Thứ Bảy, 31 tháng 1, 2009

NGÀY MỒNG 6 TẾT

anh xa xứ nên ngày Xuân với Tết
cũng mơ hồ như những chuyện đời xưa (HL)

THƠ HOÀNG LỘC
để thành chánh quả Tết


anh dần dần xa các thứ nghiện ngập
anh từ từ kiêng những điều không nên
chẳng hạn anh xưa là tay hiếu sắc
bỗng hoá hiền khô từ ngày yêu em…

(hèn chi dẫy đầy dòng tu khổ hạnh
vì chút thiên đường mà xơ xác trăm năm !)

anh đã trời trồng giữa chiều nắng muộn
khi áo em qua bất ngờ dỗi hờn
anh đấm ngực mình từng hồi đau thốn
khi mắt em vừa chớm dấu nghi nan…

(hèn chi quá nhiều nhà sư ép xác
vì cái niết bàn mà khổ cắn răng !)

anh cũng từng bỏ uống không cần ăn
tự giữ mình qua từng câu nhật tụng
cũng biết kêu trời những đêm thức trắng
để tạ ơn tình cho anh cơn ghen…

anh không vì Chúa Kitô – vì Đức Phật
(hỡi các nhà tu - cứ việc đi tìm !)
nhưng anh tin phải ốm đòn, phải hành xác
thì mới được thành chánh quả trong em !

Thứ Năm, 29 tháng 1, 2009

NGÀY MỒNG 4 TẾT

Thơ
Cao Thoại Châu

Sự cần thiết

Tôi nhớ người vào lúc cuối năm
Có sương muối lạnh khổ vô cùng
Có bao nhiêu chuyện chưa hề nói
Có cõi lòng như sợi chỉ rối tung

Tôi nhớ người vào lúc đầu năm
Cũng chả đếm có bao nhiêu lần nhớ
Bao nhiêu tiếng còi như xé lụa
Không một lần rơi lệ của lòng tôi

Và tôi đã khô đi tất cả
Kỷ niệm thành viên cuội dáng xinh xinh
Trong thơ tôi không ghi điều chi hết
Những lãng quên cần thiết của riêng mình

Thứ Tư, 28 tháng 1, 2009

NGÀY MỒNG 3 TẾT

Bữa ni ngày Mồng 3 Tết,nhà nào cũng đưa ông bà,một buổi sáng đi dự lễ cúng trên 10 chỗ từ Nhà thờ họ,nhà thờ phái đến nhà anh em chú bác.Tối hôm trước trúng gió,khớp cổ sưng cả đêm không ngủ.Hai giờ chiều lên Huế như tàn quân thua trận.Nghe lời cô cháu tắm táp sau 3 ngày Tết "cố thủ"với cái lạnh của Huế,người thư thái hẳn ra chợt nhớ tới thằng bạn lười tắm hơn ta...

Lê Ngọc Thuận

Trâu Xuân

Mang cái mặt trăm bề thất thế
lầm lủi đi năm tháng mơ hồ
hắn bước tới bên bờ tuyệt vọng
chợt mĩm cười
- không sao!không sao !

Hắn quay về bãi cỏ chăn trâu
trâu đã mất nhưng hắn thì còn
cỏ vẫn xanh màu xanh muôn thuở
hắn là người có ăn hay không?

Học chữ Nhẫn - hắn nhịn nên đói
máu giang hồ hiu hắt gió mây
như lưỡi đao cong queo rỉ sét
giữa thị phi nín lặng lẻ loi

Hồi Bát Nhã- trống chuông bốn phía
Huế phiêu phiêu- rờn rợn mơ mù
gõ mãi cánh cửa thiền không khoá
hắn lại say trơ cái mặt người

Sông Hương vẫn lạnh lùng lãng mạn
dù Đêm tàn Bến Ngự xa xôi
khuya phố chợ chập chờn ác mộng
chút nhân duyên đụng phải luân hồi

Xuân thì cứ vô tình mà đến
thiếu phụ buồn ngó ngược thời gian
hắn lạc giữa Ngưu đồ thập mục
không thấy gì - ngoài mắt Vương phi

Thứ Ba, 27 tháng 1, 2009

NGÀY MỒNG 2 TẾT,THƠ NGUYỄN MIÊN THẢO

CÁM ƠN

Xin cám ơn những ngày tàn đông
Tạ ơn em-đôi mắt trăng rằm
Gió đông mà Huế sao không lạnh
Đôi má em bừng một sắc Xuân

Thứ Hai, 26 tháng 1, 2009

NGÀY MỒNG 1 TẾT

CHÚC MỪNG NĂM MỚI
Màu Văn bảnKỶ SỬU 2009

CHÚC BẠN BÈ , NGƯỜI THÂN MỘT NĂM MỚI SỨC KHỎE AN LÀNH VẠN SỰ NHƯ Ý
NGUYỄN MIÊN THẢO

THƠ HOÀNG THỊ THIỀU ANHMàu Văn bản










ƯỚC...
Người ơi nếu có phép tiên
Em xin làm nắng tháng Giêng ngọt ngào
Ru đời một chút hư hao
Tình Xuân- một khúc tiêu dao...
Ru người...

Thứ Bảy, 24 tháng 1, 2009

HUẾ,NHỮNG NGÀY CUỐI NĂM...


Bữa ni 29 Tết,trời trở lạnh và mưa,mưa Huế thì quá buồn.Từ ngày 23 đưa ông Táo về trời đến nay,trời nắng ráo,ấm áp,bà con buôn bán được cũng mừng.Sáng nay CH Khanh vào Sài Gòn,LN Thuận ra Mỹ Chánh và trời...mưa.Dự định ngày mai về làng.Chợt nhớ bài thơ viết về Huế của Ngữ An,một bạn thơ ở Dương Nỗ,Phú Vang đinh cư ở nước ngoài mà tôi chưa từng quen biết...

THƠ NGỮ AN

Ở HUẾ

Ở Huế chẳng biết làm chi cả
Đi về lãng đãng tựa như mây
Có khi thức đói ngâm thơ khổ
Nhiều khi buồn quá hát ru ngày

Hát ru cả đời người thầm lặng
Như dòng Hương có nói chi mô
Sông không nói một lời chi cả
Sông trong lòng người Huế là thơ

Em cũng là thơ ngoài cõi nhớ
Níu đời tôi với Huế thâm tình
Bao năm tình nọ như sương khói
Em ở nơi nào trong trái tim

Đời cứ rứa mà buồn chi lạ
Nhiều khi muốn bán cả Hoàng thành
Chỉ sợ khi em về qua đó
Phố không còn hồn đá rêu xanh

Huế chỉ có hai mùa mưa nắng
Nắng thì buồn mưa lại trầm ngâm
May còn có em bên đời nọ
Để tôi về thả mộng qua sông

Mai kia tình không đầy ngọn sóng
Lấy gì đưa đẩy bước em đi
Tôi còn lại hai mùa mưa nắng
Dựa trăm năm gọi bước em về
( Nguồn : 1000 Nhà Thơ Huế Đương thời,tập 1)

Thứ Sáu, 23 tháng 1, 2009

MỘT TUẦN RỚT MẠNG

7 giờ sáng 17 tháng 1 đến Huế .Cả tuần rớt mạng.C H Vĩnh,VV Lộc,Kim Long,Hường đều đã có mật ở Huế hít hà với sông Hương.Sáng vừa đến Huế chưa kịp thở đã ngồi ở Festival,chiều Vườn Phố ở Chi Lăng.Lịch ăn nhậu lên trước hai ngày không còn một chỗ trống.Nhà Viêm Tịnh tấp nập khách phương xa , TN Hạnh loay hoay với các món ăn Tết : dưa món,tôm chua,mắm tép,thịt kho mà phải mua thịt heo tận dưới chợ Mai chủ yếu đồ ngon mà giá cực...rẻ,dưa cải phải làm theo kiểu...Minh Mạng,lá cải phải còn xanh ngắt và dòn tan.8 giờ sáng nay V V Lộc từ giả Huế vào Sài Gòn,ngày mai tới C H Khanh và ta ra Tết mà chưa biết ngày nào.Đừng buồn nghe Tám,Huế muôn năm!Chép bài thơ của thằng bạn giả đò thất thế trong tình trường đọc chơi trong những ngày tàn - đông - ấm - áp kể từ ngày ta có mặt ở cố đô và tiễn V V Lộc lên đường về...cố quận

Thơ LÊ NGỌC THUẬN

A B C... KHOANH

Không sơn cùng
Không thuỷ tận
Bổng dưng người dở dang chén rượu
Biến mất trong vô cực
Có lẽ tại nụ hôn tàn đông
Hay bởi bóng dáng Thánh kinh Nhã ca
Mà người trở về
Với đôi mắt của tên đạo tặc
Và nụ cười lạc địa thần thông

Người cạn chén u mê
Vinh danh trái tim vật vả
Ai là A B C?
hãy cùng nâng ly uống hết
Ta chợt lẻ loi buồn
Bông khế đã trở thành cổ mộ

Người say quá rồi
Tình sau duyên trước
Ta ngậm ngùi kín mặt trùm chăn
Giấc mộng cũng cài then khoá cổng
Trong cái đầu tạp lục âm thanh
Giọng em cười
Như tiếng đàn Cao Tiệm Ly bên bờ sông Dịch

Mỹ Chánh không bạn bè
Khuya khoắc với chiếc lò bát quái
Lặng lẽ ta múc đời mình
Đổ vào khuôn bánh trắng
ô hô! Ai hai!
"Giày cỏ kiếm cùn ta ngồi đây"



Thứ Sáu, 16 tháng 1, 2009

NGÀY MAI VỀ HUẾ...

Cả một ngày tất bật lo công chuyện cho xong để về Huế.Buổi chiều trong người khó chịu như bị cảm cúm.Cháu Thụy đã về đến Huế gọi vào khoe và chọc quê : Con đang ở Huế nè.C H Vĩnh ,V VLộc chắc đang gầy nhậu,có cả LN Thuận ở Mỹ Chánh vào,Viêm Tịnh tạm thời hết cô đơn.Tự nhiên nhớ Nguyễn Xuân Hoàng... Cuối năm ngồi đọc những bài thơ "định mệnh "của Hoàng mà toát mồ hôi hột.Thiên tài thường biết những gì sắp tới cho mình

Câu chuyện thiên đường

Đôi khi tâm hồn tôi phiêu lãng thiên đường
Kể cho thân xác nghe câu chuyện về địa ngục
Đôi khi thiên thần gãy cánh
Thân xác kể cho tâm hồn nghe câu chuyện thiên đường
Mỏng manh một loài chim từng hót cháy lòng trong bụi mận gai
Để tình yêu tôi trao cho em một vết thương màu mận chín
Không bao giờ kín miệng
Như lòng môi em
Chưa bao giờ tắt ngọn lửa đam mê
Nung bạc một đời vôi
Tôi sùng sục sôi thân xác
Để kể cho tâm hồn nghe
câu chuyện thiên thần
gãy cánh.

Cho một tương lai

Rồi một ngày
Tôi nằm lại một mình trên đồng lạnh
Mùa đông
Mưa mịt mùng ướt chiếc áo quan
Co ro trong chiếc áo quan lạnh giá
Tôi muốn đội mồ lên ngồi quanh quẩn bên em
Như quanh quẩn bên nỗi buồn
Của riêng tôi ngày nọ
Tôi muốn
Quỳ xuống bên vạt cỏ lau
Nói với em lời chia ly
Không còn nước mắt
Rằng trái tim tôi tan nát
Từ dạo nói lời tôi yêu em
Tôi gượng sống
Những ngày
Gượng nhẹ niềm đau
Gượng nhẹ nỗi buồn
Gượng nét vui tàn héo hắt đôi môi tôi khô héo
Gượng bước chân đi
Về phía đồng lạnh ơ thờ
Có ngôi sao đêm lặng lẽ
Cười một mình giữa vòm trời khuya
Rồi một ngày
Về nằm trên đồng lạnh
Không thể nói nữa với em lời biệt ly
Không thể buồn được nữa cùng em
Nỗi buồn ngày ta sống
Không thể nữa tàn đêm thao thức
Đợi em về
Trái tim cũng thôi đau
Nỗi đau đời thường
Bước chân cũng thôi đi
Những con đường buồn tẻ trên mặt đất
Đầy lá rụng ngày đông
Nằm trên đồng lạnh
Tôi đợi bóng quạ mang về đêm tàn
Tôi khát đôi môi em ngày tôi còn sống
Tôi nhớ đắng ngắt miệng môi tôi
Ngày tôi yêu em
Ngày em nói
rằng em yêu tôi.

Vô đề 2

Trên cánh đồng chữ nghĩa
Tôi gieo âm thầm hạt nỗi buồn
Để gặt
Những nỗi buồn hơn
Không phải là ảo vọng
Khi con chim thi ca bay qua mặt trời
Lấp lánh đôi khuyên tai em ngày tận thế
Rớt xuống cánh đồng
Một vết thương còn tươi
Ngày đã hết
Không còn nữa những bận rộn đời thường
Tôi cởi xiêm áo
Trần vết thương đời thường còn tươi
Vết thương lê đôi gót chân
Lê đôi cánh tay
Lê thương đau tê tái trên con đường xanh bóng đêm ký ức
Tôi trần xiêm áo
Chờ vết thương
Che nỗi buồn tôi
Trên cánh đồng chữ nghĩa.

Mùa hoa ngọc lan

Tình em thương nhớ
Xa xôi ngày tháng mong chờ
Lòng anh cay đắng
Yêu em ngày ấy đâu ngờ.

Mùa thu xa vắng
Mong em tin xưa vừa hay
Em đi tóc buông trời mây
Ái ân còn lại đôi tay.

Rồi mùa xuân đến
Mong em ngọc lan còn đây
Nhớ em hoa rụng rơi đầy
Thềm xưa mưa ướt chân ngày.

Thì thôi em nhé
Phải chi ta đừng quen nhau
Xưa em đừng gieo bóng cầu
Thì đâu có mối duyên đầu.

Giờ đây lặng lẽ
Đêm khuya đường vắng mình ai
Ngọc lan đêm tối u hoài
Xót xa hương vắng bên thềm.

Lệ nến

Thắp một ngọn nến tàn
Ta chờ em giọng nói
Hôm xưa mơ bình minh
Ngày lên chờ đêm tối

Cháy nữa thôi nến ơi
Một kiếp người ngắn ngủi
Đốt cạn xác thân này
Làm tro tàn nuối tiếc ...

Cháy nữa thôi nến ơi
Hanh khô từng giọt máu
Nhen tình em nhân hậu
Độ lượng ấm vòng tay

Cháy nữa thôi nến ơi
Ta đợi em
Nến tàn
Héo khô dòng nước mắt
Gót chân khuya
Em về
Bình minh lên
tím buốt

Cháy nữa thôi nến ơi
Một kiếp người ngắn ngủi.. .

Tháng 1.2007

Thứ Năm, 15 tháng 1, 2009

TRANG VĂN NGÀY CŨ KỲ 8 - NHÀ THƠ TRẦN VẠN GIÃ

Nhà thơ
TRẦN VẠN GIÃ,
thấm đẫm hồn quê

Nhà thơ Trần Vạn Giã sinh năm 1945,
quê quán Khánh Hòa Nha Trang.
Thơ anh xuất hiện trên văn đàn từ giữa thập niên 1960 hầu hết trên các báo văn học ở miền Nam.Anh tham gia phong trào sinh viên học sinh đấu tranh đô thị,bị bắt,đi lính đào ngũ và tiếp tục hoạt động cho đến năm 1975.Anh hiện là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam,đã xuất bản 7 tập thơ trong đó có tập thơ Lục bát Trần Vạn Giã xuất bản nam 2007.Anh được xem là một trong những nhà thơ chuyên trị thơ sáu tám.

THƠ LỤC BÁT

CHUYỆN VÙNG BẤT AN (1)

Đây vùng oanh tạc tự do
từ cao đổ xuống tàn tro xóm làng
bà già tay xách nách mang
bước đi mấy bước gặp tràn đại liên

CŨNG CHUYỆN VÙNG BẤT AN(2)

Trăm căn nhà cháy bên sông
đồng bào tay dắt tay bồng trốn bom
ruộng đồng thiếu hạt thóc thơm
đêm nghe tiếng khóc trên chòm sao thưa

ĐẾM XÁC HỒI HƯƠNG(3)

Chiếc xe sao trắng qua đường
mẹ ngồi bó rạ bên mương đầu làng
nhìn lên cờ rũ hai hàng
đếm ba xác chết mở màn hồi hương

LỜI TÌNH TỰ CỦA MẸ(4)

Chỗ này ăn bắp đánh Tây
chỗ này gác giặc trên cây chưng bồi
bảy năm Mỹ chiếm ngọn đồi
còn bao lâu nữa thu hồi rẫy nương

LÒNG VẪN THIẾT THA(5)

Đưa tay xới chén cơm chiều
nghe trong cổ luỵ đã nhiều xót xa
chiến trường-ngục thất-nhà ma
ồ,nên lòng vẫn thiết tha tình người
xin còn được giọt máu tươi
ngàn sau còn được nụ cười bình an
(1,2,3,4,5 - Tạp chí Trình Bầy Xuân Nhâm Tý 1971)

THƠ TỪ CĂN CỨ TIÊN SA(1)

Rừng thưa dạt gió Hạ Lào
Đêm nằm phục kích nhìn sao nhớ nhà
Tháng tư thương nụ hoa cà
Hồn quê gửi ngọn mây xa cuối trời

CHIỀU QUA SỒNG(2)

Phất phơ áo lụa trên cầu
Nắng nghiêng cổ tháp ngả màu thời gian
Gió xao sóng nước mênh mang
Thương em,nhớ mẹ ngập tràn nhánh sông
(1,2 -Thơ Miền Nam Trong Thời Chiến,

Thư Ấn Quán xuất bản 2006)








Thứ Tư, 14 tháng 1, 2009

THƠ NGUYỄN MIÊN THẢO


CÓ NGÀY ANH SẼ ...

Mai kia mốt nọ anh về
Có em đừng giữa bốn bề thanh xuân
Đất trời cũng hóa thanh tân
Anh bâng khuâng với ngại ngần,
tội chưa

Yêu em chỉ biết dạ thưa
Có ngày anh sẽ lên chùa...ngắm trăng

Thứ Ba, 13 tháng 1, 2009

THƠ HOÀNG LỘC - TRANH NGUYỄN THƯỢNG HẢI

Thơ
HOÀNG LỘC
Hỏi người đi dạy

chiều nay người đi dạy về
thấy hồn ta dựng bên hè phố không?


học trò người dạy thật đông
có tên nào giống ta không,hỡi người?
học yêu thương suốt một đời
vẫn sông nước bỏ,vẫn trời gió bay

chiều nay,người hết một ngày
khi thành phố cũ lên đầy mù sương
khi về qua những con đường
thấy hồn ta,tượng - đá - buồn đó không?
*Hoàng Lộc ơi,bài thơ hay quá vậy.
NMT

---------------------------------------------------------------------

Xem tranh của
NGUYỄN THƯỢNG HẢI
Hà Trúc Trí

Tôi có vinh dự xem tranh của Nguyễn Thượng Hải lần đầu ở một triển lãm chung nhân dịp Festival Huế,năm 2008.Mới đây, khi vào Sài Gòn tôi lại được xem tranh của Hải tại xưởng vẽ.Những bức tranh sơn dầu vẽ bằng nét cọ thoải mái,phóng túng và hồn nhiên không kiểu cách.Bằng gam màu tươi,bố cục loại bỏ những chi tiết rườm rà,tranh của anh chắt lọc những hình ảnh đáng nhớ,đáng nhìn và trao lại cho ta những cảm xúc chân thành.

Chủ đề sáng tác trong tranh của Hải vượt qua những suy tư quen thuộc.Anh chiêm nghiệm,luyện tập nhiều để tạo ra một không gian,thời gian riêng của tranh mình.Một không gian có khi thật phi lý - như những tinh cầu xa xăm hàng ngàn năm đang rong chơi đâu đó trong dải thiên hà.Cái đáng quí ở đây là chất thơ ngây và mộc mạc nhưng tràn đầy sức sống trong tranh cũng như con người anh ở ngoài đời.

"Chủ nghĩa khủng bố sinh thái" với hệ quả của nó là thông điệp gửi tới tương lai qua bức Sa Mạc.Điều mà mọi người và tôi khi xem bức tranh này là nỗi trống trải,hoang vắng,con người lạc loài cô độc không còn thân quen.Nỗi buồn đọng lại như giấc mơ của Hải về Hoàng Tử Bé trong truyện của A.de Saint Éxupéry.

Nét Huế trong tranh anh với dòng sông,hoàng thành,dãy núi xa xăm,những khu vườn xanh đầy u uẩn.Tất cả hình thái tronh tranh đều như lời tâm sự về quê hương,là nỗi u hoài về một vùng đất muốn trải rộng vươn xa thoát khỏi sự chật chội gò bó bao đời.Đó là ước mơ về Huế của anh,một người con mấy chục năm trời xa xứ.

Đồi Sim của Hải là một bức tranh đã loại bỏ hết những chi tiết rườm rà,màu sim như màu ký ức của tuổi thơ.Màu trời tím đồi chiều hoang dại đơn sơ nhưng đầy cảm xúc.

Lỗ Đen Vũ Tru , không gian của thời sơ khai,nguyên ủy hay là triết lý Duyên khởi của nhà Phật!Có thể đây là giấc mơ của anh trong những lần mộng mị giữa đời.

Qua các bức tranh trừu tượng đầy ẩn dụ trên,bức Thiếu Nữ của Hải là một phát hiện trái ngược hoàn toàn trong cách nhìn thuần lý.Tuy là đề tài muôn thuở của hội họa,nhưng anh đã đưa người thiếu nữ vào trong không gian tranh như thật-như ảo.Cổng thành cổ u tịch,chiếc cầu đá giữa mây và nước,hương thơm như phảng phất từ những đóa sen.Tranh Hải là một diễn đạt khá thú vị được tạo nên từ sự kết hợp từ tính chất tao nhã của hội họa thủy mặc phương Đông và nghệ thuật tạo hình phương Tây được chuyển tải qua chất liệu sơn dầu.Và,âm - dương,hư - thực,đồng hiện tinh túy của hội họa Á Đông được phối nhất thể qua màu tím Huế.

Năm nay Hải đã gần sáu mươi nhưng tôi vẫn mong anh vẽ mãi bởi chất thơ hồn nhiên trong tranh của anh khiến cho những người như tôi cảm thấy gần gũi.

(Nguồn : Tạp chí Văn Hóa Phật giáo}



Thứ Hai, 12 tháng 1, 2009

CHUYỆN ĐẦU TUẦN - THƯỞNG TẾT GIÁO VIÊN ...

Phó Thủ Tướng Nguyễn Thiện Nhân có biết không ?
Thưởng Tết cho giáo viên:
nửa kg hạt dưa
và một gói bột ngọt!

Vùng cao : Mức thưởng nhiều nhất
...20 ngàn đồng
Nhắc đến thưởng Tết là... ứa nước mắt!

MỜI THẦY CÔ GIÁO ĂN TẾT BẰNG ...THƠ

"Cũng làm việc ngày 8 tiếng, có khi còn cực hơn các đơn vị hành chính khác và tiền thưởng Tết đều do các trường cân đối từ phúc lợi và hội cha mẹ học sinh đóng góp nhưng cũng không đáng bao nhiêu" - ông Nguyễn Tiến Đạt - Chủ tịch Công đoàn ngành giáo dục TP.HCM ngao ngán khi nhắc đến chuyện thưởng Tết cho GV. Tuy nhiên, ông Đạt cũng cho biết năm nào Sở GD-ĐT cũng có công văn gửi đến UBND TP để xin được thưởng Tết cho CB-GV của ngành nhưng đây cũng chỉ là mức thưởng dành cho CB-GV trong biên chế, còn những CB-GV do các trường tự hợp đồng làm việc thì không được hưởng.

Theo thống kê của Sở GD-ĐT TP.HCM, mức thưởng Tết của CB-GV năm nay dao động từ... 0 đồng đến 2 triệu đồng, tùy theo mức độ mỗi trường tằn tiện. Nếu năm ngoái mức thưởng thấp nhất của ngành giáo dục là 50 ngàn đồng thì năm nay nhiều trường không thưởng Tết cho GV. Ông Đạt cho biết mức thấp nhất vẫn thuộc về các trường ngoại thành.
Thầy Nguyễn Văn Ngọt - GV trường THCS Bình Chánh tâm sự: "Trong 23 năm đi dạy, Tết năm nay tôi mới nhận được mức thưởng cao kỷ lục là 500.000 đồng". Thầy Ngọt còn khoe: "Đây là mức thưởng kỷ lục đó. Năm ngoái được 200.000 đồng, còn những năm trước thì không có gì luôn". Rồi thầy Ngọt xót xa: "Mà 500 ngàn đồng thì thấm vào đâu trong thời buổi này? Hai vợ chồng tui là GV dạy cùng trường, Tết năm nay được thưởng 1 triệu đồng, nhưng cũng đỡ hơn các đồng nghiệp khác".
Còn ông Lê Hùng Sen - Trưởng phòng Giáo dục huyện Củ Chi cho biết: "Huyện nghèo, trường nghèo nên kiếm đâu ra phúc lợi để thưởng Tết cho GV. Trường nào có điều kiện thì CB-GV được thưởng 100 - 200 ngàn đồng/người, trường nào không có điều kiện thì thưởng Tết bằng lời chúc".

Vùng cao : Mức thưởng nhiều nhất 20.000 đồng!

Trong khi nhiều doanh nghiệp đã công bố mức thưởng Tết lên tới chục triệu, thì GV, đặc biệt là những GV ở vùng khó ngậm ngùi với mức thưởng là mấy gói kẹo hoặc cao nhất là vài chục ngàn đồng.
Ông Lê Duy Vỵ - Giám đốc Sở GD-ĐT Thái Nguyên cho biết: việc thưởng Tết cho GV hầu như không có. Ngành GD-ĐT không có gì đã đành nhưng chính quyền địa phương cũng không có ngân sách để chi cho việc này vì không có trong quy định. Theo ông Vỵ, từ nhiều năm nay việc thưởng Tết cho GV hoàn toàn phụ thuộc vào từng huyện, từng xã. Tuy nhiên, tình hình chung là có nơi hỗ trợ GV vài chục ngàn đồng, nơi thì có vài túi kẹo, túi bánh; nhiều nơi không có gì.
Không giấu được ngậm ngùi khi nghe chúng tôi hỏi về chuyện thưởng Tết cho GV, ông Lê Văn Ngọ - Giám đốc Sở GD-ĐT Nghệ An nói: toàn tỉnh có khoảng 51.000 GV, rất nhiều trong số họ phải chấp nhận cuộc sống xa gia đình để đến công tác ở những nơi đặc biệt khó khăn nhưng khi được nghỉ Tết trở về nhà, họ hầu như không nhận được mức thưởng Tết nào. Chỉ một số huyện cố gắng động viên GV bằng một chút quà tết, nhưng mức thưởng cao nhất cũng chỉ lên tới 20.000 đồng.
Ông Nguyễn Văn Bền - Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Bắc Kạn thì tâm sự: năm ngoái GV hầu như không biết đến khái niệm thưởng Tết, chỉ có những GV thuộc diện gia đình chính sách, gia đình nghèo thì nhận mức hỗ trợ chung của Nhà nước là một túi quà. Còn lại thì ngay cả vài chục ngàn đồng để an ủi, động viên cũng không có. GV ở các bản vùng cao, gắn bó với đồng bào dân tộc, được đồng bào yêu quý khi trở về được cho cân gạo hay con gà là quý lắm rồi.
Đó cũng là thực trạng chung của hầu hết các tỉnh khó khăn. Từ trước đến nay, trong danh mục chi trả cho GV không có khoản tiền Tết. Các nhà quản lý giáo dục khi được hỏi về thưởng Tết cho GV, câu trả lời chung là, không có nguồn thu thì làm sao có kinh phí chi. Thưởng như thế nào, thưởng bao nhiêu chủ yếu là do nhà trường, địa phương và phụ huynh học sinh.
Tuy nhiên, nghịch lý chính lại phát sinh ở chỗ đó, những GV ở vùng khó khăn, vốn đã chịu mọi thiếu thốn, hy sinh thì mức thưởng Tết nếu dựa vào ngân sách và nguồn thu của trường từ công tác xã hội hóa giáo dục ở những nơi này lại... càng khó. Ông Lê Duy Vỵ chia sẻ: "GV vùng khó thiệt thòi đủ đường, nhiều người ở vùng sâu, vùng xa, đường sá đi lại khó khăn, mỗi lần đi về chi phí xe đò rất tốn kém nhưng đều phải tự bỏ tiền túi; càng khổ hơn là những GV mầm non trong diện hợp đồng, lương tháng chỉ có vỏn vẹn 600.000 - 700.000 đồng, trong tình hình giá cả leo thang như hiện nay, họ không biết xoay xở ra sao để có một cái Tết đầy đủ".

Nam bộ: Nơi có nơi không

Ở Hậu Giang: Hiện có trên 9.700 CB-GV. Theo Giám đốc Sở GD-ĐT Hậu Giang Bùi Văn Dũng: Tết năm nay tỉnh hỗ trợ mỗi thầy cô 150.000 đồng/người. Cà Mau: Tiến sĩ Thái Văn Long - Giám đốc Sở GD-ĐT Cà Mau thông tin toàn ngành có khoảng 15.000 CB-GV. Đến thời điểm này, UBND tỉnh Cà Mau vẫn chưa có thông tin cụ thể về mức hỗ trợ GV ăn Tết. Kiên Giang: Năm rồi, thưởng Tết cho GV là không có. Năm nay, lãnh đạo Sở GD-ĐT vẫn chưa nghe UBND tỉnh thông báo hỗ trợ Tết cho GV. Đồng Tháp: Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Nhi - Giám đốc Sở GD-ĐT Đồng Tháp cho biết đang chờ ý kiến của tỉnh về khoản tiền thưởng Tết Kỷ Sửu dành cho CB-GV. Năm ngoái, 20.400 CB-GV Đồng Tháp không có tiền hỗ trợ Tết từ ngân sách tỉnh. Phụ huynh các trường vận động được bao nhiêu thì giúp bấy nhiêu nhưng quà có được không tới 100.000 đồng/phần.
(Quang Minh Nhật )

Thưởng nửa kg hạt dưa và một gói bột ngọt!

Thầy Nguyễn Xuân Ảnh - Hiệu trưởng trường Dân tộc nội trú Nam Trà My (Quảng Nam) cười xòa khi hỏi về mức thưởng Tết cho GV trường mình. "Thì y như mọi năm rứa, trích từ quỹ Công đoàn, mỗi GV sẽ được nhận nửa kg hạt dưa và 1 gói bột ngọt, tổng vị chi là 50.000 đồng/người". 34 GV trong trường đều có mức thưởng Tết chung khiêm tốn đó. Ông Ảnh kể, có một năm duy nhất - cách đây vài năm, GV của trường có mức thưởng Tết cao đột xuất - mỗi GV được nhận... 100.000 đồng. Cũng xoay quanh câu chuyện thưởng Tết, thầy Đoàn Văn Hậu - GV dạy Toán của ngôi trường này với thâm niên 10 năm công tác, trăn trở: "GV của trường chủ yếu đều là dân đồng bằng tình nguyện lên dạy, mỗi lần về xuôi ăn Tết thì cũng tốn kém mọi bề, nhưng việc hỗ trợ thì chưa tương xứng. Thấy người ta thưởng Tết mà ham. GV miền núi thì rứa thôi!". Đó là chưa kể những trường nằm heo hút ở vùng thường xuyên bị cô lập khi có mưa bão như THCS Trà Linh, Tiểu học Ngọc Linh... của huyện miền núi này. Mỗi độ về Tết, cứ từ trường xuống huyện, GV phải chi đến 500.000 đồng/lượt tiền xe ôm nếu muốn về đồng bằng đón Tết.
(Diệu Hiền )

Nhắc đến thưởng Tết là... ứa nước mắt!

Tại Bình Định, số lượng GV các cấp có khoảng 17.500 người. Khi đề cập đến vấn đề thưởng Tết cho GV, thầy Trần Văn Quý - Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Bình Định thốt lên đầy vẻ ngạc nhiên: "Làm gì có chuyện thưởng Tết".
Theo thầy Quý, ngoài tiền lương, ngành hầu như không có khoản tiền nào khác để có thể lo liệu việc này. Việc thưởng Tết lâu nay đều do các trường tự lo liệu, nhưng từ khi các trường thực hiện cơ chế tự chủ về tài chính, thì nguồn thu và vấn đề chi tiêu cũng dần eo hẹp hơn. Trường nào cân đối được thì thưởng cho GV, nhưng mức thưởng cũng chỉ gọi là... có cho đỡ buồn thôi! Ngay cả ở Sở cũng vậy, cũng chưa năm nào có tiền thưởng Tết. Cán bộ, chuyên viên của Sở muốn có thêm phần thu nhập thì phải đi ra đề, đi coi thi, làm thêm ngoài giờ. Vài ba tháng gộp lại nhận một lần coi như đó là tiền thưởng Tết. Một thầy giáo dạy Văn tại một trường THPT ở thị trấn Bồng Sơn, huyện Hoài Nhơn kể: "Hầu như GV chúng tôi không có khái niệm thưởng Tết. Cuối năm, Công đoàn trường cân đối được quỹ thì tặng cho mỗi GV 1 kg hạt dưa, hoặc là 1 kg đường, chai dầu ăn; nhưng cũng năm có năm không. Mỗi lần nhắc đến thưởng Tết là... ứa nước mắt luôn. Để đỡ tủi thân, GV chúng tôi hay bảo nhau: niềm vui của học sinh là một món quà Tết lớn lao nhất!". Thầy Trần Văn Quý nói: "Mỗi khi xuống thăm cơ sở, nghe anh chị em GV tâm sự về chuyện thưởng Tết nghĩ cũng thương, nhưng rồi cũng không biết xoay xở ra sao để bù đắp, dù chỉ bằng một phần nhỏ so với các ngành khác. Chúng tôi chỉ biết động viên nhau bởi cũng đã quen như vậy rồi".
(Đình Phú )


Những thông tin trên lấy từ Thanh Niên Online tưởng không cần phải bình luận và nói thêm điều gì làm cái Tết không mấy được vui của các Thầy Cô giáo thêm...mất vui.Thôi thì chép vài ba bài thơ vừa sưu tầm (không biết tên tác giả) gửi đến Thầy Cô...ăn Tết vậy !

Lời ru của Thầy

Mỗi nghề có một lời ru
Dở hay thầy cũng chọn ru khúc này
Lời ru của gió của mây
Con sông của mẹ đường cày của cha
Bắt đầu cái tuổi lên ba
Thầy ru điệp khúc quê nhà cho em
Yêu rồi cũng nhớ yêu thêm
Tình yêu chẳng có bậc thềm cuối đâu!
Thầy không ru đủ nghìn câu
Biết con chữ cũng đứng sau cuộc đời
Tuổi thơ em có một thời
Ước mơ thì rộng như trời,ngàn năm

Như ru ánh lửa trong hồn
Cái hoa trong lá,cái hồn trong cây
Thầy ru hết cả mê say
Mong cho trọn ước mơ đầy của em

Mẹ ru em ngủ tròn đêm
Thầy ru khi mặt trời lên mỗi ngày
Trong em hạt chữ xếp dày
Đừng quên mẹ vẫn lo gầy hạt cơm

Từ trong vòm mắt ngôi trường
Xin lời ru được dẫn đường em đi
(Con đường thầy ngỡ đôi khi
Tuổi thơ lăn một vòng bi tới rồi)

Hẳn là thầy cũng già thôi
Hóa thân vào mỗi cuộc đời các em
Thì dù phấn trằng bảng đen
Hành trang ấy đủ thầy mang theo mình

Gửi về Cô giáo dạy văn

Có thể bây giờ cô đã quên em
Học trò quá nhiều,làm sao cô nhớ hết
Xa trường rồi ,em cũng đi biền biệt
Vẫn nhớ lời tự nhủ:sẽ về thăm

Có thể bây giờ chiếc lá bàng non
Của ngày em đi đã úa màu nâu thẩm
Ai sẽ nhặt giùm em xác lá
Như em thuở nào ép lá giữa trang thơ

Ước gì...hiện tại chỉ là mơ
Cho em được trở về chốn ấy
Giữa bạn bè nối vòng tay thân ái
Được vui - buồn - cười - khóc hồn nhiên

Em nhớ hoài tiết học đầu tiên
Lời cô dạy : " Văn học là nhân học"
Và chẳng ai học xong bài học làm người
Chúng em nhìn nhau khúc khích tiếng cười
Len lén chuyền tay gói me dầm cuối lớp

Rồi giờ đây theo dòng đời xuôi ngược
Vị chua cay thuở nào cứ thấm đẫm bờ môi
Những lúc buồn em nhớ quá - Cô ơi!
Bài học cũ chẳng bao giờ xưa cũ...









Chủ Nhật, 11 tháng 1, 2009

MIỀN NAM ĐÃ CÓ MÙA ĐÔNG

Sáng hôm nay, 8 giờ trời vẫn con lạnh,khi ngồi viết những dòng này đã gần 3 giờ chiều khí trời vẫn gây gây,tôi con mang áo ấm.Thực sự miền Nam đã có mùa đông.Xưa nay người ta thường nói miền Nam chỉ có hai mùa mưa nắng,bây giờ thì khác rồi.Thời tiết chuyển đổi,Sài Gòn bỗng nhiên tươi tắn hơn,đẹp hơn với đủ thứ màu sắc xuất hiện trên đường phố.Cũng là một cơ hội để mấy cô cậu ăn diện và mấy cửa hàng hiệu lẫn hàng chợ trời( hàng Sida ) làm ăn đắt như tôm tươi.
Tư nhiên nhớ Huế.


CAO THOẠI CHÂU

Cảm xúc trên đường phố Huế
để nhớ Ngô Kha


Không ở đâu thấy hò bằng mắt
mà giọng hò ngọt sắc như dao
chiều giăng mưa bủa lưới trên cầu
thương con sếu ngại rét đông cúm rúm


Thương cả hai người, em với bóng
chiều vàng nghiêng nón lá qua sông
để giọng hò em mát mái xuôi dòng
người ta đã xây bến đò Thừa Phủ

Đêm vườn ai đóa bạch quỳ nở sớm
thương kẻ si tình em cũng lớn theo hoa
trên vài cầu ai đợi ai qua
mà chân cầu chỉ toàn là nước

Dậy rất sớm trái tim nồng thao thức
đêm không dài nghe bước chân qua
tiếng kinh ai tụng sớm trên chùa
tưởng giọng hò ngân ra thành sợi

Cảm xúc kín vỡ òa dưới mái cong đại nội
đêm về phấp phới cánh dơi bay
nghe cơn mưa không rơi xuống tự trời
nghe trái tim sinh đôi trong lòng ngực

Của bầy chim bỏ xứ đi xa
gửi lại Huế nỗi sầu đá dựng
thương con sông dịu dàng ra biển
con sông không chịu mặn bao giờ

Và như con sếu lạc trong rừng
xứ lạ đến bị người cắt cánh
và tình yêu không tính bằng năm tháng
bằng độ bền của tiếng mưa rơi

Thứ Bảy, 10 tháng 1, 2009

PHÚT ĐẦU NGÀY TRÊN BLOG CAO THOẠI CHÂU



Sáng thứ bảy đọc Phút Đầu Ngày ở Blog Cao Thoai Châu một tin vui,chép lại cho bạn bè thưởng lãm.Cầu trời ngày nào cũng có một tin vui như rứa

Xin ngả nón trước Gabby Morritt, một thiếu nữ người Anh 25 tuổi giờ này đang có mặt ở VN! Đó là một cô gái chỉ còn không tới 30% thị lực nhưng nghị lực thì hơn cả 100%. Mù từ còn bé nhưng ngay tuổi ấy cô đã nghĩ "Người mù không phải vô dụng" và thế là cô tự học ngoại ngữ bằng chiếc radio và làm sao tin nổi khi cô gái 25 này biết đến 7 ngoại ngữ! Sang VN năm 2006 với mục đích giúp những người nghèo bằng cách giới thiệu họ với những tổ chức phi chính phủ và kết quả đã có. Kể về một gia đình ở Huế, Gabby nói bằng tiếng Việt tự học "Không phải là nhà.Dưới cái mái lợp bằng nylon giữa cánh đồng, sáu con người sống rất khổ.Nhiều bữa họ không đủ lương thực để ăn". Không lâu sau, nhờ Gabby liên hệ khắp nơi qua internet, sáu con người khốn khổ bơ vơ giữa cánh đồng ( và giữa đông bào mình) này đã có được mái nhà vững chãi cùng mấy tạ gạo. Cô gái đi nhiều nước và kỳ lạ thay, cô tìm những địa chỉ hảo tâm quốc tế chỉ bằng... chiếc máy vi tính! Trái tim quá mênh mông, chỉ ngần ấy thị lực ít ỏi cũng đủ cho Gabby thành một thiên thần .Không ngoa chút nào!

Thứ Sáu, 9 tháng 1, 2009

NHÀ THƠ NGUYỄN BÍNH CHẾT NHƯ THẾ NÀO


Cái chết của nhà thơ Nguyễn Bính có nhiều nguồn dư luận khác nhau.
Bài viết dưới đây của Nguyễn Bính Hồng Cầu ,con gái nhà thơ làm sáng tỏ những nghi vấn về sự ra đi của ông,một đám tang "Không kèn trống,không người đưa tiễn"

Sự thật về cái chết của nhà thơ Nguyễn Bính, cha tôi

Cha tôi mất tính đến nay đã được 43 năm, trong khoảng thời gian gần nửa thế kỷ đó, có biết bao ý kiến, bao bài báo nói về cái chết của cha tôi, biết bao là dị bản, kể cả những người trong gia đình họ tộc nhà tôi, tất cả cũng đều nghe nói lại, không một người vợ con ruột thịt nào có mặt lúc cha tôi lâm chung. Biết làm sao hơn được, chiến tranh loạn lạc mà!
33 năm đất nước yên bình! Từng ấy thời gian tôi sống trong lù mù ngược xuôi nhiều chiều dư luận, thậm chí có cả dư luận nghi ngờ ác ý về cái chết của cha tôi. Ấy vậy mà, tôi vẫn chưa có điều kiện tìm hiểu thực hư về cái chết của cha mình. Vì không có thời gian, vì công kia chuyện nọ, vì cách trở quan san, vì cuộc sống áo cơm, vì sự ỷ lại nào đó hay là sự vô tâm… có lẽ vì mỗi thứ một chút mà cho mãi đến 30 tháng tư năm 2008, khi tôi về hưu, tôi mới tìm đến nơi cha tôi trút hơi thở cuối cùng. Để rồi lúc tôi trở về, đi trên con đường làng tráng nhựa phẳng lì quanh co uốn lượn, hai bên đường được viền xanh rì bởi những cây nhãn cổ thụ, có tiếng chim hót gọi mùa, làng quê đẹp như trong tranh vẽ, và cũng thật thanh bình êm ả mà trong tôi thì gập ghềnh lắm nỗi. Con đường nào cha tôi đã đi qua với những tháng ngày gian nan vất vả, làng xóm trong thời kỳ bom đạn… tôi bùi ngùi vì sự chậm trễ nên không gặp được chú Tân Thanh để được nghe chú nhắc nhớ về cha mình vì nay chú cũng đã ra người thiên cổ. Chú Tân Thanh có tên tục là ông lang Hứa, chú làm nghề đông y, thích làm thơ và nhất là rất yêu thơ Nguyễn Bính. Gia đình chú có nghề buôn bán cây thuốc lâu đời, thời đó đã xuất khẩu thuốc bán ra nước ngoài, gia đình thuộc loại khấm khá. Lúc sinh thời cha tôi hay lui tới nhà chú Tân Thanh như chỗ thâm tình. Gia đình chú cũng quí cha tôi như người anh lớn trong nhà. Dạo ấy là những ngày tháng chạp, cha tôi từ bệnh viện nơi sơ tán về ghé lại nhà chú Tân Thanh nghỉ dưỡng cũng có hơn mươi ngày.

Một hôm cha tôi nói với chú Tân Thanh:
- Chú Hứa này, anh đã coi số tử vi, năm nay anh chết đấy, nếu may qua được năm nay thì anh sống thêm được chục năm nữa!
Chú Tân Thanh gắt:
- Vớ vẩn, chết gì mà chết, tử vi với tử vẩn, anh cứ nói huyên thuyên!
- Thật mà hôm nào rỗi anh cho chú xem - Nhưng cha tôi cũng không kịp cho chú Tân Thanh xem lá số tử vi như ông đã hứa.Khoảng 25, 27 tết cha tôi đem chiếc xe đạp hiệu Phượng Hoàng (tiền mua chiếc xe cũng là của chú thím Tân Thanh đưa) ra kỳ cọ sửa sang để chuẩn bị về Nam Định ăn tết. Thấy vậy thím Tân Thanh mới bảo:
- Bác ở lại ăn tết với vợ chồng chúng em, sức khỏe bác ốm yếu như vậy, đường sá gập ghềnh lỏm chỏm đá to đá nhỏ, ổ gà ổ voi không khéo ngã thì có chết!
Cha tôi nói:
- Cô không sợ anh chết ở đây à?
- Chúng em chẳng sợ gì cả, chết thế nào được! Bác cứ ở lại đây ăn tết cùng gia đình chúng em có dưa ăn dưa có muối ăn muối.
Chú Tân Thanh nghe vợ nói, cũng hăng hái góp lời:
- Cô ấy nói phải đấy! Bác cứ ở lại ăn tết với chúng em, khi nào khỏe hẳn rồi hãy về, chúng em không buộc.
Thế là cha tôi đồng ý ở lại với gia đình chú Tân Thanh để ăn thêm cái tết xa nhà, không ngờ đó lại là một “ Xuân tha hương” vĩnh viễn của cha tôi ở nơi cũng tạm gọi là đất khách. Vào khoảng 8 giờ sáng, ngày 20 tháng 1 năm 1966 nhằm ngày 29 tháng chạp âm lịch (tết năm ấy không có ngày 30), tại nhà chú Tân Thanh ở xã Công Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam, cha tôi đã trút hơi thở cuối cùng.Ở nhà quê những năm sơ tán, bữa ăn sáng của người nông thôn thường là củ khoai, cơm nguội đã là sang. Sáng đó, (cha tôi tuyệt nhiên không có uống một hớp rượu nào và cả những ngày hôm trước nữa vì ông đang điều trị bệnh) cha tôi ăn được một tô cơm đầy với tép kho, ông khoe:
- Cô Hứa này, sáng nay anh ăn được nhiều cơm, cả một tô đầy đấy!
Thím Tân Thanh nói:
- Anh cứ ăn nhiều vào cho mau lại người, ăn được là tốt rồi.
Lúc này, thím Tân Thanh vừa mỗ ruột thừa xong nên đi lại còn khó khăn, thím chỉ loay hoay trên bộ ván mà trông coi việc nhà. Ngáy giáp tết thợ thầy cũng nghỉ việc. Mọi việc cha tôi cứ tự nhiên như ở nhà mình, ăn xong cha tôi vắt chiếc khăn mặt lên vai, thủng thỉnh ra ao rửa ráy. Còn chú Tân Thanh thì chuẩn bị đi mỗ lợn chung.
Cha tôi bảo:
- Chú không ăn bát cơm cho chắc bụng, kẻo đến trưa đến xế mới xong việc đói thì làm thế nào?
Chú Tân Thanh nghe lời cha tôi vào ăn bát cơm. Ngoài ao, có tiếng cha tôi gọi:- … Tân Thanh…!
Thím Tân Thanh gọi chồng:
- Ông Hứa ơi, ông ra xem bác Bính bị làm sao ấy !
Chú Tân Thanh vội buông đủa chạy ra, nhìn thấy cha tôi gục đầu thổ huyết bên bờ ao chỗ gốc mít, mà sau nầy xây nhà làm lại cổng, người nhà bảo đốn, chú không cho đành phải xây cái cổng lượn vòng, giữ lại cây mít để kỷ niệm bác Bính. Khi tôi đến, xung quanh gốc mít chỗ thắm máu cha tôi mọc đầy những cây gừng non đâm thẳng lên trời, xanh mượt, tôi thấy cay ở sống mũi, nước mắt cứ trào ra.
Chú Tân Thanh bế cha tôi vào nhà để nằm trên chiếc giường cá nhân nơi ông thường nghỉ ngơi mỗi khi ghé lại, thì cha tôi đã tắt thở. Chú nói với vợ:
- Mình ơi, bác Bính đi rồi!
Thím Tân Thanh bàn với chồng, thuê người võng cha tôi ra bệnh viện cách đó gần hai cây số, chứ để trong nhà khâm liệm thì sẽ đâm ra rắc rối lôi thôi với chánh quyền, làng nước, nhiều lời dị nghị. Điều đó cũng dễ thông cảm cho chú thím, ngày tư ngày tết lại xảy ra chuyện chết chốc, xúi quảy cả đời có khi. Hai người được thuê võng cha tôi ra bệnh viện, hiện một người còn sống, tôi đã tìm gặp, ông tên là Lữ cũng đã ngoài 70 tuổi, nhà ở gần bên. Tôi hỏi ông Lữ: “Chú võng cha cháu ra đến bệnh viện cha cháu có tĩnh lại lần nào không”. ông bảo:
“không! Ngày giáp tết ai nấy cũng đều tất bật cả”.
Vậy là cha tôi được đưa về nghĩa trang Cầu Họ. Mùng Hai Tết, Bác cả tôi là nhà viết kịch Trúc Đường cùng với con gái đi về Nam Định để đưa tang cha tôi, dọc đường thấy một đám ma không kèn trống, không người đưa tang, đâu ngờ đó lại chính là đám tang đứa em trai ruột thịt của mình.
Những ngày giáp tết Kỷ Sửu.
NGUYỄN BÍNH HỒNG CẦU

TIỂU SỬ NHÀ THƠ NGUYỄN BÍNH

Nguyễn Bính sinh vào năm 1918 với tên thật Nguyễn Trọng Bính tại xóm Trạm, thôn Thiện Vịnh, xã Đồng Đội (nay là xã Cộng Hòa), huyện Vụ Bản, tỉnh Hà Nam Ninh (nay là tỉnh Nam Định).
Theo tài liệu được Hội Nhà VănHà Nội công bố về tiểu sử của ông: thuở nhỏ Nguyễn Bính không được đi học ở nhà trường mà chỉ được học ở nhà với cha là ông đồ nho Nguyễn Đạo Bình và đồng thời cũng được người cậu ruột là Bùi Trinh Khiêm dạy kèm. Ông mồ côi mẹ rất sớm, cha đi bước nữa, gia đình túng quẫn, nên khi lên 10 tuổi đã phải theo anh ruột là Nguyễn Mạnh Phác ra Hà Nội sinh sống. Thời gian này ông được người anh dạy học ở nhà. Năm 13 tuổi ông đã bắt đầu làm thơ và năm 1937 được giải khuyến khích về thơ của nhóm Tự Lực Văn Đoàn với tập thơ Tâm hồn tôi. Những năm đầu thập niên 1940, Nguyễn Bính nhiều lần lưu lạc vào miền Nam. Lúc này ông đổi tên là Nguyễn Bính Thuyết. Năm 1943, Nguyễn Bính lại đi vào miền Nam lần thứ ba và đã gặp nhà thơ Đông Hồ, Kiên Giang. Có lúc ông cư ngụ trong nhà Kiên Giang. Đó là thời ông viết những bài Hành Phương Nam, Tặng Kiên Giang, Từ Độ Về Đây... Chính vì vậy ông được gọi là "thi sỹ giang hồ".
Từ độ về đây sống rất nghèo
Bạn bè chỉ có gió trăng theo
Những thằng bất nghĩa xin đừng tới
Hãy để thềm ta xanh sắc rêu.
(Từ Độ Về Đây - 1943)
Năm
1947, Nguyễn Bính tham gia kháng chiến chống Pháp ở miền Nam. Đến năm 1954, khi Hiệp định Genève chia đôi đất nước, Nguyễn Bính tập kết về Bắc năm 1955 và được bố trí phục vụ trong Hội Nhà Văn ở Hà Nội một thời gian.
Năm
1956, ông được giao nhiệm vụ phụ trách tờ Trăm Hoa (nguyên văn trong tài liệu của Hội Nhà Văn) và tham gia vào phong trào Nhân văn - Giai phẩm
.
Đến năm
1958, bị buộc chuyển về tỉnh nhà Nam Định
, làm việc tại Ty Văn hoá Nam Định cho đến khi mất.
Nguyễn Bính mất sáng ngày
20 tháng 1 năm 1966, tức ngày 29 tháng chạp âm lịch xuân Ất Tị, tại nhà một người bạn ở huyện Lý Nhân tỉnh Hà Nam. Khi đó không một người vợ con ruột thịt nào của ông có mặt.
Nguyễn Bính được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật năm 2000

THƠ NGUYỄN BÍNH
Hành Phương Nam

Đôi ta lưu lạc phương Nam này
Trải mấy mùa qua én nhạn bay
Xuân đến khắp trời hoa rượu nở
Riêng ta với ngươi buồn vậy thay
Lòng đắng sá gì muôn hớp rượu,
Mà không uống cạn mà không say ?
Lời thề buổi ấy cầu Tư Mã
Mà áo khinh cừu không ai may.
Người giam chí lớn vòng cơm áo,
Ta trói chân vào nợ nước mây.
Ai biết thương nhau từ buổi trước,
Bây giờ gặp nhau trong phút giây.
Nợ thế chưa trả tròn một món
Sòng đời thua đến trắng hai tay.
Quê nhà xa lắc xa lơ đó,
Ngoảnh lại tha hồ mây trắng bay.
Tâm giao mấy kẻ thì phương Bắc
Ly tán vì cơn gió bụi này
Ngươi đi buồn lắm mà không khóc
Mà vẫn cười qua chén rượu đầy
Vẫn dám tiêu hoang cho đến hết
Ngày mai ra sao rồi hãy hay
Ngày mai có nghĩa gì đâu nhỉ?
Cốt nhất cười vui trọn tối nay
Rẫy ruồng châu ngọc thù son phấn
Mắt đỏ lên rồi cứ chết ngay
Hỡi ơi! Nhiếp Chính mà băm mặt
Giữa chợ ai người khóc nhận thây
Kinh Kha giữa chợ sầu nghiêng chén
Ai kẻ dâng vàng kẻ biếu tay ?
Mơ gì ấp Tiết thiêu văn tự
Giày cỏ, gươm cùn ta đi đây
Ta đi nhưng biết về đâu chứ ?
Đã dấy phong yên lộng bốn trời
Thà cứ ở đây ngồi giữa chợ
Uống say mà gọi thế nhân ơi!
Thế nhân mắt trắng như ngân nhũ
Ta với nhà ngươi cả tiếng cười
Dằn chén hất cao đầu cỏ dại
Hát rằng phương Nam ta với ngươi

Ngươi ơi! Ngươi ơi! Hề ngươi ơi!
Ngươi ơi! Ngươi ơi! Hề ngươi ơi!
Ngươi sang bên ấy sao mà lạnh
Nhịp trúc ta về lạnh mấy mươi
ái khanh hành
... Không phải gặp em từ buổi ấy
Hình như gặp em từ ngàn xưa
Lòng em thương anh không có bến
Tình anh yêu em không có bờ

Viết viết có đến nghìn trang giấy
Làm ra có đến nghìn bài thơ
Tương tư một đêm nǎm canh chẵn
Nhớ nhung một ngày mười hai giờ

Chao ơi!
Em ngon như rau cải
Em ngọt như rau ngót.
Em giòn như cùi dừa.
Em hiền như nước mưa
Em nhổ nước bọt xuống mặt biển
Mặt biển thơm lên hai mươi bốn giờ
Em là con Tướng trong tam cúc
Anh là quân Xe trong bàn cờ
Ví chǎng có một nước Tình ái
Em là Hoàng Hậu, anh làm Vua

Chân Quê

Hôm qua em đi tỉnh về
Đợi em ở mãi con đê đầu làng
Khăn nhung quần lĩnh rộn ràng
Áo cài khuy bấm, em làm khổ tôi!

Nào đâu cái yếm lụa sồi?
Cái dây lưng đũi nhuộm hồi sang xuân?
Nào đâu cái áo tứ thân?
Cái khăn mỏ quạ, cái quần nái đen?

Nói ra sợ mất lòng em
Van em, em hãy giữ nguyên quê mùa
Như hôm em đi lễ chùa
Cứ ăn mặc thế cho vừa lòng anh

Hoa chanh nở giữa vườn chanh
Thày u mình với chúng mình chân quê
Hôm qua em đi tỉnh về
Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều .

1936

Đàn tôi
Đàn tôi đứt hết dây rồi
Không người nối hộ, không người thay cho
Rì rào những buổi gieo mưa
Lòng đơn ngỡ tiếng quay tơ đằm đằm

Có cô lối xóm hàng nǎm
Trồng dâu tốt lá, chǎn tằm ươm tơ
Nǎm nay biết đến bao giờ
Dâu cô tới lứa, tằm cô chín vàng?
Tơ cô óng chuốt mịn màng
Sang xin một ít cho đàn có dây

Hết bướm vàng

Anh trồng cả thảy hai vườn cải
Tháng chạp hoa non nở cánh vàng
Lũ bướm láng giềng đang khát nhuỵ
Mách cùng gió sớm rủ rê sang.

Qua giậu tầm xuân thấy bướm nhiều
Bướm vàng vàng quá, bướm yêu yêu
Em sang bắt bướm vườn anh mãi
Quên cả làng Ngang động trống chèo.

Cách có một hôm em chẳng sang
Hôm nay rã đám ở làng Ngang
Hôm nay vườn cải hoa tàn hết
Em hỡi từ nay hết bướm vàng!

Nǎm nay vườn cải nở hoa vàng
Bướm lại sang mà em chẳng sang
Thui thủi một mình anh bắt bướm
Trống chèo thưa thớt đám làng Ngang.

Em đã sang ngang với một người
Anh còn trồng cải nữa hay thôi?
Đêm qua mơ thấy hai con bướm
Khép cánh tình chung ở giữa trời.












Thứ Năm, 8 tháng 1, 2009

TRANG VĂN NGÀY CŨ - SỐ 7

Nhà thơ
Nguyễn Nho Sa Mạc
i hoa bạc mệnh


Nhà thơ Nguyễn Nho Sa Mạc tên thật Nguyễn Nho Bửu,sinh năm 1944 tại La Qua,Điện Bàn,Quảng Nam,anh xuất hiện trên văn đàn giữa thập niên 1960.Tài hoa bạc mệnh,anh đã rong chơi cõi khác năm anh tròn 20 tuổi(1944 - 1964).Những bài thơ sưu tầm này , một bài tôi chép lại theo trí nhớ (Vàng Lạnh) in trên Tạp chí VĂN và hai bài cóp trên blog của Cao Thoại Châu.



VÀNG LẠNH

Đừng nhắc nữa bài thơ vàng lạnh ấy
Tình ngày xưa xin trả lại cho người
Những buồn vui của một thuở xa xôi
Chợt đứng dậy đi lần vào nhung nhớ
Tôi đã trót làm con chim thành phố
Để muôn đời tha thiết gọi tên em
Đếm những hàng mây rơi rụng trước thềm
Mà thức giấc khi cuộc đời cô đôc
Làm con trai lần đầu yêu để khóc
Tập thư màu xanh nước mắt đau thương
Hãy trả lại cho tôi những thành phố con đường
Mà buổi sáng buổi chiều tôi qua đó
Hai mươi tuổi yêu người em môi đỏ
Tình khai sinh bằng tiếng hát hoàng hôn
Những âm thanh não nuột chảy trong hồn
Em có biết tình ra đi nhè nhẹ...


MÙA XUÂN CỦA PHƯỢNG

chiều xuân sang em nhìn mưa muốn khóc
kỷ niệm chong đèn thức suốt đêm qua
ngón tay nhỏ lần đan sầu cô độc
tưởng chừng như tuổi trẻ bỏ đi xa

thứ bảy chiều em rong hè phố cũ
con đường xưa hoa đỏ nở rộn ràng
dòng sông đó bỗng nhiên buồn vô cớ
bơ vơ tìm thương cát sỏi cồn hoang

em đứng dậy xem mây chiều xuống thấp
trời tháng giêng sương lạnh vai chùng
sân ga nhỏ con tàu không dừng lại
đôi vì sao buồn ngủ giữa không trung

gió thì mệt, mùa xuân đang cúi mặt
hàng dừa xanh xõa lá đứng âm thầm
em muốn nói điều gì trong đôi mắt
mà mùa xuân khuôn mặt vẫn xa xăm

rồi xuân đến sau lưng nhiều ảo mộng
buổi em về xanh rừng tóc cao nguyên
đồi chiều xa biểu hiện nét mi hiền
tay trắng muốt nuôi linh hồn thảo mộc

em ngồi khóc mùa xuân nhăn mặt khóc
môi em buồn cho thời tiết buồn theo
để rồi anh cũng yêu Phượng thật nhiều
mới buổi sáng anh mê người buổi tối.

SINH NHẬT

Bằng đôi tay ôm kín nỗi buồn
ta đi trong trời đất hoàng hôn
mà nghe sữa mẹ chan hoà chảy
máu ở buồng tim cũng loạn cuồng

Ta xiết hình em trong tiếng hôn
im nghe da thịt và linh hồn
giữa không gian rộng ta chồm dậy
cuộc sống quay vòng quanh áo cơm

Ôi giữa cuộc đời ta đảo điên
đêm nằm ru giấc ngủ cô miên
hai mươi tuổi giang hồ phiêu lãng
ngửa mặt nhìn trời đi ngả nghiêng

Ta hát và ca giữa cuộc đời
nhìn xương với máu chiến trường phơi
những người đi trước về trong đất
lịch sử đầy sao chiếu rạng ngời

Sông hỡi là sông rừng hỡi rừng!
Trăng lên từ thuở có mùa xuân
rủ mây nguyên thuỷ về sinh nhật
ta uống cùng em chén rượu mừng

Chân dẫm lên hàng vạn núi cao
để về trong thế giới chiêm bao
những người đi trước sầu ngơ ngác
những người đi sau hồn xanh xao

Bằng đôi tay ôm cả mặt trời
ta và em một khối sinh đôi
hỡi ơi khi ở trong lòng mẹ
ta muốn đi cho trọn kiếp người

Thứ Tư, 7 tháng 1, 2009

THÂN MỜI

THÂN MỜI BẠN BÈ THÂN HỮU CỦA

HỒ TRỌNG THUYÊN

ĐẾN DỰ TẤT NIÊN VÀ MỪNG NĂM MỚI
VÀO LÚC 11 GIỜ NGÀY 09 THÁNG 01 NĂM 2009
ĐỊA ĐIỂM 81 TRẦN QUỐC THẢO,QUẬN 3 TP HCM

THÂN MỜI

NGUYỄN VĂN TRAI
^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^
Quang Dũng

Đôi bờ

Thương nhớ ơ hờ , thương nhớ ai
Sông xa từng lớp lớp mưa dài
Mắt kia em có sầu cô quạnh
Khi chớm heo về một sớm mai

Rét mướt mùa sau chừng sắp ngự
Bên này em có nhớ bên kia
Giăng giăng mưa bụi qua phòng tuyến
Quạnh vắng chiều sông lạnh bến tề

Khói thuốc xanh dòng khơi lối xưa
Ðêm đêm sông Ðáy lạnh đôi bờ
Thoáng hiện em về trong đáy cốc
Nói cười như chuyện một đêm mơ

Xa quá rồi em người mỗi ngả
Bên này đất nước nhớ thương nhau
Em đi áo mỏng buông hờn tủi
Dòng lệ thơ ngây có dạt dào ?

Tây tiến

Sông Mã xa rồi Tây tiến ơi!
Nhớ về rừng núi, nhớ chơi vơi
Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi
Mường Lát hoa về trong đêm hơi

Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây, súng ngửi trời
Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi

Anh bạn dãi dầu không bước nữa
Gục lên súng mũ bỏ quên đời!
Chiều chiều oai linh thác gầm thét
Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người

Nhớ ôi Tây tiến cơm lên khói
Mai Châu mùa em thơm nếp xôi
Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa
Kìa em xiêm áo tự bao giờ
Khèn lên man điệu nàng e ấp
Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ

Người đi Châu Mộc chiều sương ấy
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ
Có nhớ dáng người trên độc mộc
Xuôi dòng nước lũ hoa đong đưa

Tây tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm

Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
Áo bào thay chiếu, anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành

Tây tiến người đi không hẹn ước
Đường lên thăm thẳm một chia phôi
Ai lên Tây tiến mùa xuân ấy
Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi.