Thứ Sáu, 31 tháng 8, 2012

BỎ LÀM THƠ ĐI UỐNG RƯỢU - HOÀNG LỘC

đời chẳng còn ai quí kẻ làm thơ
ta mới nản văn chương, ngồi uống rượu

ba mươi mấy năm đôi lần tình phụ
ta đã ớn rồi con gái con gung
khi giơ roi quất những cuộc tình khùng
ta quất trúng trái tim mình vô tội

ba mươi mấy năm đời ta lở, mỏi
gã Khổng Minh trong truyện cổ buồn hiu
trước đổi dời danh sĩ cũng lêu bêu
hà huống gì ta một thằng say rượu

hà huống gì em lòng non thục nữ
yêu thiên tài, yêu chỉ để làm duyên
nếu thiên tài đúng là những tên điên
chắc dễ nguôi khuây một đời gió thổi..

ta đây bỏ văn chương, tìm quán rượu
bởi chẳng còn ai quí kẻ làm thơ
sợi tình cừu em thả xuống ngày xưa
đã quấn đủ bao nhiêu lần oan nghiệt

cảm ơn tình em hành ta thấm mệt
để yên lòng mê rượu, bỏ văn chương
HL
TC BÁCH KHOA 1972

Thứ Năm, 30 tháng 8, 2012

"LUẬT RỪNG" ĐANG TÀN PHÁ MÔI TRƯỜNG SƯ PHẠM

Gần đây, nhiều vụ học sinh nữ đánh nhau với những hành vi phản giáo dục khiến bậc làm thầy, làm cha mẹ đau lòng. Xử lý chưa xong vụ này thì vụ khác lại bung ra. Quy trình của hiện tượng đáng báo động trên là: Sự việc xảy ra, quay clip tung lên mạng, báo chí đăng tải, công an vào cuộc, nhà trường kỷ luật… Dường như chúng ta đang bế tắc trong cách xử lý, giải quyết tận gốc vấn đề.


Nữ sinh cư xử theo luật rừng?
Mới đây, cư dân mạng lại xôn xao về clip nữ sinh tại một trường THPT ở huyện Tân Thành (Bà Rịa -Vũng Tàu) đánh nhau vì bị bạn nói "mất trinh". Trước đó tại trường THPT Phục Hoà (Phục Hoà- Cao Bằng) nữ sinh cũng đánh nhau hết sức tàn bạo. Những gì thuộc về sự dịu dàng, nữ tính không còn nữa, thay vào đó là sự hằn học… quyết đấu đến tàn khốc. Về vấn đề này, Chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục Thanh thiếu niên của Quốc hội Đào Trọng Thi cho rằng: Đó là hiện tượng xảy ra trong thời gian gần đây, chúng ta cần phải nghiên cứu khảo sát. Bạo lực giữa nữ học sinh với nhau, tính chất tương đối tàn khốc và ngày càng phổ biến hơn. Tuy nhiên, nó cũng là những vụ lẻ, nhưng khi bị tung lên mạng internet thì gây bức xúc lớn. Điều này cho thấy, chúng ta cũng phải xem xét việc tung các clip lên mạng.

Theo ông Thi, chúng ta chưa có đủ các thông số, số liệu để phân tích, phân loại các hiện tượng rồi đánh giá tinh thần thái độ, trách nhiệm của các đối tượng có liên quan. "Tôi thấy lạ, những em bị hại trong các vụ bạo hành này đều là những em chủ động đến những nơi nguy hiểm cho mình. Rồi lại có trường hợp nạn nhân không hợp tác với cơ quan điều tra để truy cứu trách nhiệm kẻ hành hung mình", ông Thi nói.

Trăn trở về vấn đề này ông Thi đưa ra một cách nhìn nhận chua xót: " Hình như đã hình thành "luật rừng" trong giải quyết các mối quan hệ cư xử của các em này với nhau. Nếu quả thật là hiện nay luật rừng đã thâm nhập, chi phối giải quyết mối quan hệ giữa các em học sinh thì đó là điều rất nguy hiểm". Cũng phải nói rằng, với những em vi phạm kỷ luật nhà trường không được phép đuổi học. Đó là quy chế để những em học sinh hư được tiếp tục giáo dục để các em không bị lâm vào hoàn cảnh dễ hư hỏng hơn. Các em bị kỷ luật ở trường, nhưng vì là vị thành niên nên xử lý theo pháp luật cũng khó. Chính vì thế, vụ này xảy ra chưa giải quyết xong lại có vụ khác bị tung lên mạng. Điều này làm cho hình ảnh giáo dục bị ảnh hưởng.

Nhìn nhận thực tế trên, TS. Nguyễn Tùng Lâm (chủ tịch Hội giáo dục tâm lý Hà Nội) nói: "Tôi cho rằng, đối với học sinh vi phạm kỷ luật, đình chỉ học tập một thời gian đã là kỷ luật rất nặng nề rồi. Nếu như những hình thức kỷ luật ấy không đủ sức răn đe thì đó chính là báo động của chúng ta về đạo đức học sinh và cũng là báo động về trách nhiệm của các bậc phụ huynh".

Phát tán clip bạo lực học đường cũng cần xử lý
Nhiều chuyên gia tâm lý cảnh báo chuyện học sinh hiện nay quá vô cảm với bạn bè. Bạn bị đánh, những học sinh khác ở ngay bên cạnh vẫn làm ngơ, coi đó không phải chuyện của mình. Còn có học sinh lại quay thành clip, xem đó như tin "hot" để phát tán lên mạng. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có trường hợp học sinh nào tung clip bạo lực lên mạng bị xử lý. "Tôi cũng đang quan tâm, chuyện đánh nhau như vậy tại sao lại quay đưa lên mạng? Rõ ràng là một hành động chủ ý, có một động cơ khác. Tôi nghĩ những người quay đưa lên mạng cũng cần được xử lý theo tinh thần tuyên truyền bạo lực trên các phương tiện có ảnh hưởng rộng rãi trong dư luận", ông Đào Trọng Thi nói.

Nữ sinh bạo hành tập thể cùng với không ít các vụ việc học sinh ẩu đả, thậm chí hiếp bạn cùng lớp cũng quay clip tung lên mạng rồi các vụ việc thầy đánh trò, trò đánh thầy khiến nhiều người cảm thấy bi quan về đạo đức học đường. Thẳng thắn nhìn nhận vấn đề này, ông Thi bức xúc: "Đó là thái độ cư xử phi đạo đức, phi nhân tính đã thâm nhập vào trong nhà trường. Trước kia trong nhà trường, mối quan hệ có thực lòng không, chân thành không thì chưa biết, nhưng về hình thức, quan hệ thầy trò luôn mang tính mô phạm. Trẻ dù hư đến đâu, nhưng đối với thầy giáo ít nhất vẫn tỏ ra lễ phép, sợ thầy. Nhưng giờ đây đây hành xử mang tính lễ nghĩa ngày càng mai một. Có không ít trường hợp, trò, phụ huynh của trò đối xử với thầy giáo như một côn đồ".

Trước kia có thể thầy giáo cũng đánh học sinh nhưng đánh theo kiểu mô phạm, theo một quy trình đặc biệt, chứ không phải kiểu hành hung giữa hai cá thể không có quan hệ gì trong xã hội. Nhưng hiện nay, đạo đức, tình thầy trò dường như đang bị lệch chuẩn. Đó là những hiện tượng đau xót. "Tôi nghĩ đã đến lúc các cơ quan nghiên cứu, các cơ quan có trách nhiệm liên quan đến giáo dục đạo đức học đường phải tổ chức nghiên cứu, khảo sát đầy đủ để có đánh giá sâu sắc, từ đó giải quyết vấn đề tương đối toàn diện và có căn cứ, cơ sở khoa học. Nếu bây giờ cứ đối phó theo kiểu khi có chuyện ấy cả dư luận ồn ào lên, rồi phê phán, nhưng mấy hôm nữa lại quên, tôi nghĩ chưa ổn", ông Thi nhấn mạnh.

Từ những vụ bạo lực của học sinh, nhất là tính hung hăng, tàn bạo trong hành xử của các nữ học sinh đã gióng lên hồi chuông cảnh báo đối với ngành giáo dục. Bây giờ, cũng là muộn, ngành giáo dục cần tìm ra một hình thức kỷ luật thích đáng, hoặc cơ quan pháp luật cần vào cuộc, có chế tài mạnh với những nhóm học sinh hư này.

Khánh Hà

(NGƯỜI ĐƯA TIN ONLINE)

Thứ Ba, 28 tháng 8, 2012

MƯA - NGUYỄN MIÊN THẢO

Bây giờ Huế đã mùa mưa?
Sàigòn cũng chuyển sang mùa gió Tây
Ngày xưa chỉ có mưa bay
Sàigòn giờ lại mưa ngày mưa đêm
Từ ngày anh gặp được em
Sàigòn với Huế mưa đêm mưa ngày

Thứ Ba, 14 tháng 8, 2012

CÂY CỎ VÔ ƯU (KỲ 4) - VÕ CHÂN CỬU

Người đi tìm hồn

Lần nào về quê nhà, tôi vẫn cảm giác mình là người có lỗi. Mặc cảm ấy như tăng hơn khi một trong những người bạn thân nhất từ thuở thiếu thời là Lê Xuân Tiến đi vào cõi vĩnh hằng (18-7-2012). Từ thuở tập tễnh lập “Thi văn đoàn”, tôi đã gọi bạn là một “Nhà văn”.

Đường từ huyện lỵ Tuy Phước đến mé biển Tân Thanh quê tôi có 2 dấu ấn danh nhân là mộ ông tổ nghệ thuật hát tuồng Đào Tấn ở chân núi Huỳnh Mai, và căn nhà nơi thi sĩ Xuân Diệu chào đời, ở thị tứ Gò Bồi. Giữa 2 điểm vùng núi Kỳ Sơn có 2 tảng đá lớn được người dân đặt tên theo âm vang gõ vào vang ra: đá Trống và đá Mõ. Lần trở lại đầu tiên sau mấy năm vào Sài Gòn bươn chải, núi Kỳ Sơn biến thành một công trường khoáng sản. Hai tảng đá quý đã bị chẻ thành vật liệu xây dựng. Tình trạng ấy cũng diễn ra tại núi Xương Cá ở xã Phước Thuận ven đầm Thị Nại giáp ranh, nơi sinh của Lê Xuân Tiến.

Ngậm ngùi

Những hòn đá Trống, Mõ, Xương Cá khá nổi tiếng, được thi sĩ Quách Tấn miêu tả khá kỹ trong cuốn Nước non Bình Định. Chúng cũng cảm hứng từ huyền thoại cho tôi viết nên trường ca Quảy đá qua đồng (1974). Thời cuộc đổi thay, vì thực dụng nên người ta đan tâm phá nát chúng. Tôi báo với Tiến về nỗi buồn qua chuyến trở về thăm quê đầu tiên này (1988). Lúc đó anh cũng trầm ngâm: mình phải vững, vì vẫn có những sự phá hủy lớn lao hơn: về tinh thần.

Đầu năm 2012, trong một truyện ngắn, LXT tự ngậm ngùi:

“Ở tuổi sáu mươi,tôi băt đâu nghĩ tơi thơi gian.Thơi gian là món quà mà thượng đế ban tặng cho con người nhưng là một món quà rất khắc nghiệt tùy theo cách của người dùng nó.Tuổi thiếu niên khi bắt đầu biết nhận thức,thời gian đi chậm quá.Từ hai mươi tới bốn mươi,hăng hái đi vào cuộc sống,có thành công có thất bại ,hình như tôi không biết có thời gian.Đến bốn mươi trở lên,thời gian hình như đi quá nhanh.Chả mấy chốc đã nghe " gió heo may lại về ",đầu tóc đã bắt đầu xuất hiện những sợi bạc.Những đứa trẻ hai mươi năm trước còn đang nói bập bẹ,giờ đã cao lớn trưởng thành gây ra sự ngỡ ngàng của những người sinh ra chúng.Hôm nào đó với tôi lại xuất hiện những lời lẩm bẩm " mới đây mà..."Hai mươi năm là khoảng thời gian không ngắn đối với con người nhưng với tôi lúc này chỉ như một cái chớp mắt…

Đôi lúc tôi tự nhìn lại mình để xem mình có hối tiếc đều gì trong hai phần ba cuộc đời đã trôi qua. Như một cái nhìn vào đáy giếng vào mùa khô ,ở đó khi nước cạn tôi sững sờ nhận ra những đồ vật mình vô tình đánh rơi ở đó.Những lỗi lầm mình đã vướng phải đã được khuất lấp theo thời gian.Tôi tự nhủ nếu còn thời gian mình sẽ phải làm lại nhưng chao ôi thời gian đâu còn nữa !”

(Lê Xuân Tiến, Thời gian - 2012

Tôi và LXT cùng chung một nhà trọ suốt những năm học đại học. Năm 1974, anh lấy bằng cử nhân lý hóa (MPC) và theo tiếp các chứng chỉ cao học. Sau 1975, tôi và Tiến hăm hở cầm các tấm bằng đại học về trường cũ Cường Đễ, nơi Nguyễn Mộng Giác từng làm hiệu trưởng, xin được đi dạy. Một người quen,vốn học cùng trường trước tôi một năm, đang là thành viên của Ban giám hiệu lâm thời tiếp chúng tôi. Y vẫn giữ nguyên thế ngồi gác hai chân trên bàn, không thèm lật hồ sơ chúng tôi trình, nhưng phán: các anh là tiểu tư sản, không đi học tập là may rồi, giờ đòi đi dạy ai ? Thấy không được, tôi quay về ngay Sài Gòn đi bán sách chợ trời. Riêng Tiến, có lẽ vì gánh nặng gia đình nên anh ở lại Quy Nhơn. Anh là con trai trưởng, ba đã mất nên cả đàn em chưa trưởng thành đều trông cậy nơi anh.

Trước 1975 LXT ký tên Lê Phiên Vươn, đã in một số truyện ngắn trên Khởi Hành, Văn. Người ta có thể đến với văn chương từ nhiều lý do. Nhiều người cầm bút từ một năng khiếu bẩm sinh. Vào cuộc chơi này, người cầm bút nếu theo đuổi lâu dài, coi văn chương là cái nghiệp sẽ xác định một xu hướng thể hiện. Tất nhiên không thể coi đó là cách nịnh hót để tiến thân. Định nghĩa về văn chương và mục đích của nó ngày càng thêm đa dạng và phức tạp. Gần đây, có người xem đó là cách tiếp cận đời sống xã hội. Ý kiến này có lẽ chỉ đúng đối với người đọc. Với người viết, “văn tức là người”, nên có lẽ còn là sự lựa chọn và biểu lộ thái độ sống, trong bất kỳ hoàn cảnh xã hội nào.

Tôi, Hồ Ngạc Ngữ, Nguyễn Lương Vỵ từ đầu dù đều cho rằng LXT là con người của lý trí, nhưng đều khẳng định đó là một nhà văn, theo nghĩa biết sống và ứng xử đúng để giữ bản chất mình trước mọi hoàn cảnh.

Không được nhận vào dạy ngang cấp 3, vì hoàn cảnh gia đình, anh chấp nhận vứt bỏ tấm bằng đai học ngành khoa học, nộp đơn vào nhập học trường Cao đẳng sư phẩm (chuyển từ trường quốc gia sư phạm đào tạo giáo viên tiểu học cũ) để năm 1978 ra trường, đi dạy cấp 2 ở tận một một quê xa xôi thuộc huyện Bình Sơn của tỉnh Quảng Ngãi cũ và chắt bóp một ít tiền lương để phục giúp gia đình tại Quy Nhơn. Ở đó, anh yêu và cưới một cô giáo cùng huyện. Cuộc sống gia đình khá hạnh phúc. Ở nhà, các em anh cũng lần lượt học hành đến nơi đến chốn. Trước 1978, anh cũng có viết một số truyện ngắn gửi đăng trên báo “Văn nghệ giải phóng”, nhưng dần dần lại cũng tắt nguồn. Thời kinh tế “tem phiếu”, có khi giấc mộng văn chương phải đành gác bỏ. Nhưng anh vẫn đọc nhiều sách, báo để hiểu đúng về bối cảnh văn nghệ hiện thời. Có lần anh khuyên tôi ráng dành dụm, mở cho vợ một quầy hàng xén chuyên bán mắm, muối, đường, bột ngọt tại nhà để sống qua ngày. Bài học này xuất phát từ sự quan sát khá kỹ hồi mới lớn, từ tấm gương của những cửa hiệu hàng xén người Hoa ở đường phố trước nhà anh ở Quy Nhơn dưới đôi mắt của một người thích viết văn xuôi. Anh mê đọc Võ Phiến, Lê Tất Điều, Dương Nghiễm Mậu…, những nhà văn biết chẻ sợi tóc và tâm hồn làm ba bốn mảnh…

Không “Mê Đạo”

Thời thế xoay vần, LXT khi chuyển về Quy Nhơn làm báo từ năm 1983, đến 1990 lại đưa vợ con vào lập nghiệp ở Sài Gòn, vì thấy nghề báo ở đây phóng khoáng hơn. Và anh chọn đề tài thể thao, bóng đá để sự thể hiện được “vô tư”. LXT âm thầm viết văn trở lại, cuối cùng chọn ra cách viết những truyện lịch sử. Truyện ngắm “Mê đạo” anh viết năm 1991 được lấy thành tên cho tập truyện in đầu tay, có lẽ như để dễ gửi gắm lòng mình. Năm 2008 và 2010, theo hình thức “liên kết xuất bản”(tác giả tự bỏ tiền in, phát hành), 2 tập truyện ngắn Mê Đạo và Người đi tìm hồn đưọc in ra. Cả hai đều khai thác bối cảnh xã hội và tâm lý các nhân vật thời kỳ anh em nhà Tây Sơn dựng nghiệp. LXT là một nhà văn không ở trong hội đoàn, tên tuổi ít ai biết; sách phải tự ký gửi cho các công ty phát hành, nhưng mỗi tập sách đều được nhà phát hành quyết toán trên dưới 500 cuốn, một điều khá thú vị trong thời buổi văn chương bị xem như giẻ rách.

Hồ Ngạc Ngữ trong lời bát cho tập Mê Đạo đã nhìn văn và người LXT khá đúng:

Trong truyện ngắn của mình, Lê Xuân Tiến ghi nhận những xô bồ, phức tạp của cuộc đời và sự chìm nổi của thân phận con người, tình yêu đôi lứa với một thái độ tỉnh táo và với văn phong đôi khi lạnh lùng… Mạch ngầm trong truyện ngắn Lê Xuân Tiến là thông điệp hướng về chân - thiện - mỹ. Bản chất của con người và cuộc sống luôn tốt đẹp nhưng mỗi người “phải hiểu đạo mà sống chứ không mê đạo mà chết”!

(Hồ Ngạc Ngữ, Lời bạt tập truyện Mê Đạo 2008)

Tuổi càng nhiều, sức văn của LXT càng dồi dào. Anh viết nhiều tùy bút, truyện ngắn, nhưng chỉ đăng tải trên một số trang Web của các thân hữu. Đáng nói là cái nhìn và thái độ rất khách quan của nhà văn. Là người của Quy Nhơn, nhiều tự hào về triều đại Tây Sơn, nhưng không phải lúc nào anh cũng cho rằng “quê nhà cái gì cũng nhất !”:

“…Mỗi lần về lại Quy Nhơn, tôi lại cảm nhận cái không khí chậm chạp của lối sống tỉnh lẻ. So với nhiều thành phố, Quy nhơn còn rất nhiều xích lô đạp. Đi xích lô đạp chúng ta mới cảm nhận hết sự yên tĩnh của phố và biển. Có thể hính dung thành phố này như một cái chéo áo, nơi cuối của thành phố là nơi hợp lại của đầm và biển " Đi năm phút đã về chốn cũ " Giống như câu thơ của Vũ Hữu Định để hình dung về sự nhỏ bé của thành phố này.Trong một truyện ngắn của Nguyễn Thành Long nòi về sự có mặt lặng lẽ của cát. Ở đầu đường cuối chợ của thành phố. Nhưng 50 năm sự bành trướng của nhà cửa đã làm mất đi một địa danh với một cái tên là " Xóm Động". Đi vào xóm này giữa trưa thì đừng quên đôi dép vì mặt trời làm cát nóng lên, đi chân trần có thể làm bỏng chân. Ngày xưa thi sĩ Hàn Mặc Tử đã từng sống ở đây trước khi vào bệnh viện phong Qui Hòa. Hiện nay nhà thơ của " bến sông trăng " đang yên nghỉ ở một ngọn đồi nhìn ra biển ở khu Gềnh Ráng, một đầu của biển Quy Nhơn, nơi đây đã trở thành khu tưởng niệm .

Biển đẹp nhất vào mùa từ tháng ba đến tháng bảy, lúc đó trời quang, biển lặng, có thể nhìn rõ Cù Lao Xanh phía xa khơi và thấy cả những bọt sóng trắng đập tung tóe vào các bãi đá ở Gềnh Ráng. Những bọt sóng này như xoáy vào ký ức của tôi những lúc xa nhà đi học xa. Biển Quy Nhơn vào mùa gió nồm, thứ gió mát dịu như lời thì thầm của các cô gái. Gió nồm đã đi vào lịch sử "lạy trời cho cả gió nồm / để cho chúa Nguyễn giăng buồm kéo ra". Đó là sự thay đổi của lòng dân, báo hiệu thời suy tàn của nhà Tây Sơn.

(LXT , tạp bút Ký ức biển -2012)

Thứ Hai, 13 tháng 8, 2012

TRĂNG RỤNG - ĐỨC PHỔ

Bạn bảo, lâu hung không chộ

Mi đi lâu không nhớ Huế răng hè?

Không nhớ xóm trăng và sông mộng

Và nhịp cầu chờ mỏi bóng tình nhân?

Thì vẫn vườn xưa vẫn thành quách cũ

Vẫn nụ cười hiền của bạn bè xưa

Tiếng guốc nhà bên bước ngang qua ngõ

Nón nghiêng vành e ấp ngó vô!...

Đời dập vùi như sớm nắng chiều mưa

Như đêm giông giữa ngày bão nổi

Như đôi tình nhân một lần yêu vội

Mai nghìn trùng xa nghìn trùng xa…

Bạn bây giờ như món đồ cổ

Sống bao năm đã thấy dư thừa?

Cần tiền rượu không có gì để đổi

Nên buồn tình ngồi uống thơ!

Ta đã về đây ta đã về rồi

Bạn cũ mất đi vài đứa

Đứa cõi thiên thu đứa bước sai đường

(Mà nỗi mất nào cũng lắm bi thương!)

Con cu cườm vườn sau đang gáy

Rượu lên dây đàn bạn hát bolero

Giữa hai hàm răng bây giờ trơ nếu

Giọng bạn thều thào như tiếng kêu oan!

Đêm chưa tàn vườn sau trăng rụng

Bởi trăng non không thể níu khung trời

Như ta đã bao lần nông nỗi

Bởi yêu người là phước hạnh trời cho…

ĐỨC PHỔ

Thứ Bảy, 11 tháng 8, 2012

LỜI TỪ BIỆT - PHAN LỆ DUNG

Tôi ngắt đi một cành hoa tim tím bên sông
và nghĩ rằng đã chôn vùi một mối tình vào dĩ vãng
Như một lời từ biệt.

Tôi yêu anh bằng tình yêu không phải tình yêu con gái
mà sao tha thiết quá chừng
Yêu một chỗ về
Nơi đó có hoa tím leo
Có ánh trời vẩy gọi
Có buổi tối lấp lóa ánh đèn
Cửa nhà không khép
Anh tìm tôi mà chẳng thấy
Có ngày Sài gòn mưa tầm tả
Tôi chờ anh gọi
Chờ mãi..ngập đầy nhớ thương.

Tôi yêu anh,tôi đưa tay hái một cành hoa đồng nôị. âm thầm,
tưởng chừng như không bao giờ haí được
Trắng trong như mưa
Thắm thiết như mây trời
Mênh mông như cánh chim mùa hạ
Bao nồng nàn,bao điều bí mật
Nguyện một đời mang theo.

Bây giờ,mùa hạ
Có ai thả nhưng hạt mưa xé ngang bầu trời
Ôi,thật đáng thương
Như tôi,
Một sớm mai,ngắt đi cành hoa tim tím ấy
Như một lời từ biệt
Từ biệt anh.

Thứ Sáu, 10 tháng 8, 2012

TIN BUON

ĐƯỢC TIN

BẠN TRẦN HUẾ

ĐÃ QUA ĐỜI TẠI SAI GON

XIN CHIA BUỒN CÙNG TANG QUYẾN
CẦU NGUYỆN HƯƠNG HỒN BẠN SỚM VỀ NƯỚC CHÚA

đặng ngọc quang-nguyễn miên thảo-vương từ-lê đình hiện-lê tất sĩ-hồ văn hồi và thân hữu

KHÓC HUẾ - HỒ VĂN HỒI

KHÓC HUẾ

Huế mất,
là chia tay cỏi tạm
vĩnh biệt vợ hiền con trẻ bạn bè
là chấm dứt mọi lo toan trần thế vui buồn
Huế ơi
dù trên 37 năm chưa hề găp lại
vì vận nươc ngã nghiêng trôi nổi khắp nơi
mình vẫn nhớ tuổi học trò ngây thơ xóm nhỏ
bọn mình thường vui chơi nơi sân trương thuở đó
cát trắng phau và hoài bão ngút ngàn
lớn lên chí hướng thênh thang
phục vụ khắp mọi miền giang san đất nước
Rồi 75
tan tác tứ phương tưởng như lạc mất
một hôm có tin tức từ Tụng
cả hai đang bệnh ngặt nghèo
cọng tin tức bạn bè lèo tèo mấy đứa
người nhỏ nhất cùng lứa cũng đã 65
mình dự tính sẽ về sớm hơn 6 tháng
gặp bằng hữu học trò 45 năm chẳn
sẽ hàn huyên buồn vui trỉu nặng
nợ nước nợ nhà nợ tình nợ nghĩa đa mang
luôn cả chuyên dài nơi quê người tản mạn
sẽ nhiêu đêm thức trắng
trà thơm thay rượu đắng
kể cho nhau nghe đủ thứ chuyện quan dân
của cả thế hệ bọn mình đắng cay nghiệt ngã
Huế ơi đúng quá
không ai có quyền chọn lựa lúc sinh
cũng không ai tính được lúc nào sẽ chia ly tử biệt
Huế
chiến hữu thân thiết
hãy quên hết mà ra đi siêu thoát
mong hương hồn bạn tiêu diêu nước Chúa
hay một nơi
mông lung phiêu bồng ngoài cỏi thế
hẳn là nơi chưa có Hồi, Quang, Tụng ,
Phổ, Bình, Từ, Rô, Cân, Hiến...
gió đưa hồn thiêng
lên cao lên cao viên mãn
mây che mắt trân thế ngã về
khóc thương đòi đoạn
vợ con thân quyến bạn bè
những người ở lại
Huế ơi
trời Cali bữa ni nắng chang chang rát mặt
thung lủng khô man mác ngậm ngùi
hoa cỏ trần trụi héo hon
tưởng niêm mi một nén nhang lòng khấn vái
cầu mong phiêu diêu an nghỉ
hãy đợi bon tau
bên ni
từng đứa

từng đứa
sẽ gặp mi
bên nớ
rat gan
2gio trua 10.8.12
Thương tiếc






Thứ Năm, 9 tháng 8, 2012

BÀI THƠ TẶNG BẠN CŨ - TRẦN DZẠ LỮ

Lây lất rồi cũng tới
Năm hai ngàn Trung ơi
Người ta quen ăn phở
Phần mình thì ăn xôi!

Tiếc đời không được dài
Mầy ra đi quá sớm
Vợ con như hình nộm
Lơ ngơ thế gian này!

Tiếc mầy không được sống
Để thấy computer
Chỉ một cú nhấp chuột
Thế giới nằm trong tay…

Tiếc mầy không còn hay
Người tình xưa vẫn đợi
Quận Bốn không còn mầy
Tao qua hồn chới với!

Lây lất rồi cũng tới
Năm hai ngàn Trung ơi
Tao sống là để đợi
Trả cho hết nợ đời…

Trả xong, lại về Trời
Quy luật không cưỡng lại
Lúc chết đâu ngần ngại
Nhưng chết thế nào thôi !

Trần Dzạ Lữ


Thứ Tư, 8 tháng 8, 2012

CÁO LỖI

TỪ NGÀY 08.08.2012,NGƯỜI QUẢN LÝ BLOG HTTV
BẬN CÔNG VIỆC PHẢI ĐI XA ĐẾN CUỐI THÁNG 08.2012
THỜI GIAN NÀY BLOG KHÔNG ĐƯỢC CẬP NHẬT LIÊN TỤC
XIN CÁC BẠN THÔNG CẢM

Thứ Ba, 7 tháng 8, 2012

NHỚ MỘT NGƯỜI - BÙI LONG

Nhân kỷ niệm 7 năm ngày mất của nhà thơ Thái Ngọc San
19.7.2005 - 19.7.2012)
Hôm nay bỗng nhớ một người
Dáng gầy như cây khô
Mái tóc bồng phiêu bạc điểm sương
Nụ cười hiền rêu Thành nội

Người ấy đã ở nơi này
...
Và đã ra đi từ nhiều năm trước
Xương thịt đã lịm màu trong đất
Huế từ đó vắng một Con Người

Mỗi ngày trong công việc
Đâu đó trên đường phố
Đâu đó trong bàn rượu…
Tôi vẫn thấy gương mặt gầy
Dáng hiền như cây khô

Lâu rồi
Từ khi người ấy bỏ chúng ta mà đi...
Quanh tôi cuộc đời vẫn chảy
Quanh tôi có thêm người cũ mới
Người tôi gặp không nhớ hết
Nhưng sao tôi khống thấy có ai giống như người ấy

Không ai có mái tóc bồng phiêu bạc
Không ai có gương mặt rám
Không ai có dáng hiền như cây khô
Dáng đi lêu khêu với trái tim nồng nghĩa khí
Không ai có gọng kính đồi mồi
Không ai ngồi uống rượu và kể về chuyện cũ
Chuyện lon gạo bỏ trong túi veston
Chuyện người tù còn mắc nợ mấy con bò
Chuyện người bạn già Lê Văn Ngăn
….

Và bên ly rượu mỗi chiều ở 26 Lê Lợi
Người vẫn hát: “Em ơi tôi lên đường phố cũ
Tìm em chiều hẹn hò…”
“Nửa đêm lạnh qua tim
Giữa đường phố hoa đèn
Có người mãi đi tìm….
…Và xin ghi kỷ niệm một đêm thôi”
Bây giờ người ấy tôi không còn tìm thấy
BL

Thứ Hai, 6 tháng 8, 2012

NGÀY GIỖ THỨ BẢY NHÀ THƠ THÁI NGỌC SAN

Ngày 06.08.2012 (nhăm 19.6 Âm Lịch) ngày giỗ lần thứ bảy nhà thơ Thái Ngọc San tính theo âm lịch. HTTV xin đăng lại bài thơ Giáp Năm của Nguyễn Miên Thảo để tưởng nhớ đến nhà thơ Thái ngoc San



GIÁP NĂM
nhân ngày giỗ đầu

Tự nhiên lăn ra chết
ngở như là đi chơi
bạn bè ngồi uống rượu
tưởng mày đi kiếm mồi

Ngày mày mới ra đi
có thằng không thiết sống
bây giờ tới giáp năm
trong lòng còn trống rổng

Mày chết sớm hơi uổng
nhan sắc còn quá trời
rượu nhân tình chưa cạn
biết khi nào cho vơi

Mấy chuyến tau về Huế
đi loanh quanh ngoài đường
nơi nao tau cũng thấy
đôi mắt mày ươn ươn

Cái thuở mày còn sống
nhà cửa đã buồn thiu
bây giờ mày đi vắng
nó lại càng quạnh hiu

Vợ mày lo công tác
đến tối câm mới về
cửa trong ngoài đều khóa
làm răng vô thắp hương

Thôi chạy tuốt lên núi
uống với mày vài ly
giáp năm đông đủ mặt
Bạn bè say li bì...

NGUYỄN MIÊN THẢO





Thứ Bảy, 4 tháng 8, 2012

BÀI NGHI HOẶC - HOÀNG LỘC

sao đừng nhớ được, người ơi
áo bay còn thả mây trời lại đây
tóc trôi bỏ lại sông này
(vẫn trôi tới hết cõi ngày phù du ?)

dẫu nên tình đã mơ hồ
rủi ro thì cũng rủi ro cả rồi
sao mà nguôi nổi người ơi
bóng trăng cố quận soi đời héo hon

những cành khô những cành không
làm sao giữ được linh hồn cho cây ?

1-8-2012

Thứ Sáu, 3 tháng 8, 2012

NÓI LẠI CHO RÕ VỀ BÀI "KHẨU HIỆU TIÊN HỌC LỄ HẬU HỌC VĂN:

Bài "Khẩu hiệu Tiên học lễ hậu học văn" của ông Lại Nguyên Ân mà HTTV đưa lên ngày 25 tháng 7 năm 2012 vì HTTV cho đây là vấn đề lớn cần có nhiều ý kiến của dư luận,những phản biện cần thiết
về vấn đề này chứ không phải HTTV đồng quan điểm với tác giả.

Cũng cần rạch ròi ở chỗ học tập và phát huy những điều tốt đẹp văn hóa nước ngoài là một điều cần thiết dù bất kỳ thời đại và chế độ chính trị nào,thời phong kiến cũng có lắm điều hay hơn thời Xhcn đấy.
Việc duy trì khẩu hiệu Tiên học lễ hậu học văn vẫn là điều cần thiết khi đạo đức học đường đang bị xuống cấp tận đáy rồi.
Tuy nhiên đóng góp ý kiến cũng cần lịch sự và có văn hóa
HTTV

Thứ Năm, 2 tháng 8, 2012

CHUYỆN TÀO LAO - VÕ CÔNG LIÊM

Từ khi có loài người trên mặt đất nầy. Kể cả thời ăn lông ở lỗ cho tới khi con người đi vào không gian của vũ trụ, tất thảy đều có cảm thức chung là yêu và ghét, hai thứ nầy là một nỗi niềm mà chúng ta luôn trực diện để chứng tỏ cho mỗi sự kiện. Đó là thời gian của sự sống và sự chết, một tất yếu của con người. Không rõ trong vận hành của âm dương hay chiêm tinh học sau một chu kỳ nửa năm như trở lại cái vận, cái hạn mà hai điều nầy thường xẩy ra vào tháng 7(?).Thật ra đó chỉ là lý luận suy diễn không có tính khoa học; cái chuyện ’trời hành cơn lụt mỗi năm’ nói thế thì cái hạn kỳ nầy như giao kèo mà con người phải nhận lãnh, nếu xẩy ra như đã định thì quả là vận mệnh. Vậy thì tháng 7 thường hay đến với người, với đời?

Đúng hay sai thì không biết nhưng mà năm nay, cái năm 2012 nó lại lắm chuyện buồn hơn vui, làm cho tháng 7 có nhiều người xúc động. Xúc động là phải; bởi cái năm nầy là dấu hiệu của hân hoan, sanh được thằng con trai là qúy tử ’nam đinh nhâm, nữ qúy giáp’. Mãn nguyện, có kẻ vật trâu (nông thôn) hay mỗ heo vài ba con (cấp quận, cấp thành) để tạ trời và khao bà con, xóm giềng là được trời ban lộc. Còn nói về tử vào giữa năm Thìn thì nhà có phúc. Sao gọi là có phúc? -Kế hoạch qúi 1, qúi 2 đạt chỉ tiêu, nay rảnh tay dự án, lễ lược cũng đã yên bề, sổ sách đâu vào đó, nhở có lâm chung thì xem như ổn. Cái qúy của Thìn có được hai mặt, mặt tử và mặt sinh cho nên được lắm người ngợi ca và đưa tiễn. Nói về tử thì dân ta khóc và tiễn có lễ nghi, bài bản, truyền thống đúng cách đó là ’tịnh khẩu’, nói cho ngay là ’khóa khẩu’ dẫu có đào, có bới cũng nghiến răng mà giữ lấy chữ hiếu, chữ trung để hồn viá được siêu thoát về dưới suối ’vàng’, chớ dứt khoát không chơi cái ’mốt’ Koreastyle là khóc lăn đùng, khóc vô tội vạ, khóc ẩu, khóc ào ạt, khóc rống, khóc nằm vạ bắt đền trời; khóc kiểu đó hóa ra khóc-dzỗm. Dân ta khóc đẹp, khóc dịu dàng, khóc lạy tạ. Người chết người sống đề huề không vay, không trả. Phải đạo làm người. Thế nhưng gần đây lại có kẻ khóc dai dẳng, xác về với cát bụi, hồn thì tiêu diêu, ai cũng biết điều đó, rứa mà còn khóc, khóc kiểu nầy nguời chết phải dừng lại để lạy tạ (tức cám ơn rồi xuất) trước khi ’nhập diệt’; mà cái khóc nầy hầu như kể lể hơn là kể công, trong cái khóc tiếc thương có vị móc ba cái chuyện ’chó cán xe, xe cán chó’ ra làm bằng chứng: yêu ông, nhớ bác, tiếc anh... mà cả đời chả có một lời ngợi ca sự nghiệp; rất ít người làm việc nầy, số còn lại là ’tào lao ta bà’chưa bao giờ thấy mặt ngang, mặt dọc, chưa một lần đọc qua một chữ, câm miệng hến thế rồi hô hoán tôi quen thân lắm, ’nằm gai nếm mật’, cùng khổ cùng cam. Đùng một cái ùa ra khóc, như mình có chân trong văn giới một thời. Kể làm chi rứa! Chi bằng đốt một cây nhang, nguyện một câu cho người quá vãng thì đẹp biết chừng nào. Suy cho kỹ cái style nầy nó trở thành cái disease, lây lưa hơn mười năm nay, lãng mạn một chút ’mười năm không gặp’ cho nên khóc. Trở thành cái bệnh a-dzua, copy-cat. Có vị khoe: tui ôm vai người quá cố chụp một ’pô’ hồi đó, tôi ăn, tôi ngủ, tôi nằm với ns, hãnh diện lắm; kiểu nầy như xin chữ ký đào hát... Có cái tật lạ mỗi khi tới ngày kỵ thì lại khóc. Ấy mới ngụy. Mà thiệt; cả đời chưa một lần xáp-lá-cà, nhưng khi viết thì: tôi đã cùng hát, cùng đờn, cùng uống rượu với người đó. Kể riết thấy cũng ê. Thôi thì cứ đứng ngoài mà nhìn vào, nhìn như một legend thì còn qúy hơn là ca bài ’con cá’.Tây nó cũng khóc nhưng không khóc ’loã thể’ như ta khóc và không bao giờ lảm nhảm như ta, mà chỉ viết bằng nước mắt, bằng đau thương sự thật. Dân ta đã không thật mà còn ’sáng tạo’; cái đó mới đau cho cả người sống và người chết. Lối khóc đó gọi là khóc ẩu, khóc tạp lục nghĩ cũng không nên. Có kẻ vừa mới qua đời, công nghiệp đóng góp nghệ thuật, văn nghệ cao như núi thì chả thấy mấy ai khóc hay kể công, phân ưu. Phải chăng những vị ra đi, họ đi theo nghiệp Mozart, chết không một nấm mồ hay bia mộ. Cái đó không chừng là cái hay, cái đẹp! Đòi hỏi gì hơn, dù ’danh bất hư truyền’. Nên suy ngẫm về điều nầy và để dành cái khóc chí tình cho những vị sắp tàn. Hãy nhớ một điều đừng phiạ mà tội âm linh người nằm xuống. Nhớ nghe!

Nói tới phiạ; thì có vài vị phiạ kinh khủng, mỗi khi đọc cái giàn tiểu sử, ôi chao dày ’vô hậu’(chữ của thi sĩ TVSao vô sản mà ’cụ’ viết vô hậu, chơi như vậy là chơi siêu) kể đời tư mình không còn chỗ trong giấy để kể : võ sĩ có, tiến sĩ, thạc sĩ có rồi cả giáo sư đại học, dạy đại học nầy, dạy đại học nọ cũng có. Chi rứa? Mấy cái đó làm được gì chưa? Chỉ là cái nghề thôi mà; tợ như anh thợ máy chớ hay ho gì mà kể công, kể trạng cho lắm. Rõ khốn! Cái đó dân ta cũng bị desease, ỷ lại rồi đẻ chữ, muốn dựng chữ ’bất hợp pháp’ dựng tĩnh bơ, chả phép tắc gì ráo, thí dụ: đạo dụ (thời cụ Ngô), viết thành ’đạo zụ’, kiểu nầy thằng cu chưa học mẫu giáo nó nói láy một cái thì chết cả đám; cái gì chữ ’d’, đổi thành ’z’ ’p’ đổi thành ’f’’ ’g’ đổi thành ’j’ cái nầy hồi mấy cụ theo tây-học (thuộc điạ) cũng xài thế cho đẹp lòng mẫu quốc. Ớn! Nói tới đây nhớ mấy vị làm chủ tiệm thợ tiện không chịu cảnh giác, hùa theo lên văn-mạng và còn yêu cầu văn-chương-nước-ta cần ’donation’ ngôn ngữ như thế. Răng rứa? Vì lẽ dân ta chưa có Viện Hàn Lâm, chưa lập lại Quốc Tử Giám, chưa lập lại Văn Thánh cho nên mạnh ai nấy viết, mạnh ai viết tiểu sử cho mình, cứ viết dù chưa hoàn chỉnh, nói nôm na làm ăn kiểu nầy không có cầu chứng nghĩa là không có @ hay ’R’ chi cả. @ vòng ở đây không phải a-còng vi tính. ’R’ ở đây không phải ’Cục Rờ’ mà cũng không viết tắc là luật rừng đâu nhá!. Vậy e-rờ và còng là gì? Dạ thưa đăng ký, chứng từ ’register’ đó mà. Cho nên chi cái văn-mạng ra đời lại phát sinh nhiều ông ’thợ tiện’, tùy tiện, tùy hứng, tùy nghi, tùy cut-off; không biết học hành tới đâu mà ’cả gan’ sửa tĩnh bơ chữ người ta viết: ’Je’ thợ tiện đổi thành ’Tu’. Văn thơ viết tròn vo, ’thợ tiện’ đẩy vô sắc,huyền,nặng,hỏi,ngã lung tung xèng, không sửa sai mà sửa ẩu. Bài viết tùy bút sửa tản mạn hoặc ngược lại, bài tiểu luận sửa ký, bài viết nhận định sửa là tác giả, tác phẩm, gần đây bài viết cái chết tác giả sửa là thơ, truyện ngắn sửa tự truyện. Hùm bà lằn, không biết đâu mà mò. Đại ẩu!

Có vị chơi chữ ’phăn-tơ-di’ hơi trừu tượng, siêu hình, treo bảng hiệu nghe kêu: ’Gió Ngáp’ làm cho Đẽo thọc huyết heo, Lôi xích lô chịu thua, không hiểu muốn nói gì. Đọc Gió ra Chó. Thành ra báo chí cần xử dụng văn chương bình dân, dễ đọc cho mọi giới hơn là xử dụng văn chương bác học. Vậy làm báo chi rứa? Có vị lại dành độc quyền, không cho ai hết, kiểu nầy ưa ’ăn’ một mình, sợ có vợ bé, quên rằng giữa thằng viết và thằng làm báo là ’free-land’. Độc quyền ăn cái giải gì? Dzỗm! Tác giả sáng tác là phổ biến, có ai sáng tác bỏ vô trong hủ. Đi tu dòng-kín? Buồn cười!

Tục –thơ hay truyện viết tục, thời nay là ’chuyện nhỏ’, có một Việt kiều nữ trẻ tuổi làm thơ hụych toẹt cái bộ đồ dưới nghe gọn-e, chả e lệ gì, mạng, giấy đua nhau ca là ’thời thượng’. Cái cối, cái chày có từ khi khai thiên lập điạ, mắc mớ chi mà ca dữ tợn rứa (dùng chữ tào lao, tầm bậy) một vài văn nhân tả cảnh hun-hít, bọp-bụ cho là tục không đăng, vô phép với độc giả. Ui! Răng rứa? Có khác chi mô. Hay có định kiến ? Văn-mạng nhiều lúc ’chạm’ không vô tư, unfair, thấy quen tên ’thần tượng’ brand-name thì cho lên đầu trang mục, gặp no-name viết ’tào-lao-tục’ thì cho: ’không thể đăng được’. Tục ở cái chỗ nào. 1925-1930 ’Tố Tâm’ Hoàng Ngọc Phách cho ra đời có một ít chất lãng mạn, thời đó có ai cho tục đâu, khoái lắm vì nghe/đọc được chữ ’yêu’... sướng hơn chi, so thời nay thì ’quê một cục’. Rứa răng! Ừ.

Nói cho công tâm mấy vị làm báo giấy là chân chính, can trường, ăn ngay nói thiệt, mặc dù cái thời này khó cho mấy vị, khó đủ thứ chuyện, cho nên rất cả-nể sợ hùa nhau vô văn-mạng thì coi như văn-giấy phơi khô làm đồ nhậu. Nghĩ mà cảm kích cái khí ’anh hùng’ của họ. Thành thực mà xác nhận họ có trách nhiệm với chữ nghĩa, họ cố giữ gìn để truyền lưu; bù lại anh văn-mạng kinh nghiệm làm báo chưa là bao, học hành chữ có chữ không mà lại có bệnh ưa chen chân, kẻ cả, dạy đời, học rộng tài cao. Rõ khổ! Nói như thế là võ đoán, vơ đũa cả nắm. Văn-mạng cũng có nhiều vị đi đúng chức năng, nhiệm vụ, nghĩa là ra công đọc, sửa, chỉnh, góp ý, phép tắc đàng hoàng, những vị đó có trình độ, không phải trình độ văn hóa mà trình độ thấm thấu cao, hiểu biết và tự trọng cái vai trò làm báo. Nếu văn-mạng đi đúng đường lối chủ nghĩa của ’nhân-dân’ thì ắc độc giả,độc lập,tự do,hạnh phúc và dân chủ đúng nghĩa hơn là tào lao, ba láp. Mong vậy!

Nói về độc giả cũng có ba loại độc giả, nói về nhà văn, nhà thơ, nhà nhạc cũng có ba loại, nói về hội họa, điêu khắc cũng có ba bốn loại. Tựu chung cũng tại cái lỗi không có Viện Hàn Lâm cho nên tự do ’thao túng thị trường’, mạnh ai nấy sống, ba hoa chích chòe, triết thuyết nầy nọ, đi rao giảng lung tung, mạnh phóng tác dọc ngang, xuôi đâu cũng được, phất đâu cũng phất, kiểu nầy mấy vị chính khách ’xà-lôn’ thuở xưa cũng như thuở nay hay đem ra xài. Bạ đâu xâu đấy! Ra đâu vài ba tập truyện, biến thành nhà văn lớn, biến thành tư tưởng gia. Mà có thấy chi trong đó đâu. Hết xí-quách rút lui cho là ’vô-ngôn’. Lặn sâu cho là thành danh. Ớn! Làm đâu vài ba bài thơ biến ra thi sĩ lờ đờ, có vị bày đặc đeo kính cận, ngậm thuốc lá phì phà. Vẽ thì nghe xuất xứ trường vẽ mà chưa bao giờ cầm cọ, trở về cầm bút lông chồn. Có vị không học trường họa, tự-học trở thành danh họa(!). Ùa nhau ca ngợi, chết rồi cũng đào lên làm chuẩn, lý giải đủ điều. Dựa vào đâu để định nghĩa dễ dàng thế? Khổ quá nói mãi a-dzua dài dài không chịu nổi. Dòm đi, dòm lại vẫn là tự ái đầy đầu. Chưa qua sông thì cúi đầu sát đất, lội qua được rồi nổ sảng. Khoe chuyện ngày xưa, ngày nay. Chuyện cầm súng, cầm gậy. Kể làm chi rứa? Không thấy sao, nó tùm lum ra đó. Cái bệnh ưa đẻ chuyện như đẻ chữ, cái đáng đẻ cho nó sợ, nó phục thì lại tịt ngòi, cái đáng dẹm thì ưa móc ra nổ. Vị tất không nhằm thời. Bọn chúng đang làm loạn lên đấy! Nói cho ngay cũng do lòng tự hào, tự cao, tự đại và tự ái mà ra cả, rồi từ đó nó trở thành di truyền, đi tới cái cảnh gà cùng một mẹ. Dòm vô cái mặt mấy vị đều có tầm cở cả; không dám dòm. Sao thế? Chữ nghĩa nhiều quá. Sợ! sợ chi? sợ mấy ngài văng chữ thì kẹt ăn nói với văn chương. Cà-chớn ngài đội cho cái mũ lên đầu thì kêu trời không thấu đất. Bên nào cũng thế cả. Rứa ơ! Dạ.

Cho nên chi chuyện đời nói không ngạ; văn thơ họa nhạc ca hóa thành thợ, kiếm một văn nhân, kẻ sĩ chân chính, đúng danh xưng khó. Khó không phải ngăn sông cách núi mà khó ở cái chỗ ham cái hư danh đành phấn son nuôi miệng, nói ba điều dăm chuyện để nịnh bợ, đôi khi nghe vô duyên lạ, có nhiều vị ao ước ’vượt biên’ để trổ tài, trước tài sau tại. Có khi về tới nơi chưa ra khỏi cổng cảng lại có lệnh đứng lại. Việt kiều tái-thần-hồn! Kiểu chơi nầy có từ thời cụ Phan Khôi chớ đâu phải mới đây. Xổ tây-bổ ra nói, không chừng lãnh cái vé cải lương xem ’Lệ Thủy’ ca sáu câu nghe mà khóc ròng. Vậy đừng ẩu; kể cả mấy ông thợ tiện có thẻ đỏ, lợn cợn cho đi coi hát xuất nửa đêm thì lúc đó cầm cuốc xẻng, có đâu nữa mà tiện. ’Bốt-xì’ là thế đó! Nói chung đều là mechanic cả. Chả có gì là vinh hoa mà ao ước ./.

VÕ CÔNG LIÊM


(ca.ab. giữa tháng 7/2012)

Thứ Tư, 1 tháng 8, 2012

NẮNG LAO XAO - PHAN LỆ DUNG

Đám mây băng qua bầu trời
thả những cành hoa trắng nuốt
Tháng tám
Trên cây mù u trước ngỏ
nắng rơi.

Ngoài vườn thu về ái ngại
Có ai nhớ
mà nắng rơi trên cỏ
con bướm bay quanh.

Bên kia hoàng thành
Đàn chim cánh nâu bay về phía biển
đôi cánh mê hoặc buổi chiều
Chắc mọi buổi chiều ngàn xưa vẫn thế
Gió mang mùa thu đi
Bỏ lại chiều xao xuyến.

Nắng lao xao
Chiều nay
tôi nhớ
Người nơi phương trời ấy
có còn nhớ thương.

Nắng lao xao
Chiều nay
tôi cô độc
Ngoài trời mây về lãng đãng
thả những ngọn nến trắng
tiển đưa chim sẻ về trời

Tôi xáo lòng tôi
Gió chiều xao xác.