Thứ Ba, 7 tháng 5, 2013

MẶT TIỀN NGHỆ THUẬT - VÕ CHÂN CỮU




Kỳ 11:
Những Nụ Hoa Cô Độc
 “Con chim thì ta biết nó bay, con cá thì ta biết nó lội. Thằng thi sĩ thì ta biết nó làm thơ. Còn thơ là gì thì ta chẳng biết !”…
Tôi xin phép được trích mấy câu tản văn thuộc loại “tuyệt cú” của Bùi Trung niên Thi sĩ (Bùi Giáng) để bàn về một ngõ trên “mặt tiền nghệ thuật” lần này. Kiểu nói này từng được các nhà tư tưởng ngàn xưa dùng đến.
Thơ Thiền !
Câu“Thơ là gì thì ta chẳng biết” đã làm cho cõi Thơ khá gần với cõi Đạo. Các nhà nghiên cứu văn học dùng chữ quốc ngữ từ hơn nửa thế kỷ trước đã khai sinh thêm một tên gọi là “Thơ Thiền” để định danh khuynh hướng thơ sản sinh khi môn phái Thiền tông của Phật Giáo được Bồ Đề Đạt Ma du nhập từ Ấn Độ về Trung Hoa vào thế kỷ thứ VI. Vào Việt Nam trong thời Lý, Trần, tư duy Thiền tông lại hòa quyện với tinh túy đạo Khổng và tư tưởng của Lão Tử, Trang Tử theo hướng “tam giáo đồng nguyên”. Hệ tưởng của Thiền Việt ảnh hưởng lớn tới cốt cách xử thế và hành động của nhiều lớp người, từ lớp quan lại, kẻ sĩ đến giới bình dân.
Nhiều người rất thuộc và nhớ bài kệ “Thị đệ tử (Dặn học trò)” mà Thiền sư Vạn Hạnh đã dặn trước khi ngài bước vào cõi vô thường (năm Thuận Thiên thứ 9, dương lịch 1018):
                        Thân như điện ảnh hữu hoàn vô
Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô
Nhậm vận thịnh suy vô bố úy
Thịnh suy nhi lộ thảo đầu phô
Ngô Tất Tố đã dịch :
Thân như bóng chớp, có rồi không
Cây cối xuân tươi, thu não nùng
Mặc cuộc thịnh suy, đừng sợ hãi
Kia kìa ngọn cỏ, giọt sương đông
Không ít nhà thơ đã tỏ ý không đồng cảm với tên gọi “Thơ Thiền”. Họ một mực cho rằng “Thơ là thơ, Thiền là thiền”. Từ xa xưa, có thể có nhiều bài thơ hay xuất phát là những bài kệ. Nhưng nếu đã là thơ, là lại vào một cõi khác. Đúng vậy không ?
Qua nhiều trào lưu nghệ thuật, hai tiếng “Thơ Thiền” lại được nhắc đến khá nhiều ở Miền Nam từ giữa thập niên ’60 thế kỷ trước. Khi đó, Phật Giáo và tư tưởng Thiền Tông trở thành một hướng mở trước những bế tắc của các nền văn minh cơ khí. Đầu tiên, có thể là những bài văn vần dùng nhiều pháp ngôn và hình tượng trong đạo Phật nhằm “thi hóa” các gương tu hành, đưa con người rời những bến mê. Nhưng rồi sau đó, ngày càng có nhiều bài thơ mang màu sắc tư tưởng phương Đông, hoặc cảm hứng nhiều nét huyền nhiệm của thiên nhiên, vũ trụ ra đời. Tất cả đều được quy rằng đó là Thơ Thiền. Có thể điểm ra các nhà thơ được sách báo liệt kê vào xu hướng này. Lớp đứng tuổi là Bùi Giáng, Hoài Khanh, Nguyễn Đức Sơn, Trần Tuấn Kiệt, Phạm Công Thiện, Phạm Thiên Thư. Lứa tiếp tiếp nối gồm Huy Tưởng, Nguyễn Tôn Nhan, Đặng Tấn Tới, Võ Chân Cửu, Lê Nghị…
Cõi hỗn mang
Nghệ thuật thơ ca cần phải sử dụng ngôn ngữ. còn nhập thiền là từ tâm niệm tiến dần đến cõi vô ngôn. Về phương pháp thể hiện, hai bên hoàn toàn khác nhau. Từ cảm xúc và bằng cảm xúc, thơ ca có thể từng lúc bước vào từng thế giới riêng trong cõi linh hồn. Còn hành thiền lại có thể nhìn ra vô lượng kiếp. Vậy mà sao hai bên lại gắn với nhau ? Thì ra điểm tương đồng là trên đường đi , cả 2 cách đều có thể dẫn tới, hoặc tạo ra niềm hoan lạc của tâm hồn. Nếu coi thơ như một đường dẫn, thì trước tiên nó có thể là một bài kệ, một “phương tiện” để đi tới hành thiền. Nhưng gọi là “thơ thiền” , thì chỉ khi nào bài kệ vượt thoát những giới hạn của ngôn ngữ giáo điều, giáo lý, như khi Thiền sư Vạn Hạnh “Thị đệ tử”, khi đó nó mới thật là “thơ”. Hóa ra, 2 hình danh sắc tướng này “tuy hai mà một, tuy một mà hai”… Tâm thức mỗi người nếu không thấu rõ điều này có thể sẽ bị rơi vào trạng thái “tẩu hỏa nhập ma”, lẫn lộn giữa cái “có” và cái “không”. Nói dễ hiểu là người ấy sẽ đâm ra “tửng tửng”.
Tại quê hương Thành Bình Định-tức kinh đô Đồ Bàn (nay là thị xã An Nhơn) của Vương quốc Champa cũ, vào hai mươi năm sau nhóm Bàn Thành Tứ Hữu (Quách Tấn, Yến Lan, Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên), đã xuất hiện một nguồn thơ đáng nhớ: Vũ Thúy Thụy Ca (Đặng Tấn Tới). Ông có thơ in khi bán nguyệt san Văn mới ra đời. Năm đó nhà thơ mới vào học Trung học đệ nhị cấp ở Quy Nhơn (1965-1966). Sau tập thơ đầu tay Mưa Mắt Tình (1969) mang nhiều âm hưởng trữ tình, vào thập niên’70, ông đứng ra thành lập nhà xuất bản Vận Động ở Sài Gòn, cho trình làng thi tập Tâm Thu Kinh, rồi xuất bản riêng một ấn phẩm mang tựa Tuyệt Huyết Ca. Đây là một bài thơ dài tạo nên hiện tượng lạ trong làng thơ lúc này. Nhưng, trong nổ lực làm mới nhịp điệu và thi ngôn, lúc đó Đặng Tấn Tới đã gần như sắp bị lạc vào cõi hỗn mang:
* Đặng Tấn Tới
Thấy gì ?
Hết lời chẳng tới vô ngôn
Thơ ca rất mực chân dồn bước chân
Kìa kìa rõ cái gần gần
Đuổi chơi chớ bắt cho thần thẩn thơ
Nghìn xưa soi đến bây giờ
Bóng trăng trăng bóng ai ngờ nước xanh
Nên em mới lại vin cành
Thấy gì trong vắt dưới mành mi cong ?
Ngay ở hai câu đầu tiên, bài thơ nói rất rõ nghịch cảnh của chàng thi sĩ đang muốn dùng thơ để đi vào cõi Thiền. Cũng may là cảm xúc từ cõi thơ khá màu nhiệm, nên đã đưa nhà thơ về lại với những vẻ đẹp của trần gian. Anh đã “Thấy gì trong vắt dưới vành mi cong”của cô thiếu nữ. Không may là sau cuộc thế đảo chiều, anh phải viết đôi vần thơ với những câu vô thưởng vô phạt. Ngậm ngùi sao.
Chuyện cũ, chuyện mới
Năm 1973, nhà văn Nguyễn Mộng Giác rời đất Quy Nhơn vào làm việc tại Viện nghiên cứu giáo dục ở Sài Gòn. Anh có cơ hội được đọc một số sách báo xuất bản từ Hà Nội. Một hôm gặp tôi, anh báo tin: “ngoài đó, có một số bài viết về văn nghệ miền Nam đã nhắc đến tên cậu” ! Tôi phớt lờ, không quan tâm nhiều, vì nghĩ rằng thơ mình đã làm đều không hề đi vào ca ngợi thế lực chính trị nào. Mãi đến sau ’75, khi có người giải thích, tôi mới hiểu vì đâu mình được nêu tên là ở trong số các cây bút chịu ảnh hưởng của “văn hóa thực dân mới”: Tôi nằm trong số các nhà thơ thiền ! Khi đó, tôi không phủ nhận hay công nhận. Và nói thật cho đến tận bây giờ, tôi cũng không thể hiểu tường tận thế nào là Thiền và Thơ Thiền.
Cuối 2012 khi sang Mỹ chơi, tôi được đọc một số sách, tạp chí văn, thấy nhiều cây bút hải ngoại có cách khen ngợi nhau là làm thơ thiền, hay có âm hưởng thiền. Tôi ngẫm ra rằng : Thiền đã và đang là mốt văn chương. Thiền chính là cuộc sống mỗi người đều muốn “đạt” tới.
Lên chơi Vườn quốc gia Yosemeti, trở về tôi có làm bài thơ mới. Khi đưa nhiều người xem, tôi không nghe ai bảo đó là thơ thiền. Có khi do bài thơ chưa hay. Nhưng tôi rất mừng vì Thơ Thiền có lúc từng bị xem là “ảnh hưởng của văn hóa thực dân mới”, thì hiện nay cả ở trong và ngoài nước, lại có nhiều làm thơ mang “âm hưởng Thiền”.
* Võ Chân Cửu
Lên Yosemeti , thấy tuyết
Lần đầu tiên thấy tuyết
In bọt trắng ven đường
Lòng ta đâm nghi hoặc
Hay ai vừa mới sơn ?
Đây Dầu-sao-mơ-đi
Rừng cao xô núi kép
Nước vực sôi thầm thì
Tuyết sinh thời mặc tuyết
Sờ mới hay tuyết thật
Ta trách mình đại nghi
Tuyết sinh thời mặc tuyết
Khách đến rồi lại đi
Lên dốc cao nghìn mét
Ai hay ta tìm gì ?
Vỗ tay đánh cái “bép”
Hóa ra cũng do mầy !
Ta cũng quen diễn kịch
Thực-giả, định làm gì ?
Có người trốn phố thị
Về kết áo vỏ cây
Khi hát cùng muông thú
Ai cảm nỗi vui vầy ?
Cảm ơn tầng sương tuyết
Mai về ta chắp tay.
                            ( 11-2012)
“Hành Thiền” hôm nay
Trong các bạn thơ ngày xưa, có Hồ Ngạc Ngữ là người từng đam mê hành thiền. Khi đó, anh đã mon men vào cõi Thơ Thiền, có những bài thơ 3, 4 câu khá nổi tiếng (Vì sao người đi tu,…). Theo biến động lịch sử, anh về sống tại một vùng kinh tế mới, rồi tiếp tục làm thơ, đa phần là cảm xúc dành cho tuổi mới lớn. Hồ Ngạc Ngữ có duyên tiếp cận với lớp làm thơ sau ’75. Một năm nay, thơ của anh lại chuyển dòng theo hướng hiện đại (của riêng anh).
* Hồ Ngạc Ngữ
Người Đàn Bà Cô Đơn
                                                               (Gửi PTTT)

Tưởng tượng khi em trở về bóng tối tràn ngập căn nhà với những mùi hương năm tháng
Tiếng nhảy nhẹ nhàng của con mèo hoang khuấy động nỗi buồn sót lại
Người đàn bà gian truân trong cuộc đời đã dừng ngoài cánh cửa
Em mang chiếc bóng người mẹ bước vào
Thắp lên chút ánh sáng dịu dàng một nửa hạnh phúc một nửa khổ đau
Em nhóm lên bếp lửa
Như ngày xưa đã nấu bữa cơm cho gia đình
Bây giờ chỉ nấu cho con những món nướng trong chiếc lò vi ba đã cũ
Và trong căn phòng nhỏ đứa con trai sẽ vừa gặm một mẩu xương vừa chơi game
Như một con chó con tội nghiệp

Tưởng tượng em nằm khỏa thân trên chiếc giường một mình vì trời nóng
Tình yêu như một món hàng cao cấp từ lâu em không nghĩ tới
Thứ lụa là người ta khoác lên cơ thể thanh xuân những cô gái mới lớn
Đẩy vào những căn phòng kín bưng tội lỗi
Tiếng máy điều hòa chạy rất nhỏ như tiếng thì thầm của thời gian
Em nằm đó, không xúc cảm và vô vọng
Thoáng nhớ tới anh như nhớ người đàn ông em thoáng gặp ở ngã tư đường
Trong buổi chiều có rất nhiều lá vàng rơi rụng

Đêm rất khó thở vì bóng trăng chênh chếch ngoài khung cửa sổ
Bay vào những giấc mơ, có lẽ, từ nhà hàng xóm sang
Những giấc mơ đầy hình ảnh cơm,áo,gạo tiền
Những giấc mơ chìm đắm con người vào mặt đất
Lẽ ra, những giấc mơ
đã bay lượn đến trời xanh

Tưởng tượng tới em
những đêm khuya ngồi khóc một mình
Tiếng khóc nén lại trên cánh tay yếu đuối
Như tiếng con mèo quào trên cánh cửa đã tróc nước sơn xanh
Loang lổ màu gỗ mục
Những giọt lệ bay lên thành những ngôi sao đêm lấp lánh
Và trong những nỗi nhớ về em, anh sẽ gặp.
                                                                 (Tháng 3-2013)
Ngoài 60 tuổi đời, thơ anh đang thực sự trẻ lại. Phải chăng đó là nhờ “hương thiền” mà anh đã tích tụ từ thời thanh xuân ?
Đọc thơ mới của Hồ Ngạc Ngữ, rồi những nhà thơ thuộc thế hệ 8 X, 9X hôm nay, không thể không mừng khi có những người hết lòng trên con đường thi ca, đã có được những cảm nhận đáng nể trong cuộc đời. Như nhà thơ nữ Ngô Thị Hạnh (sinh 1980) trong một lần lên Đà Lạt. Khi biết đến loài thông đỏ quý hiếm và sản vật của nó, trái tim cô đã bừng lên cảm xúc:
……………
Chỉ biết
Dù có dầu thông đỏ
Ướp nhiều đời thân xác cũng hư vô.
                             (Dầu thông đỏ)
Có thể thi sĩ nào cũng là người từng hành thiền trong nhiều kiếp trước.
          Nhưng với bài thơ sau đây, bản lĩnh của cô đã bộc lộ rõ nét hơn:

* Ngô Thị Hạnh
Rượu Tình
Em và tình yêu leo cầu thang say khướt nỗi buồn
nỗi nhớ liêu xiêu
hàng cây tiêu điều, xơ xác…
Em thoát khỏi cuộc đời anh
như thoát khỏi cơn mê thời thiếu nữ
Ngày dài
như nỗi buồn của chữ
không thể hiện nổi mình.
Đọc thơ anh vào một chiều nắng gắt
những con chữ đổ mồ hôi…
em uống phải thơ là uống phải thứ rượu tình
suốt đời không tỉnh nổi!
như chú ếch nằm dài khắc khoải một cơn mê.
Tiếng cười nghe như những mảnh ly đang vỡ.

Đâu phải cứ phải mang hương thiền thì bài thơ mới sống dai, mới vào cõi “vô ngôn”. Trong những vần thơ hay thì sức sống trường tồn như cõi thiền. Bài thơ thường là những nụ hoa cô độc.
                                              (Còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét