Thứ Ba, 21 tháng 5, 2013

MẶT TIỀN NGHỆ THUẬT -VÕ CHÂN CỮU



Kỳ 13
Một Thời Mây Khói

Con người rất yêu thích tiếng chim nhưng vẫn chưa giải thích được hết ý nghĩa của nó. Những tiếng ca hay nhất là để dành cho tình nhân ? Các nhà thơ cũng vậy. Đã có tổng kết cho rằng có những bài thơ được viết ra để nhằm chinh phục trái tim hay một bóng hình ai đó !

Nhận định trên tất nhiên đúng, nhưng tất cả không hoàn toàn như vậy. Tình yêu là một bản năng, và có những người suốt đời chỉ làm thơ tình, nhưng khi đi vào giải mã tâm lý và cơ thể, có khi họ lại bị…thiếu phần nào đó. Làm sao giải nghĩa được tình yêu. Cách hay nhất là bạn cứ thưởng thức những bài thơ tình hay. Trăm phương nghìn vẻ…
“Ôi mới hôm nào như hôm qua”…Lang thang qua những góc phố ở trung tâm Sài Gòn, từ năm mươi năm xưa, có người đã thốt lên: Ô hay con gái bay nhiều quá/ Hai cánh tay mềm như cánh chim…
Chàng thi sĩ ấy là Hoàng Trúc Ly (1933-1983), tác giả của một tập thơ duy nhất: Trong Cơn Yêu Dấu, in năm 1963. Tên tuổi ông không nổi cộm như các “ông hoàng thơ tình” cùng thời; ông sống đơn độc, chết đơn độc vì một tai nạn giao thông đường phố, ngay chính trên con đường mà ông vẫn thường lang thang để uống rượu và làm thơ. Những năm ấy, khó khăn từ cuộc sống khiến người ta phải mau quên tất cả. Cả một nền văn học của 20 năm ngắn ngủi ở Sài Gòn tưởng đã bị phủ nhận, nhưng rồi những bài thơ tình của ông không thể bị lãng quên.

Hoàng Trúc Ly

Nằm mộng thấy nữ sinh

                       (
Tặng Hoa của trăm hoa)

Ta từ giấc mộng bước gần em
Đường phố đầy trăng hay mặt trời chìm
Ô hay con gái bay nhiều quá
Hai cánh tay mềm như cánh chim

Như cuống của hoa như cội của cành
Em đến bao giờ là em của anh
Thôi đã vô cùng cô liêu bóng cả
Như chim xa rừng tội nghiệp rừng xanh

Tuyệt mù giấc mộng mỏng như sương
Vai áo hào hoa tê tê bụi đường
Ra đi ta đắp lên sông núi
Trời rộng sông dài nỗi nhớ thương

Hoàng Trúc Ly khi làm thơ gần như chỉ làm thơ tình, như một nợ nghiệp, khó hiểu được vì sao. Ông có quê gốc ở Bình Định nhưng sinh quán ở Quảng Nam. Theo tiểu sử truyền miệng, ông là con trong một gia đình danh giá. Mẹ ruột là cháu nội của thí sĩ Đào Tấn-ông tổ nghệ thuật tuồng. Sau 1954 thân phụ làm việc tại trụ sở Ủy hội đình chiến. Hoàng Trúc Ly đã đậu bằng Tú tài Pháp, ghi danh vào học trường Luật nhưng rồi ông bỏ ngang, ra thuê một căn phòng ở trọ tại khu vực đường Nguyễn Cư Trinh, quận II để được tự do đi ngao du làm thơ, cộng tác với một số tờ báo độ nhật. Thơ ông qua các tạp chí Văn nghệ, Hiện Đại được nhiều người mê thích. Người chị là chủ nhà sách Việt Hương trên đường Lê Lợi đã bỏ tiền xuất bản tập sách đầu tay cho cậu em thi sĩ.

Mạnh thường quân

Nhà sách Việt Hương ở bên cạnh nhà sách lớn Khai Trí do ông Nguyễn Hùng Trương làm chủ. Đặt tên nhà sách là Khai Trí, ông Nguyễn Hùng Trương hình như muốn tiếp nối con đường “khai trí-tiến đức” của các nhà văn hóa đi trước, nên ông nhảy vào thêm lãnh vực xuất bản. Các xuất bản phẩm đầu tiên của Khai Trí là tủ sách “Học làm người”, tiếp đó bước sang thêm lãnh vực xuất bản sách giáo khoa rồi văn học, chú trọng các sáng tác mà ông cho là có ích trên đường giáo dục thanh thiếu niên.
Giữa thập niên ’60, thi sĩ Trần Tuấn Kiệt được Ông Khai Trí đồng ý cho ứng tiền hàng tháng để bỏ công sưu tập, viết lời bình cho bộ sách Thi ca Việt Nam toàn tập. Theo chân Trần Tuấn Kiệt, Hoàng Trúc Ly cũng được ông Khai Trí tiếp đãi trọng thị. Ông trả tiền trước để chàng thi sĩ ngồi viết các truyện về thiếu nhi đưa ông xuất bản ! Hàng ngày, ngoài giờ viết truyện theo “đơn đặt hang”, Hoàng Trúc Ly ung dung lang thang uống rượu và làm thơ !
Năm 1968 khi vào Sài Gòn để đi học và hoạt động văn nghệ, những ngày rảnh rỗi, tôi vẫn đến nhà sách Khai Trí để tự do lựa quyển nào thích thì ngồi đọc “cọp”-đọc xong đem để lại ngay ngắn trên kệ.
Một bữa tôi chứng kiến cảnh một thanh niên trạc tuổi sau khi đọc ong đã lận sách vào lung, lẻn ra về. Nhân viên hiệu sách bắt được, giữ anh ta lại, mời vào một phòng riêng để đích thân ông Khai Trí ra hỏi chuyện ! Không dọa dẫm kêu công an hay lập biên bản, ông chủ lại tâm tình và hỏi hoàn cảnh sống và lý do vì sao đi ăn cắp sách. Cuối cùng là những lời khuyên và… cho ra về. Sau ’75, theo chính sách cải tạo tư bản tư doanh, nhà sách Khai Trí bị tịch biên rồi “quốc hữu hóa” toàn bộ. Ông Nguyễn Hùng trương được phép cho ra ngoài sinh sống, nhưng đến cuối thập niên ’90, người ta thấy ông lại trở về sài Gòn. Hình như ông kiếm được một góc nhỏ trên đường Điên Biên Phủ (Phan Thanh Giản cũ) dựng lại bảng hiệu “Khai Trí” với những hang sách ký cóp, sưu tập được đâu đó. Có lần, ông vẫn bày tỏ tâm sự muốn xuất bản tiếp một số bản thảo về giáo dục, xã hội. Nhưng cuộc thế kinh doanh đã khác. Sau mấy năm, ông về thế giới bên kia trong vô vọng.
Sau biến cố ’75, Hoàng Trúc Ly không còn ai mời viết. Ông vẫn sống lang thang, nổi chìm đến ngày không vượt qua song dòng đời.

Dĩ vãng

Tôi đứng bên này bờ dĩ vãng 
Thương về con nước ngại ngùng xuôi
 
Những người em nhỏ bên kia ấy
 
Ai biết chiều nay có nhớ tôi
 
Tôi muốn hôn bằng môi của em
 
Mùa xưa thê thiết nắng hoe thèm
 
Lòng trong đã trắng tình nguyên thủy
 
Nghe bước xuân về êm quá êm
 
Em lắng tai đâu… chiều lửng lơ
 
Thơ tôi vừa hát khúc ban sơ
 
Lòng chưa tội lỗi mà vô cớ
 
Bỗng muốn gục quỳ bên tuổi thơ
 
Em là em – tôi có là tôi?….
 
Dù nghĩa
 thời gian ngăn cách rồi 
Tôi đứng bên này lưu luyến quá
 
Những người em nhỏ của tôi ơi!
 
(Trong Cơn Yêu Dấu)

Phạm Công Thiện ngày xưa từng cho rằng mỗi chữ mỗi câu trong thơ Hoàng trúc Ly gần như có ma lực. Tôi muốn thêm rằng ma lực ấy có được nhờ cảnh tình trong sang. Ở một bài thơ khác, Hoàng Trúc Ly từng làm các đoạn diễn tả về vẻ đẹp của người con gái, từ môi, từ mắt đến sợi tóc, ngón tay…Tất cả đều không vẩn đục dục vọng xác thịt. Thi sĩ đã thăng hoa từ những vật chất, hình hài cụ thể để tìm ra chốn thiên đàng.

Như là mây khói

Gần như các nhà thơ sinh ra từ giải đất Miền Trung đều là những nhà thơ tình. Tình trong thơ Hoàng Trúc Ly là sự tiếp nối của dòng thơ tiền chiến với thời hiện đại, nhưng đến cuối thập niên ’60 đầu ’70, các nhà thơ thấm đẫm giữa nỗi đau chiến tranh và viễn tượng hòa bình nên bóng dáng tình yêu lại lắng xuống, chìm đắm trong mọi hình dáng. Năm 2010, nhà văn Trần Hoài Thư khi xuất bản tuyển tập Mây Khói Quê Nhà của Phạm Cao Hoàng đã viết rằng thời điểm ấy “Thơ Phạm cao Hoàng đến với người yêu thơ như là một hiện tượng”…”Riêng với Phạm Cao Hoàng, tình yêu trong thơ anh là tình yêu thánh thiện, mà người yêu phần lớn mang hình ảnh của một người thành nữ”.

Phạm cao Hoàng
Một ngày với tình nhân
ngày đã đến ngày vui cùng chim hót
đưa em đi qua lũng xuống đồi
dắt em đi trèo non lội suối
dìu em theo tiếng nhạc của trời
khi yêu em tôi yêu đời thêm một chút
dù trong tôi buồn bã biết bao ngày
nên yêu em dù tôi vẫn biết
có một ngày tay sẽ vẫy tay
ngày cũng sắp tàn theo tiếng hát
đưa em về đưa em về thôi
tình đã chín tình đầy trong mắt
tình đã nồng tình mọng trên môi
nắm tay tôi hỡi bàn tay ma quái
buộc tôi đi hỡi sợi thắt lưng hồng
một ngày có tình nhân bên cạnh
là một ngày đỡ thấy cô đơn
khi yêu em tôi yêu đời thêm một chút
dù trong tôi tan vỡ đã lâu rồi
nên yêu em dù tôi vẫn biết
đường về nhà em xa ngái trong tôi
chiều nay đi với em dưới trời mây xám
tôi nghe trong tôi có một chút êm đềm
một ngày có tình nhân bên cạnh
là một ngày sắp thấy phút ly tan.
Một ngày có tình nhân bên cạnh/ Là một ngày đỡ thấy cô đơn…” Giọng thơ ấy rất thật thà, hiền lành nhưng vì sao nó vẫn lay động lòng người ? Có phải vì mỗi ngày, người ta gần như càng mất đi sự chân thật ? Thơ Phạm Cao Hoàng không bóng bẩy, kiểu cách nhưng nó lại nằm sâu trong lòng người. Có lẽ nó xuất phát từ cách nhìn sự vật.
Cao Thoại Châu cho rằng “Người làm thơ nào cũng có thể giải bày tâm trạng, nhưng giải bày thành thơ nhiều cảm xúc như thế thì không nhiều. Đấy là “Đẳng cấp thi sĩ”. Tôi muốn cho rằng “đẳng cấp” ấy chính là nét riêng của mỗi nhà thơ. Phạm Cao Hoàng không lộ liễu, cũng không thầm thì dụ dỗ, nhưng nó làm người nữ đọc lời thơ sẽ chia sẻ nỗi cô đơn khi chia ly.
Chia tay Đà Lạt

và tôi lại chia tay Đà Lạt
trở lại quê người với những cơn bão tuyết mùa đông
tôi mang theo nỗi buồn xa xứ
và nỗi hoài hương nặng trĩu trong lòng
tôi lại thấy bóng tôi bên dòng Potomac
bên bờ Đại Tây Dương nghe quê hương réo gọi trái tim mình
đi không phải là đi biệt xứ
thương quê nhà còn lại phía sau lưng
lại cùng em lang thang bên hồ Thạch Thảo
nói với em về một đoạn đời buồn
nói với em về những dòng sông lưu lạc
trôi về đâu rồi cũng muốn trở về nguồn

và tôi lại chia tay Đà Lạt
chia tay những con đường in dấu chân xưa
chia tay rừng thông và cỏ cây sương khói
chia tay mây trời và gió núi Langbiang
mong bình yên đến với Kim Huê
và những người ở lại
mong một ngày về…
dù chưa biết khi nào…

Khác với Hoàng Trúc Ly, Phạm Cao Hoàng là một nhà giáo. Bài thơ mới trên đây anh làm vào đầu năm 2012, khi vừa về thăm Việt Nam, trở lại đất Mỹ. Lặng sâu trong nỗi nhớ quê hương là bóng hình những người yêu quý. Tình yêu, một khi đã hòa quyện con người với một miền đất, sẽ trở thành mây khói mênh mông, nhưng là nỗi nhớ không phai. Vì đâu ?

(Còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét