Thứ Bảy, 1 tháng 9, 2012

CÂY CỎ VÔ ƯU ( KỲ 5) - VÕ CHÂN CỬU

Tìm lại nơi đâu ?
Người đời vẫn xem tác phẩm là đứa con tinh thần. Có những bài thơ làm ra, do thời thế hay hoàn cảnh phải thất lạc. Người viết ra đã phải quên đi, như một thứ hoang thai. Bỗng một ngày kia, nó bỗng hiện về, đủ xương thịt (bằng giấy in hay dòng điện tử. )

“Có gì đó như là số phận ! ” Sau khi cho tải những tản mạn văn chương, có tác giả thuộc dòng văn học Miền Nam 1954-1975 được nhắc và trích dẫn đã cảm ơn và nói với tôi những lời trên. Mỗi “đứa con” sau khi sinh ra đều có số phận riêng. Mọi bản thể hiện hữu đều có cả 2 phần: vật chất và tinh thần. Nhưng như vậy, với con người, khi không còn sự sống nữa, thì linh hồn kia ra sao. Nó còn chuyển dịch để đầu thai trở lại trần gian hay tan biến đi? Câu hỏi tự ngàn năm đến nay vẫn chưa thể trả lời trọn vẹn.

Cõi mê hoặc
Một câu nói đã trở thành chân lý : tình yêu là bất diệt. Vì nó sản sinh ra mọi thứ. Tình yêu là sự sống. Trên vùng đất cao nguyên tình yêu-Đà Lạt bây giờ, tôi vẫn gặp lại những bài thơ tình hay nhất. Nhà văn Nguyễn Thị Hoàng vốn nổi tiếng với tiểu thuyết “Vòng tay học trò” năm xưa, khi làm thơ tình lại cho đó là “mê”:


Lầu hoang khép kín đêm xưa
Kín vòng tay ấm bao giờ nữa em ?
Chân cuồng đã đứng như im
Thú xưa giờ đã phai chìm tháng năm
Linh hồn dã thú ăn năn
Vết chân đường cũ nghìn năm chưa mòn
Em mười sáu tuổi tơ măng
Thịt da đốt cháy thiên đường tình yêu

Nguyễn Thị Hoàng cũng từng cảm xúc:


Trong Cơn Chăn Gối
Trong cơn chăn gối rã rời
Im nghe từng chuyến xe đời đi qua
Và từng chân bước dần xa
Tưởng như mình đã bao giờ vùi chôn…

Để rồi bà nhận ra, và tự hỏi mình:

Ung thư lỡ lói tâm hồn
Niềm đau thân thế ra mòn suy tư
Vườn đời đã nhuốm màu thu
Chim thanh thôi hót trong mù sớm nay
Thuyền neo mãi bến sông này
Không ai về giữa vòng tay mỏi mòn
Chiều xa gà nhịp vào hồn
Rạc rời vó ngựa nẽo mòn hoang vu
Vang vang tiếng hát giã từ
Thiên đường Địa ngục tôi giờ đi đâu.

Cả 2 bài thơ trên nằm trong tập thơ “Sau phút đam mê” đến nay đã được truyền mạng, được nhiều người yêu thích. Một thiếu phụ làm thơ có lần đã thẳng thắn nói về sự bất hạnh của giới nữ; về những đau đớn và bất hạnh mà họ phải chịu đựng “sau cơn chăn gối”.

Thơ và lời Ca nguyện
Những bài thơ tình cùng dẫn tôi về với một rẻo đất nhỏ của xứ B’Lao hôm nay.
Tại “thành phố của tình yêu” có một Hội dòng Mến Thánh Giá Đà Lạt. Soeur Hường hai năm nay đã một mình về ấp Thanh Xuân 1 ờ xã Lộc Thanh, Bảo Lộc tìm được nhượng đất để lập thêm một nơi “Nuôi các em bé mồ côi, Các em bị bỏ rơi”. Cơ sở nằm trong một khu vườn cà phê. Bàn tay Mẹ Maria như đang xoa dịu những tâm hồn khổ đau. Soeur Hường thu hút được nhiều nữ tình nguyện vào chung mái ấm.
Từ vài trẻ bị bỏ rơi nhặt được, đến nay, chỉ sau hai năm, Seur và các cô đang nuôi dưỡng thường xuyên 40 cháu có tuổi đời từ sơ sinh đến 3 tuổi. Có những hài nhi vốn bị vứt bỏ trước cửa bệnh viện, trước hố xí công cọng hay dưới mái hiên nhà xa lạ. Khó tin trong thời buổi tính thiện ngày càng giảm như lúc này là các Soeur và những nữ tình nguyện đã tự đến các bệnh viện, phòng khám thai tìm những cô gái chửa hoang khuyên đừng phá thai nữa, hãy về sống trong Mái Ấm, sẽ được nuôi dưỡng miễn phí chờ ngày sinh. Có chị sau khi sinh xong đã gửi con cho Mái Ấm để ra đi, yên tâm “làm lại cuộc đời”. Nhiều chị tình nguyện ở lại để chăm sóc cho các cháu bơ vơ, không thèm tính tới chuyện chồng con nữa. Số hoang thai mới nạo, sinh ra bị vứt bỏ vẫn ngày càng nhiều. Vài người dân trong ấp, như Bác Hoan khi rảnh, lại sáng sáng, chiều chiều đi tìm nhặt các mầm thai về cho Mái Ấm chôn cất. Khu vườn nhà nuôi các cháu khá chật, Soeur Hường lại đứng ra xin mua thêm một mảnh đất bằng, làm nghĩa trang cho thai nhi. Nấm mộ lớn chỉ bằng viên gạch thẻ. 2 năm qua đã lấp hơn 4000 mộ. Những sinh linh bé bỏng đang vô tư nô đùa trên cành cây ngọn cỏ của khu vườn nghĩa trang thai nhi vô thừa nhận.

Giờ thánh tẩy
Ngày mai anh về hát trên rừng xanh
Có các em thổi tù và qua lũng thấp
Có các em lùa mây trắng làm hoa
Anh sẽ đứng trên mỏm đá nầy
Tay các em là rừng
Tóc các em là cỏ
Hãy nghe anh hát-tên ca sĩ cuồng điên
Hát nghêu ngao như một người du mục
Hã thắp giùm anh những vì sao
Khi gió đã băng qua triền núi biếc
Khi thiên nhiên đã phủ kín hồn anh
Ôi các em
Hãy đứng vòng quanh anh
Tung hoa lên trong giờ thánh lễ
Anh sẽ tặng các em những vòng kim cương
Làm bằng thơ tinh huyết

Ngày mai anh sẽ về hát trên rừng xanh
Có các em thổi tù và buồn bã
Khi chuyến tàu đầu ngày băng qua đồng cỏ
Xin gửi đi những hệ lụy đời anh
Và gửi đi những phiền muộn của các em
Hãy rửa sạch những hạt bụi trên bàn chân cẩm thạch
Những au lo trên đôi mắt sao ngời
Để chúng ta được thánh tẩy
Đợi giờ phục sinh
Ngày mai anh về hát trên rừng xanh
Có các em nắm tay nhau khiêu vũ
Các em khiêu vũ trên hồn anh
Anh hát nghêu ngao những bài du mục
Các em hãy tung hoa trong giờ thánh lễ
Các em tung hoa lên hồn anh
Ôi các em
Tâm hồn anh là một chùm hoa trắng

Hãy khiêu vũ nữa đi
Hãy hát lên nữa đi
Các em thấy không, anh đứng trên mỏm đá này
Đôi tay giang ra trong lời thuyết giáo
Anh sẽ hát với các em
Những bài ngợi ca thiên nhiên
Ngợi ca các em
Những thiên thần bé nhỏ
Có trái tim bằng mây
Và tâm hồn bằng gió
Lòng các em là bầu trời nguyệt bạch
Tay các em là suối ngọc tuyền

Ngày mai anh về hát trên rừng xanh
Có các em thổi tù và qua lũng thấp
Khi chuyến tàu đầu ngày băng qua đồng cỏ
Xin gửi đi những hệ lụy đời anh
Và gởi đi những muộn phiền đời em
Chúng ta sắp đến giờ thánh tẩy.

Bài thơ trên của tác giả Lê Văn Trung, hình như đã từng in trên Tạp chí Văn vào khoảng năm 1974. Năm 1972 khi in xong tập thơ đầu tay Tinh Sương, tôi mang sách ra Huế phát hành và đã tìm gặp anh tận nhà. Hồi đó, sau khi học Đại học sư phạm, Lê Văn Trung ở lại Huế đi dạy. Anh quê ở Quảng Nam, sau 1975 lại tự thân làm một cuộc trường chinh về hướng Nam kiếm đất sống vì không còn được tiếp tục dạy học. Qua B’Lao hồi đó anh để lại bài thơ tặng 2 người làm thơ nơi đây:

Chiều B’Lao
( Tặng Nguyễn Đức Sơn, Hoàng Ngọc Châu)
Đìu hiu chiều lạnh sương mù
Vắng hoe phố chợ âm u bóng rừng
Tiếng người về muộn qua nương
Bờ lau nhòe nhoẹt con đường loanh quanh

Nhà ai vàng vọt ánh đèn
Có soi ấm được chút tình xa xôi

( Năm 1976)

Cuối cùng, Lê Văn Trung đã đến và dừng chân để lập vườn rẫy tại Long Khánh, miền đất đỏ tiếp giáp vùng Đồng Nai Thượng. Cả 2 bài thơ trên được anh tập hợp để in trong tập “Cát bụi phận người”. Tập thơ in theo hình thức liên kết với nhà xuất bản Văn nghệ, không đề giá bán.
Bài “Giờ thánh tẩy” của Lê Văn Trung như lời tiên tri tâm nguyện mà tác giả dành cho khu Mái Ấm Tín Thác hôm nay.

Làm dịu nỗi đau trần thế
Seour Hường nói : trước khi đến B’Lao, tôi có dấu hiệu bị bệnh ung thư, nhưng nay, sau hai năm, xét nghiệm lại, không còn bệnh nữa. Có lẽ linh hồn các cháu đã ấm cúng quây quần bên Đức Mẹ làm tôi hết bệnh.
Nhà văn Trần Quang Ngân của đất Bảo Lộc lại đưa tôi đến thăm các cháu mồ côi bơ vơ đang được nuôi dưỡng ở Ni tự Bảo Quang ở dưới chân núi Đại Bình. Sư cô trụ trì kể chuyện về một gia đình bất hạnh. Khi mới từ đất Bắc vào đây lập nghiệp, họ có 3 đứa con gái mới 1, 3 và 4 tuổi. Khi đó, người chồng bị bệnh nghiện ma túy sắp chết. ngày nọ người mẹ trên đường ra chợ bán rau đã bị xe tông, chết. Nhóm từ thiện mang tên Thiện Lạc do anh Ngân đứng đầu đến chùa Bảo Quang ngỏ ý xin nhà chùa nhận nuôi 3 cháu bơ vơ. Bất ngờ là phía gia đình người chồng khi nghe tin đã vào có dự định sau khi nhận khoản bồi thường tai nạn sẽ đem các cháu về Bắc. Ni sư tụng kinh cho người mẹ quá vãng và cầu xin Phật Quan Thế Âm cứu nạn các cháu. Thật bất ngờ là ngày hôm sau, các thân nhân lại đồng ý giao quyền bảo trợ các cháu cho nhóm Thiện Lạc.
Dưới mái chùa, các bé hôm nay đều đã cắp sách đến trường, và biết tụng kinh Phật, ngồi thiền. Anh Ngân bày tỏ :
- Mong có nhiều tác phẩm các viết về nỗi bất hạnh của con người.
Có lẽ đây cũng là tâm nguyện của các nhà văn, nhà thơ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét