Thứ Bảy, 29 tháng 11, 2008

HAM CHƠI,CHÚC MỪNG GIÁNG SINH ...TRỄ


Trưa thứ năm đang lên trang " Trang văn ngày cũ" giới thiệu Thơ tình Hoàng Lộc thì có người bạn rủ đi Mũi Né,thế là xuất bản bài đăng dang dở và lên đường .Hơn 7 giờ tới thành phố Phan Thiết,cả bọn ghé thăm nhà thơ Nguyễn Như Mây , lai rai mấy ly rượu vang và 9 giờ trục chỉ Mũi Né.Ngày thứ sáu về lại Sài Gòn,8 giờ tối mới về đến nhà.Ngồi sửa sang lại cái blog kẻo sợ Hoàng Lộc tình cờ đọc được chửi vì cái tội làm ăn cẩu thả.Bổng nhớ những ngày ở Biên Hòa với Hoàng Lộc,Nguyễn T Nh...Mới đó mà gần 40 năm rồi đấy. Thế là mất toi một ngày...

Mở mail nhận được bài thơ nóng hổi của Cao Thoai Châu gửi ngày 27.11,té ra là ngày giáng sinh của nhà thơ.Ngày thứ năm và thứ sáu lo đi chơi nên hỏng hết mọi chuyện.Đành CHÚC MỪNG và TẠ TỘI nhà thơ bằng cách ...đưa lên blog bài thơ LỜI CHÚC GIÁNG SINH trễ vậy

Hôm nay là của ta đây
Bỗng nhiên lại nhớ cái ngày sinh ra
Bỗng nhiên ta lại nhìn ta
Giật mình cứ tưởng đấy là người dưng

Núi cao nhìn tưởng con sông
Hoa bèo tim tím một dòng về xuôi
Nhìn lên rộng quá bầu trời
Thương mình quanh quẩn một đời phù du

Kể từ nhân loại thêm ta
Hình như mọi thứ hóa ra mịt mùng
Giật mình giữa những đêm không
Mơ hồ thấy có nỗi buồn ở bên

Thì ta cũng có ngày sinh
Một ngày vô định mênh mông là ngày
Tay mình cũng giống tay ai
Xòe ra vạch ngắn vạch dài xen nhau

Thôi thì gặp bến sông sâu
Vân tay ta hóa thành cầu mà đi
Ta ơi đừng nói năng gì
Cứ đi rồi cứ quay về, ta ơi !

Gắng ru mình nhé, ta ơi
Ngọt như tiếng đất tiếng trời ru nhau
Để lòng cho đến ngàn sau
Êm êm như tiếng gió reo đổi mùa


Hôm nay trời đổ cơn mưa
Xóa đi những ý nghĩ chưa thành hình
Hôm nay kỷ niệm giáng sinh
Ta thay nhân loại chúc mình an vui
CTC
27-11-08



Thứ Năm, 27 tháng 11, 2008

TRANG VĂN NGÀY CŨ - SỐ 3


thơ tình
HOÀNG LỘC

Nhà thơ Hoàng Lộc quê quán Quảng Nam,từ thập niên 1960,ông đã có thơ đăng trên các báo văn học có uy tín ở Sài Gòn như Văn,Bách Khoa,Khởi Hành..v.v..Để hiểu thêm về thơ Hoàng Lộc,xin trích giới thiệu bài nói cùa nhà thơ Trần Doãn Nho về thơ ông nhân buổi ra mắt tập thơ Qua Mấy Trời Sương Mưa

. . .
Những bài thơ trong tập "Qua mấy trời sương mưa" (QMTSM) in theo thứ tự thời gian. Đó là những bài thơ chắc lọc trong ba mươi năm làm thơ, trải qua bao nhiêu thăng trầm của số phận một đời người."Thơ trải dài qua ba thập niên, mà thi tập như một khối nhất quán, như tác giả vừa chụp lấy bút viết một mạch trong một đêm" (Văn Học).Bài thơ đầu tiên đề năm 1969 và bài thơ cuối đề năm 1999. Tuy đề cập tới nhiều chủ đề khác nhau, QMTSM rõ ràng vẫn là một tập thơ tình. Hầu hết các bài thơ đều nói lên những bâng khuâng, e ấp, những day dứt, những sầu, những nhớ, những giận hờn, tiếc nuối, những rung động về tình yêu. Anh làm thơ tình trong bất cứ hoàn cảnh nào, ngay cả trong hoàn cảnh thân tàn ma dại của một tù nhân, của một người lính thất trận hay trong thân phận lưu lạc xứ người. Cái tình đeo đẳng lấy anh như một loại "sinh tử phù".Một đoạn thơ làm năm 1972: Khi anh về bất ngờ anh biết khóc Qua hiên nhà người bé vào lớp học Bé đâu hay thành phố đã lên sương Là khi anh cúi xuống một đời buồnNăm 1987, khi ở tù về: Em có bàn tay dịu dàng mấy ngón Có ngón nào của cô bé ngày xưa Chỉ một lần vuốt nhẹ trái tim thơ Mà vết xước đủ một đời máu ứa Khi ở Hoa Kỳ: Em phía hoàng hôn, anh bình minh Hai bìa trái đất gió chênh vênh Một sao lấp lánh đôi bờ lệ Từng sớm hôm soi một chữ tìnhChúng ta vừa đọc qua ba đoạn thơ của Hoàng Lộc qua ba chặng đời khác nhau: một Hoàng Lộc trẻ, một Hoàng Lộc ở tù về và một Hoàng Lộc lưu lạc. Ý thì có khác, dĩ nhiên. Nhưng tứ thơ, không khí thơ và trái tim nhà thơ thì dường như vẫn thế: yêu. Chan chứa yêu, đằm thắm yêu, say sưa yêu. Yêu không biết mệt mỏi. Ta có thể nói, anh bày ra "cuộc yêu" trong đời của anh và trong thơ của anh. Ở hoàn cảnh nào, Hoàng Lộc cũng có thể làm thơ tình một cách hồn nhiên, một cách bình thường, y như thể thế giới này không có gì khác hơn ngoài tình yêu trai gái, bởi vì suốt đời anh là một "đời tình":Ta mãi lơ mơ suốt một đời tình Mãi lưu lạc những hiên nhà gái đẹp (tr 88)Tôi không rõ nhà thơ đa tình Hoàng Lộc đã trải qua bao nhiêu hiên nhà gái đẹp, nghĩa là trải qua bao nhiêu lần yêu và thất tình và yêu và thất tình - nhưng rõ ràng là tình anh bao giờ cũng nóng hôi hổi. Yêu một lần nóng đã đành, yêu lần hai lần ba lần bốn cũng cứ nóng. Nóng, và da diết.Bài thơ đầu trong tập: Mịt mù cõi thế Ngơ ngẩn đường chim Công hầu coi nhẹ Nhớ màu mắt em (tr. 10) Bài thơ cuối tập: Đã yêu ở Hội An Tình đã ra cửa Đợi (198) Lúc chừng hăm mấy: Trải cho em cả tấm lòng Mất toi đến cái khốn cùng của taLúc chừng năm mươi mấy: Để biết yêu em từ thuở ấy Đời ta rồi nỗi khổ vô lường Biết, ta biết trước mà hay vậy Không có em càng sợ khổ hơn (129) Bởi chỉ vì em Ta dính dáng với đời này (145) Trong những ngày thua trận: Đã vắng đầu lâu treo cổ ngựa Mất em, cũng ý lạnh sa trường Khi về tình rã theo tay mỏi Nhìn bóng tàn quân rủ khói sương (tr. 37) Lúc ở tù về: Về, ta gặp phố sầu u Ta yêu em với ta tù tội đây (49)Như thế, cũng như nhiều nhà thơ khác, tình yêu của anh không hề có tuổi. Có lẽ vì người yêu (hay nhiều người yêu) của HL dường như không có tuổi. "Em" có thể lớn lên, khác đi, nhưng không già. Em bao giờ cũng thế, lãng đãng nhưng mặn mòi. "Em"(cũng như "cá thể hóa" như Hoàng thị Ngọ của Phạm Thiên Thư, Tố của Vũ Hoàng Chương) là một hình tượng vĩnh cửu. "Ta" hay "anh" cũng thế. "Em" hay "ta" hay "anh" được đẩy lên thành một mẫu, một dáng, một nét, một tính cách. "Em" là một cái khác của "ta", của "anh". Bắt chước lối nói của Mai Thảo, ta có thể cho rằng "em" trong thơ HL là một hoài hoài tìm kiếm, một hoài hoài đuổi bắt, một hoài hoài lạc nhau và một hoài hoài tiếc nuối.Bởi thế mà tình của HL dường như lúc nào cũng là một thứ tình lỡ, tình trễ, tình mất, tình phụ. Anh viết:Muôn năm, anh là người đến trễ Chỉ vì: Ta kiếm quẩn quanh trời cố xứ Hồng nhan, hồng nhan - ta chiêm bao (28) Tình anh, rốt cuộc, bao giờ cũng quạnh vắng, hiu hắt: Em hãy đốt lên giùm anh ngọn lửa Thử ngọn tình hiu hắt tới bao lâu (108) Cho nên, cuối cùng: Yêu vô vàn cũng rớt giọt tình không (19)Tình yêu đó là "ngọn tình", "giọt tình". Ngọn hay giọt là một cái gì mong manh, chập chờn, thoáng chốc. Tất cả chỉ vì người tình của anh luôn luôn trốn chạy, luôn luôn có đó và không đó, luôn luôn không bao giờ bắt được, luôn luôn thoát khỏi anh:Mưa ngày xưa bây giờ chưa biết Buồn đời ta, không đời ai bằng Ngày xưa, ôi cái ngày xa lắc Mà em đi chẳng nói chẳng rằng (54) Đã tới ngày em bỏ quên ta Che tay kỷ niệm ngó mơ hồ Nắng gió trong lòng em bất chợt Em vừa giết một đứa làm thơ (32) Không những chỉ thế. Thử nghe HL tâm sự trong những giòng khác: Những sớm qua cầu, ta gọi bớt hơi sương Những trưa khô che dùm tóc mỏi Con đường quen bụi lầy cố xứ Em về, ta lặng lẽ mưa bay (145) Áo trắng em qua trời phố nhỏ Khi lòng ta còn muốn làm mây Dẫu nhiều năm cùn mòn vó ngựa Vẫn hí tương tư những tiếng đầy (126)Vậy thì đã rõ, đâu phải chỉ mình em trốn khỏi tôi, mà ta cũng trốn khỏi em. Nói đúng hơn, anh và người tình của anh luôn luôn trốn khỏi nhau.Trên sân khấu cuộc đời, hình như họ luôn luôn đánh mất nhau. Và có thể vì vậy mà họ yêu nhau, cần phải yêu nhau. Hay nói một cách khác nữa, tình yêu vốn ở chỗ hoài hoài thất bại:Về, ta sững cuộc đổi đời Đổi đời ta nhỏ hơn đời đổi em Còn nhau đâu mà trông tìm Mất nhau từ thuở chưa chìm nổi kia (50)

Tình của Hoàng Lộc còn dính dáng đến rượu. Có lẽ ít tập thơ tình nào có nhiều rượu như tập thơ tình HL. Tôi hơi tò mò: toàn tập thơ có 12 bài có tựa đề mang từ "rượu". Và ít nhất 12 bài khác có "hơi rượu". Tất nhiên, hầu hết là "rượu tình" (hay là tình rượu?). Theo tôi, nhưng bài thơ có hơi rượu nằm trong số những bài hay nhất trong tập thơ của Hoàng Lộc. Tình nhiều. Mà rượu cũng lắm! Đối với người đông phương, rượu mang nhiều ý nghĩa. Và do đó, nó đã đi vào văn chương từ ngàn xưa:Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi Dục ẩm tỳ bà mã thượng thôi Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi.Và nay: Chén tiễn chén đưa Cho rã rời một đêm hẹn ước Xếp áo tìm vui nơi chiến trường có bạn có thù (Trầm Tử Thiêng)Rượu, hay chén rượu đã thành tập tục, hơn thế nữa, một nghi lễ, một sinh hoạt khá thiết thân: rượu khi vui, rượu khi buồn, rượu dành lúc tiễn đưa, rượu mừng ngày hội ngộ. Nhiều khi chén rượu được rút gọn thành chén: chén quan hà, chén ly bôi, chén hoàng hoa, chén tiễn chén đưa, đánh chén. Rượu giúp con người hưng phấn, quên buồn và đa tình như HL. Rượu của HL dính với tình, quanh quẩn với tình. Anh uống khi chia xa, lúc gặp gỡ, khi tiếc nuối, lúc buồn phiền, khi thất chí. Anh uống một mình hoặc với bạn hoặc với người yêu. Nhiều lúc anh uống tưởng tượng và say tưởng tượng.Ta chẳng biết anh uống rượu hay uống tình, anh say rượu hay say tình. Tôi tò mò tìm xem cái loại rượu của anh HL là loại gì và cách anh uống như thế nào. Này nhé, trong HL, ta có: rượu hồng nhan, rượu hoàng hoa, rượu tàn đông, rượu tống mùa thu, rượu buồn, rượu đắng, rượu nồng, rượu thất tình, rượu chiều, rượu tàn niên, rượu khốn cùng, rượu điêu tàn - và có lẽ còn nữa, nhưng tôi tìm chưa hết.Vài đoạn thơ có rượu: Đời nhỏ tưởng chừng dăm hớp rượu Ai hay sầu chật một hồn đời Ta kiếm quẩn quanh trời cố xứ Hồng nhan, hồng nhan, ta chiêm bao (28) Mặc những lần xuân tuyệt mù trước ngõ Mặc những loài chim không hề hót nữa Rót rượu buồn đi - hồng nhan, hồng nhan Anh uống giùm cô chỗ rượu điêu tàn(100) Bữa rượu chiều ta,em ở đâu? Mang mang lưng chén cái thương sầu (130) Giá có em cùng chia chút rượu Dễ khi gió đã lặng bên trời (151)

Hoàng Lộc yêu, Hoàng Lộc thất tình, Hoàng Lộc uống rượu. Yêu đủ cách mà uống rượu cũng đủ cách. Đa đoan quá chăng? Nát rượu quá chăng? Không ! Bên dưới những tình, những rượu đó chứa đựng một cái gì khác. Những bài thơ của Hoàng Lộc, rốt lại, y như một tiếng thở dài sâu lắng của cuộc tồn sinh. Tình của anh, như anh có lần bảo, đâu chỉ là tình, mà còn là một "nhịp thở trần ai": Chia cho nhau từng nhịp thở trần ai.Những cô em mười sáu tuổi hay những cô em "đổi đời" không có tuổi, những mối tình thấp thoáng hay mặn nồng, những gặp gỡ và dang dở tình cờ hay những chén rượu tình nồng chỉ là hình ảnh hiện thân cho nỗi bất an, khắc khoải trước những đổi thay liên tục , trước định mệnh, trước những phù phiếm, hư huyển của thời gian, của cuộc lữ. Chả thế, mà nhiều lần Hoàng Lộc nhắc đến chữ "biển dâu" trong thơ. Đời biển dâu mà tình cũng biển dâu :Lúc anh về bé vừa lên mười sáu Rất dịu dàng nhưng rất lạ đời anh Khi đưa tay gõ vội trái tim mình Nghe sai lỡ như một lần dâu bể (19)Gió bên đời bỏ mặc lá thu bay Rồi nếu cần em sẽ biển dâu ngay Tình và rượu chứa đựng cái mất, cái còn: Dễ những nương dâu bảo dừng biển lại Mà cái mất cứ xui lòng khổ mãi (101) Giá có em ngồi, ta kể lại Mỗi biển xanh từng hóa ruộng dâu (151)Cũng là dâu biển, nhưng trong một bài thơ khác, anh nói đến cuộc thăng trầm: Rượu tàn niên chừ gió xa xăm Gió chi thổi riết mấy mươi năm Quán cô hồn một ta chớ mấy Sợ - mà khinh - những cái thăng trầm (150)Thăng trầm, biển dâu, đó là ám ảnh không nguôi chuyên chở trong những giòng thơ tình ngấm rượu của nhà thơ đất Quảng Hoàng Lộc, một "hào sĩ" như anh tự nhận trong một lần say khước ở Hội An, quê anh: Nhớ em, nhớ buổi trăng tàn khuyết Quán cuồng, hào sĩ cũng rưng rưng Như ta, dễ một lần ta khóc Em hát liêu trai khúc nguyệt cầm (29)
Trần Doãn Nho

thơ Hoàng Lộc

THƠ HĂM DỌA

em thất đức một lần yêu giỡn mặt
bãi thu khô rụng trái nhớ xanh dờn
khi quyết chí đi truy tìm chứng tích
bữa nổi xùng- anh kiện chết em luôn

có lắm thứ chẳng cần chi phỉnh gạt
như câu thơ thơm lựng những ân tình
cánh hoa tím trang thư nào em ép
(gửi cho nhiều chỉ bầm dập đời anh !)

và lắm thứ rất cần anh mê muội
như môi còn bẫm máu nụ hôn xưa
lúc quạnh quẽ anh giật mình tự hỏi
em không yêu sao lại biết yêu đùa ?

sao lại cứ nuốt lời rồi hoá ngọng
cứ hẹn gần rồi vẫy vẫy rời xa
anh tức tối trong sợi tình thắt họng
liệu hồn em – em có bữa…ra toà !

RƯỢU MỜI SINH NHẬT

mời em chút rượu mừng sinh nhật
chắt ở đời ta - chắt của thơ
em thắp trăng thề khêu hẹn ước
yêu thương nán lại đến bao giờ?

có thể rồi em không uống kịp
nỗi riêng vấp phải lòng ta đau
đã thu trên lá , phai từng chiếc
và cõi muôn trùng đã mất nhau

có thể rồi ta không uống được
rưng rưng nhớ mẹ một phương về
cuối chiều lưu xứ ta vô phúc
chẳng ngõ sau mà gọi gió quê

đã chắt đến khi không thể chắt
chỉ bấy nhiêu-thơ cỗi,đời già
tưởng khóc,mới hay không thể khóc
ngồi giữa ngày sinh một bóng ta

hớp mời em chừng cay dâu bể
hớp mừng ta vẫn đắng tình si
thương em , cũng thương mình vô kể
rượu chắt rồi kia-lại đổ đi?

NGÓN ÚT BÀN TAY

em có bàn tay năm ngón thon dài
anh chỉ ngập ngừng xin em ngón út

con mắt cuối đời vàng hoe mộng ước
có lẽ yên lòng khép giữa thiên thu ?

cây hồn anh – thôi lá rách cành hư
năm bảy trái tình chưa xanh đã rụng
qua thời đất chai tới mùa nước úng
tiếng chim hoài yên lặng một đời cây

năm ngón thon dài hiền dịu bàn tay
ngón út cho anh đợi ngày vuốt mắt
ngày dẫu thảnh thơi đi về cõi khác
biết tay em có một ngón đang buồn

từng vô tâm với lắm thứ-không-còn
sao nỡ thấy đau với điều có được?
mấy lóng nhỏ từ ngón tay nhỏ nhất
lại bất ngờ ân oán với đời anh














Thứ Tư, 26 tháng 11, 2008

NHÀ THƠ " HOA TÍM NGÀY XƯA "ĐÃ RA ĐI


Chiều 25-11-2008,Nhà thơ Cao Vũ Huy Miên đã qua đời tại nhà riêng ở Thành phố Hồ Chí Minh ở tuổi 53 sau một thời gian bệnh nặng.Hai tập thơ Một Thời Kỷ Niệm và Hoa Tím Ngày Xưa của ông đã được bạn bè và những người yêu thơ yêu thích.Con đường em về năm xưa...Hoa tím thôi không chờ nữa.Chỉ còn ta đứng dưới mưa.Giai điệu trữ tình của bài hát Hoa Tím Ngày Xưa với ca từ trong trẻo do Nhạc sĩ Hữu Xuân phổ nhạc thơ ông vẫn còn sống với nhiều thế hệ.

Hoa tím ngày xưa


Con đường em về ban trưa
Hoa tím nghiêng nghiêng đợi chờ
Tuổi em vừa tròn mười bảy
Tóc em vừa chớm ngang vai

Con đường em về mưa bay
Ta đứng trông theo bao ngày
Từ bao giờ lòng cứ ngỡ
Yêu người mà nào có hay!

Con đường em về thơm hương
Ngọc lan khuya rụng trong vườn
Tiếng dương cầm đâu lặng lẽ
Đưa ta về phía cuối đường

Con đường em về năm xưa
Có biết hay chăng bây giờ
Hoa tím thôi không chờ nữa
Chỉ còn ta đứng dưới mưa...

Thứ Ba, 25 tháng 11, 2008

ĐÊM DÀI NHẤT ĐỜI CON - THƠ NGUYỄN MIÊN THẢO


Hôm nay,ngày 25 tháng 11 năm 2008
( nhằm ngày 28-10 Âm lịch) huý nhật lần thứ 39 của Mẹ .
Ba mươi chín năm con côi cút trên trần gian này.
Bao giờ con găp Mẹ!

ĐÊM DÀI NHẤT ĐỜI CON
Ở trong tận cõi đất trời

Vẫn nghe vọng tiếng thở dài vì con


1.

Mẹ ra đi giữa ngày đông giá
Nắng phương Nam trời đất u buồn
Con thức trắng – đêm dài vô tận
Mai con về còn kịp gặp mẹ không

Mẹ nằm xuống các con mỗi người mỗi nẻo
Chị ở phương Nam
Anh còn phương Bắc
Con lang thang phiêu bạt kỳ hồ
Dưới đôi vai gầy
Nỗi đau ba gánh chịu

Mai con về,mai con về
Dù gian nguy đang chờ chực
Mai con về sao đêm cứ dài thêm

2.

Chiều nay con về bên mộ Mẹ
Lòng tan hoang cơn bão tháng mười
Khu vườn rộng thiếu tay người chăm bón
Ba ngồi bên cửa chờ ai

Con đứng lặng bên bờ giếng cũ
Vết đạn xói mòn đau nỗi đau xưa
Sợi tóc nào Mẹ còn vương dấu gội
Lòng bâng khuâng nhớ tuổi lên mười

Căn nhà trống vườn cây tê tái
Dây trầu buồn vàng úa ,nhớ người chăm
Cả quê nhà vừa qua cơn khói lửa
Tiếng chuông chiều,ba-quyện-với-tang-thương

3.

Ngày mai này con lại ra đi
Để lại ba với nỗi niềm cô quạnh
Nỗi quê nhà cũng là niềm đất nước
Con đi làm ngọn gió phiêu linh

Mẹ ra đi rồi căn nhà vắng lạnh
Ba một mình hôm sớm vào ra
Trái gió trở trời ai đỡ đần chăm sóc
Bước chân đi lòng quặn thắt quê nhà

Ba hãy đợi chúng con về sum họp
Mùa Xuân đang đến cuối chân trời
Như có mẹ đang ngồi bên bếp lửa
Anh chị em ngồi kể chuyện buồn vui

Ngày mai này trên đương phiêu bạt
những bài thơ, cơm áo , nhớ ơn đời
Con xin hẹn một ngày về cố quận
Nén hương lòng dâng mẹ một vần thơ

Trọng Đông Kỷ Dậu
Huế 1969

Thứ Hai, 24 tháng 11, 2008

CHUYỆN ĐẦU TUẦN - LŨ MỚI ĐE DOẠ MIỀN TRUNG;QUẢNG NAM BIỂN SẮP NUỐT CẢ LÀNG



Ngày đầu tuần báo viết,báo mạng đăng đủ thứ chuyện học hành thi cừ ,khủng bố biểu tình ,thiên tai địch họa.Chọn một thông tin cho câu chuyện đầu tuần gần gủi nhất với cuộc sống,lại là chuyện lũ lụt.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn T Ư,ngày 24-11 không khí lạnh tăng cường gây mưa đên mưa to.Mực nước các sông từ Quảng Bình đến Khánh Hoà sẽ lên lại.Đặc biệt các sông từ Thừa Thiên-Huế đến Bình Định lên mức báo đông 2,báo động 3 có nơi trên báo động 3 có khả năng lũ lớn,lũ quét,sạt lở đất.

Hơn 100 hộ dân làng Trung Phường,xã Duy Hải,huyện Duy Xuyên,Quảng Nam đang sống trong tình trạng phập phồng lo âu khi biển Cửa Đại lấn sâu vào đất làng thêm 50 mét sau trận lũ ngày 21-11 vừa qua.Lãnh đạo địa phương cho biết sau cơn lũ 2006,tình trạng lở đất năm sau khủng khiếp hơn năm trước.Hiện có 18 hộ phải di dời trong số đó có 5 hộ thuôc diện "báo động đỏ"Nhưng đến nay chỉ có vài hộ di dời theo sự bố trí của chính quyền địa phương,số còn lai chưa di dời vì không có tiền. Biết nói sao nhỉ?

Chủ Nhật, 23 tháng 11, 2008

THƠ VŨ HỒNG


GIÃ BIỆT CA NỮ


Một thuở dừng chân lầu Nguyệt Lầu
Cạn chén cầm ca - chén bể dâu
Vén tay mấy sợi em buông tóc
Xõa sóng ân tình giục vó câu


Ta như kiếm khách không cần mộng
Nhất dạ tri âm buồn giọng đàn
Ta đến đời em như gió thoảng
Rồi xa. Ta gác kiếm sang ngang


Dẫu biết rằng em sầu viễn xứ
Bến sông thương nữ hát Đình Hoa (*)
Đời ta mây bạc thân cô lữ
Ngàn năm chưa nhớ nổi quê nhà


Múa bút ta đề thơ vách ngọc
Vách ngọc - vai em - chớm mỏi mòn
Em đừng cất lời ca muốn khóc
Ta sẽ chùn chân bên núi non.

Trà Vinh 1993
(*)Chú thích:Điển tích từ hai câu thơ của Đỗ Mục
NGƯỜI PHƯƠNG NAM

Trăng phương Nam như tan trong sương
Người phương Nam cạn chén “hồ trường”
Từ giã kinh kỳ bạt lau lách
Đuôi thú hung tàn dạt biển Đông

Người phương Nam ngày xưa áo tơi
Dòng Hàm giang cuộn sóng không lời
Đêm sâu đối ẩm tràn chung rượu
Rượu say tim bốc đến tận trời

Người phương Nam đi là cứ đi
Một chiếc ghe con có sá gì
Đời lắm phong trần nên lỗi hẹn
Không cầu danh lợi bỏ vinh quy

Người phương Nam say thì say trọn
Người phương Nam buồn thì buồn sâu
Nỗi nhớ cố hương còn chếch choáng
Văng vẳng ầu ơ,giọng ví dầu

Cạn chén này đi rồi bạn về
Bạn ở kinh kỳ ta ở quê
Phương Nam nhuốm khóc tình tri kỷ
Bạn bước xa dần ta tái tê…
1993


Thứ Năm, 20 tháng 11, 2008

TRANG VĂN NGÀY CŨ - SỐ 2


NHÀ THƠ VIÊM TỊNH

Nhà thơ Viêm Tịnh tên thật Võ Công Danh Ngọc,sinh ngày 01 - 11 - 1945 tại Vĩ Dạ ,Thành phố Huế.Từ giữa thập niên 1960 thơ ông xuất hiện trên các tạp chí văn học ở Sài Gòn.Ông là một trong những người đầu tiên tham gia Ban biên tập Tạp chí Văn Học,tờ báo chuyên về văn học có uy tín ở miền Nam.Sau năm 1975,vẫn sống ở Huế và một thời gian dài "im hơi lặng tiếng"nhưng vẫn sáng tác đều tay,cộng tác với các báo văn học ở hải ngoại.Ông là thành viên của Nhóm Bạn Huế,chủ biên tuyển tập 1000 Nhà Thơ Huế Đương Thời , là công trình tâm huyết của ông ( tập I,II đã xuất bản).Trong thời trai trẻ ông cũng đã cầm súng,và với tư cách của nhà thơ,ông từng kêu gọi:
Hãy quay nòng vũ khí lên thinh không
nã liên hồi đầu đạn
xâm hình vô vọng bằng những
dấu tròn xinh
giữa trời mây xám ngoẹt
Chúng ta sẽ thấy hằng sợi ánh sáng tươi cười
chói rọi ngời ngời tương lai mới
Xin giới thiệu một số bài thơ của ông trong thời kỳ đó.

TUỔI NGƯỜI

Một năm đời đang tới
hỡi anh em cùng so vai đứng lên
bước chân vui ra ngoài đầu ngõ
mở lời ca ngợi chúng ta
vừa nghe thoáng tình yêu hạ cánh
đậu mềm môi trái tim xuân
giữa vô cùng
nụ hôn lộc non nở cánh hoa
trong đất trời mở hội

Hãy quay nòng vũ khí lên thinh không
nã liên hồi đầu đạn
xâm hình vô vọng bằng những
dấu tròn xinh
giữa trời mây xám ngoẹt
chúng ta sẽ nhìn thấy
hằng sợi ánh sáng tươi cười
chói rọi ngời ngời tương lai mới

Hãy châm ngọn lửa đầu thuốc xanh
đốt cháy niềm tủi nhục
đang trưởng thành vây quanh chúng ta
mở đường mới ra ngoài đồng nội
ngắt cánh hoa lúa vàng
tặng người yêu gặp gỡ

Hãy cung tay mười ngón hồng non
đan thành niềm bất khuất
lưới võng phơi ánh sáng mặt trời
tuổi trẻ bừng bừng lời ngạo nghễ

Và ca hát ngút ngàn
phố lên những dấu đường mòn
trong cánh rưng kia nào ai còn mở lối

Chúng ta hãy bắt đầu
một ngày đang tới.
Trình Bầy,Xuân Nhâm Tý 1972

KHÔNG PHẢI MỌI CHỐN
ĐỀU GIỐNG NHAU

Gửi Thế Vũ
-khi ở một nơi bình yên như Sài Gòn
trong những tiện nghi nguỵ trang bóng ngời
che dấu điều dối trá xảy ra
được hình dung bằng những tốt đẹp
phết màu nước sơn xanh
tưởng như mọi người đều tê liệt cảm giác

trong những ngọn gió thu úa vàng
chiếc đèn kéo quân đứng chết những hình nộm
trăng tháng tám

-cũng ở một nơi như Sài Gòn
không thể biết rõ ràng
tin tức một người bạn tên V
y mất tích giữa ban ngày trên đường Lý Thái Tổ
bởi mọi nguời vẫn ung dung mỗi sớm mai
và nhàn hạ những cuối ngày
dưới sự bảo trợ hết sức mong manh
nhưng mang nhiều khuôn mặt

sự thật đã biết như vậy
buổi rượu say không dịu được cơn đau
chấm dứt một xen ái tình lãng mạn
hân hoan cho mỗi người

-lúc ở một nơi nào đó như Sài Gòn
làm sao nhìn thấy điêu linh khốn khổ
vang vọng những tiếng kêu thương
và tiếng vỗ cánh của loài ác thú
con người được đeo những chiếc mặt nạ
quây quần quanh những thành phố
đuổi theo một hy vọng không tưởng
bình an

những đứa bé dẫn nhau đi khất thực
bên những lề đường lầm than
trong thị trấn rất ít công viên
có một vài vườn chơi trẻ con bỏ trống
ở đây mọi chuyển dịch
đều được tưởng tượng những tờ giấy bạc vào tay
sự cần thiết tối đa
không làm khác hơn được
khi buổi chiều trở về muộn màng
những đôi mắt chớp sáng
ôm chiếc gối hồng tiễn biệt
vỗ bàn ca ngợi sự bất công
trong chúng ta có người cúi đầu
có người ngẩng mặt

-tại ở nơi đó như Sài Gòn
nỗi khát khao được thể hiện dưới những ống đèn màu
một vài cặp tình nhân đi qua
không che dấu niềm hạnh phúc riêng tư
gửi cho mọi người những tiếng cười hoan lạc
nhưng sự thật họ là một ngẫu nhiên
phát xuất từ cơm áo và tình dục
giữa ngôn ngữ bất đồng
vẫn cảm thông bằng cử chỉ

vở kịch được trình diễn với những diễn viên đa tài
dưới hai bàn tay của người đạo diễn giỏi
phải không
chúng ta chỉ là những khán giả
ngồi sau hàng ghế cuối cùng
để nghe tiếng vỗ tay

cùng ở một nơi như Sài Gòn vậy đó
Trình Bầy 1971
GỬI NHỮNG MÙA XUÂN KHÔNG ĐẾN

Hỡi những em bé ở phố quận Chipou
đôi mắt của các em
đã làm hổ thẹn
bước chân tôi
trên những lề đường cỏ úa
xanh xao sợ hãi
nhìn những lớn lao được trang bị
đôi mắt của các em
tôi nhìn thấy ngày nào
đứng nép người sau tường nhà
trên trục lộ chuyển quân viễn chinh
như một khách lạ

Giữa ngút mắt đồng bằng
Cọng lúa hoang đứng bóng

Hỡi những em bé ở phố quận Chipou
làm sao tôi bắt gặp được một nụ cười
trên đôi môi khô thâm
của những đêm kinh hoàng
và ngày thảng thốt
bây giờ các em đã nhập vào cuộc chơi
rải rác bên những bóng cây
dưới những mái nhà đổ nát
vũ khí trên tay tuổi mười lăm mười sáu
mang nhãn hiệu của những quốc gia bình yên
tự dưng chúng ta đều hân hoan
và được thổi phồng như một kẻ tuẫn đạo
cho xứ sở chúng ta

Giữa muôn ngàn tiếng đạn
Tiếng kêu gào âm vang

Hỡi những em bé ở phố quận Chipou
nơi buồn tẻ nhất
chúng ta đang đối mặt
sự hận thù và lòng tự phụ
săn đuổi nhau
trong những loạt đạn nổ dòn
và nỗi chết lặng câm

Giữa bụi mù thạch khí
Cánh hoa hồng tả tơi

Hỡi những em bé ở quận Chipou
ôi quê hương áo vàng ngói đỏ
quê hương của khôn ngoan lãnh đạo
quê hương rực màu điện đền đá tượng
quê hương các em đang mỏi mắt đợi chờ vô vọng
sự thái hoà thủơ nào không tìm thấy

bây giờ mỗi thước đất
trên những cánh đồng bao la
gia đình các em đổ mồ hôi cấy lúa
chúng ta dùng để gieo mầm thù hằn
cày vỡ lòng đạo hạnh bằng cõi lòng tỉnh táo
bởiquê hương các em
không còn của riêng cho dân tộc các em
xấu xa và hoang tàn
đang đổ xuống bằng tiếng đạn bom
và bằng bước chân tôi
rầt hổ thẹn

Giữa những lời tung hô
Máu hoà cùng nước mắt

Hỡi những em bé ở phố quận Chipou
tôi biết các em
không bao giờ được nghe thấy
nỗi buồn bã của tôi
lòng chán nản của bạn bè tôi
đang làm lính viễn chinh bất đắt dĩ
nhân danh tình hũư nghị
tìm chút an nhiên tạm thời
cho đất nước tôi hằng lâu khói lửa
bởi trong đôi mắt các em
đã làm hổ thẹn
bước chân tôi.

Svay-Rieng,Campuchia 1971
Trình Bầy 1971

Thứ Ba, 18 tháng 11, 2008

MỘT CHÚT GÌ CỦA HUẾ

THƠ - LÊ TẤN QUỲNH - LÊ TẤN QUỲNH - THƠ - THƠ - LÊ TẤN QUỲNH

Sáng sớm ngày đầu tuần,Nguyên Quân từ Huế vào ghé thăm và đưa tập thơ của Lê Tấn Quỳnh tặng.Vui quá.Một chút gì của Huế lẩn quẩn đâu đây...Lê Tấn Quỳnh còn quá trẻ,sinh năm 1976,sau một năm tôi từ bưng biền về,lúc đó tôi bằng tuổi Quỳnh bây giờ.Mấy năm gần đây , lâu lâu về Huế được trà dư tửu hậu với anh em viết lách trẻ trong đó có Quỳnh quả là thú vị và hạnh phúc.Không biết Quỳnh khi ở tuổi 60 ,nghĩa là 3 thập niên nữa, có được cái diễm phúc của mấy "thằng già " như mình không?Quỳnh hiện là hội viên Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế,giải nhất thơ Bút mới của báo Tuổi Trẻ năm 1996 (một giải thưởng về văn học tin được);đã in một tập thơ (Linh Ngọc 1998).Với tôi,cảm nhận của một người làm thơ , thơ Quỳnh trúc trắc khó đọc,nhưng càng đọc càng thích và nhập vào khi nào không hay.Xin giới thiệu một số bài thơ của Quỳnh trong tập thơ Vông Vang vừa mới xuất bản năm 2008

MỘT VÒNG

Trong chiếc đồng hồ bụi phủ
Loang những mặt người nhao nhác thác sông
Nơi đốm nắng cồn cào bể cạn
Bọt bụi dong lên tâm thức như không...

Đó là cuộc khép mở của những nỗi bờ tức ngủ
Cứ giăng ta ngơm ngớp đường cong
Đêm xơn xớt trườn qua nắm bùn vỡ vụn
Ói lên gió bãi mưa đồng...

Những vũ hội sạt lở lói
Bày ra nô nức xanh trong
Ta rơi mình như ta được mãi
Trong chiếc đồng hồ bụi phủ
Cái xoáy kim không cứu nổi một vòng...


THÀNH PHỐ TÔI

Thành phố tôi như một ráng mây
Trôi ngoài cửa gió
Những lóng rêu lần qua tay áo rũ
Cuối sông lơ đãng rượu như mình

Thành phố nuột nà đến tận cái mong manh
Như chiếc gai cho một lần nhắc nhớ
Quày quả em bói tìm cơn trách quở
Thành phố đầy mưa

Tôi đi...
Rồi thành phố không về kịp một chuyến xe
Mùa đông không bạc thếch chân người
Ráng mây còn mỏng hơn mùa thu cũ
Tôi rơi...
GIẤC MƠ
Những giấc mơ tự do biến dị
Trong cái chớp mắt lạnh tanh
Em mập mờ phút nhướn lên đa cảm
Tiễn đưa bụi gió tim mình

Nơi sông cạn nhói từng cơn chìm nổi
Những vi vu ngơm ngớp núi đèo
Nơi cá biệt em tan từng đốt sống
Rơi anh như thể trong veo...

Và cái nhìn cứ nhâm nhi hớt hãi
Cứa gì lên từng hạt xanh rêu...

RƠI

Rơi như nắng đã lạc nguồn
Lời râm rang cũng cánh chuồn
Mà bay
Em từ con dế đang say
Hát tình ca
Đến cả ngày vu vơ...
Chiều dong cơn nắng bất ngờ
Khép nhân gian cả bến bờ lạc nhau
Thôi thì...
Có đổ mưa ngâu
Nẻo vi vu
Cũng bạc đầu
Rồi quên...

CƠN MƯA

Em đừng
Nhặt vội cơn mưa
Rỗi tay
Gió lại buốt mùa nắng nghiêng
Nhặt gì...
Một đám tơ quên...
Rủ nhau đi
Cũng tuổi tên từ mình
Em đừng nhặt vội
Thácghềnh
Kẻo không trắng cả
Xông xênh nỗi người
May còn
Kịp
Một lần rơi...
Nhặt gì em
Đến cả đời...còn mưa...

HOA VÔNG VANG

Hoa vông vang
Có hay không
Giữa tôi
Và giữa mênh mông đất trời
Tôi tìm hoa
Tôi tìm tôi
Mà như thiếu nợ
Giữa trời
Thi ca
Trong lòng thành phố phồn hoa
Những điều dung dị
Làm quà riêng tư
Tôi tìm tôi mãi
Hình như
Có hay không
Cũng tại từ em thôi...


Thứ Hai, 17 tháng 11, 2008

CHUYỆN ĐẦU TUẦN - BÃO VÔ SÀI GÒN ?

Bàn tin 16g30 trên Thanh Niên Online , bão còn cách tỉnh Khánh Hoà 100 km và đang hướng vào Nam bộ.Có nghĩa là trong đêm nay bão có thể nhởn nhơ ở Sài Gòn.Đài Truyền hình Tây Ninh,Bà Rịa-Vũng Tàu loan tin khẩn cấp kêu gọi phòng chống bão.Các phương tiện truyền thông ở Tp HCM thì im re.Có cảm tưởng Sài Gòn là vùng bất khả xâm phạm vậy.Buổi chiều trời Sài Gòn âm u,gió nhẹ.Lạy trời.

Chủ Nhật, 16 tháng 11, 2008

THƠ NGÔ THỊ HẠNH


TRỐN TÌM

Người đàn bà gánh dòng sông đi về phía biển
trong lòng không một vì sao
những cơn giông tiềm ẩn
lẩn tìm hạnh phúc ngày mai
Người đàn bà chỉ hướng về tình yêu
sao vẫn nhiều giằng xé
em gánh giọt buồn đi tìm men rượu
gặp nỗi buồn khác
làm đau!

Người đàn bà băng qua dòng sông
chơi trốn tìm với thời quá khứ
gặp con chim không biết hót
biết nói giọng người sao cuộc đời lắm kẻ đi vay.

RƯỢU TÌNH

Em và tình yêu leo cầu thang say khướt nỗi buồn
nỗi nhớ liêu xiêu
hàng cây tiêu điều, xơ xác…

Em thoát khỏi cuộc đời anh
như thoát khỏi cơn mê thời thiếu nữ

Ngày dài
như nỗi buồn của chữ
không thể hiện nổi mình.

Đọc thơ anh vào một chiều nắng gắt
những con chữ đổ mồ hôi…
em uống phải thơ là uống phải thứ rượu tình
suốt đời không tỉnh nổi!
như chú ếch nằm dài khắc khoải một cơn mê.

Tiếng cười nghe như những mảnh ly đang vỡ.

Thứ Bảy, 15 tháng 11, 2008

MỘT NGÀY RỒI CŨNG QUA ĐI

6 giờ 30 đẩy xe đưa cháu nội đi chơi, 8 giờ THT rủ đi ăn sáng,uống cà phê như thường lệ mỗi thứ bảy hằng tuần.Tới 81 Trần Áng Sơn,Sâm Thương đã đến trước,nói chuyên trên trời dưới đất,Nguyên Quân gọi báo tin chiều nay lên xe mai đến Sài Gòn.Ho kéo dài cả tuần không dứt. Một ngày không vui không buồn.Buổi trưa về hơi mệt,kiểm tra thuốc men uống đủ liều đủ lượng từ sáng sớm.Nghỉ ngơi thôi mà cái máy tính nó khiêu khích,hẹn lên máy sau giấc ngủ trưa.Hơn 3 giờ chiều cháu nội lại phá phách,phải chơi với cục cưng một chút.Không biết làm gì,mở blog bạn bè xem ,chớp bài thơ mới toanh của Cao Thoại Châu để cùng... trách ông trời chơi

Tôi trách trời em đừng cản ngăn tôi

Giá Trời đừng hại chúng ta
Đừng sinh ra cái gọi là chia ly
Sinh ra thứ ấy làm gì
Một đường hai ngả ra đi, thật buồn

Người đi nắng gội mưa tuôn
Đá kia cũng thấy chạnh lòng nước non
Giá Trời đừng quá vô tâm
Núi đừng cao vút để sông đừng dài

Giá Trời hiền một chút thôi
Thì sầu thiên cổ đã nguôi dần dần
Có đâu trong cõi nhân sinh
Loay hoay tìm kiếm cái mình vẩn vơ

Giá Trời không nắng không mưa
Bốn mùa đừng có một mùa rét đông
Rừng lao xao, biển mênh mông
Lặng im tiếng sóng trong lòng. Giá như…

Giá như đừng có ngày xưa
Ngày sau đừng có, bây giờ cũng không
Giá như có một bông hồng
Bông hồng chỉ đẹp mà không nói gì

Gió khuya đừng ở xa về
Vô tình lay động những gì đang quên
Giá như những cuộc tình nồng
Đừng thành rêu đá như Hòn Vọng Phu!
15-11-08

Thứ Sáu, 14 tháng 11, 2008

THƠ PHẠM THIÊN THƯ


NGÀY XƯA HOÀNG THỊ

Em tan trường về
Đường mưa nho nhỏ
Chim non giấu mỏ
Dưới cội hoa vàng
Bước em thênh thang
Áo tà nguyệt bạch
Ôm nghiêng cặp sách
Vai nhỏ tóc dài
Anh đi theo hoài
Gót giầy thầm lặng
Đường chiều úa nắng
Mưa nhẹ bâng khuâng
Em tan trường về
Cuối đường mây đỏ
Anh theo tìm Ngọ
Dáng lau lách buồn
Tay nụ hoa thuôn
Vương bờ tóc suối
Tìm lời mở nói
Lòng sao ngập ngừng
Lòng sao rưng rưng
Như trời mây ngợp
Hôm sau vào lớp
Nhìn em ngại ngần
Em tan trường về
Đường mưa nho nhỏ
Trao vội chùm hoa
Ép vào cuối vở
Thương ơi vạn thuở
Biết nói chi nguôi
Em mím môi cười
Anh mang nỗi nhớ
Hè sang phượng nở
Rồi chẳng gặp nhau
Ôi mối tình đầu
Như đi trên cát
Bước nhẹ mà sâu
Mà cũng nhoà mau
Tưởng đã phai màu
đường chiều hoa cỏ
Mười năm rồi Ngọ
Tình cờ qua đây
Cây xưa vẫn gầy
Phơi nghiêng ráng đỏ
Áo em ngày nọ
Phai nhạt mấy màu
Chân theo tìm nhau
Còn là vang vọng
Đời như biển động
Xoá dấu ngày qua
Tay ngắt chùm hoa
Mà thương mà nhớ
Phố ơi muôn thuở
Giữ vết chân tình
Tìm xưa quẩn quanh
Ai mang bụi đỏ
Dáng em nho nhỏ
Trong cõi xa vời

Tình ơi tình ơi!

Thứ Năm, 13 tháng 11, 2008

TRANG VĂN NGÀY CŨ - SỐ 1

NHÀ THƠ NGUYÊN SA
TRẦN BÍCH LAN
( 1932 -1998 )

Nhà thơ Nguyên Sa tên thật là Trần Bích Lan,còn có bút danh Hư Trúc.Ông sinh ngày 1-3-1932 tại Hà Nội và mất ngay 18-4-1998 tại Hoa Kỳ.

Tổ tiên nhà thơ gốc ở Thuận Hoá ( Huế ),ông cố là Thượng Thư Trần Trạm,giữ chức Hiệp tá Đại Học sĩ trong triều đình thời Tự Đức,đến đời ông nội mới ra ở Hà Nội.
Ông tốt nghiệp Đại học Sorbonne khoa Triết.Năm 1956 ông về nước mở trường day học(trường tư thục Trung học Văn Học và Văn Khôi ),giảng dạy môn triết tại các trường Trung học và Đại học Văn khoa Sài Gòn.
Ông được xếp trong lớp nhà thơ lãng mạn từ thập niên 1950 với những bài thơ tình nổi tiếng được nhiều người đọc yêu thích như Áo lụa Hà Đông,Paris có gì lạ không em,Tuổi mười ba,Tháng sáu trời mưa,Tương tư ...
Bên cạnh dòng thơ lãng mạn,nhà thơ Nguyên Sa từng cộng tác với Tạp chí Trình Bầy,tờ báo chuyên về chính trị,văn hoá,xã hội được liệt vào loại đối lập,thân cộng sản.Ông đã viết những bài thơ hừng hực lửa đấu tranh,về thân phận con người trong chiến tranh,khao khát tự do,hòa bình và chống áp bức.

Xin được giới thiệu 2 bài thơ tiêu biểu của nhà thơ Nguyên Sa viết trong thập niên 1970

THƠ NGUYÊN SA

BA MƯƠI SÁU SỐ TRÌNH BẦY

Dù những ngày tháng như lúc này
Những ngày tháng viết văn thật khó
Những ngày tháng làm báo thật khó
Những ngày tháng làm người thật khó
...
Em đừng buồn
Đừng thương xót
Đất nước này có gì không bị tịch thu
Đời sống còn bị tịch thu

Huống hồ trí óc

Ở tạp chí Trình Bầy có chiếc máy in
Có chồng giấy cao
Có mưc đen
Thỉnh thoảng có những cô gái tên Vân
Mỗi ngày có chàng làm thơ tên là Thái

Ở đó có cặp kính cận của Diễm Châu
Có ông Nguyễn Trường Tộ của Ngữ
Có chiếc xe cũ của Nhậm
Có khòi thuốc lá đen
Chiều buồn có la-de sủi bọt

Có thằng ốm nhom
Có thằng nông phu
Thằng cài thánh giá trên ngực áo
Thằng lạc lõng giữa miền đất hung bạo cũa Mỹ châu
Thằng hội hoạ
Thằng râu ria
Thăng hiền lành như Phật Thích Ca
Mỗi ngày chúng tới đó
Đứng ở chỗ đó
Mỗi ngày chuyến xe chạy
Một lần

Xe lửa kỳ lạ
Giống y như chiếc xe lửa của cháu nhỏ của Dũng
Động vật cơ giới tuyệt diệu
Biết đứng
Biết đi
Biết phẫn nộ
Biết hân hoan
Biết tựa vai
Cúi đầu
Nghiêng môi
Biết dừng lại buông lời tình tự

Xe lửa biết khóc
Như trẻ con trong chiến tranh
Biết đói
Biết no
Biết ngẩn ngơ
Như đồng bào trong hiện tại
Xe lửa biết khát khao
Biết nói lên niềm khát khao
Như cây mọc
Mặc kệ mưa
Như núi đứng ngang nhiên
Mặc dù gió
Xe lửa khi chạy khi bay
Có cánh có chân
Như chim hồng chim nhạn

Chuyến xe có lúc bước qua bình nguyên
Quê hương ta đó em
Cỏ cây xanh tốt
Chuyến xe có ngày chạy qua núi non
Quê hương ta đó em
Núi đá già cỗi

Trong chiêm bao
Em nghe tiếng hát tiếng reo vui
Đó là bình nguyên rực rỡ
Em thấy chói sáng mặt trời
Đó là tuổi trẻ vô cùng
Đó là quê hương vô cùng bát ngát

Chiều nay ngồi làm thơ cho em
Chuyến xe vẫn còn chạy
Bạn bè vẫn còn đi
Chỗ kế bên ống khói chiếc máy in vẫn còn đứng
Ở trong mỗi toa những tờ bản thảo vẫn đầy tay
Không chừng chuyến xe đã tới chân trời
Không chừng anh em đã ngồi bên cửa biển
Cửa biển,em biết không
Chỗ dòng sông hẹn hò mặt biển
Sông có chỗ đã lẫn lộn từng mảng nước mặn
Như ngày tháng lẫn lộn sự sống và sự chết
Có tình yêu và cơn phụ rẫy
Có hy vọng và thống khổ
Có thần thánh có thợ thuyền
Có báo chí như tỉnh như say
Như thơ hiện ra
Như đời hiện ra
Có khói có sương
Có thiên đàng và địa ngục

Anh vẫn thích đi chuyến xe
Như chuyến xe đó
Từ ngày còn trẻ
Em đã giận rỗi
Đã khóc
Đã thề thốt đoạn tuyệt
Đã xếp quần áo vào rương
Đã bỏ nhà ra đi

Này em
Anh vẫn đi chuyến xe đó
Chuyến xe có bằng hữu
Có văn nghệ
Có thơ
Thơ ngất ngư
Như anh
Như quần áo xếp vào rương
Hãy khóc
Hãy giận rỗi
Hãy thề thốt đoạn tuyệt
Hãy bỏ nhà ra đi
Như tình yêu thức dậy

Chuyến xe đầy nhóc những người
Anh là đứa lãng mạn
Anh thích xương thịt
Thích hơi thở
Thích cầm tay
Thích tóc
Thích vai
Thích tim đập
Thích mặt người
Làm sao anh nằm ngửa trong lâu đài kia
Làm sao anh ôm trong tay những khuôn mặt bằng chất dẻo
Khuôn mặt vênh váo lố bịch đê tiện
Khuôn mặt khi thẳng khi cong
Khuôn mặt đội trên đạp dưới
Khuôn mặt vô luân cất lời đạo đức

Ôi bọn quái đản
Khi đọc diễn văn
Khi đi máy bay
Khi đóng dấu
Khi ký tên
Khi chuột khi dơi
Khi trổ móng hung hăng
Khi rắn cuộn tròn gian xảo

Anh thích chuyến xe đầy nhóc người
Anh thích nhiều thứ
Tỷ như ái tình
Tỷ như rượu
Ôi rượu
Chắc rồi
Giống như chữ in
Giống như bản vỗ
Dù những ngày tháng như lúc này
Những ngày tháng viết văn thật khó
Những ngày tháng làm báo thật khó
Những ngày tháng làm người thật khó

Anh đang kể chuyện tạp chí Trình Bầy cho em nghe đó
tờ báo,tính đến nay,ra được ba mươi sáu số
Ba mươi sáu lần sắp chữ
Ba mươi sáu lần vỗ bản
Ba mươi sáu lần sửa bài
Ba mươi sáu lần Thế Nguyên chạy tiền trả thợ
Ba mươi saú lần những thằng viết bài tự tay đóng báo
Ba mươi sáu lần những thằng viết báo tự tay phát hành
Ba mươi sáu lần
Những thằng phát hành
Trở về nhà
Chờ đợi
Tịch thu

Em đừng buồn
Đừng thương xót
Đất nước ta có gì không bị tịch thu
Em nghĩ coi
Này gạo này sữa
Này đêm này ngày
Này giờ giới nghiêm
Này khu quân sự
Này tuổi trẻ
Này tình yêu
Này động viên
Này kiểm duyệt
Đời sống còn bị tịch thu
Huống hồ trí óc

Em đừng buồn
Đừng thương xót
Đừng xúc động
Mọi sự xúc động lúc náy đều thừa thải
Em hãy thay quần áo
Hãy nằm lên giường
Hãy ngủ
Anh sẽ trở về từ chuyến xe đó
Sẽ nghiêng đầu
Với khói
Với than
Với mồ hôi có vị mặn của muối
Hôn lên môi em
Em thấy không
Chuyến xe lửa vẫn chạy rất đều
Qua bình nguyên
Qua cửa biển
Chuyến xe vẫn chạy rất đều
Anh vẫn hôn em
Rất nhẹ
(Trình Bầy Xuân Nhâm Tý,số 36 ,1972)


THƯ CHO BẠN

Bây giờ mày ở trong tù
Đêm nằm muỗi cắn nhớ nhà không con
Chúng nó nói chuyện văn chương
Tao nghe nóng mặt cởi quần nhìn sông
Sài Gòn trông vẫn mịt mùng
Làm thơ tao thấy trong lòng xót xa
Sài Gòn chưa hết mùa mưa
Ở nhà tao vẫn nhớ nhà mỗi đêm

Không nói tao sợ mày phiền
Nói ra,với rượu,tao buồn gấp hai
Em mày đi lấy chồng rồi
Gặp tao ngoài phố ngậm ngùi nhìn nhau
Tao nhìn tao thấy mày đau
Nó nhìn nó thấy trong tau có mày
Mẹ già phơ phất lá bay
Những ngày về phép thay mày tao thăm
Tao đi lính được bốn năm
Mày nghe chuyện lính tưởng rằng tao gân
Tưởng tao trấn thủ lưu đồn
Một tay cờ kiếm anh hùng chí cao
Bốn năm Đỗ Phủ nằm khoèo
Rượu say thơ cũng mệt nhoài tứ chi
Mười phương vẫn một bọn hề
Những thằng lưng điếu vác cờ chạy quanh
Tao nhìn chẳng thiết nói năng
Miệng cười nước mắt lưng tròng gió đưa
Mày nghe lũ hạc tới chưa
Tao đi sao đã tà tà cánh bay
Trong tù mày có thấy mây
Thấy tao đứng đó những ngày gió đông
Sao tao thấy có thấy không
Thấy tao trùng điệp bão bùng biển khơi

Nhìn tao tao thấy rồi đời
Nhìn mày tao cất tiếng cười như điên
Một đời, đành vậy,nghe con
Ngựa hay mày khổ thôi đừng nói chi
Vợ chê xương thịt tao già
Tù ra nếu thấy tao đi mất rồi
Uống xong ngửa mặt lên trời
Hai vai ngất ngưỡng là mày có tao

( Trình Bầy , số 2 ,1970)
-----------------------------------------------------

NHỮNG BÀI THƠ CUỐI CÙNG CỦA NGUYÊN SA (Trích)
TUY HÒA
...
Có thể do sự tình cờ hữu duyên, những bài thơ phổ nhạc của Nguyên Sa lan tỏa rất nhanh vào đời sống, và cho đến tận hôm nay, nhắc Nguyên Sa là người ta nghe vang lên trên môi Anh vẫn nhớ em ngồi đây tóc ngắn. Mà mùa thu dài lắm ở chung quanh (Áo lụa Hà Đông), hoặc Áo nàng vàng tôi về yêu hoa cúc. Áo nàng xanh tôi mến lá sân trường (Tuổi mười ba); hoặc Vẫn hỏi lòng mình là hương cốm. Chả biết tay ai làm lá sen (Paris có gì lạ không em) và Hãy biến cuộc đời thành những tối tân hôn. Nếu em sợ thời gian dài vô tận (Tháng sáu trời mưa).
Những bài thơ được phổ nhạc ấy cứ bồng bềnh từ thế hệ này sang thế hệ kia, khiến nhiều bài thơ khác của Nguyên Sa ít nhiều bị che khuất, kể cả những câu thơ độc đáo miêu tả chiếc áo dài dân tộc Có phải em mang trên áo bay. Hai phần gió thổi, một phần mây. Hay là em gói mây trong áo. Rồi thở cho làn áo trắng bay. Tuy nhiên, nếu đọc thơ Nguyên Sa viết sau năm 1975 ở hải ngoại, vẫn nhận ra nét hào hoa riêng biệt. Trong tập Hoa sen và hoa đào được sáng tác khoảng thời gian 1982-1988, có những câu thơ mang đậm phong cách Nguyên Sa như Anh nhớ em ngồi áo trắng thon. Ngàn năm còn mãi lúc gần quen. Em gầy như liễu trong thơ cổ. Anh bỏ trường thi lúc Thịnh Đường hay Phương Đông vào chỗ hồng lên má. Chiều xuống lưng chừng mái tóc thưa.
Nguyên Sa từng xuất bản cuốn sách biên khảo triết học Descartes nhìn từ phương Đông, nhưng trả lời phỏng vấn của nhà văn Vũ Bằng vào năm 1972, thì ông vẫn khẳng định: "Nói triết lý sa sả, e rằng sẽ là người tự kiêu. Nhất là trong thơ, càng nhiều triết lý càng mất tính cách của thơ. Theo tôi, thực chất của thơ là cái linh hồn, là sự sống của những chữ ta dùng".
Suy nghiệm đó được Nguyên Sa thể hiện rất rõ trong những bài lục bát. Thơ Việt Nam đã từng tự hào về lục bát Nguyễn Du, lục bát Nguyễn Bính, lục bát Huy Cận thì có lẽ những ai yêu thể thơ truyền thống cũng cần lưu ý lục bát Nguyên Sa. Sáu chữ và tám chữ được Nguyên Sa vận hành khá tự nhiên và nhịp nhàng đến mức phẩm chất thi ca tuôn chảy vào lòng độc giả một cách bất ngờ. Khi gặp Mây hồng bâng khuâng Những chiều sương kín đầu non. Hỏi nhau nhè nhẹ sao buồn chi em, khi muốn Tháo gỡ giăng mắc ngậm ngùi Ta nằm tháo gỡ cơn mưa. Cầu vồng tràn núi cũng vừa bắc ngang. Trong thơ ta gọi là nàng. Nói năng lẫm liệt, tình càng thâm sâu. Trời cao có núi bắc cầu. Trong ta vực thẳm cúi đầu nghe mưa, hoặc khi đăm đắm Hiu quạnh thân phận Bỏ tay vào túi buổi chiều. Lấy ra hiu quạnh với nhiều bản thân. Còn hiu quạnh chỗ mộ phần. Tấm bia màu trắng mấy lần quạnh hiu, và khi hân hoan Ngày khỏi bệnh nhận ra: Thương ghê màu áo hoa cà. Mộng mơ bật sáng trên da thịt người.



Những câu thơ mềm mại, linh hoạt và ấm áp theo suốt cả cuộc đời Nguyên Sa, và lúc đến chặng đường hoàng hôn số kiếp thi sĩ thì ông chợt ngộ Hiện tượng toàn diện để thả hồn tràn theo nghĩ suy không kịp kết nối vần điệu: Lau khô một bông hoa không phải chỉ là động tác của tay. Công việc đòi hỏi sự chú ý của thị giác, sự nhịp nhàng của hô hấp và cả sự di chuyển trong một không gian. Đối mặt với căn bệnh ung thư dạ dày hành hạ từng ngày, Nguyên Sa vẫn không rời bỏ thơ. Bài thơ Hóa học trị liệu có thể xem như một cột mốc để đánh dấu những sáng tác tạ từ nhân gian của ông.
"Tôi biết cây phong đứng ở trước cửa bệnh viện nghĩ gì?

Khi những chiếc lá phong buông tay ra

Làm thành những vòng tròn nhỏ

Những chiếc lá phong màu rượu chát rơi xuống một vị trí tên là mặt đất

Gió đưa những chiếc lá phong sang một vị trí khác cũng tên là mặt đất

Như thể vật nào cuối cùng cũng chỉ có cùng một tên"
Không thể nói khác hơn rằng, 22 bài thơ viết từ đầu năm 1998 đến lúc chia tay vĩnh viễn với Nàng thơ, đã cho hậu thế thấy được một dòng chảy khác của thơ Nguyên Sa. Những câu thơ ngổn ngang và giàu chất trí tuệ, không phải đến thình lình, mà có mạch nguồn trong thao thức Nguyên Sa. Trên giường bệnh, có lẽ hơn một lần ông ưu tư về những bài thơ mình viết đã được phổ nhạc truyền tụng khắp nơi: "Tôi đã làm xong bài thơ để phổ nhạc. Nhưng bài nhạc chưa tới. Đến khi nó tới. Bài thơ nhất định bỏ đi". Thật vậy, những bài thơ sau chót của Nguyên Sa hầu như không dành cho âm nhạc, chỉ dành cho những chột dạ.
Nguyên Sa chột dạ về Mật khẩu đời mình:
"Mỗi lần Thượng đế mở toang lồng ngực và bước vàoTôi sợ đến nín thởTôi sợ ông gọi cửa không đượcTôi sợ ông quên mật khẩuTôi sợ ông quay ra hỏiTôi sẽ không biết trả lời saoVì tôi cũng không nhớ"
Nguyên Sa chột dạ về Ký ức người vợ sắt son đi cùng ông suốt hành trình long đong duyên nợ:
"Em làm cho tà áo lượn bay màu trắng ở quê hương xưa /
trở thành màu hồngEm làm thắp lên ngọn bạch lạp vào buổi sáng /ở trong lớp học /trong những giờ khắc yêu đương"
Nguyên Sa chột dạ về những Mặt nạ chập chờn lẩn khuất
"Chiếc mặt nạ ngay sát lần da mặt, gắn vào hay tháo gỡ/
đều đòi hỏi nhiều thời gian/Làn da mặt dính vào thịt xương gắn vào hay tháo gỡ càng lâu hơn/Không thể đo được thời gian tìm kiếm những chiếc mặt nạ/Ở dưới làn da mặt dính vào thịt xương"Nguyên Sa chột dạ về Con sông ngược xuôi bất tận miền khát vọng
"Suối cạn là nghĩa trang biết thở dài của dòng sông
Sa mạc là nghĩa trang khác, nghĩa trang biết khóc của dòng sôngVật nào cũng có hai nghĩa trangMột vật bao giờ cũng có hai tênTên nó và tên ước mơ của nóNghĩa trang của nó và nghĩa trang của ước mơCó lúc tôi thích được gọi bằng tên tôiCó lúc tôi thích được gọi bằng tên ước mơ của tôiĐó là lý do tôi ký tên em khi làm thơ"
Thế nhưng, niềm riêng day dứt nhất, đau đáu nhất của Nguyên sa trong những bài thơ cuối cùng là nỗi mong ngóng thăm thẳm cố hương. Như "bài thơ" Nguyên Sa đón Tết ở Wichita Falls giữa cơ hồ run rủi: Nửa khuya nàng đánh thức tôi dậy, nói dậy đi, dậy đi, giao thừa rồi. Tôi ngồi dậy. Chúng tôi mặc quần áo mới. Chúng tôi thắp nhang. Chúng tôi ngồi uống trà với nhau, ngồi tựa lưng vào nhau, hát cho nhau nghe bằng ánh sáng của những ngày mới gặp nhau. Khi nàng quay đầu lại, tôi thấy mắt nàng đỏ hoe. Mắt nàng ngơ ngác giống như mắt con vành khuyên một mình, để định hướng, bay theo những màu vàng của một rừng mai. Dường như, Nguyên Sa không còn muốn ngắt dòng hay ngắt câu, ông cứ để cảm xúc lênh loang cho kịp nhịp điệu hối hả từ trái tim mình. Và ông nghĩ về một sự Thủy chung giản dị khi hóa thân vào tro bụi: anh chỉ xin em ném dùm anh xuống những mảnh đất đầu đời, chỗ bãi phù sa anh tắm mỗi chiều, con lộ mỗi ngày chúng mình cùng nhau đi học. Riêng với quê nhà thơ ấu, Nguyên Sa tỉ mỉ viết sáu câu chia biệt:
"Ngọn đèn chiếu xuống bức tranh

Cầm lên Hà Nội thấy đình miếu xưa

Tiễn nhau nhớ Tháng Giêng, mưa

Sông Hồng nước động bóng chưa nhập hình

Tiễn anh linh hiển u linh

Cấu vào da thịt thấy mình bỏ đi"




Vậy là Nguyên Sa đã yên nghỉ mười năm ở California. Mọi vui buồn và được mất cũng đã lắng dịu đi, đủ để những người bây giờ bình tâm phác thảo một chân dung thơ Nguyên Sa. Ông đã đến với chúng ta, đã sống với chúng ta, đã rời xa chúng ta, và đã gửi lại những câu thơ dâng hiến cả cuộc đời. Gần nửa thế kỷ miệt mài với thơ, Nguyên Sa canh cánh "luôn luôn làm sao để không giống mình, để trở thành một người khác mình, thì đó chính là cách thức, cách thế để trở thành chính mình". (Nguồn : EVĂN )

*************************************

VÀI TƯ LIỆU VỀ NHÀ THƠ NGUYÊN SA

GIÁO SƯ ĂN THỊT BÒ KHÔ, ĐÁ BÓNG VỚI HỌC TRÒ

Hình ảnh lý thú về ông Trần Bích Lan, lúc ông ở Pháp về Sàigòn 1956, dạy trường Chu Văn An, mà khi đến giờ ra chơi, giáo sư Trần Bích Lan cũng ra… chơi luôn với học trò, đá bóng với học trò, và cũng ăn thịt bò khô với học trò, đến nỗi ông hiệu trưởng xin: “Thầy Lan đừng như vậy nữa, vui lòng vào phòng giáo sư mà nghỉ ngơi, uống nước trà.”. Ông dậy Triết như người ta đi chơi, đi dạo. Dễ hiểu. Rõ ràng. Như người ta nói chuyện với nhau. Không có lòng thòng, tối mù, “dọa-dẫm-đầy-triết-lý”. Hai người dậy Triết đại học và trung học thảnh thơi nhất, có lẽ là hai ông giáo sư đều tên Lan, cựu linh mục Nguyễn Ngọc Lan và giáo sư Trần Bích Lan dễ hiểu, nhưng không kém phần sâu sắc, , nhất là ông Trần Bích Lan, nhà thơ Nguyên Sa, mà khi từ Paris về Sàigòn, ông đã mang cả một luồng thơ mới, tám chữ và tự do, cho những người yêu thơ lúc đó và cả cho đến bây giờ, sau nửa thế kỷ. Nguyên Sa được gọi là “thi sĩ của tình yêu”, lúc đó và chắc bây giờ cũng vậy.Cái ông về từ Tây ấy, chẳng Tây tí nào cả. Ði dạy học thì giờ ra chơi đá bóng, ăn thịt bò khô trước cổng trường với học trò. Ðến dự những buổi họp văn học, lúc nào áo chemise cũng bỏ ra ngoài, đi dép và đội nón ni-lông rộng vành.

KHOẢNG CÁCH

“Nguyên Sa từ Paris mang về cùng với thơ, không khí tự do mà chúng ta mong nhớ.”Trích dẫn câu nói của nhà thơ Thanh Tâm Tuyền trong nhóm “Sáng Tạo” như vậy không có nghĩa là nhà thơ Nguyên Sa không gặp khó khăn với những bạn văn của mình. Chúng ta hãy mở Hồi ký của Nguyên Sa, trang 188: “Chúng tôi không có sự gần gũi của tình bạn và cũng không có sự xa cách của đối chọi. Dù vậy, có một khoảng cách. Khoảng cách của ngộ nhận. Một trái núi hiểu lầm đã vô tình được dựng lên giữa Nguyên Sa và các bạn trong Sáng Tạo, trông thì chỉ như núi giả sơn, mà vượt qua không được. Thời kỳ cộng tác với Sáng Tạo, chỉ có sự gần gũi tình bạn đến mức với Mai Thảo.” Và như sách đã dẫn, ở trang 190, ông viết, bày tỏ: “Tôi không thích chống trả những ngộ nhận. Tôi vẫn nghĩ Albert Camus (tác giả cuốn Le Malentendu – Ngộ nhận) có lý khi nhấn mạnh ngộ nhận không phải chỉ là một kinh nghiệm của con người, ngộ nhận điều kiện nhân sinh, là yếu tính của kiếp người.”(Trong cuốn hồi ký này, nhà thơ Nguyên Sa có nhắc đến một số những nhà văn, thơ, họa sĩ trong nhóm Sáng Tạo như: Mai Thảo, Doãn Quốc Sĩ, Thanh Tâm Tuyền, Ngọc Dũng, Duy Thanh, Trần Thanh Hiệp.)

MỘT LỰC SĨ CHẠY VIỆT DÃ

Trần Bích Lan, nhà giáo. Nguyên Sa, nhà thơ, nhà báo. Sức viết của ông, từ những sách giáo khoa, cho đến thơ văn, là một sức viết của một lực sĩ chạy marathon. Ðầu năm 1960, ông chủ trương tạp chí Hiện Ðại, song song với các tạp chí Sáng Tạo, Thế Kỷ 20. Nhà báo Vũ Bằng, trong một cuộc phỏng vấn với Nguyên Sa, năm 1972, tại Sàigòn, đã viết: “Từ năm 1956, tới nay, Nguyên Sa bật hẳn lên trong thời thơ văn. Mấy cuốn sách xuất bản gần đây như “Một bông hồng cho văn nghệ”, “Descartes nhìn từ phương Ðông” và nhất là Thơ Nguyên Sa tái bản tới năm lần, cùng nhiều bài đăng trên các báo chí như “Ðất Nước”, “Văn Học”, “Hiện Ðại”, “Quần Chúng” đã dành cho anh một địa vị cao trong làng nghệ thuật.”
Người Ghi Chép (
Nguồn Việt Weekly )









Thứ Tư, 12 tháng 11, 2008

THƯ NGÕ

*******************************************
THƯ NGỎ MỜI CÁC BẠN THAM GIA CHUYÊN MỤC
TRANG VĂN NGÀY CŨ
********************************************

Mỗi thứ năm hằng tuần,bắt đầu ngày 13.11.2008,chúng tôi xin gửi đến các bạn chuyên mục TRANG VĂN NGÀY CŨ. Chuyên mục xin được phép đăng tải những tác phẩm,tác giả cùng thời sưu tầm trên các tạp chí sáng tác văn học trong thập niên 1960-1970 của thế kỷ trước,chủ yếu là thi ca.Việc làm của chúng tôi nhằm góp một phần nhỏ phác thảo diện mạo một giai đoạn văn học đầy bão táp,sóng gió dưới làn tên mũi đạn của chiến tranh,về khát vọng hoà bình tưởng chừng chỉ có trong mộng tưởng.Những tác phẩm được viết cách đây ba ,bốn mươi năm bây giờ đọc lại vẫn ngồn ngộn,đầy ắp hơi thở của cuôc sống. Mọi liên tưởng là ngoài ý muốn của nhóm chủ biên.Chúng tôi mong được sự cộng tác của các bạn.
Nhóm chủ biên :
TRẦN VẠN GIÃ
VIÊM TỊNH
TỪ HOÀI TẤN
NGUYỄN MIÊN THẢO

Đ/c liên lạc : nguyenmienthao@ gmail.com

------------------------------------------------------------------
CÂU CHUYỆN BUỔI TRƯA
------------------------------------------------------------------

Đang ngủ trưa ,một người bạn gọi điện thoại:
- Có nghe mấy ông bà đại biểu cho dân chất vấn mấy ông Bộ trưởng không?
- Không,bận chơi với cháu nội và day cho nó bài học vỡ lòng.
- Bài hoc chi?
- Không nói dối.

Thứ Ba, 11 tháng 11, 2008

THƠ NGUYỄN MIÊN THẢO


Hoàng Thị 3
em là cô gái dị nhân
gặp em một sáng mùa xuân dị thường
buồn vui,chán nản,dỗi hờn
anh yêu tất cả lạ thường của em

Thứ Hai, 10 tháng 11, 2008

CHUYỆN ĐẦU TUẦN - TỔNG THỐNG DA MÀU ĐẦU TIÊN CỦA HIỆP CHỦNG QUỐC HOA KỲ

Tháng 2 năm 1981,chàng sinh viên 19 tuổi Obama đọc một bài phát biểu trong cuộc biểu tình của sinh viên Trường Occidental chống lại chủ nghĩa phân biệt chủng tộc apartheid ở Nam Phi,trước số đông sinh viên da trắng .Bài phát biểu của Obama nhận được sự ủng hộ mạnh mẻ .
27 năm sau Obama trở thành tổng thống thứ 44 của nước Mỹ,vị tổng thống da màu đầu tiên trong lịch sử Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ.
THAY ĐỔI,khẩu hiệu hấp dẫn trong một thế giới nghèo đói và chiến tranh,phân biệt và đầy hận thù.
Khủng bố và nguồn gốc của khủng bố,chiếc chìa khoá mở ra mọi cánh cửa mà bản thân Tổng thống Barack Obama hiểu rõ hơn ai hết từ cuộc biểu tình chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc 27 năm trước...

========================================
TRỞ LẠI CHUYỆN NGẬP NƯỚC MƯA Ở HÀ NỘI
-------------------------------------------------------------------

CUỘC "NGHIỆM THU" CỦA THIÊN NHIÊN

Thông thường quy trình ra đời của một công trình là: lập dự án tiền khả thi, thông qua dự án, rót vốn, thi công, chậm trễ, phát sinh chi phí (bao giờ cũng có, nhất là khi vốn phân bổ từ ngân sách nhà nước), phấn đấu hoàn thành vào một dịp lễ nào đó (để chào mừng), rồi cắt băng khánh thành...
Trước khi một công trình đi đến giai đoạn cuối, bao giờ cũng bắt buộc phải trải qua khâu giám định rồi nghiệm thu của cơ quan chức năng. Hiếm khi một công trình đã hoàn thành lại không được nghiệm thu.
Vậy nhưng trận mưa lịch sử vừa xảy ra tại Hà Nội đã là một cuộc “nghiệm thu” nghiệt ngã của thiên nhiên. Từ trận mưa này đã bộc lộ trên diện rộng kết quả về chất lượng cũng như năng lực của hàng loạt công trình, dự án mà lâu nay người ta vẫn yên tâm về chúng.
Bởi khi đọc thấy số tiền khổng lồ Nhà nước đã bỏ ra cho những dự án, công trình thoát nước của Hà Nội, người ta có quyền đặt câu hỏi về hiệu quả của những dự án đó, khi mà chỉ qua một đêm mưa tầm tã Hà Nội bỗng dưng bị dìm trong biển nước mênh mông.
Có thể nói không ngoa, cả một thành phố trung tâm đầu não của đất nước hầu như bị tê liệt hoàn toàn khi điện bị cắt, đi lại không thực hiện được hoặc hết sức khó khăn, tắc nghẽn giao thông trên diện rộng và hàng vạn người bất lực trên những con đường kẹt cứng xe cộ dưới cơn mưa tầm tã. Nên chăng cần có một sự minh bạch hóa những kết quả nghiệm thu các dự án, công trình thoát nước của thủ đô, để xem những người có trách nhiệm đã nhận xét như thế nào trong những bản nghiệm thu đắt giá đó?
Bởi cả một khu đô thị mới như Mỹ Đình với những tòa nhà cao tầng vươn lên lừng lững, nơi có Trung tâm Hội nghị quốc gia, được xem như bộ mặt hiện đại của thành phố nghìn năm, vậy mà lại là một trong những nơi ngập nặng nhất, nước lâu rút nhất!
Bởi suốt gần một tuần sau trận mưa lịch sử, hai con đường huyết mạch đi vào cửa ngõ thủ đô là đường Láng - Hòa Lạc và quốc lộ 32 vẫn bị cắt đứt vì… mấy đoạn ngập nước! Hàng vạn lượt ôtô phải đi vòng vèo hàng trăm cây số, hàng vạn xe máy phải đi thuyền, phà của tư nhân với giá cắt cổ. Có thể hiểu nỗi bức xúc của một phụ nữ mất gần cả triệu đồng trong mấy ngày để đi lại qua chỗ ngập trên đường Láng - Hòa Lạc khi chị đặt câu hỏi: “Không hiểu đường Láng - Hòa Lạc là đường cao tốc kiểu gì?”.
Trận lụt dữ dội này còn “nghiệm thu” cả năng lực, trình độ của cán bộ chính quyền, đặc biệt là ở cấp cơ sở.
Bởi ngay giữa thủ đô mà vẫn có em học sinh lớp 7 chết thảm vì nước cuốn trên đường nhựa, do ngành giáo dục thành phố đã không kịp thời cho lệnh học sinh nghỉ học. Bởi đến ngày thứ sáu kể từ khi nước bắt đầu dâng lên mà có những gia đình ở thủ đô vẫn bị cô lập giữa vùng nước, mỗi người mới nhận được khẩu phần cứu trợ là một gói mì tôm!
Bởi hằng ngày hệ thống loa truyền thanh của phường kêu oang oang làm phiền người dân vì những thông tin có khi vô bổ, nhưng khi nước dâng đã không hề có một thông báo nào qua hệ thống này cho người dân biết đường nào bị ngập để tránh, nơi nào có thể đi qua...
Cơn lũ lụt đã qua đi, nhưng cần phải nhìn nhận một cách nghiêm túc những gì thiên nhiên đã “nghiệm thu” để đánh giá đúng chất lượng của những công trình, dự án, con người, qua đó tránh được những bài học đau xót có thể xảy đến trong tương lai.

THẢO DÂN
Nguồn Tuổi Trẻ Online

Chủ Nhật, 9 tháng 11, 2008

HOÀNG THỊ 2 - NGUYỄN MIÊN THẢO

Bây giờ là 6 giờ sáng Chủ nhật. Hôm qua là ngày Tết Trùng Thập 10 tháng 10 Âm lịch cũng là ngày Lập đông. Huế đã bắt đầu những ngày lạnh giá. Ngồi tưởng tượng những viên gạch trên cổ thành se lại,đỏ au dưới cơn mưa mà nhớ em đến nao lòng. Mở nhạc tình cờ nghe bài Ru Đời Đi Nhé của TCS.Có khi mưa ngoài trời là giọt nước mắt em.Đã nương theo vào đời...Ngoài phố mùa Đông.Đôi môi em là đốm lửa hồng...Cho tôi tay gối mong manh.Cho tôi ôm lấy vai thon...Sài Gòn đang mưa nhẹ.Cũng phải bắt đầu một ngày thôi.Một ngày cô độc và buồn bã.Một ngày như mọi ngày... Chép bài thơ tặng em

HOÀNG THỊ 2

Anh còn một chút làm thinh
gửi em một chút tỏ tình . Hết trơn
gửi em một giọt mưa buồn
gửi em tất cả yêu thương cuối đời

Thứ Bảy, 8 tháng 11, 2008

NHÀ VĂN HOÁ CUNG GIŨ NGUYÊN RA ĐI


Nhà văn hóa Cung Giũ Nguyên đã ra đi lúc 3g15 sáng ngày 7-11-2008 tại nhà riêng ở số 60 Hoàng Văn Thụ, thành phố Nha Trang.
Nhà văn hóa Cung Giũ Nguyên sinh tại Huế vào ngày 28-4-1909, nếu tính theo tuổi ta thì ông “trụ thế” được 100 tuổi.
Theo Từ điển văn học (bộ mới, NXB Thế Giới 2004) thì Cung Giũ Nguyên là một nhà giáo dục, nhà báo, nhà văn Việt Nam. Ngoài ra ông còn có tên trong danh sách các nhà văn thế giới viết văn bằng tiếng Pháp.
Cả cuộc đời nhà văn hóa Cung Giũ Nguyên có khoảng 70 năm trực tiếp dạy học. Ông được bổ làm trợ giáo tập sự tại Trường Nam tiểu học Nha Trang vào năm 1928.
Từ 1975 về trước nhà giáo Cung Giũ Nguyên đã dạy các môn Việt văn, Hán văn, Latin, Pháp văn, Anh văn, sử địa, kinh tế học, triết học, văn học tại các trường ở Nha Trang như: Kim Yến, Trường dòng Thánh Giuse Bình Tân, La San, Phanxicô, Collège de Nha Trang, Võ Tánh, Lê Quý Đôn. Đồng thời ông đã 20 năm làm hiệu trưởng Trường trung học đệ nhị cấp Lê Quý Đôn (Nha Trang,1955-1975) và làm giáo sư thỉnh giảng tại Đại học cộng đồng Duyên Hải, Nha Trang trước đây và giảng dạy môn ngôn ngữ và văn chương Pháp tại khoa Pháp văn Trường cao đẳng Sư phạm Nha Trang (1989-1999).
Về văn chương, Cung Giũ Nguyên được đánh giá là có “đóng góp lớn cho văn học Việt Nam”. Ông là một nhà văn viết thuần thục nhiều thứ tiếng, đặc biệt là tiếng Pháp; viết nhiều thể loại khác nhau (tiểu thuyết, truyện ngắn, ký, tản văn, khảo luận...). Tác phẩm của ông đã được các nhà xuất bản ở Pháp, Đức, Canada, Hoa Kỳ, Việt Nam phát hành. Trong đó có những tác phẩm được chú ý nhiều như, về tiếng Việt: Một người vô dụng (Tín Đức Thư Xã, Sài Gòn, 1930); Nhân tình thế thái (tập truyện ngắn, Phổ Thông Văn Xã, Gia Định, 1931); Nợ văn chương (Nhà in Châu Tịnh, Vinh, 1934), Những ngày phiêu bạt (ký), Nửa gánh tang bồng, Một chuyến về…
Về tiếng Pháp, Cung Giũ Nguyên có những tác phẩm nổi tiếng được thế giới biết đến nhiều vào những năm 1950-1960 như: Le fils de la Balaine (tiểu thuyết, Paris, 1956 - dịch sang tiếng Việt là Kẻ thừa tự ông Nam Hải, NXB Văn Học, Hà Nội 1995), Le Domaine Maudit (tiểu thuyết, Fayard, Paris, 1961); tiểu luận Volontés d’existence (France-Asie, Sài Gòn 1954; dịch sang tiếng Việt là Những ý chí sinh tồn); Le Boujoum (do roman Dallas, Tesax, USA, tái bản 2002; dịch sang tiếng Việt là Thái huyền); tập thơ Texte Profane (Bản văn trần tục)…
Cung Giũ Nguyên còn là nhà báo đã viết hàng ngàn bài cộng tác trên nhiều tờ báo trong, ngoài nước. Ông đã cùng với Raoul Serène - tiến sĩ khoa học từng làm giám đốc Viện Hải dương học Đông Dương - chủ trương ra nguyệt san Tạp Chí Tuổi Trẻ (Le Cahiers de la Jeunesse; 1938-1940) ở Nha Trang; làm chủ bút nguyệt san song ngữ Tương Lai Tạp Chí, Nha Trang (1939) và làm chủ bút nhật báo Châu Á Buổi Chiều (Le Soir d’Asie, Sài gòn; 1939-1942) và chủ bút tuần báo Báo Chí Viễn Đông (La Presse d’Extrême - Orient, Sài Gòn; 1954)…
PHAN SÔNG NGÂN
Nguồn : Tuổi Trẻ Online

Thứ Năm, 6 tháng 11, 2008

THƠ NGUYỄN MIÊN THẢO


HOÀNG THị

Em cười xóa cả
vô minh
Anh trong kinh kệ giật mình
buớc ra
Mõ chuông gửi lại
trăng tà
Anh xin phiêu hốt
trong tà áo em

Huế,6.3.2007


Thứ Hai, 3 tháng 11, 2008

CHUYỆN ĐẦU TUẦN - THỦ ĐÔ HÀ NỘI QUA CƠN HỒNG THUỶ 31.10

TRẬN LỤT LỊCH SỬ HÀ NỘI:
SẼ LÀ BÀI HỌC CUỐI CÙNG

Khi trận lụt lịch sử tại Hà Nội bắt đầu rút nước cũng là khi những “cơn mưa” trách nhiệm bắt đầu và cách dễ nhất là đổ lỗi cho thiên nhiên. Phần trách nhiệm của chính quyền thành phố là... học những bài học đắt giá mà người dân vừa trả bằng cả tính mạng và tài sản của mình.

Cho tới khi Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Thế Thảo thú nhận rằng hệ thống thoát nước của thành phố chỉ có thể đáp ứng được những trận mưa 86mm, đã không ít lãnh đạo thành phố đổ hoàn toàn cho thiên nhiên. Sau đó, có lẽ để thể hiện quyết tâm, một lãnh đạo khẳng định với báo chí thành phố sẽ lấy mực nước năm nay làm chuẩn để thiết kế thoát nước. Tuy nhiên,
việc thiết kế thoát nước phải dựa trên nghiên cứu lịch sử và nguy cơ tiềm tàng trong tương lai chứ không phải kinh nghiệm vừa trải qua.

Trong lý thuyết sơ đẳng về thoát nước, năng lực của hệ thống thường được thiết kế để đối phó với lụt có tần suất 100 năm một lần. Còn cách làm theo lời vị lãnh đạo trên thì không có gì đảm bảo thành phố sẽ không ngập chìm trong biển nước vào trận lụt năm tới và những năm sau đó. Có lẽ đây cũng là cách tư duy dẫn đến việc cao độ của trạm bơm Yên Sở thấp hơn mặt nước lụt năm nay.

Đã có nhiều bài học về lũ lụt
Phải hơn 20 năm rồi người Hà Nội mới đối mặt với một cơn lụt khủng khiếp thế này. Nhưng đó là những gì mà người dân nhiều địa phương khác vẫn phải gánh chịu hằng năm. Mới năm ngoái, nhiều thành phố miền Trung đã chìm trong biển nước suốt cả tháng trời với mức nước gần bằng lũ lịch sử năm 1964. Hay năm 1999, lũ về giữa đêm khuya, nước dâng cao 0,5m mỗi giờ đã cướp đi sinh mạng hơn 400 người và 1/3 GDP của TP Huế.
Biến đổi khí hậu đang diễn ra nghiêm trọng khắp toàn cầu và VN là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất theo một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới. Dự báo rằng trong viễn cảnh lạc quan nhất, khi mực nước biển chỉ dâng cao 1m vào cuối thế kỷ thì 5% diện tích đất nước sẽ bị ngập, chủ yếu tập trung tại hai vựa lúa của đất nước là đồng bằng sông Hồng và sông Cửu Long. Khi ấy, VN sẽ mất 10% GDP và không dưới 10 triệu người sẽ mất nhà cửa, Những năm sau đó, an ninh lương thực sẽ bị đe dọa cùng với sự tan vỡ của hệ thống cơ sở hạ tầng vốn tập trung ở vùng đồng bằng.

Trước một viễn cảnh nhiều thách thức như vậy mà dường như chúng ta vẫn quá thờ ơ. Quy chuẩn về quy hoạch đô thị vẫn chưa đề cập các vấn đề thay đổi khí hậu. Còn trong thực tế, diện tích nhiều hồ nước trong đô thị đang bị thu hẹp đồng thời với việc gia tăng bề mặt bêtông hóa. Trung bình, lượng mưa đổ xuống đất cây xanh tự nhiên sẽ thẩm thấu vào đất hoặc bốc hơi và chỉ để lại 20% lượng nước chảy trên bề mặt, tỉ lệ này đối với đô thị là 50%.

Do đó, nhiều quốc gia quy định công trình xây dựng, từ nhà dân đến vỉa hè, phải dành một phần đất để tự nhiên, cây xanh hoặc dùng vật liệu có lỗ rỗng nhằm tăng khả năng thẩm thấu tại chỗ. Nếu công trình xây mới có quy mô lớn làm giảm khả năng thoát nước bề mặt của khu vực thì công trình đó phải chia sẻ gánh nặng hạ tầng với thành phố bằng việc xây dựng hồ hoặc bể chứa ngầm ngay trong diện tích xây dựng.

Bên cạnh đó, thông tin địa lý về lũ lụt là rất quan trọng. Tại các thành phố nước ta, các bản đồ xác định ranh giới vùng có nguy cơ ngập lụt chưa có hoặc có mà chưa được công bố rộng rãi. Trong khi đó, bản đồ vùng có nguy cơ ngập lụt (theo lụt tần suất 100 năm) là một trong hai bản đồ quan trọng nhất được công bố chi tiết nhất theo quy định của luật pháp (cùng với bản đồ sử dụng đất). Khu vực nằm trong vùng có khả năng xảy ra lụt chỉ được cải tạo, chỉnh trang mà không được thực hiện phát triển đô thị mới.
Mới đây khi nghiên cứu TP.HCM, một công ty tư vấn nước ngoài nhận thấy mặc dù có tới 70% diện tích của đô thị có nguy cơ bị ngập do thủy triều, bản quy hoạch đã được phê duyệt năm 1998 không hề tính đến yếu tố sống còn này. Thậm chí bản quy hoạch đó còn đề xuất phát triển đô thị tại những vùng trũng và dành đất ở chỗ cao ráo làm... công viên và đất nông nghiệp.

Ở một đất nước nhiều rủi ro thiên tai như VN, giải quyết vấn đề lũ lụt và đối phó với thay đổi khí hậu không đơn thuần là việc đắp đê cao hơn, xây thêm nhiều trạm bơm hay mở rộng kích thước của cống ngầm. Đó phải là một ý thức ăn sâu vào mỗi nhà lãnh đạo và mỗi công dân như đi đường thì phải đi bên phải. Có như vậy mỗi khi lũ lụt xảy ra, chúng ta mới không phải học lại bài học cũ và có cơ hội vượt qua được thách thức lớn nhất của thế kỷ 21 này.

NGUYỄN ĐỖ DŨNG






MỘT NỖI XẤU HỔ KHÔNG GIẤU VÀO
ĐÂU ĐƯỢC !?



ĐỪNG ĐỔ TẠI TRỜI !


Nguồn : Thanh Niên Online , TuổiTrẻ Online

Chủ Nhật, 2 tháng 11, 2008

MỘT NGÀY VUI - THÔI NÔI CHÁU NỘI

Ngày 2.11.2008(mồng 5.10 Âm lịch) thôi nôi
cháu nội Nguyễn Khang Thịnh ở Bến Tre
Phân cháu thơm mùi sữa
Thịt thà chưa biết ăn
Mai sau cháu khôn lớn
Hồn sáng như trăng rằm