Thứ Bảy, 29 tháng 9, 2012

NHỮNG NGÀY Ở HUẾ VỚI HỒI ...









SAO KHUYA - VÕ CHÂN CỬU



1

Đâu ai còn nhớ thương ai
Câu ca ngày ấy thương hoài ngàn năm

Sao khuya lấm áo em nằm
Cho ta tìm ánh trăng rằm trên cao.


2

Lối xưa anh biết chốn nào
Cành dương xỉ vẫy tay chào hư không

Con bìm bịp cứ bay cong
Suối ơi uốn khúc ngô đồng gió lay.


3

Chiều vừa chín giữa ngọn cây
Người không đến, nửa bóng mây qua thềm

Cho nhau một giọt mưa tìm
Bờ môi em. Vẫn cánh chim lưng trời

4

Ai tìm bắt  bóng mây vơi
Cửa răng gió lạnh những lời nhớ, quên
Ai tìm ai giữa vô biên
Bàn tay nắm bóng. Chiều nghiêng xuống rồi.








Thứ Sáu, 28 tháng 9, 2012

HẠT LỆ NÀO CỦNG MẶN NHƯ NHAU - HOÀNG LỘC

cũng bởi chiều nay mây xuống thấp 
chi chắc ngày mai em vui hơn 
tôi cuối sông mờ cơn gió tạt 
 vừa nghe ra mưa nổi thượng nguồn

 ở đó có thời em rất lạ 
lá trên vai và nắng trên môi 
những ngày thu của rừng núi cũ 
của thú gầy em hẹn với tôi

 ở đó, rồi xa nhau, cũng vội 
(đời tôi em đã bỏ không về) 
nhiều khi tôi nhớ tôi, buồn bã 
đi bao năm mà lòng vẫn quê 

 nhiều khi tôi nhớ em nhiều lắm
 tình sau chẳng mấy khác tình đầu
 trời nỡ sinh hai người lận đận 
hạt lệ nào cũng mặn như nhau 
9-2012

Thứ Năm, 27 tháng 9, 2012

TRẢ LẠI VỊ TRÍ XỨNG ĐÁNG CHO NHỮNG TÁC PHẨM GIÁ TRỊ - HUỲNH NHƯ PHƯƠNG

Tính từ khi tiểu luận Một lối thơ mới trình chánh giữa làng thơ và bài thơ Tình già của Phan Khôi được công bố trên Tập văn mùa xuân, phụ san của Báo Đông Tây Xuân Nhâm Thâm 1932, và trên báo Phụ Nữ tân văn ngày 10-3-1932, phong trào Thơ Mới ra đời đến nay đã tròn 80 năm. Tính từ khi Nhất Linh Nguyễn Tường Tam làm giám đốc tuần báo Phong Hóa vào ngày 22-9-1932, chuẩn bị cho sự ra đời của Tự Lực văn đoàn sau đó[*], 80 năm cũng đã trôi qua. Nhân dịp này, một số cơ quan nghiên cứu và giảng dạy văn học trân trọng kỷ niệm hai sự kiện văn học lớn, có ảnh hưởng quan trọng đến tiến trình hiện đại hóa văn học nước ta. Là sản phẩm của lịch sử và văn hóa Việt Nam, chịu ảnh hưởng bởi những biến động chính trị, xã hội, kinh tế trong tám thập niên vừa qua, hai hiện tượng văn học nói trên đã trải qua những chặng đường gập ghềnh trong sự tiếp nhận, thưởng thức và đánh giá. Trong những hoàn cảnh cực đoan, có lúc Thơ Mới và Tự Lực văn đoàn đã bị xem là những hiện tượng văn học suy đồi, tiêu cực, thậm chí có hại cho việc giáo dục đạo đức và thẩm mỹ. Đường lối Đổi mới xã hội và văn hóa, văn học khởi xướng từ năm 1986 đã góp phần cứu vớt số phận của hai trào lưu văn học này, “chiêu tuyết” cho nó và từng bước đưa nó trở lại với đời sống. Những thi phẩm công bố trước 1945 của Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Xuân Diệu, Huy Cận, Huy Thông, Chế Lan Viên, Anh Thơ, Vũ Hoàng Chương, Hàn Mặc Tử, Nguyễn Bính, Tế Hanh, Bích Khê, Hồ Dzếnh, Đoàn Phú Tứ, Nam Trân, Phạm Hầu, Xuân Tâm, Đinh Hùng… lần lượt được in lại với số lượng lớn. Truyện ngắn, tiểu thuyết của Nhất Linh, Khái Hưng, Thạch Lam, Trần Tiêu… cũng được tái bản và phát hành rộng rãi, chứ không phải là tài liệu hạn chế trong thư viện chỉ dành cho một số ít nhà nghiên cứu tiếp xúc mà thôi. Một số bài thơ hay của văn học lãng mạn được đưa vào các tuyển tập, được bình giảng trong sách giáo khoa trung học, được chọn làm đề thi tú tài và đại học. Hầu hết các nhà thơ, nhà văn nói trên cùng tác phẩm của họ được khảo sát trong các tiểu luận, luận văn, luận án ở nhà trường đại học. Có thể nói một trong những thành tựu lớn nhất của khoa nghiên cứu, phê bình văn học thời kỳ Đổi mới là việc phân tích, nhận thức lại những hiện tượng văn học quá khứ đã từng bị đánh giá bất công, từ đó đi đến nhận định khách quan và xác lập cho nó vị trí xứng đáng trong văn học sử. Những nhận xét thỏa đáng về các hiện tượng văn học ấy của Hoài Thanh, Vũ Ngọc Phan trước 1945 và của những nhà nghiên cứu ở miền Nam trước 1975 như Phạm Thế Ngũ, Thanh Lãng, Đặng Tiến, Lê Huy Oanh, Bùi Đức Tịnh… được thừa nhận. Một số nhà nghiên cứu từng nặng lời với Thơ Mới và Tự Lực văn đoàn trước đây cũng thay đổi cách nhìn. Đặc biệt, từ cuối những năm 80 thế kỷ trước đến nay, nhiều công trình cá nhân và tập thể đã được biên soạn trong tinh thần khoa học, giúp người đọc cảm và hiểu sâu hơn những tác gia, tác phẩm của một giai đoạn văn học phát triển mạnh mẽ vào những năm 1932-1945. Có thể kể ở đây một số cuốn sách tiêu biểu: Thơ Mới – những bước thăng trầm của Lê Đình Kỵ, Mắt thơ của Đỗ Lai Thúy, Nhà văn tiền chiến và quá trình hiện đại hóa… của Vương Trí Nhàn, Về Tự Lực văn đoàn của Nguyễn Trác và Đái Xuân Ninh, Tự Lực văn đoàn – con người và văn chương của Phan Cự Đệ, Tự Lực văn đoàn – trào lưu và tác giả của Hà Minh Đức, Ba đỉnh cao Thơ Mới của Chu Văn Sơn, Nhìn lại một cuộc cách mạng trong thi ca do Huy Cận và Hà Minh Đức chủ biên… Trong các nhà nghiên cứu về Thơ Mới và Tự Lực văn đoàn, chúng tôi muốn nhắc đến hai tác giả với sự trân trọng về lao động công phu, kiên trì và hiệu quả. Đó là Hà Minh Đức, giáo sư đầu ngành văn học, với một loạt công trình biên khảo, sưu tầm, ghi chép về các nhà thơ Huy Cận, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Tế Hanh, Anh Thơ trong bộ sách được lần lượt xuất bản khoảng năm năm gần đây. Thuộc thế hệ trẻ hơn, Vu Gia chuyên tâm nghiên cứu về những tác gia thành viên của Tự Lực văn đoàn: Nhất Linh, Khái Hưng, Thạch Lam, Hoàng Đạo, Tú Mỡ, Thế Lữ. Bộ sách của ông cuốn nào cũng dày từ ba trăm trang đến gần một ngàn trang, đầy ắp tư liệu mới làm cơ sở cho những nhận định bổ sung vào những khoảng trống văn học sử. Những công trình nghiên cứu đa dạng và đa diện về phong trào Thơ Mới và Tự Lực văn đoàn cho thấy đây là những hiện tượng “một đi không trở lại” trong lịch sử văn học dân tộc, có giá trị đích thực và sức sống dài lâu, còn có thể được tiếp tục khám phá. Bằng chứng là dưới ánh sáng của thi pháp học, phong cách học, lý thuyết tiếp nhận, văn bản Thơ Mới và văn xuôi Tự Lực văn đoàn bộc lộ vẻ đẹp và sự phong phú của nó, đồng thời cho thấy tiếng vang của nó còn ngân xa trong lòng các thế hệ văn thi sĩ và độc giả đến sau. Tất nhiên, mọi hiện tượng văn học đều có những giới hạn lịch sử của nó. Thơ Mới và Tự Lực văn đoàn cũng không là ngoại lệ. Kỷ niệm hai sự kiện văn học này không phải là dịp để chúng ta tôn vinh những khuôn mẫu không hề bị vượt qua mà quan trọng hơn là rút ra những bài học cho những cách tân hôm nay. Thời đại mới, con người mới luôn luôn cần những tiếng nói nghệ thuật mới. Trân quý những tiếng nói nghệ thuật cũ không có nghĩa là mãi mãi nằm trong bóng râm và vùng từ trường của nó. Trên thực tế, văn học ở những địa bàn khác nhau của đất nước, từ cuối những năm 50 thế kỷ trước đến nay, đã có những bứt phá và đột phá mà có lẽ lúc đương thời những Nhất Linh, Khái Hưng, Thế Lữ, Xuân Diệu…, dù đầy tài năng, cũng chưa thể hình dung được.  

HUỲNH NHƯ PHƯƠNG 
 [*] Nguyễn Tường Tam chính thức được ghi tên Directeur (Giám đốc) trên trang bìa báo Phong hóa số 14, ra ngày 22-9-1932. Đến số 87, ra ngày 02-3-1934, Phong hóa mới công bố Tôn chỉ của Tự Lực văn đoàn.

Thứ Tư, 26 tháng 9, 2012

CHIA BUỒN

ĐƯỢC TIN 
NHÀ THƠ NHÀ BÁO HÀ THÚC QUYẾT
VỪA QUA ĐỜI TẠI HUẾ SAU MỘT CƠN BẠO BỆNH
HƯỞNG THỌ 68 TUỔI
XIN CHIA BUỒN CÙNG TANG QUYẾN
CẦU NGUYỆN HƯƠNG HỒN BẠN SỚM VỀ CÕI PHẬT

viêm tịnh - nguyễn miên thảo - cao huy khanh - từ hoài tấn - phạm tấn hầu
võ quê - thái nguyên hạnh - tân dân - nguyễn đính - nguyên quân -
 hồ đăng thanh ngọclê ngọc thuận - đoàn phạm túy linh -
 nguyễn phố - văn viết lộc -phan lệ dung -trần dzạ lữ
bùi ngọc long - doanh doanh - lê vĩnh thái và bằng hữu

Thứ Ba, 25 tháng 9, 2012

NGUYÊN SƠ - VÔ BIÊN

Mộng tưởng lên trời 
Ta ở lại
Bàn chân giẫm phải
Sắc thu phai
Còn nguyên giọt nắng
Mùa nhung nhớ
Hong khô cơn gió
Lạnh hình hài
Ta kiếm tìm chi
Ngày đuổi bóng
Nắm cầm sờ sững
Những đêm thâu
Giấc mơ về cánh đồng và lửa
Sớm mai hồng
                           diện mạo ta đâu.

Thứ Bảy, 15 tháng 9, 2012

TẬP THƠ VƯƠNG TỪ CHÍNH THỨC RA MẮT BẠN ĐỌC

Ngày 15 tháng 09 năm 2012
Tập thơ VƯƠNG TỪ
chính thức ra mắt
bìa LÊ THÁNH THƯ
Tổng hợp và chăm sóc bản thảo
NGUYỄN MIÊN THẢO,TỪ HOÀI TẤN
ĐẶNG NGỌC QUANG,LÊ TẤT SĨ

Trình bày và chăm sóc bản thảo cuối cùng
NGUYỄN LIÊN CHÂU
Nhà xuất bản HỘI NHÀ VĂN

Thứ Sáu, 14 tháng 9, 2012

KHI TÔI LỠ DẠI - HOÀNG LỘC

Đức Phổ và Hoàng Lộc

khi tôi lỡ dại yêu người
quanh tôi có một mình tôi đứng buồn
trên tôi chỉ một trời tròn
dưới tôi là trái đất vuông thuở nào ?

yêu người đời hóa chiêm bao
tiếng than quặn thắt câu chào hiếm hoi
trái tim sinh chẳng gặp thời
cứ thoi thóp cả đất trời tư riêng

tôi từng lỡ dại và em
thân đau thất bát hồn thêm lỗi nghì
tình về không kịp tình đi
cho nên suốt kiếp xa lìa. cũng xong

9-12

Thứ Năm, 13 tháng 9, 2012

THÊM BÀI THƠ - VÕ CHÂN CỬU

Chắc ta phải rời xa nơi ấy
Rừng thưa chồi gió lặng cô liêu
Vôi quyện muối theo hình con vắt búng
Nắng hong vai chầm chậm sương chiều

Em cứ ngỡ lòng em như cánh lá
Phất theo mưa nhưng chẳng thể xa cành
Con tu hú suốt một đời khản cổ
Chữ theo vần chưa thấy bóng trăng thanh

Thôi chẳng thể một lần như chẳng thể
Tay dầm sương nhỏ nhẹ như mây
Thôi chẳng thể thêm một bài thơ ấy
Gió chao xa thu ngắt nhịp vơi đầy.

Thứ Tư, 12 tháng 9, 2012

ANH ĐI QUA EM - HOÀNG THỊ THIỀU ANH

Anh đi qua em.
Đi qua em…
Rồi
Bất chợt ghé vào đời cuống quýt
Một khoảng khắc
Đi qua nhau.

Đã đi qua nhau quá lâu
Tiếc mà chi
Còn quay đầu nhìn lại
Để làm gì
Cho bíu bận thêm sâu…

Đêm ghé qua em những nát nhàu
Mùi ân ái nồng nàn hương xa cũ
Quá khứ vật vờ trí tưởng
Lại đi qua nhau cùng nỗi đau

Muộn màng.
Muộn màng rồi anh ơi!
Em chẳng còn gì để cho anh lần nữa.
Những khổ đau lần lữa
Lặng lẽ một thời đã quá… xa xôi.
Xa xôi.

Thứ Ba, 11 tháng 9, 2012

VỀ NÚI - VÔ BIÊN

Chỉ còn núi và tôi và cây cỏ
Biển thì xa nhưng tay vẫy thật gần
Đá tĩnh lặng đứng trơ mềm gió lướt
Mây đổ buồn len lỏi giữa chiều hoang

Còn ai nữa về cùng tôi với núi
Nói với bao la dâu bể dưới chân người
Hát với chim muông thanh bình trên tầng lá
Nghe nhịp lòng sâu chuyển mạch luân hồi

Núi tiếp núi nhấp nhô cao thấp
Tôi mệt nhoài trượt ngã đỉnh cheo leo
Mây vẫn bay mong manh triền đá dựng
Ngày dần qua xa vắng khuất truông đèo

Còn ai nữa ngồi cùng tôi với núi
Chiều buồn ơi mưa rớt xuống mênh mông
Áo chưa ướt mà rừng hơi thở lạnh
Có ngọn lửa từ tim sưởi ấm đồi đông.

Thứ Hai, 10 tháng 9, 2012

TỪ NÚI RỪNG LỤC TUYẾT - NGUYỄN MIÊN THẢO

1.
Dẫu thế nào đi nữa
Ngày mai ta cũng về
Thôi rừng xanh ở lại
Với mắt sầu sơn khê

Đây hầm xưa núi đá
Noi dấu yêu ngàn đời
Dẫu ngày mai xa cách
Đừng buồn chi núi ơi

Đây núi rừng Lục Tuyết
Nơi hẹn hò ngàn năm
Dẫu ngày mai ly biệt
Ta nhớ hoài vạn năm

Đây ngôi trường lá mộng
Gió bốn bề hương đưa
Lũ học trò ngu độn
Khố ấm,hồn tiêu sơ
(Các em là tiền sử
của loài người hôm nay)
Dẫu mai kia ở lại
Các em đừng lệ rơi
Hãy nhìn dòng suối đó
Cuộc đời cũng thế thôi

Đây căn nhà gỗ quý
Lá mây che mưa nguồn
Một đời ta khốn khó
Về đây làm trích tiên

Đời một vạn gian nan
Biết làm gì thêm mệt
Ta trốn vào rừng thẳm
Dạy các em làm người
Một điều ta nhắc nhở
Đừng tin gì hom nay

Dẫu mai này vắng bóng
Nhà trống với rừng hoang
Nhớ những đêm mưa đổ
Mà nằm ru trăng vàng

Hãy hân hoan như biển
Dù ngàn đời hoang vu
Hãy xanh tươi như lá
Hãy dịu dàng như sương
Hãy bền lâu như đá
Dù hợp tan như mây
Có ngày ta trở lại
Thăm rừng hoang rừng hoang

2.
Đây những hạt mưa nguồn
Ta gừi tình xuống biển
Nhắn người yêu dáu ta
Chơ có thành tượng đá
Ngày mai ta sẽ về
Môi xưa rồi sẽ đỏ
Nhắn với bạn bè ta
Đừng lo ta chết yểu
Nhắn với cha mẹ ta
Hãy tin ta còn sống
Nhắn với anh em ta
Ta có lời xin lỗi
Ngày mai ta sẽ về …

Ở đây rất bình yên
Bom đạn không thể tới
Ta ăn toàn thú rừng
Gạo đổi từ miệt dưới
Có rất nhiều mật ong
Thứ mật ong nguyên chất
Ta có cái ống điếu
Đẹp hơn đồ văn minh

3.
Đây những hạt sương trong
Sáng mặt trời dậy muộn
Ta nằm nghe mưa hồng
Đổ từ trời ảo mộng
Mà nhớ tói lời ca
Của một thằng bạn thiết
Giọng buồn như lá non
Và hay như lục tuyết
Chảy hoài từ núi xa

4.
Đây rừng cây khẳng khiu
Đứng ngàn năm ở đó
Mà nhớ tới bạn bè
Thằng nằm ôm sương khói
Kéo cuộc đời lê thê
Thằng nàm ôm ảo vọng
Chết dần thời thanh xuan
Thằng lận dận áo cơm
Thằng đua đòi chữ nghĩa
Thằng ở tù mục xương
Thằng rong chơi tren núi
Còn ta đang nằm đây
Ngó rừng cây trụi lá
Mà mắt buồn rưng rưng

5.
Những đêm trời đứng gió
Rừng cây im như tờ
Ta nghe mình lạc lỏng
Hồn quạnh quẻ, hoang sơ

Rừng già ơi có chết
Ta chết với rừng già
Cây rừng sao trụi lá
Ta chạnh mối hư sinh
Mà nghe chừng bão tới
Trong hồn ta lênh đênh
Một cánh buồm trôi dạt
Biển rừng ơi mong mênh
Những lá vàng bức tử
Ta thấy mình hồi sinh

Bạn bè chừ ở đó
Bây giờ ta ở đây
Những đêm ngắm trăng vàng
Mà nhớ về cố quận …

NGUYỄN MIÊN THẢO
(Tuần báo Khởi Hành 1969)

Thứ Bảy, 8 tháng 9, 2012

THÁNG 10.2012,ĐÓN ĐỌC THI PHẨM MỚI CỦA TỪ HOÀI TẤN


Mời bạn đọc và thân hữu đón đọc tập thơ xuất bản vào tháng 10.2012
THƠ TỪ HOÀI TẤN
ĐI, ĐỨNG VÀ CHẠY ...VỚI THỜI GIAN
BÌA , PHỤ BẢN LÊ THÁNH THƯ
NXB Hội Nhà Văn

Thứ Sáu, 7 tháng 9, 2012

MÙA XUÂN VÀ THẠCH SANH - TRIỆU TỪ TRUYỀN

em sinh từ bán đảo
trôi một mình vào biển đời
sóng gió ướt đầm
đảo xa khơi
căng buồm chưa tới được em
thả cánh diều xa dò tìm
em uất ức giữa ngàn trùng quặn thắt
chết ngất trong vòng tay hải tặc.
mùa xuân đánh thức
Thạch Sanh còn ngủ say
từ rừng thiêng bán đảo
Thạch Sanh vùng dậy tìm em
gọi tên yêu dấu:
Hoàng Sa!

(Vào xuân 2012, Triệu Từ Truyền)

Thứ Tư, 5 tháng 9, 2012

NẾU MỘT MAI - PHAN LỆ DUNG

Buổi chiều
rơi trên áo anh
vẽ chùm hoa màu tím
rơi trên cuộc tình tôi
dịu êm.

Cám ơn buổi chiều
đã cho tôi khoảnh khắc dấu yêu
như những bông bưởi trắng
nồng nàn dưới mưa
niềm yêu thương giấu vào kẻ lá
dẫu khát khao gió đã mang đi.

Cám ơn buổi chiều
đãcho tôi nổi nhớ
tôi bâng khuâng
chạy tìm chiếc lá
có mùa thu nào rớt lại bên sông.

Nếu một mai đông đến muộn
đêm ngủ say
phố quen vắng ai trên đường

tôi vẫn nhớ
buổi chiều
gió lay cành bưởi
và trời mưa tháng mười

Thứ Ba, 4 tháng 9, 2012

TRƯỞNG LÃO HÒA THƯỢNG THÍCH MINH CHÂU VIÊN TỊCH

Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Châu đã viên tịch vào sáng nay 1-9, tại TP.HCM.
Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Châu sinh năm 1920 tại Quảng Nam. Năm 1946, Hoà thượng xuất gia với ngài Trưởng lão Hoà thượng Thích Tịnh Khiết tại chùa Tường Vân, cố đô Huế.

Từ năm 1952 đến năm 1961, Hoà thượng du học và bảo vệ thành công luận án tiến sĩ Phật học với đề tài "So sánh tạng Pali Trung Bộ kinh với tạng Hán A Hàm” tại Đại học Phật giáo Nalanda, Ấn Độ.

Sau những năm tháng du học, Hoà thượng trở lại quê nhà và giữ chức vụ Viện trưởng Viện Đại học Vạn Hạnh, chuyên lo sự nghiệp giáo dục và phiên dịch Kinh tạng Pali, hầu đóng góp tích cực vào công cuộc đào tạo Tăng tài cho Phật giáo Việt Nam.
Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Châu, đương kim Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh GHPGVN, bậc cao tăng thạc đức của Phật giáo Việt Nam, là một trong những vị giáo phẩm đặt nền tảng cho sự nghiệp giáo dục của Giáo hội, sáng lập Viện Đại học Vạn Hạnh và Học viện Phật giáo Việt Nam. Suốt quá trình tu tập, Hòa thượng đã dành nhiều thời gian biên soạn, dịch thuật hàng trăm tác phẩm có giá trị học thuật cao, làm tài liệu học tập, nghiên cứu của nhiều thế hệ Tăng Ni, Phật tử trong và ngoài nước.

Công trình dịch thuật Kinh tạng Nikaya của Trưởng lão Hoà thượng là vô tiền khoáng hậu trong lịch sử Phật giáo Việt Nam. Nhiều ý kiến tôn vinh ngài là một trong những nhà giáo dục lỗi lạc của Phật giáo nước nhà ở thế kỷ XX.

Trưởng lão Hoà thượng là ngôi sao sáng trong các hội nghị quốc tế mà ngài tham dự; ngài đồng thời là đại biểu xuất sắc của Phật giáo Việt Nam trên các diễn đàn về truyền bá Chánh pháp của Đức Thế Tôn, về con đường kiến tạo nền hoà bình cho nhân loại theo giáo lý Phật đà. Nhiều thế hệ Tăng Ni, Phật tử đã thọ ân giáo dưỡng trực tiếp cũng như gián tiếp qua các công trình dịch thuật, trước tác của Trưởng lão Hoà thượng.

Theo nguồn tin của Giác Ngộ Online, Trung ương Giáo hội và môn đồ pháp quyến đang chuẩn bị các phiên họp về lễ tang của Trưởng lão Hòa thượng. Được biết, lễ cung thỉnh nhục thân Trưởng lão Hoà thượng nhập kim quan sẽ được cử hành vào sáng 2-9-2012. Kim quan của ngài sẽ tôn trí tại thiền viện Vạn Hạnh, sau đó, dự kiến vào ngày 8-9-2012 sẽ nhập bảo tháp, cũng trong khuôn viên thiền viện tại địa chỉ 750 đường Nguyễn Kiệm, quận Phú Nhuận, TP.HCM.

GN.O

Thứ Hai, 3 tháng 9, 2012

HỒI TƯỞNG - NGUYỄN MIÊN THẢO

Sáng sớm đọc báo trên ba mươi ngàn người chết
động đất ở Nam Á
hằng trăm người chết ở Iraq vì đánh bom liều chết
những người mà trước đó một phút giây
đang chào hỏi nhau buổi sáng/đang bắt tay/đang mĩm cười/
đang trả giá một món hàng/đang ngủ giữa giấc mơ/
đang nhớ về người tình/đang chờ đợi phút giây hò hẹn
họ chết dễ như bưng ly nước uống
như cầm đủa ăn cơm

Bỗng nhớ về một thời ở đất nước tôi
chìm trong máu lửa

cái chết đến cũng dễ dàng như cầm đủa ăn cơm,bưng ly uống nước
một buổi sáng ở cầu Bến Đò làng Mỹ Lợi
người con gái bị bắt dưới hầm bí mật
nằm phơi xác loả lồ bên đường
lưởi lê M16 đâm suốt cửa mình
buổi trưa ở giữa phố Sài Gòn
những ngưởi trong bộ dồng phục đi nghênh ngang
với xâu tai người đeo lủng lẳng trên cổ
buổi tối ở một làng quê Bến Tre
người ta luộc lá gan người còn tươi rói
chấm muố tiêu ăn như gan heo

Tôi trở thành chứng nhân của tội ác

Vẫn nhớ những ngày ở Sài Gòn

xuống đường đi hoan hô đả đảo
những biểu ngữ đỏ như máu
ngây thơ đi dành quyền con người
(bây giờ mới hiểu ra con người có quyền đâu dể dành)

Từ lúc đó,trong lòng tôi
đã mọc dầy gươm giáo

May mà tôi chưa bị giết người
chưa làm tên tội dồ của sự sống
nhiều khi cái chết cứ bao quanh rình rập tôi trong gang tấc
nếu được chết đi vào thời tuổi trẻ
đôi khi là niềm hạnh phúc lớn lao
để niềm hy vọng của một thời thanh xuân không bị tước đoạt

Ở tuổi xế chiều
tôi muốn giết những điều phản bội

Thời tuổi trẻ muốn duy trì sự sống
Vì tôi tin mọi điều sẽ đổi khác
bây giờ tôi muốn chết đi
vì chính những điều đổi khác đó

Đất nước tôi vẫn tiếp tục lầm than
giữa những ngôn từ trống rỗng
giữa những nguỵ tín đã trở thành chủ nghĩa
ở đó lúc nhúc một bầy đoàn sâu bọ
nhân danh con người

Tôi muốn im như tiếng súng trên quê hương tôi
sao vẫn nghe hoài tiếng nổ
hình như mầm mống của tội ác
vẫn lẩn quẩn đâu đó
trong tâm hồn tôi

Khi chữ nghĩa bắt tôi nói những điều không muốn
trước những trái tai gai mắt
sự an nhiên của tuổi xế chiều bị tước đoạt
tôi tước đoạt chính bản thân mình
khi muốn giết những điều phản bội

12.10.2005

Thứ Bảy, 1 tháng 9, 2012

CÂY CỎ VÔ ƯU ( KỲ 5) - VÕ CHÂN CỬU

Tìm lại nơi đâu ?
Người đời vẫn xem tác phẩm là đứa con tinh thần. Có những bài thơ làm ra, do thời thế hay hoàn cảnh phải thất lạc. Người viết ra đã phải quên đi, như một thứ hoang thai. Bỗng một ngày kia, nó bỗng hiện về, đủ xương thịt (bằng giấy in hay dòng điện tử. )

“Có gì đó như là số phận ! ” Sau khi cho tải những tản mạn văn chương, có tác giả thuộc dòng văn học Miền Nam 1954-1975 được nhắc và trích dẫn đã cảm ơn và nói với tôi những lời trên. Mỗi “đứa con” sau khi sinh ra đều có số phận riêng. Mọi bản thể hiện hữu đều có cả 2 phần: vật chất và tinh thần. Nhưng như vậy, với con người, khi không còn sự sống nữa, thì linh hồn kia ra sao. Nó còn chuyển dịch để đầu thai trở lại trần gian hay tan biến đi? Câu hỏi tự ngàn năm đến nay vẫn chưa thể trả lời trọn vẹn.

Cõi mê hoặc
Một câu nói đã trở thành chân lý : tình yêu là bất diệt. Vì nó sản sinh ra mọi thứ. Tình yêu là sự sống. Trên vùng đất cao nguyên tình yêu-Đà Lạt bây giờ, tôi vẫn gặp lại những bài thơ tình hay nhất. Nhà văn Nguyễn Thị Hoàng vốn nổi tiếng với tiểu thuyết “Vòng tay học trò” năm xưa, khi làm thơ tình lại cho đó là “mê”:


Lầu hoang khép kín đêm xưa
Kín vòng tay ấm bao giờ nữa em ?
Chân cuồng đã đứng như im
Thú xưa giờ đã phai chìm tháng năm
Linh hồn dã thú ăn năn
Vết chân đường cũ nghìn năm chưa mòn
Em mười sáu tuổi tơ măng
Thịt da đốt cháy thiên đường tình yêu

Nguyễn Thị Hoàng cũng từng cảm xúc:


Trong Cơn Chăn Gối
Trong cơn chăn gối rã rời
Im nghe từng chuyến xe đời đi qua
Và từng chân bước dần xa
Tưởng như mình đã bao giờ vùi chôn…

Để rồi bà nhận ra, và tự hỏi mình:

Ung thư lỡ lói tâm hồn
Niềm đau thân thế ra mòn suy tư
Vườn đời đã nhuốm màu thu
Chim thanh thôi hót trong mù sớm nay
Thuyền neo mãi bến sông này
Không ai về giữa vòng tay mỏi mòn
Chiều xa gà nhịp vào hồn
Rạc rời vó ngựa nẽo mòn hoang vu
Vang vang tiếng hát giã từ
Thiên đường Địa ngục tôi giờ đi đâu.

Cả 2 bài thơ trên nằm trong tập thơ “Sau phút đam mê” đến nay đã được truyền mạng, được nhiều người yêu thích. Một thiếu phụ làm thơ có lần đã thẳng thắn nói về sự bất hạnh của giới nữ; về những đau đớn và bất hạnh mà họ phải chịu đựng “sau cơn chăn gối”.

Thơ và lời Ca nguyện
Những bài thơ tình cùng dẫn tôi về với một rẻo đất nhỏ của xứ B’Lao hôm nay.
Tại “thành phố của tình yêu” có một Hội dòng Mến Thánh Giá Đà Lạt. Soeur Hường hai năm nay đã một mình về ấp Thanh Xuân 1 ờ xã Lộc Thanh, Bảo Lộc tìm được nhượng đất để lập thêm một nơi “Nuôi các em bé mồ côi, Các em bị bỏ rơi”. Cơ sở nằm trong một khu vườn cà phê. Bàn tay Mẹ Maria như đang xoa dịu những tâm hồn khổ đau. Soeur Hường thu hút được nhiều nữ tình nguyện vào chung mái ấm.
Từ vài trẻ bị bỏ rơi nhặt được, đến nay, chỉ sau hai năm, Seur và các cô đang nuôi dưỡng thường xuyên 40 cháu có tuổi đời từ sơ sinh đến 3 tuổi. Có những hài nhi vốn bị vứt bỏ trước cửa bệnh viện, trước hố xí công cọng hay dưới mái hiên nhà xa lạ. Khó tin trong thời buổi tính thiện ngày càng giảm như lúc này là các Soeur và những nữ tình nguyện đã tự đến các bệnh viện, phòng khám thai tìm những cô gái chửa hoang khuyên đừng phá thai nữa, hãy về sống trong Mái Ấm, sẽ được nuôi dưỡng miễn phí chờ ngày sinh. Có chị sau khi sinh xong đã gửi con cho Mái Ấm để ra đi, yên tâm “làm lại cuộc đời”. Nhiều chị tình nguyện ở lại để chăm sóc cho các cháu bơ vơ, không thèm tính tới chuyện chồng con nữa. Số hoang thai mới nạo, sinh ra bị vứt bỏ vẫn ngày càng nhiều. Vài người dân trong ấp, như Bác Hoan khi rảnh, lại sáng sáng, chiều chiều đi tìm nhặt các mầm thai về cho Mái Ấm chôn cất. Khu vườn nhà nuôi các cháu khá chật, Soeur Hường lại đứng ra xin mua thêm một mảnh đất bằng, làm nghĩa trang cho thai nhi. Nấm mộ lớn chỉ bằng viên gạch thẻ. 2 năm qua đã lấp hơn 4000 mộ. Những sinh linh bé bỏng đang vô tư nô đùa trên cành cây ngọn cỏ của khu vườn nghĩa trang thai nhi vô thừa nhận.

Giờ thánh tẩy
Ngày mai anh về hát trên rừng xanh
Có các em thổi tù và qua lũng thấp
Có các em lùa mây trắng làm hoa
Anh sẽ đứng trên mỏm đá nầy
Tay các em là rừng
Tóc các em là cỏ
Hãy nghe anh hát-tên ca sĩ cuồng điên
Hát nghêu ngao như một người du mục
Hã thắp giùm anh những vì sao
Khi gió đã băng qua triền núi biếc
Khi thiên nhiên đã phủ kín hồn anh
Ôi các em
Hãy đứng vòng quanh anh
Tung hoa lên trong giờ thánh lễ
Anh sẽ tặng các em những vòng kim cương
Làm bằng thơ tinh huyết

Ngày mai anh sẽ về hát trên rừng xanh
Có các em thổi tù và buồn bã
Khi chuyến tàu đầu ngày băng qua đồng cỏ
Xin gửi đi những hệ lụy đời anh
Và gửi đi những phiền muộn của các em
Hãy rửa sạch những hạt bụi trên bàn chân cẩm thạch
Những au lo trên đôi mắt sao ngời
Để chúng ta được thánh tẩy
Đợi giờ phục sinh
Ngày mai anh về hát trên rừng xanh
Có các em nắm tay nhau khiêu vũ
Các em khiêu vũ trên hồn anh
Anh hát nghêu ngao những bài du mục
Các em hãy tung hoa trong giờ thánh lễ
Các em tung hoa lên hồn anh
Ôi các em
Tâm hồn anh là một chùm hoa trắng

Hãy khiêu vũ nữa đi
Hãy hát lên nữa đi
Các em thấy không, anh đứng trên mỏm đá này
Đôi tay giang ra trong lời thuyết giáo
Anh sẽ hát với các em
Những bài ngợi ca thiên nhiên
Ngợi ca các em
Những thiên thần bé nhỏ
Có trái tim bằng mây
Và tâm hồn bằng gió
Lòng các em là bầu trời nguyệt bạch
Tay các em là suối ngọc tuyền

Ngày mai anh về hát trên rừng xanh
Có các em thổi tù và qua lũng thấp
Khi chuyến tàu đầu ngày băng qua đồng cỏ
Xin gửi đi những hệ lụy đời anh
Và gởi đi những muộn phiền đời em
Chúng ta sắp đến giờ thánh tẩy.

Bài thơ trên của tác giả Lê Văn Trung, hình như đã từng in trên Tạp chí Văn vào khoảng năm 1974. Năm 1972 khi in xong tập thơ đầu tay Tinh Sương, tôi mang sách ra Huế phát hành và đã tìm gặp anh tận nhà. Hồi đó, sau khi học Đại học sư phạm, Lê Văn Trung ở lại Huế đi dạy. Anh quê ở Quảng Nam, sau 1975 lại tự thân làm một cuộc trường chinh về hướng Nam kiếm đất sống vì không còn được tiếp tục dạy học. Qua B’Lao hồi đó anh để lại bài thơ tặng 2 người làm thơ nơi đây:

Chiều B’Lao
( Tặng Nguyễn Đức Sơn, Hoàng Ngọc Châu)
Đìu hiu chiều lạnh sương mù
Vắng hoe phố chợ âm u bóng rừng
Tiếng người về muộn qua nương
Bờ lau nhòe nhoẹt con đường loanh quanh

Nhà ai vàng vọt ánh đèn
Có soi ấm được chút tình xa xôi

( Năm 1976)

Cuối cùng, Lê Văn Trung đã đến và dừng chân để lập vườn rẫy tại Long Khánh, miền đất đỏ tiếp giáp vùng Đồng Nai Thượng. Cả 2 bài thơ trên được anh tập hợp để in trong tập “Cát bụi phận người”. Tập thơ in theo hình thức liên kết với nhà xuất bản Văn nghệ, không đề giá bán.
Bài “Giờ thánh tẩy” của Lê Văn Trung như lời tiên tri tâm nguyện mà tác giả dành cho khu Mái Ấm Tín Thác hôm nay.

Làm dịu nỗi đau trần thế
Seour Hường nói : trước khi đến B’Lao, tôi có dấu hiệu bị bệnh ung thư, nhưng nay, sau hai năm, xét nghiệm lại, không còn bệnh nữa. Có lẽ linh hồn các cháu đã ấm cúng quây quần bên Đức Mẹ làm tôi hết bệnh.
Nhà văn Trần Quang Ngân của đất Bảo Lộc lại đưa tôi đến thăm các cháu mồ côi bơ vơ đang được nuôi dưỡng ở Ni tự Bảo Quang ở dưới chân núi Đại Bình. Sư cô trụ trì kể chuyện về một gia đình bất hạnh. Khi mới từ đất Bắc vào đây lập nghiệp, họ có 3 đứa con gái mới 1, 3 và 4 tuổi. Khi đó, người chồng bị bệnh nghiện ma túy sắp chết. ngày nọ người mẹ trên đường ra chợ bán rau đã bị xe tông, chết. Nhóm từ thiện mang tên Thiện Lạc do anh Ngân đứng đầu đến chùa Bảo Quang ngỏ ý xin nhà chùa nhận nuôi 3 cháu bơ vơ. Bất ngờ là phía gia đình người chồng khi nghe tin đã vào có dự định sau khi nhận khoản bồi thường tai nạn sẽ đem các cháu về Bắc. Ni sư tụng kinh cho người mẹ quá vãng và cầu xin Phật Quan Thế Âm cứu nạn các cháu. Thật bất ngờ là ngày hôm sau, các thân nhân lại đồng ý giao quyền bảo trợ các cháu cho nhóm Thiện Lạc.
Dưới mái chùa, các bé hôm nay đều đã cắp sách đến trường, và biết tụng kinh Phật, ngồi thiền. Anh Ngân bày tỏ :
- Mong có nhiều tác phẩm các viết về nỗi bất hạnh của con người.
Có lẽ đây cũng là tâm nguyện của các nhà văn, nhà thơ.