Thứ Hai, 12 tháng 1, 2009

CHUYỆN ĐẦU TUẦN - THƯỞNG TẾT GIÁO VIÊN ...

Phó Thủ Tướng Nguyễn Thiện Nhân có biết không ?
Thưởng Tết cho giáo viên:
nửa kg hạt dưa
và một gói bột ngọt!

Vùng cao : Mức thưởng nhiều nhất
...20 ngàn đồng
Nhắc đến thưởng Tết là... ứa nước mắt!

MỜI THẦY CÔ GIÁO ĂN TẾT BẰNG ...THƠ

"Cũng làm việc ngày 8 tiếng, có khi còn cực hơn các đơn vị hành chính khác và tiền thưởng Tết đều do các trường cân đối từ phúc lợi và hội cha mẹ học sinh đóng góp nhưng cũng không đáng bao nhiêu" - ông Nguyễn Tiến Đạt - Chủ tịch Công đoàn ngành giáo dục TP.HCM ngao ngán khi nhắc đến chuyện thưởng Tết cho GV. Tuy nhiên, ông Đạt cũng cho biết năm nào Sở GD-ĐT cũng có công văn gửi đến UBND TP để xin được thưởng Tết cho CB-GV của ngành nhưng đây cũng chỉ là mức thưởng dành cho CB-GV trong biên chế, còn những CB-GV do các trường tự hợp đồng làm việc thì không được hưởng.

Theo thống kê của Sở GD-ĐT TP.HCM, mức thưởng Tết của CB-GV năm nay dao động từ... 0 đồng đến 2 triệu đồng, tùy theo mức độ mỗi trường tằn tiện. Nếu năm ngoái mức thưởng thấp nhất của ngành giáo dục là 50 ngàn đồng thì năm nay nhiều trường không thưởng Tết cho GV. Ông Đạt cho biết mức thấp nhất vẫn thuộc về các trường ngoại thành.
Thầy Nguyễn Văn Ngọt - GV trường THCS Bình Chánh tâm sự: "Trong 23 năm đi dạy, Tết năm nay tôi mới nhận được mức thưởng cao kỷ lục là 500.000 đồng". Thầy Ngọt còn khoe: "Đây là mức thưởng kỷ lục đó. Năm ngoái được 200.000 đồng, còn những năm trước thì không có gì luôn". Rồi thầy Ngọt xót xa: "Mà 500 ngàn đồng thì thấm vào đâu trong thời buổi này? Hai vợ chồng tui là GV dạy cùng trường, Tết năm nay được thưởng 1 triệu đồng, nhưng cũng đỡ hơn các đồng nghiệp khác".
Còn ông Lê Hùng Sen - Trưởng phòng Giáo dục huyện Củ Chi cho biết: "Huyện nghèo, trường nghèo nên kiếm đâu ra phúc lợi để thưởng Tết cho GV. Trường nào có điều kiện thì CB-GV được thưởng 100 - 200 ngàn đồng/người, trường nào không có điều kiện thì thưởng Tết bằng lời chúc".

Vùng cao : Mức thưởng nhiều nhất 20.000 đồng!

Trong khi nhiều doanh nghiệp đã công bố mức thưởng Tết lên tới chục triệu, thì GV, đặc biệt là những GV ở vùng khó ngậm ngùi với mức thưởng là mấy gói kẹo hoặc cao nhất là vài chục ngàn đồng.
Ông Lê Duy Vỵ - Giám đốc Sở GD-ĐT Thái Nguyên cho biết: việc thưởng Tết cho GV hầu như không có. Ngành GD-ĐT không có gì đã đành nhưng chính quyền địa phương cũng không có ngân sách để chi cho việc này vì không có trong quy định. Theo ông Vỵ, từ nhiều năm nay việc thưởng Tết cho GV hoàn toàn phụ thuộc vào từng huyện, từng xã. Tuy nhiên, tình hình chung là có nơi hỗ trợ GV vài chục ngàn đồng, nơi thì có vài túi kẹo, túi bánh; nhiều nơi không có gì.
Không giấu được ngậm ngùi khi nghe chúng tôi hỏi về chuyện thưởng Tết cho GV, ông Lê Văn Ngọ - Giám đốc Sở GD-ĐT Nghệ An nói: toàn tỉnh có khoảng 51.000 GV, rất nhiều trong số họ phải chấp nhận cuộc sống xa gia đình để đến công tác ở những nơi đặc biệt khó khăn nhưng khi được nghỉ Tết trở về nhà, họ hầu như không nhận được mức thưởng Tết nào. Chỉ một số huyện cố gắng động viên GV bằng một chút quà tết, nhưng mức thưởng cao nhất cũng chỉ lên tới 20.000 đồng.
Ông Nguyễn Văn Bền - Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Bắc Kạn thì tâm sự: năm ngoái GV hầu như không biết đến khái niệm thưởng Tết, chỉ có những GV thuộc diện gia đình chính sách, gia đình nghèo thì nhận mức hỗ trợ chung của Nhà nước là một túi quà. Còn lại thì ngay cả vài chục ngàn đồng để an ủi, động viên cũng không có. GV ở các bản vùng cao, gắn bó với đồng bào dân tộc, được đồng bào yêu quý khi trở về được cho cân gạo hay con gà là quý lắm rồi.
Đó cũng là thực trạng chung của hầu hết các tỉnh khó khăn. Từ trước đến nay, trong danh mục chi trả cho GV không có khoản tiền Tết. Các nhà quản lý giáo dục khi được hỏi về thưởng Tết cho GV, câu trả lời chung là, không có nguồn thu thì làm sao có kinh phí chi. Thưởng như thế nào, thưởng bao nhiêu chủ yếu là do nhà trường, địa phương và phụ huynh học sinh.
Tuy nhiên, nghịch lý chính lại phát sinh ở chỗ đó, những GV ở vùng khó khăn, vốn đã chịu mọi thiếu thốn, hy sinh thì mức thưởng Tết nếu dựa vào ngân sách và nguồn thu của trường từ công tác xã hội hóa giáo dục ở những nơi này lại... càng khó. Ông Lê Duy Vỵ chia sẻ: "GV vùng khó thiệt thòi đủ đường, nhiều người ở vùng sâu, vùng xa, đường sá đi lại khó khăn, mỗi lần đi về chi phí xe đò rất tốn kém nhưng đều phải tự bỏ tiền túi; càng khổ hơn là những GV mầm non trong diện hợp đồng, lương tháng chỉ có vỏn vẹn 600.000 - 700.000 đồng, trong tình hình giá cả leo thang như hiện nay, họ không biết xoay xở ra sao để có một cái Tết đầy đủ".

Nam bộ: Nơi có nơi không

Ở Hậu Giang: Hiện có trên 9.700 CB-GV. Theo Giám đốc Sở GD-ĐT Hậu Giang Bùi Văn Dũng: Tết năm nay tỉnh hỗ trợ mỗi thầy cô 150.000 đồng/người. Cà Mau: Tiến sĩ Thái Văn Long - Giám đốc Sở GD-ĐT Cà Mau thông tin toàn ngành có khoảng 15.000 CB-GV. Đến thời điểm này, UBND tỉnh Cà Mau vẫn chưa có thông tin cụ thể về mức hỗ trợ GV ăn Tết. Kiên Giang: Năm rồi, thưởng Tết cho GV là không có. Năm nay, lãnh đạo Sở GD-ĐT vẫn chưa nghe UBND tỉnh thông báo hỗ trợ Tết cho GV. Đồng Tháp: Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Nhi - Giám đốc Sở GD-ĐT Đồng Tháp cho biết đang chờ ý kiến của tỉnh về khoản tiền thưởng Tết Kỷ Sửu dành cho CB-GV. Năm ngoái, 20.400 CB-GV Đồng Tháp không có tiền hỗ trợ Tết từ ngân sách tỉnh. Phụ huynh các trường vận động được bao nhiêu thì giúp bấy nhiêu nhưng quà có được không tới 100.000 đồng/phần.
(Quang Minh Nhật )

Thưởng nửa kg hạt dưa và một gói bột ngọt!

Thầy Nguyễn Xuân Ảnh - Hiệu trưởng trường Dân tộc nội trú Nam Trà My (Quảng Nam) cười xòa khi hỏi về mức thưởng Tết cho GV trường mình. "Thì y như mọi năm rứa, trích từ quỹ Công đoàn, mỗi GV sẽ được nhận nửa kg hạt dưa và 1 gói bột ngọt, tổng vị chi là 50.000 đồng/người". 34 GV trong trường đều có mức thưởng Tết chung khiêm tốn đó. Ông Ảnh kể, có một năm duy nhất - cách đây vài năm, GV của trường có mức thưởng Tết cao đột xuất - mỗi GV được nhận... 100.000 đồng. Cũng xoay quanh câu chuyện thưởng Tết, thầy Đoàn Văn Hậu - GV dạy Toán của ngôi trường này với thâm niên 10 năm công tác, trăn trở: "GV của trường chủ yếu đều là dân đồng bằng tình nguyện lên dạy, mỗi lần về xuôi ăn Tết thì cũng tốn kém mọi bề, nhưng việc hỗ trợ thì chưa tương xứng. Thấy người ta thưởng Tết mà ham. GV miền núi thì rứa thôi!". Đó là chưa kể những trường nằm heo hút ở vùng thường xuyên bị cô lập khi có mưa bão như THCS Trà Linh, Tiểu học Ngọc Linh... của huyện miền núi này. Mỗi độ về Tết, cứ từ trường xuống huyện, GV phải chi đến 500.000 đồng/lượt tiền xe ôm nếu muốn về đồng bằng đón Tết.
(Diệu Hiền )

Nhắc đến thưởng Tết là... ứa nước mắt!

Tại Bình Định, số lượng GV các cấp có khoảng 17.500 người. Khi đề cập đến vấn đề thưởng Tết cho GV, thầy Trần Văn Quý - Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Bình Định thốt lên đầy vẻ ngạc nhiên: "Làm gì có chuyện thưởng Tết".
Theo thầy Quý, ngoài tiền lương, ngành hầu như không có khoản tiền nào khác để có thể lo liệu việc này. Việc thưởng Tết lâu nay đều do các trường tự lo liệu, nhưng từ khi các trường thực hiện cơ chế tự chủ về tài chính, thì nguồn thu và vấn đề chi tiêu cũng dần eo hẹp hơn. Trường nào cân đối được thì thưởng cho GV, nhưng mức thưởng cũng chỉ gọi là... có cho đỡ buồn thôi! Ngay cả ở Sở cũng vậy, cũng chưa năm nào có tiền thưởng Tết. Cán bộ, chuyên viên của Sở muốn có thêm phần thu nhập thì phải đi ra đề, đi coi thi, làm thêm ngoài giờ. Vài ba tháng gộp lại nhận một lần coi như đó là tiền thưởng Tết. Một thầy giáo dạy Văn tại một trường THPT ở thị trấn Bồng Sơn, huyện Hoài Nhơn kể: "Hầu như GV chúng tôi không có khái niệm thưởng Tết. Cuối năm, Công đoàn trường cân đối được quỹ thì tặng cho mỗi GV 1 kg hạt dưa, hoặc là 1 kg đường, chai dầu ăn; nhưng cũng năm có năm không. Mỗi lần nhắc đến thưởng Tết là... ứa nước mắt luôn. Để đỡ tủi thân, GV chúng tôi hay bảo nhau: niềm vui của học sinh là một món quà Tết lớn lao nhất!". Thầy Trần Văn Quý nói: "Mỗi khi xuống thăm cơ sở, nghe anh chị em GV tâm sự về chuyện thưởng Tết nghĩ cũng thương, nhưng rồi cũng không biết xoay xở ra sao để bù đắp, dù chỉ bằng một phần nhỏ so với các ngành khác. Chúng tôi chỉ biết động viên nhau bởi cũng đã quen như vậy rồi".
(Đình Phú )


Những thông tin trên lấy từ Thanh Niên Online tưởng không cần phải bình luận và nói thêm điều gì làm cái Tết không mấy được vui của các Thầy Cô giáo thêm...mất vui.Thôi thì chép vài ba bài thơ vừa sưu tầm (không biết tên tác giả) gửi đến Thầy Cô...ăn Tết vậy !

Lời ru của Thầy

Mỗi nghề có một lời ru
Dở hay thầy cũng chọn ru khúc này
Lời ru của gió của mây
Con sông của mẹ đường cày của cha
Bắt đầu cái tuổi lên ba
Thầy ru điệp khúc quê nhà cho em
Yêu rồi cũng nhớ yêu thêm
Tình yêu chẳng có bậc thềm cuối đâu!
Thầy không ru đủ nghìn câu
Biết con chữ cũng đứng sau cuộc đời
Tuổi thơ em có một thời
Ước mơ thì rộng như trời,ngàn năm

Như ru ánh lửa trong hồn
Cái hoa trong lá,cái hồn trong cây
Thầy ru hết cả mê say
Mong cho trọn ước mơ đầy của em

Mẹ ru em ngủ tròn đêm
Thầy ru khi mặt trời lên mỗi ngày
Trong em hạt chữ xếp dày
Đừng quên mẹ vẫn lo gầy hạt cơm

Từ trong vòm mắt ngôi trường
Xin lời ru được dẫn đường em đi
(Con đường thầy ngỡ đôi khi
Tuổi thơ lăn một vòng bi tới rồi)

Hẳn là thầy cũng già thôi
Hóa thân vào mỗi cuộc đời các em
Thì dù phấn trằng bảng đen
Hành trang ấy đủ thầy mang theo mình

Gửi về Cô giáo dạy văn

Có thể bây giờ cô đã quên em
Học trò quá nhiều,làm sao cô nhớ hết
Xa trường rồi ,em cũng đi biền biệt
Vẫn nhớ lời tự nhủ:sẽ về thăm

Có thể bây giờ chiếc lá bàng non
Của ngày em đi đã úa màu nâu thẩm
Ai sẽ nhặt giùm em xác lá
Như em thuở nào ép lá giữa trang thơ

Ước gì...hiện tại chỉ là mơ
Cho em được trở về chốn ấy
Giữa bạn bè nối vòng tay thân ái
Được vui - buồn - cười - khóc hồn nhiên

Em nhớ hoài tiết học đầu tiên
Lời cô dạy : " Văn học là nhân học"
Và chẳng ai học xong bài học làm người
Chúng em nhìn nhau khúc khích tiếng cười
Len lén chuyền tay gói me dầm cuối lớp

Rồi giờ đây theo dòng đời xuôi ngược
Vị chua cay thuở nào cứ thấm đẫm bờ môi
Những lúc buồn em nhớ quá - Cô ơi!
Bài học cũ chẳng bao giờ xưa cũ...









Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét