Thứ Sáu, 31 tháng 5, 2013

THĂM THIỀN VIỆN - NGUYỄN ĐÚC SƠN


Thăm Thiền viện

Từ trái sang phải: Viêm Tịnh, Nguyễn Đức Sơn, Nguyễn Miên Thảo

Về đi thôi, kiếm chỗ nằm
 Mõ chuông đang nện, trăng rằm ngất ngư
 Thiền sư ăn thịt thiền sư
 Niết bàn nhiều giống, chân như nhiều nòi.
 Tim teo tóp, trí cọc còi
 Ma đang thuyết pháp, quỷ đòi giảng kinh.
 Này em, tịnh thủy một bình
 Cửa không ai viếng, cửa mình anh thăm !

Thứ Năm, 30 tháng 5, 2013

TIN BUỒN


Được tin Cụ Phao Lô Lê Đình Cát là thân phụ của nhà thơ - họa sĩ Lê Thánh Thư đã về nước Chúa.
Thánh lễ an táng ngày 01/6/2013 tại Giáo xứ Hòa Yên, thị trấn Cam Đức - Cam Ranh.
Thành thật chia buồn cùng bạn Lê Thánh Thư và gia quyến.
Cầu chúc Cụ Ông được an vui cõi vĩnh hằng.

từ hoài tấn - nguyễn miên thảo - viêm tịnh - lê thị ngọc quý - phạm tấn hầu - nguyên quân - vũ trọng quang - trần hữu dũng - trần áng sơn - kim long - nguyễn liên châu -trần quốc định - nguyễn vân thiên - vương từ - triệu từ truyền - phù hư  ....

NHỚ TUỔI VÀNG - TUỆ SỸ



NHỚ TUỔI VÀNG

Đôi mắt ướt tuổi  vàng khung trời hội cũ
Áo màu xanh không xanh mãi đồi hoang
Phút vội vả bổng thấy mình du thủ
Thắp đèn khuya ngồi kể chuyện trăng tàn
Từ núi lạnh biển im muôn thuở
Đỉnh đá này hạt muối đó chưa tan
Cười với nắng một ngày sao chóng thế
Nay mùa đông mai mùa hạ buồn chăng
Đếm bạc tóc tuổi đời chưa đủ
Bụi đường dài gót mỏi đi quanh
Giờ ngó lại bốn bức tường ủ rũ
Suối rừng xa ngược nước xuôi ngàn
 
Khởi Hành 1969


Thứ Tư, 29 tháng 5, 2013

EM - HOÀNG THỊ THIỀU ANH


Em!
Người đàn bà của đêm.
Trầm tư đối diện
bên thềm mong manh.

Em!
Người đàn bà của chiến tranh
Hạt nhân.
Nổi loạn.
Đời thành bể dâu.

Em là bom thét đạn gào.
Cho anh thương tích khổ đau một đời

Thứ Ba, 28 tháng 5, 2013

MẶT TIỀN NGHỆ THUẬT - VÕ CHÂN CỮU


       Nhà thơ Võ Chân Cữu, Nguyễn Thị Khánh Minh, Nguyễn Lương Vỵ

                                            Kỳ 14

                                        Câu Thơ  Giữ  Lại

Nghe điệu hòa tấu của đủ loại côn trùng, người ta muốn biết hiểu  chúng chơi bằng “nhạc cụ” nào. Khi loài ong bay, đôi cánh mỏng vang âm vù vù…Chú dế nằm một chỗ, đưa cánh cọ xát thành tiếng nhạc. Nhưng chàng ve lại ép nhịp thành lời ca qua chiếc màng mỏng nó đeo trước ngực…

Với những người thi sĩ, âm vang tạo nên câu thơ và bài thơ phát lộ từ nơi đâu ?

       * Bùi Giáng
 
            Mắt buồn
                        
                                  Dặm khuya ngất tạnh mù khơi
                                        NGUYỄN DU


Bóng mây trời cũ hao mòn
Chiêm bao náo động riêng còn hai tay
Tấm thân với mảnh hình hài
Tấm thân thể với canh dài bão giông

Cá khe nước cõng lên đồng
Ruộng hoang mang khóc đêm mồng một Giêng
Tạ từ tháng Chạp quay nghiêng
Ấn trang sử lịch thu triền miên trôi

Bỏ trăng gió lại cho đời
Bỏ ngang ngửa sóng giữa lời hẹn hoa
Bỏ người yêu, bỏ bóng ma
Bỏ hình hài của tiên nga trên trời
Bây giờ riêng đối diện tôi
Còn hai con mắt khóc người một con.

                                             (Mưa Nguồn-1962)

Câu cuối trong bài thơ nổi tiếng trên đây của Bùi Giáng từng được Trịnh Công Sơn chọn làm chủ đề làm nên một nhạc phẩm. Thế nhưng khi bài thơ được đưa vào Tuyển tập “Ngàn Năm Thơ Việt” (do một nhà sưu tập tư nhân thực hiện, NXB Văn Học phát hành ra cả nước, 2010), nhiều độc giả chưa quen với 20 năm văn học Miền Nam 1954-1975 vẫn bày tỏ không thể nào hiểu được cái hay, vì có quá nhiều câu “tối nghĩa”. Bùi Trung niên Thi sĩ đã dùng hẳn một câu lục của thi hào Nguyễn Du: Dặm khuya ngất tạnh mù khơi làm “mưỡu”, như mong người đọc hiểu ngay nội dung của bài thơ, và đi vào “thế giới thi ca” của ông. Ai từng biết được nỗi đau của Bùi Giáng qua trận lụt thảm họa năm Nhâm Thìn (1952) ở Miền Trung, mới cảm thông  được từng lời, từng chữ của từng câu thơ. Nỗi đau lớn đến độ “còn hai con mắt”, nhưng chỉ còn có thể khóc nổi một con ! Nghệ thuật thơ ca không hề bắt thi sĩ phải nói rõ mồn một “hai lần năm là mười” như ý muốn cổ vũ cho luồng “văn nghệ hiện thực”của các nhà cầm quyền. Người vợ, tức người yêu tuyệt vời của thi sĩ, qua cơn nước lụt đã “Bỏ trăng gió lại cho đời / Bỏ ngang ngửa sóng giữa lời hẹn hoa…”. Còn nỗi đau nào lớn hơn chăng ?

Có nhà nghiên cứu từng đưa ra phân tích rằng “đất nào văn ấy”. Giải đất miền Trung với núi cao, rồi đột ngột hố  thẳm, truông dài; nước biển trong soi ghềnh đá dễ tạo cho tâm hồn thơ ca những viễn tượng siêu hình ! Đúng vậy. Sự khắc khoải siêu  hình chẳng những vang trong tiếng vọng ưu tư về kiếp người, về sự cao sâu của vũ trụ mà còn biến hình trong những vẻ đẹp của người con gái. Trước Bùi Giáng khoảng 20 năm, giải đất này từng sản sinh ra những thi sĩ tài năng. Nhưng do nhiều nguyên nhân, cái hay, cái đẹp trong thơ họ đến nay vẫn chưa được người đời nhìn thấy hết. Thi sĩ Bích Khê từ đất Quảng Ngãi là một dẫn chứng.
Hàn Mặc Tử trong Lời tựa cho Tinh Huyết (1939), tập thơ duy nhất được  in khi Bích Khê còn sống, đã viết :
…..
“Trực giác của thi sĩ mạnh quá, đến nỗi thấy  nhan sắc lên hương, thấy cả sóng nghê thường đang nao nao gợn, và so sánh hai hàng nước mắt trong trắng của nàng là hai chiếc đũa ngọc. Và thấy mái tóc u huyền xinh như một mùa thu mươn mướt, thi nhân bảo đấy là mùa thu đang ngủ mơ.
     Nếu chẳng phải là một nghệ thuật siêu thần, thi nhân làm sao đưa đến một nguồn sống phong tình mà thanh khiết cho giai nhân ? Để có cái ma lực huyền diệu cảm dỗ được ngũ quan của người trần…
     …………………………..
Ở cái địa hạt Huyền Diệu, ta thấy thi nhân chú trọng về âm thanh và màu sắc. Trong khi nói đến nhạc, thi nhân nghĩ ngay đến  những cung trầm chơi vơi, âm điệu rung động cả không gian. Vì bởi mê man với sự “nhẹ  nhàng, nhịp nhàng thở đều trong sương”, thi nhân đã sáng tạo được rất nhiều bản ca thần tình diễm ảo. Và nhạc lúc bấy giờ cũng không còn là nhạc nữa. Nó đã bay ra hương, ra hoa, ra thơm, ra mát, ra ngọt, ra ngào, ra gì mê tơi, run rẩy, hay âm thầm nức nở, lanh lảnh như giọng cười, mơ man như ân tình đòi hỏi:
        Tôi qua tim nàng vay du dương
          Tôi mang lên lầu, lên cung thương
          Tôi không bao giớ thôi yêu nàng
          Tình tang tôi nghe như tình lang

          Buồn lưu cây đào xin hơi xuân
          Buồn sang cây tùng thăm đông quân
          Ô hay buồn vương cây ngô đồng
          Vàng rơi ! Vàng rơi ! Thu mênh mông !”

Bích Khê làm thơ rất sớm,từ năm 12 tuổi, bắt đầu với thể thơ Đường luật. Không phải đợi đến khi có tri âm Hàn Mặc Tử hình thành nên trường thơ “điên loạn”, Bích Khê mới có cái nhìn siêu hình. Ngay từ thuở ban đầu, khi nhìn, diễn tả những điều thật giản đơn, thi sĩ đã sớm nhìn ra sự “hư vô’ của kiếp người. Như trong bài:

          Ảnh ấy
         
          Anh thấy mớ màng trong ảnh ấy
          Người em lãng mạn quá đi thôi
          Anh nhìn trân trối, anh tơ tưởng
          Anh ngỡ là em đứng đấy rồi

          Anh tính ôm chầm lấy mắt mờ
          Lấy môi, lấy má, lấy ngây thơ
          Để anh nút ớn mùi hương ấm
          Của một tình yêu giận hững hờ

          Anh tính kề tay lên trái tim
          Ta đòi nóng hổi với say im
          Nhưng chao ! Sao chỉ không gian lạnh
          Không bóng, không hình, không có em !
          ………..

Thi sĩ vốn được trời phú cho cái khả năng nhìn thấy ngọn nguồn sự khởi đầu, cũng như nét tàn phai khi kết thúc, nên khó có sự phân biệt rõ rang giữa sự thật và ảo ảnh. Vì vậy, Bích Khê đã đồng hóa được bóng hình vật chất cụ thể của người đẹp, với âm thanh, tiếng nhạc vốn vô hình. Xin thử đọc tiếp một bài cũng thuộc loại “ít phổ biến” của ông. Nó được viết đơn thuần theo thể thất ngôn, không phá cách bằng đơn âm như các bài “thơ loạn” có toàn âm huyền đã được truyền tụng:

          Hiện hình

          Gió thiệt đa tình hôn mặt hoa
          Thơm tho mùi thịt bắt say ngà
          Gió đi chới với trong khung trắng
          Lộ nửa vần thơ, nửa điệu ca.

          Tôi ráp lại xem. Ô, sự lạ !
          Một người thiếu nữ hiện trong trăng
          Khăn hồng chùi lệ ngấn đôi mắt
          Da thịt phơi bày ý tuyết băng.

          Nường hé môi ra. Bay điệu nhạc
          Mát như xuân mà ngọt tợ hương
          Ôi sao là khúc ba sinh lụy
          Dào dạt như đầy nỗi cảm thương.

          Tiếng ngọc, màu trăng quấn quýt nường
          Phút giây người lộ mỏng như sương
          Nường tan ra nhạc ? -Tan ra nhạc !
          Khung trắng trời mây trắng lạ thường !

Đọc thơ Bích Khê của 75 năm trước, rồi trở về với các nhà thơ “Việt Nam hiện đại” hôm nay, nhiều người không khỏi buồn khi có một số người làm thơ cố tình đưa sự thô tục, trần trụi như tin thời sự “xe cán chó” vào trong thơ. Và họ cố tình cho rằng nó tiếng nói của thời hiện đại, biện minh nó bằng các “trường phái” học mót của phương tây thời khủng hỏang. Ở trong nước, thế giới mạng đang rất muốn biến thành vũ khí độc quyền của những nhà hoạt động văn nghệ có thế lực. Rất may là tất cả đều không phải vậy. Tôi vừa nhận được tập thơ “Ký Ức Của Bóng” của nữ thi sĩ Nguyễn Thị Khánh Minh. Đây là tập thơ thứ 7 của chị, nhưng là tập đầu tiên được xuất bản ở Mỹ, vào tháng 4-2013.
Từ tháng 4-2010, Du Tử Lê đã nhận ra “Những con chữ được sinh thành từ tình yêu Thi ca/Nguyễn Thị Khánh Minh, khoác nơi tay những hình tượng mới mẻ. Hắt trên dặm trường nhân thế, những chiếc bóng lấp lánh thương yêu và, những nhịp chuyển, di đầy tách, thoát hôm qua”.

Nguyễn Thị Khánh Minh lớn lên ở thành phố biển Nha Trang. Cô từng theo học và lấy bằng cử nhân luật khoa ở Sài Gòn năm 1974. Trước khi sang đinh cư ở Mỹ, từ năm 1991 đến 2002 Khánh Minh có đến 5 tập thơ được sáng tác và in tại Việt Nam. Một số nhà phê bình từng cố tình xếp chị vào nhóm các nhà thơ “tân hình thức”. Nhưng thực ra, thơ chị dù mang kết cấu câu và từ khá mới, lại vẫn rất trong sáng, dễ đi vào cảm nhận của người đọc.

                        * Nguyễn Thị Khánh Minh

Bên Bờ

Dòng sông hay giấc mơ
Chợt hoang vắng bên bờ, mình tôi
Ơ hay mình đã trôi…

Dòng sông hay thời gian
Mở hai mắt đã tàn phai tôi
Xin còn lại con ngươi…

Dòng sông hay dòng lệ
Về đâu. Tan một bể xanh dâu
Xin còn lại nỗi đau

Để mà còn nhận ra nhau.
         
          Trong tập thơ mới, “Ký Ức Của Bóng”, có nhiều bài thơ ngắn. Nữ thi sĩ cố tình kết cấu những cặp câu 5/7 chữ, gieo vần theo yêu vận mà không làm người đọc thấy lợn cợn. Đó là thử nghiệm đáng quý. Nhưng ở những câu thơ đến tự nhiên, đến như lời thì thầm, người ta thấy rõ sức mạnh của câu và chữ, như tiếng hát tự nhiên chú chú ve con khi bật nhịp ra tấm màng ngực.

                   Nói nhỏ

                   Hãy ngồi gần cho em nói nhỏ
                   Vì em sợ
                   Tiếng ồn ào sẽ làm nên khoảng cách

                   Hãy ngồi sát cho em nghe nhịp sống
                   Vì em sợ
                    Khoảng cách xa gần của hơi thở

                   Hãy giữ em đừng để em trôi đi
                   Vì em sợ
                   Mùa chạm vào khắc nghiệt của thời gian

                   Hãy đọc cho em nghe lời thơ cuộn chảy của dòng sông
                   Vì em sợ
                   Cây tháng ngày không còn xanh thảo mộc

                   Hãy nhìn em cho em thấy ánh nắng
                   Vì em sợ
                   Bóng tối sẽ nuốt chững những giấc mơ

                   Hãy mở cho em gấc mơ bình an
                   Vì em sợ
                   Cơn bão của mộng dữ sẽ làm đau lời tình tự

                   Hãy bay cùng em vào màu xanh bầu trời
                   Vì em sợ
                   Bóng cột em vào u hoài nỗi đợi

                   Hãy nắm bàn tay cho em nghe hơi ấm
                   Vì em sợ
                   Nỗi hoang vắng của tấm lòng không ánh lửa

                   Hãy giữ ánh sáng
                   Soi gần lại bóng chúng ta
                   Vì em sợ
                   Đêm trong em…

Người đọc dễ cảm thông khi thấy thi sĩ mượn câu thơ để nói lên tiếng lòng thực của mình. Nhưng họ mong nhà thơ mới cách điệu chữ nghĩa hơn nữa, hòa lẫn được nó vào ánh sáng, hình ảnh và âm thanh, như nhà thơ “xưa” Bích Khê đã từng làm. Có vậy thì câu thơ mới được giữ lại lâu dài…

                                                                                          (Còn nữa)

Thứ Hai, 27 tháng 5, 2013

CỔ ĐỘ - NGUYỄN MIÊN THẢO



ta muốn hóa thành chim
bay về thành nội cổ
sáng chiều gọi tên em
ca bài ca cổ độ

ta muốn hóa thành chim
đậu trên thành quách cũ
ngậm một nhánh hoàng anh
bay vào trong thiên cổ

Thứ Bảy, 25 tháng 5, 2013

THẤT LẠC - HOÀNG LỘC

em như đã không còn em năm ngoái
(và năm nay cũng khác của năm nào)
tụi chim sẻ dẫu vừa bay trở lại
mà sân vườn mớ lúa cũ còn đâu ?

ta rất tệ những ngày thưa vắng gió
nhớ vi vu (tiếng nước lạnh đầu sông ?)
thân ốm yếu chỉ choàng thêm lớp áo
và lao đi cho ngắn lối bềnh bồng

em sẽ phải bớt thêm mùa con gái
niềm hư hao không tránh nổi bên người
nên ta mất ta và em năm ngoái
để năm nào, cùng tưởng tiếc chưa nguôi

ta không thể vì em quên nhắc nhớ
những điều riêng nghe cứ rất hoang đường
đời có được chỉ đôi lần hạnh ngộ
mà cuối đời lạc mất dấu thiên hương


9-5-13

Thứ Sáu, 24 tháng 5, 2013

KHÔNG LẼ ANH QUÊN - TRẦM MẶC



Không lẽ bây giờ anh đã quên
Tình thơ trong sáng tựa trăng rằm
Ánh mắt đằm thắm chiều gặp gỡ
Gọi gió Xuân về em nhớ mong

Lời yêu mát ngọt anh gởi trao
Em nghe như mới tựa hôm nào
Xuân tình êm dịu đôi mắt ấy 
Tha thiết nhìn ai sóng dạt dào

Anh đã quên rồi, anh sẽ quên
Còn em  nhớ mãi chẳng hề quên
Khoảng trời thơ mộng, bình yên lắm
Sao giờ xa mãi đến vô biên

Thứ Năm, 23 tháng 5, 2013

Ý NGHĨA "DUY NGÃ ĐỘC TÔN - HT THÍCH THANH TỪ

Ngày Lễ Phật đản, chúng ta thường được nghe nhắc đến hình ảnh Đức Phật mới ra đời đi bảy bước, tay chỉ trời tay chỉ đất, nói: “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn”, đa số ai cũng thuộc lòng như thế. 
 

Ngày trước khi tôi còn trẻ, có một vị Phật tử thắc mắc hỏi: “Bạch Thầy, thường bài kệ phải đủ bốn câu, sao bài kệ này có hai câu, còn hai câu nữa ở đâu?” Nghe hỏi vậy, tôi chỉ còn cách là xin hẹn về tìm lại, vì thật ra lúc đó tôi cũng chỉ thuộc có hai câu. 
dan sinh 1.jpg
Tôn tượng Đức Phật đản sinh 
Sau này đọc kinh A-hàm, tôi mới giật mình thực tình mình dốt rõ ràng. Trong A-hàm có ghi bốn câu đàng hoàng, chớ không phải chỉ hai câu. Bốn câu đó nguyên văn chữ Hán là:
Thiên thượng thiên hạ,
Duy ngã độc tôn.
Nhất thiết thế gian,
Sinh lão bệnh tử.
Chính bốn câu này mới nói lên hết ý nghĩa thâm trầm về câu nói của Đức Phật khi mới ra đời. Chúng ta sẽ thấy tinh thần Phật giáo Nguyên thủy và Phật giáo Phát triển sai biệt ở chỗ nào? Gần đây Phật tử hay hỏi: “Đạo Phật là đạo vô ngã, tại sao Đức Phật mới ra đời một tay chỉ trời, một tay chỉ đất nói “Duy ngã độc tôn”, như vậy Ngài đề cao cái ngã quá mức rồi, thế thì việc này có mâu thuẫn với giáo lý vô ngã không?”. 
Đó là vấn đề mà tất cả huynh đệ cần phải nắm cho vững. Tra cứu lại tôi thấy rõ ràng, nếu xét về bốn câu kệ đó với tinh thần Nguyên thủy thì dẫn đủ bốn câu: “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn, nhất thiết thế gian, sinh lão bệnh tử”, 
nghĩa là trên trời dưới trời chỉ có ta là hơn hết. Tại sao ta hơn hết? Vì trong tất cả thế gian, ta đã vượt khỏi sanh già bệnh chết. Phật hơn tất cả thế gian vì Ngài đã qua khỏi sanh già bệnh chết. Đó là cái hơn theo tinh thần Nguyên thủy. Như vậy câu nói đó không phải đề cao cái ngã.
Tại sao chư Tổ Việt Nam không dùng hết bốn câu, lại dùng hai câu thôi, có ý nghĩa gì? Đâu phải các Ngài không đọc qua bài kệ đó, nếu chúng ta không nghiên cứu kỹ có thể bị nghi ngờ ở điểm này. Bởi vì tinh thần Phật giáo Phát triển đi thẳng vào ngã của Pháp thân, chớ không phải cái ngã của thân này. Nên nói “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn” là chỉ cho ngã Pháp thân. 
Như chúng ta đã biết, ngã của thân tứ đại ngũ uẩn này vô thường sanh diệt, không có nghĩa gì nên giáo lý nói vô ngã. Vô ngã là vô cái ngã tứ đại ngũ uẩn, nhưng Pháp thân là thể bất sanh bất diệt, nó trên hết. 
Vì vậy Phật nói “Duy ngã độc tôn”. Trong kinh Kim cang có bài kệ “Nhược dĩ sắc kiến ngã, dĩ âm thanh cầu ngã, thị nhân hành tà đạo, bất năng kiến Như Lai”, 
tức là nếu dùng sắc thấy Ta, dùng âm thanh cầu Ta, người đó hành đạo tà, không thể thấy Như Lai. Như vậy chữ Ngã này chỉ cho ngã gì? Ngã của Pháp thân nên không thể dùng sắc tướng, âm thanh mà cầu. Nếu ai dùng sắc tướng âm thanh mà cầu Pháp thân, đó là tà.
Giáo lý Phát triển đề cao ngã là cái ngã Pháp thân. Theo tinh thần Phật giáo Phát triển, chúng ta tu phải giác ngộ được Pháp thân, mới giải thoát sanh tử. Từ đó ta thấy tinh thần Phật giáo Nguyên thủy và tinh thần Phật giáo phát triển có chỗ khác nhau. Phật giáo Nguyên thủy nhắm vào điểm Phật đã vượt qua sanh tử của chúng sanh nên nói Ngài hơn hết. Phật giáo Phát triển nhắm vào Pháp thân của chúng ta, là cái không sanh không diệt nên nói hơn hết. Hiểu như vậy mới có thể trả lời câu hỏi trên của Phật tử mà không bị lúng túng.
Có một Phật tử hỏi chúng tôi: “Thưa Thầy, Phật tử tu theo đạo Phật, hiện tại bản thân, gia đình, xã hội có lợi ích gì?”. Câu hỏi này rất thực tế, chúng ta không thể lơ là được. Thật ra vấn đề được nêu lên không phải quá khó, nhưng chúng tôi muốn dẫn lại để Tăng Ni ý thức trách nhiệm của người giảng dạy giáo lý. Chúng ta giảng dạy giáo lý phải làm sao cho Phật tử thâm hiểu, ứng dụng tu hành có lợi cho bản thân, gia đình và xã hội, đó là trọng tâm của việc truyền bá Chánh pháp. Chính nhờ những câu hỏi này làm cho chúng ta phải nghiên cứu kỹ lưỡng về giáo lý nhà Phật, dạy thế nào cho có lợi ích thiết thực, chớ không thể nói suông được.
Tôi thường dạy Phật tử tu là cốt chuyển đổi ba nghiệp thân, khẩu, ý. Cho nên nói tới tu là nói tới sự chuyển hóa, biến cái dở xấu trở thành cái hay tốt. Nói cụ thể hơn về tu ba nghiệp nghĩa là ngày xưa chưa biết tu vị đó sát sanh, trộm cắp, tà dâm v.v... Bây giờ biết tu rồi thì không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm. Nếu tích cực hơn, hồi xưa vị đó sát sanh, bây giờ biết tu rồi chuyển lại chẳng những không sát sanh mà còn phóng sanh, không phạm tội trộm cắp mà còn tập hạnh bố thí, không tà dâm mà còn khuyến khích những người chung quanh giữ hạnh trinh bạch. 
Hồi xưa chưa biết tu ta nói dối, nói hai lưỡi, nói hung dữ, nói thêu dệt vô nghĩa. Bây giờ chặng đầu của sự tu là bớt nói dối, bớt nói hai lưỡi, bớt nói hung dữ, bớt nói thêu dệt. Qua chặng thứ hai phải tiến lên, khi xưa mình nói dối thì bây giờ luôn luôn nói lời chân thật; khi xưa nói hai lưỡi tức nói ly gián, bây giờ nói lời hòa hợp; khi xưa nói lời hung dữ ác độc, bây giờ nói lời hiền hòa nhã nhặn, khi xưa nói lời thêu dệt vô nghĩa, bây giờ nói lời hợp lý.
Ngày xưa tâm ý nhiều tham, nhiều sân, nhiều si, bây giờ bớt tham, bớt sân, bớt si, đó là chặng số một. Qua chặng thứ hai, chẳng những bớt tham mà còn tập thương người cứu vật, chia sẻ giúp đỡ kẻ cơ hàn. Chẳng những bớt sân mà còn tập trải lòng từ bi đến khắp mọi người. Chẳng những bớt si mà còn tập mở mang trí tuệ theo Chánh pháp. Như vậy thay vì tham sân si, bây giờ đổi lại thành bố thí, từ bi, trí tuệ. Đó là tu. 
la Bo de.JPG
Nếu một Phật tử, bản thân không sát sanh, không trộm cướp, không tà dâm, không nói dối, bớt tham sân si, như vậy có lợi ích chưa? Bản thân có lợi ích cụ thể rồi. Nếu một thành viên trong gia đình tốt như vậy, tự nhiên gia đình cũng an vui, xã hội cũng tốt theo. Rõ ràng việc tu có lợi ích thiết thực cho mọi người và xã hội.
Lúc tôi đi giảng ở Rạch Giá với thầy Huyền Vi, đề tài giảng là giáo lý Nhị thừa. Trong đó nói về tứ thiền, bát định cho tới tứ quả Thanh văn. Vì thuộc bài nên tôi giảng tương đối cũng rõ. Sau khi giảng xong, có một Phật tử quỳ thưa: “Thưa Thầy, Thầy giảng về tứ thiền, bát định và tứ quả Thanh văn, chúng con nghe hiểu rồi, nhưng xin hỏi thật trong các tầng thiền định và quả vị đó, Thầy đã chứng được cái nào rồi?”. Lúc đó tôi ngớ ngẩn, không trả lời được. May nhờ thầy Huyền Vi ngồi bên cạnh lanh trí, trả lời dùm tôi: “Đạo hữu quên rồi sao, trong kinh thường nói người tu chứng giống như kẻ uống nước nóng lạnh tự biết, làm sao nói cho đạo hữu nghe được”. Lần đó Thầy Huyền Vi đã trả lời cứu bồ tôi. Nhưng thật tình, khi ấy tôi rất đau. Tại sao?
Chúng tôi cứ quen học hiểu, mà không có thì giờ tu. Một đêm nhiều lắm là tụng kinh đủ hai thời, đôi khi thiếu nữa. Nhất là làm giảng sư được quyền nghỉ để nghiên cứu bài vở, nên tu lếu lếu thôi, chẳng có tới đâu. Chừng khi giảng mình học bài kỹ, nói cho người ta nghe hiểu, Phật tử tưởng mình đã chứng khá khá rồi, khi hỏi lại mình chới với không giải quyết được. Gặp phải câu hỏi trên, lòng tôi bất an vô cùng, vì thấy mình giống như cái máy thâu thanh. Thu lời của những bậc thầy đi trước, rồi phát ra y như vậy, chớ bản thân chưa có gì hết. Do đó tôi thầm nguyện, lúc nào đủ duyên mình phải tìm chỗ tu để yên lòng một chút, chớ nói hay mà làm không được, thật khổ tâm quá. Đó là lý do sau này tôi tìm lên núi tu thiền.
Tôi kể lại những điều này cho Tăng Ni thấy bổn phận của một người Thầy không giản đơn như mình tưởng. Ta phải nói thế nào cho người hiểu, kế họ hỏi tới công phu tu hành mình cũng phải biết, không thể lúng túng được. Muốn thế chúng ta phải có tu. Tu thế nào? Trong các thời khóa tụng của nhà thiền, thường nhất là kinh Bát-nhã. Bát-nhã là tiếng Phạn, Trung Hoa dịch trí tuệ, loại trí tuệ siêu xuất thế gian, chứ không phải trí tuệ thường. Muốn bước vào cửa thiền trước tiên phải thâm nhập lý Bát-nhã.
Lý Bát-nhã còn được gọi là cửa Không. Sắc tức thị không, không tức thị sắc. Tại sao chúng ta tu thiền phải đi từ cửa Không? Vì nếu thấy thân này thật, đối với ngoại cảnh, từ con người cho tới muôn vật, chúng ta đều thấy thật hết thì tâm sẽ chạy theo nó. Bây giờ, muốn tâm không chạy theo, chúng ta phải quán sát kỹ tất cả sự vật ở ngoài cũng do duyên hợp, không thật. Cái nhà từ khoảnh đất trống, ta dựng cây cối, gạch ngói v.v… để thành cái nhà. 
Do vậy cái nhà là tướng duyên hợp. Do duyên hợp nên có ngày nó phải bại hoại, tường vách đổ sụp. Những gì duyên hợp đều hư dối. Từ cái nhà cho đến mọi sự mọi vật, có thứ nào không phải duyên hợp đâu, nên chúng sẽ đi đến bại hoại. Biết rõ như vậy mới không dính mắc với cảnh bên ngoài. Không dính mắc ngoại cảnh thì tâm mới an định được, còn dính mắc thì không bao giờ an định.
Thí dụ như quý Phật tử vừa mới to tiếng với ai đó chừng nửa giờ, bây giờ vô ngồi thiền có yên không? Vừa ngồi vừa tiếp tục cãi, không cãi bằng miệng mà cãi bằng tâm. Họ nói câu đó là sao, mình phải trả lời thế nào cho xứng v.v… cứ ôn tới ôn lui hoài. Vì chúng ta thấy câu nói thật nên không bỏ được. Nếu ta quán con người đó không thật thì lời nói của họ có thật đâu, tất cả là chuyện rỗng, có gì quan trọng. Thấy vậy liền buông nhẹ. Buông được thì ngồi thiền mới yên. Cho nên trước tiên bước vào cửa thiền, chúng ta phải đi từ lý Bát-nhã, dẹp bỏ tất cả những cố chấp của mình.
Kinh Bát-nhã nói “Sắc tức là Không, Không tức là Sắc” nghĩa thế nào? Bây giờ tôi dẫn câu chuyện xưa thế này. Đời Đường, có hai vị thiền sư trẻ Trí Tạng và Huệ Tạng, đệ tử của Mã Tổ Đạo Nhất. Một hôm hai huynh đệ ra ngoài vườn chơi. Ngài Trí Tạng hỏi ngài Huệ Tạng:
- Sư đệ biết bắt hư không chăng?.
Ngài Huệ Tạng trả lời:
- Biết.
- Làm sao bắt?
Ngài Huệ Tạng liền đưa tay ra ôm hư không. Ngài Trí Tạng quở:
- Bắt như vậy làm sao được hư không?
Ngài Huệ Tạng hỏi:
- Huynh làm sao bắt?
Ngài Trí Tạng liền nắm lấy lỗ mũi Huệ Tạng lôi đi. Ngài Huệ Tạng la:
- Nắm như vậy chết người ta, buông ra!
Ngài Trí Tạng nói:
- Bắt như vậy mới được hư không.
Câu chuyện này có đạo lý gì? Lỗ mũi tuy là hình thức vật chất, nhưng bên trong trống rỗng. Nắm cái sắc thì trong đó đã có cái không rồi. Đây là nghĩa sắc tức thị không. Nếu ôm hư không bên ngoài thì làm sao nắm được hư không? Như bình hoa trước mắt chúng ta, nếu bỏ mấy cọng hoa mỗi nơi mỗi cái thì bình hoa không còn. “Bình hoa” là giả danh, do đủ duyên hợp lại mới có, nếu thiếu duyên bình hoa không còn nữa. Nên nói thể bình hoa là không, do duyên hợp tạm có. Ngay nơi bình hoa chúng ta biết tánh nó là không. Tuy tánh không nhưng đủ duyên hợp lại thì thành bình hoa.
Như vậy lý không ở đây không phải không ngơ, mà là không có chủ thể cố định. Duyên hợp tạm có, duyên ly tán trở về không. Hoa khi phân tán khắp nơi, chỉ còn lại bình không, nếu ta cặm vào đó các hoa khác thì có bình hoa trở lại, nên nói “không tức là sắc”. Rõ ràng sắc và không đều không thật. Nói sắc nói không nhằm chỉ ra lý duyên hợp, đủ duyên thì không biến thành sắc, thiếu duyên thì sắc biến thành không. Nên ngay khi duyên hợp, tánh nó vẫn là không. Vì vậy kinh Bát-nhã nói “không” tất cả: không nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, không sắc, thanh, hương… Không là nói đến thể của tất cả các pháp. Tất cả pháp chỉ có giả danh, không có thật thể.
Từ đó chúng ta dùng trí quán xét hết các sự vật bên ngoài, đều là duyên hợp tánh không. Biết như thế là tỉnh, hết mê. Cho nên biết được lý tánh không rồi, chúng ta mới bỏ được vọng tưởng điên đảo, các vị Bồ-tát mới có thể tu hành tiến lên thành Phật. Dùng trí tuệ Bát-nhã tức là dùng thanh kiếm bén ruồng hết sáu trần, không chấp không kẹt. Không chấp thì ngồi thiền êm ru, không nghĩ, không tính. Vừa chợt nhớ gì liền tự nhắc “Nó giả dối, có thật đâu mà nhớ”.
Thế nên bước vào cửa Không phải thấy rõ: Một, tất cả cảnh sắc đều hư dối, tự tánh là không. Hai, thân tứ đại duyên hợp hư dối, tự tánh là không. Ba, tâm vọng tưởng sanh diệt hư dối, tự tánh là không. Biết ba cái đó không thật rồi, chúng ta phải tìm cho ra cái chân thật. Đây là chỗ thiết yếu hành giả tu thiền cần phải biết. Cái thật đó lâu nay chúng ta không nhớ không biết nên chạy theo trăm thứ đảo điên. 
Bây giờ ta phải nhớ để nhận ra và sống lại với cái chân thật của chính mình, thì mới chấm dứt sanh tử và đau khổ. Hiểu rõ và thực hành đúng lời Phật dạy mới xứng đáng là đệ tử của Phật, mới có thể đền ân Phật Tổ và đầy đủ tư lương để trả nợ đàn na tín thí.