Thứ Bảy, 28 tháng 2, 2009

NGHÌN NĂM CÔ ĐỘC - NGUYỄN MIÊN THẢO

KHI THẤT TÌNH THƠ CŨNG BỎ TA ĐI

Này thơ ơi ta đâu phải vô nghì
Khi thất tình thơ cũng bỏ ta đi
Ta sợ nhất khi không còn yêu được
Mà nghìn năm em vẫm mãi xuân thì

NGHÌN NĂM CÔ ĐỘC

Chỉ vì yêu em mái tóc
Cuộc đời lận đận trăm năm
Chỉ vì yêu em đôi mắt
Đời ta chết đuối bao lần
Chỉ vì yêu bàn tay nhỏ
Đường đi không nhớ lối về

Chỉ vì yêu em tất cả
Ta chừ cô độc nghìn năm

Thứ Sáu, 27 tháng 2, 2009

TRANG VĂN NGÀY CŨ - SỐ 12

NGUYỄN TÔN NHAN
Nhà thơ một đời mê chữ...

Nhà thơ Nguyễn Tôn Nhan sinh năm Đinh Hợi (1947), hiện sống ở Sài Gòn, là một thi sĩ mê chữ. Ông là tác giả của khoảng 50 đầu sách, chuyên về Hán học, có thể kể những cuốn tiêu biểu như: Từ điển thành ngữ điển tích Trung Quốc; Từ điển văn học cổ điển Trung Quốc; Từ điển Hán Việt văn ngôn dẫn chứng; Bách khoa thư văn hóa cổ điển Trung Quốc; Nho giáo Trung Quốc… Ngoài ra, những bộ sách do ông dịch và chú giải cũng rất đáng kể như: Nam hoa kinh, Xung hư chân kinh, Hoài Nam tử…Tâp thơ Thánh Ca ông xuất bàn năm ông 20 tuổi như một định mệnh gắn ông với thi ca suốt cuộc đời và ông vẫn nhận mình là nhà thơ hơn là nhà nghiên cứu.Xin giới thiệu một số bài thơ tiêu biểu của ông và một số bài thơ trong tập Thánh Ca.

VƯƠNG THUÝ KIỀU
.
Đạp Thanh buổi ấy quay về
Cô em mười bốn ngứa nghề mười lăm
Rừng phong thu đã ướt đầm
Tiền Đường sông nước sóng ầm ngày xưa
Mà hương xuân sắc đến giờ
Thói quen mất nết vẫn chờ nhân gian

VƯƠNG THUÝ VÂN

Em ngồi lên để chị thưa
Rồi mai trong cõi mịt mờ nhớ nhau

Ngẫm ra cơm muối canh rau
Và chồng con đủ chị đau suốt đời.

LUẬT ĐƯỜNG NHỚ KIỀU
.
Có bóng em về đấy phải không
Sao thu vàng úa cả rừng phong
Hóa kiếp hay là em chuyển kiếp
Lập đông sao ngỡ sớm tàn đông
Mây nổi Lâm Tri buồn lắm chắc
Gió thổi Hàng Châu rụng hết bông
Đã lạnh tiếng tì tay tuyệt kỹ
Còn nghe máu nhỏ mấy dây đồng.

QUỲNH HƯƠNG

Tôi đợi mưa chiều man di
Hương mang phố quạnh hiu về
Một lá me, hai tượng xám
Ba nghìn giọt nước vân vi.


THƠ TẶNG QUỲNH HƯƠNG
.
Ngắt nụ chè dưới mành
Gửi Hương mùi thạch thảo
Trăng một bát mong manh.
.
Tóc Hương tòa sen ngự
Đêm nhớ đủ chín chiều
Trăng một bát vàng xiêu.


MẮT HƯƠNG RẤT DẠI LẠI HIỀN
.
Nụ hoa tầm gởi
Rụng bởi gió lay
Tóc xưa em cài
Đường mưa côi cút.
.
Mắt môi của Phật
Độ lượng anh về
Mưa hiền giọt nước từ bi.
.
Vú em nho nhỏ
Nụ đỏ nụ xanh
Em nhớ tình anh
Xới vun vườn cải
Trời mưa tháng bảy
Tro xám thái dương
Má môi em hườm
Anh đi để nhớ.
.
Mây ơi từ độ
Khói sóng xây thành
Mắt hiền hoa cải còn xanh?


Những bài thơ trong tập Thánh Ca

HƯ VÔ

Tôi có trái tim khô
Treo ngoài vườn đẫm nước mưa
Chiều hôm nay mưa đầu đông
Tôi khóc bên ngoài tôi khóc bên trong
Chẳng còn ai ngồi ở công viên
Chỉ còn tôi ngủ dưới cỏ biền
Tôi mất máu em như nhựa cây
Tôi ăn mặt trăng uống mặt trời
Chẳng còn ai
Để bố thí cho em một chiếc gậy ăn mày
Tôi xuống tôi lên
Máu độc người da đen
Tôi khạc ra biển những đờm xanh

MƯA DỬNG DƯNG

Mưa mưa mưa
Mây bơ phờ tôi bơ thờ
Thở ra máu
Trời ngập đầu trong nước xanh
Dao găm của tôi hay tôi của dao găm
Hãy hát đi trong mộ phần
Bông nắng dửng dưng
Thở ra máu
Tôi đau gan
Chiều đấm vỡ mặt trăng
Sao đi lang thang
Vỡ mặt trời vỡ mặt trăng
Mưa mưa dửng dưng
Tôi về nghĩa địa một mình
Tôi rớt mất tim rồi tôi lặng thinh
Mẹ tôi đi chợ với chiếc giỏ xanh
Mua cho tôi những con búp bê kim khí
Những con búp bê hiếp dâm nhau
Ngay trong chiếc giỏ xanh
Ngay trong chiếc giỏ xanh dửng dưng

ĐÀ LẠT

Nhét mặt trời vào nồi
Sáng mai đem ra luộc
Râu xanh
Tôi vừa trở về nơi tôi chết
Tháng bảy trời mưa trên những đồi thông vàng
Người đàn ông mang thai
Cho tôi một đồng mua thuốc hút
Mưa trên những đồi thông vàng
Người đàn ông mang thai
Tôi thổi sáo
Mưa thều thào trong tim

MƯỜI BA


Nhét nỗi buồn vào mồm nhai
Không nuốt xuống không nhả ra
Nhét vào nhai nhai vào mồm
Tôi oẹ ra chiến tranh
Bông tuyết khô sáng chiều mưa tối nhà mồ
Tôi oẹ ra hòa bình
Bã mật xanh
Người động kinh trên nóc nhà thờ
Tôi trở thành Đức Chúa Trời hát nghêu ngao
một bản
Suốt buổi chiều ngang
Suốt buổi chiều dọc
Tôi không sao không khóc
Hu hu
Nhét vào nhai nhai vào mồm
Em không là nữ tu
Có vú bó
Em không là đàn bà
Chết trong nhà bảo sanh
Nhà bảo sanh nhà thương nhà thờ nhà mồ
Nhà thơ
Tôi mọc trên núi cao
Trổ trái buồn bốn mùa
Mây rơi xuống vực sâu
Lệ đỏ
Nhân loại mù
Hu hu

CHIỀU CHIỀU

Sáng hôm nay mặt trời xanh
Nàng giữ trên môi bông tuyết nhỏ
Lá trong vườn từng lưỡi dao găm
Nàng giữ trên tay bông tuyết đỏ
Chim không bay đến mái hồn tôi
Nơi cô đơn rêu ngàn năm đã phủ
Nơi vinh diệu của nhửng kẻ u buồn
Nơi sáng hôm nay của tôi của nàng
Của hai kẻ đem phơi hồn ủ rủ
Chiều tôi trở về trên đồi cây
Dưới cành khô có bóng nàng treo cổ


NHÁNH ĐỘC

Ở nóc mộ kia người ra đời
Tôi mặc quần jean xanh
Đi giày bố
Mây cắn nát cả hồn
Buổi chiều chưa kịp vỡ
Trên những nhánh cây điên
Tôi thắt cổ
Thắt cổ
Hạnh-Mai vừa chào đời ở nóc mộ kia
Rên như con chó nhỏ
Mỗi ngày tôi đến ngủ ở ngã tư
Tôi mơ thấy Đỗ-Hạnh-Mai đẻ ra tôi
Rên rất nhỏ
Tôi khóc suốt buổi chiều Hạnh-Mai cho tôi bú
Hạnh-Mai phơi tã xanh
Tóc tơi tả
Mưa chập chờn ướt sũng cơn điên
Tôi suốt đời vẫn quấn tã xanh
Của Hạnh-Mai
Của buổi chiều chưa kịp vỡ
Ở nóc một cây khô
Tôi thắt cổ
Thắt cổ
Có dáng ai rất nhỏ
Dưới chân tôi như Hạnh-Mai



MỘT CHÙM BÔNG

Nắng nằm trên nóc nhà ga
Chim có kinh rơi giọt máu nhỏ
Bay về đâu bay về đâu tôi chiều nay
Chim có kinh suốt mùa thu ngủ
Tôi nằm trên nóc nhà ga
Tôi chụp bông nắng khô vỡ
Con chuồn chuồn
Tôi ngạt thở
Tôi nằm thu hiện nóc nhà ga
Chim bơi trong chùm bông nắng khô
Chiều đẻ tôi ngạt thở

TẶNG NỮ TU SĨ


Đừng người đừng khóc tiếng chim
Sớm thu hồng tạt cửa thiền bụi nâu
Chim kêu nhí nhách trong đầu
Thích Ca tượng nọ rụng đầu Giê Su

NĂM MẶT TRĂNG

1

Tôi huýt sáo một mình
Rắn hổ mang rắn hổ mang
Chiều đeo gông tử hình
Đồi thông trời rụng rất nhiều bông
Rất nhiều bông quá nhiều bông
Tôi huýt sáo liên miên
Chiều mưa ráng bóng cầu vòng
Tôi quỳ ngó mãi nước trong tim
Tôi huýt sáo một mình
Rắn hổ mang rắn hổ mang
Tôi leo lên đỉnh ráng cầu vồng
Tôi đái cho vũ trụ mù sương
II
Nhả nọc người
Tôi bay lên rừng sương thu
Dơi về cánh rất mỏng
Biển chìm tôi ngã đè
Tôi phán hãy có những mặt trời
Tôi nhận chìm thượng đế
Động máu tươi
Động chút máu tươi tôi trở về
Biển chìm tôi lượn mãi trong khuya
III
Mưa thều thào sắp chết
Mái nhà trắng xoá sọ người
Tôi chìm vào tôi giàn hoa giấy
Cỏ chạm vào tôi mây chạm tôi
IV
Đi giữa phố một mình
Giày da đen đau tim
Tôi hình như rất xám
Trời thả đầy vật buồn
Nhổ lông ra xỉa răng
Tôi hình như rất đỏ
Tôi hình như rất vàng
Cuộc đời là hình vuông
Dĩ nhiên vui dĩ nhiên
Có khi như hình tròn
Nhổ lông ra xỉa răng
Vũ trụ không hình thù
Nọc ai phun chiều thu
V
Chim đừng kêu chim đừng kêu
Trời đừng chiều trời đừng chiều
Không tôi không biết chết
Chưa tôi chưa ra đời
Một lần thôi cũng nhiều

THĂNG HOA

Nửa đêm xanh trăng nằm cuộn ngọc
Thi sĩ đọc thánh ca
Máu trườn trong óc người vô nghĩa
Tôi khạc hồn tôi ra hư vô
Đâm chết loài người tôi mất ngủ
Tôi ngậm đầu tôi trong hồn tôi
Đêm vỡ nanh dao ác quỷ
Tôi khạc hồn tôi ra hư vô
Không ai là thi sĩ
Không ai là thi sĩ
Đêm vỡ trăng nằm xác tôi ngậm ngọc
Nhân loại đeo tang đen

THỦ TIÊU NGƯỜI TÌNH


Nàng đóng đinh tôi trên thập tự
Chiều quỳ dưới đất khóc vô tư
Tôi xuống rút xương mình đẽo sáo
Tôi lại leo lên
Thập tự nhỏ
Nàng đến quăng cho tôi vật đen
Nàng rất gầy tôi thổi sáo
Mưa xiên thủng hồn nàng
Xác người điên xác người điên
Khóc nức nở
Cười tức thở
Tôi vẫn treo chân trên thập tự
Tôi nhìn mây trắng ngủ lang thang
Không còn gì nói nữa

NGUYỄN TÔN NHAN:
CHÍNH VÌ MÊ THI CA , TÔI HỌC CHỮ HÁN
Đặng Phú Phong

Đặng Phú Phong: Người thì gọi ông là nhà Hán học, người thì gọi ông là nhà thơ. Ông nhận danh xưng nào và tại sao?

Nguyễn Tôn Nhan :Đương nhiên tôi vốn là nhà thơ và có lẽ chỉ là nhà thơ thôi. Tại sao ư? Trời ơi, thi ca làm sao biết được tai sao. Hoặc tại đất trời vừa công bình vừa bất công kia đẻ ra tôi đã lãng đãng như mấy câu thơ hồn hậu nọ “Mẹ nuôi con lớn làm thơ. Để đau thương vẫn như chờ riêng thôi”. Hai câu lục bát này ở đâu đó đến giờ tôi quên cả tên tác giả rồi, xin lỗi nếu tác giả (của nó) đọc được mấy giòng này. Còn Nhà Hán Học? Có lẽ nên đảo ngữ, tôi là “người học Hán” thì đúng hơn. Nhưng sở dĩ tôi học Hán được cũng do nhờ từ thuở 12, 13 tuổi tôi đã mơ thơ rồi. Hồi đó tôi mơ thơ Tây thơ Mỹ (qua nhiều bản dịch ở Miền NamVN) và năm 1969 ( 21 tuổi) đã in tập Thánh Ca. Tập này tôi hoàn toàn thất lạc (năm ấy tôi chỉ được in miễn phí 100 tập). Rất may gần đây được nhà thơ Nguyễn Đăng Thường sưu tập và đăng gần một nửa trên mạng Tiền Vệ. Tiện đây tôi xin phép ông cho tôi được trân trọng cảm ơn nhà thơ Ng. Đ. Thường.

Đặng Phú Phong: Sách về dịch thuật và khảo cứu ông trước tác khoảng vài ba chục cuốn ( nhiều quá không tính ra), cuốn nào cũng dày cộm, chứng tỏ ông là người tinh thâm chữ Hán. Vậy ông học chữ Hán từ bao giờ, bằng cách nào và được bao nhiêu “bồ” chữ? (cười)
Nguyễn Tôn Nhan: Tôi tinh thâm chữ Hán ư? (cười) Trời ơi nghe trầm trọng quá. Thật ra tôi chỉ là kẻ học đòi vậy thôi. Sau cái ngày gọi là “giải phóng” tôi đói quá. Chợt nghĩ ra một ý sao mình không đem chút chữ Hán lỡ học được trước đây ra chui vào cái hang động” văn học cổ điển Trung quốc” để kiếm tiền sống chơi? Tôi áp dụng và có vẻ thành công ngay bước đầu. Khoái quá tôi càng đào sâu chữ Hán, và may thay, hình như tôi đào trúng chỗ. Ít nhất là để “xóa đói giảm nghèo” cho bản thân.

Đặng Phú Phong: Tự điển Hán Việt của ông có thêm câu Văn Ngôn Dẫn Chứng. Ông nói rõ hơn về sự khác biệt của cuốn tự điển này và các cuốn tự điển khác.

Nguyễn Tôn Nhan: Từ điển “Hán Việt Văn Ngôn Dẫn Chứng “ của tôi khác nhiều với các từ điển Hán Việt ở chỗ, cũng vì tôi mê văn chương (nhất là thi ca) nên tôi tìm kế đẩy thi ca chữ Hán vào từ điển để trước hết, tự thỏa mãn “thú tính” của riêng tôi, thứ hai, để mong tăng cường tính văn chương cho loại từ điển khó sử dụng này.

Đặng Phú Phong: Trong mấy chục cuốn dịch thuật và khảo cứu ấy ông thích cuốn nào nhất? tại sao?

Nguyễn Tôn Nhan: Trong vài chục cuốn sách tôi đã dịch in, thú thật tôi chẳng thích cuốn nào cả. Có chăng là tôi đang “thích lắm” cuốn “Đại Từ Điển Thơ Đường” mà tôi đang biên dịch. Chỉ vì tôi tự coi tôi, mắc nợ với thi ca . Chính sự mê thi ca từ thủa mới lớn là động cơ để tôi học chữ Hán, để rồi với mớ chữ Hán tự học ấy tôi nuôi được bản thân (và cả vợ con luôn). Lần này, tôi quyết chí “trả nợ song phẳng” nàng thi ca (nếu thực sự có nàng ấy) mà tôi thầm yêu trộm nhớ (chỉ tiếc không hiểu nàng ta… có yêu tôi hay không thôi).

Đặng Phú Phong: Ông thích là nhà thơ, trong khi ông sống nhờ vào chữ Hán mấy chục năm nay (thơ thì không). Vậy nếu cho làm lại từ đầu thì ông có làm khác đi không? (chỉ làm thơ và không học chữ Hán).

Nguyễn Tôn Nhan: Vâng, tôi “rất rất thích” là nhà thơ (nhà thơ có “thích” tôi không?) và đúng là tôi sống nhờ vào chữ Hán như đã kể với ông. Dĩ nhiên, tôi cũng nặng ân với chữ Hán lắm chứ. Nhưng ông hỏi câu này làm tôi hơi… buồn cười. Xin nghiêm chỉnh trả lời: Nếu cho “mần lại từ đầu” tôi vẫn học chữ Hán, chính vì “từ đầu” tôi vẫn xin mần thơ, và vì muốn mần thơ chữ Việt đỡ khỏi “sái” đương nhiên tôi hay bất kỳ ai vẫn phải học chữ Hán, vì ông biết không, theo thống kê vớ vẩn của mấy nhà ngôn ngữ học chính quy (tôi chỉ là kẻ tự học “bàng môn tả đạo”) về từ nguyên , trong chữ Việt có tới 70% là gốc chữ Hán lận, Xem ra tỉ lệ “hơi bị cao” có phải không ông? “chỉ làm thơ và không học chữ Hán” ? Ủa, sao có định lý kỳ dị vậy? Cho phép tôi sửa chút đỉnh: “Vừa làm thơ vừa cố học chữ Hán: như tôi đã và còn làm, có được không ông?

Đặng Phú Phong: Nhưng tại sao muốn làm thơ (Việt) khỏi “sái” thì chỉ phải học chữ Hán, mà không là chữ Anh, chữ Pháp. Người Việt cũng rất sính thơ Anh thơ Pháp lắm đấy chứ?

Nguyễn Tôn Nhan: Tại sao chữ Hán? Nếu xét về ngữ âm học, lịch sử chữ Hán, ít nhất là từ đầu đời Đường (khoảng thế kỷ thứ 8, 9 gì đó) âm Đường đã có dấu ấn sâu đậm đến âm Việt (mà bây giờ giới ngôn ngữ gọi là Đường Âm). Nếu không học chữ Hán làm sao ta có thơ Việt lồng lộng cỡ như truyện Kiều hay Chinh Phụ Ngâm, Cung Oán Ngâm v,v, Còn chữ Anh chữ Pháp hay chữ Miên chữ Ấn cũng ghi dấu trên ngôn ngữ Việt nhưng rõ ràng dấu ấn ấy nó mờ nhạt hơn chữ Hán nhiều. Ở đây tôi không có ý ca tụng chữ Hán đâu nhé. Tôi cũng mê chữ Miên, chữ Ấn lắm chứ , nhưng vì duyên nghiệp hay cái gì tương tự như thế không đưa đẩy đến đó mà thôi. Đành hẹn kiếp sau cố gắng thêm vậy.

Đặng Phú Phong: Thơ lục bát đã có lâu lắm rồi, nhưng có người nói rằng ông sáng chế ra “ thể lục bát 3 câu” . Ông nghĩ sao về ý này? Và nói rõ thêm về lục bát 3 câu của ông.

Nguyễn Tôn Nhan: Cái vụ lục bát 3 câu này cũng có phần ấm ớ. Tôi đã làm thơ lục bát nhiều và từ lâu. Năm 1990 tôi có nhận tiền dịch một cuốn sách mỏng về các giai thoại liên quan đến ứng nghiệm của quẻ Dịch “Dịch Học Cận Đại” theo kiến giải của đại sư Thượng Bỉnh Hòa, tôi buộc phải học cho biết tổng thể kinh Dịch. Tôi thấy Dịch học uyên áo quá. Tôi mê. Và đẩy luôn lục bát vào 3 hào của một quẻ Tiên Thiên. Nhưng trong giới văn nghệ có người cho rằng có nhà thơ cùng thời và là bạn của tôi đã làm lục bát 3 câu trước tôi. Đối với tôi làm thơ trước hay sau không có gì đáng nói. Vì thơ, tiên quyết là thơ hay , hoặc dở chứ đâu có trước hay sau gì cả. Tôi không cãi vì buồn cười quá. Nhưng tiện đây, xin nhắc nhà thơ đó, lúc ấy có in một loạt thơ lục bát ngắt đoạn đột ngột ( không theo truyền thống lục bát là phải chấm dứt bằng câu Tám) và đặt tựa chung là”Những bài thơ mười bốn chữ”. Một câu 6 chữ một câu 8 chữ cộng lại thành 14 chữ, tức là lục bát 2 câu chứ câu thứ ba mò ở đâu mà ra? Đếm đi đếm lại cũng chỉ có 14 chữ chứ chẳng có “ba câu” (20 chữ) gì ráo. Nói vậy, tôi hoàn toàn không có ý tranh giành gì cái chữ “sáng chế ra thể lục bát 3 câu” đâu. Ba câu hay ba vạn câu đối với tôi đâu có quan trọng bằng câu hỏi này: Từ ba vạn kiếp anh có mần được một câu nào ra hồn hay chưa? Thế thôi!

Đặng Phú Phong: Tháng Tư, 1967 ông xuất bản tâp thơ Thánh Ca, đúng hơn là Thánh Ca một, vì bìa sau có ghi là: “ Mùa Đông 67 sẽ in Thánh Ca thứ hai nếu chưa chết hoặc chưa lang thang trên các tinh cầu khác”. Cho đến bây giờ là 2008 Thánh Ca vẫn còn hiện tiền nhưng Thánh Ca thứ hai chưa xuất hiện. Như vậy có phải ông đang lang thang trên một tinh cầu nào đó chăng. Hãy kể cho tôi về hành tinh ông đang lang thang.

Nguyễn Tôn Nhan: Ồ, hành tinh tôi đang lang thang ông không lên được đâu, ông Đặng Phú Phong ơi. Vì nó có tên là “Làng Rỗng Không”:
Lỡ rong chơi với Lão Trang.
Nên chưa rời nổi cái làng rỗng không.
Lòng như trời trống mênh mông.
Lòng tôi sau này nó rổng rang quá. Có thực thơ tôi “vẫn còn hiện tiền” như ông khen tôi không? Chắc tôi không dám nhận đâu. Tôi đang mắc nợ với thi ca, ông cho tôi hưỡn hưỡn chút đỉnh, tôi sẽ thanh toán nợ nần. Cảm tạ ông lắm lắm.

Đặng Phú Phong: Tập Thánh Ca, sao lại Thánh Ca? mặc dù không thấy Thánh - hiểu theo nghĩa ông Thánh, hay hiểu theo nghĩa thánh thót - xuất hiện trong thi tập. Ông gửi gắm gì trong Thánh Ca ?

Nguyễn Tôn Nhan: Tại sao "Thánh ca"? Như đã kể ,Tôi viết những bài thơ này vào thủa mới làm thơ, Lòng điên cuồng u minh nhiều lắm. Ngày ấy nhà bố mẹ tôi ở gần nhà thờ Thánh Mẫu, Gia Định. Chiều chiều nằm trên căn gác gỗ nghe tiếng chuông nhà thờ thánh thót. Ông biết đấy, tiếng chuông nhà thờ không âm trầm như chuông chùa, Thanh âm của nó cao như muốn kéo người ta lên cái nước Thiên đường nào đó. Xin lỗi lúc trẻ dại ấy tôi đã có ác cảm với tiếng chuông nọ nên tôi làm một loạt thơ, theo tôi là dữ dội để tỏ ý phản cảm , đặt tên là Thánh Ca. Đến tuổi này tôi không còn ác cảm với bất cứ tôn giáo nào nữa hay thực tình hơn tôi yêu thích mọi tôn giáo trên đời (kể cả ông Đạo Dừa mà vào năm 1972 có lần tôi định quy y theo ông ta. Nam Mô A men Đà lạt.)

Đặng Phú Phong: Đọc tập Thánh Ca do Nguyễn đăng Thường sưu tầm gồm 15 bài (theo ông thì nhiều hơn). Dù với những tựa đề rất bình thường như : Đà Lạt, Hư vô… hay những tựa nghe phát rùng mình như Nhánh Độc, Thủ Tiêu Người Tình…. Nhưng 15 bài này là 15 nhát búa khủng khiếp nện vào đầu vào lồng ngực người đọc. Chữ chữ, câu câu đều có sức đè ma quái. Như bão cát sa mạc âm u vần vũ trên đầu. Tôi đưa ra vài đoạn nhé:
……..
Tôi phán hãy có những mặt trời Tôi nhận chìm thượng đế Động máu tươi Động chút máu tươi tôi trở về Biển chìm tôi lượn mãi trong khuya …….. (Năm mặt Trăng II) …. Mưa xiên thùng hồn nàng Xác người điên xác người điên Khóc nức nở Cười nức nở Tôi vẫn treo chân trên thập tự ……. (Thủ tiêu người tình) Thật tình khi tôi đọc những dòng này tai tôi như ù lên vì âm thanh của nó , vâng, âm thanh của nó không đơn giản là của chữ mà nó có vô vàn âm vọng, từ một cõi nào đó xô trường lên nhau, thúc bách lẫn nhau, ầm ầm kéo về. Mắt tôi hoa lên vì vô số những vòng tròn đỏ như máu người, mờ mịt như cơn mưa xám xịt. Ông đã làm những bài thơ như vậy khi mới tuổi đôi mươi, ông có nghĩ nó vận vào người rồi phải điên. Nhưng thực tế ông vẫn sống khỏe. Ông có thể giải thích được tại sao không, chẳng hạn như là nhờ mổ não hai mấy năm về trước? (cười thật to). Và, thi tập Thánh Ca có đưa ông vào thế giới siêu thực không?


Nguyễn Tôn Nhan: Năm tôi xuất bản Thánh Ca, tôi khoảng 20, 21 gì đó nhưng thơ thì đã làm xong trước vài ba năm. Thời gian ấy tôi đang ở trên gác gỗ cao 1m 5 trong nhà bố mẹ tôi ở xóm Vườn Cau, Bà Chiểu, Gia định. Buổi trưa cơn nhập đồng thi ca lên tới đỉnh, căn gác gỗ ấy nóng như lò Bát Quái, tôi phát điên lên và ói ra mấy câu có “ sức đè ma quái” như ông nói. Đám thi nhân Trung quốc đời lục triều Ngụy Tấn có đẻ ra cái thứ “huyền học” mà lúc đó tôi mê dữ quá.Tôi cho rằng thứ huyền học này mới chính tạo ra “âm vọng” cho thơ của tôi. Bây giờ tôi vẫn còn mê huyền học Ngụy Tấn, nhưng tôi lại tự cho đã luồn ra được đàng sau cái “huyền học” kinh khiếp kia nên tôi tạm bình tĩnh hơn. Có lẽ cũng nhờ vậy mà hai mươi mấy năm trước tôi bị mổ sọ não và bác sĩ y khoa tuyên bố não của tôi rổng rang chẳng có gì để “chỉnh lý” nữa cả! Tôi thoát án tử, vẫn sống nhăn và vẫn đang có “âm mưu” làm Thánh Ca 2. Chúng ta hãy chờ vậy được không ông Đặng Phú Phong? (cười) Tôi là kẻ tự học, đọc đủ mọi thứ sách tạp pí lù đông tây kim cổ chẳng có hệ thống gì ráo, nên trả lời ông loạn xà ngầu, nửa đầu nửa đuôi cộng lại thành đười ươi(cười). Nếu có lỡ mồm lỡ miệng , xin ông rộng lòng tha thứ!.
Cuối tháng 7/08.

Thứ Năm, 26 tháng 2, 2009

THƠ LÊ HẠNH VÂN

Tranh Đinh Cường Bóng chiều qua

Ta chờ
bóng chiều qua
như đời mình
lặng lẽ

Ta chờ
bóng chiều qua
trong muôn trùng
quạnh quẻ

Ta chờ
mãi ăn năn
lời cùng người từ biệt

Bóng chiều
bóng chiều qua
một thoáng
mộng
phù hoa

Bóng chiều
bóng chiều qua
vạn dặm mối tình xưa
(2006 )

Thời gian
Thời gian
Thảnh thót
Nhẹ nhàng
Xuân hạ thu đông
Man mác
Như làn gió
Dịu dàng
Quay đi ngoảnh lại
Tàn tạ dung nhan
Buông lơi
Phiếm tơ đàn
Bàng hoàng
Như trận cuông phong
Cuốn đi tất cả
Tuổi thanh xuân

Mơ màng
(2004)

Thứ Tư, 25 tháng 2, 2009

THƠ TƯỜNG LINH

Nghìn sau nước mắt

Em làm hỏng một bài thơ
Ðò ngang gác mái bên bờ sông mưa
Tiếng gà lay vắng thôn trưa
Nhớ xao mặt sóng, buồn đưa vào hồn
Sông quanh bèo dạt qua cồn
Lạnh trùm quán bến, mưa dồn bãi xa

Em làm hỏng một bài ca
Liễu hồ xưa úa theo tà áo xưa
Một cung nối mãi âm thừa
Trái ngang tiết điệu lại vừa bốn cung!
Đàn buông một tiếng tơ chùng
Xốn xang tiếng nấc cả vùng biển đau!

Ta làm hỏng một đời nhau
Rêu phong nét đá dàu dàu trăng soi





Thứ Ba, 24 tháng 2, 2009

NHÀ VĂN DƯƠNG ĐÌNH HÙNG TRIỂN LÃM...

Triển lãm
ảnh nghệ thuật

THIÊN NHIÊN VÀ ĐỜI SỐNG
Nhân chào mừng Ngày Thầy Thuốc Việt Nam 27-2,bác sĩ Dương Đình Hùng ,Hội viên hội Nhà văn,Hội viên hội Mỹ thuật Tp Hồ Chí Minh ,tổ chức Triển lãm ảnh nghệ thuật với chủ đề THIÊN NHIÊN VÀ ĐỜI SỐNG gồm Dấu tích trên đá cát;Lộ trình mây mưa;Mùa biển báng trên chất liệu vải bố(canvas) và giấy tại Hội Nhiếp ảnh Tp Hồ Chí Minh,122 Sương Nguyệt Anh,quận 1.
Triển lãm mở cửa vào lúc 17 giờ 30 ,thứ Năm 26 tháng 02 năm 2009(nhằm ngày mùng 2 tháng Hai năm Kỷ Sửu.)

Với cái nhìn của một họa sĩ và tâm hồn của một nhà thơ,Dương Đình Hùng đã biến những bãi cát ,hòn đá,mây mưa ,biển ,đồi... thành những tác phẩm nghệ thuật đầy chất lãng mạn với một giá trị thẩm mỹ cao,nói một cách khác anh đã thả cái hồn hội họa và thơ vào nghệ thuật nhiếp ảnh.
Bạn bè và thân hữu xin chúc mừng anh.

Thứ Hai, 23 tháng 2, 2009

CHUYỆN ĐẦU TUẦN - GIÁ TRỊ MỘT CUỐN SÁCH

Nhà nghiên cứu
TRẦN ĐÌNH SƠN
ra mắt tác phẩm
Thưởng ngoạn
đồ sứ ký kiểu
thời Nguyễn 1802-1945

Sáng ngày 22-2-2009,tại nhà hàng Phú Xuân đường Đinh Tiên Hoàng,quận 1 ,thành phố Hồ Chí Minh ,nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn tổ chức ra mắt cuốn sách mang tên Thưỏng ngoạn đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn 1802 - 1945.Sách in trên giấy trắng đep,trình bày song ngữ Anh Việt,nhà xuất bản Văn Nghệ ấn hành.

Về nhan đề cuốn sách,theo nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn,cụm từ "đồ sứ ký kiểu" lần đầu tiên được dùng thay cho "đồ sứ men lam Huế" vì cụm từ này không có nguồn gốc tên gọi từ chính người Việt mà là cố học giả Vương Hồng Sển dịch từ tên "bleus de Huế"của học giả người Pháp say mê các đồ sứ triều Nguyễn.Trong khi đó,tên gọi do chính tiền nhân chúng ta đặt là " đồ kiểu" ,"đồ mẫu" , "đồ ký kiểu".Và trong Đại Nam Quốc âm tự vị (1895),nhà biên khảo Huỳnh Tịnh Của cũng có giải thích về chữ "đồ ký kiểu"là đồ làm theo kiểu mình gửi.
Tìm một cụm từ để có thể diễn tả đầy đủ các chủng loại đồ sứ do người Việt gửi kiểu mẫu đặt làm ở nước ngoài dưới 2 triều Lê - Nguyễn, tác giả đã chọn tên "đồ sứ ký kiểu" và đã công bố cách đây 15 năm-khoảng thời gian đủ cho một thuật ngữ mới được chấp nhận và đi vào đời sống.
Đúng như tên sách,Thưởng ngoạn đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn 1802-1945 giúp người đọc bước vào một "bảo tàng" di sản có hệ thống khoa học,mở rộng về những hiểu biết về lịch sử,văn hóa dân tộc qua từng hiện vật .Từ những hình ảnh trang trí trên đồ sứ ta được thưởng thức những bài thơ nôm,chữ viết của mỗi thời đại thịnh suy,gu thẩm mỹ của người xưa
Chén thời Minh Mạng có đề tài
trang trí hoa mai và chim hạc.
Đề thơ Nôm:
Nghêu ngao vui thú yên hà/
Mai là bạn cũ,hạc là người quen.

Thứ Bảy, 21 tháng 2, 2009

THO NGUYEN MIEN THAO


HƯ VÔ MỘT CÕI PHIÊU BỒNG
Tặng Nguyễn Đức Sơn

Hư vô một cõi phiêu bồng
Dòm - vô -trong , thấy đỏ lòm tử sinh
Giật mình ta tự hỏi mình
Mai sau nhân thế thật tình ra sao?

Thứ Năm, 19 tháng 2, 2009

TRANG VĂN NGÀY CŨ - SỐ 11

Lão Thi sĩ
NGUYỄN
ĐỨC SƠN,
Hư vô một cõi
phiêu bồng

Trước năm 1975,giới văn học miền Nam xếp thi sĩ Nguyễn Đức Sơn là một trong 4 quái kiệt của làng văn thời đó: Bùi Giáng,Nguyễn Đức Sơn,Thế Phong,Phạm Công Thiện,vừa tài năng vừa ...quậy.Xin hiểu quậy ở đây có nghĩa là khác người đại để như N Đ Sơn ra biển nằm vọc c...,Bùi Giáng chui xuống gầm cầu Trương Minh Giảng(sát bên Viện Đại học Vạn Hạnh,nay là trường Đại học Sư phạm)ăn ...phân.
Cũng có một sắp xếp khác thuần văn học hơn mà thi sĩ Nguyễn Đức Sơn cũng là một trong tứ trụ thi ca của miền Nam : Bùi Giáng,Nguỵễn Đức Sơn,Thanh Tâm Tuyền,Tô Thuỳ Yên.Với sư sắp xếp của làng văn miền Nam thời đó hoàn toàn vô tư , trong sáng , không dựa trên quyền uy , chức tước,bè phái,điếu đóm như bây giờ mới thấy chỗ ngồi của Nguyễn Đức Sơn trên chiếu văn sáng như Sao Trên Rừng.

Thi sĩ Nguyễn Đức Sơn ,bút hiệu Sao Trên Rừng,gốc Thừa Thiên Huế.Sinh năm 1937 tại Ninh Chữ,Ninh Thuận (Phan Rang).Ông từng theo học tại Đại học Văn khoa Sài Gòn nhưng nửa chừng bỏ học.Trong lý lịch trích ngang trong tập thơ Những Bài Tình Đầu ,ông viết :Sống vô gia cư,chết vô địa táng ,và tuyên bố : Nếu trường Đại học Văn khoa Sài Gòn sản sinh ra được một nhà văn nhà thơ nổi tiếng tôi xin chịu chặt đầu.

Trước năm 1975 ,ông đã cho ra đời nhiều tác phẩm thơ,truyện ngắn nổi tiếng :Những Bài Tình Đầu,Đêm Nguyệt Động,Mộng Du,Cái Chuồng Khỉ,Cát Bụi Mệt Mỏi...Các tác phẩm của ông đều do Nhà xuất bản An Tiêm (Tỳ kheo Thích Thanh Tuệ) in ấn và phát hành.
Ông ở nhiều nơi Phan Rang,Sài Gòn,Bình Dương-Thủ Dầu Một,Blao-Lâm Đồng và sinh sống bằng nghề dạy học.
Sau năm 1975 đến nay,ông về ở tại Phương Bối Am,Blao-Lâm Đồng,cách ly với sinh hoạt văn học.Ông nổi tiếng là lão thi sĩ vạn thông (vì ông trồng một vạn cây thông) với biệt danh Sơn Núi.

Nhà văn Võ Phiến,một nhà văn nổi tiếng đứng đắn và cực đoan đã có nhận xét độc đáo và thú vị về Nguyễn Đức Sơn :


"Hầu hết những ai bắt đầu xun xoe vào làng văn đều muốn tỏ ra khác người, nghĩa là ngông nghênh. Để có thể tha thứ những bậy bạ hư hỏng ở một kẻ nào, ta tắc lưỡi kêu: hắn trót có tí " máu văn nghệ "trong người. Trong đám văn nghệ với nhau thì nhố nhăng nhất phải thú thật là những chàng thi sĩ. Một nhà nho như ông Tản Đà mà để xứng danh thi sĩ ông cũng làm trò con nít: gửi thư lên chị Hằng, gánh thơ đi bán chợ trời v.v..Còn Chế Lan Viên thì thấy trăng sáng vội kêu: " Ta cởi truồng ra, ta cởi truồng ra ". Nguyễn Đức Sơn không cần phải làm như thế. Hãy xem cốt cách của ông: điềm nhiên giản dị hơn biết bao:
đầu tiên tôi thở cái phào
bao nhiêu phiền não như trào ra theo
nín hơi tôi thở cái phèo
bao nhiêu mộng ảo bay vèo hư không...
( Một mình nằm thở đủ kiểu trên bờ biển )
Cứ thế ông thở " đủ kiểu ". Rồi qua một bài thơ khác ông lại " khoái trí nằm thở nữa ".Một đằng cố gắng làm ra lạ đời nên phải cởi truồng, phải chọc trời ghẹo trăng cho to chuyện; một đằng vốn có bản lĩnh tự nhiên, nên chỉ nằm mà thở thong thả cũng đủ độc đáo chán. Trong thơ, ta đã mấy ai nghe những tiếng thở cái phào cái phèo ngang tàng như vậy? ( Nhất là đọc cho đến hết bài " thở đủ kiểu " ta giật mình thấy không phải đó là cái ngông vô cớ, ta không ngờ những hơi thở ấy lại đưa ta đi xa đến thế ).Khi Chế Lan Viên muốn cho khác thường, ông đòi: " Hãy cho tôi một tinh cầu giá lạnh ", còn Nguyễn Đức Sơn thì chẳng xin một tinh cầu nào, cứ việc nằm ngay trên bờ biển mà vọc c...Khi Chế Lan Viên muốn tỏ ra ngông, ông đòi cởi truồng để tắm trăng; còn Nguyễn Đức Sơn thì lại lăn cù trên bờ biển, rồi ngủ quên trên bờ biển, nửa khuya bị mưa ướt, thức dậy tự hỏi mình: " đã đời chưa con? ". ( Trích " Văn học miền Nam " của Võ Phiến. )

THƠ NGUYỄN ĐỨC SƠN

HÀNH ĐỘNG

các em hãy cùng công kênh trái đất
dang chân dài lấy thế trước hư vô
anh núp rình sợ thần thánh về xô
dành tác phẩm muôn đời to lớn nhất.

BẮT ĐẦU THỞ

bắt đầu thở là bắt đầu hạnh phúc
không bao giờ anh nói dối em đâu
ôi bất động ngàn năm thân gỗ mục
cửa tồn sinh em hãy mở cho lâu.

THI SĨ

khi ý thức mặt đất này dang dở
ta vội chìm trong bóng nguyệt mang mang
khi chấp nhận một ngàn lần đổ vỡ
ta một hồn đắm đuối giữa tan hoang.

TÔI THẤY MÂY RỪNG

một ngày đau khổ chín trong tôi
tôi đến bên cây lẳng lặng ngồi
cây thả trái sầu trên nước lắng
mặt hồ tan vỡ ánh sao trôi

thôi nhé ngàn năm em đã qua
hồn tôi cô tịch bóng trăng tà
trời sinh ra để chiều hôm đó
tôi thấy mây rừng bay rất xa

QUÊ HƯƠNG

tháng bảy dì về đơm nhãn
nhớ mang ra ít giạ chiêm
ruộng xưa cò bay thẳng cánh
gặt hái vừa độ trăng liềm

mười mấy năm rồi dì nhỉ
lạc loài xa mãi cố hương
giờ đây ngồi mà suy nghĩ
lòng dạ ai người không thương

quê mình ai còn ai mất
đi rồi gươm súng mùa thu
khóc mãi từng đêm lưu lạc
nói ra thêm oán thêm thù

ngỏ về làm sao ngài ngại
xe cộ có dễ dàng không
kháng chiến người đi chưa lại
lúa khô héo cả ruộng đồng

ông ngoại chắc già ghê lắm
mấy người dì nữa nhưng thôi
đất cằn quê hương nứt rạn
kể thêm đau lòng dì ơi

dù sao cũng là xứ sở
đói nghèo đừng lạt tình thương
mười năm không cúng không giỗ
dì về ấm lại khói hương

tháng bảy dì về đơm nhãn
nhớ mang ra ít giạ chiêm
ở đây làm gì có bán
thấy người ta ăn bắt thèm.

MAI KIA

Mai kia tan biến hận thù
Giữa đêm sao chiếu mịt mù phương đông
Cha về ôm cả biển sông
Duỗi chân duỗi cẳng nằm không một đời
Cho con cha hứa một lời
Đuổi mây thiên cổ rong chơi suốt ngày
Thu nào tóc bạc òa bay
Có con chỉ trỏ mới hay tuổi già
Cúi hôn trời đất đậm đà
Cha tan theo bóng trăng tà vạn niên

ĐỐT CỎ NGOÀI RỪNG

Xem cha đốt cỏ ngoài rừng
Nâng niu mẹ ẵm theo mừng không con
Có vài chiếc lá còn non
Gió xua lửa khói nổ giòn trên không
Nắng tà trãi xuống mênh mông
Bước theo chân mẹ cha bồng hư vô

NHÌN CON LẬP TẬT

Nắm tay lật úp đi con
Co thân tròn trịa như hòn đá lăn
Muốn cho đời sống không cằn
Tập cho quen mất thăng bằng từ đây

TRÊN BỜ HƯ KHÔNG

một đêm sao ở trên rừng
đua nhau rụng xuống chào mừng nhân gian
hồn tôi cây cối liên hoan
rưng rưng tôi thấy trăm ngàn ước mơ
tuổi vàng suối mộng trời thơ
lớn lên tôi chết trên bờ hư không.

ĐÊM KHƠI

lênh đênh thuyền giạt xa miền
nửa đêm bừng tỉnh man thiên một trời
trông lên thượng đế đi rồi
hỏi mây thái cổ con người vân vi
lối mòn cỏ mộ xanh rì
ngoài ra kìa chẳng có gì nữa sao
đảo buồn thổi gió lao xao
ngàn xưa còn tiếng thì thào biển khuya

NGHE TIẾNG GÀ RỪNG GÁY

chợt nghe tiếng gáy rụng rơi
khóc lên tang hải giữa trời tha ma
từ sương mai đến ác tà
khuất trong thiên cổ dấu gà hiển linh.

MỘT TÂM ẢO TƯỢNG

xe chênh bánh giữa luân hồi
ưu bi chở ngập bên trời bao la
ngày chưa sụp bóng ta bà
đã nghe chừng Hội Long Hoa đến rồi
một ngài Di Lặc xa xôi
một tâm ảo tượng tôi ngồi thâu đêm
.

NGÀN SAU

về đây say với trăng ngàn
phiêu diêu hồn ngập giấc vàng đó em
trăm năm bóng lửng qua thềm
nhớ nhung gì buổi chiều êm biến rồi
mai kia tắt lửa mặt trời
chuyện linh hồn với luân hồi có không
thái hư chừng sắp chuyển vòng
đại dương tràn kéo núi đồng tan đi
chúng ta chờ ước mong gì
văn minh gửi cát bụi về mai sau..

(Từ bài Trên Bờ Hư Không đến bài Ngàn Sau
trích trong Những Bài Tình Đầu, tập 3: Lời Ru).

Thơ Nguyễn Đức Sơn
(Đăng trên Tạp chí ĐỐI DIỆN,tháng 5.1971)


NHỮNG BUỔI TRƯA CÂM

từ hôm lính trói anh về
chuông tù réo gọi não nề thân tâm
bịt bùng những buổi trưa câm
anh thường náo nức được đâm mặt trời
(kỷ niệm Tổng nha,trại B phòng 17,ngày 28.5.1968)

CHÚT LỜI THỞ THAN

mỗi ngày cúi xuống hạt cơm
anh nghe thấu một mùi thơm lạ lùng
cắn đôi hạt muối thường dùng
biết ơn trời đất vô cùng em ơi
trăm năm ta sống một đời
ngàn năm gửi lại chút lời thơ than
(kỷ niệm Tổng nha,trại c,phòng 36,5.6.1968)

NÓI VỚI QUÁN THẾ ÂM
Kính gửi hương linh Sư Bác,nhà sư Việt Nam đầu tiên
Đi Tây Tạng về và là một trong những nhà sư
kháng chiến nổi danh của miền Nam

cho con xin một chút trăng
đêm nay mười bốn phải chăng khởi đầu
trên cao toả sáng nhiệm mầu
sao con chỉ thấy địa cầu tối om
bốn bên súng chĩa đen ngòm
thiết tha tâm Phật con dòm vô trong
(kỷ niệm trại c quên phòng quên ngày)

SỰ THẬT

năm thằng ngột thở trong phòng
năm thằng tù nữa muốn thòng cổ ra
căn phòng thước sáu nhân ba
thầy chú bắt được chết cha chúng mày
(kỷ niệm Tổng nha,trại B,phòng17,26.5.1968)

KỶ NIỆM BÌNH DƯƠNG

những chiều sẩm tối anh về
em ra lớp dạy đi kề vai anh
một thân áo cánh mong manh
hôn nhau lệ nhỏ trung thành cho nhau
cầm tay ta bước đi mau
hình như bố ráp đằng sau xóm này
nhìn nhau bụng trống một ngày
mà sao hạnh phúc giăng đầy nhà thôi
nửa khuya sao chiếu xa vời
ở trong thiên cổ anh ngồi bên em
(Kỷ niệm Tổng nha,trạiB,phòng 17,24.5.1968)

LẠI CHUYỆN THẬT

người tù thổ huyết chết tươi
tên y tá đến đứng cười nhe răng
một mình y nói rất hăng
mười lăm phút nữa có băng ca rồi
(kỷ niêm Tổng nha trại B,phòng 17,26.5.1968)

CHUYỆN NGÀY XƯA

nửa đêm thức dậy nấu chè
lim dim hai mắt ai dè rất ngon
gọi em giấc mộng vuông tròn
trăm năm bếp lửa chưa bòn đâu em
(kỷ niệm Tổng nha trại B , phòng 17,24.5.1968)

BẦU TRỜI NGÀY MAI

trời sinh ta có tay chân
đẹp hơn đôi cánh thiên thần biết bao
phi thuyền tăm tắp trăng sao
ta cùng đứng dậy nghiêm chào hư không
bơi trong thế giới đại đồng
tay ôm trời rộng tay bồng thân em
(kỷ niệm Tổng nha trại C ,phòng 36,5.6.1968)

NHỚ CHÙA XƯA
Thân kính tặng cô Sáu,Tây Tạng Tự Bình Dương,
một trong những người đàn bà hiếm hoi và lạ lùng nhất
tôi đã gặp trên cõi ta bà này

bao giờ trở lại chùa xưa
viếng thăm cây cỏ cho vừa lòng nhau
trưa nằm nghe chút thương đau
tan theo mây trắng phau phau trên đồi
(Kỷ niêm Tổng nha,trại B,phòng 17,28.5.1968)

Thơ Nguyễn Đức Sơn
(Đăng trên Tạp chí TRÌNH BẦY số 18,ngày 22.4.1971)

CÁM ƠN TÙ
(tặng Võ Sỹ Khải,quen nhau ở trại C)

cám ơn ghẻ mọc đầy mình
cám ơn bệnh hoạn chung tình với ta
cám ơn dái tróc đầy da
cám ơn tù dẫn tôi ra khỏi đời
cám ơn tất cả xa rồi
hôm nay tôi thấy tôi ngồi bên tôi
(kỷ niệm Tổng nha,trạiC,quên phòng,quên ngày)

CHÒM XÓM CŨ

có ai về được Bình Dương
hỏi thăm hàng xóm có thường hay không
đêm đêm bom tưới đầy đồng
những oan hồn cụ bế bồng đi đâu
(kỷ niệm Tông nha ,trai B,phòng 17,27.5.1968)

NẰM MỘNG TRONG TÙ

bên trong khung cửa sắt này
anh ngồi đếm lại từng ngày xót xa
đêm qua mơ trốn về nhà
ôm em ngủ suốt canh tà với trăng
(kỷ niệm Tổng nha,trại B,phòng 17,22.5.1968)

HOÀI CẢM

những ngày anh sống bên em
những trưa tóc ngủ êm đềm biết bao
những lần em ốm xanh xao
những oan khiên dẫn anh vào đau thương
những đêm hạnh phúc vô lường
đố em cây cỏ bên đường biết không
(kỷ niệm Tổng nha,trại B,phòng 17,22.5.1968)

SAU KHI TẮM

sáu mươi thằng đứng tồng ngồng
xoay qua trở lại đừng hòng nghe con
chúc cho thân thể chết mòn
để xem thần trí mày còn hay không
(kỷ niệm Tổng nha,trại C,quên phòng ,quên ngày)

Thơ Nguyễn Đức Sơn chép theo trí nhớ

1
Thở hổn hển là bắt đầu sướng nhất
Cỏ cây nằm im bẹp giữa hôn mê
Giường tre cũng rung rinh như trái đất
Nên suốt đời tôi thích ở nhà quê

2
Năm mười sáu có lần anh ngó thấy
Em ở truồng ngoe nguẩy cuối vườn trăng
Hồn thảo dã trong anh vừa thức dậy
Suốt bầu trời ướt mượt cả lông măng

3
Mai sau bé lớn làm chi
Trăm năm đừng có lo đi lấy chồng
Nhớ lời ta dặn nghe không
Vạn năm đừng có lấy chồng lam chi
Làm chi trên thế gian ni
Triệu năm đừng có lo đi lấy chồng
Rủi ro tay bế tay bồng
Sao bằng ôm cả trời hồng đi chơi

Thứ Tư, 18 tháng 2, 2009

NHUẬN ƠI , BÌNH YÊN !

Hs H Đ Nhuận bên tác phẩm của anh
Hoạ sĩ
HOÀNG
ĐĂNG NHUẬN

nhập viện

Sáng nay ,nhà thơ Viêm Tịnh rồi hoạ sĩ Lãng Hiển Xuân điện thoại cho biết hoạ sĩ HOÀNG ĐĂNG NHUẬN phải nhập viện từ chiều hôm qua sau một cơn huyết áp tăng cao.Hiện anh đang cấp cứu tại Khoa tim mạch Bệnh viện Trung Ương Huế,phòng 321,tay trái bị liệt nhẹ,tập thể Y,Bác sĩ đang tận tình cứu chữa.Cầu mong Anh sớm bình phục để tiếp tục đùa chơi với màu sắc và đường nét

Hoạ sĩ Hoàng Đăng Nhuận sinh năm 1942 tại Huế,hội viên Hội Mỹ Thuật Việt Nam.Anh là một trong số ít hoạ sĩ của Huế thành danh khá sớm và nổi tiếng một thời tuổi trẻ lang bạt kỳ hồ.
Đến nay hoạ sĩ Hoàng Đăng Nhuận đã có 16 lần triển lãm cá nhân; Tham gia triển lãm tranh ở các nước Ba Lan,Đức, Anh, Liên Xô, Tiệp Khắc, Nhật Bản, Hàn Quốc; Triển lãm với Đinh Cường tại Đà Nẵng (1971); triển lãm với Rừng tại Sài Gòn (1972); triển lãm tranh cá nhân tại Mỹ (1973); Triển lãm với Bửu Chỉ tại Huế-Hà Nội (1987-1989); 2 lần triển lãm cá nhân tại Paris (1990); Triển lãm với Dương Đình Sang tại Huế (1991); Triển lãm tại Hồng Kông, Triều Tiên, Singapore với Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Trung, Bửu Chỉ , Trịnh Cung, Trần Lưu Hậu, Đặng Xuân Hòa, Nguyễn Quân, Trần Trọng Vũ; Triển lãm với Bửu Chỉ tại TP.Hồ Chí Minh (1997); Triển lãm với Lê Phổ, Nguyễn Tư Nghiêm, Lưu Công Nhân, Trần Lưu Hậu, Nguyễn Trung, Bửu Chỉ, Đỗ Hoàng Tường, Lê Quảng Hà tại Gallery Vĩnh Lợi (1998); Triển lãm với Đặng Xuân Hòa tại Singapore, Mai Gallery (2000); Triển lãm với Nguyễn Duy Linh, Phạm Đại, Lê Thừa Tiến, Nguyễn Thiện Đức, Dương Đình Sang tại Gallery Sông Hương, Huế (2001); Triển lãm Mỹ thuật đương đại Việt Nam do Sở Du lịch Quảng Nam tổ chức; Triển lãm với Nguyễn Tấn Cương, Nguyễn Quân, Hồ Hữu Thủ, Nguyễn Lâm, Trịnh Thanh Tùng, Lê Thánh Thư, Lâm Triết, Lim Kim Katy do Hội Mỹ Thuật TP.Hồ Chí Minh tổ chức; Triển lãm tại Trung tâm Văn hóa Pháp-Huế (2005). Tranh của họa sĩ Hoàng Đăng Nhuận đã có trong Viện Bảo tàng Mỹ Thuật Việt Nam và Singapore cũng như trong các bộ sưu tập tư nhân ở Á Châu, Âu châu và Bắc Mỹ.

Sau một thời lang bạt,hs Hoàng Đăng Nhuận về định cư ở Huế ở tại Galery Chiêu Ê,căn họa thất vừa mới được sửa sang trong dịp Tết Kỷ Sửu vừa qua.

Thứ Ba, 17 tháng 2, 2009

NHỮNG SỰ KIÊN VĂN HỌC ĐANG XẨY RA Ở HUẾ

Tranh Hồ Thành Đức

Nhà văn
Nguyễn Đặng Mừng
ra mắt Tập truyện ngắn
Bóng Chiều Hôm

Nhà thơ Nguyên Quân
trình làng tập thơ mới
Thơ Viết Bên Hộ Thành Hào


Sáng ngày 17-02-2009,tại Hội trường Tạp chí Sông Hương ,nhà văn Nguyễn Đặng Mừng đã ra mắt tập truyện ngắn Bóng Chiều Hôm dưới sự bảo trợ của Hội LH VHNT,Hội Nhà văn Thừa Thiên-Huế.
Tâp truyện ngắn Bóng Chiều Hôm ,Nhà xuất bản Hội Nhà văn ,lời giới thiệu Nhà văn Tô Nhuận Vỹ,lời bạt nhà văn Đặng Tiến .
Đến dự buổi ra mắt có giới lãnh đạo VHNT Thừa Thiên - Huế,các nhà văn ,nhà thơ,hoạ sĩ : Đặng Mậu Tựu,Phạm Nguyên Tường,Hồ Đăng Thanh Ngọc,Bủu Ý,Tô Nhuận Vỹ,Đặng Tiến,Phạm Tấn Hầu,Viêm Tịnh,Trần Thuỳ Mai,Lâm thị Mỹ Dạ,Nguyên Quân,Nguyễn Thiền Nghi,Trần Bá Đại Dương ,Cao Hữu Điền và đông đảo hội viên Hội Nhà văn,bạn bè thân hữu và gia đình nhà văn .
Được biết nhà văn Nguyễn Đặng Mừng đang sống và làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh,anh cũng là chủ quán RẤT HUẾ toạ lạc tại 28/2D đường Thanh Đa,phường 27,quận Bình Thạnh ,nơi gặp gỡ của những người Huế xa xứ...

Nhà thơ Nguyên Quân lại in thơ

Dù kinh tế cả thế giới đang suy thoái,đầu năm Kỷ Sửu 2009,nhà thơ Nguyên Quân tiếp tục trình làng tập thơ THƠ VIẾT BÊN HỘ THÀNH HÀO với gần 40 bài thơ mới toanh.Tập thơ được nhà thơ Hải Trung vẽ bìa và trình bày sang trọng,Nhà xuất bảnThuận Hoá cấp phép.
Thơ có vấn đề đấy.Đọc đi !

Thơ Nguyên Quân

Chiều ga núi
Người gác ghi già đưa tay lên
chiếc đèn thuỷ tinh nghiêng màu đỏ thẫm
chuyến tàu chợ dừng sân ga núi
dưới chân người dốc biển trượt hoang sơ
hoa trắng dại lênh lang bọt sóng
hồi còi dừng cay cay khói thuốc

Người đàn bà đi bán buổi cơm chiều
tiếng rao khàn không gợn mùi bếp ấm
những chiếc đĩa sứ bao lần lên men
đùng đục vệt môi người
chị dừng chân ngàn lần sân ga núi
hạnh phúc cỏn con vung vẫy cánh chiều
đôi bàn chân chai sần giữa hai bờ khánh kiệt
biển bạc nhàu - vách núi dựng xanh xao

Người gác ghi già đưa tay lên
chiếc đèn thuỷ tinh nghiêng về phía gió
âm thanh xẫm mù trượt trôi từng ô cửa
tôi níu tay
bâu áo mục bao giờ.


Thứ Hai, 16 tháng 2, 2009

CHUYỆN ĐẦU TUẦN - TRÁI ĐẤT ẤM LÊN NHANH HƠN...


Trái đất ấm lên nhanh hơn so với dự báo

Trái đất ấm lên làm nhiều con sông bị khô cạn.Đó là cảnh báo của giáo sư Christopher Field, nhà khoa học hàng đầu của Ủy ban Liên Chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) của Liên hiệp quốc.

Phát biểu tại hội nghị khoa học cuối tuần qua ở thành phố Chicago, Mỹ, giáo sư Field khẳng định dự báo nhiệt độ toàn cầu sẽ tăng từ 1,1 độ C tới 6,4 độ C trong vòng một thế kỷ tới, theo như báo cáo năm 2007 về biến đổi khí hậu, là quá thấp.
Ông nhấn mạnh một trong những nguyên nhân khiến Trái đất ấm lên nhanh chóng là lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính ở những nước đang phát triển như Trung Quốc và Ấn Độ tăng mạnh. Các số liệu mới nhất chứng tỏ lượng khí thải nhà kính trong giai đoạn 2000 - 2007 tăng nhanh hơn dự kiến nhiều lần.
Theo giáo sư, Trái đất ấm lên sẽ khiến rừng nhiệt đới khô cằn và dễ xảy ra cháy rừng. Nhiệt độ tăng cũng làm nguy cơ băng tan cao hơn và lượng carbon trong không khí cũng vì vậy mà cao lên.
Trước đây, một công trình nghiên cứu toàn diện của nhóm các nhà khoa học quốc tế, đứng đầu là IPCC, cho rằng sự nóng lên của Trái đất là nguyên nhân làm thay đổi hàng chục ngàn hệ sinh thái và quá trình hoạt động của nhiều loài động thực vật.
Công trình nghiên cứu này dựa trên số liệu phân tích 30.000 hệ sinh học và lý học trong khoảng thời gian từ năm 1970 trở lại đây, trong đó có sự vận động của 829 hiện tượng vật lý và hoạt động của 28.800 loài sinh vật.
( Theo Tuổi Trẻ Online)

Chủ Nhật, 15 tháng 2, 2009

CHÚC MUỘN


CHÚC MUỘN NGÀY LỄ TÌNH NHÂN

Sáng sớm ngày 15-2 VVLộc gọi hỏi thăm sức khoẻ ra răng,thì ra sáng sớm mở blog không thấy có gì hết nên lo lắng.Cám ơn ông bạn thân thiết,thú thật còn rất mệt ,ngồi trước máy khoảng 10 phút là chóng mặt vì theo phiếu điều trị thì xuất huyết trên trung binh,bác sĩ yêu cầu tiếp máu nhưng sợ vô máu lạ đành thôi.Gần 8 giờ Viêm Tịnh gọi cũng sức khoẻ thế nào.Mở blog thấy 2 nhận xét của Tin Văn và Hoàng Lộc sau khi đoc tin xuất viện.Chờ nhận xét của ông bạn thân C T Châu để trả lời luôn thể mà chưa thấy. Ông Tin Văn đòi bào chế rượu tình nhân dù có thủng ruột thủng tim cũng chơi tới bến,ông bạn Hoàng Lộc thì xin can để còn sống mà yêu.Ta thì đang bâng khuâng đứng giữa hai dòng nước,chọn một dòng hay chọn cả hai...Thôi để ông C T Châu chọn giùm vậy
Nhân đây mượn bài thơ Hoàng Lộc như lời chúc muộn nhân ngày lễ tình nhân 14-2 :
CHÚC CÁC BẠN YÊU KHOẺ VÀ KHOẺ ĐỂ YÊU

Hoàng Lộc

thỏ thẻ tình nhân

ôi gã tình nhân gần đất xa trời
cầm trái tim thơ dật dờ cuối biển
con mắt mờ sương nhập nhoà điểm hẹn
một tiếng thở dài suốt cõi nhân sinh

ta mãi hoài đi cho hết đời tình
em vẫn chờ trông nhọc nhằn mộng mị
còn chiếc giếng nào thơm hồn Trọng Thuỷ
khi áo Mỵ Châu trắng rợp đường về ?

có những làn hương khốn khổ chia ly
từ những loài hoa chưa từng nở kịp
ta ngó vầng trăng lo tình mù biệt
em vẫn ngạt ngào bên cửa trăm năm

ơn của nổi chìm - già đầu tình nhân
tóc phất phơ reo trong chiều biển động
thế, hình em đâu ? cho ta chiếc bóng
để được yên vui khi phải xa trời ...

Thứ Sáu, 13 tháng 2, 2009

RA KHỎI NHÀ THƯƠNG

Xuất viện

Thế là đúng 1 tuần ở bệnh viện.Dạ dày bị xuất huyết do rượu và thuốc giảm đau vì uống liều lượng gấp đôi,vô Saigon chơi thêm một ngày,thế là xẹp lốp.Hai lần tới cửa thiên đàng và địa ngục lại trở lui.Quá tam ba bận,chờ xem.Hỏi cô bác sĩ điều trị có cái tên rất thơ Nguyễn thị Mây Hồng lành bệnh có uống rượu được không,bác sĩ chỉ cười.Cầm giấy xuất viện và phiếu điều trị câu cuối đập vào mắt là :Tuyệt đối cấm rượu.Ngày ra viện đúng ngày thứ Sáu,Mười Ba,đúng là xui xẻo.Nghe đâu ông bạn thơ của tôi Lê Ngọc Thuận có ngâm loại rượu rắn đàn bà,có thủng ruột một lần nữa cũng phải xin uống vài chung xem sao.Bây giờ thì còn mệt lắm.Xin chào.

Thứ Sáu, 6 tháng 2, 2009

TRANG VĂN NGÀY CŨ - SỐ 10

Nhà thơ
TRẦN DZẠ LỮ,
Kẻ di hành trong gió bụi buồn tênh


Nhà thơ Trần Dzạ Lữ tên thật Trần văn Duận,sinh năm 1949 tại Huế.Bắt đầu làm thơ từ năm 1960 và có thơ đăng trên các báo văn học ở miền Nam trước năm 1975.Năm 1989 xuất hiện trở lại trên các tạp chí văn học ở Sài Gòn và các tỉnh.Năm 1995 ,nhà thơ trình làng tập thơ Hát Dạo Bên Trời và sẽ xuất bản tập thơ Gọi Tình Bên Sông,Thơ Trần Dzạ Lữ,Thánh Đoạ và tập tuỳ bút Thơ ca,Âm nhạc,Hội hoạ và Tôi.Nhà thơ Trần Dzạ Lữ sống phiêu bạt với thơ,như người tình chung thủy trong gió bụi buồn tênh mà theo Trần Dzạ Lữ là kẻ chực chờ đâm sầm vào bến bờ hạnh phúc...

KHI QUA DỐC MẠ ƠI Ở BA LÒNG

Trong đám đi tìm trầm
chốn thâm sơn cùng cốc
có người là nông dân
bỏ cày lên mạn ngược
có kẻ ở thị thành
bẻ bút làm hảo hớn
cũng có "anh hùng tận"
vác rựa lên sườn non
có tay đời lận đận
tìm kiếm phút huy hoàng
lại có người là thánh
có kẻ là ma vương

tất cả đều thượng sơn
cô hồn chung một lũ
ngày rừng chan mưa lũ
râu tóc ướt phiêu bồng
nói chung, đám tìm trầm
vì đói cơm rách áo
người yêu coi như không
vợ con như gió thoảng
chiều nay, qua Ba Lòng
vì đâu, mà thương nhớ
đâu phải giò phong lan
tim tím chiều mắt ngó?
cũng không phải chùn chân
trước núi rừng muông thú
nhưng mà, cả binh đoàn
đều rưng rưng nước mắt
lúc leo qua con dốc
có tên là Mạ Ơi
dốc còn cao mong đợi
tình còn sầu chơi vơi

riêng ta, thì em ơi
nhớ miền Nam tha thiết
Sàigòn có em biết
nỗi đau của mưa rừng?
không ngãi cũng tìm trầm
đó là điều có thật.

CHIỀU GIA KIỆM

Nép mình bên cửa giáo đường
Ta chờ em giữa vô thường trần gian
Mắt nai trôi giữa hồi chuông
Hồn ta trôi giạt theo hương tóc thề
Mười năm làm cánh chim di
Thèm khăn áo mộng đi về với nhau
Nhưng em nào biết ta đau
Chiều gia kiệm có con tàu thương ga ?
Hồi chuông làm nhớ Quê Nhà
Môi cười làm nhớ Cúc Hoa tần ngần…

GỬI ĐỖ PHỦ
tặng anh Cung Tích Biền

Tôi sinh sau đẻ muộn
sao tâm sự giống ông
tình mây bay gió cuốn
đau từng câu thơ Đường

Đã đi khắp xứ sở
từng đụng nỗi hàm oan
đời sống và trang kinh
chưa bao giờ là một !

Lễ nghĩa mà thưa thốt
vẫn ngộ nạn như Kiều
tôi ẵm bồng sự thật
để về ngõ cô liêu...

Càng yêu người bao nhiêu
xót xa kia càng lớn
góp nhặt từng cơn mộng
bói không ra tình yêu

Thanh xuân thoáng bay vèo
ngẩn ngơ nhìn tóc trắng
cuộc sống có bao nhiêu
mà khổ đau bằn bặt?

Thà say như Lý Bạch
thà cuồng như Trí Thâm
tỉnh như tôi và ông
chỉ thêm mầm bệnh tật !

Nhưng mình mau nước mắt
mặn nồng với cố hương
lẽ nào ta ngoảnh mặt
trước bức bách đời thường?


HÁT DẠO BÊN TRỜI

Ôm nửa vầng trăng lạnh
ta về bên trời cao
hát điên đời hiu quạnh
chống gậy nhìn mưa mau

Tuổi nay gần tam thập
sống lẻ như đá mòn
bằng hữu mù tăm tắp
tình nhân như dao đâm

Mấy năm rồi không gặp
hồn nứt nỗi âm thầm
nhất túy buồn thêm đậm
ca ngâm vời cỏ cây

Cùng chỉ màu khói sương
ngẫm nghĩ hoài hương đỏ
mắt mờ đường chiêm bao
ngắt một cành hoa nhỏ
nhớ thu biếc hôm nào
hồn ta chao chớn gió
nay biết về nơi đâu?

MẮT HUẾ

Dù ở đâu không thể nào lẫn được
Đôi mắt em thăm thẳm mộng bên trời
Mắt đợi chờ làm điếng cả hồn tôi
Tình như rứa làm răng tôi cất bước ?

Dù ở đâu không thể nào quên được
Mắt-Huế-Em là lạ thuở yêu người
Mắt Nội thành soi rõ trái tim tôi
Thương là tặng dẫu ngày sau vô phước…

Dù ở đâu không thể nào xa được
Mắt-Huế-Xưa theo dõi bóng giang hồ
Tôi phải trôi về trong những cơn mơ
Áo –Tím-Huế bay trong chiều- lụa- bạch..

Đôi mắt ấy thoạt nhìn như sắp khóc
Dầu đời tôi hóa đá cũng chao lòng
Mắt u hoài vẫn liếc dáng thủy chung
Như mắt Mạ chờ Cha nơi phố cũ…

Dù ở đâu tôi không thể nào quên được
Mắt-Huế-Em ngái ngút vẫn đâm gần
Mắt níu đời quen cho đến trăm năm
Tình như rứa làm răng tôi cất bước ?

GIỌNG NGƯỜI THỎ THẺ

Lâu lắm rồi mới nghe giọng của em
Giọng thỏ thẻ của người con gái Huế
Tôi xa xứ nên bồn chồn như thể
Gặp Hoàng Thành trong tiếng nói sông Hương…

Bao nhiêu năm tôi uống nước xa nguồn
Nhưng vẫn nhớ hoài mô,tê , răng, rứa
Vẫn thương mạ với câu hò nghiêng ngửa
Đêm Kim Long đứt ruột khúc Nam Bình!

Và Vỹ Dạ ngày xưa em nghiêng nón
Cho ai về lẽo đẽo mộng thu phai?
Tiếng như chim em nhả nhạc bên đời
Người du tử cũng hồn xiêu phách lạc!

Đến SàiGòn -Phố phồn hoa, đài các
Mà sao em thỏ thẻ vẫn ân cần ?
Chờ anh hí ! Đã làm tôi rơi nón
Lúc qua cầu ngơ ngẩn một vầng trăng…

Thêm điệu hát chầu văn em ngẫu hứng
Càng khiến tôi da diết đến se lòng
ơi giọng Huế khi mô rồi cũng rứa
Bên tai người thánh thót tiếng yêu thương

MÙA XUÂN TRÔI...

Quên cả đời phiêu linh
Em lặn vào cổ tích
Anh bơ vơ một mình…

Trời cao và sông rộng
Tháng nhớ đan ngày thương
Anh đâm ngang con đường
Tình yêu thời khốn khó …

Đâu biết từng trang sách
Em ướp hương đợi chờ
Tím một màu tím Huế
Bên dáng Bến tre xưa !

Đâu biết mơ chồng vợ
Khi giông gió vô tình
Anh đi qua Tân thạch
Mòn hết thời thanh niên !

Nay, trời đất cận Tết
Anh chợt nhớ về em
Người có đôi mắt biếc
Biếc một trời yêu thương…

Vậy mà, không chung đường
Em là chim biển Nam
Anh đi tìm biển Bắc
Nên chẳng gặp mùa xuân…


BÀI THƠ GỬI NGƯỜI THIẾU NỮ

Ở THỊ TRẤN HOA VÀNG

Vẫn còn ngồn ngộn nhớ thương
Dầu anh đi cuối đoạn đường trần gian
Em ơi, Thị Trấn Hoa Vàng
Làm sao quên được một làn sương vây?
Phương-Bối-Am, chỉ một ngày
Với em, cũng đã đủ đầy sắt son
Qùy vàng in dấu môi hôn
Làm sao quên được nỗi buồn tiểu thư?
Vẫn còn xuân ngát trong mơ
Dẫu em khuất nẻo trăng mờ-anh đây!

Ở CHỢ

tặng Trần Xuân An

Mười năm ở chợ không tri kỷ
Ta đứng thu thân một nỗi buồn
Sáng bảnh mắt ra, ngồi độc ẩm
Chiều về tra vấn lấy lương tâm

Mười năm ở chợ, ơi trần trụi
Em ạ, em xa ở chốn nào?
Có thấy ngày xanh ta chuốt mộng
Không thành, nên đắp chiếu thương đau...

Ở chợ đông, sao hồn cứ lạnh
Đốt thuốc hoài không ấm nửa chiều?
Thiên hạ đùn nhau đi kiếm sống
Nhân ái? Tang-thương-ngẫu-lục nhiều

Ta bán rau xanh, ngày mệt lử
Đêm còn ngồi đọc sách thánh hiền
Cố quên cơm áo - vòng danh lợi
Sao đời nỡ hối thúc bên lưng?

Mười năm ở chợ không thay đổi
Tâm tánh ta xưa vốn thật thà
Đâu ước công hầu mơ khanh tướng
Bạc tuổi thanh xuân mong có nhà!

Hồn ta ở chợ thương quê cũ
Nhớ áo nâu xưa, nhớ mẹ già
Nhớ bông bưởi rụng đêm mười sáu
Thơm ngát môi em trước hiên nhà...

Mười năm ở chợ không tri kỷ
Gác chuyện văn chương thấy chẳng đành
Nên ta độc thoại - Ta đây nhỉ?
Thương nhớ xa xăm một bóng hình.

TÔN NỮ CÓ CHỜ TA?

Xưa em buồn trong Nội
Mắt ướt mấy cửa thành
Chiều chiều ra hong tóc
Thấp thóang mộng ngày xanh…

Ta thường hay lui tới
Dưới đường mưa âm thầm
Vì yêu đời Tôn Nữ
Mong em cháy nỗi lòng

Khi biết ta hàn sĩ
Giấu nỗi sầu trăm năm
Em che tình mái rộng
Ru nhau vào đời ngoan !

Yêu nhau như chim uyên
Đắm như ván trong thuyền
Dẫu búa rìu dư luận
Bủa vây ta và em!

Những con đường thề thốt
Lá thấp mùa sương quen
Dấu chân tình ta đẫm
Tuyệt vời phải không em?

Nhưng rồi tới một ngày
Ta khăn gói ra đi
Mộng tàn trong đáy cốc
Khôn xiết nỗi biệt ly …

Bỏ em sầu trong Nội
Bỏ lại một đoạn lòng
Ta đi làm lữ khách
Viễn xứ hề long đong !

Cổ thư không coi lại
Suốt ngày hát cuồng ca
Có khi uống rượu đế
Ngồi nhớ hướng quê nhà!

Ta đứa lạc trong sương
Mù thêm đời cô đơn
Lắm lúc mơ vàng đá
Thấy phai màu uyên ương…


VÀ NHỚ HUẾ
Tặng Phạm Đình Dương

Ở đây cũng là ngoại ô
dấu chân thổ mộ cũng thưa thớt chiều
cũng người áo tím liêu xiêu
cũng đêm nguyệt bạch lá vèo sang thu...
vậy mà - vẫn nhớ quê xưa
ai qua Vỹ Dạ tình đưa đón tình?
tóc thề thả gió trâm anh
liếc mắt Tôn Nữ nghiêng thành quách tôi !
mười năm biết có đền bồi
chút hương hoa cũ đâu rồi người ơi !
Gò Vấp 2005.


XIÊU LÒNG

Đâu ngờ cái lúm đồng tiền
Níu tôi ở lại với miền tình yêu
Tuổi trời đã được bao nhiêu
Mà hương sắc ấy làm xiêu lòng này?
Qua cầu biết gặp đắng cay Cũng hăm hở bước, cũng bày biện vui…
Đồng tiền má trái – Trời ơi !
Khiến tôi mất ngủ, khiến người tương tư!
Một mai em có qua đò
Thì tôi ra bến đếm đo nỗi buồn …

NGỰC TRẦN

Em phơi phóng ngực trần
Dười màu trăng hư huyễn
Tình cờ ai bắt gặp
Nỗi đam mê cháy lòng…

TRÂM

Những đường cong tuyệt mỹ
Sa đà thân thể em
Anh không là họa sĩ
Cũng đắm mộng triền miên!

ẨN LAN

Gặp lại nhánh lan rừng
Trong chiều em hoang dại
Anh đứng như trời trồng
Bên suối nguồn mặc khải…

Thứ Năm, 5 tháng 2, 2009

ĂN TẾT MUỘN Ở SAIGON ...

20 g 20 ngày 4.2.2009 (mồng mười tháng Giêng) đến Saigon.Cứ tạm gọi Mồng Mười Tết.Vừa về đến nhà,Từ Hoài Tấn gọi 9 giờ sáng ngày 5.2 có cuộc gặp ở quán Bông Giấy tạm coi như cuộc gặp đầu năm và đón vợ chồng nhà thơ Võ Công Liêm ở xa về.Sáng nay,điểm mặt giang hồ có các nhà văn,nhà thơ Trần Đức Long,Trần Áng Sơn,Nguyễn Tiến Văn,Đào Hiếu,Nguyễn Hoà VCV,Vũ Trọng Quang,Trần Hữu Dũng,Bùi Chát,P N Thường Đoan,Trà Trang,ban bè thân hữu có anh Nguyễn văn Trai,Trần Dzạ Lữ,T H Tấn,Nguyễn văn Hiền,Văn Viết Lộc. Mười một giờ ai về nhà nấy.Một cuộc nhậu bỏ túi ở 81 với V V Lộc,N V Trai,Giang Hải kéo dài tới chiều,lại nhậu tiếp ở 351 kinh Nhiêu Lộc,coi như là mừng ngày đầu năm mới Kỷ Sửu ở Sàigon.Hơn 5 giờ chiều mới về tới nhà.Chuyên mục Trang Văn Ngày Cũ đành phải gác lại.
Nhớ Huế,nhớ vô cùng...


Thơ Nguyễn Miên Thảo

Nhớ trời tháng Giêng

Thời gian cứ mãi trôi mau
Ngồi nhớ từng chút ngày đầu gặp em
Nhớ từng sợi tóc em mềm
Nhớ sao giọng nói dịu hiền,xanh xao
Nhớ em một chút gầy hao
Em là ngọn gió thổi vào đời anh
Nhớ từng hơi thở mong manh
Nhớ em mỗi sáng dòn tan tiếng cười
Nhớ em một thoáng bờ môi
Nhớ con mắt biếc nhớ trời tháng Giêng

Thứ Tư, 4 tháng 2, 2009

ĐA TẠ


Tạm biệt Huế sau gần 20 ngày
ở thành phố sương mù với những ngày tàn đông
ấm áp tuyệt vời
và những ngày xuân nồng ấm.
Cám ơn em,cám ơn bạn bè,cám ơn cuộc đời và cám ơn vợ hiền
luôn cảm thông và chia sẻ những buồn vui ,hạnh phúc của tôi
Xin tạ ơn tất cả

Thứ Ba, 3 tháng 2, 2009

MÙA XUÂN - NGUYỄN MIÊN THẢO

Đêm giao thừa anh ngồi nhớ em
Bài thơ khai bút gửi trăng rằm
Mưa xuân đang đến trong trời đất
Cúc vẫn vàng và cỏ vẫn xanh

Mùa xuân ừ nhỉ mùa xuân mới
Chút nắng giêng hai đủ ấm lòng
Ngại chi dâu bể,bao thay đổi
Đổi thay gì một mối tình không !

Mùa xuân đã thổi tan băng giá
Ngày cuối năm chừ đã xa vời
Một năm quạnh quẻ đang dần tới
Anh lại chờ một buổi tàn đông


Thứ Hai, 2 tháng 2, 2009

CHUYỆN ĐẦU TUẦN -LỄ HỘI CHÙA HƯƠNG


Lối lên động Hương Tích
đông nghẹt

Chuyện cũ ở hội chùa Hương

Năm 1993,trên tuần báo VĂN HOÁ ,tôi đã viết bài phản ánh những tệ nạn chung quanh lễ hội chùa Hương.Mười sáu năm sau,tôi được đọc trên Thanh Niên Online bài viết của Y Nguyên " Chuyện cũ ở hội chùa Hương".Theo tôi đây là chuyện mới ở hội chùa Hương vì những tệ nạn ...mới gấp nhiều lần
Hơn 4,5 vạn khách thập phương đã đổ về Hương Sơn (Mỹ Đức, Hà Tây cũ) trong ngày mùng 6 Tết (31.1) để dự khai mạc lễ hội chùa Hương - một trong những lễ hội lớn nhất đồng bằng Bắc Bộ.
Cũng như mọi năm, trước Tết Nguyên đán, Ban tổ chức lễ hội chùa Hương đều tổ chức họp báo và hứa hẹn cải thiện chất lượng phục vụ. Thế nhưng, cũng như những năm trước, hội chùa Hương vẫn diễn ra cảnh “chặt chém” bừa bãi, tranh giành cãi vã, chen lấn, gây gổ...
Tại ga Thiên Trù, dù đã niêm yết giá bán 70 nghìn đồng/vé và lực lượng bảo vệ đứng ngay bên cạnh, nhưng cò vé vẫn ngang nhiên hoạt động. Trong khi đó, một số cabin cáp treo vẫn chở tới 8 khách mặc cho bảng thông báo ngay cửa nhà ga đã quy định 6 khách/cabin.
Tại bến Yến, giá vé đi đò được niêm yết công khai là 25.000 đồng/người (bao gồm cả lượt đi và về). Thế nhưng không một chủ đò nào nhận khách nếu chỉ chìa vé của Ban tổ chức mà không có khoản “bồi dưỡng” (thường thì khách phải trả thêm 100% giá vé cho chủ đò hoặc thậm chí phải trả số tiền gấp 3, gấp 4 lần giá vé). Và thế là, trái ngược với cảnh du khách hớt hải đi tìm đò, rất nhiều đò vẫn được cột xích ung dung đậu trên bến và chủ đò thì kiên quyết từ chối khách nếu không có “bồi dưỡng” hoặc “bồi dưỡng” quá ít.

Chen lấn để vào ga cáp treo -

Ông Nguyễn Xuân Sinh cho biết lượng du khách đến chùa Hương ngày khai hội năm 2009 tăng hơn 1 vạn người so với năm 2008. Lượng du khách quá tải đã khiến Ban tổ chức “cũng đành chịu” cho dù số lượng bảo vệ, công an đã tăng thêm gấp đôi. Số lượng đò tại bến Yến là 4.000 chiếc. Theo ông Nguyễn Xuân Sinh (thường trực Ban tổ chức), tất cả các đò đều có biển số. Thực tế, rất nhiều đò không có biển số và đều chở quá tải. Với đò nhỏ, trọng tải được phép là 5 người, nhưng chủ đò thường chờ đủ 8-10 khách mới chèo. Với đò lớn, Ban tổ chức quy định chỉ được phép chở tối đa 12 khách, thế nhưng, những đò này thường phải oằn mình gánh gần 30 khách. Trong khi đó, lực lượng tuần tra kiểm soát vẫn vù vù ca nô lướt qua mà không hề biết (hay cố tình không biết!). Trên bến, dưới thuyền, loa của ban tổ chức thì cứ ra rả điệp khúc: “Đề nghị mỗi đò phải có giỏ đựng rác. Không chở quá số người quy định, nghiêm cấm việc ép khách trả thêm tiền”. Còn bập bềnh trên suối Yến là những con đò nhếch nhác vỏ cam, vỏ quýt, vỏ chai, nước bẩn; không số, không địa chỉ, không điện thoại...
Đò quá tải
Một nguyên nhân khác có thể tiếp tay cho tình trạng “chặt chém”, đó là sự “ngây thơ” hoặc tâm lý “muốn được việc nhanh chóng” của nhiều du khách. Ngay tại cửa quầy bán vé Thiên Trù, một cò vé cho biết nếu mua vé từ tay cò này thì khách chỉ phải thêm 5.000 đồng (!) và không phải xếp hàng. Trong khi đó, chỉ cách mấy bước chân, quầy vé vắng lặng và du khách chắc chắn sẽ chẳng phải nhọc công chen lấn. Thế nhưng, nhiều khách lại chịu cho “cò” chặt chém "cho nhanh”. Chưa hết, dù Ban tổ chức đã thông báo giá vé gửi xe máy trong sân là 2.000 đồng/xe, nhiều du khách lại gửi xe ở nhà dân để chịu mức giá “cắt cổ” 20.000 đồng/xe.
Khi chúng tôi trao đổi với Ban tổ chức về tình trạng “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” như trên thì nhận được câu trả lời: “Thế à? Có chuyện đó thật à?”... Còn chuyện an toàn cho khách trên những chuyến đò quá tải? “Trọng tải ghi thế thôi, là vì chưa đo được mức nước, chứ suối Yến nông choẹt, nếu có xô đẩy nhau thì cùng lắm đắm thuyền, đắm đò, chứ không chết được. Du khách ai cũng muốn đi hội nên tự nguyện chịu đông, nhà đò tự nguyện chở. Thế thì Ban tổ chức cũng đành châm chước thôi” - ông Nguyễn Xuân Sinh, Phó chủ tịch UBND xã Hương Sơn kiêm thường trực Ban tổ chức lễ hội, thở dài.

Chủ Nhật, 1 tháng 2, 2009

NGÀY MỒNG 7 TẾT


Ngày hạ nêu.Buổi sáng làm một cuộc du xuân thăm đền Huyền Trân Công chúa với nhà thơ Viêm Tịnh và vợ chồng nhà thơ Châu Thu Hà.Thăm đền thờ Phật vương Trần Nhân Tông.Thử làm một cuộc leo núi từ tượng Di Lặc đến tháp chuông Hoà Bình với 244 bậc tam cấp để xem trái tim có chịu đựng nổi không.Trái tim vẫn còn mạnh khoẻ.Một buổi chiều hạnh phúc.Xế chiều cùng với Viêm Tịnh thăm chị Thái Kim Lan,buổi tối hop mặt tình cờ với Ng Miên,Đức,Đ H Thạnh,N T Hải ở nhà TN Hạnh.Hết một ngày cũng là kết thúc những ngày Tết của năm Kỷ Sửu.Hơn mười giờ đêm nhận được bài thơ của Lê Hạnh Vân.


THƠ
LÊ HẠNH VÂN


VỀ CHÙA

Ta mãi ngu ngơ mãi dại khờ
Trói mình bằng những sợi vương tơ
Buộc mình bằng những dây chùng kéo
Buộc mãi đời ta đến bao giờ!

Đây tiếng chuông chùa thảnh thót ngân
Đây hồi Bát nhã vọng trầm hùng
Đây lời kinh ngọc đầy bi mẫn
Đây chốn Già lam xin nương thân