Thứ Tư, 31 tháng 7, 2013

GIỚI THIỆU TÁC PHẨM MỚI

 



 Tiểu thuyết “Tương tác” của nhà thơ Triệu Từ Truyền. NXB Hội Nhà Văn
sách dày 320 trang khổ 13 x 20 cm, đề giá 80.000 đ.




Tuyển tập “Triệu Từ Truyền - Dòng thơ giữa đôi bờ tri thức & tâm thức” gồm 35 tản văn và bình luận của 26 tác giả “có tâm và có tầm gần xa các vùng miền đất nước, yêu mến soi rọi từ nhiều phía tri thức, nhiều chiều thấu cảm về 50 năm - hành trình thơ Triệu Cung Tinh - Triệu Từ Truyền”. 
Sách dày 276 trang khổ 13 x 20 cm, được in ấn mỹ thuật trên giấy tốt 
NXB Trẻ

Thứ Hai, 29 tháng 7, 2013

PHÁ CHẤP - NGUYỄN MIÊN THẢO


PHÁ CHẤP

Chấp tay trước Phật tồ
Nguyện dứt tham sân si
Mai sau thành chánh quả
Nam mô lạy các Dì

Thứ Bảy, 27 tháng 7, 2013

NƠI KHÔNG CÓ CÁ - HOÀNG LỘC

ngồi câu ở chỗ không có cá
như thể đời ta chẳng thiết gì ?
quăng miếng mồi chảy xuôi dòng nước
mấy nổi chìm, cũng muốn trôi theo

sao thấy thương hoài lão Lã Vọng
về già còn mộng bấy phù vân
gió lên, sóng bạc đầu sông Vị
(ôi đầu ông bạc giống ta không ?)

có thể em thôi còn ở đó
con cá lớn đã vượt sông hồ
Hta ngồi hiu hắt ngày đơn chiếc
giữ miếng mồi thơm miết thuở xưa

thời nay ai cũng chơi mồi giả
chuyện phỉnh lừa ai cũng nghe quen
ngồi hoài ở nơi không có cá
để ngó lòng ta, sợi chỉ bền.

Thứ Sáu, 26 tháng 7, 2013

NGỠ - HOÀNG THỊ THIỀU ANH

 Chông chênh
 em đến giữa mùa
 Thu phai áo biếc
 Anh mua tơ lòng

Rối bời
 Một mớ bòng bong
  Thiên thu anh đến
 Dấu hồng mờ phai

Em qua,sương ướt
 Vai gầy
Ngỡ đâu tình lặng
 Mai này
 Ngỡ đâu…

Thứ Ba, 23 tháng 7, 2013

NGƯỜI XỨ BÌNH ĐỊNH TẠI SAO ĐƯỢC GỌI LÀ "DÂN NẪU"

Năm 1578, chúa Nguyễn Hoàng cử Phù nghĩa hầu Lương Văn Chánh làm Trấn biên quan có bổn phận đưa lưu dân nghèo không sản nghiệp khai khẩn vùng đất mới từ nam đèo Cù Mông đến đèo Cả (tỉnh Phú yên bây giờ). Sau 33 năm khai phá vùng đất mới, hình thành làng mạc, năm 1611 chúa Nguyễn Hoàng thành lập phủ Phú Yên gồm hai huyện Đồng Xuân và Tuy Hòa. Năm 1629, chúa Nguyễn Phúc Nguyên nâng cấp phủ Phú Yên thành dinh Trấn Biên . Do đặc điểm của vùng đất mới còn hoang hóa, dân cư thưa thớt nên các đơn vị hành chính của vùng biên viễn có những nét đặc thù. Dưới cấp huyện có cấp Thuộc, dưới Thuộc là các đơn vị hành chính nhỏ hơn như Phường, Nậu , Man.

Phường là các làng nghề có quy mô như phường Lụa, phường Sông Nhiễu. Nậu là tổ chức quản lý một nhóm nhỏ cùng làm một nghề, người đứng đầu gọi là đầu Nậu.

Ví dụ: “Nậu nguồn” chỉ nhóm người khai thác rừng, “Nậu nại” chỉ nhóm người làm muối, “Nậu rổi” chỉ nhóm người bán cá, “Nậu rớ” chỉ nhóm người đánh cá bằng rớ vùng nước lợ, “Nậu cấy” chỉ nhóm người đi cấy mướn, “Nậu vựa” chỉ nhóm người làm mắm...

Do sự phát triển của xã hội Đàng Trong, năm 1726, chúa Nguyễn Phúc Chú (1697-1738) cử Đại ký lục chính danh Nguyễn Đăng Đệ quy định phạm vi, chức năng của các đơn vị hành chính. Các đơn vị hành chính như “Thuộc”, “Nậu” bị xóa bỏ.

Khái niệm thành tố chung cấp hành chính “Nậu” được biến nghĩa dùng để gọi người đứng đầu trong đám người nào đó và sau này dùng để gọi đại từ nhân xưng ngôi thứ ba.

Từ “Nậu” không xuất hiện độc lập mà chỉ có mặt trong các tổ hợp danh ngữ:
Ví dụ:

-Mất chồng như nậu mất trâu
Chạy lên chạy xuống cái đầu chôm bơm.
- Tiếc công anh đào ao thả cá
Năm bảy tháng trời nậu lạ tới câu.
- Ai về nhắn với nậu nguồn
Mít non gởi xuống cá chuồn gởi lên.

Từ chữ “Nậu” ban đầu, phương ngữ Phú Yên-Bình Định tỉnh lược đại từ danh xưng ngôi thứ ba (cả số ít và số nhiều) bằng cách thay từ gốc thanh hỏi. Ví dụ: Ông ấy, bà ấy được thay bằng: “ổng”, “bả”. Anh ấy, chị ấy được thay bằng: “ảnh”, “chỉ”.

Và thế là “Nậu” được thay bằng “Nẩu”.

Nẫu đã đi vào ca dao Bình Định, Phú Yên khá mượt mà, chân chất:

Ai nề sông núi Phú Yên
Cho nẫu nhắn gở nỗi niềm nhớ quê

Phương ngữ Thuận Quảng (Thuận Hóa - Quảng Nam) với “mô, tề, răng, rứa, chừ”, vượt qua đèo Bình Đê (ranh giới Bình Định - Quảng Ngãi) được đổi thành “đâu, kia, sao, vậy, giờ”.

Và đặc trưng ngữ âm của vùng Nam Trung bộ (Bình Định - Phú Yên) không phân biệt rạch ròi cách phát âm dấu hỏi và dấu ngã. Đặc biệt, bà con vùng biển từ Hoài Nhơn (Bình Định) đến Gành Đỏ (Sông Cầu-Phú Yên), các âm dấu ngã đều phát âm thành dấu hỏi.

Riêng đồng bằng Tuy Hòa, khi phát âm không phân biệt được dấu hỏi và dấu ngã. Bởi vậy, “Nẩu” hay được phát âm là “Nẫu”.

Đồng bằng Tuy Hòa trù phú, nhiều nhà giàu trong vùng cho con cái đi học chữ phương xa. Các vị có chữ nghĩa viết chữ “Nẩu” theo phát âm quen miệng thành chữ “Nẫu”.

Nói nôm na, tiếng Nẫu là tiếng địa phương của vùng Bình Định và Phú Yên có nghĩa là họ, hay người ta, vì là "đại từ nhân xưng" nó nằm ở vị trí ngôi thứ ba vừa số ít mà cũng vừa số nhiều. Ví dụ thay vì hỏi „Hôm nay người ta đi đâu mà nhiều vậy? „ thì người dân Bình Định và Phú Yên hỏi là „Hôm nay nẫu đi đâu mà nhiều dậy?“ hay „Cái nhà này là của họ“ thì dân Nẫu sẽ nói là „Cái nhà nhà này là của nẫu“.

Chính vì vậy mà khi hòa cùng tất cả tiếng nói của mọi miền đất nước thì tiếng nẫu sẽ không lạc vào đâu được, thậm chí còn dùng những từ hoàn toàn khác với những từ thông dụng, ví dụ thay vì nói „Vào tận trong đó“ thì nói là „Dô tuốt trỏng“ hay hỏi "vậy hả?" thì hỏi là „dẫy na?“, "dẫy ngheng" (vậy nghen hay thế nhé), "dẫy á" (vậy đó), "chu cha wơi" (trời đất ơi) v.v...
========== another version ==================
....Người Việt mình từ văn minh lúa nước mấy ngàn năm đến giờ đã nổi tiếng là “nhà quê”, cho dù có ở thành thị thì vẫn là “dân nhà quê” so với các nước khác. Vậy thử hỏi trong đất Việt Nam mình, xứ nào là “nhà quê” nhứt? Đó chính là “xứ Nẫu”. Tôi đi khắp Việt Nam , ai hỏi tôi quê đâu? Tôi thưa rằng quê tôi xứ Nẫu, tôi dân Nẫu, Nẫu nè, Nẫu ơi…
Vì sao "quê", vì ngay cái chữ “Nẫu” nghe nó đã quê rồi. Nó khởi thủy là chữ “nậu”, là một từ cổ ở miền Trung Nam Bộ, theo cụ Vương Hồng Sển, nó cổ đến mức gần như là nguyên thủy, ngày nay không còn ai dùng. Từ “nậu” để chỉ một nhóm người theo ngành nghề hoặc theo nơi ở: ví dụ: "Nậu nguồn" chỉ nhóm người trên rừng, "Nậu nại" chỉ nhóm người làm muối, "Nậu rổi" chỉ nhóm người bán cá, "Nậu rớ" chỉ nhóm người đánh cá bằng rớ, "Nậu cấy" chỉ nhóm người đi cấy mướn, "Nậu vựa" chỉ nhóm người làm mắm... mãi sau, bằng nguyên lý tăng âm đặc trưng của dân Việt mình: “ông + ấy = ổng”, “chị + ấy = chỉ”, thì cái “nậu + ấy= Nẫu”.
Xứ Nẫu bắt đầu từ Bình Định, Phú Yên và một phần của Khánh Hòa. Cũng như các vùng miền khác, mà gần nhất là xứ Quảng, giọng nói người xứ nẫu không lẫn vào đâu được. Người xứ Nẫu luôn nói lớn tiếng, giọng nặng và hầu hết các âm tiết đều bị biến dạng theo hướng nặng hơn, khó phát âm hơn…khó đến nỗi chỉ người xứ Nẫu mới nói được, làm như cái cấu tạo thanh quản của dân xứ Nẫu đã khác đi so với người xứ khác. Nẫu (người ta), rầu (rồi), cái đầu gấu (gối), trời tấu (tối), cái xỉ (muỗng), tộ (chén)…người xứ Nẫu nói cho người xứ Nẫu nghe, cho nên từ ngữ quê mùa cục mịch, đến mức câu ca dao mẹ hát ru con cũng nặng trình trịch, nhưng mà nặng nhất là cái tình:
Thương chi cho uổng công tình
Nẫu dzìa xứ nẫu, bỏ mình bơ vơ
Hồi nhỏ, mỗi lần tôi làm điều gì không đúng, ông nội tôi thường nói: “đửng làm dẫy, nẫu cừ”(đừng làm vậy, người ta cười), nhưng cũng có khi ông nội cho tôi thoải mái, muốn làm gì thì làm, kể cả vấn thuốc rê của ổng ra sân ngồi hút phì phà như người lớn, vì: “nẫu cừ thì kệ nẫu cừ, nẫu cừ lạnh bụng, hở mười cái răng”. Dân Nẫu đúng như giọng xứ Nẫu, hiền nhưng cộc cằn, phóng khoáng nhưng ngang ngạnh, tình cảm nhưng hơi thô kệch…
Dân Nẫu đi đến đâu cũng là “dân nhà quê”, học hành đến mấy vẫn không trút được cái gốc “nẫu” của mình. Nẫu không khôn ngoan, khéo léo như người Bắc. Nẫu không dịu dàng, lịch lãm như người xứ Huế. Nẫu cũng chẳng rộng rãi, vô tư như người Nam . Nẫu là Nẫu. “Nẫu dzẫy” (nậu vậy), Dân Nẫu không quan tâm người khác nghĩ gì về mình, tốt xấu gì cũng mặc, “kệ nẫu”. Cho nên dân Nẫu đi xứ khác làm ăn bị thiệt thòi nhiều, ít bạn, nhưng nếu có bạn, nẫu sẽ sống chết với bạn..................
Posted byat10:04 PM

Thứ Hai, 22 tháng 7, 2013

ĐỂ MAI SAU - NGUYỄN MIÊN THẢO



Khi bão tố đã vô tình tan biến
Chút niềm riêng còn sót lại trong anh
Em bỗng hóa đóa sầu đông trắng muốt
Nhen cho anh một chút lửa trăng rằm

Và anh nghe máu tràn trong huyết quản
Chút cuồng si sót lại giữa hồng hoang
Cho trời đất nổ tan tành hư ảo
Để mai sau còn lại chỗ em nằm

Thứ Bảy, 20 tháng 7, 2013

ĐỌC "NHỚ" CỦA PHẠM DUY - MIÊN THỤY

ĐỌC “NHỚ” CỦA PHẠM DUY
MIÊN THUỴ
(Hồ Nguyễn Bích Thủy-Trường chuyên Quang Trung-Bình Phước )   


Tôi đã mất đến bốn ngày để đọc xong quyển "Nhớ" của Phạm Duy- một khoảng thời gian khá dài so với thời gian đọc một quyển sách khi tôi còn trẻ.
Chưa quyển sách nào đọc xong, tôi lại có cảm giác luyến tiếc như quyển sách này. Phải chẳng Phạm Duy đã khéo léo dùng những con chữ dẫn tôi đi cùng ông rong ruổi - làm một kẻ giang hồ viễn du qua rất nhiều nơi, mà thậm chí nằm một chỗ, nhắm mắt lại, vẫn thấy chân mình chộn rộn, tim mình hoá cánh mà bay. Có lẽ, tôi đã thấy mình- thuộc về một thế giới khác???
Kiểu như món ăn cung đình Huế- ngon nhưng cái gì cũng một chút, những trang viết bày ra, đọc, thưởng thức rồi, vẫn còn chút gì nuối tiếc, chút gì thèm thuồng, và nhiều ngẩn ngơ....
Mở đầu " NHỚ", ông viết:
"Tôi là nhạc sĩ nên phải có trí nhớ tốt. Nhớ kỹ hàng ngàn bài hát, thuộc lòng hàng ngàn điệu nhạc. Nhớ những chuyện vui buồn xa lắc xa lơ. Còn nhớ cảnh, nhớ người nữa chứ ! Đi nhiều, tất nhiên tôi có nhiều bạn lắm. Nhớ rất nhiều người đã đi qua đời mình... Tôi có nhiều bài hát nhớ quê hương (Tình Hoài Hương, Thuyền Viễn Xứ...), nhớ những cảnh huống (Còn Chút Gì Để Nhớ, Nha Trang Ngày về...) nhưng nhớ người bao giờ cũng da diết hơn là nhớ cảnh, thế mà tôi không có một bài hát nhớ bạn nào cả! Âu là bây giờ ngồi nhớ bạn và viết ra nỗi nhớ, khi tôi đã trở về sống tại quê nhà và có ít nhiều ngày tháng rảnh rang..."
Một chữ NHỚ để gói gọn mà thôi...
Thoạt đầu, tôi chưa hình dung và ấn tượng lắm về những cái tên mà Phạm Duy gợi về trong kí ức ông -duy chỉ có một điều, tôi ngạc nhiên, sao ông có thể nhớ  sâu sắc, nhớ ngọt ngào, nhớ thăm thẳm như thế...
Những vùng đất...
Cảnh...
Người
Đặc biệt là những người bạn đồng môn từ thời Đệ Nhất ở trường Nguyễn Du, rồi trường Thăng Long, cùng chia nhau từng miếng xôi, từng miếng bánh mì chấm giấm, hay cả những lúc đi "ỉa đồng" chung. Và những người bạn từ thưở học chung trường Kỹ nghệ thực hành, hay trường Cao đẳng mĩ thuật; những người bạn đồng hành trong gánh hát rong ruổi từ Bắc chí Nam; những người bạn tri âm trong nhạc, hoạ, thơ...
Và cả những người tình ông yêu bằng tất cả những nồng nàn, say đắm thời trai trẻ, bằng hào hoa và sức vóc vạm vỡ, vừa hồn nhiên trên đồng ruộng ướt mưa, trên rơm rạ sau mùa gặt,...vừa già dặn, tò mò, hăm hở... để rồi ông bỏ lại tất cả, sẵn sáng bỏ lại tất cả để đi theo những tiếng gọi của những vùng đất mới. Tôi nhận thấy ông viết tất cả bằng sự tự hào, âu cũng là một phần trong cuộc đời rất sôi nổi, đẹp đẽ của ông....
Tôi thích thú mỗi khi ông đến một vùng đất mới, sau những giờ diễn , ông lại một mình khám phá cho bằng hết cái vùng đất ấy, như cái lần vừa đến Huế, ông vác valy xuống thuyền, nằm hàng đêm ở đó để nghe ca Huế, hay có thể lặn lội theo ông lão thổi sáo có con khỉ đeo trên lưng chỉ để nghe, để biết thêm những giai âm của thể loại nảy lên từ vùng đất trữ tình thần diệu...
Cũng bởi vì bôn ba, vì nhớ rất nhiều mà những tình cảm, những nỗi nhớ ấy cứ lan hoà, trộn lẫn rồi thoát thai thành những giai điệu, những ca từ rất trí tuệ, vừa mộc mạc, vừa thấm đẫm tình người, tình quê hướng, như ông từng nói:  Em đã là quê hương rồi...???
Tôi cũng thích những trang Phạm Duy viết về Văn Cao, về Đặng Thế Phong, Hoàng Cầm, Quang Dũng, Lê Thương, Nguyễn Văn Thương... sao mà sâu sắc, mà thâm thuý....
Tôi cũng không biết mình đã nhẩm theo  lời của những bài hát của Văn Cao, những bài thơ mà Phạm Duy phân tích. Tôi phục cái vốn từ sao mà nhẹ nhàng, khéo léo đến thế... Tôi nhớ ngày xưa còn bé, ba đã từng đàn hát ru ba chị em tôi bằng những giai điệu ấy. Những bài hát của Trịnh, của Văn Cao, của Phạm Duy. hay cái thời tôi lên năm, lên mười, nghe giọng hát rất điệu đà, mỹ miều của Thái Thanh (chuyên hát nhạc anh rể mình) qua chiếc cassette cũ kĩ với: Tình ca, Tình hoài hương, Tiếng sáo Thiên Thai, chỉ chừng ấy thôi,..
Thảo nào, khi lớn lên, cứ thấy quen quen...
Muốn viết thật nhiều sau khi đọc quyển sách này, sau khi nghe một loạt 4 CD "Về thôi" với giọng dẫn khàn khàn, chậm rãi của Phạm Duy, nhưng...sao năng lực kém cỏi quá....
Cũng là một cái DUYÊN  khi Em tặng cho tôi quyển sách này...Trong những ngày tôi rất mệt mỏi, thiếu sức sống. Biết tôi thích Phạm Duy, Em đã lục tung nhiều nhà sách, phát hiện quyển sách này nằm dưới một tấm biển quảng cáo, mang đến cho tôi...
Em bảo tôi có thể đọc quyển sách này, vì tôi là người đặc biệt. Còn tôi thì, đằng sau nụ cười ấm áp và nhẹ nhàng vì đọc được một quyển sách hay, tôi còn thấy mát cả lòng mỗi khi ngắm nghía những dòng chữ mà Em đề tặng. Cảm ơn Em, dù mai này, không là gì của Em, tôi cũng thấy vui vì từng được là một trong những người đặc biệt của Em. Tôi thì, không thích gọi Em là người đặc biệt, không chỉ bởi vì Em là người thú vị, là còn bởi vì tôi không thích cái cách gọi đó, đôi khi trong lòng, chỉ nên có một người đặc biệt mà thôi. Ai cũng gọi là người đặc biệt thì dễ dãi quá....
Chiều rồi...
Vài phút trải lòng khi đọc xong quyển “Nhớ” của Phạm Duy (NXB Trẻ, 2010), âu cũng là bày tỏ chút lòng tri âm với người nhạc sĩ tài hoa quá cố dù con chữ còn rất vụng về. Tôi vẫn thích câu thơ này trong nhiều câu thơ mà tôi rất thích khác của Phạm Duy khi tần ngần khép trang sách lại:
"Cho tôi lại từ đầu
Chưa đi vội về sau..." 
 (Kỷ Niệm- Phạm Duy)

Thứ Sáu, 19 tháng 7, 2013

TA THẤY HÌNH TA NHỮNG MIẾU ĐỀN - MAI THẢO

CHỖ ĐẶT

Đặt tay vào chỗ không thể đặt
Vậy mà đặt được chẳng làm sao
Mười năm gặp lại trên hè phố
Cười tủm còn thương chỗ đặt nào

Không Hiểu






Thế giới có triệu điều không hiểu
Càng hiểu không ra lúc cuối đời
Chẳng sao khi đã nằm trong đất
Đọc ở sao trời sẽ hiểu thôi


Ta Thấy Hình Ta Những Miếu Đền






ta thấy tên ta những bảng đường
đời ta, sử chép cả ngàn chương
sao không, hạt cát sông Hằng ấy
còn chứa trong lòng cả đại dương

ta thấy hình ta những miếu đền
tượng thờ nghìn bệ những công viên
sao không, khói với hương sùng kính
đều ngát thơm từ huyệt lãng quên

ta thấy muôn sao đứng kín trời
chờ ta, Bắc Đẩu trở về ngôi
sao không, một điểm lân tinh vẫn
cháy được lên từ đáy thẳm khơi

ta thấy đường ta Chúa hiện hình
vườn ta Phật ngủ, ngõ thần linh
sao không, tâm thức riêng bờ cõi
địa ngục ngươi là, kẻ khác ơi !

ta thấy nơi ta trục đất ngừng
và cùng một lúc trục đời ngưng
sao không, hạt bụi trong lòng trục
cũng đủ vòng quay phải đứng dừng

ta thấy ta đêm giữa sáng ngày
ta ngày giữa tối thẳm đêm dài
sao không, nhật nguyệt đều tăm tối
tự thuở chim hồng rét mướt bay

ta thấy nhân gian bỗng khóc òa
nhìn hình ta khuất bóng ta xa
sao không, huyết lệ trong trời đất
là phát sinh từ huyết lệ ta

ta thấy rèm nhung khép lại rồi
hạ màn, thế kỷ hết trò chơi
sao không, quay gót, tên hề đã
chán một trò điên diễn với người

ta thấy ta treo cổ dưới cành
rất hiền giấc ngủ giữa rừng xanh
sao không, sao chẳng không là vậy
khi chẳng còn chi ở khúc quanh

Mai Thảo
(Ta Thấy Hình Ta Những Miếu Ðền-1989)

Thứ Năm, 18 tháng 7, 2013

KHI Ở XA NGƯỜI - HỒ NGẠC NGỮ


Khi ở xa người, lòng trống trải
Có đi đâu cũng chẳng hết ngày
Muốn ngược đường đi về quá khứ
Gặp lại người cầm lấy bàn tay

Nhưng thời gian không quay lại được
Như dòng sông, như hạt mưa bay
Nên đời vẫn đi về phía trước
Bỏ bóng mình với những cơn say

Rượu nếu uống say chừng một bữa
Lòng đã yêu say cả một đời
Tình đã buộc làm sao mà gỡ
Nhìn dáng ai cũng tưởng dáng người

Khi ở xa người, quên chữ nghĩa
Trăm dòng tin như vẫn không lời
Đêm đêm vẫn mong vầng trăng sáng
Nối hai đầu thương nhớ hai nơi

Hồ Ngạc Ngữ