Thứ Ba, 2 tháng 7, 2013

MẶT TIỀN NGHỆ THUẬT - VÕ CHÂN CỮU


                                                      Kỳ 19

                                          Con Chữ Nhạt Phai

Giọt nước khá nhẹ nhàng và êm đềm; nhưng lâu ngày  chúng có thể làm bong rỗ cả mặt đường bê tông. Con chữ cũng vậy, âm thanh dìu dặt bổng trầm, tạo nên những nhịp điệu, có thể làm lòng người say mê đến muôn đời…
Nhưng người làm thơ có một ngày đã thấy: nếu cứ ôm mãi một tiết tấu, thì dòng thơ có khi lại đi vào ngõ cụt.
Chuẩn bị sang thập niên ’70 của thế kỷ 20, dòng thơ ca ở Miền Nam như phân thêm nhiều nhánh rẽ. Cảm hứng từ  cõi siêu nhiên gần như đã không còn độc quyền, dù là từ Thiền học hay là sự cứu rỗi của Thượng Đế. Hơi thở hiện sinh từ các nhóm Hiện Đại, Văn Nghệ, Nghệ Thuật qua âm hưởng của Nguyên Sa, Cung Trầm Tưởng, Viên Linh, Du Tử Lê…đã gảm dần sự thu hút với lớp trẻ. Cánh cửa êm đềm của cõi tịnh độ qua những vần điệu ru người của Nhất Hạnh, Phạm Thiên Thư… gần như sắp nhạt xa. Những tiếng la hét lập dị kiểu “tôi nguyền rủa mặt trăng, thù ghét mặt trời…” như kiểu Phạm Công Thiện, Nguyễn Đức Sơn… cũng làm chính những người tuyên bố tự thấy trở nên lố bịch, nên trở lại hòa nhã hơn. Dòng thơ phản kháng, chối bỏ cuộc chiến lại không thể diễn tả hết sự bất lực của con người trước tai họa của chiến tranh, dù có người như Trần Đắc Thắng,  cố tình mở đầu mỗi bài thơ bằng tiếng chửi thề với hai chữ “Đ.M.”

Cái đẹp thường trụ

Trong nghĩa nào đó, thì những người làm thơ có nội lực những tháng năm này đã không muốn sa vào sự “uốn éo” hoặc làm dáng nữa. Họ tìm sự rung động và diễn tả nó bằng những âm điệu của riêng mình, tất nhiên vẫn cố tạo giòng thơ riêng.

·        Lê Nghị
Liễu Trăng Vàng

Ta nghe vắng trên đồi mây dưới lá
Hoàng hôn về tiếp bụi nối vu vơ
Ngàn tiếng kèn hội xưa chiều giục giã
Rừng bên kia khói núi gọi sương mờ

Ta đứng lại giữa thu bay thường trụ
Dòng tiếp dòng nắng hạ mới qua đây
Và em đã vết chân mùa gió bụi
Thôi còn đâu một chút nắng hao gầy

Thôi em nhé ngàn thông hồ tịch thủy
Lưỡi trăng vàng đáy nước đẹp chiêm bao
Gió có đến trận bão cuồng tàn hủy
Thì ven khe lại nở nụ anh đào
                                                       (1972)

Nhà thơ Lê Nghị, tác giả bài thơ khá đẹp trên lúc bấy giờ là đang một tu sĩ Phật giáo chính hiệu. “Chính hiệu” theo nghĩa không mang “khẩu Phật-tâm xà”, hay “mặc áo nhà sư-tay ôm chồng sách triết” vào quán cà phê để làm dáng. Lúc này Lê Nghị ở một cốc riêng trong chùa Vạn Thọ-Tân Định. Thi sĩ Phạm Thiên Thư cũng đang khoác áo tu tại đây. Nhưng đi vào cõi thơ thì có lẽ mỗi người theo một cách. Thi sĩ Lê Nghị vẫn hay ghé lại nhà trọ tôi ở để chuyện trò (Nhằm khi tôi chưa nhận lương gia sư mà lại thèm uống bia, ông vẫn sẵn sàng lục đãy lấy ra ít tiền, và không hề khuyên tôi phải…giữ giới).
Bài thơ “Liễu Trăng Vàng” cho thấy tác giả chịu ảnh hưởng triết học Phật giáo, đưa cả ngôn ngữ nhà Phật, như “thường trụ” vào câu thơ. Nhưng nhà thơ đã không nhằm “thi hóa” việc hành đạo mà diễn tả cái đẹp bất tử mà trong những giây khắc hiếm hoi, con người có thể nhìn thấy. Một thời gian dài sau ’75 không có dịp gặp lại nhau, nên không rõ việc ông hoàn tục có phải vì lý do thời cuộc ? Tôi và các bạn văn chỉ hay ông rất yên ổn theo nghề dạy học. Nghe đâu vẫn tiếp tụcsáng tác, nhưng không hề xuất hiện trên bất cứ tờ báo văn nghệ nào. Bài thơ “Liễu Trăng Vàng” hiện diện trên cả 2 tuyển tập: Thơ tình Miền Nam của Thư Ấn Quán và Thơ Tình Nam ’75 của  mạng“gio-o”; nhưng 2 nơi lại có một vài từ khác nhau. Ở câu mở đầu là “nghe vắng” với “nghe vẳng”; ở câu áp chót là “bão cuồng” với  “bạo cuồng”, xin đưa ra với sự tồn nghi.

Mối  tình  “không”

Bài thơ này trong sưu tập của “gio-o”  ghi rõ rằng nguồn: Tập san Tư Tưởng, số tháng 5-1972. Người chọn thơ của Tập san bấy giờ là vị Thư ký tòa soạn ẩn danh: Đại đức Thích Chơn Hạnh, tức nhà thơ Trần Xuân Kiêm. Sau biến cố ’75, nhà sư này cũng hoàn tục, nhưng bước hẳn vào lĩnh vực nghiên cứu khoa học xã hội. Ông lấy bằng tiến sĩ kinh tế ở một Trường Đại học Hoa Kỳ năm 2001.
Thi sĩ Trần Xân Kiêm đến nay không công bố bài thơ nào mới làm, nhưng nhiều người đọc vẫn nhắc, vẫn thuộc lòng những bài thơ tình buồn mà ông làm từ đất B’Lao trước đó.

 

* Trần Xuân Kiêm

Thuở Xa Người

Một sớm người đi theo mây bay
Ta say nằm lạnh buốt đêm dài
Tỉnh ra thấy cụm hoa đầu ngõ
Ta vẫn còn, hay nỗi tàn phai?
Nửa đêm tỉnh dậy thấy sao rơi
Ta nghĩ người đang ở cuối trời
Ơi những đám mây còn lãng tử
Xin để hồn chùng trong đêm khơi
Ôi má người từ nay thôi hồng
Gió cũng trầm thương tóc thôi hong
Mai sau thoảng nhớ mây vườn cũ
Ta yêu người bằng mối tình không

Là dịch giả của nhiều sách triết lý và văn học thời thượng vào những năm trước và sau 1970, nhưng tuyệt nhiên trong bài thơ tình nêu trên, Trần Xuân Kiêm không hề đá động gì đến cõi siêu hình hay khát vọng giải thoát. Câu thơ mang mùi “suy tư” duy nhất là “Ta vẫn còn, hay nỗi tàn phai”. Nhưng ở đây, nỗi “tàn phai” được nhắc đến khi nhà thơ thấy “cụm hoa đầu ngõ”. Tàn phai không phải vì kiếp người mong manh mà là “nỗi tàn phai” của tình yêu ! Nhà thơ mang cảm giác buồn vì “má người từ nay thôi hồng”.  Tình cảm chân thật được diễn tả bằng thứ ngôn ngữ chân thật, đã làm lay động lòng người xiết bao. Soi toàn bài và xét thật kỹ từng câu, người đọc càng nhận ra thêm tài thơ của ông: không để cho âm điệu ngôn ngữ dẫn dụ, dẫn dắt vào cõi mê hồn, cũng không trưng những hình ảnh kỳ bí hay huyền hoặc. Nhịp thơ thất ngôn ở đây cũng không khác biệt với các bài thơ tình mà nhiều người đã  làm. Câu thơ kết thúc  nói với người đọc về một “mối tình không”-hiểu thông thường là “tình yêu đơn phương”, nhưng người đồng cảm dễ nhận ra nỗi đau của người thi sĩ, khi: “một sớm người đi theo mây bay”.

Ở một số bài thơ tình làm bằng thể lục bát, Trần Xuân Kiêm cũng vài lần diễn giải về “mối tình câm” này. Như qua bài:

 

Vườn trăng

áo người in một tà trăng
bay trong huyễn mộng cuối vườn tịch liêu
lạnh hồn xưa tiếng chim kêu
trăm bông quỳnh ngủ đìu hiu lá cành
ta ngồi im bóng đêm thanh
yêu em vô lượng cũng đành câm hơi
Cái đẹp của nghệ thuật thơ ca quả là vô bờ bến. Nhưng cái tình, tức sự chân thật trong tỏ bày xúc cảm của nhà thơ, có khi lại quyết định cho sự in bóng của tác phẩm qua bao năm tháng.
 cõi vô ngôn
Có thể là một ngẫu nhiên khi trong Tản Mạn kỳ này, tôi đã đưa quý bạn đến với 2 người bạn vong niên làm thơ, lúc họ đang còn là tu sĩ Phật giáo (nay cả 2 đều trở về với đời). Tôi xin được nói thêm luôn về vị tu sĩ làm thơ thứ 3 khá thân thiết: nhà thơ Nguyễn Đức Nhân. Anh vốn cùng hoạt động văn học cùng thời. Nhưng cuộc đời riêng của vị thi sĩ này…ly kỳ hơn. Ông xuất gia từ thuở còn nhỏ, đã thành danh trong làng văn khi đang mặc áo nhà sư. Sau 1975, ông trở lại nhập thế. Nhưng sau năm 2000, khi con cái đã trưởng thành, Nguyễn Đức Nhân lại xuất gia lần 2. Trở về dưới mái chùa, ông hiện trụ trì một ngôi chùa của phái Phật giáo Nguyên thủy trên miền núi cao vùng biên giới Thái Lan-Myanma !
Năm 1970, từ những bài ngũ ngôn tứ tuyệt đầu tiên in trên Tập san Văn, nhà sư đạo hạnh này đã biết làm thơ tình.
·        Nguyễn Đức Nhân
  Buồn Thấm

Một mình trong hiên vắng
Bên rào ấy sứ xưa
Em trồng chi bông trắng
Anh chảy dài theo mưa.
                              ( Tập san Văn)
Người tinh ý dễ thấy xu hướng cõi đạo của ông, cả khi ông mượn hình ảnh người con gái để diễn cảm. Về sau, nó xuất hiện cả trong những vần lục bát nhuần nhuyễn:
                   Đến Di Linh Cảm Tác
                   Qua rừng nhớ áo em xanh
                   Lệ xưa em đẫm hồn anh bạc màu
                   Thu sang vàng một cơn đau
                   Mù sương anh gửi mai sau tặng ngưởi
                   Tuổi xuân anh mấy nụ cười
                   Và, tóc xanh khéo ngậm ngùi phố xưa
                   Tây nguyên mai nắng chiều mưa
                   Đời anh một tiếng gà trưa điếng hồn.
                                                               (Tập san Thời Tập-1974)
“Tây nguyên” trong bài là lúc ông cùng tôi về Bảo Lộc. Tiếng gà trưa từng khiến cho nhiều người nao lòng, dứt cơn nghĩ ngợi mông lung. Nhưng tiếng gà làm cho một người điếng hồn, có lẽ là lần đầu tiên được nhà thơ Nguyễn Đức Nhân diễn tả. Trong một thư điện tử gần nhất, Nguyễn Đức Nhân khẳng định với tôi và Nguyễn Lương Vỵ rằng anh chưa bao giờ qua thơ để so đọ về tài năng. Vì đó là cõi thị phi của làng văn nghệ. Những con chữ rồi cũng sẽ nhạt phai. Và điều anh để tâm nhất là: “làm sao có thể từ thơ đến được với cõi vô ngôn”.
Ở ý này, tôi rất tâm đắc với những điều mà Giáo sư Sture Allen đã thay mặt Viện Hàn Lâm Thụy Điển đọc diễn từ Tuyên dương Joseph Brodsky, nhà thơ Nga có quốc tịch Mỹ, tại lễ trao giải Nobel văn chương năm 1987: “…Chiều kích tôn giáo mà ta nhất định có thể tìm thấy trong tác phẩm của ông (J.Brodsky) không gắn liền với một tín điều cụ thể nào…”
Lời Thưa:
* Sau 19 kỳ, Tản Mạn “Mặt Tiền Nghệ Thuật” xin  tạm ngừng lên mạng. Mong người đọc thông cảm khi một số hình tượng có trùng lập với  Tản mạn “Chắp Tay Dòng Đời”. Xin được xem  đây là  tiếp nối của tập sách “Võ Chân Cửu 22 Tản Mạn” (đã  phát hành tháng 6-2013).
* “Mặt Tiền Nghệ Thuật” với các phần còn lại khá xúc tích (6 chương) hy vọng sẽ trở thành ấn bản vào cuối năm 2013.
                                                                                          Võ Chân Cửu


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét