Thứ Sáu, 9 tháng 9, 2016

CUỐI CÙNG CỦA NGÀY - NGUYỄN MIÊN THẢO

thôi còn gì để nói nữa
cuối cùng của ngày bao giờ cũng buồn
(Trích)

Những hạt sương bắt đầu dựng lều định cư
Hoàng hôn níu bầu trời xuống thấp
Những con đường rất nhiều áo trắng
Dãy ghế công viên những cặp tình nhân ôm nhau
Những cột điện điểm trang thành phố
Sửa soạn một ngày đi đầu thai
Người con trai bảo em nghe gì không
Từ ngoại ô thành phố
Một tiếng súng, hai tiếng súng, ba tiếng súng và rất nhiều tiếng súng
Người con gái trả lời
Rồi cả hai hôn nhau vội vã
Những gì sẽ xảy ra cho họ
Cho vùng ngoại ô xa xăm kia
ở đó, những trái hỏa châu và sự hoang dã
nhắc nhở ngày đã chấm dứt
những tang tóc chực chờ trườn đi
trên quê hương rất nhiều mùa xuân
vì có bao giờ ngừng tiếng súng
và trên cánh đồng quê hương
rất nhiều ngôi nhà mới đắp
còn thơm mùi đất
những điêu tàn trang điểm Việt Nam
có những buổi chiều người mẹ thấy lũ trẻ đưa đám một viên đạn móc-chê đã hư
những đứa trẻ theo sau khóc rất mùi mẫn
người mẹ nhìn trò chơi của chúng
                    không cầm được nước mắt
và không biết con mình còn sống hay không
có những ngôi nhà ban đêm
               không dám lên đèn
dù là ngọn đèn dầu leo lét thắp trên bàn thờ
                   cho thằng con mới chết
ở đó, ngày xuống mau đồng lõa
và tiếng súng cười suốt đêm
ôi chiến tranh tàn khốc
thôi còn gì để nói nữa
cuối cùng của ngày bao giờ cũng buồn
như khuôn mặt mẹ
buồn như tiếng súng
buồn như quê hương
và tương lai
cuối cùng của một ngày khác sẽ đến

NGUYỄN MIÊN THẢO
(Tuần báo Nghệ Thuật,1966)

Thứ Tư, 13 tháng 4, 2016

HOA BÌM BÌM - TẠP VĂN CỦA NG. HƯ VĂN

                                                   
                                                                                   
      Thích sắc đào phai nên lúc rảnh,tôi vẫn thường ra bờ giậu, vắt những sợi bìm bìm. Cho chúng chỉ bò ngang, và thòng xuống đất. Khoảng vào xế trưa là hoa sẽ tàn. Sắc tím ẩn trong cuống nụ sẽ chảy vào trong lá, hẹn giờ trăng lên.

Tin học đang xâm nhập vào mọi ngã của cuộc sống. Trước sự khắt khe của tôn chỉ văn nghệ ở các báo in, nên nhiều người làm thơ, dù đã có tên tuổi hay mới chập chững cầm bút, đã không ngừng lựa chọn Facebook làm nơi công bố những bài mới làm. Trên thế giới ảo này, chủ nhân có thể lưu giữ, sửa chữ, hay dễ dàng xóa bỏ chúng. “Khẩu thuyết vô bằng”, “lời nói gió bay”…Thơ ca giờ đây giống như những đóa hoa bìm bìm, rộ nở nhưng chóng tàn phải. “Nghịch cảnh” đó có khi lại giúp cho thơ ca tìm ra đúng chỗ có mặt trong cõi đời đa sự này.
Ngày 08-4-2016, nhà thơ Trần Vạn Giã ở thành phố biển Nha Trang đưa lên Facebook một bài thơ mới:
THƯA EM ĐỒNG KHÁNH
1.
Thưa em Đồng Khánh bây giờ
Gió bay tóc bạc bên bờ sông Hương
Tôi đi đếm lá trên đường
Nhặt năm tháng rụng mà thương chính mình
Còn đây dấu cũ cung đình
Rêu phong thành cổ nên tình thêm đau
Ngày xưa. Ngày xửa qủa cầu
Tại rơi chiếc nón. Tại màu tím ơi
Mười năm phiêu dạt nhiều nơi
Ngày về núi Ngự trắng trời mây bay
Già chưa ? Sao run bàn tay
Choàng vai níu lại tháng ngày trinh nguyên
2.
Hình như nước khẳm con thuyền
Huế thương trăng ngủ trên miền cỏ lau
Tặng em tóc bạc trên đầu
Dạ thưa sợi tóc nhiệm mầu tình yêu.

Trần Vạn Giã là một người làm thơ có tiếng ở Nha Trang. Không lâu sau năm 1975, ông được kết nạp vào Hội nhà văn VN. Gần đây, anh xuất bản nhiều tập thơ lục bát. Tết 2016, người xem Facebook cũng thấy nhà thơ này có 2 câu thơ theo thể truyền trống này được trích in trong “lốc” lịch của một nhà xuất bản. Bài thơ mới mà anh đưa lên “phây” lập tức được nhiều facbooker tán thưởng. Có người còn khoe rằng lâu nay đã sưu tập đủ các bài thơ của anh trên “phây”, không sót bài nào!
Với một nhà thơ, thật khó có niềm vui nào hơn lời bày tỏ như vậy! Nhưng không xa sau “commen”t trên, có một độc giả khác lại thẳng thắn viết rằng: “Thi sĩ Bùi Giáng đã từng có các câu nổi tiếng, là: Dạ thưa ở Huế bây giờ/ Vẫn còn núi Ngự bên bờ sông Hương. (Ghi chú: câu lục nổi tiếng này, được “khẩu truyền” trên một số Web có nhiều dị bản: Huế, xứ Huế, hoặc bên Huế).
Người không thích “phây”, nhân cớ sự này có thể mạnh miệng khẳng định rằng “Facebook đích thị dành cho những người vô công rổi nghề. Qua thế giới ảo này, họ “like”, “comment” hoặc giải bày trong một “status” chỉ để cho vui, như một cách “nói cho sướng miệng”! Nhưng nào ngờ đâu, chỉ một ngày sau, chính trên trang “phây” của mình, nhà thơ Trần Vạn Giã đã chỉnh sửa câu thơ cuối, thành:
… “Tặng em tóc bạc trên đầu,
Tình ơi, sợi tóc nhiệm màu thời gian.”
Nhân chuyện “sửa thơ” trên Facebook, người viết cũng xin tự nhận là đang “vô công rổi nghề”, nên xin được bình luận thêm rằng: câu thơ được sửa lại rõ ràng không hay bằng câu đã công bố trước đó. Bởi lẽ, tiếng “Dạ thưa” không phải  là hai chữ độc quyền của thi sĩ Bùi Giáng. Nó thường là chữ mở đầu một câu nói, nằm ngay nơi cửa miệng của đa số người Huế. Nghe các cô gái Huế “thỏ thẻ”, từ ngữ trên càng trở nên ngọt ngào hơn.
Tứ thơ mà Trần Vạn Giã thể hiện qua những vần lục bát này gần như khác hẳn ý nghĩa trong câu thơ “khơi khơi” của Bùi Giáng. Bùi Giáng như nhằm nói lên sự hiện hữu thường hằng của thiên nhiên và con người. Miền đất cố đô xinh đẹp này mang nét giao hòa tuyệt mỹ của sông núi. Có nhà bình luận còn cho đây là cách diễn tả rất khéo của chàng “Học trò xứ Quảng ra thi…” Còn những câu thơ Trần Vạn Giã, nó mang nỗi buồn tiếc nuối của “chàng trai tóc bạc” khi gặp lại người thiếu nữ năm xưa. Tóc nàng nay cũng đã nhuốm màu thời gian.
Mỗi nhà thơ tài năng đều sở hữu những cách diễn tả đặc thù. Bút pháp tạo nên phong cách riêng của từng người viết. Nhưng một từ ngữ thơ, khi được dùng ở vị trí đắc địa, nó sẽ trở thành tài sản riêng của một nhà thơ.
Từ ngữ là của chung, nhưng trong sáng tác, nếu dùng không khéo, sa vào cách diễn tả của một nhà thơ nổi tiếng khác, sẽ bị độc giả cho là đã “vay mượn”, là chịu “ảnh hưởng”. Nói cách nặng lời thì đó là việc “đạo thơ”- giống như đã lấy nguyên văn một đoạn, hoặc cả một câu của người khác. Nói một cách nhẹ nhàng, có thể cho đây là một sự “ăn gian” khi sáng tác!
Mạng xã hội Facebook đã trở thành một sân chơi hấp dẫn. Nó thu hút ngày càng đông người thuộc mọi giới tham gia. Sự phát triển của công nghệ thông tin hình như ngày càng làm cho con người trở nên nhỏ bé. Và cái “tôi” gần như ngày càng nhỏ bé. Phải chăng vào một ngày kia, nó sẽ biến mất trong thế giới phẳng?
Trên thế gian này, những người có cái “tôi” mạnh mẽ nhất thường là giới nghệ sĩ, trong đó, “cá tính” nhất vẫn thuộc về các nhà thơ. Mẫn cảm trước sự phát triển vũ bão của khoa học kỷ thuật và nền sản xuất công nghiệp hàng loạt, nên ở nhiều nước, nhiều người làm thơ phá cách đã “sáng tạo” ra những cách xóa bỏ “cái tôi” nhỏ bé trong mỗi người. Bằng cách làm ra những bài thơ có “tác giả tập thể”: mỗi người tung ra một câu (trên mạng), chúng sẽ liên hoàn nhau, tạo ra một “tác phẩm” nghệ thuật trong thời đại mới. Cá nhân từng tác giả trở nên vô giá trị vì sẽ không còn bút pháp, cách diễn đạt riêng.
Trào lưu sáng tác “hậu hiện đại” này xuất hiện đã vài chục năm qua ở nhiều nước Âu Mỹ. May mắn thay, nền “nghệ thuật” ấy đã sớm đi vào tàn lụi. Nhưng tại Việt Nam vừa qua, việc “cầm nhầm” những câu ca dao, bê một câu thơ hay của người khác vào trong bài mình lại được cách đối xử: coi như chuyện bình thường. Vì: “ở đời muôn sự của chung”?
 Bài thơ “Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa” có 2 câu kết lấy từ câu ca dao: “Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa/ Miệng nhai cơm búng lưỡi lừa cá xương”. Tác giả những câu lục bát này đang được xưng tụng là một trong những “nhà thơ hàng đầu” của Việt Nam hiện nay. Bài thơ được cổ vũ bằng nhiều bài bình giảng trong các luận văn tốt nghiệp, trong những giờ dạy văn ở trường học…Chúng phổ biến đầy dẫy ở các mạng Internet. Khi nghe tôi phàn nàn, các “fan” của nhà thơ nổi tiếng nọ chống chế rằng có thể các Blogger, Facebooker khi trích dẫn khen ngợi đã quên in nghiêng hoặc thêm dấu hoa thị (dấu*) để chú thích rằng nó vốn là một câu ca dao.
Tạm tin những lời chống chế, hay cứ đổ tội cho Fackbook và thế giới phẳng để bảo vệ uy tín của một nhà nổi tiếng-cũng được đi. Nhưng tình cờ trên một tờ báo in, trang 67 Tạp chí Du lịch Tp.HCM số xuân Bính Thân 2016, độc giả thấy lại có câu thơ “Bắt phong trần phải phong trần”vốn là một câu Kiều. Nó được bê nguyên si vào bài thơ “Đọc Kiều” của một nhà thơ cũng khá nổi tiếng ở Tp.HCM. Tác giả này cũng đã có hàng chục đầu sách từ thi tập đến tản văn, biên khảo được xuất bản.

Từ một câu “like” trên Facebook, nhà thơ Trần Vạn Giã liền sửa lại một câu thơ trong bài. Sự cẩn trọng của người sáng tác thơ trong “thế giới phẳng” hôm nay thật đáng quý trọng xiết bao.

Thứ Tư, 23 tháng 3, 2016

VÔ CÙNG THƯƠNG TIẾC NHÀ THƠ HOÀI KHANH

TÁC GIẢ THÂN PHẬN 
NHÀ THƠ  HOÀI KHANH
ĐÃ QUA ĐỜI VÀO LÚC 2 GIỜ NGÀY 23.3.2016 TẠI NHÀ RIÊNG BIÊN HÒA - ĐỒNG NAI
HƯỞNG THỌ 83 TUỔI
LỄ DI QUAN NGÀY CHỦ NHẬT 27.3.2016

XIN CHIA BUỒN ĐẾN GIA ĐÌNH NHÀ THƠ HOÀI KHANH
CẦU NGUYỆN NHÀ THƠ VỀ NƠI AN LẠC

cao huy khanh - nguyễn miên thảo -viêm tịnh - từ hoài tấn - hạ đình thao - nguyên minh - nguyễn sông ba - hoàng lộc - đức phổ - triệu từ truyền - phù hư - nguyễn lương vỵ - võ chân cửu - nguyễn quốc thái - trần bảo định - mang viên long - cao thoại châu và bàng hữu...

Thứ Tư, 9 tháng 3, 2016

TỪ BIỆT KINH BẮC - PHAN TẤN HẢI

Từ Biệt Kinh Bắc
.
Để tiễn biệt nhà thơ Kinh Bắc (Lê Đình Viễn – Sáu Du), biên tập viên Tạp Chí Suối Nguồn của Trung Tâm Dịch Thuật Hán Nôm Huệ Quang, đã từ trần ngày 4-3-2016 tại Sài Gòn.

Co cẳng đạp quan tài
tới giờ để tụng kinh
Không lẽ cứ nằm hoài
nghe đất trời làm thinh
.
Ráng nghe hết dòng thơ
mai về cõi vô sinh
Thân khắp trời bụi tro
hữu tình hay vô tình
.
Bốn mươi năm không ngủ
mở mắt nhìn kinh ngạc
Gió lật từng trang sử
lạnh khắp trời Kinh Bắc.
.
Giả điếc bốn mươi năm
giữa chợ viết Suối Nguồn
Lời hoa nở từng trang
lấp lánh màu vô thường.
.
Nguyên Giác Phan Tấn Hải trân trọng tiễn biệt bạn học thuở thiếu thời.


Thứ Hai, 7 tháng 3, 2016

NGÀN DĂM ĐÃ VỀ ĐẾN CỐ HƯƠNG - THƠ VÔ BIÊN

Ảnh của Nguyễn Vô Biên.

Tưởng niệm Phạm Công Thiện
Thi sỹ , triết gia

 ,8/3/2011- 8/3/2016


Con kình ngư nghìn năm biển cả
Cánh đại bàng tận đĩnh núi xa
Hét vang một tiếng giờ đứng ngọ
Thong dong buông thả về quê nhà

Gió thổi đồi Thu sầu man nác
Đồi Đông sáng rực mây bốn phương
Chân đi như thể ngàn dặm lữ
Chân cầu nước chảy đến bơ vơ

Thiên tài chi để cành hoa khóc
Máu dội trong tim lửa ngời ngời
Bật tung cánh cửa bừng Ý Thức
Mới , hay một đời tuổi đôi mươi

Thiên tài chi tài hoa biệt xứ
Quê nhà đâu Cố quận xa mờ
Những Cơn Mưa Phùn dội vào tinh thể
Đêm Hoang Vu nuốt trọn địa cầu

Chân đi giờ đã ngàn mây trắng
Ngàn dặm đã về đến cố hương

Tháng3/2011
Vô Biên

Thứ Bảy, 5 tháng 3, 2016

TIN BUỒN

 BẠN SÁU DU NGUYỄN ĐỨC THÀNH
TỨC NHÀ VĂN KINH BẮC, NHÀ BÁO KIỀU PHONG
PHỤ TRÁCH TRANG VĂN NGHỆ SUỐI NGUỒN, NGUYÊN PHÓNG VIÊN BÁO CÔNG AN TP HCM

VỪA QUA ĐỜI VÀO LÚC 23 G 15 NGÀY 4.3.2016 TẠI NHÀ RIENG SỐ 271/8C ĐƯỜNG TRỊNH ĐÌNH TRỌNG, P HÒA THẠNH, QUẬN TÂN PHÚ , SÀI GÒN
HƯỞNG THỌ 68 TUỔI

LỄ NHẬP QUAN 14 G NGÀY 5.3.2016
LỄ ĐỘNG QUAN 7 G SÁNG NGÀY 7.3.2016 HỎA THIÊU TẠI BÌNH HƯƠNG HÒA

XIN CHIA BUỒN ĐẾN CHỊ SÁU DU VÀ CÁC CHÁU
CẦU NGUYỆN BẠN THANH THẢN RONG CHƠI CÕI KHÁC

nguyễn văn trai - võ chân cửu, nguyễn miên thảo, từ hoài tấn, nguyễn quốc thái, lê thánh thư - phạm chu sa - nguyễn lương vỵ -  chu ngạn thư  - vô biên - nguyễn nhã tiên và bằng hữu...

Thứ Hai, 29 tháng 2, 2016

Ở HAI ĐẦU DÂU BỂ - HỒ NGẠC NGỮ


Có lẽ, đã không còn khoảng trống
Để đôi khi em nhớ về anh
Chuyện tình như những tờ thư mỏng
Cơn gió thời gian sẽ xóa phai dần

Có lẽ, đêm bây giờ ở phố
Người năm xưa lâu quá không về
Con đường một chiều như dòng thác đổ
Người ta đi hoài, chẳng biết đi đâu

Anh bỗng như cánh chim mỏi mệt
Thấy cành cong còn sợ vết thương
Đôi khi buồn, bài thơ anh viết
Như cung đàn vọng bóng trăng suông

Đêm có khi anh ngồi quạnh quẽ
Nhớ về em trong cõi mù sương
Những chuyện tình trong mùa dâu bể
Lặng lẽ tan theo bóng vô thường

HỒ NGẠC NGỮ
29.2.2016

Thứ Tư, 24 tháng 2, 2016

ĐOÀN PHAM TÚY LINH ĐÃ RA ĐI

BẠN ĐOÀN PHẠM TÚY LINH

ĐÃ RA ĐI VÀO LÚC 7 GIỜ 45 NGÀY 24.02.2016 ( NHẰM NGÀY 17 THÁNG GIÊNG NĂM BÍNH THÂN )TẠI TƯ GIA THÀNH PHỐ HUẾ
HƯỞNG THỌ 72 TUỔI

XIN CHIA BUỒN ĐẾN CHỊ  TÚY LINH VÀ CÁC CHÁU
CẦU NGUYÊN HƯƠNG HỒN BẠN THANH THẢN RONG CHƠI CÕI KHAC



nguyễn văn trai - viêm tịnh - nguyễn miên thảo - từ hoài tấn - đặng văn chơn - hồ trọng thuyên - huỳnh ngọc thương - ngụy ngữ - thái nguyên hạnh - nguyễn tân dân - phan lệ dung - nguyễn thị đấu - hoàng thị thiều anh - nguyễn thị duyên sanh - hoàng thị thọ - tường vy - nguyễn duy hiền - lê công doanh - bùi n gọc long - hồ lộc -  đoàn hồng nhật - trần khanh - lẹ hùng vọng - trần thạnh - lê hồ ngạn và bằng hữu...

Thứ Tư, 10 tháng 2, 2016

MỒNG BA TẾT THẦY - TRẦN BẢO ĐỊNH


Mồng 3 tết thầy. Thầy đâu tết?
Trọng đạo tôn sư lúc thoái trào
Nhai chữ mớm trò, trò mửa hết
Đút tiền lo lót, cấp bằng cao!

Mồng 3 tết thầy. Thầy đâu tết?
''Nhà giáo'' hằng năm đã tết thầy!
Ta kẻ ngu ngơ đâm ngốc nghếch
Ngậm ngùi giữa chốn bụi trần ai!

Mồng 3 tết thầy. Thầy đâu tết?
Trường cũ, đồng môn, thất lạc bầy
Chẳng biết vì sao?Ta chẳng biết,
Xuân phai bóng nắng. Nắng xuân phai!

trần bảo định
Mỹ Tho,10.2.2016

Thứ Tư, 3 tháng 2, 2016

ĐƯỜNG PHỐ NGÀY CUỐI NĂM - LÊ TUẤN VIỆT

1
Mang xuân bày bán vĩa hè
Ba mươi phố vắng trời se se chiều
Động còn nửa bước liêu xiệu
Lòng riêng hối hả sao chiều dững dưng?

2
Bày xuân hè phố chào mời
Chân quê nguyên bản ngại lời đãi bôi
Nắng tàn đường vắng người rồi
Tiếng lòng giục giã chiều trôi vô tình 
                               
                                           16.01.16

Thứ Năm, 28 tháng 1, 2016

BỌT BÈO CÙNG THƠ - THƠ LÊ NA


Ti toe phượng thắp môi cười
Hí hửng em xuống phố người trần gian
Tính tình bướng bỉnh ngang ngang
Lúc sinh ra đạp rách toang bọc điều .

Mẹ nói mình giống chằn hiu
Ốm nhom nhách cứ liu riu khóc nhè
Lớn chút nữa lắm bạn bè
Ham chơi hơn học - ngựa xe xập xình .

Mười sáu tuổi biết yêu anh
Hay thơ thẩn - mắt rập rình hái sao
Cứ T.T.KH nghêu ngao
Mơ là nàng ấy - nôn nao kiếm tìm .

Than ôi !...Tài kém mộng chìm
Hoa trôi mùa lỡ còn thèm chiêm bao
Tháng tư sinh nhật - nghẹn ngào
Vẫn ta cháy bỏng bọt bèo cùng thơ .

Thứ Hai, 25 tháng 1, 2016

CANH CHUA CÁ ĐỐI-NGỌN RẠCH BÀ TÀU - TRẦN BẢO ĐỊNH

c à l ă m c h u y ệ n đ ờ i c u ố i n ă m
CANH CHUA
CÁ ĐỐI-NGỌN RẠCH BÀ TÀU
nước mắm ngon dầm con cá đối
em biểu anh chờ để tối em qua!
(ca dao)
1.
Các lão nông tri điền làng tôi thường nhắc nhở con cháu:
- Người có xương sống, xương sườn. Đất có sông, có rạch. Rạch có ngọn có vàm. Nước khi ròng, khi lớn. Thịnh suy, tùy lúc tùy thời. Thường thì, phò thịnh chớ mấy ai phò suy?Cho nên xét người, xét việc, phải có đầu có đít. Lấy cái tôi, bắt người giống mình là, thua con cá đối(?)
Rồi, sự thế nhì nhằng như cuộc mây mưa đến hồi cụp lạc, sướng đâu chưa rõ lắm, nhưng tôi vẫn thuộc nằm lòng lời ''khuôn vàng thước ngọc''của các lão nông. Lớn lên má cho đi học, biết đánh vần ráp chữ, biết đọc biết viết...ngặt nỗi ''nhảy lỗ trổ'' bỏ qua bước ''khai tâm'', nên cuộc đời lên bờ xuống ruộng. Tôi cằn nhằn má.
Má nói:
- Hổng phải đâu con, tâm tự nó là tâm. Tâm chớ đâu là mương mà khai với mở?
Sợ cái đầu ngu của tôi chưa thông, má phân giải:
- Vả lại, cái ông Khổng Khâu gì đó ở tận bên Tàu, từng dạy môn đệ rằng:''Nhân chi sơ, tính bổn thiện''. Đã là, tính bổn thiện từ hồi mới lọt lòng mẹ, cần chi mở với khai tâm?
Thấy má vui, sẵn trớn tôi hỏi má:
- Người làng mình thường dạy con cháu:''Lấy cái tôi, bắt người giống mình là, thua con cá đối!''. Nói vậy, nghĩa là sao má?
*
Cá đối sống ngọn rạch Bà Tàu là, loại cá đối nước ngọt. Đầu nó dẹt, nhảy cao, bơi nhanh. Mùa lúa ngậm sữa, nó thích bơi sâu vô ruộng để ăn nhụy bông hột lúa rụng, khi đôi môi hột lúa mím chặt ngậm sữa. Tùy môi trường thiên nhiên, cá đối thích hợp vùng nước mặn, lợ, ngọt...Nó tự thích nghi theo vùng nước, chớ không phải vùng nước thích nghi theo nó.
Sông Bảo Định có nhiều rạch. Trong đó, có rạch Bà Tàu. Một người đàn bà người Tàu, theo bước chưn lưu dân khẩn hoang trên sở đất có con rạch. Bà dựng lều lập quán, bắt cầu khỉ qua rạch để lưu dân dễ dàng lui tới mua hàng hóa. Lâu ngày, những bước chưn người làm nên lối mòn và thời gian biến đổi lối mòn thành con đường thì, con rạch, cây cầu...nghiễm nhiên mang tên bà. Đó cũng là, một cách của người Việt bày tỏ tấm lòng tri ân với, những ai có công đóng góp vào cuộc sống cộng đồng. Con cá đối chọn ngọn rạch làm quê hương vì, nó đẻ con vào cuối thu đầu đông, nó cần nguồn thức ăn sau khi đẻ cho nó, cho con;chi bằng chọn chốn dung thân nơi ngọn rạch là, nơi hứng trọn nguồn thức ăn từ cánh đồng mênh mông đổ về.
Trời sinh voi, sinh cỏ. Không sinh cỏ, trời chẳng hưỡn sinh voi. Người không nuôi, không dưỡng cá đối;chỉ hì hụp hám ăn, tận diệt. Thử hỏi, của nào chịu thấu?Cá đối chỉ còn nước, kêu:''Người làm hơn trời!''. Bàn dân thiên hạ, gọi:''Thằng làm hơn trời!''và không quên thêm câu trù ẻo:''Thằng trời đánh, thánh đâm!''. Với cá đối, dù sinh sống ở phương nào, vùng duyên hải nhiệt đới hoặc ôn đới;độ nước nông hay sâu thì, nó cũng sống cùng tập quán thành đàn trên con sông cái rạch do cả đàn chọn lựa. Nó không có ''lãnh chúa'', không có ''đầu đàn'' như các loài cá khác. Nó không có số phận cam chịu bởi, nó chịu mà không cam dù bản năng của nó ''đồng cam cộng khổ"
Khi cuộc đời trải qua ''trầy vi tróc vảy'', tôi mới thấm và hiểu ''cái tôi''đáng ghét, đáng xấu hổ thế nào, trước con cá đối!
2.
Kỳ nghỉ học, hè 1961.
Tôi trở về mái nhà xưa của má, gặp lúc người trong xóm đi đăng cá đối ở ngọn rạch Bà Tàu. Tôi háo hức đi theo. Trước là, phụ hợ mang các ngư cụ đăng;sau là, bắt hôi với mấy đứa bạn cùng trang lứa. Trên đường đi, đoàn người chuyện vãng râm ran, chợt có tiếng ai đó cất lên:''Đờn ông như cái đăng, đờn bà như cái đó'' từ phía sau. Tôi ngoái lại, thì ra thiếm Hai Đực!
Tới ngã ba bờ, tôi đứng lại để hỏi thiếm Hai cho ra lẽ:Tại sao, đờn ông như cái đăng, đờn bà như cái đó?Thiếm Hai cười:
- Đúng là, học trò!
- Học trò đi mò cá sặc, phải hôn?
Chú Sáu Cửng, chọt vô.
Thiếm Hai, nẹt:
- Mắc dịch, anh!Thằng học trò nó không biết, mình chỉ cho nó biết để mai kia mốt nọ, nó nhớ cội nhớ nguồn. Đúng y rằng, tên sao người vậy!
Thiếm, cháu đi chậm rãi. Thiếm nói:
- Bà con xóm mình lấy cây sậy bện chặt thành tấm gọi là tấm đăng, dạo cao áng chừng 2m. Đó, cũng dùng cây sậy bện hình trụ tròn, đường kính khoảng 5 tấc, cao độ 2m và có hom dài chạy theo thân, cá vô được mà ra không được.
Thiếm giải thích thêm:
- Cây sậy xuống nước nó tươi và sống, dùng lâu mục hơn các loại cây khác.
Tôi hỏi:
- Vậy, ngày nào mình đi đăng bắt cá đối cũng được, hả thiếm?
Thiếm đi nhanh, nói nhanh vì, sợ không theo kịp đoàn.
- Mỗi tháng, có 2 con nước kém:Con nước đầu tháng, từ mồng 8 đến mồng 10. Con nước cuối tháng, từ 23 đến 25 âm lịch. Mình đăng lúc con nước đương lớn hoặc con nước vừa nhóm giựt ròng.
Thiếm vội kết thúc câu chuyện, nói chắc như bắp:
- Cái đăng ví cá, cái đó hứng cá. Đờn ông đùa vô, đờn bà cất giữ. Nhưng, gặp phải con đờn bà khoái ăn nem thì, thằng đờn ông mất cả đăng cả đó!
Tôi nghe ba hụt ba trớt, hỏi:
- Thiếm nói cái gì, thiếm Hai?
- Thì, tau nói đờn ông ''ăn chả'' bị vợ túm cổ, chối lên chối xuống, thề bán mạng... mong được vợ tha thứ để trở về nhà. Đờn bà ''ăn nem'', bị chồng bắt tại trận tiền. Vợ dứt khoát không chối
bởi, sẽ bỏ nhà đi luôn!
- Ý, Trời!
Tôi thảng thốt.
*
Những tấm đăng lần lượt nối nhau khép kín ngọn rạch Bà Tàu. Sự sống của cá đối được tính từng mực nước giựt ròng. Tự dưng tôi thương con cá đối. ''Nước mắm ngon dầm con cá đối''. Có phải rằng, cá đối đòi hỏi con người muốn ăn thịt nó thì, dầm nó vào nước mắm ngon!?Nó chọn lựa nơi nó chết?Hay, chính nó mần nên nước mắm dở thành ngon?''Em biểu anh chờ để tối em qua!''. Sao em không chờ mà lại là anh?Đờn ông đói mắt, đờn bà đói tai(?)Cá đối mái luôn giữ vài trò khởi xướng, cá đối đực mần theo. Nó biết chi chế độ ''mẫu hệ'' nhưng, tập quán vốn có từ bản năng, nó ''phụ xướng, phu tùy''. Khác với người chỗ đó.
Tôi ngồi trên bờ rạch nghỉ bông lông. Nước ròng rút nhanh. Từng đàn cá đối từ các khe dừa nước tràn ra lòng ngọn rạch, hình như nó phát hiện điều nguy cấp từ những tấm đăng vững hơn bức tường thành, ngăn chặn dòng nước chảy. Từng đàn cá đối không chọn cách chui đăng trốn. Có lẽ, nó phát hiện bẫy của cái đó. Nó chọn con đường sống bằng sự dũng mãnh, nối nhau quẩy đuôi, quậy nước đục ngầu, cố phá đăng vượt ra sông.
Từng con cá đối mái bụng mang dạ chửa, bơi dạt xa, lấy đà và cố hết sức tung mình lên trời xanh, phóng qua tấm đăng tìm sự sống. Hàng loạt cá đối đực phóng theo cá đối mái. Tôi có cảm giác, mặt nước ngọn rạch Bà Tàu chao dữ dội như đang bị cơn địa chấn!
Nó không thể tưởng, sau bức đăng là những chiếc xuồng ken nối nhau, chực chờ hứng bắt nó.
Sự quỷ quyệt con người do trí khôn tạo ra, khiến cái ác thú tính từ con trổi dậy, che khuất chất người. Tôi từ chối tôi, bỏ ý định tham dự vào cuộc bắt hôi cá đối…
*
- Mấy đứa mần kỹ cá đối mái, khéo dập trứng. Nhớ ướp ngũ vị hương!
Tiếng thiếm Hai từ bếp, nói vọng ra cầu ao.
Chú Sáu Cửng lui cui thổi lửa, lấy than nướng cá. Chú lầm bầm:
- Người mình nghĩ cũng lạ, cái gì nấu nướng thịt cá cũng ướp ngũ vị hương mà, ngũ vị hương là 5 thứ gia vị của anh ba tàu, chớ có phải của mình.
Nói lầm bầm một mình, tưởng không ai nghe. Nào ngờ, lỗ tai thiếm Hai thính hơn lỗ tai nai.
- Sao?Anh Sáu nói sao?Ông bà mình trước mần sao, nay mình bắt chước mần vậy. Tôi hỏi anh, cá không ướp ngũ vị hương thì, ướp cái gì?
Thiếm Sáu sừng cồ, tay hất chéo khăn rằn ôm búi tóc;
Chú Sáu vừa rút bớt củi ra, vừa nói phân bua.
- Ba tàu có ngũ vị hương, người Việt có bát vị mùi!Ướp ngũ vị hương chẳng qua do thói quen, chớ không phân biệt ngon hay dở. Hương có sau mùi. Vì vậy, ông bà mình gọi mùi hương. Xưa nay, có ai gọi ''hương mùi'' bao giờ. Cái mùi ở lại với mình cho đến chết, cái hương sẽ bay đi và nếu có thể, nó cũng chỉ là sự chạnh lòng, luyến nhớ trong hoài niệm.
Thiếm Hai giẫy nẩy như đỉa phải vôi.
- Nghe anh Sáu lý sự, mệt quá!
Sực nhớ, chẳng lẽ mình thua ngang cái thằng cha mắc dịch nầy. Thiếm Hai giở giọng ví:
- Hồi nãy anh Sáu nói, người mình có bửu bối ''bát vị mùi''không xài, lại xài thứ đồ bỏ của anh ba tàu. Đâu anh kể ''bát vị mùi''đó, cho tui nghe thử coi!
Mọi người tạm ngưng mần cá đối, xúm nhau nghe. Có tiếng người xù xì to nhỏ:
- Phen nầy, Sáu Cửng nhảy cà cửng biết tay, bỏ tật xạo xự!
Chú Sáu nói tỉnh bơ:
- Gia vị người Việt có 8 mùi vị: Chua-Chát- Ngọt -Bùi-Mặn-Lạt-Cay-Đắng. Tám mùi vị độc đáo hội tụ trong nồi canh chua thuộc món''quốc hồn quốc túy''của người Việt. Xin lỗi, nói chẳng phải nói ''nổ, tự sướng'', nhân loại thế giới nầy, có nơi nào sánh kịp. Tám mùi vị chứa đựng càn khôn bát quái, nằm trọn trong vòng lưỡng nghi. Cho nên, từ xa xưa 8 mùi vị đó đã làm nên hồn cốt ''văn hóa ẩm thực'' của dân tộc Việt, vững vàng trước phong ba bão táp. Mọi kẻ thù bất kể từ đâu tới, cũng ''thúc thủ quy hàng'' rốt cuộc cuốn cờ:Chạy!Và, gái Việt là người đi mở cõi, là mẹ của mẹ trong thiên hạ bất luận bạn hay thù!
Không đợi mọi người truy hỏi, Chú Sáu nói một lèo:
- Ca dao, tục ngữ...và các loại văn chương truyền miệng khác, đã nuôi dưỡng tâm hồn Việt, tạo cốt cách rất riêng, rất đặc thù Việt. Đó là, Chua:''Vắt chanh bỏ vỏ". Chát:''Ăn muối còn hơn ăn chuối chát!''. Ngọt:''Lời ngọt lọt đến xương!''. Bùi:''Chia ngọt xẻ bùi". Mặn:''Cá không ăn muối cá ươn''. Lạt:''Ăn lạt mới biết thương mèo!''. Cay:''Ngậm cay, nuốt đắng''. Đắng:''Thuốc đắng đã tật''. Tui học lóm được nhiêu đó thì, tui nói nhiêu đó. Cả cái xóm Bà Tàu nghèo mạt hạng, mấy ai biết chữ, trừ cậu học trò. Mình giữ được cái nghĩa không từ cái chữ mà, từ cái truyền miệng
đời nầy, dắt dây qua đời khác.
Đang thao thao bất tuyệt, chú đột ngột túm lại:
- Con cá đối nó chết vì thịt nó ngon. Con người chết vì...
Mọi người nghe chú nuốt nước bọt, rồi nói một câu xanh dờn:
- Chị Hai hỏi nữa, thằng Sáu Cửng sẽ nhảy cà cửng và...cà lăm!
*
Bà con chòm xóm được nghe những điều thú vị mà, trước nay chưa từng nghe. Đồng thời, hả hê khi thưởng thức nồi canh chua cá đối hòa quyện vào 8 vị mùi của gia vị quê hương!
TRẦN BẢO ĐỊNH

Thứ Bảy, 23 tháng 1, 2016

BÁNH TÉT NHÀ QUÊ NAM BỘ - TRẦN BẢO ĐỊNH

h ư ơ n g v ị n g à y t ế t c ổ t r u y ề n
BÁNH TÉT NHÀ QUÊ NAM BỘ

Chiều 30 tết, năm Kỷ Hợi 1959
Làng tôi lúc bấy giờ, mất dần không khí thanh bình của những năm đầu sau ngày đình chiến. Việc giết người, bắt người, thỉnh thoảng xảy ra trong xóm ấp. Nỗi lo sợ hình như hiện lên nét mặt ở người lớn, còn lũ trẻ thì háo hức và chờ đợi tết!
Trong những người cậu, má tôi thương cậu Năm hơn hết. Có lẽ, hai chị em hợp tính nhau và cậu Năm là, người thường đứng mũi chịu sào mọi chuyện trong gia đình của ngoại. Mấy năm nay, năm nào cũng vậy, hễ chiều 30 tết, cậu Năm qua nhà má tôi để phụ gói bánh tét. Tiếng rằng phụ thì cũng có phụ nhưng cái chính là má tôi tạo dịp để cậu Năm gặp cô Bảy; nhà ở cạnh nhà má tôi, cách nhau cái hàng rào bông bụp nở đầy hoa vào tháng chạp. Dần dà hai người thương nhau. Năm nay, cậu Năm qua hơi trễ, cô Bảy trông đứng trông ngồi. Má tôi nói:Ra giêng, má thưa với ông ngoại đi cưới cô Bảy cho cậu Năm.
Cậu Năm dường như có điều chi đó, giấu má tôi. Mắt cậu lo âu, miệng ít cười ít nói hơn mọi năm.
Trong lúc, cô Bảy mừng ra mặt, tay chưn lăn xăn, líu xíu...bắt chuyện và ngồi xích gần cậu.
- Tại sao, ông bà mình kêu bánh nầy là bánh tét, chị Hai?
Cô Bảy vừa buộc đòn bành tét, vừa hỏi má tôi.
Có tiếng dội nước rửa chưn ở bến, giọng ong óng vọng lên.
- Chị Hai và đám sắp nhỏ khỏe?
Má tôi chưa kịp trả lời, bà Tư ở lối xóm oang oang cái miệng đương xỉa thuốc rê:
- Tui qua phụ chị gói bánh tét. Bánh chín, chị cho tui mấy đòn về cúng ông bà, nha chị Hai!
Rồi như sực nhớ, bà Tư hỏi:
- Hồi nãy ở bến nước, tau nghe đứa nào hỏi...
Cô Bảy lẹ miệng, hớt câu hỏi của bà:
- Em hỏi chị Hai, tại sao ông bà mình gọi bánh nầy là bánh tét?
Bà Tư cười lém lĩnh:
- Có thằng Năm ở đây mà không hỏi. Mầy đi hỏi chị Hai, sao bường?
Cô Bảy quay sang cậu Năm, giở giọng mèo nheo:
- Anh Năm nói đi, mần thinh mần thít tội nghiệp người ta!
Cậu Năm cảm thấy mình có lỗi khi, mần thinh mần thít với mọi người; nhất là với cô Bảy. Cậu buông những âu lo trong lòng, khuôn mặt trở nên tươi tắn.
- Hồi lên Sài Gòn đi học, đôi lần bạn bè rủ tui đến Nhà sách Yễm Yễm Thư Trang nghe thi sĩ Đông Hồ nói về Tết Nam Bộ, trong đó có nói tới Âm-Dương hòa quyện trong đòn Bánh Tét.
- Ổng nói sao, anh Năm?
Cô Bảy giục cậu Năm.
Cậu Năm nhớ lại thi sĩ Đông Hồ, từng nói:
- Ngay nguyên vật liệu để người Nam Bộ mần thành đòn bánh tét, đã là lưỡng nghi của trời đất:Nếp trồng ruộng nước, đậu trồng ruộng rẫy. Nhưn thịt ba chỉ, là động vật. Thân gồm nếp, đậu, lá chuối gói, dây buộc...là thực vật. Âm-Dương đòn bánh tét ôm trọn Tam Tài: Vỏ lá, thân nếp, nhưn...trong ngũ hành qua màu sắc:Lá gói bánh màu xanh, màu của nếp, màu đậu xanh, màu hột tiêu trộn vào nhưn, hai màu đỏ trắng của thịt heo ba chỉ. Nghĩa là, đòn bánh Tết của người dân Nam Bộ nó ứng với:Hỏa-Thủy-Mộc-Kim-Thổ. Do đó, bát quái luôn luôn cay đắng với ngũ hành. Điều cay đắng đó, nó thể hiện số chẵn và số lẽ. Phương Bắc chọn số chẵn, phương Nam chọn số lẽ. Chẵn-Lẽ có khi là Lẽ-Chẵn.
Và, truyền thuyết về đòn bánh tét Xuân kỷ Dậu 1789 của Hoàng Đế Quang Trung mang số lẽ đã đánh đuổi số chẵn của Tôn Sĩ Nghị điếng hồn, điếng vía, nghe người thời đó nói:Tôn tướng quân vừa chạy, vừa khóc bù non bù nọt, quăng cả ấn tín, lũi trốn qua sông Hồng.

*
Có người cho rằngi:Đòn bánh tét mang hình tượng Linga(?)từ sự giao thoa giữa văn hóa Việt và văn hóa Chăm với tín ngưỡng phồn thực. Miền đất Nam Bộ vốn thuộc xứ sở Thủy Chân Lạp xưa, văn hóa Việt không giao thoa với văn hóa Thủy Chân Lạp thì thôi, hà cớ chi giao thoa với văn hóa Chăm, để đòn bánh tét Việt mang hình tượng Linga cúng lễ tết ông bà ngày tết?
- Trời đất, nếu nói đòn bánh tét có xuất xứ từ tín ngưỡng phồn thực...Linga, Linh giếc gì đó, mình cúng ông bà...tội chết!
Bà Bảy giẫy nẫy.
Cậu Năm tiếp tục nói giọng trơn lu:
- Cũng có người cho rằng, bánh tét được gói và nấu chiều cuối năm, bánh tét có mặt trong những ngày tết. Vậy, có phải đó là bánh tết do cách phát âm thiếu chuẩn xác của người Nam Bộ thành ra tét chăng?
Mọi người cặm cuội gói bánh trong nắng chiều cuối năm. Câu chuyện đòn bánh vẫn tiếp tục, vừa gói vừa nói. Má tôi, nói chậm rãi:
- Người mình thường giữ cố tật, ít chịu thay đổi dù sự thay đổi đó có lợi cho mình. Chú tâm tên gọi mà, thiếu tìm hiểu cặn kẽ cái gì mần nên tên gọi.
Bà Tư chọt vô, hỏi:
- Ý chị Hai muốn nói nguyên liệu mần nên bánh tét?
Má cười:
- Đúng rồi chị Tư!Bánh tét phải ra bánh tét như, cái tên gọi cúng cơm của nó. Tên cúng cơm khác với tên khai sanh, khai tử!Bánh tét muốn ngon, để lâu...dứt khoát phải gói bằng nếp dẽo.
Hột lúa nếp khác hột lúa gạo. Hột lúa nếp có chấm đen ở phần đuôi, còn hột lúa gạo thì không.
Bánh tét gói nếp, lâu thiu. Bánh tét gọi gạo, dù gạo dẻo, mau thiu. Cùng là lúa, nếp khác gạo. Cùng là người, có năm bảy thứ người.
Má tôi và mấy cậu mồ côi mẹ từ rất sớm, má thay bà ngoại chăm sóc các cậu khôn lớn, thành người. Má kể, hồi bà ngoại còn sống, thường dạy má về ân nghĩa của đòn bánh tét. Bà ngoại nói:Thuở lưu dân theo chúa Nguyễn vào Nam khẩn hoang, chốn rừng thiêng nước độc, khó khăn nhiều nỗi...Người đi ngày đó, cực lực lao động và không đủ thời giờ nghỉ ngơi, nên nghĩ ra cách làm bánh để dành ăn, hạn chế nấu nướng vất vã. Thứ bánh ấy, không bánh gì bường bánh tét. Tại sao gọi là bánh tét?Hồi nhỏ, má tôi cũng hỏi bà ngoại như vậy. Ngoại nói:
- Bánh tét gói thành đòn, bự cỡ bắp tay, buộc chặt nhiều nuột bằng dây lạt chuối. Khi muốn ăn, người ăn phải mở dây, lột vỏ bánh như lột vỏ chuối và chỉ lột phân nửa bánh, phần còn lại để lá chuối, lúc cầm bánh khỏi dính tay. Người tét bánh dùng cọng chỉ gấp đôi, miệng cắn đầu gút chỉ, tay quấn cọng chỉ giáp vòng gần đầu đòn bánh, từ từ xiết sâu và lúng vô đòn bánh...nghiêng tay, ngã đòn bánh và khoanh bánh rời khỏi thân, rơi xuống dĩa...
Má nói như nói với một cái chi đó, nó xa xăm lắm:
- Vì, tét bánh tét phải vậy, đời xưa chuyền miệng đến đời nay, gọi là bánh tét.

*
Rồi, chiến tranh tràn về cái làng nghèo ven sông Bảo Định. Người làng lần lượt đùm túm nhau đi tản cư. Gia đình ba má tôi tan đàn xẻ nghé. Hương vị tết từ nồi bánh tét, nấu bằng lửa quê nhà cuối năm không còn. Tiếng bửa củi, tiếng má dặn:Khúc củi nào khó bửa, thường gọi là củi đầu trâu, lựa để riêng, dành cho việc chụm nồi bánh tét...chỉ còn là hoài niệm.
Tôi nhớ hoài câu nói của cậu Năm nói với cô Bảy:
- Món ăn người mình, ngoài món ăn chính còn có món ăn kèm. Kèm nhau cho đúng điệu đời chớ không là ''kèm kẹp''. Kèm mà kẹp là thứ chơi ''cha thiên hạ''. Vả lại, ''món ăn kèm'' không là ''món ăn phụ''. Cũng như, trai lớn lên phải có thiếu nữ kèm. Bởi cái kèm đó, mới thành vợ thành chồng và sanh con đẻ cái.
Cô Bảy cười khúc khích. Cậu Năm xấn vô:
- Như tui với Bảy!
- Đồ quỷ, anh!
Má tôi nói, cậu Năm nói đúng. Bánh tét nhà quê phải ăn kèm với củ cải món.
Do đó, trước tết mươi ngày, má tôi đào củ cải trắng trồng ở liếp ruộng đem về xắt lát phơi thiệt dốt để bỏ mắm. Mùi củ cải quyện cùng mùi nước mắm trong hũ tạo nên hương vị nhà quê khiến, những con người một nắng hai sương, những người con xa xứ, không thể nào quên quê cha đất tổ.
Ra giêng nhà cực ăn, má tôi thường chiên củ cải bỏ mắm ăn với cơm nguội. Trời đất ơi, sao mà ngon khôn tả!Ngon đến đổi, trên nửa thế kỷ trôi qua cuộc đời, tôi vẫn còn thèm, còn nhớ!
Và, có lẽ hương vị bánh tét tết, tôi mang trong lòng cho đến ngày tôi rời bỏ cõi thế gian!

TRẦN BẢO ĐỊNH
quê nhà, những ngày cuối năm Ất Mùi.
*Ảnh:Minh họa, từ nguồn Internet

Thứ Năm, 21 tháng 1, 2016

VÔ CÙNG THƯƠNG TIẾC ĐIÊU KHẮC GIA TRƯƠNG ĐÌNH QUẾ

Điêu khắc gia-họa sĩ 
TRƯƠNG ĐÌNH QUẾ 

sinh ngày 21-12-1936 tại Quảng Nam

 vừa qua đời lúc 5g sáng ngày 21-01-2016 tại Thủ Đức, Sài Gòn.

HƯỞNG THỌ 80 TUỔI

Tốt nghiệp trường Mỹ thuật Gia định năm 1963, ĐKG Trương Đình Quế là một trong những điêu khắc gia hàng đầu ở miền Nam trước 1975. Gần đây ông lưu lại trong lòng người yêu mỹ thuật nhiều tượng chân dung văn nghệ sĩ Miền Nam, như Bùi Giáng, Trịnh Công Sơn, Hoàng Ngọc Tuấn… tác phẩm sau cùng trước khi ông bệnh nặng (2014) là chân dung Nguyễn Đức Sơn tại Phương Bối, bảo Lộc.


Linh cửu Điêu khắc gia Trương Đình Quế được quàng tại nhà tang lễ Phúc An Viên, đường Nguyễn Xiển Quận 9, lễ hỏa táng vào ngày 25-01-2016 (nhằm ngày 16 tháng Chạp năm Ất Mùi)

Xin chia buồn đến chị Trương Đình Quế và tang quyến

Cầu nguyện anh rong chơi cõi khác

nguyễn văn trai - viêm tịnh - nguyễn miên thảo - từ hoài tấn - phan binh- trần hoài -dương đình hùng - võ chân cửu - phù hư - hoàng lộc - đức phổ - hạ đình thao - đặng mậu tựu - thiều anh - hồ đăng thanh ngọc - lê vĩnh thái - nguyên quân - cao hữu điền - trần vĩnh tựu - trần lượng - hồ trọng thuyên - nguyễn đình thuần - trần phá nhạc -lương túy vân và bằng hữu

NỢ PHÙ HOA - THƠ LÊ TUẤN VIỆT


Ta nợ gì nhau, hơn nửa đời cút bắt? 
Ẩn hiện cuối trời huyền hoặc áng mây trôi. 
Đêm sâu thẳm treo nghiêng vành trăng khuyết. 
Bờ lang thang rơi bóng vỡ tan rồi!!!

Ta nợ gì nhau, mãi trông về xa khuất? 
Mây chiều nay nào phải khói đốt đồng 
Hoàng hôn chết ngậm ngùi từng góc phố . 
Rơm rạ gục đầu thương nhớ mênh mông!

Ta nợ gì nhau, những con chữ ngoằn ngoèo bôi xoá? 
Lá xa cành khắc khoải nỗi chia xa. 
Tình một thuở ngàn năm còn xé ruột. 
Nợ một đời cười khóc giữa bao la.

Như con sóng bạc đầu ru hời quanh bờ đá. 
Ta đốt tuổi ru mình trả nợ phù hoa.

Saigon 100116