Thứ Tư, 20 tháng 1, 2016

CON CÁ SẶC RẰN MIỆT THỨ - TRẦN BẢO ĐỊNH

c à k h ị a c h u y ệ n đ ờ i c u ố i n ă m

CON CÁ SẶC RẰN MIỆT THỨ
1.
Nằm vắt võng cặp bờ kinh Xáng, bỗng nghe tiếng ai đó chèo ghe dưới ánh trăng khuya, buông câu hò văng vẳng:''Má ơi đừng gả con xa. Chim kêu vượn hú biết nhà má đâu?'' Rồi, hình như có giọng hò nối cất lên, chắc hẳn là của một chàng trai đẩy đưa trong gió: ''Sương khuya đẫm ướt giàn bầu. Em về miệt thứ bỏ sầu cho ai...?''. Cái hò lơ cứ kéo dài lê thê quyện theo con nước buồn xa lắc xa lơ! Cầm lòng không đậu, tôi thắc mắc hỏi má:
- Miệt thứ là miệt gì hở má?
Má đang ''ầu ơ...ví dầu'' ru em tôi ngủ. Má nói nhát gừng:
- Miệt thứ là miệt thứ, đừng miệt thị nhau, được rồi!
Tôi nghĩ bụng, má nói vậy trớt quớt, coi như chưa nói. Có lẽ, má biết tôi hay hỏi dần lân nên nói sẳng để cắt ngang câu chuyện.
- Khuya rồi, ngủ đi con!
Tiếng má nhừa nhựa theo giọng ngáp…
*
Tràm tiếp tràm và tràm tạo thành rừng bạt ngàn trên đất U Minh Thượng. Công bằng mà nói, dân mình ghét tụi thực dân Pháp xâm lược, nhưng ai cũng không quên cảm ơn thực dân Pháp khai mở vùng đất bán đảo Cà Mau. Trong đó, có U Minh Thượng! Cứ trăm ngang, ngàn dọc xẻ kinh xổ phèn và hình thành ô bàn cờ, nơi mà bao đời trước người Việt đi khẩn hoang bó tay. Muốn nối con sông Cái với sông Trèm Trẹm, mần sao nối? Pháp đào kinh Xáng nối đôi bờ hai con sông. Vì sao Pháp nối? Cái đó, nhường cho “hạng sĩ phu” có lý luận ra sức múa bút bày vẽ.
Nhà văn Sơn Nam lúc sinh thời đã từng giải thích, vùng đất miền Tây Nam bộ được chia thành bốn miệt: Miệt vườn, cặp theo đất và cù lao sông Tiền. Miệt ruộng, chạy dài từ Sóc Trăng, Bạc Liêu. Miệt rẫy, khóm Cầu Đúc(Kiên Giang), Xà Phiên(Long Mỹ). Miệt thứ, vùng đất trăm ngang ngàn dọc kéo từ An Biên, An Minh, Vĩnh Thuận...cặp sông Cái Lớn tới vịnh Rạch Giá và xuống tuốt huyện U Minh. Chia miệt như vậy là chia theo ''duy ý chí'' chớ thực tế, miệt không hẳn rạch ròi. Nó đan xen, nó chằng chịt khác chi mạng nhện; khúc có ruộng, khúc có vườn...Lắm lúc ruộng, rẫy, vườn...chung cùng một miệt!
Miệt thứ, không có nghĩa là xa xôi, trắc trở mà nó thuộc hệ thống kinh xương sườn nối từ kinh xương sống và lúa, khóm, khoai, đìa cá…mật ong tràm sinh sôi từ miệt thứ theo thứ tự kinh đào:Từ thứ một đến thứ mười lăm. ''Nhất cận giang'' nên kinh đào tới đâu, người bâu đến đó. Chợ búa mọc theo, trên bến dưới thuyền. Bất chấp bom đạn, chết chóc! Người miệt thứ chẳng coi chúng ra gì, vẫn mần ăn, vẫn giúp người tha phương cơ nhỡ; vẫn mần cật lực để có cái ăn và để có nuôi đàng mình đánh giặc. Dân miệt thứ không thua con cá sặc rằn, lỳ lợm, kiên cường bám trụ ''một tấc không đi, một ly không rời'', sẵn sàng chiến đấu cho tới chết với kẻ thù xâm phạm bản địa, nơi nó đang sống.
Những ai đã từng đi qua hoặc sống vùng U Minh Thượng, chắc không thể quên dòng sông Trèm Trẹm với cái màu nước mà nhà văn Dạ Ngân, người đã biếu tặng tuổi thanh xuân của mình cho đất trời miệt thứ. ''Đó là, màu lục thủy sậm, gắn với màu xanh ve chai'' và nhà văn vốn xuất thân làm báo nói rằng:''Sông Trẹm thuộc loại sông để nhớ!''.
Nhưng, nhớ là nhớ cái chi? Nhớ Trèm Trẹm hay nhớ cái rằn của con cá sặc? Hồi nhỏ, tôi thắc mắc hỏi miết mà chẳng có ma nào cắt nghĩa tường tận? Sao gọi là, sông Trèm Trẹm?Mấy bà miệt Tân Bằng thường lý lắt trả lời ỡm ờ:
- Trèm Trẹm là Chèm Nhẹp, sông Trèm Trẹm là sông Chèm Nhẹp. Đứa nào không tin thì đi kiếm bác Ba Phi mà hỏi!
Nói xong, mấy bà ôm nhau cười ngất!
Có lẽ, cái chèm nhẹp ở đây chính là sự tích tụ xác lá, xác cây, rễ tràm trầm tích...thành mỏ than bùn lộ thiên, dư sức cho dân cùng đinh sử dụng.
Vì là, chèm nhẹp nên cá các loại rút vô đìa. Trong các loại cá rút vô đìa, có cá sặc!Tuy một chủng loại cá sặc nhưng giống khác nhau:Sặc rằn, sặc bướm, sặc cẩm thạch. Giống khác nhau thì, mần sao bụng dạ giống nhau(?)
2.
Sặc cẩm thạch tốt mả, tính đố kỵ. Bởi tính đố kỵ nên thường ghen ăn tức ở. Chuyện rằng, thầy trò sặc cẩm thạch cùng quen nàng sặc bướm. Trò vô tư, thầy chủ ý ''đực cái'' trong lòng từ khi gặp nàng sặc bướm. Ngặt nỗi, nàng sặc bướm coi thầy người bề trên, khen và tỏ sự ngưỡng mộ trò. Bấy nhiêu thôi, cũng đủ thầy giận dữ vì ghen tức, đành đoạn cắt đứt tình sư đệ.
Và, có phải đó là cách giải câu hò:''Học trò đi mò cá sặc.Thầy giáo ở nhà lắt c…nấu canh''?Nếu như, sặc cẩm thạch sảnh sẹ, chọn hình tướng mần biểu tượng cốt cách thì, sặc rằn cần cù trong cuộc sống, chăm lo và bảo vệ bầy đàn. Mình mẩy nổi vằn nổi vện, đen thủi đen thui nên còn có một tên gọi bình dân khác là sặc lò tho. Trời sinh nó lớn xác, kỳ-vi-vảy... tạo nên võ khí lợi hại chống sự xâm lược các loài cá khác. Nhất là, cuộc đối đầu triền miên với bọn cá lóc. Cá sặc bướm chẳng mấy ai để ý, chúng nhả bọt mọi nơi, đẻ trứng chưa kịp nở thì đã đẻ tiếp...người miệt thứ chả ai thèm ngó ngàng hoặc ăn cá sặc bướm. Đời nó sống tùm lum, tùm lê… la tính ba phải ''gió chiều nào theo chiều đó'' nhưng, không là ''gió chiều nào theo chiều đó'' của cây sậy của Blaise Pascal. Nó khoái nghe lời mật ngọt và bùi tai, thích hùa theo cảm tính mà chẳng cần sai đúng. Sặc bướm lân la gần gũi sặc cẩm thạch vì, ước mơ có được bộ da mang màu sắc rực rỡ như sặc cẩm thạch. Nó chẳng quan tâm đến sặc rằn, dù sặc rằn hết lòng với nó và sặc cẩm thạch.
Sặc bướm và sặc cẩm thạch thường mần ổ phía trong cụm năng, cụm lát. Phía ngoài là, ổ sặc rằn. Mỗi khi cá lóc tấn công vào hang ổ của cá sặc; cá lóc đụng phải sự kháng cự dữ dội của sặc rằn. Chưa bao giờ sặc rằn bỏ chạy.
*
Nói đến miệt thứ là, nói đến sự khó khăn nguồn nước ngọt. Nhà nhà đều dùng ny lon hứng nước mưa để dành dùng vào mùa khô, đìa do người ráp nhau đào tay hoặc ''chờ Mỹ thả bom'' mà nói thiệt, nhiều khi cầu Mỹ thả ''bom đìa'' để có thêm đìa chứa nước ngọt sinh sống, mà trường kỳ ''chống Mỹ cứu nước''!
Cá sặc tưởng bở, bỏ miệt thứ nhào theo, đổ xuống đìa sống sướng thân. Cuộc sống trong lòng đìa vừa khỏe khoắn thức ăn, vừa tung tăng trong môi trường nước ngọt, mọi thứ hình như thiên nhiên cho không biếu không. Nghĩa là, chẳng mần cũng ''ăn sung mặc sướng''. Ngày qua tháng lụn, chất lượng sống và kỹ năng sống của loài cá sặc mất dần...mất dần, ngay cả sặc rằn chẳng còn vẽ sặc rằn dũng mãnh của ngày cũ. Cá sặc trong đìa không thể sánh với cá sặc ngoài kinh. Lắm khi, sặc nhìn trời hẹp bằng cái nia; nó quên kinh dài sông rộng giữa bầu trời xanh mênh mông. Nó hoàn toàn dựa dẫm, phó thác mạng sống cho đìa. Và trước bọn cá lóc, nó mất sức đề kháng chiến đấu, bất lực nhìn đàn con bị cá lóc biến thành thức ăn và, nó cũng lũi vào đám năng trốn chui trốn nhũi kẻ thù như lũ sặc cẩm thạch, sặc bướm.
Sặc rằn tiếc nuối và nhớ thời oanh liệt của mình sống ở miệt thứ, nhớ Cái Tàu, Tân Bằng, Cán Gáo...Muốn leo lên thành đìa, băng rừng tràm nguyên sinh trở về cố thổ, được vẫy vùng sông nước dẫu phải đối mặt thường trực khó khăn, thiếu thốn.
Muộn rồi!
Người miệt thứ rất điêu luyện trong việc chụp đìa. Tôi hỏi má:
- Chụp đìa có giống tát đìa, không má?
Má nói:
- Khác chớ con!
Má cắt nghĩa:
- Ở miệt Đồng Tháp Mười, bắt đầu từ tháng chạp đến tháng ba là mùa đìa. Người miệt đó, họ dùng gàu dai để tát đìa, bởi họ không cần trữ nước đìa ăn uống, tắm giặt như miệt thứ của mình. Trời ưu đãi và thiên nhiên hào sảng với họ bằng nguồn nước ngọt từ ao hồ, sông rạch. Còn mình...
Tôi nghe má nói, trong bụng gay gắt với ông trời. Hỏi tắt ngang:
- Còn mình thì, sao má?
Má thản nhiên:
- Còn mình ở vùng đất U Minh Thượng, cả gan cãi trời tạo ra miệt thứ mà, từ khai thiên lập địa chưa ai dám. Trời giận, cho thiếu và khan hiếm nước ngọt để đuổi người đi chỗ khác. Nhưng, trời quên, người là con trời, người muốn là trời muốn. Đám phong kiến cai trị từng nói ''ý dân là ý trời''. Người chẳng những không bỏ đi mà còn tìm trăm phương ngàn kế đối phó. Nếu miệt thứ tát đìa thì, được cá sẽ mất nước. Nếu nước mất, người bỏ đi hoặc chết khát. Chi bằng, chụp đìa được cá mà vẫn còn nước, sự sống của người miệt thứ bình yên.
Xoa đầu tôi, má cười rồi nói tiếp:
- Chụp đìa hay tát đìa, giống nhau ở mục đích bắt được cá. Khác nhau ở phương pháp, và phương pháp khác nhau ấy là kinh qua từ cái biết của người.
- Vậy, mần chụp đìa là chụp mần sao má?
Tôi hỏi cho ra môn ra khoai.
Má cũng muốn nhơn tiện nói cho tôi biết.
- Thường ra giêng, miệt thứ vào mùa chụp đìa. Dùng lưới chèn và ven bao thành miệng đìa, dùng ống trúc thọc xuống nước thổi cho sóng động lòng đìa, dùng cây khuấy nước...Các loại cá, kể cả sặc rằn, đương sống yên bình trong lòng đìa thanh bình;bỗng dưng nghe âm thanh gầm thét từ nước tưởng chừng phải đối đầu với''cuộc chiến tranh không tuyên bố''. Tất cả các loài cá sống trong ''đất nước đìa''thất kinh hồn vía, đùm túm, dắt nhau chạy loạn trối chết...chẳng dè, chạy đâm đầu vô lưới. Khi ước lượng cá vào đủ thì, người xúm lại cuốn lưới.
*
Bông tràm trổ trắng vùng miệt thứ và hương thơm lừng trời.
Sặc rằn thương sặc bướm muốn cái không thể muốn, hùa cái không nên hùa...mắc mưu người và biến ra mắm cá sặc. Thương sặc cẩm thạch vì, cái đẹp màu sắc trở thành loại cá cảnh bị buôn bán khắp nơi. Tủi phận mình, nay không là sặc rằn, là lò tho...mà là, khô cá bổi. Người nướng xé ăn với cơm nguội, người nướng trộn gỏi...và, sặc rằn tuyệt chủng từ khi đìa, rừng tràm U Minh Thượng bị thảm sát bởi những đợt di dân... Nước sông Trèm Trẹm màu ''lục thủy sậm, gần với màu ve chai''đã chết tự bao giờ, để lại dòng sông nỗi tiếc thương thay cho nỗi nhớ thời chinh chiến.
Sặc rằn, nghĩ:
- Có lẽ, người ác độc khi người tham vọng cải tạo trời thay đổi thiên nhiên.
Người khổ muôn kiếp vì người không biết dừng lại đúng lúc phải dừng. Sặc rằn hoàn toàn mất hồn cốt và tinh chất nòi giống, giờ chỉ là hình dạng sặc rằn nằm trong tay người lai tạo, nuôi nấn bằng công nghệ và hóa chất. Và, con người lãnh trọn gói ung thư từ sản phẩm của mình. Có nhân có quả, có trả có vay!
Sặc rằn miệt thứ, giờ chỉ là hoài niệm trong hoài niệm của những ai còn chút tình nghĩ đến hồn đất U Minh Thượng!
TRẦN BẢO ĐỊNH
2016

*
1. Sặc Rằn. 2. Sặc Cẩm Thạch. 3 Sặc Bướm
4. Sông Trèm Trẹm. 2. Sông Trèm Trẹm đoạn qua Xẻo Rô.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét