Thứ Ba, 26 tháng 3, 2013

UỐNG RƯỢU Ở BÀ RỊA - HỒ HGẠC NGỮ

UỐNG RƯỢU Ở BÀ RỊA
Giang hồ hào kiệt quanh bàn rượu
Uống đế Hòa Long chợt đắng lòng
Núi có sông cùng tên chồng vợ
Ta xa người, người nhớ ta không ?

Còn nhớ cái hồi lên Thị Vải
Chặt củi khô về đổi gạo đồng
Đọc sách thánh hiền nhờ rau dại
Câu kinh buồn tụng với mênh mông

Bây giờ vuốt mặt làm kẻ chợ
Tình bằng như có cũng như không
Câu thơ ta viết cho ta đọc
Tri âm còn một bóng trăng trong

A ha ! Trời đất đi không mỏi
Sao ta đi chỉ biết đi vòng
Nhếch môi mép nói lời gian dối
Tung bạc tiền dụ đám mỹ nhân

Ta ư ! Không phải là ta nữa
Kẻ sĩ ngày xưa đã đổi lòng
Thôi hãy uống quên đời đốn mạt
Rượu là bằng hữu tự vô chung !

Hồ Ngạc Ngữ
22.12.2012

Thứ Hai, 25 tháng 3, 2013

NHẸ BƯỚC CHÂN KHUYA - NGUYỄN MIÊN THẢO



NHẸ BƯỚC CHÂN KHUYA

đêm về nhẹ bước chân khuya
những viên gạch cũ nói gì hở em
hoang vu mấy góc cổ thành
hồn xưa vọng tiếng lạnh tanh kiếp người
ở bên trong tiếng nói cười
hình như có hạt lệ rơi ngậm ngùi
khoắc khuya phố thị ngủ rồi
em còn gõ những bước đời buồn tênh

cảm ơn em một đêm buồn
cảm ơn một cuộc tình không lối về

Thứ Bảy, 23 tháng 3, 2013

CÓ CÒN KHÔNG - TRẦM MẶC

Có còn không những dòng thơ trao gửi
ngọt lời ru khi tuổi đã xế chiều
Có còn không vầng trăng non còn đó
gởi lời yêu mát ngọt tháng năm chờ
 
Anh vè bên ấy mưa rơi?
Đường khuya lẽ bóng em ngồi đợi trăng

Thứ Sáu, 22 tháng 3, 2013

CHIA BUỒN

ĐƯỢC TIN 
PHẬT TỬ PHẠM CƯỜNG,PHÁP DANH NGUYÊN BỐI
TỪ TRẦN VÀO LÚC 01 GIỜ 15 NGÀY 11 THÁNG HAI NĂM QUÍ TỴ
NHẰM NGÀY 22 THÁNG 03 NĂM 2013 TẠI LÀNG KHÁNH MỶ, XÃ VINH XUÂN
HUYỆN PHÚ VANG, TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
                                   HƯỞNG THỌ 75 TUỔI

XIN CHIA BUỒN CÙNG TANG QUYẾN VÀ CÁC CHÁU
CẦU NGUYỆN HƯƠNG HỒN CHÚ PHẠM CƯỜNG SỚM VỀ NƯỚC PHẬT

GIA ĐÌNH NGUYỄN VĂN TẢI, NGUYỄN KHÁNH, NGUYỄN VĂN TÀI
NGUYỄN THỊ LIÊN, NGUYỄN MỘNG TUẤN,NGUYỄN VĂN TỤNG

BUỔI SÁNG NGOAN NHƯ MỘT VỊ TU HÀNH - CAO THOẠI CHÂU

BUỔI SÁNG NGOAN NHƯ MỘT VỊ TU HÀNH

1.
Em đứng giữa đôi bờ cây cối
Cành thì xanh nhánh cũng xanh rờn
Tôi nhìn em mà lòng e ngại
Giữa đời buồn cành nhánh lại xanh hơn

Em bước qua cầu đầy những nắng
Ở xa ngàn dặm cũng lung linh
Tóc em bay sợi dài sợi vắn
Những sợi đa đoan kiêm nhiệm vô tình

Em vẽ lông mày em tô son phấn
Đứng ngồi tạo dáng lúc em đi
Tôi chỉ ước chiếc khăn buổi sáng
Yên lặng lau em chẳng nói năng gì

2.
Sư nữ ra vườn đứng nhìn cây lá
Lá ngoan như những đấng tu hành
Sương rất trong không vương cát bụi
Theo Bồ Tát rồi ai dám gọi là em

3.
Tôi xây cho tôi hai bến đò
Buổi ra đi trời xanh mây trắng
Không biết nói nhưng trời hy vọng
Đất buồn tình nở mấy bông hoa

Sáng tôi về trời nặng như chì
Bến hoang vu những lời trách cứ
Hai cái bến đâm ra thừa một cái
Cọp vồ tôi ngay lúc mới quay về

4,
Rải rác biên cương mồ viễn xứ (*)
Sao phần tôi không tới nửa nầm mồ?
21-3- 2013

-------- 
(*) Thơ Quang Dũng


Thứ Năm, 21 tháng 3, 2013

MẶT TIỀN NGHỆ THUẬT - VÕ CHÂN CỮU



Kỳ 5:
Những chồi dương xỉ



“Rừng xưa đã hết”, vùng cao nguyên tôi qua vẫn còn lại những chồi dương xỉ. Mùa khô kéo dài, nhiều loại cây trồng không bung nổi mầm hoa. Nhưng chỉ qua những ngọn gió mang hạt sương đêm, loài cây không hạt nhưng nhờ có mạch thông qua các bào tử, vẫn cho đâm lên chồi  xanh từ những gốc bẹ già khô nám…

Các nhà thực vật học nói rằng loài dương xỉ được trời cho khả năng sinh sản thông qua các bào tử nằm trong lá nên chúng có thể mọc từ dưới đất hay chùm gửi từ một thân cây khác theo cả 2 dòng hữu tính và vô tính. Sự sống thật kỳ diệu, loài thực vật này có thể ví như “thơ”, được không ?
Trên đầu giường tôi hiện 3 tập thơ đáng ghi nhớ của một năm qua. Đó là: “Quá Giang Thuyền Ngược” của Lâm Anh, mang nhãn xuất bản Văn hóa Thông tin phát hành vào tháng 4-2012, Thơ của Vương Từ, và “Ngậm Thẻ Qua Sông” của tác giả Phù Hư do NXB Hội Nhà Văn cấp phép, in hồi quý III - 2012 và quý I - 2013. Cả ba đều là “tác phẩm đầu tay” của các nhà thơ đã khá tuổi đời. Vương Từ sinh năm 1944 ở Phú Vang - Thừa Thiên, làm thơ từ năm 16 tuổi, hiện đang định cư tại Mỹ. Lâm Anh sinh năm 1942 ở Quảng Ngãi, hiện ở tại Cát Tiên, Lâm Đồng;  còn Phù Hư sinh năm 1951, từ nhỏ sống ở Huế, rồi định cư ở Sài Gòn từ 1972 đến nay. Tập thơ của Lâm Anh từng được Thư Ấn quán xuất bản tại Hoa kỳ một năm trước đó. Ngậm Thẻ Qua Sôngđã được Thư Ấn quán dự trù cho in, nhưng không may là nhà xuất bản đang gặp khó (Bà Nguyễn Ngọc Yến, vợ nhà văn Trần Hoài Thư bị  “stroke”, nay chưa hồi phục hẳn). Đáng nói là 3 tập thơ trên khi in tại Việt Nam đều được các bằng hữu tự nguyện lo thủ tục, chi phí in và phát hành.
Hạnh phúc thay các nhà thơ !

Như một cuộc chơi !

 Vô đề

Người xưa uống rượu cùng cây
Giờ ta uống rượu với ngày cùng đêm
Khoe cùng nhật nguyệt hai bên
Rằng ta cũng một ngọn đèn không tim

Đây là một bài thơ tiêu biểu của cách làm thơ Vương Từ. Câu thơ dù có nói trời nói đất, nhưng kết thúc thường mang nỗi ngậm ngùi, như một  sự phát hiện khi “ngộ đạo”. Tính cách ấy đã có khi ông vừa tới tuổi trưởng thành:
        
Chiến tranh và tuổi hai mươi

Trang giấy trắng ngoan hiền chờ ý nghĩ
Có những khi nắng gắt, những oi nồng
Đời bệnh hoạn nằm trong chăn ấm nghĩ
Buồn tiếp buồn và buồn đến mênh mông

Thời trẻ dại qua rồi không nhớ nữa
Mấy người thân gục xuống cũng quên rồi
Chỉ nhớ được tôi còn và tôi sống
Thân khô gầy héo hắt nhớ ngày mai

Bạn bè có mấy người theo mấy thuyết
Tính cuộc đời như tấm lịch hàng năm
Khi tấm lịch trơ bìa cho năm hết
Thì cuộc đời rách nát đến buồn tênh

Em bé nhỏ khóc vô tư đẹp quá
Tôi tính thầm : hai mươi năm nữa tòng quân
Rồi sẽ khóc khi đạn xuyên lồng ngực
Như khóc cho vô nghĩa của đời mình
                                             ( Bản thảo tập Hồn Quê-1963)

Hầu hết các bài thơ của Vương Từ  được bằng hữu lưu giữ. Bởi vì ông có tài…uống rượu, và hành trạng lung tung, lúc ẩn lúc hiện. Thời trẻ, khi thì ông học võ ta, khi thì học đánh bốc, sau lại tập Yoga đến nổi tiếng. Vương Từ rất thích làm hành giả Thiền, và chuyên cần ăn gạo lứt muối mè, nhưng có thể nhịn ăn suốt 30, 40 ngày mà vẫn khỏe mạnh. Nhờ vậy, trước 1975 ông từng được mời đi đăng đàn thuyết trình về gạo lứt và phương pháp dưỡng sinh Oshawa trước các cử tọa chọn lọc ở một trường đại học nổi tiếng. Ông còn có tài thuyết trình về triết học, về Phật giáo, về các công án , về cách định tâm để…làm thơ. Lãnh vực nào ông cũng đưa ra nhiều kiến giải mới lạ. Nên ngồi uống rượu với ông, ai cũng thích. Và khi tới chỗ ngà ngà, ai nấy bắt đầu say, thì Vương Từ lại đọc lên mấy câu thơ chí lý. Không ai biết ông “sáng tác” ra lúc nào mà hợp cảnh hợp tình đến vậy.
      Khi tập thơ đầu tay của ông được in từ Việt Nam gửi sang Mỹ. một người bạn là nhà thơ mang đến khoe với chủ bút tờ tạp chí văn nghệ quen thuộc. Nhà thơ lớn tuổi này xem qua, liền phán: “Đây không phải là thơ”.
Câu thẩm định này thật hợp ý Vương Từ, bỡi lẽ chưa bao giờ ông tự nhận mình là nhà thơ. Chẳng qua đây chỉ là một cách “chơi” giữa cuộc đời phù du..?
Trong phụ lục tập Thơ Vương Từ có bài viết của một người bạn thân :

“Bỏ lại tất cả đằng sau, qua bờ bên kia Thái Bình Dương, tưởng tỉnh để củng cố cuộc sống êm đẹp, nhưng Vương Từ lại làm thơ, cùng lon bia chai rượu ở đất Cờ Hoa. Bạn bè năm châu lại kéo đến, thế là li bì suốt ngày tháng không thôi. Vợ bỏ đi theo người khác, con trai trước cuộc sống mới nhìn cha ngao ngán. Cuộc đời cứ trôi, Vương Từ vẫn say, thơ văn cứ tiếp tục, bạn hữu vây quanh không thể nào cản được – Vương Từ không tiền, không rượu, không nhà, không xe, đêm nằm lạnh lẽo trên đất Mỹ phồn hoa, lây lất say mèm theo năm tháng, vẫn cứ vui, cứ chơi như chưa từng hiện hữu, nhìn cuộc đời như có như không. Từ say lăn ra ngủ, dậy lại say, tưởng chừng đã chết đi, nhưng không, Từ vẫn sống, vẫn tràn đầy tươi đẹp.
Hồn nhiên – Từ Bi – Bình Đẳng – Hạnh phúc cùng trời đất, cùng gạo lứt muối mè…
                                                                                            Hữu Bảo

Trong chuyến du lịch sang Mỹ vừa qua, cứ vài ngày tôi lại tao ngộ nhiều bằng hữu tại căn nhà mà Vương Từ trú ngụ theo kiểu “housing”  sành cho công dân Mỹ. Tôi khẳng định không khí trên là hoàn toàn có thật.

Thơ chết từ đâu ?

Sau ’75 nhiều người làm thơ ở Miền Nam đành cự tuyệt, hoặc dần  xa lánh hẳn nàng thơ. Xã hội khuôn định: cấp trên tất nhiên phải giỏi hơn cấp dưới; năng lực và tính cách mỗi người được hình thành từ ba đời; cái đẹp phải theo các mẫu mực mà quần chúng chấp nhận. Các sáng tác được khen ngợi thường đi vào các đề tài “chân lý”, như cô công nhân phải yêu anh bộ đội mới xứng đôi. “Vì mọi người” nên một nhạc sĩ tài ba như Trịnh Công Sơn, có khi còn phải cảm hứng“lên nông trường, ra biên giới…”
Về lý thuyết, văn nghệ sĩ được tự do sáng tác, không bị ai ra lệnh phải cầm bút viết theo điều này, điều nọ. Nhưng xã hội đã sản sinh thêm cho giới hoạt động trí não một nghề nghiệp có ngạch bậc : biên tập viên. Người làm nghề này không phải chỉ sửa lại câu cú, chính tả cho đúng ngữ pháp mà phải luôn “cảnh giác tư tưởng” về các thế lực thù địch. Một số nhà văn nhà thơ mới nổi tiếng, có nhiều sáng tác được khen ngợi, trong câu chuyện đã tự hào là nhờ chính mình đã biết “tự biên tập” trước khi viết ra chữ.
Văn hóa-văn nghệ được xem là một mặt trận, nên những người từng sáng tác văn-thơ-nhạc-họa luôn được khuyến khích. Ngoài các báo trung ương, báo tỉnh, thì các ngành từ tỉnh xuống huyện, lắm nơi tận  các xã được khuyến khích xuất bản các tập san có nhiều sáng tác. Trăm hoa đua nở !
Anh Phan Lạc Dân vốn được nhiều bạn học cũ biết là tác giả nhiều bài thơ thấm đậm tim người. Năm 1984, anh đang là giáo viên trong biên chế, thì huyện Bảo Lộc phát động người có năng lực thi đua sáng tác để huyện xuất bản tờ tập san đầu tiên. Một cây bút từng tham gia phong trào đầu tranh chống chế độ cũ là nhà văn T.D.B.C. Sau thời gian công tác ở Đoàn Thanh Niên, ông được đề cử lên nhận chức Phó chủ tịch Mặt trận của huyện. Có lẽ gặp cơ hội nên ông muốn chứng minh với các cấp trên về tài tổ chức, tài huy động quần chúng của cá nhân mình. Phan Lạc Dân đã “nắn nót” bài thơ viết về quê hương mới, trong đó có hai câu rất hợp với thực tế, là:
                            …Cuộc sống vẫn quanh đây
                                Chiếc cầu tre rung rinh khúc khỉu
                                Nhiều gian khổ đi qua…

“Nhà văn” Phó chủ tịch Mặt trận là người tổ chức tờ đặc san và kiêm luôn công tác biên tập. Đọc qua, ông liền lấy bút gạch chéo 3 câu thơ có tính than vãn nói trên, sửa lại thành một câu mang tính “khái quát”, hợp với cách nhìn của giới lãnh đạo : “Cuộc sống còn gian khó”.Bài thơ được đăng trong tờ tập san tròn trịa. Năm sau, nhà văn có đầu óc tổ chức ấy đã được tiến cử về tỉnh để nhậm chức Phó chủ tịch Hội văn học nghệ thuật, phụ trách làm một tờ tập san văn nghệ có tầm cỡ. Mấy năm sau đó, theo trào lưu đổi mới, nhà văn quan chức ấy bỗng muốn vươn vai, đưa tờ tạp chí của tỉnh thành ngọn cờ đầu của phong trào cởi trói văn nghệ. Ông trở thành một “cây bút đổi mới”, nổi tiếng với nhiều “bút ký chính trị”. Nhưng không biết ông còn nhớ lại chuyện xưa không. Văn chương bây giờ dành nhiều cửa cho những người biết lấy nó làm phương tiện trên đường quan chức, hay để tạo tiếng tăm, lấy nó làm bàn đạp trên đường đời nhiều toan tính. Hiểu ra điều ấy, nên Phan Lạc Dân sau đó đã tự xin nghỉ dạy học, về nhà làm vườn mà sống. Và không hề làm thơ đăng báo nữa.
Vào thời điểm năm 1985, ông Nguyễn Lâm Anh vì hoàn cảnh nghèo nên “xung phong” đưa gia đình đi khai khẩn vùng đất mới mà tỉnh Nghĩa Bình xây dựng tại vùng phía nam huyện Bảo Lộc. Vùng đất này sau trở thành 3 huyện mới. Huyện Cát Tiên là nơi Lâm Anh lập nghiệp.

Làm thơ đã lâu năm, dù chưa được nhiều người biết đến, nhưng lên vùng đất mới, Lâm Anh lại vẫn tiếp tục làm thơ về những gì mà ông xúc động:

Tám năm đi

Ra đi…hồn trắng và tay trắng
Trắng cả trời quê - trắng mái nhà
Mẹ cũng vì ta mà trắng giọng
Nuốt vô lòng trắng mắt thay cha

Ra đi trong túi bài thơ đợi
- Ừ có chút gì để bọc theo
Đường xa trùng vạn đường cong quéo
Đời ta tắp tắp quạnh chân nghèo
……….
Tám năm tám cuộc đời xiêu vẹo
Tình như dao rựa chém đầu cây
Sương gió thay em hằn lên trán
Mừng xuân trời cho những áng mây…

Nhà văn Nguyễn Lệ Uyên cảm nhận: Lâm Anh, dòng thơ của kẻ bị lưu đày. Còn Trần Hoài Thư   cho rằng: “Thơ ông chính là hơi thở. Và hơi thở chính là thơ ông. Ôngthì gánh giùm khổ nạn. Ông chở giùm hạnh phúc. Ông mang giùm quê hương. Ông tải giùm mồ hôi và nước mắt. Ông hít thở giùm sương mù, sương muối ở vùng heo hút Cát tiên. Ông hứng giùm bát trăng trên vùng núi đồi trùng điệp. Ông mặc giùm chiếc áo cũ tang thương.”
“Chiếc áo cũ” mà ông mua trong một lần từ vùng kinh tế mới ngược về thăm quê đã thành một bài thơ dài, khá xúc động:

Ta mua chiếc áo cũ
Với giá bốn mươi đồng
Quảng Ngãi chiều gió bấc
Quảng Ngãi đầy mùa đông

Ta đứng thay áo mới
Giữa chợ đời ngược xuôi
Ta ngắm ta như núi
Giữa đất trời rộng thênh

Ta đứng thay áo mới
Như mặc vào vạn phương
Áo thơm mùi rạ ẩm
Ồ không ! mùi máu xương….
………

Áo thu xanh vàng nắng
Đẫm xót tình quê hương
Ta sờ tay vô túi
Bỗng đụng nhầm khói sương !

Ta-sờ - tay – vô – túi
Mới hay rằng trong áo
Có bóng chiều ải quan
Ôm bước về hoang mang
……..
Nhà thơ tiếp tục sở tay vô chiếc áo cũ và thấy gặp trong áo có một bầy ngựa hoang…; có một góc trời đen; có một vầng nguyệt chết - giữa mộ đời giá băng…Và rồi ông đã kêu lên: Ôi ! Ai về trong áo. Trong túi chiếc áo cũ, ông thấy cả người Mang thánh giá trên lưng, Mang mộ sầu trên mặt. Hoặc Mang bóng hình vọng phu…Để bây giờ trong áo, Có em rã lệ hồng, Trong đường kim mối chỉ, Trong nút mòn khuy long…

Ở tận vùng heo hút, vì cuộc sống giao thiệp, Lâm Anh cũng gật đầu khi được gọi gia nhập vào Hội văn nghệ địa phương. Nhưng suốt những dòng thơ viết ra, ông không hề dùng ngôn ngữ khẩu hiệu để tán dương những gì cấp trên kêu gọi; không ca ngợi “cuộc sống mới ấm no hạnh phúc” một con vẹt. Mà ông biết khám phá những bí ẩn vi diệu, như trong bài:

Tám Năm
                                          (Tặng Trần Phá Nhạc)

Lột…tiếng chim
dán…đầu cây
          Tám năm
          về gỡ
          làm trầy mùi hương

                          Sớm mai
                          Nắng lấm đỏ vườn
                                   Mùi-chim-nào-chín
                                    tận phương trời chiều.

Thơ có bị đời sống chính trị chi phối hay không cũng tùy thuộc vào bản lĩnh và căn cơ của mỗi người.

“Nín thở” qua sông

Ở một số vùng quê nghèo, cách nay không lâu, người ta vẫn chứng kiến cảnh những con đò chòng chành chở đầy ắp những trẻ con đi học. Có nơi, học trò vẫn còn đu dây nín thở lao qua sông đến trường.
Do hoàn cảnh không thể cưỡng được, nhiều người làm thơ cũng đành nín lặng suốt một thời gian dài. Nên phải tới 62 tuổi như Phù Hư mới ra mắt được tập thơ đầu tay. Đây không phải là chuyện lạ.
Mùa hè năm 1969, tranh thủ lúc chờ kết quả sau kỳ thi tú tài, từ Sài Gòn tôi lại xách gói lê gót giang hồ đi các tỉnh, và ra tận đến Huế. Lớp làm văn nghệ nhỉnh tuổi hơn một chút ở đây đều vướng bận thời thế sau biến cố Tết Mậu Thân. Tiếp đón tôi tại làng Tây Lộc là 3 người bạn mới quen biết qua thư từ sách báo: các anh Trần Hữu Nghiễm (đã mất 2006), Ngô Cang, và Nguyễn Đắc Ngân tức Phù Hư về sau. Lúc bây giờ trên tạp chí văn nghệ Khởi Hành bộ cũ (nhà thơ Viên Linh chưa về nắm), chúng tôi đã đăng bài ký tên với nhiều bút hiệu nay không dùng nữa. Khi được giới văn nghệ biết tên, chúng tôi vẫn thường liên lạc qua lại.
Năm 1972 Phù Hư bị đôn quân, phải vào khóa 8 trường sĩ quan Thủ Đức. Ngay năm đó, với những bài thơ lấy đề tài chiến tranh đăng trên Tập san Văn như “Ngậm Thẻ Qua Sông”, “Đồn Sơn Yểm”…Phù Hư bỗng nổi tiếng như cồn. Nhưng giọng thơ anh thật khác với một Hà Thúc Sinh mang hào khí chỉ huy, hay một Nguyễn Bắc Sơn ngang tàng coi “chiến tranh này như một trò chơi”.Nhiều độc giả qua sách báo rất tò mò nhưng đều không biết chàng thi sĩ Phù Hư này đang ở đơn vị nào.
Đọc những đoạn như:
                          …Qua suối nước nguồn cao tới ngực
Súng dong cao địch tưởng ta hàng
Quần áo ướt dầm không khí ẩm
Da nhờn rít thấm gió mùa sang

Đi mãi quanh năm với núi rừng
Ngoái nhìn trùng điệp núi phương Đông
Ngước mặt cây mù bưng bóng tối
Hai bên bờ bụi xót xa lòng…

                       ( Bài Quân Bộ Khúc, 1973)

Có lẽ ai cũng tưởng rằng anh thi sĩ này rất gian khổ khi hành quân lắm.
Mãi những năm gần đây, nhà văn chuyên bình thơ là ông Trần Văn Nam khi viết về những bài thơ hay, qua bài “Về bài thơ Ngậm thẻ qua sông” (của Phù Hư  đăng trên Văn 1972) trên gio-o.com đã nêu :“Lại có những người đã vào hẳn quân ngũ, đã hành quân xuôi ngược khắp nơi, nhưng thơ vẫn là thơ tình đời thường, như kể chuyện trong thời gian hành quân tạm trú bên hông nhà một thường dân (dù được mời vào ở trong nhà, nhưng khước từ vì không muốn gia chủ khó xử và bận rộn)…”
Đầu tháng 3-2013, sau khi “Ngậm Thẻ Qua Sông” được tổ chức ra mắt. Trang Web khá quen thuộc của một cây bút trong Hội nhà văn VN khi đưa tin cũng xem Phù Hư từng là một người lính đã tham gia nhiều chiến trận…
Thực sự là sau khi Phù Hư vào trường sĩ quan Thủ Đức khoảng 3 tháng, được gắn hình con cá lên cầu vai (tức đã qua giai đoạn tập sự, được công nhận là sinh viên sĩ quan) thì trong dịp đầu tiên được đi phép ra khỏi trường, anh đã…đào ngũ luôn. Anh về “chạy” giấy tờ đổi tên khác, mang tuổi nhỏ hơn. Anh sống “bí ẩn” nhưng tiếp tục làm thơ đăng báo. Nhờ vậy tới ngày 30-4-1975 Nguyễn Đắc Ngân được hoàn toàn tự do, không phải vào trại cải tạo. Tới thời điểm năm 1977 “thóc cao gạo kém”,  Phù Hư đã nhanh chân theo nghề “răng vàng bạc vụn”. Và anh cũng đã truyền lại cho tôi một số bí quyết ve chai.

Một bài thơ hay có thể cấu thành từ một cảm xúc thật, từ khung cảnh “gần với sự thật” mình mới tiếp cận sơ qua ? Đây mãi mãi là bí ẩn của nghệ thuật ! Dù gì đi nữa thì anh cũng đã nín thở được tới ngày qua sông. Như khi “ngậm thẻ” trong đầu :

Nghĩ về thơ

thơ đi tu thành Phật
Phật rong chơi lâu ngày biến thành thơ
nửa thơ, nửa Phật lật đật
thành Phật, thành thơ ngơ ngơ
nam mô tận hư không biến pháp giới
              quá hiện vị lai chư Phật, chư thơ.

Đó là bài thơ đầu tiên của tập “Ngậm Thẻ qua sông”. Nếu đã qua tới bên kia bờ, thơ đi tu thành Phật,  hãy quên chiếc bè đã đưa người sang sông ?
                                                                                            
(Còn tiếp)

Thứ Tư, 20 tháng 3, 2013

TRÊN BỜ HƯ KHÔNG - NGUỄN ĐỨC SƠN


TRÊN BỜ HƯ KHÔNG
một đêm sao ở trên rừng
đua nhau rụng xuống chào mừng nhân gian
hồn tôi cây cối liên hoan
rưng rưng tôi thấy trăm ngàn ước mơ
tuổi vàng suối mộng trời thơ
lớn lên tôi chết trên bờ hư không

Thứ Ba, 19 tháng 3, 2013

CHÚC MỪNG CÀ PHÊ BÌNH AN KHAI TRƯƠNG

Ngày 16 tháng 3 năm 2013 quán Cà phê Bình An khai trương tại 38/12 đường Tịnh Tâm,thành phố Huế,
Xin chúc mừng Sơn - Thiều Anh

Thứ Hai, 18 tháng 3, 2013

VÀNG PHAI ÁO LỤA - NGUYỄN MIÊN THẢO




Anh về Thiên Trúc nghe kinh
Tình yêu xanh đến vô cùng em ơi
Vô Thường mấy độ dạo chơi
Chiều thu,áo lụa vàng phơi điếng hồn
Em đi lặng ngắt hoàng hôn
Và anh theo dấu trăng non cuối ngày
Vời trông theo dáng hao gầy
Thương em chỉ biết giải bày cùng trăng