Thứ Năm, 30 tháng 8, 2012

"LUẬT RỪNG" ĐANG TÀN PHÁ MÔI TRƯỜNG SƯ PHẠM

Gần đây, nhiều vụ học sinh nữ đánh nhau với những hành vi phản giáo dục khiến bậc làm thầy, làm cha mẹ đau lòng. Xử lý chưa xong vụ này thì vụ khác lại bung ra. Quy trình của hiện tượng đáng báo động trên là: Sự việc xảy ra, quay clip tung lên mạng, báo chí đăng tải, công an vào cuộc, nhà trường kỷ luật… Dường như chúng ta đang bế tắc trong cách xử lý, giải quyết tận gốc vấn đề.


Nữ sinh cư xử theo luật rừng?
Mới đây, cư dân mạng lại xôn xao về clip nữ sinh tại một trường THPT ở huyện Tân Thành (Bà Rịa -Vũng Tàu) đánh nhau vì bị bạn nói "mất trinh". Trước đó tại trường THPT Phục Hoà (Phục Hoà- Cao Bằng) nữ sinh cũng đánh nhau hết sức tàn bạo. Những gì thuộc về sự dịu dàng, nữ tính không còn nữa, thay vào đó là sự hằn học… quyết đấu đến tàn khốc. Về vấn đề này, Chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục Thanh thiếu niên của Quốc hội Đào Trọng Thi cho rằng: Đó là hiện tượng xảy ra trong thời gian gần đây, chúng ta cần phải nghiên cứu khảo sát. Bạo lực giữa nữ học sinh với nhau, tính chất tương đối tàn khốc và ngày càng phổ biến hơn. Tuy nhiên, nó cũng là những vụ lẻ, nhưng khi bị tung lên mạng internet thì gây bức xúc lớn. Điều này cho thấy, chúng ta cũng phải xem xét việc tung các clip lên mạng.

Theo ông Thi, chúng ta chưa có đủ các thông số, số liệu để phân tích, phân loại các hiện tượng rồi đánh giá tinh thần thái độ, trách nhiệm của các đối tượng có liên quan. "Tôi thấy lạ, những em bị hại trong các vụ bạo hành này đều là những em chủ động đến những nơi nguy hiểm cho mình. Rồi lại có trường hợp nạn nhân không hợp tác với cơ quan điều tra để truy cứu trách nhiệm kẻ hành hung mình", ông Thi nói.

Trăn trở về vấn đề này ông Thi đưa ra một cách nhìn nhận chua xót: " Hình như đã hình thành "luật rừng" trong giải quyết các mối quan hệ cư xử của các em này với nhau. Nếu quả thật là hiện nay luật rừng đã thâm nhập, chi phối giải quyết mối quan hệ giữa các em học sinh thì đó là điều rất nguy hiểm". Cũng phải nói rằng, với những em vi phạm kỷ luật nhà trường không được phép đuổi học. Đó là quy chế để những em học sinh hư được tiếp tục giáo dục để các em không bị lâm vào hoàn cảnh dễ hư hỏng hơn. Các em bị kỷ luật ở trường, nhưng vì là vị thành niên nên xử lý theo pháp luật cũng khó. Chính vì thế, vụ này xảy ra chưa giải quyết xong lại có vụ khác bị tung lên mạng. Điều này làm cho hình ảnh giáo dục bị ảnh hưởng.

Nhìn nhận thực tế trên, TS. Nguyễn Tùng Lâm (chủ tịch Hội giáo dục tâm lý Hà Nội) nói: "Tôi cho rằng, đối với học sinh vi phạm kỷ luật, đình chỉ học tập một thời gian đã là kỷ luật rất nặng nề rồi. Nếu như những hình thức kỷ luật ấy không đủ sức răn đe thì đó chính là báo động của chúng ta về đạo đức học sinh và cũng là báo động về trách nhiệm của các bậc phụ huynh".

Phát tán clip bạo lực học đường cũng cần xử lý
Nhiều chuyên gia tâm lý cảnh báo chuyện học sinh hiện nay quá vô cảm với bạn bè. Bạn bị đánh, những học sinh khác ở ngay bên cạnh vẫn làm ngơ, coi đó không phải chuyện của mình. Còn có học sinh lại quay thành clip, xem đó như tin "hot" để phát tán lên mạng. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có trường hợp học sinh nào tung clip bạo lực lên mạng bị xử lý. "Tôi cũng đang quan tâm, chuyện đánh nhau như vậy tại sao lại quay đưa lên mạng? Rõ ràng là một hành động chủ ý, có một động cơ khác. Tôi nghĩ những người quay đưa lên mạng cũng cần được xử lý theo tinh thần tuyên truyền bạo lực trên các phương tiện có ảnh hưởng rộng rãi trong dư luận", ông Đào Trọng Thi nói.

Nữ sinh bạo hành tập thể cùng với không ít các vụ việc học sinh ẩu đả, thậm chí hiếp bạn cùng lớp cũng quay clip tung lên mạng rồi các vụ việc thầy đánh trò, trò đánh thầy khiến nhiều người cảm thấy bi quan về đạo đức học đường. Thẳng thắn nhìn nhận vấn đề này, ông Thi bức xúc: "Đó là thái độ cư xử phi đạo đức, phi nhân tính đã thâm nhập vào trong nhà trường. Trước kia trong nhà trường, mối quan hệ có thực lòng không, chân thành không thì chưa biết, nhưng về hình thức, quan hệ thầy trò luôn mang tính mô phạm. Trẻ dù hư đến đâu, nhưng đối với thầy giáo ít nhất vẫn tỏ ra lễ phép, sợ thầy. Nhưng giờ đây đây hành xử mang tính lễ nghĩa ngày càng mai một. Có không ít trường hợp, trò, phụ huynh của trò đối xử với thầy giáo như một côn đồ".

Trước kia có thể thầy giáo cũng đánh học sinh nhưng đánh theo kiểu mô phạm, theo một quy trình đặc biệt, chứ không phải kiểu hành hung giữa hai cá thể không có quan hệ gì trong xã hội. Nhưng hiện nay, đạo đức, tình thầy trò dường như đang bị lệch chuẩn. Đó là những hiện tượng đau xót. "Tôi nghĩ đã đến lúc các cơ quan nghiên cứu, các cơ quan có trách nhiệm liên quan đến giáo dục đạo đức học đường phải tổ chức nghiên cứu, khảo sát đầy đủ để có đánh giá sâu sắc, từ đó giải quyết vấn đề tương đối toàn diện và có căn cứ, cơ sở khoa học. Nếu bây giờ cứ đối phó theo kiểu khi có chuyện ấy cả dư luận ồn ào lên, rồi phê phán, nhưng mấy hôm nữa lại quên, tôi nghĩ chưa ổn", ông Thi nhấn mạnh.

Từ những vụ bạo lực của học sinh, nhất là tính hung hăng, tàn bạo trong hành xử của các nữ học sinh đã gióng lên hồi chuông cảnh báo đối với ngành giáo dục. Bây giờ, cũng là muộn, ngành giáo dục cần tìm ra một hình thức kỷ luật thích đáng, hoặc cơ quan pháp luật cần vào cuộc, có chế tài mạnh với những nhóm học sinh hư này.

Khánh Hà

(NGƯỜI ĐƯA TIN ONLINE)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét