Thứ Năm, 28 tháng 1, 2016

BỌT BÈO CÙNG THƠ - THƠ LÊ NA


Ti toe phượng thắp môi cười
Hí hửng em xuống phố người trần gian
Tính tình bướng bỉnh ngang ngang
Lúc sinh ra đạp rách toang bọc điều .

Mẹ nói mình giống chằn hiu
Ốm nhom nhách cứ liu riu khóc nhè
Lớn chút nữa lắm bạn bè
Ham chơi hơn học - ngựa xe xập xình .

Mười sáu tuổi biết yêu anh
Hay thơ thẩn - mắt rập rình hái sao
Cứ T.T.KH nghêu ngao
Mơ là nàng ấy - nôn nao kiếm tìm .

Than ôi !...Tài kém mộng chìm
Hoa trôi mùa lỡ còn thèm chiêm bao
Tháng tư sinh nhật - nghẹn ngào
Vẫn ta cháy bỏng bọt bèo cùng thơ .

Thứ Hai, 25 tháng 1, 2016

CANH CHUA CÁ ĐỐI-NGỌN RẠCH BÀ TÀU - TRẦN BẢO ĐỊNH

c à l ă m c h u y ệ n đ ờ i c u ố i n ă m
CANH CHUA
CÁ ĐỐI-NGỌN RẠCH BÀ TÀU
nước mắm ngon dầm con cá đối
em biểu anh chờ để tối em qua!
(ca dao)
1.
Các lão nông tri điền làng tôi thường nhắc nhở con cháu:
- Người có xương sống, xương sườn. Đất có sông, có rạch. Rạch có ngọn có vàm. Nước khi ròng, khi lớn. Thịnh suy, tùy lúc tùy thời. Thường thì, phò thịnh chớ mấy ai phò suy?Cho nên xét người, xét việc, phải có đầu có đít. Lấy cái tôi, bắt người giống mình là, thua con cá đối(?)
Rồi, sự thế nhì nhằng như cuộc mây mưa đến hồi cụp lạc, sướng đâu chưa rõ lắm, nhưng tôi vẫn thuộc nằm lòng lời ''khuôn vàng thước ngọc''của các lão nông. Lớn lên má cho đi học, biết đánh vần ráp chữ, biết đọc biết viết...ngặt nỗi ''nhảy lỗ trổ'' bỏ qua bước ''khai tâm'', nên cuộc đời lên bờ xuống ruộng. Tôi cằn nhằn má.
Má nói:
- Hổng phải đâu con, tâm tự nó là tâm. Tâm chớ đâu là mương mà khai với mở?
Sợ cái đầu ngu của tôi chưa thông, má phân giải:
- Vả lại, cái ông Khổng Khâu gì đó ở tận bên Tàu, từng dạy môn đệ rằng:''Nhân chi sơ, tính bổn thiện''. Đã là, tính bổn thiện từ hồi mới lọt lòng mẹ, cần chi mở với khai tâm?
Thấy má vui, sẵn trớn tôi hỏi má:
- Người làng mình thường dạy con cháu:''Lấy cái tôi, bắt người giống mình là, thua con cá đối!''. Nói vậy, nghĩa là sao má?
*
Cá đối sống ngọn rạch Bà Tàu là, loại cá đối nước ngọt. Đầu nó dẹt, nhảy cao, bơi nhanh. Mùa lúa ngậm sữa, nó thích bơi sâu vô ruộng để ăn nhụy bông hột lúa rụng, khi đôi môi hột lúa mím chặt ngậm sữa. Tùy môi trường thiên nhiên, cá đối thích hợp vùng nước mặn, lợ, ngọt...Nó tự thích nghi theo vùng nước, chớ không phải vùng nước thích nghi theo nó.
Sông Bảo Định có nhiều rạch. Trong đó, có rạch Bà Tàu. Một người đàn bà người Tàu, theo bước chưn lưu dân khẩn hoang trên sở đất có con rạch. Bà dựng lều lập quán, bắt cầu khỉ qua rạch để lưu dân dễ dàng lui tới mua hàng hóa. Lâu ngày, những bước chưn người làm nên lối mòn và thời gian biến đổi lối mòn thành con đường thì, con rạch, cây cầu...nghiễm nhiên mang tên bà. Đó cũng là, một cách của người Việt bày tỏ tấm lòng tri ân với, những ai có công đóng góp vào cuộc sống cộng đồng. Con cá đối chọn ngọn rạch làm quê hương vì, nó đẻ con vào cuối thu đầu đông, nó cần nguồn thức ăn sau khi đẻ cho nó, cho con;chi bằng chọn chốn dung thân nơi ngọn rạch là, nơi hứng trọn nguồn thức ăn từ cánh đồng mênh mông đổ về.
Trời sinh voi, sinh cỏ. Không sinh cỏ, trời chẳng hưỡn sinh voi. Người không nuôi, không dưỡng cá đối;chỉ hì hụp hám ăn, tận diệt. Thử hỏi, của nào chịu thấu?Cá đối chỉ còn nước, kêu:''Người làm hơn trời!''. Bàn dân thiên hạ, gọi:''Thằng làm hơn trời!''và không quên thêm câu trù ẻo:''Thằng trời đánh, thánh đâm!''. Với cá đối, dù sinh sống ở phương nào, vùng duyên hải nhiệt đới hoặc ôn đới;độ nước nông hay sâu thì, nó cũng sống cùng tập quán thành đàn trên con sông cái rạch do cả đàn chọn lựa. Nó không có ''lãnh chúa'', không có ''đầu đàn'' như các loài cá khác. Nó không có số phận cam chịu bởi, nó chịu mà không cam dù bản năng của nó ''đồng cam cộng khổ"
Khi cuộc đời trải qua ''trầy vi tróc vảy'', tôi mới thấm và hiểu ''cái tôi''đáng ghét, đáng xấu hổ thế nào, trước con cá đối!
2.
Kỳ nghỉ học, hè 1961.
Tôi trở về mái nhà xưa của má, gặp lúc người trong xóm đi đăng cá đối ở ngọn rạch Bà Tàu. Tôi háo hức đi theo. Trước là, phụ hợ mang các ngư cụ đăng;sau là, bắt hôi với mấy đứa bạn cùng trang lứa. Trên đường đi, đoàn người chuyện vãng râm ran, chợt có tiếng ai đó cất lên:''Đờn ông như cái đăng, đờn bà như cái đó'' từ phía sau. Tôi ngoái lại, thì ra thiếm Hai Đực!
Tới ngã ba bờ, tôi đứng lại để hỏi thiếm Hai cho ra lẽ:Tại sao, đờn ông như cái đăng, đờn bà như cái đó?Thiếm Hai cười:
- Đúng là, học trò!
- Học trò đi mò cá sặc, phải hôn?
Chú Sáu Cửng, chọt vô.
Thiếm Hai, nẹt:
- Mắc dịch, anh!Thằng học trò nó không biết, mình chỉ cho nó biết để mai kia mốt nọ, nó nhớ cội nhớ nguồn. Đúng y rằng, tên sao người vậy!
Thiếm, cháu đi chậm rãi. Thiếm nói:
- Bà con xóm mình lấy cây sậy bện chặt thành tấm gọi là tấm đăng, dạo cao áng chừng 2m. Đó, cũng dùng cây sậy bện hình trụ tròn, đường kính khoảng 5 tấc, cao độ 2m và có hom dài chạy theo thân, cá vô được mà ra không được.
Thiếm giải thích thêm:
- Cây sậy xuống nước nó tươi và sống, dùng lâu mục hơn các loại cây khác.
Tôi hỏi:
- Vậy, ngày nào mình đi đăng bắt cá đối cũng được, hả thiếm?
Thiếm đi nhanh, nói nhanh vì, sợ không theo kịp đoàn.
- Mỗi tháng, có 2 con nước kém:Con nước đầu tháng, từ mồng 8 đến mồng 10. Con nước cuối tháng, từ 23 đến 25 âm lịch. Mình đăng lúc con nước đương lớn hoặc con nước vừa nhóm giựt ròng.
Thiếm vội kết thúc câu chuyện, nói chắc như bắp:
- Cái đăng ví cá, cái đó hứng cá. Đờn ông đùa vô, đờn bà cất giữ. Nhưng, gặp phải con đờn bà khoái ăn nem thì, thằng đờn ông mất cả đăng cả đó!
Tôi nghe ba hụt ba trớt, hỏi:
- Thiếm nói cái gì, thiếm Hai?
- Thì, tau nói đờn ông ''ăn chả'' bị vợ túm cổ, chối lên chối xuống, thề bán mạng... mong được vợ tha thứ để trở về nhà. Đờn bà ''ăn nem'', bị chồng bắt tại trận tiền. Vợ dứt khoát không chối
bởi, sẽ bỏ nhà đi luôn!
- Ý, Trời!
Tôi thảng thốt.
*
Những tấm đăng lần lượt nối nhau khép kín ngọn rạch Bà Tàu. Sự sống của cá đối được tính từng mực nước giựt ròng. Tự dưng tôi thương con cá đối. ''Nước mắm ngon dầm con cá đối''. Có phải rằng, cá đối đòi hỏi con người muốn ăn thịt nó thì, dầm nó vào nước mắm ngon!?Nó chọn lựa nơi nó chết?Hay, chính nó mần nên nước mắm dở thành ngon?''Em biểu anh chờ để tối em qua!''. Sao em không chờ mà lại là anh?Đờn ông đói mắt, đờn bà đói tai(?)Cá đối mái luôn giữ vài trò khởi xướng, cá đối đực mần theo. Nó biết chi chế độ ''mẫu hệ'' nhưng, tập quán vốn có từ bản năng, nó ''phụ xướng, phu tùy''. Khác với người chỗ đó.
Tôi ngồi trên bờ rạch nghỉ bông lông. Nước ròng rút nhanh. Từng đàn cá đối từ các khe dừa nước tràn ra lòng ngọn rạch, hình như nó phát hiện điều nguy cấp từ những tấm đăng vững hơn bức tường thành, ngăn chặn dòng nước chảy. Từng đàn cá đối không chọn cách chui đăng trốn. Có lẽ, nó phát hiện bẫy của cái đó. Nó chọn con đường sống bằng sự dũng mãnh, nối nhau quẩy đuôi, quậy nước đục ngầu, cố phá đăng vượt ra sông.
Từng con cá đối mái bụng mang dạ chửa, bơi dạt xa, lấy đà và cố hết sức tung mình lên trời xanh, phóng qua tấm đăng tìm sự sống. Hàng loạt cá đối đực phóng theo cá đối mái. Tôi có cảm giác, mặt nước ngọn rạch Bà Tàu chao dữ dội như đang bị cơn địa chấn!
Nó không thể tưởng, sau bức đăng là những chiếc xuồng ken nối nhau, chực chờ hứng bắt nó.
Sự quỷ quyệt con người do trí khôn tạo ra, khiến cái ác thú tính từ con trổi dậy, che khuất chất người. Tôi từ chối tôi, bỏ ý định tham dự vào cuộc bắt hôi cá đối…
*
- Mấy đứa mần kỹ cá đối mái, khéo dập trứng. Nhớ ướp ngũ vị hương!
Tiếng thiếm Hai từ bếp, nói vọng ra cầu ao.
Chú Sáu Cửng lui cui thổi lửa, lấy than nướng cá. Chú lầm bầm:
- Người mình nghĩ cũng lạ, cái gì nấu nướng thịt cá cũng ướp ngũ vị hương mà, ngũ vị hương là 5 thứ gia vị của anh ba tàu, chớ có phải của mình.
Nói lầm bầm một mình, tưởng không ai nghe. Nào ngờ, lỗ tai thiếm Hai thính hơn lỗ tai nai.
- Sao?Anh Sáu nói sao?Ông bà mình trước mần sao, nay mình bắt chước mần vậy. Tôi hỏi anh, cá không ướp ngũ vị hương thì, ướp cái gì?
Thiếm Sáu sừng cồ, tay hất chéo khăn rằn ôm búi tóc;
Chú Sáu vừa rút bớt củi ra, vừa nói phân bua.
- Ba tàu có ngũ vị hương, người Việt có bát vị mùi!Ướp ngũ vị hương chẳng qua do thói quen, chớ không phân biệt ngon hay dở. Hương có sau mùi. Vì vậy, ông bà mình gọi mùi hương. Xưa nay, có ai gọi ''hương mùi'' bao giờ. Cái mùi ở lại với mình cho đến chết, cái hương sẽ bay đi và nếu có thể, nó cũng chỉ là sự chạnh lòng, luyến nhớ trong hoài niệm.
Thiếm Hai giẫy nẩy như đỉa phải vôi.
- Nghe anh Sáu lý sự, mệt quá!
Sực nhớ, chẳng lẽ mình thua ngang cái thằng cha mắc dịch nầy. Thiếm Hai giở giọng ví:
- Hồi nãy anh Sáu nói, người mình có bửu bối ''bát vị mùi''không xài, lại xài thứ đồ bỏ của anh ba tàu. Đâu anh kể ''bát vị mùi''đó, cho tui nghe thử coi!
Mọi người tạm ngưng mần cá đối, xúm nhau nghe. Có tiếng người xù xì to nhỏ:
- Phen nầy, Sáu Cửng nhảy cà cửng biết tay, bỏ tật xạo xự!
Chú Sáu nói tỉnh bơ:
- Gia vị người Việt có 8 mùi vị: Chua-Chát- Ngọt -Bùi-Mặn-Lạt-Cay-Đắng. Tám mùi vị độc đáo hội tụ trong nồi canh chua thuộc món''quốc hồn quốc túy''của người Việt. Xin lỗi, nói chẳng phải nói ''nổ, tự sướng'', nhân loại thế giới nầy, có nơi nào sánh kịp. Tám mùi vị chứa đựng càn khôn bát quái, nằm trọn trong vòng lưỡng nghi. Cho nên, từ xa xưa 8 mùi vị đó đã làm nên hồn cốt ''văn hóa ẩm thực'' của dân tộc Việt, vững vàng trước phong ba bão táp. Mọi kẻ thù bất kể từ đâu tới, cũng ''thúc thủ quy hàng'' rốt cuộc cuốn cờ:Chạy!Và, gái Việt là người đi mở cõi, là mẹ của mẹ trong thiên hạ bất luận bạn hay thù!
Không đợi mọi người truy hỏi, Chú Sáu nói một lèo:
- Ca dao, tục ngữ...và các loại văn chương truyền miệng khác, đã nuôi dưỡng tâm hồn Việt, tạo cốt cách rất riêng, rất đặc thù Việt. Đó là, Chua:''Vắt chanh bỏ vỏ". Chát:''Ăn muối còn hơn ăn chuối chát!''. Ngọt:''Lời ngọt lọt đến xương!''. Bùi:''Chia ngọt xẻ bùi". Mặn:''Cá không ăn muối cá ươn''. Lạt:''Ăn lạt mới biết thương mèo!''. Cay:''Ngậm cay, nuốt đắng''. Đắng:''Thuốc đắng đã tật''. Tui học lóm được nhiêu đó thì, tui nói nhiêu đó. Cả cái xóm Bà Tàu nghèo mạt hạng, mấy ai biết chữ, trừ cậu học trò. Mình giữ được cái nghĩa không từ cái chữ mà, từ cái truyền miệng
đời nầy, dắt dây qua đời khác.
Đang thao thao bất tuyệt, chú đột ngột túm lại:
- Con cá đối nó chết vì thịt nó ngon. Con người chết vì...
Mọi người nghe chú nuốt nước bọt, rồi nói một câu xanh dờn:
- Chị Hai hỏi nữa, thằng Sáu Cửng sẽ nhảy cà cửng và...cà lăm!
*
Bà con chòm xóm được nghe những điều thú vị mà, trước nay chưa từng nghe. Đồng thời, hả hê khi thưởng thức nồi canh chua cá đối hòa quyện vào 8 vị mùi của gia vị quê hương!
TRẦN BẢO ĐỊNH

Thứ Bảy, 23 tháng 1, 2016

BÁNH TÉT NHÀ QUÊ NAM BỘ - TRẦN BẢO ĐỊNH

h ư ơ n g v ị n g à y t ế t c ổ t r u y ề n
BÁNH TÉT NHÀ QUÊ NAM BỘ

Chiều 30 tết, năm Kỷ Hợi 1959
Làng tôi lúc bấy giờ, mất dần không khí thanh bình của những năm đầu sau ngày đình chiến. Việc giết người, bắt người, thỉnh thoảng xảy ra trong xóm ấp. Nỗi lo sợ hình như hiện lên nét mặt ở người lớn, còn lũ trẻ thì háo hức và chờ đợi tết!
Trong những người cậu, má tôi thương cậu Năm hơn hết. Có lẽ, hai chị em hợp tính nhau và cậu Năm là, người thường đứng mũi chịu sào mọi chuyện trong gia đình của ngoại. Mấy năm nay, năm nào cũng vậy, hễ chiều 30 tết, cậu Năm qua nhà má tôi để phụ gói bánh tét. Tiếng rằng phụ thì cũng có phụ nhưng cái chính là má tôi tạo dịp để cậu Năm gặp cô Bảy; nhà ở cạnh nhà má tôi, cách nhau cái hàng rào bông bụp nở đầy hoa vào tháng chạp. Dần dà hai người thương nhau. Năm nay, cậu Năm qua hơi trễ, cô Bảy trông đứng trông ngồi. Má tôi nói:Ra giêng, má thưa với ông ngoại đi cưới cô Bảy cho cậu Năm.
Cậu Năm dường như có điều chi đó, giấu má tôi. Mắt cậu lo âu, miệng ít cười ít nói hơn mọi năm.
Trong lúc, cô Bảy mừng ra mặt, tay chưn lăn xăn, líu xíu...bắt chuyện và ngồi xích gần cậu.
- Tại sao, ông bà mình kêu bánh nầy là bánh tét, chị Hai?
Cô Bảy vừa buộc đòn bành tét, vừa hỏi má tôi.
Có tiếng dội nước rửa chưn ở bến, giọng ong óng vọng lên.
- Chị Hai và đám sắp nhỏ khỏe?
Má tôi chưa kịp trả lời, bà Tư ở lối xóm oang oang cái miệng đương xỉa thuốc rê:
- Tui qua phụ chị gói bánh tét. Bánh chín, chị cho tui mấy đòn về cúng ông bà, nha chị Hai!
Rồi như sực nhớ, bà Tư hỏi:
- Hồi nãy ở bến nước, tau nghe đứa nào hỏi...
Cô Bảy lẹ miệng, hớt câu hỏi của bà:
- Em hỏi chị Hai, tại sao ông bà mình gọi bánh nầy là bánh tét?
Bà Tư cười lém lĩnh:
- Có thằng Năm ở đây mà không hỏi. Mầy đi hỏi chị Hai, sao bường?
Cô Bảy quay sang cậu Năm, giở giọng mèo nheo:
- Anh Năm nói đi, mần thinh mần thít tội nghiệp người ta!
Cậu Năm cảm thấy mình có lỗi khi, mần thinh mần thít với mọi người; nhất là với cô Bảy. Cậu buông những âu lo trong lòng, khuôn mặt trở nên tươi tắn.
- Hồi lên Sài Gòn đi học, đôi lần bạn bè rủ tui đến Nhà sách Yễm Yễm Thư Trang nghe thi sĩ Đông Hồ nói về Tết Nam Bộ, trong đó có nói tới Âm-Dương hòa quyện trong đòn Bánh Tét.
- Ổng nói sao, anh Năm?
Cô Bảy giục cậu Năm.
Cậu Năm nhớ lại thi sĩ Đông Hồ, từng nói:
- Ngay nguyên vật liệu để người Nam Bộ mần thành đòn bánh tét, đã là lưỡng nghi của trời đất:Nếp trồng ruộng nước, đậu trồng ruộng rẫy. Nhưn thịt ba chỉ, là động vật. Thân gồm nếp, đậu, lá chuối gói, dây buộc...là thực vật. Âm-Dương đòn bánh tét ôm trọn Tam Tài: Vỏ lá, thân nếp, nhưn...trong ngũ hành qua màu sắc:Lá gói bánh màu xanh, màu của nếp, màu đậu xanh, màu hột tiêu trộn vào nhưn, hai màu đỏ trắng của thịt heo ba chỉ. Nghĩa là, đòn bánh Tết của người dân Nam Bộ nó ứng với:Hỏa-Thủy-Mộc-Kim-Thổ. Do đó, bát quái luôn luôn cay đắng với ngũ hành. Điều cay đắng đó, nó thể hiện số chẵn và số lẽ. Phương Bắc chọn số chẵn, phương Nam chọn số lẽ. Chẵn-Lẽ có khi là Lẽ-Chẵn.
Và, truyền thuyết về đòn bánh tét Xuân kỷ Dậu 1789 của Hoàng Đế Quang Trung mang số lẽ đã đánh đuổi số chẵn của Tôn Sĩ Nghị điếng hồn, điếng vía, nghe người thời đó nói:Tôn tướng quân vừa chạy, vừa khóc bù non bù nọt, quăng cả ấn tín, lũi trốn qua sông Hồng.

*
Có người cho rằngi:Đòn bánh tét mang hình tượng Linga(?)từ sự giao thoa giữa văn hóa Việt và văn hóa Chăm với tín ngưỡng phồn thực. Miền đất Nam Bộ vốn thuộc xứ sở Thủy Chân Lạp xưa, văn hóa Việt không giao thoa với văn hóa Thủy Chân Lạp thì thôi, hà cớ chi giao thoa với văn hóa Chăm, để đòn bánh tét Việt mang hình tượng Linga cúng lễ tết ông bà ngày tết?
- Trời đất, nếu nói đòn bánh tét có xuất xứ từ tín ngưỡng phồn thực...Linga, Linh giếc gì đó, mình cúng ông bà...tội chết!
Bà Bảy giẫy nẫy.
Cậu Năm tiếp tục nói giọng trơn lu:
- Cũng có người cho rằng, bánh tét được gói và nấu chiều cuối năm, bánh tét có mặt trong những ngày tết. Vậy, có phải đó là bánh tết do cách phát âm thiếu chuẩn xác của người Nam Bộ thành ra tét chăng?
Mọi người cặm cuội gói bánh trong nắng chiều cuối năm. Câu chuyện đòn bánh vẫn tiếp tục, vừa gói vừa nói. Má tôi, nói chậm rãi:
- Người mình thường giữ cố tật, ít chịu thay đổi dù sự thay đổi đó có lợi cho mình. Chú tâm tên gọi mà, thiếu tìm hiểu cặn kẽ cái gì mần nên tên gọi.
Bà Tư chọt vô, hỏi:
- Ý chị Hai muốn nói nguyên liệu mần nên bánh tét?
Má cười:
- Đúng rồi chị Tư!Bánh tét phải ra bánh tét như, cái tên gọi cúng cơm của nó. Tên cúng cơm khác với tên khai sanh, khai tử!Bánh tét muốn ngon, để lâu...dứt khoát phải gói bằng nếp dẽo.
Hột lúa nếp khác hột lúa gạo. Hột lúa nếp có chấm đen ở phần đuôi, còn hột lúa gạo thì không.
Bánh tét gói nếp, lâu thiu. Bánh tét gọi gạo, dù gạo dẻo, mau thiu. Cùng là lúa, nếp khác gạo. Cùng là người, có năm bảy thứ người.
Má tôi và mấy cậu mồ côi mẹ từ rất sớm, má thay bà ngoại chăm sóc các cậu khôn lớn, thành người. Má kể, hồi bà ngoại còn sống, thường dạy má về ân nghĩa của đòn bánh tét. Bà ngoại nói:Thuở lưu dân theo chúa Nguyễn vào Nam khẩn hoang, chốn rừng thiêng nước độc, khó khăn nhiều nỗi...Người đi ngày đó, cực lực lao động và không đủ thời giờ nghỉ ngơi, nên nghĩ ra cách làm bánh để dành ăn, hạn chế nấu nướng vất vã. Thứ bánh ấy, không bánh gì bường bánh tét. Tại sao gọi là bánh tét?Hồi nhỏ, má tôi cũng hỏi bà ngoại như vậy. Ngoại nói:
- Bánh tét gói thành đòn, bự cỡ bắp tay, buộc chặt nhiều nuột bằng dây lạt chuối. Khi muốn ăn, người ăn phải mở dây, lột vỏ bánh như lột vỏ chuối và chỉ lột phân nửa bánh, phần còn lại để lá chuối, lúc cầm bánh khỏi dính tay. Người tét bánh dùng cọng chỉ gấp đôi, miệng cắn đầu gút chỉ, tay quấn cọng chỉ giáp vòng gần đầu đòn bánh, từ từ xiết sâu và lúng vô đòn bánh...nghiêng tay, ngã đòn bánh và khoanh bánh rời khỏi thân, rơi xuống dĩa...
Má nói như nói với một cái chi đó, nó xa xăm lắm:
- Vì, tét bánh tét phải vậy, đời xưa chuyền miệng đến đời nay, gọi là bánh tét.

*
Rồi, chiến tranh tràn về cái làng nghèo ven sông Bảo Định. Người làng lần lượt đùm túm nhau đi tản cư. Gia đình ba má tôi tan đàn xẻ nghé. Hương vị tết từ nồi bánh tét, nấu bằng lửa quê nhà cuối năm không còn. Tiếng bửa củi, tiếng má dặn:Khúc củi nào khó bửa, thường gọi là củi đầu trâu, lựa để riêng, dành cho việc chụm nồi bánh tét...chỉ còn là hoài niệm.
Tôi nhớ hoài câu nói của cậu Năm nói với cô Bảy:
- Món ăn người mình, ngoài món ăn chính còn có món ăn kèm. Kèm nhau cho đúng điệu đời chớ không là ''kèm kẹp''. Kèm mà kẹp là thứ chơi ''cha thiên hạ''. Vả lại, ''món ăn kèm'' không là ''món ăn phụ''. Cũng như, trai lớn lên phải có thiếu nữ kèm. Bởi cái kèm đó, mới thành vợ thành chồng và sanh con đẻ cái.
Cô Bảy cười khúc khích. Cậu Năm xấn vô:
- Như tui với Bảy!
- Đồ quỷ, anh!
Má tôi nói, cậu Năm nói đúng. Bánh tét nhà quê phải ăn kèm với củ cải món.
Do đó, trước tết mươi ngày, má tôi đào củ cải trắng trồng ở liếp ruộng đem về xắt lát phơi thiệt dốt để bỏ mắm. Mùi củ cải quyện cùng mùi nước mắm trong hũ tạo nên hương vị nhà quê khiến, những con người một nắng hai sương, những người con xa xứ, không thể nào quên quê cha đất tổ.
Ra giêng nhà cực ăn, má tôi thường chiên củ cải bỏ mắm ăn với cơm nguội. Trời đất ơi, sao mà ngon khôn tả!Ngon đến đổi, trên nửa thế kỷ trôi qua cuộc đời, tôi vẫn còn thèm, còn nhớ!
Và, có lẽ hương vị bánh tét tết, tôi mang trong lòng cho đến ngày tôi rời bỏ cõi thế gian!

TRẦN BẢO ĐỊNH
quê nhà, những ngày cuối năm Ất Mùi.
*Ảnh:Minh họa, từ nguồn Internet

Thứ Năm, 21 tháng 1, 2016

VÔ CÙNG THƯƠNG TIẾC ĐIÊU KHẮC GIA TRƯƠNG ĐÌNH QUẾ

Điêu khắc gia-họa sĩ 
TRƯƠNG ĐÌNH QUẾ 

sinh ngày 21-12-1936 tại Quảng Nam

 vừa qua đời lúc 5g sáng ngày 21-01-2016 tại Thủ Đức, Sài Gòn.

HƯỞNG THỌ 80 TUỔI

Tốt nghiệp trường Mỹ thuật Gia định năm 1963, ĐKG Trương Đình Quế là một trong những điêu khắc gia hàng đầu ở miền Nam trước 1975. Gần đây ông lưu lại trong lòng người yêu mỹ thuật nhiều tượng chân dung văn nghệ sĩ Miền Nam, như Bùi Giáng, Trịnh Công Sơn, Hoàng Ngọc Tuấn… tác phẩm sau cùng trước khi ông bệnh nặng (2014) là chân dung Nguyễn Đức Sơn tại Phương Bối, bảo Lộc.


Linh cửu Điêu khắc gia Trương Đình Quế được quàng tại nhà tang lễ Phúc An Viên, đường Nguyễn Xiển Quận 9, lễ hỏa táng vào ngày 25-01-2016 (nhằm ngày 16 tháng Chạp năm Ất Mùi)

Xin chia buồn đến chị Trương Đình Quế và tang quyến

Cầu nguyện anh rong chơi cõi khác

nguyễn văn trai - viêm tịnh - nguyễn miên thảo - từ hoài tấn - phan binh- trần hoài -dương đình hùng - võ chân cửu - phù hư - hoàng lộc - đức phổ - hạ đình thao - đặng mậu tựu - thiều anh - hồ đăng thanh ngọc - lê vĩnh thái - nguyên quân - cao hữu điền - trần vĩnh tựu - trần lượng - hồ trọng thuyên - nguyễn đình thuần - trần phá nhạc -lương túy vân và bằng hữu

NỢ PHÙ HOA - THƠ LÊ TUẤN VIỆT


Ta nợ gì nhau, hơn nửa đời cút bắt? 
Ẩn hiện cuối trời huyền hoặc áng mây trôi. 
Đêm sâu thẳm treo nghiêng vành trăng khuyết. 
Bờ lang thang rơi bóng vỡ tan rồi!!!

Ta nợ gì nhau, mãi trông về xa khuất? 
Mây chiều nay nào phải khói đốt đồng 
Hoàng hôn chết ngậm ngùi từng góc phố . 
Rơm rạ gục đầu thương nhớ mênh mông!

Ta nợ gì nhau, những con chữ ngoằn ngoèo bôi xoá? 
Lá xa cành khắc khoải nỗi chia xa. 
Tình một thuở ngàn năm còn xé ruột. 
Nợ một đời cười khóc giữa bao la.

Như con sóng bạc đầu ru hời quanh bờ đá. 
Ta đốt tuổi ru mình trả nợ phù hoa.

Saigon 100116

Thứ Tư, 20 tháng 1, 2016

CON CÁ SẶC RẰN MIỆT THỨ - TRẦN BẢO ĐỊNH

c à k h ị a c h u y ệ n đ ờ i c u ố i n ă m

CON CÁ SẶC RẰN MIỆT THỨ
1.
Nằm vắt võng cặp bờ kinh Xáng, bỗng nghe tiếng ai đó chèo ghe dưới ánh trăng khuya, buông câu hò văng vẳng:''Má ơi đừng gả con xa. Chim kêu vượn hú biết nhà má đâu?'' Rồi, hình như có giọng hò nối cất lên, chắc hẳn là của một chàng trai đẩy đưa trong gió: ''Sương khuya đẫm ướt giàn bầu. Em về miệt thứ bỏ sầu cho ai...?''. Cái hò lơ cứ kéo dài lê thê quyện theo con nước buồn xa lắc xa lơ! Cầm lòng không đậu, tôi thắc mắc hỏi má:
- Miệt thứ là miệt gì hở má?
Má đang ''ầu ơ...ví dầu'' ru em tôi ngủ. Má nói nhát gừng:
- Miệt thứ là miệt thứ, đừng miệt thị nhau, được rồi!
Tôi nghĩ bụng, má nói vậy trớt quớt, coi như chưa nói. Có lẽ, má biết tôi hay hỏi dần lân nên nói sẳng để cắt ngang câu chuyện.
- Khuya rồi, ngủ đi con!
Tiếng má nhừa nhựa theo giọng ngáp…
*
Tràm tiếp tràm và tràm tạo thành rừng bạt ngàn trên đất U Minh Thượng. Công bằng mà nói, dân mình ghét tụi thực dân Pháp xâm lược, nhưng ai cũng không quên cảm ơn thực dân Pháp khai mở vùng đất bán đảo Cà Mau. Trong đó, có U Minh Thượng! Cứ trăm ngang, ngàn dọc xẻ kinh xổ phèn và hình thành ô bàn cờ, nơi mà bao đời trước người Việt đi khẩn hoang bó tay. Muốn nối con sông Cái với sông Trèm Trẹm, mần sao nối? Pháp đào kinh Xáng nối đôi bờ hai con sông. Vì sao Pháp nối? Cái đó, nhường cho “hạng sĩ phu” có lý luận ra sức múa bút bày vẽ.
Nhà văn Sơn Nam lúc sinh thời đã từng giải thích, vùng đất miền Tây Nam bộ được chia thành bốn miệt: Miệt vườn, cặp theo đất và cù lao sông Tiền. Miệt ruộng, chạy dài từ Sóc Trăng, Bạc Liêu. Miệt rẫy, khóm Cầu Đúc(Kiên Giang), Xà Phiên(Long Mỹ). Miệt thứ, vùng đất trăm ngang ngàn dọc kéo từ An Biên, An Minh, Vĩnh Thuận...cặp sông Cái Lớn tới vịnh Rạch Giá và xuống tuốt huyện U Minh. Chia miệt như vậy là chia theo ''duy ý chí'' chớ thực tế, miệt không hẳn rạch ròi. Nó đan xen, nó chằng chịt khác chi mạng nhện; khúc có ruộng, khúc có vườn...Lắm lúc ruộng, rẫy, vườn...chung cùng một miệt!
Miệt thứ, không có nghĩa là xa xôi, trắc trở mà nó thuộc hệ thống kinh xương sườn nối từ kinh xương sống và lúa, khóm, khoai, đìa cá…mật ong tràm sinh sôi từ miệt thứ theo thứ tự kinh đào:Từ thứ một đến thứ mười lăm. ''Nhất cận giang'' nên kinh đào tới đâu, người bâu đến đó. Chợ búa mọc theo, trên bến dưới thuyền. Bất chấp bom đạn, chết chóc! Người miệt thứ chẳng coi chúng ra gì, vẫn mần ăn, vẫn giúp người tha phương cơ nhỡ; vẫn mần cật lực để có cái ăn và để có nuôi đàng mình đánh giặc. Dân miệt thứ không thua con cá sặc rằn, lỳ lợm, kiên cường bám trụ ''một tấc không đi, một ly không rời'', sẵn sàng chiến đấu cho tới chết với kẻ thù xâm phạm bản địa, nơi nó đang sống.
Những ai đã từng đi qua hoặc sống vùng U Minh Thượng, chắc không thể quên dòng sông Trèm Trẹm với cái màu nước mà nhà văn Dạ Ngân, người đã biếu tặng tuổi thanh xuân của mình cho đất trời miệt thứ. ''Đó là, màu lục thủy sậm, gắn với màu xanh ve chai'' và nhà văn vốn xuất thân làm báo nói rằng:''Sông Trẹm thuộc loại sông để nhớ!''.
Nhưng, nhớ là nhớ cái chi? Nhớ Trèm Trẹm hay nhớ cái rằn của con cá sặc? Hồi nhỏ, tôi thắc mắc hỏi miết mà chẳng có ma nào cắt nghĩa tường tận? Sao gọi là, sông Trèm Trẹm?Mấy bà miệt Tân Bằng thường lý lắt trả lời ỡm ờ:
- Trèm Trẹm là Chèm Nhẹp, sông Trèm Trẹm là sông Chèm Nhẹp. Đứa nào không tin thì đi kiếm bác Ba Phi mà hỏi!
Nói xong, mấy bà ôm nhau cười ngất!
Có lẽ, cái chèm nhẹp ở đây chính là sự tích tụ xác lá, xác cây, rễ tràm trầm tích...thành mỏ than bùn lộ thiên, dư sức cho dân cùng đinh sử dụng.
Vì là, chèm nhẹp nên cá các loại rút vô đìa. Trong các loại cá rút vô đìa, có cá sặc!Tuy một chủng loại cá sặc nhưng giống khác nhau:Sặc rằn, sặc bướm, sặc cẩm thạch. Giống khác nhau thì, mần sao bụng dạ giống nhau(?)
2.
Sặc cẩm thạch tốt mả, tính đố kỵ. Bởi tính đố kỵ nên thường ghen ăn tức ở. Chuyện rằng, thầy trò sặc cẩm thạch cùng quen nàng sặc bướm. Trò vô tư, thầy chủ ý ''đực cái'' trong lòng từ khi gặp nàng sặc bướm. Ngặt nỗi, nàng sặc bướm coi thầy người bề trên, khen và tỏ sự ngưỡng mộ trò. Bấy nhiêu thôi, cũng đủ thầy giận dữ vì ghen tức, đành đoạn cắt đứt tình sư đệ.
Và, có phải đó là cách giải câu hò:''Học trò đi mò cá sặc.Thầy giáo ở nhà lắt c…nấu canh''?Nếu như, sặc cẩm thạch sảnh sẹ, chọn hình tướng mần biểu tượng cốt cách thì, sặc rằn cần cù trong cuộc sống, chăm lo và bảo vệ bầy đàn. Mình mẩy nổi vằn nổi vện, đen thủi đen thui nên còn có một tên gọi bình dân khác là sặc lò tho. Trời sinh nó lớn xác, kỳ-vi-vảy... tạo nên võ khí lợi hại chống sự xâm lược các loài cá khác. Nhất là, cuộc đối đầu triền miên với bọn cá lóc. Cá sặc bướm chẳng mấy ai để ý, chúng nhả bọt mọi nơi, đẻ trứng chưa kịp nở thì đã đẻ tiếp...người miệt thứ chả ai thèm ngó ngàng hoặc ăn cá sặc bướm. Đời nó sống tùm lum, tùm lê… la tính ba phải ''gió chiều nào theo chiều đó'' nhưng, không là ''gió chiều nào theo chiều đó'' của cây sậy của Blaise Pascal. Nó khoái nghe lời mật ngọt và bùi tai, thích hùa theo cảm tính mà chẳng cần sai đúng. Sặc bướm lân la gần gũi sặc cẩm thạch vì, ước mơ có được bộ da mang màu sắc rực rỡ như sặc cẩm thạch. Nó chẳng quan tâm đến sặc rằn, dù sặc rằn hết lòng với nó và sặc cẩm thạch.
Sặc bướm và sặc cẩm thạch thường mần ổ phía trong cụm năng, cụm lát. Phía ngoài là, ổ sặc rằn. Mỗi khi cá lóc tấn công vào hang ổ của cá sặc; cá lóc đụng phải sự kháng cự dữ dội của sặc rằn. Chưa bao giờ sặc rằn bỏ chạy.
*
Nói đến miệt thứ là, nói đến sự khó khăn nguồn nước ngọt. Nhà nhà đều dùng ny lon hứng nước mưa để dành dùng vào mùa khô, đìa do người ráp nhau đào tay hoặc ''chờ Mỹ thả bom'' mà nói thiệt, nhiều khi cầu Mỹ thả ''bom đìa'' để có thêm đìa chứa nước ngọt sinh sống, mà trường kỳ ''chống Mỹ cứu nước''!
Cá sặc tưởng bở, bỏ miệt thứ nhào theo, đổ xuống đìa sống sướng thân. Cuộc sống trong lòng đìa vừa khỏe khoắn thức ăn, vừa tung tăng trong môi trường nước ngọt, mọi thứ hình như thiên nhiên cho không biếu không. Nghĩa là, chẳng mần cũng ''ăn sung mặc sướng''. Ngày qua tháng lụn, chất lượng sống và kỹ năng sống của loài cá sặc mất dần...mất dần, ngay cả sặc rằn chẳng còn vẽ sặc rằn dũng mãnh của ngày cũ. Cá sặc trong đìa không thể sánh với cá sặc ngoài kinh. Lắm khi, sặc nhìn trời hẹp bằng cái nia; nó quên kinh dài sông rộng giữa bầu trời xanh mênh mông. Nó hoàn toàn dựa dẫm, phó thác mạng sống cho đìa. Và trước bọn cá lóc, nó mất sức đề kháng chiến đấu, bất lực nhìn đàn con bị cá lóc biến thành thức ăn và, nó cũng lũi vào đám năng trốn chui trốn nhũi kẻ thù như lũ sặc cẩm thạch, sặc bướm.
Sặc rằn tiếc nuối và nhớ thời oanh liệt của mình sống ở miệt thứ, nhớ Cái Tàu, Tân Bằng, Cán Gáo...Muốn leo lên thành đìa, băng rừng tràm nguyên sinh trở về cố thổ, được vẫy vùng sông nước dẫu phải đối mặt thường trực khó khăn, thiếu thốn.
Muộn rồi!
Người miệt thứ rất điêu luyện trong việc chụp đìa. Tôi hỏi má:
- Chụp đìa có giống tát đìa, không má?
Má nói:
- Khác chớ con!
Má cắt nghĩa:
- Ở miệt Đồng Tháp Mười, bắt đầu từ tháng chạp đến tháng ba là mùa đìa. Người miệt đó, họ dùng gàu dai để tát đìa, bởi họ không cần trữ nước đìa ăn uống, tắm giặt như miệt thứ của mình. Trời ưu đãi và thiên nhiên hào sảng với họ bằng nguồn nước ngọt từ ao hồ, sông rạch. Còn mình...
Tôi nghe má nói, trong bụng gay gắt với ông trời. Hỏi tắt ngang:
- Còn mình thì, sao má?
Má thản nhiên:
- Còn mình ở vùng đất U Minh Thượng, cả gan cãi trời tạo ra miệt thứ mà, từ khai thiên lập địa chưa ai dám. Trời giận, cho thiếu và khan hiếm nước ngọt để đuổi người đi chỗ khác. Nhưng, trời quên, người là con trời, người muốn là trời muốn. Đám phong kiến cai trị từng nói ''ý dân là ý trời''. Người chẳng những không bỏ đi mà còn tìm trăm phương ngàn kế đối phó. Nếu miệt thứ tát đìa thì, được cá sẽ mất nước. Nếu nước mất, người bỏ đi hoặc chết khát. Chi bằng, chụp đìa được cá mà vẫn còn nước, sự sống của người miệt thứ bình yên.
Xoa đầu tôi, má cười rồi nói tiếp:
- Chụp đìa hay tát đìa, giống nhau ở mục đích bắt được cá. Khác nhau ở phương pháp, và phương pháp khác nhau ấy là kinh qua từ cái biết của người.
- Vậy, mần chụp đìa là chụp mần sao má?
Tôi hỏi cho ra môn ra khoai.
Má cũng muốn nhơn tiện nói cho tôi biết.
- Thường ra giêng, miệt thứ vào mùa chụp đìa. Dùng lưới chèn và ven bao thành miệng đìa, dùng ống trúc thọc xuống nước thổi cho sóng động lòng đìa, dùng cây khuấy nước...Các loại cá, kể cả sặc rằn, đương sống yên bình trong lòng đìa thanh bình;bỗng dưng nghe âm thanh gầm thét từ nước tưởng chừng phải đối đầu với''cuộc chiến tranh không tuyên bố''. Tất cả các loài cá sống trong ''đất nước đìa''thất kinh hồn vía, đùm túm, dắt nhau chạy loạn trối chết...chẳng dè, chạy đâm đầu vô lưới. Khi ước lượng cá vào đủ thì, người xúm lại cuốn lưới.
*
Bông tràm trổ trắng vùng miệt thứ và hương thơm lừng trời.
Sặc rằn thương sặc bướm muốn cái không thể muốn, hùa cái không nên hùa...mắc mưu người và biến ra mắm cá sặc. Thương sặc cẩm thạch vì, cái đẹp màu sắc trở thành loại cá cảnh bị buôn bán khắp nơi. Tủi phận mình, nay không là sặc rằn, là lò tho...mà là, khô cá bổi. Người nướng xé ăn với cơm nguội, người nướng trộn gỏi...và, sặc rằn tuyệt chủng từ khi đìa, rừng tràm U Minh Thượng bị thảm sát bởi những đợt di dân... Nước sông Trèm Trẹm màu ''lục thủy sậm, gần với màu ve chai''đã chết tự bao giờ, để lại dòng sông nỗi tiếc thương thay cho nỗi nhớ thời chinh chiến.
Sặc rằn, nghĩ:
- Có lẽ, người ác độc khi người tham vọng cải tạo trời thay đổi thiên nhiên.
Người khổ muôn kiếp vì người không biết dừng lại đúng lúc phải dừng. Sặc rằn hoàn toàn mất hồn cốt và tinh chất nòi giống, giờ chỉ là hình dạng sặc rằn nằm trong tay người lai tạo, nuôi nấn bằng công nghệ và hóa chất. Và, con người lãnh trọn gói ung thư từ sản phẩm của mình. Có nhân có quả, có trả có vay!
Sặc rằn miệt thứ, giờ chỉ là hoài niệm trong hoài niệm của những ai còn chút tình nghĩ đến hồn đất U Minh Thượng!
TRẦN BẢO ĐỊNH
2016

*
1. Sặc Rằn. 2. Sặc Cẩm Thạch. 3 Sặc Bướm
4. Sông Trèm Trẹm. 2. Sông Trèm Trẹm đoạn qua Xẻo Rô.

Thứ Năm, 14 tháng 1, 2016

ANH YÊU MÙA ĐÔNG Ở HUẾ - THƠ NGUYỄN MIÊN THẢO

Anh yêu mùa đông ở Huế
Chút mưa chút lạnh chút tình
Những chiều bên từng góc phố
Anh ngồi nghe Huế lặng thinh

Anh yêu mùa đông ở Huế
Có em đón buổi anh về
Áo dạ thơm mùi lụa cũ
Sá gì mấy dặm sơn khê

Anh yêu mùa đông ở Huế
Chân đi mấy nhịp Trường Tiền
Dòng Hương lặng lờ hư ảo
Nhớ về cái thuở hoa niên

Anh yêu mùa đông ở Huế
Lá vàng trút ngọn sầu đông
Sớm mai sương mù thành nội
Ấm lòng bao nỗi chờ mong

Anh yêu mùa đông ở Huế
Có em mãi là thanh xuân
Anh yêu mùa đông ở Huế
Em là mãi mãi tình nhân

Chủ Nhật, 10 tháng 1, 2016

HỌA SĨ ĐINH CƯỜNG ĐÃ RA ĐI

VÔ CÙNG THƯƠNG TIẾC  

HỌA SĨ 
ĐINH CƯỜNG
pháp danh Quảng Thái

  

 đã qua đời vào lúc 9 giờ 41 phút tối thứ Năm ngày 7 tháng 01 năm 2016 tại bệnh viện Fairfax, VA, USA. 


Hưởng thọ 78 tuổi.

 


Xin Chân Thành Chia Buồn 
cùng tang quyến


Nguyện cầu Hương Linh Họa sĩ Đinh Cường
được sớm về miền Cực Lạc
 


nguyễn văn trai - đoàn phạm túy linh - hồ đắc duy - nguyễn phú yên - viêm tịnh - trần thị tường vy -  phan lệ dung - nguyễn miên thảo - phạm tấn hầu - lê ngọc thuận - vương từ - hồ trọng thuyên - nguyễn đình thuần - nguyễn văn hiền - ngụy ngữ - mường mán - từ hoài tấn - trần bảo định - đặng văn chơn - hoàng lộc - đức phổ - trần hoài thư - phạm văn nhàn - phạm cao hoàng - võ chân cửu - nguyên minh - nguyễn sông ba - nguyễn lương vỵ - cao thoại châu - triệu từ  truyền - nguyễn liên châu - hồ đăng thanh ngọc - nguyên quân ...
...



Họa sĩ Đinh Cường sinh năm 1939 tại Thủ Dầu Một, Việt Nam. Đã sống ở Huế, Đà Lạt và Sài Gòn cho tới năm 1989. Hiện ông cư ngụ tại thành phố Burke (ngoại ô thủ đô Washington DC), tiểu bang Virginia, Hoa Kỳ.
Ông là cựu học sinh Trường Petrus Ký Sài Gòn (1951-1957), tốt nghiệp Trường Mỹ Thuật Huế năm 1963 và tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Quốc gia, Sài Gòn năm 1964. Từng giảng dạy tại Trường Đồng Khánh, và sau đó là Trường Mỹ thuật Huế. Ông đã 25 lần tổ chức triển lãm độc lập và 21 lần tham dự các cuộc triển lãm tập thể trong suốt thời gian từ năm 1965 tới 2006, từng đoạt huy chương bạc liên tiếp hai năm 1962, 1963 tại Triển Lãm Xuân, Sài Gòn và đoạt giải danh dự của Tòa Đại sứ Trung Hoa tại Sài Gòn, Việt Nam.

Tranh Đinh Cường được bày ở Musée D'Art Moderne Paris và triển lãm trên nhiều thành phố ở Việt Nam cùng nhiều quốc gia khác.

Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ VOA ngày 29-8-2005 đã ghi nhận về một buổi triển lãm tranh Đinh Cường tại Houston, Texas: "… Đinh Cường là họa sĩ nổi tiếng tại Việt Nam từ những năm đầu thập niên 60. Tranh của ông, theo đánh giá của nhiều người thì, đó là những bài thơ được viết bằng mầu sắc và đường nét. Lãng mạn, thơ mộng là đặc tính trỗi bật nhất của thế giới hội họa mang tên Đinh Cường. Những gam mầu của ông dù lạnh hay nóng, vẫn ấm áp, ngân vang niềm hạnh phúc liu điu những chân trời hiu quạnh."

Một nhà văn đã nhận định về họa phẩm của họa sĩ Đinh Cường như sau: “Đường bay nghệ thuật của Đinh Cường là đường bay của những cánh chim thơ mộng, và lãng mạn xóc, dằn nắng, gió, hương xa. Bằng cả tâm cảm, người ta sẽ nhận ra, trong mỗi tác phẩm của Đinh Cường, đều thấp thoáng những cánh chim Hồng, chim Lạc. Cánh chim tha những hạt kinh Việt Nam, thả xuống cánh đồng nghệ thuật; để từ đấy, thắp lên những thân lúa biếc, xanh, lắng, nghiêm hồn dân tộc. Trên nửa thế kỷ ăn ở toàn thời gian với hội họa, từ trong nước, tới hải ngoại, với những bức tranh từng được trưng bày giữa quảng trường tại hình thế giới, tôi nghĩ, đã đến lúc chúng ta nên nhìn Đinh Cường cùng sáng tác của ông, như một niềm hãnh diện chung - (Và,) do đó, như một thứ tài sản Việt Nam, vậy.”
Phòng trưng bày họa phẩm của Đinh Cường đặt tại số 9826 Natick Road, Burke, VA 22015.

Thứ Tư, 6 tháng 1, 2016

TRÊN CÁNH CHIM THỜI GIAN - ĐỊNH GIANG


Trưa nắng phi trường như bốc lửa
Thấy toán người khiêng những áo quan
Chiếc áo cuối đời người bạc mệnh
Gói kín gì những nỗi xót xa

Trong đáy chén hãy còn ít rượu
Uống tiễn ngươi người bạn không quen
Ðã bỏ đi sau ngày ngưng bắn
Chút khôi hài gởi kẻ chứng nhân

Kẻ chứng nhân, hết rồi tiếng nói
Xin ngậm cười, thay nỗi ngậm ngùi
Giọt nước mắt, ta ngươi xa lạ
Gửi cho ngươi và khóc cho ta
Ðể vĩnh viễn ngươi về cõi khác
Một cõi nào yêu dấu hơn đây

Thôi ung dung mà rời giày trận
Coi tháng ngày như hơi rượu cay
Trưa nắng ngươi về, ngươi về đất
Trên cánh chim buồn qui cố hương
Nổi khổ còn đây, người ở lại
Chén rượu nào vơi được nhớ thương 

Nhà thơ Định Giang sáng tác bài thơ này tại phi trường Phú Bài, Huế sau ngày có hiệp đinh ngưng bắn Paris 27 tháng 1 năm 1973, khi ông thấy lính vẫn chết và  các cuộc giao tranh vẫn còn tiếp diễn.

Thứ Ba, 5 tháng 1, 2016

MỘT SỚM MAI ĐÀ LẠT - ĐỖ VĂN KHOÁI

Gửi Đà Lạt
Đêm qua đến được em Đà Lạt
Sớm ra Đà Lạt biến đâu rồi
Suong nhấn chìm tôi cùng phố núi
May còn neo được tiếng chuông trôi...

Co ro lần bước trong hư thực
Bên quán Ti gôn đối mặt người
Thoáng hiện nụ cười em ấm áp
Ly cà phê nhỏ giọt bên tôi

Giữa ngàn hoa giữa ngàn thông Đà Lạt
Thả hồn theo muôn cánh thơ bay
Muốn ở thêm mà không ở được
Sắp đến giờ đi mà không hay!

Đà Lạt cà phê Đà Lạt dốc
Hiện dần ra trong sương sớm mịt mùng
Xin cám ơn một sớm mai Đà Lạt
Đã cho thêm nỗi nhớ chập chùng.

ĐỖ VĂN KHOÁI

Chủ Nhật, 3 tháng 1, 2016

CỘT ĐÈN HUẾ - TRẦN BẢO ĐỊNH

cà khịa chuyện đời đầu năm 2016

CỘT ĐÈN HUẾ
Gửi nhà báo nguyễn Đức Tô

 Cột đèn ngã giữa Phan Bội Châu, Huế.
do cựu nhà báo Nguyễn Đức Tố cung cấp
.

Sài Gòn.
Một sớm mai, trời không đẹp lắm. Nhà báo Nguyễn Đức Tố lấy ngón tay trỏ mỗ lên phím iPhone, nhắn tin tui và Nhà thơ Phan Cát Tường đi uống cà phê. Tường nói nhỏ với tui, Tố chém vè trốn vợ. Tui ngạc nhiên, hỏi tại sao?Tường rằng, Nhà báo Tố và vợ ký giao kèo:Hễ chủ nhật, Tố được mần nhiệm vụ Trưởng Bếp. Tui à lên một tiếng, bầy chim đậu trên hàng cây trước chùa Linh Bửu vụt bay tứ tán, nghe một cái rần!
ĐứcTố từ Huế vô lại Sài Gòn được mấy hôm. Cát Tường chiêu ngụm trà buổi tinh mơ, hỏi:
- Huế ta, có chi lạ?
- Lạ, cái cột đèn!
Đức Tố xẵng giọng. Tui chẳng biết ất giáp, chẳng biết hai cha nội nầy nói bạch văn hay hắc văn?Có điều, tui chỉ tin Nhà báo Tố chính gốc Huế, áng chừng trên bảy mươi phần trăm lẻ nửa. Sở dĩ tui đánh giá như vậy, là dựa vào lý lịch trích ngang thời Đức Tố mần trí vận, do mấy tay tổ ''Ngày ký giả ăn mày'' tại Đô Thành Sài Gòn trước 75. Cứ theo gia phả, nội tổ Tố người Kinh Bắc, làm quan đời Hậu Lê, di dân và dắt tù vào Phú Xuân mở đất.
- Nầy, cha nội! Nói thì, nói toạc móng heo. Nói dai, nói dài, nói nín thở...nói dở. Nói như, dân miền Tây Nam Bộ, xé áo cái tẹt, lộ mẹ cái cần coi cho rõ. Úp mở, chịu đời sao thấu?
Có người anh em ngồi nghe, tức cái mình, cáu lên.
Xin thưa, tui phải nói vòng vo Tam Quốc là cốt câu giờ, bởi chuyện cột đèn Huế thuộc về chuyện thâm căn cố đế. Vả lại, hồi Tướng Tô Ký còn sinh thời, ông thường gọi báo là nhựt trình. Dân xích lô, xe kéo ở Sài Gòn, gọi dân mần nhựt trình là Phóng viên mà, theo họ:Phóng viên là Nhà báo mà, ‘’Nhà báo nói láo ăn tiền’’!?Thiệt tình, chẳng biết đúng sai nhưng, miệng đời cứ lai rai nói vậy và dễ gì mòn nhanh từ bia miệng?
*
Nói cột đèn Huế, không nói một tí gì đến sông Hương, núi Ngự thì, chẳng là Huế. Và, người Huế trầm mặc trong cái cộng hưởng thiên nhiên của trời đất. Kẻ thiếu tấm chơn tình sẽ mù mờ về Huế, rồi ăn nói bậy bạ khiếm nhã dẫu là vua quan.
- Hương Bình dính dáng chi tới cột đèn?Chuyện nọ xọ chuyện kia, hỡi ông nhà báo?
Cát Tường vừa hỏi vừa hút thuốc. Đức Tố tỉnh bơ như ‘’người Hà Nội’’-tỉnh bơ chớ không phớt tỉnh Ăng-lê-
Đức Tố nói tiếp:
- Hồi học cuối năm Đệ nhất cấp, thầy Trần Trọng San có nói về núi Ngự Bình. Đại thể, rằng Đại Nam nhất thống chí, ghi: ''Ở phía đông bắc Hương Thủy, nổi vọt lên một quãng đất bằng như bức bình phong, làm lớp áo thứ nhất trước kinh thành, tục gọi Bằng Sơn. Đời Gia Long đặt cho tên hiện nay (Ngự Bình), đỉnh núi bằng phẳng, nơi nơi trồng thông''.
Đức Tố nhâm nhi cà phê, ngưng giọng, không nói tiếp, tui nóng ruột định có ý kiến ý cò. Chưa kịp khai khẩu, Đức Tố nói:
- Vạn vật chúng sinh trong cõi trần ai đều có dính nhau, người có chữ gọi là tương tác. Đừng nghĩ cột đèn Huế chẳng ăn nhập gì với sông Hương núi Ngự. Có đấy! Đừng nghĩ phương ngữ Huế không dính dáng tới tiếng Chăm. Mọi hiện tượng vật chất đều mang cái chiều sâu vốn riêng nó: Như Ngự Bình.
- Ngự Bình thì sao? Cái ông Nhà báo nầy, đúng là lắm chuyện trên trời dưới đất.
- Nghe cái đã, ý nghĩ và lời nói khác mình đâu hẳn bạn chống mình, thù mình. Cát Tường ném đá hơi sớm.
Rồi, Đức Tố giải lý: Trong hệ thống Thái Cực có Ngự Bình. Vương triều nhà Nguyễn bắt Ngự Bình bảo vệ ngai vàng vĩnh cửu, là tài sản riêng của dòng tộc. Trong khi, dân Huế coi Bằng Sơn là tài sản của núi sông Đại Việt. Vì thế, dù Phu Văn Lâu xây 2 tầng, tượng trưng âm dương (Lưỡng nghi); Kỳ đài 3 cấp, biểu tượng Thiên-Địa-Nhân (Tam Tài), 5 cửa Ngọ Môn ứng với Kim-Mộc-Thủy-Hỏa-Thổ (Ngũ Hành)...cũng không giữ nổi ngai vàng triều Nguyễn trước sự chuyển dịch của cơ trời, trước sự bức bối lòng người. Và, điều tất yếu phải đến, đã đến: 2 giờ 30 phút chiều 24.8.1945, Hoàng Đế Bảo Đại điện cho Chính phủ lâm thời xin thoái vị. Sau đó, tại lễ thoái vị, Người nói:''Trẫm muốn được làm Dân một nước tự do, hơn làm Vua một nước bị trị''.
Thời đó, như thế đó! Chiều Huế, một buổi chiều trước cửa Ngọ Môn tuyệt đẹp và cao thượng! Tới đây, Cát Tường và tui hiểu ra phần nào vế cái cột đèn Huế. Tay nhà báo họ Nguyễn chẳng là tay mơ, cách dẫn chuyện không thua gì dắt kịch.
Cát Tường rót nước trà mời nhà báo.
- Ngự Bình là vậy, Sông Hương thời sao?
Đức Tố cười tủm tỉm.
- Nếu Ngự Bình thuộc về vua quan thì, sông Hương thuộc về dân. Vì vậy, sông Hương chảy qua địa phận nào, mang luôn tên địa phận đó. Kẻ nào, làm xấu sông Hương, kẻ đó có tội với dân Huế.
Trầm ngâm một lúc khá lâu, nhà báo buông tiếng thở dài:
- Nếu tinh ý, ta sẽ thấy dân Huế nhắc nhiều về con sông Hương mà, ít khi nhắc nhớ núi Ngự Bình. Bởi, cái gì thuộc về họ thì họ nhắc nhớ; còn thuộc về vua chúa, quan lại thì, họ dại chi mà nhắc nhớ! Nhưng, phải khẳng định rằng: Kẻ Huế nào làm xấu con sông Hương, kẻ đó đã bóp chết tâm hồn Huế trong trái tim của chính mình!Họ có thể Thừa Thiên, không là Huế!
Hớp ngụm trà Hương Lài, Đức Tố bảo:
- Không phải ngẫu nhiên trời đất tặng dân Huế ''Song kiếm hợp bích'' Hương Bình và Sông Hương! Việc sông Hương, xin nhường lại Tổng biên tập và Ban biên tập Tạp chí Sông Hương, một tạp chí có tuổi đời 70 năm đáng phục và kính nễ. Núi Ngự, âu phải cầu đến chư vị ‘’Sư phụ’’Huế học uyên thâm…Chẳng hạn, nhà Huế học Nguyễn Đắc Xuân.
*
Nhà máy đèn Huế được Pháp thành lập năm 1920, do La-Gơ-Răng làm Giám Đốc. Buổi chiều định mệnh vua thứ 13 triều Nguyễn, khi quân Nhật còn chiếm đóng một số đồn trong nội thành, công nhân Nhà máy đèn Huế cùng một số lính áo đỏ Nam Triều (chuyên canh gác các cửa ra vào thành), xỏ đòn khiên trụ điện sắt (loái quý hiếm thời bấy giờ) đến trồng xuống ngã 3 Trần Hưng Đạo - Gia Long (Phan Bội Châu) để thắp sáng Kinh thành và làm rực rỡ sông Hương. Triều đại năm thứ 143 nhà Nguyễn , rụng như chiếc lá vàng thu Huế.
Cột đèn mang những bóng đèn tròn vàng nhạt bể dâu theo dân Huế. Những thắng lợi vẽ vang, những tang thương mất mát, cột đèn là chứng nhân. Bom đạn và cái ác của con người vẫn không đánh gục đổ nổi cái trụ đèn nhỏ bé, trơ vơ ấy!
Có cụ 90 tuổi ở Phường Trường An, TP Huế nói với tui: Người ta có thể nghĩ đến xây dựng những tượng đài nghìn tỉ, những công trình thế kỷ khắc dấu tên mình, nhưng ít ai để ý quan tâm tới cái cột đèn đứng từ buổi chiều cờ Quẻ Ly kéo xuống trước mặt Ngự Bình thúc thủ, tính ra ngót nghét cũng 70 năm bằng tuổi với Tạp chí Sông Hương. Thói thường, người đời chuộng phần xác mà bỏ phần hồn, lo chưng diện mặt mày thân thể mà, quên giữ tâm an lạc. Hoa có sắc không hương thì, hoa ấy bướm ong cũng chê chớ nói chi thiên hạ ngó ngàng tới.
Nhà báo Nguyễn Đức Tố, nói: Hồi 1952, Tố tóc còn để chỏm mỗi lần chạy lon xon theo mạ ra nhà o Năm mang nhãn hiệu Tiệm vàng An Phú số 47 Gia Long, sau đổi 49 Phan Bội Châu đã thấy ''Ông cột đèn'' đứng chình ình, rất oai phong tại ngã giữa. Mặt cột đèn ngó Hàng Bè, lân la dựa sông Gia Hôi chui qua cầu Gia Hội đổ về sông Hương, vỗ trụ cầu Trường Tiền và nghe tiếng xe trên đường Trần Hưng Đạo. Hồi đó, cả nhà Đức Tố và nhiều người thân, muốn sắm cái xe đạp đều sắm ở Tiệm xe đạp Thanh Tâm do ba của Trịnh Công Sơn mần chủ. Tiệm nằm trên đường Phan Bội Châu gần rạp Việt Nam Phim. Người mua xe đạp không quan tâm đến anh Sơn vì, có ai biết anh Sơn là cái anh nào?Vả lại, anh Sơn thích để tóc dài, áo quần thiếu tươm tất khi ra đường, một điều khó chịu với phong cách Huế thời đó. Còn nếu nói anh Sơn nhạc sĩ thì, xin lỗi chưa phải!Ướt Mi, có thấy anh ấy ''mi ướt'' đâu; nói chi đến ''Diễm xưa''...trên tầng tháp cổ...những bước chim di...và, cái ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau...!? Có điều, những đêm trăng vằng vặc sáng kinh thành, người chung dải phố Phan Bội Châu thường nghe Sơn đàn và hát nơi cột đèn. Phải nói Sơn đam mê nhạc hơn cả sự đam mê của người nghệ sĩ. Huế nhập hồn Sơn mang tình yêu đất nước và, đời Sơn trôi giạt về phương Nam khi bạn bè lần lượt nhảy núi...Trong đó, có Hoàng Phủ Ngọc Tường!
Đức Tố nhớ, người mua xe đạp ở tiệm Thanh Tâm vì ông chủ tiệm tử tế, giá phải chăng, nếu người sắm xe khó khăn, ông chủ cũng có thể gia giảm, bớt tiền chút ít.Giữa tiệm vàng An Phú và tiệm xe đạp Thanh Tâm có mối thân giao. Đức Tố không dám gọi ''tâm giao''bởi sợ miệng đời sủa: Dựa hơi anh Sơn, bắt quàng làm họ. Nhiều khi, nghe kẻ bá vơ bá láp tự xưng ''bạn nhạc sĩ Trịnh Công Sơn''chen vào ghi sổ tang, tiễn đưa linh cửu chụp ảnh để lấy số má...nhiều người Huế ''đúng chất Huế'' ngửi mùi muốn mửa. Có anh bạo miệng, rằng Tết Mậu thân 68, thấy Trịnh Công Sơn đang ngồi vừa sáng tác, vừa đàn và ...''Hát trên những xác người…''Nói như thiệt, người nghe có cảm giác đang coi phim! Có lẽ, một trong hai nhà văn Ng.Ng. và PNTcó tầm cỡ trước 75, đủ tư cách xác định chuyện nầy sai đúng.
Việc đời, nhiều lúc ‘’vàng thau lẫn lộn’’là vậy!
*
Trong tâm thức của Tô, nói đến Huế là, Tố nhớ ngay cái cột đèn. Một cái cột đèn trung tâm Tp. Huế thời đó!
Sông Hương có sự mê diệu của thiên nhiên thì, cột đèn có sự sáng Thái Cực nhằm soi đường, mở lối cho Huế trong đêm dài tăm tối. Biết đâu, cái cột đèn bề ngoài tầm thường ấy, chính là cái diệu cơ của càn khôn thế vào chỗ phong thủy Ngự Bình? Vì thế, có thể nói mà không sợ lỡ đà: Bất chấp chiến tranh, thời thương phế binh, thời hỗn quân hỗn quan trước 75, đến Bình Trị Thiên, Thừa Thiên Huế...với ngần ấy quy hoạch phát triển, giải phóng mặt bằng, mở rộng đường...cột đèn ngã giữa Trần Hưng Đạo-Phan Bội Châu (cũ)vẫn ''thi gan cùng tuế nguyệt!''. Cột đèn, biết đâu đó là món quà linh khí của núi sông, tặng người con Huế vượt qua ‘’tâm viên ý mã’’?
Cột đèn đem ánh sáng phẩm giá, rọi tâm hồn mỗi đứa con Huế dù đang ở quê nhà hay ở quê người đất khách. Huế có cốt cách Huế. Thói thường nhịn nhục. Huế nhịn nhưng, không chịu nhục. Và, Huế là Huế. Huế không có chỗ cho những kẻ mạo danh mình làm những việc trái ngược lương tri Huế. Trong sử sách hoặc, những câu chuyện đời thường đầy rẩy tấm gương và hành động để chứng minh điều đó. Một người con gái Huế nghèo khó, đi làm thuê bưng bê và hầu bàn, dám xáng vào mặt tên đại quan Huế cái tát tay nhân cách. Há chẳng xứng Huế trong Huế sao?
Xin thưa bạn:Dẫu người có lòng thay dạ đổi, cột đèn Huế 1945 vẫn còn đó với núi Ngự, sông Hương!
Và, cũng xin bạn nhớ cho rằng, cà khịa chuyện đời của người miệt ruộng Nam Kỳ cốt mua tiếng cười lúc đầu tắt mặt tối trên đồng. Tuyệt nhiên, không chứa nội hàm, ngoại hàm chi cả!
TRẦN BẢO ĐỊNH
Sài Gòn, tháng 8.2015.