Thứ Ba, 13 tháng 2, 2007


Nghịch lý tàu cao tốc Trung Quốc







Một tàu cao tốc ở Thượng Hải - Ảnh: AFP
Trong lúc Bắc Kinh tăng cường chào hàng công nghệ tàu cao tốc ra nước ngoài thì dịch vụ này lại đang “bỏ quên” hàng triệu người nghèo trong nước.
Trung Quốc đang vận hành mạng lưới đường sắt cao tốc dài nhất thế giới với tổng chiều dài hơn 7.500 km. Đến cuối năm 2012, con số này dự kiến sẽ tăng lên 13.000 km, theo tờ Nhân Dân nhật báo. Trong 5 năm tới, Bắc Kinh sẽ đầu tư từ 3.000 -4.000 tỉ nhân dân tệ (NDT) với tham vọng phát triển tuyến đường sắt cao tốc nhanh nhất thế giới, Tân Hoa xã đưa tin.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng đang nỗ lực xâm nhập vào thị trường đường sắt cao tốc toàn cầu. Hiện nhà sản xuất tàu cao tốc lớn nhất của Trung Quốc là Tập đoàn CSR đứng thứ 3 thế giới về lĩnh vực này. CSR và một công ty khác của Trung Quốc đang thương lượng 4 hợp đồng trị giá 800 triệu USD với các công ty Anh, theo South China Morning Post (SCMP). CSR và Tập đoàn General Electrics của Mỹ cũng ký kết thỏa thuận thành lập liên doanh sản xuất tàu cao tốc và khai thác thị trường Mỹ.
Bên cạnh đó, CSR cũng sẽ tập trung vào thị trường các nước đang phát triển. Bắc Kinh đang xúc tiến hợp tác xây dựng đường sắt cao tốc tới nhiều nước Đông Nam Á. Trong tháng 4.2011, các dự án nối tỉnh Vân Nam với Vientiane, Lào sẽ được khởi công, theo Nhân Dân nhật báo.
“Bị cao tốc”
Tuy nhiên, nhiều người dân trong nước, đặc biệt là lao động nhập cư, lại không có khả năng sử dụng tàu cao tốc vì vé quá đắt. Vì thế, họ vẫn phải trải qua những ngày khổ sở giành giật từng tấm vé tàu hỏa để về quê ăn Tết Tân Mão.
Ngành đường sắt Trung Quốc ước tính có 230 triệu lượt người đi tàu hỏa trong dịp tết vừa qua, kéo dài 40 ngày, bắt đầu từ ngày 19.1, theo Tân Hoa xã. Một con số khổng lồ bất chấp việc giới chức tự tin rằng tàu cao tốc sẽ giúp giảm tải cho tàu thường. Một người đàn ông họ Từ cho hay ông phải xếp hàng một ngày một đêm mới mua được vé từ Bắc Kinh về Tứ Xuyên. “Đó là cuộc chiến”, Tân Hoa xã dẫn lời ông cảm thán.
Chuyện xếp hàng suốt nhiều giờ liền nhưng vẫn không có vé đã khiến một người nổi khùng thoát y và xông thẳng vào văn phòng nhà ga khiếu kiện. Theo China Daily, công nhân Trần Vĩ Vĩ xếp hàng suốt 14 giờ liên tục tại nhà ga ở tỉnh Chiết Giang nhưng không mua được vé về Hà Nam. Những tấm hình chụp ông này vận mỗi quần lót và đôi vớ đã trở thành một hiện tượng trên internet và nhận được sự thông cảm của nhiều người.
Trong khi đó, Thứ trưởng Đường sắt Trung Quốc Vương Chí Quốc hôm 30.1 cho biết gần 20% hành khách chọn dịch vụ tàu cao tốc trong mùa tết. Tuy nhiên, giới chuyên gia và truyền thông lo ngại người dân buộc phải mua vé tàu cao tốc khi không mua được vé thông thường. Tân Hoa xã dẫn lời ông Lưu Vệ Đông cho biết sau khi chờ 5 giờ mà vẫn trắng tay, vợ chồng ông đành bóp bụng mua 3 vé tàu cao tốc từ Hàng Châu về Nam Xương. Giá vé tàu cao tốc hạng hai cho tuyến này lên tới 199 NDT (hơn 590.000 đồng), trong khi vé thường chỉ có 76 NDT. Chuyến về quê lần này khiến ông mất 400 NDT. “Đi tàu cao tốc sẽ rút ngắn nhiều giờ, nhưng tôi thà đứng 40 giờ trên tàu thường. Đối với chúng tôi, 400 NDT là số tiền rất lớn”, ông Lưu than. Ông cho biết nhiều đồng hương không mua được vé tàu thường và cũng không trả nổi cho vé tàu cao tốc nên đành bỏ ý định về quê ăn tết. “Tàu cao tốc dành cho người giàu, chẳng liên quan gì đến chúng tôi”, ông Lưu nhận định.
Trần Vĩ Vĩ (phải) trong văn phòng nhà ga tỉnh Chiết Giang - Ảnh: China Daily
Ngoài ra, còn có tình trạng vài tuyến đường sắt truyền thống ngưng hoạt động nhường cho đường cao tốc. Trên các trang mạng của Trung Quốc vừa xuất hiện từ “bei gaosu” (bị cao tốc), có nghĩa là buộc phải cắn răng mua vé tàu cao tốc, theo CNN.
Không có ý nghĩa
Những người ủng hộ cho rằng hệ thống đường sắt cao tốc tạo ra nhiều việc làm và một khi hoàn tất hệ thống này sẽ giải phóng đường sắt truyền thống, tiết kiệm được nguồn tài nguyên và cải thiện môi trường. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định đường sắt cao tốc không phải là giải pháp tốt nhất để giảm tải hệ thống giao thông của Trung Quốc. “Đường sắt cao tốc không có ý nghĩa gì đối với người Trung Quốc”, CNN dẫn lời ông Triệu Kiến, giáo sư nghiên cứu về kinh tế đường sắt tại Đại học Giao thông Bắc Kinh nhận định. Ông phân tích: “Tại sao? Vì nó quá đắt. Chi phí xây dựng và vận hành quá cao. Tôi nghĩ người Trung Quốc không kham nổi giá vé. Hiện đường sắt cao tốc đang lỗ nặng”. Theo tờ SCMP, nhiều tàu cao tốc đang vận hành ế chỏng chơ.
Ông Lưu, một nhà nghiên cứu tại Đại học Nam Khai ở Thiên Tân cho rằng so với xe buýt, máy bay, và tàu hỏa thông thường, tàu cao tốc ít thu hút khách và giá vé vượt quá tầm tay của lao động nhập cư và sinh viên. “Cho đến nay, hệ thống đường tàu cao tốc không cho thấy dấu hiệu góp phần giảm áp lực lên mạng giao thông trong dịp tết”, ông Lưu viết trong bài bình luận đăng trên tờ China Daily hôm 31.1. Ông nhấn mạnh việc xây dựng các đường cao tốc mới và đưa tàu vào sử dụng sẽ gây lãng phí rất lớn về tiền bạc và nguồn lực vì ngay cả trong dịp tết chúng còn không được sử dụng hết công suất.