Kỳ XII
Uống
Rượu Một Mình
Lịch
sử vẫn thường bị bóp méo bởi chính những người tham dự. Liệu có sự phản ánh nào
là trung thực ? – Phải có chứ, trong các tác phẩm nghệ thuật, đáng tin nhất là
ở loại hình thơ ca. Nhưng tùy theo căn cơ mỗi người, việc khám phá, nhận biết
lắm khi phải tốn khá nhiều thời gian.
Ngày 30-4 năm ấy
(1975) bạn đang ở đâu, làm gì ? tâm trạng thực mỗi người lúc đó ra sao ? Có thể
rất nhiều người Sài Gòn, dù đang ở trong nước hay đã ra hải ngoại, đến nay vẫn
khó trả lời câu ấy thật lòng. Tôi và nhiều bạn bè thân vẫn hiểu ra rằng, có
người do bị “tiêm nhiễm”, chưa biết rõ sự thật của cuộc chiến tranh nên đã lỡ
vội vã trở thành “ông cách mạng 30”. Có nhiều anh vội đi lùng mua, mặc ngay lên
người bộ bà ba đen, đeo thêm vòng “băng đỏ” nới cánh tay; thậm chí còn ra đường
lượm cây súng vứt vung vải, đeo vào vai rồi leo lên xe Jeep tự lái chạy vòng
vòng khắp phố để chứng minh là “có tôi đây”…
Những chuyện vặt
vãnh ấy có lẽ không cần thiết phải ghi lại làm gì. Người sáng tác ở đất Sài Gòn
cũ, trước cơn biến động của lịch sử đã thể hiện tư cách của anh ra sao? Có lẽ
tất cả vẫn còn được lưu dấu qua các tờ báo mới trong những năm đầu tiên từ thời
điểm này. Những người có máu thích “lập
công” vẫn thường tìm cách khoe mẽ qua “sáng tác mới” ! Tôi và Nguyễn Tôn Nhan
(được liệt vào nhóm các nhà thơ “Thiền”- tức coi đời là cõi không), khi được
huy động vào đội ngũ văn nghệ sĩ tham gia diễu hành trong buổi mừng ngày chiến
thắng được tổ chức tại quảng trường trước Dinh Độc Lập vào giữa tháng 5-75, đã không
thể không lấy tạy bụm miệng cười trước cảnh tượng vui. Đó là việc một số cây
bút “30” được “vinh dự” cử đi bên luồng để làm “cai”, xem người trong hàng bước
đi có đúng nhịp hay không !
Trường đại học
không còn giảng dạy, các báo, tạp chí , nhà in cũ đều phải đóng cửa. Họa sĩ Hồ
Thành Đức vốn là người linh hoạt đã vẽ cho chúng tôi những cách mưu sinh mới,
như sắm một chiếc xe đẩy trái cây đi bán dạo trên đường…; thành người lao động
“vô sản” sẽ ít bị để ý hơn ! Nhà văn Cung Tích Biền sắm ngay một chiếc ba-gát
máy. Anh mở hàng bằng chuyến chở sách vở, nồi niêu soong chảo giúp vợ chồng tôi
chuyển từ nhà trọ ở Phú Nhuận lên chỗ mới được người thân cho ở tại xóm ga xe
lửa Gò Vấp. Tôi ngồi sau yên xe chỉ đường. Tới đoạn ngang qua đường rầy, chiếc
xe bỗng khựng hơi, rồi chết máy giữa. Anh Biền hối hả ra đầu xe, còn tôi ở bánh
sau, ra sức đẩy nó vượt lên, kịp trước khi đầu xe lửa rít thắng lướt qua. Thật
hú hồn, hú vía…
Ngày 2 tháng 5,
dù tin là nhà văn Võ Phiến đã “kịp thời” di tản, nhưng anh Nguyễn Mộng Giác và
tôi vẫn rủ nhau đến “thăm” nơi cư ngụ của gia đình ông ở đường Trần Quang Diệu
nối dài. Cảnh nhà tan hoang, tài liệu sách vở vung vãi. Nhưng chưa bị ai vào
tiếp quản. Tôi lượm và cất được một cuốn “note book” của ông để giữ làm kỷ
niệm. Qua đó, tôi cũng hiểu hơn về cách làm việc (khá chi ly) của nhà văn. Sổ
tay có ghi lại một số bài dân ca của người dân tộc thiểu số, làm theo thể thơ
lục bát. Ngôn ngữ dân gian rất hiện thực, mà đầy âm điệu trữ tình. Những gì đã
thành thơ, được muôn đời lưu lại, vẫn dùng những từ ngữ rất dung dị, gần gũi
với sinh hoạt của con người, chứ không lên giọng cao đạo triết lý như các “trào
lưu” thơ phương Tây hay “lên gân” như trong các tác phẩm tự nhận là hiện thực
cách mạng.
Ló thụt
Bẵng đi bao
nhiêu năm, gần như nhiều nhà văn, nhà thơ Sài Gòn cũ đều không công bố, hay
được công nhận là có thêm tác phẩm nào “nặng ký”. Gánh nặng áo cơm gần như luôn
nhắc nhớ: lúc này không phải là thời kỳ dành sáng tác. Có người nói rằng điều
ấy đã cho thấy bản lĩnh và nội lực của mỗi người cầm bút. Cọng với sự vô vị
trong các tác phẩm thuộc dòng văn nghệ chính danh, nhiều nhà phê bình và cả một
số đông độc giả đâm ra mặc cảm, rằng người Việt khó có thể làm ra được tác phẩm
lớn ! Có nhiều nhà thơ vẫn tự hào là người “có học thức” , nhưng vẫn lo ngại
không biết ít bữa vào thời hội nhập, làm thơ bằng ngôn ngữ Việt thì khó tạo
được sự cảm thụ trong toàn cầu !
Những vần thơ đã loan truyền, dù tả tình
cảnh, tâm trạng thực của người sống sau thời điểm ’75 cũng ít làm cho người đọc
rung động.
*Nguyễn Dương
Quang
Ngày về
Cải
tạo về, lên non phát rẫy
vợ lo “phe phẩy”, ta tiều phu
độc lập tự do hạnh phúc nhất
vừa làm chủ vừa làm bí thư
Tả xung hữu đột tan cây cỏ
thoáng chốc
một vạt Đông Trường Sơn
úng đạn thua rồi, nay trận rựa
chiến chinh, chinh chiến ta coi thường
Lều cỏ dưới chân con thác nhỏ
trôi trôi bèo bọt chuyện ngày xưa
dòng suối tí teo làn cá trắng
sáng trưa chiều độc món cá tươi
Lâu lâu về xóm vợ mừng rơn
đáp đền sông núi như tân hôn
bốn thế hệ nồi bo bo nóng
má em hồng hơn bà Tú Xương
Trăm thước lên cao, trăm thước xuống
hoa nào đẹp bằng hoa khoai lang
trận “Đào Khoai”,
vợ cười yểm trợ
khoai sùng, khoai mụn gánh tung tăng
Đời lẩn quẩn lưỡi câu, cuốc rựa
tương lai, dĩ vãng, đám sương mù
gió động vách lều đêm chợt nhớ
bạn tù xa lán trại âm u
(1977)
Mãi tới gần 38 năm của ngày
30/4 tôi mới được đọc một bài thơ thú vị về cảnh sống của một người đi học tập
trở về như của Nguyễn Dương Quang. Bài thơ
này trong tập “Đêm Ôm Đàn Uống Rượu Một Mình”. Sách in xong hồi cuối năm
2012, là bản thảo “Để kỷ niệm và dành tặng bạn bè”. Đây là tập thơ đầu tiên,
khi tác giả đã tròn 70 tuổi. Cần nói thêm rằng Nguyễn Dương Quang hiện tham gia
Hội văn nghệ tỉnh Lâm Đồng. Làm thơ và sáng tác nhạc, nhưng từ trước đến nay,
chưa bao giờ ông tự nhận mình là một nhà
thơ !
“Đêm Ôm Đàn Uống Rượu Một
Mình” có 57 bài thơ, 2 phụ bản nhạc được tác giả sáng tác từ 1962 đến nay. Bài
thơ “Đêm cuối năm viết cho má” có những câu “Hình như cây súng con lạ lắm/ sao nó run lên khi đạn lên nòng” đã
được nhà phê bình Đặng Tiến trích dẫn khi viết lời tựa cho bộ “Thơ Miền Nam
trong thời chiến” (Thư Ấn quán xuất bản năm 2005). Đi học tập về, Nguyễn Dương
Quang đi làm rẫy, rồi anh vào kinh doanh và tiếp tục làm thơ, như một cách
“chơi”. Vẫn giọng thơ hiền lành, không hận thù dù đã trải qua những ngày đau
khổ. Vì từ xưa, khi còn mang áo lính, ông đã nhận ra rằng :
….
Có kẻ dạy ta về chủ nghĩa
Ta nghe mà có hiểu gì đâu
Chỉ biết xót xa rừng tít biển
Lòng đau như mìn chặt chân cầu…
(Trong đêm mưa tiền đồn-1969)
Joseph Brodsky (1940-1996)
là nhà thơ Nga, đã bị Liên Xô trục xuất năm 1972. Ông trở thành công dân Mỹ
từ năm 1977. Tại diễn văn nhận giải
Nobel văn học năm 1987, Brodsky đã cực lực cảnh báo về tình trạng nghệ thuật
nói chung và văn học nói riêng “đang là tài sản đặc quyền của thiểu số trong xã
hội. Nó không lành mạnh và đầy nguy cơ”!
Ở đâu có sự độc quyền trong định
hướng sáng tác và thưởng ngoạn thẩm mỹ đối với văn học, rõ ràng sẽ không giúp
sản sinh ra các tác phẩm hay. Nên những bài thơ như của Nguyễn Dương Quang chỉ
có thể “ló thụt” trình làng. Đây cũng là điều dễ hiểu.
Số phận
“Điều khiến thơ ca khác biệt
với các loại hình văn học khác là ở chỗ nó ngay lập tức sử dụng cả ba phương
thức nhận thức (phân tích, trực cảm và phương thức mà các nhà tiên tri trong
Kinh Thánh sử dụng: mặc khải), bởi vì cả 3 đều có trong ngôn ngữ; và không hiếm
khi chỉ bằng một từ, một vần, người viết bài thơ có thể đến nơi mà trước đó
chưa ai từng đến, -và có thể còn xa hơn cả nơi chính anh ta mong ước.” (Lời dịch từ tiếng Nga của Đoàn Tử Huyến,
sách Các nhà thơ Giải Nobel- NXB Lao
Động 1/2007)
Đến Mỹ rồi trở về, gặp gỡ
nhiều người vẫn một lòng nặng nợ với câu chữ và âm điệu làm ra những bài thơ,
tôi càng hiểu hơn điều mà Brodky đã đúc kết như trên. Câu dẫn đã nêu trên khá
nghiêng về nghệ thuật thể hiện một bài thơ. Nhưng có khi, sự phân tích từ trí tuệ lại mở nguồn cho
một cảm xúc dài hơi để qua ngôn ngữ, nhà thơ ra sức thể hiện thành tác phẩm. Đó
là sự hình thành nên những bản trường ca. Thể loại này trong bộ môn thơ, hiện
chưa được các nhà thơ và nhà phê bình định dạng rõ nét. Trường ca trước tiên
phải là “thơ dài”, còn nó có cốt truyện, có nhân vật chính như các trường ca
cổ; cảm xúc của người viết dẫn dắt người đọc đến đâu…? Tất cả còn đang được
tranh luận. Năm nay, tổ chức Liên hiệp các hội nghệ thuật VN ở thông báo mới
nhất của về cuộc thi sáng tác về đề tài văn học cách mạng, trong phần thể loại
đã ghi thêm loại hình “trường ca”. Sự minh định chưa rõ ràng về thể loại này,
theo nhiều người, sẽ là một kẻ hở cho những nhà dùng văn kiếm cơ hội chia chác
tiền thưởng. Và giải thưởng khi công bố, chắc cũng khó đến tay các ngòi bút không
ở trong nhóm đặc quyền, dù anh có tên hội viên trong Hội văn nghệ Bình Định.
Tôi đã nói điều này với nhà thơ Khổng Vĩnh Nguyên khi anh ôm tác phẩm mới nhất
đi bán dạo. Đêm Phượng Hoàng Trở Dạ & Lửa Gầm Nhật Tảo là hai trường ca
đứng chung thành một tựa sách, mang nhãn nhà xuất bản Hội Nhà Văn in ra từ
tháng 12 - 2011.
Khổng Vĩnh Nguyên quê ở Bình
Định. “Đêm Phượng Hoàng Trở Dạ” được cảm hứng từ sự kiện người anh hùng áo vải
Tây Sơn Nguyễn Huệ trên đường dẫn quân chống giặc ngoại xâm có ý định xây dựng
“Phượng Hoàng Trung đô” tại Nghệ An. Còn “Lửa Gầm Nhật Tảo” viết về cuộc đời
lãnh tụ nghĩa quân Nguyễn Trung Trực (1838-1868) trên đường chống Pháp. Cảm xúc
nẩy sinh khi nhà thơ phát hiện người anh hùng này có gốc gác cùng miền quê
nghèo, thôn Vĩnh Hội, xã Cát Hải, huyện Phù Cát.
* Khổng Vĩnh Nguyên
Tuổi thơ đi
biển
Ngày mới bắt đầu bay cánh chim bói cá
Gà gáy vang tan sương ma Hời xóm Lưới
Ta theo cha đi chài
Sau cơn bão, lập đông trời biển lặng
Sóng bạc đầu tan vào hư không
Tan vào lòng mẹ quê lành lạnh
Đứng bên cồn cát trắng trông cha
Mẹ ta như tượng đá sườn non
Như hòn vọng phu xõa tóc
Dáng hao gầy phơ phất cỏ lau
Ta hồn nhiên như bình minh hực hỡ
Tương lai thẳng hướng mặt trời
Mái chèo phăng phăng hăng mùi khoai nướng
Lướt qua liềm trăng hạ huyền
Cha ta ngửa nón chai uống vị quê nhà nước mắt
Nước mắt mồ hôi thấm vào xương tủy
Như giọt sương rơi trên cồn cát chiều chiều:
-
“Chiều chiều quạ nói với diều
Ở trong xóm núi thật
hiều gà con
Gà con bươi rác bươi rơm
Em ta chèo chẹo đòi cơm tối ngày !”
Mái chèo ta
phang vào giông bão
Phang vào chân
trời
Ôi mái chèo
tuổi thơ đi biển
Đi vào sống
chết mênh mông !...
Bình minh tuôn
đổ nước hồng
Gió tràn lồng
ngực trai tơ
Nhọn sắt tiếng
bầy nhạn biển
Vụt ngang bầu
trời
Đọng bóng
trùng khơi
Gọi mời…những
người con của biển !…
Đoạn mở đầu của bản trường
ca là tiếng than về số phận của những người dân nghèo miền Trung. Từ đó, ngày
xưa Nguyễn Trumg Trực đã theo tiếng gọi của Nguyễn Tri Phương “Đoàn lưu dân lạy đất trời/ Hào ca nam tiến
đáp lời Cửu Long”… Ở đây, các thể thơ truyền thống như ca trù, lục bát,
thất ngôn…và lời trích từ ca dao được sử dụng nối tiếp nhau, giúp người đọc
hiểu được căn cơ cội nguồn cảm hứng của tác giả. Làm cho người đọc hiểu được
tấm lòng người viết, thì hai trường ca này có thể đã thành công. Nhưng để tạo
được một hơi thở mới trong làng sáng tác hôm nay, thì có lẽ ấn tượng này chưa
đậm đà lắm. Bởi lẽ ngôn ngữ, từ cách diễn thơ trong từng câu, từng khổ thơ còn
chìm lẫn trong cách diễn đạt khá cũ. Nhưng đáng ghi nhận là hai bản trường ca
được in ra trong thời điểm khá “nhạy cảm”, là khơi dậy tinh thần “chống xâm
lược”. Nhưng nhu cầu này đang được nhiều người trong giới cầm quyền cho là khá “phức tạp” .
Mong muốn của người đọc thơ
hôm nay không phải chỉ dừng ở những khái niệm đã có như “ái quốc”, “anh hùng”…,
mà là hiểu thấu được căn nguyên tạo ra cái ác của con người. Dù sao, tiếng nói
của một “nhà thơ nông dân”-biệt danh của Khổng Vĩnh Nguyên- rất là đáng quý. Có
lẽ nhờ vậy nên sau vài chuyến đi vô nam “bán dạo”, dù các báo văn nghệ chính
thống không hề điểm qua hay nhắc tới, số lượng 500 bản in cũng đã được…tiêu thụ hết. Nhờ vậy mà tác giả, nhà
thơ nông dân nghèo Khổng Vĩnh Nguyên có tí tiền còm, tiếp tục “đêm về mua rượu
uống một mình” !
(Còn tiếp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét