâm thần, góp vốn đầu tư cho “Bưởi Năm Roi”, tiến hành dự án du lịch sinh thái ở Tiền Giang…
Tiếp tục hướng đóng góp giúp phát triển đất nước, từ năm 2007 tận dụng lợi thế quen biết đối ngoại cộng với uy tín doanh nghiệp đã tiếp cận với BTC cuộc thi Hoa hậu Thế giới để mời 2 Hoa hậu Thế giới 2007 và 2008 đến VN – bên cạnh các Hoa hậu VN - cùng đi làm từ thiện với RAAS. Sau đó tiến thêm một bước nữa là giành được quyền đăng cai tổ chức Hoa hậu Thế giới 2010 tại Nha Trang. Tuy nhiên kế hoạch này không thành sau khi ông đổi ý muốn chuyển từ Nha Trang về Mỹ Tho không đạt đuợc sự đồng thuận của Chính phủ khiến ít nhiều cũng bị mang tiếng đối với dư luận trong nước.
Nhưng trên tất cả không thể phủ nhận công sức và tiền của “khổng lồ” đã đổ vào việc làm từ thiện chỉ trong một thời gian ngắn với tấm lòng của một đứa con tha hương hồi 5 tuổi “chỉ có một chiếc quần tà lỏn để mặc” nên bây giờ muốn trả nghĩa lại cho đời: “Khi tôi trao quà, hình ảnh mẹ tôi người đàn bà nghèo không nuôi nổi 4 đứa con phải cho đi mỗi đứa một ngả để rồi lâm bệnh chết, đã ra đi trong những cơn điên loạn vì thương nhớ các con như hiện lên trước mặt tôi. Và tôi thấy mình như đang trao quà cho mẹ mình vậy…”

102 - Hoàng Thị Lý
SỐNG VỚI HƠN 100 TRĂM MẢNH BOM TRONG NGƯỜI
Thường dân sinh 1944 tại Quảng Bình. Sống ở Quảng Trị (2009).
Năm 1972 là thanh niên xung phong ở Quảng Bình bị trúng bom Mỹ khiến cả tiểu đội 12 người chỉ duy nhất mình may mắn còn sống sót trong cảnh thập tử nhất sinh.
Cuộc giải phẫu dã chiến tại chỗ kéo dài hơn 5 tiếng đồøng hồ chỉ gắp ra được một số ít mảnh bom li ti ở những chỗ hiểm nghèo để cứu mạng sống tức thời, còn vô số mảnh khác chi chít trên gần 90% cơ thể chưa lấy ra được vì thiếu phương tiện và sợ bệnh nhân không đủ sức chịu đựng. Từ đó về sau trải qua thêm hai lần mổ nữa năm 1999 và 2001 cũng chỉ “moi” ra thêm được một ít mảnh khác, còn hơn 100 mảnh nữa – có mảnh bằng hạt đậu, có mảnh lấm tấm như hạt cát - thì bác sĩ đành bó tay do lâu ngày chúng dính liền vào các bộ phận khác – cả ở sọ não và thái dương - rất khó xác định vị trí, lấy ra sẽ ảnh hưởng đến các bộ phận khác rất nguy hiểm trong khi sức khoẻ đương sự kém (cân nặng chỉ 40kg).
Thế là suốt hơn 35 năm qua phải chấp nhận sống chung với các mảnh bom li ti găm nát người nay đã nổi lên thành những cục u nhỏ thường xuyên gây đau nhức mỗi khi trái gió trở trời. Vậy mà vẫn phấn đấu sinh được 3 con gái, từ khi rặn đẻ (thời đó chưa có phương pháp sinh mổ) cho đến lúc cho con bú đều đau đớn toàn thân.
Nhưng vẫn nuôi con ăn học nên người, còn nhờ sự thương yêu chăm sóc tận tình của chồng một cựu bộ đội đặc công trên chiến trường miền Nam, người “chỉ mong tất cả những nỗi đau của mẹ nó dồn sang mình tui để tui gánh chịu cho…”
Thỉnh thoảng vẫn đem “khoe” một “kỷ vật” thời chiến của mình: Một chiếc lọ nhỏ đựng gần 20 mảnh bom đen sắc cạnh đã được gắp ra từ cơ thể mình!

103 - Hồ Văn Bê
CÁN BỘ LÃNH ÁN OAN 30 NĂM
Dân thường sinh 1928 tại Bến Tre. Sống ở Bến Tre (2007).
Từng làm bí thư xã từ trước 75 đến 1977 thì bị tố tội “phản bội” theo địch nên bị cách chức khai trừ Đảng và đưa đi cải tạo 21 tháng.
Sau khi đi cải tạo về từ năm 1979 ròng rã suốt 28 năm đã vác đơn đi khiếu kiện khắp nơi đòi minh oan trả lại danh dự cho mình. Nhưng mãi đến cuối năm 2007 Tỉnh ủy mới… hoàn tất việc xác minh đúng là ông… vô tội! Từ đó đã phục hồi Đảng tịch và mọi quyền lợi công dân cho ông cũng như trao tặng… Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng.
Nhưng còn đầu đuôi sự việc ai chịu trách nhiệm đẩy ông vào vào vòng oan khiên tù tội thì không nghe nhắc tới.

104 - Huỳnh Thị Kiều Thu
BỊ UNG THƯ VẪN ĐẠP XE VƯỢT TRƯỜNG SƠN BẰNG MỘT TAY
Nữ thương binh sinh 1951 tại Quảng Ngãi. Sống ở TPHCM (2008).
Từ 16 tuổi đã tham gia hoạt động Cách mạng. Đến 1967 chuyển vào hoạt động tại Sài Gòn.
Năm 1969 sau một vụ đặt chất nổ cơ quan địch, bị bắt trải qua 7 nhà tù tra khảo khai thác, cuối cùng đày ra Côn Đảo. Năm 1974 được trao trả tù binh với một cơ thể đầy bệnh tật (bị u ngực trong tù đã một lần qua giải phẫu cắt vú).
Sau 75 bị phát tác nhiều thứ bệnh – nặng nhất là bệnh u ngực đưa đến ung thư di căn, thêm chứng tắc ruột gây biếng ăn, mất ngủ… – nên đến 1995 xin về hưu non để chữa bệnh. Sau 10 năm nằm triền miên ở Bệnh viện Ung bướu TPHCM điều trị được trả về nhà… chờ chết chưa biết ngày nào. Mà nhà cũng không có (nhà được cấp đã bị bạn tù cũ… lừa lấy mất!), lại không chồng con phải sống nhờ nhà người chị.
Vậy mà vẫn giữ vững niềm tin cuộc đời lạc quan vui sống tự mình chống chỏi với bệnh tật kéo dài sự sống một cách thần kỳ khiến bác sĩ cũng phải kinh ngạc, cho là nhờ “chị cười nhiều nên phổi được vận động, khoẻ lên mà đẩy lùi cái chết”!
Chẳng những thế còn một mình đạp xe đạp 3 lần vượt Trường Sơn ra tận Hà Nội viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 2004, 2005, 2006! Mỗi chuyến đi về vượt qua 4.000km trong thời gian 4 tháng trời ròng rã bất kể nắng mưa.
Đạp xe – một chiếc xe đạp loại “cà khổ” - chỉ với một tay phải còn sưng tấy cầm ghi-đông vì tay trái bị liệt trong khi vết mổ chưa liền miệng, có đoạn leo dốc phải dắt bộ, nhiều lần thoát chết khi gặp tai nạn giữa đường. Trên xe còn… cắm cờ và đèo theo xe đủ thứ “lương khô” kèm nồi niêu son chảo cồng kềnh để tự nấu ăn dọc đường, đêm gặp đâu ngủ đó có khi phải chui vào ống cống nằm đỡ. Mỗi ngày đều ghi lại nhật ký hành trình “con đường gian khổ”. Nhưng có ai cho tiền thì trên đường đi lại đem phân phát hết cho người nghèo.
Có lượt về được đồng đội cũ mua cho vé máy bay nhưng không nhận vì đạp xe mới đúng thực chất và ý nghĩa chuyến đi: “… Tôi đạp xe xuyên Việt vì muốn chiến thắng bệnh tật. Vì muốn sống thêm vài năm nữa. Vì những công việc và điều chưa làm được…”
Người Nhật cũng phải ngả mũ bái phục mời qua giao lưu năm 2008 để học tập bài học nghị lực sống: “Với Thu, không có nước mắt khổ đau, chỉ có nụ cười. Tôi chấp nhận sống chung với ung thư như sống chung với đứa con hư. Tôi cứ sống, trong sáng, hết mình, hy vọng một ngày nó sẽ nghĩ lại!.”

105 - Huỳnh Thị Xưa
ĐOÀN TỤ GIA ĐÌNH…. MA TÚY!
Thường dân ở Úc sinh 1953 tại VN. Sống ở Úc (2006).
Còn lại một mình ở VN sau khi chồng con vượt biên qua Úc năm 1981. Đến năm 1992 được các con bảo lãnh qua đoàn tụ với gia đình.
Gia đình ở Úc bấy giờ gồm chồng, 6 con và 11 đứa cháu. Nhưng đến Úc mới biết rằng có 2 con nghiện ma túy nặng đồng thời những đứa khác lại có liên quan trong đường dây buôn lậu ma túy. Ông chồng chán quá bèn bỏ đi sống riêng không ngó ngàng gì tới gia đình nữa.
Năm 1999 không may trong một lần đi với con trai thì cả hai bị bắt, con vì tội tàng trữ ma túy lãnh án 18 tháng tù, còn mẹ – không nói được tiếng Anh - lại bị ghép vào tội… cung cấp ma túy nhận 2 năm tù ở. Kháng cáo giảm còn một năm tù nhưng ra tù thì theo Luật Di trú Úc trường hợp mới nhập tịch mà đã phạm pháp như vậy phải bị hủy visa… giam tiếp chờ… trục xuất về lại VN.
Nằm chờ từ ngày này qua ngày khác trong nhà giam theo chế độ quản chế , quá tuyệt vọng bà mắc bệnh trầm cảm nặng, không thiết ăn và còn cạo trọc đầu nói chỉ muốn chết cho xong. Cuối cùng người ta phải chuyển bà qua bệnh viện tâm thần tiếp tục chờ ra tòa xem xét xử lý.
May là còn người con trai sau khi mãn hạn tù đã tìm lại mẹ mình với lời hứa sẽ hết sức đấu tranh với chính quyền sở tại để giữ bà tiếp tục sống ở đây với con cháu trong quảng đời còn lại…

106 - Huỳnh Văn Thắng
NGÀY TRỞ VỀ CỦA ĐIỆP VIÊN GIẢ GÁI
Nông dân sinh khoảng 1947 tại Bến Tre. Sống ở Đồng Nai (2008).
Năm 1971 nhờ bẩm sinh đã có tướng… đàn bà – mặt mày trắng trẻo dễ coi, dáng đi mềm mại uyển chuyển, giọng nói ngọt ngào nhẹ nhàng - theo yêu cầu của tổ chức đã đóng vai… giả gái thật sự để tìm cách luồn sâu vào đội ngũ nữõ mật vụ “Thiên Nga” trong chiến dịch Phượng hoàng của chế độ cũ truy tìm đánh phá Cách mạng.
Điệp vụ rất gian khổ khó khăn nhưng đã vượt qua nhờ sự cố vấn của chính bà mẹ dạy cho những tính cách, điệu bộ, ngón nghề quen thuộc của phái nữ như phải nuôi mái tóc dài gội đầu với lá sả hay bồ kết, phấn son mặt hoa da phấn sao cho ra dáng đúng kiểu cách, phải độn ngực sao cho khéo, cách tỉa lông mày và… nhổ râu lún phún! Trong giỏ xách lúc nào cũng phải để gương lược, quần lót nữ và… băng vệ sinh… Thậm chí còn phải chích thuốc giúp “làm mất cảm giác đàn ông” khi phải làm việc chung đụng với toàn các nữ “Thiên Nga” vốn được tuyển chọn toàn người đẹp!
Mang tên giả Huỳnh Thị Thanh tự Năm Thanh làm nghề bán hàng rong sau 2 tháng làm quen – qua mai mối giới thiệu - đã lọt vào hang ổ địch nhận làm nhân viên Thiên Nga. Với bí danh F5 từ đó đến năm 1975 đã moi được nhiều tin tức tình báo có giá trị gửi cho tổ chức đánh lại địch.
Mãi đến cận kề ngày giải phóng miền Nam thì suýt bị lộ tông tích bởi một sự cố cười ra nước mắt là bị con trai tỉnh trưởng… yêu và ngỏ lời cầu hôn! Không còn cách nào khác, tổ chức đành rút điệp viên giả gái này ra kịp thời.
Sau 30.4 trở về đời sống bình thường với tên thực Năm Thắng lại phải mang nhiều lời dị nghị của làng xóm cho rằng mình là dân… pê-đê! Tức chí bèn lấy vợ đẻ luôn một mạch 5 đứa con cho biết mặt!
Nhưng đông con gặp thời bao cấp khó khăn không đủ sống khiến gia đình lâm vào cảnh nghèo túng trầm kha, vợ chán nản ẵm đứa con út bỏ đi. Còn lại một mình phải gửi 3 con lớn cho bà con nuôi giùm, riêng mình dắt đứa con áp út 7 tuổi bôn ba qua Campuchia kiếm đường làm ăn, bán bánh bò bánh tiêu kiếm sống qua ngày.
Tuy nhiên cũng không sống nổi nên năm 1993 lại quay về Bến Tre. Qua năm 1995 theo người thân vào Đồng Nai làm rẩy. Trên vùng đất mới đất lành chim đậu, chịu khó làm lụng và học hỏi dần chuyển qua làm trang trại theo mô hình V-A-C thành công, trở thành một chủ trang trại ở Trảng Bom khấm khá.
Thỉnh thoảng vẫn lôi bộ “đồ nghề” giả gái ngày xưa ra săm soi: Bức ảnh “kiều nữ” hoa nhường nguyệt thẹn, đôi bông tai, bộ áo dài tha thướt, áo ngực… Với lời tự hào vẫn còn âm hưởng “giọng mái” lỡ quen rồi khó bỏ hết được: “Nhớ hồi đó má tui dạy làm con gái, thiệt khó dễ sợ”!

107 - Kbôr Gioang
BƯỚC QUA LỜI NGUYỀN
Nông dân người dân tộc sinh tại Gia Lai. Sống ở Gia Lai (2004).
Từ năm 1975 cùng vợ đi du kích chống Mỹ. Cả hai nhiễm CĐDC sinh được 5 con thì 3 bị tật nguyền sinh ra “quái nhân”.
Theo phong tục ở buôn làng (huyện Krông Pa), có một lời nguyền rằng những đứa trẻ sinh ra dị dạng như vậy thì phải đem chôn đi, nếu để nó sống sẽ bị Yàng (Trời) trừng phạt. Đứa con đầu mang hình dạng đó – “tròn và đỏ như miếng thịt bò” – phải đem đi chôn. Đến đứa tiếp theo tên H’Đốt – “mắt lồi như con ốc, tay chân có màng như con con vịt” – cùng chung số phận.
Năm 1994 sinh thêm một đứa con kỳ quái như vậy đặt tên Nay Đroeng - không có bàn tay lẫn bàn chân, người co quắp như con sâu – làng cũng bắt đem đi chôn. Dân làng đã đào lỗ, đặt thằng bé xuống rồi phủ khăn lên trên nhưng đứa bé khóc ré lên dữ quá làm người cha đau xé ruột gan chịu không nổi liền nhào xuống ôm con về bất chấp lời nguyền, làng phạt thì chịu thôi.
Từ đó vẫn nuôi nó khôn lớn. Nhưng khi nó đã khá lớn thấy bạn bè hàng xóm đi học bỗng nhiên cũng đòi bố cho… đi học!
Thế là hàng ngày bố dẫn con đến trường, đường đến trường như con đường thiên lý vạn dặm mỗi bước con đi vấùt vả như gánh nặng vác cả ngàn cân trên người: Con phải lấy hết sức quăng mình về phía trước thay cho những bước chân! Đếùn lớp, dùng 2 cùi chõ kẹp chặt chiếc bút bi để viết.
Vậy mà vẫn đạt điểm 9-10 môn vẽ và toán, qua lớp 1 và 2 đều được cô cho giấy khen…

108 - Kha La May
“NỮ HOÀNG BÙA NGÃI” HẢI NGOẠI
Việt kiều ở Mỹ còn có tên Lệ Khanh. Sống ở Mỹ (2005).
Vốn gốc Thái Lan thuộc một gia đình làm thầy bùa ngãi nên được truyền dạy nghề này từ nhỏ. Đến năm 8 tuổi xảy ra biến loạn trong bộ tộc nên được đưa đi lánh nạn đến Đà Lạt rồi được một gia đình người Việt nhận làm con nuôi. Lớn lên nhiều lần tìm về lại Thái Lan để học thêm nghề bùa ngãi.
Sau 30.4.75 theo một đứa con lai trong gia đình mẹ nuôi người Việt qua Mỹ định cư. Từ đó hành nghề bùa ngãi (có giấy phép đàng hoàng) thành công lớn: Bán các loại bùa (giá 300 – 500 USD/bùa) như bùa yêu, bùa chống trộm cắp, tránh tai nạn, bùa tìm người thất lạc, tìm đồ vật bị mất, bùa nói cho người khác nghe theo, bùa “ém bùa” (giải bùa khác)… Ngoài ra còn chữa các loại bệnh theo phương pháp y học dân tộc…
Dùng một phần lợi nhuận để quay về nước làm từ thiện giúp đỡ người nghèo và trẻ em bất hạnh gặp hoàn cảnh như mình năm xưa, tính đến năm 2004 đã 14 lần.

109 - Kiều Chinh
NGÔI SAO HOLLYWOOD
Diễn viên điện ảnh ở Mỹ tên thật Nguyễn Thị Chinh sinh 1937 tại Hà Nội. Sống ở Mỹ (2010).
Mẹ mất sớm, anh đi theo kháng chiến, ở lại với bố thì năm 1954 một mình di cư vào Nam do bố bận ở lại chờ con trai trở về hứa sẽ vào theo sau nhưng rốt cuộc ông không vào được nên xem như hai bố con vĩnh biệt từ đây.
Với tài năng bẩm sinh, nhanh chóng trở thành diễn viên điện ảnh nổi tiếng uy tín nhất miền Nam cũng như quốc tế qua nhiều phim truyện ở miền Nam lẫn hợp tác nước ngoài như “Hồi chuông Thiên mụ”, “Mưa rừng”, “Người tình không chân dung”, “Năm Dần”… Đoạt một số giải thưởng điện ảnh Châu Á.
Khi biến cố 30.4.75 xảy ra đã lâm vào một tình trạng hi hữu: Đang ở Singapore thì visa chế độ cũ hết hạn mà không thể về nước xin gia hạn vì Sài Gòn sắp thất thủ, thế nên chọn biện pháp quốc tế cho phép là lấy lý do không thể trở về nước có thể gặp nguy hiểm cho bản thân do sự thay đổi chế độ nên cứ… đáp máy bay liên tục đi đến các nước khác cho đến khi được một nước nào đó chấp nhận cho nhập cư! Bởi vậy đã lần lượt từ Singapore bay đến Thái Lan, Hong Kong, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp, Anh, Mỹ, Canada - hễ đến sân bay là mua vé bay tiếp đến nước khác chứ không được bước ra khỏi sân bay. Cuối cùng may mắn được một nữ tài tử Mỹ quen biết bảo lãnh cho vào Canada rồi mới chuyển qua nhập cư Mỹ.
Nhưng cũng nhờ vậy mà từ đó tài năng diễn xuất được phát huy tối đa tại Thủ đô điện ảnh Hollywood với hơn 70 bộ phim truyện nhựa và truyền hình được mời tham gia, được biết đến qua các bộ phim về đề tài chiến tranh VN như “Đồi thịt băm” (Hamburger Hill), “Hành trình tị nạn” (Journey from the fall)… Thành công nhất là vai bà mẹ Trung Hoa trong phim “The Joy Luck Club”… Là diễn viên điện ảnh VN kỳ cựu nổi tiếng nhất ở Hollywood.
Ngoài ra còn tham gia hoạt động từ thiện giúp đỡ học sinh nghèo VN qua tổ chức The Vietnam Children’s Fund, nhịp cầu đưa mình trở về quê hương năm 1995 cắt băng khánh thành một ngôi trường tiểu học tại Quảng Trị. Rồi sau đó trở lại Hà Nội sau 41 năm xa cách thắp hương cho người cha quá cố và gặp lại người anh trai một cựu chiến binh Điện Biên Phủ.
Đã ly dị chồng trên đất Mỹ năm 1980 (có 3 con), hàng ngày vẫn tập thiền để giữ tâm hồn thư thái tiếp tục có đóng góp nữa cho điện ảnh thế giới và xã hội.

110 - Kiều Thị Hoà
ĐỜI THUỐC ĐỘC
Thường dân sinh 1949 tại Hà Tây. Sống ở Hà Nội (2005).
Trong chiến tranh là bộ đội làm quản lý kho thuốc độc (các loại hóa chất, thuốc nổ, thuốc súng…) chi viện cho chiến trường miền Nam, sau 75 chuyển qua làm y tá bệnh viện quân đội.
Năm 1986 gặp và lấy chồng là thương binh từ chiến trường miền Nam mắc bệnh đái tháo đường, thoái hóa cả cột sống lẫn lưng và cổ, viêm đại tràng…. Nhưng chồng thương binh khi nằm trại an dưỡng chứng kiến chuyện tiêu cực nơi đây đã viết bài đưa lên báo liền bị “đì” tước cả quân hàm làm hai vợ chồng phải trải qua một thời gian lao đao khốn khó, một thời gian sau mới được khôi phục danh dự.
Tai qua nạn khỏi thì sinh được con trai đầu lòng năm 1988 tưởng hạnh phúc đã mỉm cười song chỉ một năm sau phát hiện con bị thừa một nhiễm sắc thể 23, thiểu năng, không biết nói, không tự lo được, hay giật mình động kinh, thời tiết trở trời là ôm đầu la khóc… Đã 17 năm qua vẫn chỉ biết sống ở trên giường.
Rốt cuộc không biết đó là di chứng của CĐDC mà bố để lại từ thời chống Mỹ hay từ người mẹ từng trông coi một kho thuốc độc.
(Còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét