Thứ Sáu, 31 tháng 1, 2014

Thứ Năm, 30 tháng 1, 2014

NGÀY TẾT, MẠN ĐÀM VỀ CHỮ " PHÚC " " PHÚC



Trong quan niệm cổ truyền của gia đình người Việt, chữ “Phúc” có vị trí quan trọng hàng đầu. "Nhà có phúc" là ước vọng, là niềm vinh dự của người Việt Nam. Vì lẽ đó, cứ Tết đến xuân về, người ta thường viết chữ “phúc” trên một tờ giấy đỏ vuông dán ngoài cửa và xem như là một lá bùa chúc tụng điều may mắn trong năm.

Uớc vọng đầu năm của hầu hết người dân Việt không thể thiếu chữ "Phúc". Cụ Nguyễn Công Trứ có đôi câu đối vừa hóm hỉnh nhưng không kém phần tinh tế và sâu sắc của hương vị ngày xuân: Chiều ba mươi, nợ réo tít mù, co cẳng đạp thằng "Bần" ra cửa/ Sáng mồng một, rượu say túy lúy, giơ tay bồng ông "Phúc" vào nhà. Lại nữa, có một câu chuyện trong dân gian kể rằng: đời vua Gia Long, có người lập nhiều công trạng, nhà vua hỏi muốn được thưởng gì thì người ấy thưa rằng: "Hạ thần chỉ xin được một chữ "Phúc" mà thôi".

Vua cười đáp rằng: "Tiền bạc, chức tước thì ta có thể ban, chứ Phúc thì chỉ có trời ban mà thôi, cả dòng họ ta chỉ nhờ có chữ Phúc mà vinh hiển nhiều đời". Thật vậy, dòng họ nhà Nguyễn đã lót chữ Phúc vào tên của mình (vua Gia Long là Nguyễn Phúc Ánh). Trên khắp nước Việt Nam, nhiều địa danh đã chọn chữ "Phúc": tỉnh Vĩnh Phúc, huyện Phúc Thọ (Hà Nội)...

Chữ "Phúc" là từ Hán Việt, người miền Nam đọc là "phước". Chữ "Phúc" trong giáp cốt văn là hình tượng hai bàn tay bưng hũ rượu đứng trước bàn thờ. Như vậy, chữ "Phúc" vốn được xem là điều tốt lành do cầu cúng mà có được.

Theo đó, "Phúc" có nghĩa là "thuận lợi", "đồng thuận". Thuận có nghĩa là từ dưới lên trên, từ trong ra ngoài đều thông suốt, không có gì trở ngại. Trên thuận trời đất, dưới thuận vua tôi, dưới nữa thuận cha mẹ, con cái. Đời sống tinh thần bên trong và đời sống vật chất bên ngoài đều thuận lợi không có gì trắc trở, như vậy gọi là thuận, là Phúc. Một điều thật thú vị là câu chúc Tết của người phương Tây thường đề cập đến hạnh Phúc, sức khỏe và thành đạt, đứng ở góc độ nào đó có sự tương đồng như Phúc, Lộc, Thọ mà ở phương Đông người ta tâm niệm.

Cả Âu lẫn Á đều đặt "Phúc" lên vị trí hàng đầu, nhưng nếu tìm hiểu kỹ thêm một chút mới thấy chữ "Phúc" của phương Đông rất rộng lớn, mênh mông và tinh tế. Người Trung Hoa chơi chữ bằng cách vẽ hai con dơi đâu cánh lại, ngụ ý là trùng phúc, họ còn vẽ thêm một lúc năm con dơi biểu tượng cho ngũ phúc (ngũ phúc lâm môn) mà sách Hồng Phạm viết: "Ngũ phúc, nhất viết Thọ, nhị viết Phú, tam viết Khang minh, tứ viết Du hảo đức, ngũ viết Khảo chung mệnh" (Năm phúc: sống thọ, giàu có, bình an, đức tốt, chết vào tuổi già).

Theo Từ điển Khai Trí Tiến Đức thì "Phúc" là điều hay, điều tốt, do việc làm nhân đức mà ra. Vì vậy, không phải ngẫu nhiên trong tâm thức của người Việt, từ lâu đã quan niệm phúc bao giờ cũng đi đôi với đức. Thuật ngữ "Phúc đức" luôn gắn liền nhau. Chính điều này đã làm sâu sắc thêm triết lý nhân duyên của nhà Phật và đem lại màu sắc tích cực cho hai chữ họa phúc (Họa vô đơn chí, phúc bất trùng lai). Phúc dày hay mỏng cũng do chính con người can dự quyết định.

Chữ Phúc chính là một ân huệ mà con người tự tạo ra qua những hành động tốt của mình. Nó là những hạt giống tốt được tay người tự gieo trên những mảnh đất mà ta thường gọi là phúc điền (ruộng phước). Do quan niệm họa phúc ở đời là sợi dây gieo nhân gặt quả, nên người Việt Nam chú trọng đến việc "làm ơn, làm phước".

Hơn thế nữa, mỗi hành động, việc làm của chúng ta không những ảnh hưởng đến bản thân ta mà còn lưu lại kết quả cho thế hệ sau. Nhà có phúc là nhà có được cuộc sống bình yên thanh thản, đặc biệt là có hậu vận tốt. Muốn được đức phải có phúc và ngược lại đức sẽ đem lại phúc, đó là quy luật. Nội dung của đức phụ thuộc điều kiện lịch sử, xã hội, văn hóa, tôn giáo,... Ví như đức của Nho giáo là ngũ thường, đức của Phật giáo là ngũ giới (năm điều cấm), đức của Kitô giáo là 10 điều răn của Chúa... Dù văn chương chữ nghĩa có khác nhau, nhưng chung quy về đức ở mỗi dân tộc, mỗi thời đại đều có chung quan niệm nhằm mưu cầu lợi ích cho mọi người.

Ngày nay, khi kinh tế có chiều khởi sắc, dường như người ta ít đặt, hay lãng quên chữ "Phúc" trong mối quan hệ với "đức" hay "thiện" (phúc đức, phúc thiện) mà thường đặt "Phúc" trong mối quan hệ với chữ "đạt" (thành đạt) hay "lợi" (phúc đạt, phúc lợi).

Ngạn ngữ Lào có câu: "Hạnh phúc là kết quả của những hành vi đạo đức". Hi vọng rằng dù lịch sử có thay đổi như thế nào đi nữa thì quan niệm về chữ "Phúc" của dân tộc, của mỗi gia đình, của mỗi người chúng ta sẽ mãi mãi là "mã di truyền" tốt đẹp trong đời sống văn hóa người Việt.

NGUYỄN HIẾU TÍN

Thứ Tư, 29 tháng 1, 2014

CÒN ĐÓ SAO TRÊN RỪNG - VÕ CHÂN CỬU



                                         Còn Đó Sao Trên Rừng
                                                                            
Cao nguyên Bảo Lộc ở cuối dãy Trường Sơn với những tịnh cốc nổi tiếng, hơn 40 năm về trước còn là nơi tụ hội nhiều nhà sáng tác. Như Nhất Hạnh, Trần Thiện Thanh, Nguyễn Đức Sơn…

Do khá gần Sài Gòn nên người thích khoa thiên văn vẫn chọn về đây khi có các sự kiện lớn. Rạng sáng ngày 14-12- 2013 khi ngắm mưa sao băng, có người bỗng nhắc: kỳ diệu sao trên rừng ! “Sao Trên Rừng” còn đây không ?

Cộng nghiệp thơ
Sao Trên Rừng là bút danh thời khởi nghiệp của Nguyễn Đức Sơn (NĐS) ở các tạp chí Sáng Tạo, Văn Nghệ…từ  các năm 1959-1960. Khi xuất bản tập thơ đầu tay “Những Bài Tình Đầu” gồm 3 phân khúc Bọt Nước, Hoa Cô Độc (1965), rồi Lời Ru (1966), ông vẫn xưng bút hiệu này. Sách phát hành, NĐS lập tức nổi tiếng như một thi sĩ kỳ dị- vì những tuyên bố thành thật nhưng mang tính tự đại in trên bìa sách. Khi chuẩn bị cho nhà xuất bản An Tiêm in tập thơ Đêm Nguyệt Động (1967) để làm sính lễ đi cưới vợ, ông ký hẳn tên thật. Tên tuổi NĐS còn dữ dội với các tập truyện ngắn như Cát Bụi Mệt Mỏi (1968), Cái Chuồng Khỉ (1969), Xóm Chuồng Ngựa (1971). Có nhà điểm sách và nhiều độc giả cho ông là một “thiên tài độc ác”. Vì bằng mạch văn, ông  đã đẩy người đọc đến chỗ tận cùng của trí tưởng. Cho nên, qua cuộc khảo sát về “Những cây bút hay nhất” do Tạp chí văn nghệ Khởi Hành thực hiện năm 1971, NĐS đã lọt vào Top 5. Mặc dù vậy, về sau nhắc đến ông, mọi người vẫn ấn tượng là một thi sĩ. Như từ thuở đầu tiên ông đi vào sáng tác :

                   Một đêm sao ở trên rừng
          Đua nhau rụng xuống chào mừng nhân gian
                   Hồn tôi cây cối liên hoan
          Rưng rưng tôi thấy trăm ngàn ước mơ
                   Tuổi vàng giống mộng trời thơ
          Lớn lên tôi chết bên bờ hư không

                                                  (Tập “Bọt Nước-Những Bài Tình Đầu”)

Bài thơ đầu tiên đã giải thích vì sao ông chọn bút hiệu, cũng “ngầm” tiên đoán số phận (cũng là định mệnh?) của cuộc đời mình. Nhưng nó thành thật và hiền hậu quá; không như người đọc cảm nghĩ rằng càng dấn thân vào chơi, NĐS càng trở nên kỳ dị (dù giọng điệu vẫn rất thành thật) khi cố tình đưa lời miệt thị từ người có bằng cấp, trường đại học, và đến cả những người viết lách cùng thời. Tiếng đồn rằng nếu ghét ai, ông còn viết thư gửi lời chê tới tận nơi !
Nhà thi sĩ “quái dị” ấy đã tự nguyện bỏ trường đại học, và ăn chay trường, tự kiếm sống bằng nghề dạy học.
Quê hương ở miền đầm phá ven biển Tri Thủy (Ninh Thuận), ông sớm hít thở bầu không khí hoang vu. Có thời gian, ông sống ở vùng đồi núi cao Đơn Dương trên đường từ Đà Lạt xuống Phan Rang. Nên khi đã lấy vợ, trốn lính, ông đã lên miền B’lao (Bảo Lộc), là nơi cũng có khung cảnh hoang sơ, lại thuận đường đi về Sài Gòn để “náu thân nơi nhà hoang”.  Nguyễn Miên Thảo (NMT) là một trong số rất ít bạn trẻ  được ông chọn thơ để đăng trên Tạp chí Mặt Đất (xuất bản bất định kỳ) do ông chủ trương năm 1966. NMT cho biết ở lớp dạy tiếng Anh tại nhà trọ riêng, NĐS đã sẵn sàng đuổi học và trả tiền học phí trở lại ngay cho bất cứ học sinh nào không thuộc bài đã học bữa trước! Thi sĩ, thầy giáo NĐS muốn cuộc đời này luôn luôn phải tuyệt đối như ý mình chăng ?
Cùng được chọn bài với NMT để có mặt trên “Tạp chí Mặt Đất” là  Thái Ngọc San (TNS). Khoảng năm 1970,  tôi và  tình cờ cùng có mặt trước khoảng sân NĐS đang ở nhờ trong một khu nhà trong trường Nông Lâm Súc Bảo Lộc. Mấy ngày trước, vợ NĐS đã sinh đứa con trai đầu lòng, đặt tên là Thạch. Cả ba ngồi đốt lửa sưởi ấm. Tôi và TNS cùng chiêm nghiệm niềm hạnh phúc của người thi sĩ có cuộc sống lập dị mới được làm cha. Hạnh phúc lần lượt được ông thể hiện trong sáng tác thơ, theo tháng năm cùng đứa trẻ lớn lên:

NHÌN CON LẬP TẬT

Nắm tay lật úp đi con
Co thân tròn trịa như hòn đá lăn
Muốn cho đời sống không cằn
Tập cho quen mất thăng bằng từ đây.

Vợ NĐS lần lượt đẻ năm một. Hạnh phúc của cha và con ngày càng nhiều thêm. Như:
                   Theo cha đốt cỏ ngoài rừng
          Nâng niu mẹ ẵm theo mừng không con
                   Có vài chiếc lá còn non
          Gió theo lửa khói tan giòn trên không
                   Nắng tà trải xuống mênh mông
          Bước theo chân mẹ, cha bồng hư vô.
                                                 
(Đốt Cỏ Ngoài Rừng- Tập san Văn 1972)

Ngày đó, tôi chỉ “lên chơi rồi về” với Bảo Lộc  và NĐS. Còn TNS nương náu ở đây khá lâu (vì anh đang trốn lính), và tiếp xúc với NĐS cũng nhiều. Đến khoảng 1972, TNS về Sài Gòn làm Thư ký Tòa soạn cho tạp chí Ý Thức- tờ vănn nghệ do các văn nghệ sĩ Miền Trung tự nhận có tinh thần “nhập cuộc” lập ra. Sau đó không lâu, anh viết truyện ngắn Bầy Thú Hoang Dã miêu tả cảnh sống của gia đình NĐS. Truyện này được đăng trên Văn. Trong truyện có ý nói là người cha khá ích kỷ, luôn luôn bắt các con phải theo ý mình. TNS lúc này đã có cái nhìn của một người làm văn nghệ vì xã hội. Sau 1975 một vài năm, bối cảnh và nhân vật cũng như mạch văn của Bầy Thú Hoang Dã một lần nữa lại xuất hiện trong một truyện ngắn mới của TNS trên Tạp chí Sông Hương (anh giữ công tác Thư ký Tòa Soạn). Qua 2 truyện ngắn này, dư luận giới sáng tác râm ran nghi ngờ về tính tình của NĐS.

 Khát vọng 
Con người thật của nhà thơ  có cuộc sống lập dị này ra sao ?
NMT từ Huế vài Sai Gòn làm văn nghệ  vào năm 1965. Trong cảnh đói rách, NMT có thời gian ngắn phải nương tựa nơi nhà trọ của NĐS ở Bình Dương. Cùng với Đại Đức Thích Thanh Tuệ, Phạm Công Thiện, giáo sư Bửu Ý, anh là thành viên của họ nhà trai trong lễ cưới vợ cho NĐS tại thị xã Thủ Dầu Một. Mới đây nhất, hồi cuối năm 2012, NMT lên Bảo Lộc thăm lại NĐS lần thứ 2 kể từ sau biến cố 1975 (lần thứ nhất vào năm 2011), NMT nửa đùa nửa thật bảo rằng sau bài tạp bút kể chuyện đám cưới NĐS, anh sẽ kể chuyện NĐS là  “cơ sở cách mạng”. Nguyên do có một lần vào đêm giao thừa ở Bình Dương, NĐS nấu một nồi xôi rất ngon. Nhưng đã qua phút giây trừ tịch mà ông vẫn chưa chịu dọn ra ăn dù cả hai đang rất thèm. Bởi vì NĐS bảo “đợi nghe  “lời chúc Tết” trên đài Hà Nội xong mới được ăn” !
Các văn nghệ sĩ dưới bất kỳ triều đại nào cũng đều rất sợ bị mang tiếng xu nịnh nhà cầm quyền. Nhưng thật bất ngờ là lần này, chính NĐS lại giả bộ sốt sắng: “ông viết lẹ đi ! Để các cán bộ bỏ quy chụp rằng tôi đưa vợ con lên miệt Phương Bối lánh đời là vì ngày xưa tôi sáng tác cho chế độ cũ; chịu ảnh hưởng sâu sắc văn hóa thực dân mới Mỹ ngụy” !

Ngày trước 1975 NĐS vẫn luôn miệng chửi đế quốc Mỹ. Những vần thơ thuở ban đầu của NĐS nặng tình với bóng dáng quê hương. ó những câu dễ khiến cho có người nghĩ rằng ông “thiên tả”. Như :

“…quê mình ai còn ai mất
đi rồi gươm súng mùa thu
khóc mãi từng đêm lưu lạc
nói ra thêm oán thêm thù

ngõ về làm sao ngài ngại
xe cộ có dễ dàng không
kháng chiến người đi chưa lại
lúa khô héo cả ruộng đồng…”

                                (bài Quê Hương-Những Bài Tình Đầu”

Khi đến tuổi chính thức vào đời, như nhiều văn nghệ sĩ khác, NĐS khá bị dồn nén trước sự hấp dẫn của những nàng thiếu nữ. Cảm xúc ấy mãnh liệt chạy vào thơ ca, ra những lời lẽ rất thực:

…Năm mười sáu có lần anh ngó thấy
Em ở truồng ngoe nguẩy cuối vườn trăng
Hồn thảo dã trong anh vừa thức dậy
Suốt bầu trời ướt mượt cả lông măng…

Vốn là người thích sống với thiên nhiên, nên cảm xúc về thân thể có khi lại hòa quyện với những ám ảnh về nỗi cô đơn trong cõi hoang vu. Như trong bài “Đi Thăm Bạn Sắp Đẻ Ở Di Linh”:

Sắp đẻ ở Di Linh cây cối chào chị 
Sắp đẻ ở hư không rừng và chị ôm nhau hát 
Tôi giấu mặt đi ven hồ lạnh giá 
Căn nhà gỗ phần mộ thanh xuân 
Những ván thông dày đặc gỗ quan tài 
Của tóc của chị của tình nhân 
Của dương cầm bỏ phế đúng một năm
Sắp đẻ ở Di Linh cô đơn hùng dũng 
Chị thu mình như một con mèo mun 
Chị thu mình như một vũ nữ Ba Lan 
Chị thu mình như một dĩa hát cũ
Oh, my tormented heart 
Buổi chiều chết trên cây thánh giá 
Hãy quên tôi như một mũi tên 
Hãy quên tôi như một loài chim đêm
Anh đưa chị về đây để tự vận 
Chị thổ huyết ba lần tôi chứng kiến 
Khi rừng già thấp xuống thấp xuống 
Buổi sáng chị tắm sương mù 
Buổi chiều chị đốt cỏ để hong đời chị 
Hiu hắt như đời tôi chị đứng lên 
Hai mươi bảy năm tuột mất thanh xuân
Ôi nắng vàng dòng thác Gougah 
Rừng và chị ôm nhau hát 
Sẽ đẻ ra một đứa con 
Rừng và chị ôm nhau chết.
Bài thơ rất hay này được NĐS viết ra khi anh còn rất trẻ, bằng thể điệu gần với trào lưu sáng tác hiện đại.  Khi ấy ông chưa  gia đình riêng. Có lẽ cần lui lại một chút thời gian để rõ thêm về dòng chảy của 20 năm văn học Miền Nam (1954-1975). Vào khoảng những năm đầu thập kỷ 60, với sự chiếm lĩnh thị trường báo chí văn học nghệ thuật, tạp chí Sáng Tạo với thế hệ các  nhà thơ cổ vũ cho thể thơ tự do gần như chiếm ưu thế. Ở một số “tuyên ngôn”, có khi họ mạnh tay chê bai, xóa bỏ những thành tựu của các thể thơ truyền thống. Nhưng với bài thơ có cách diễn đạt mới lạ như “Đi Thăm Bạn Sắp Đẻ Ở Di Linh”, nhà thơ trẻ Sao trên Rừng vốn rành rẽ nghệ thuật sáng tác với các thể thơ truyền thống, đã chứng minh rằng thể loại diện đạt không phải là sự quyết định, ai cũng có thể “dụng công”. Để làm ra một bài thơ hay, cái quyết định là phần hồn của người sáng tác. Tức mình vì thị trường sách báo bị chiếm lĩnh bởi một số “phe  nhóm”, NĐS luôn khao khát có chỗ để lên tiếng. Nên ông đã tự lập ra một “Tạp chí xuất bản bất định kỳ” mang tên Mặt Đất khi không có một đồng xu dính túi. Tên Mặt Đất còn biểu thị mơ ước tự do giữa cõi bao la đất trời. Về sau, đến khi chơi thân với lớp làm thơ trẻ hơn như TNS, NMT và tôi, ông vẫn còn biểu lộ mơ ước về tự do trong th trường sáng tác, xuất bản sách báo văn nghệ (Những khao khát này tôi đã có dịp viết ra trong sách “22 tản Mạn-NXB Hội Nhà văn 2013, Công ty Phương Nam Book phát hành).

Những nghịch 
Không phải đợi đến sau 1975 NĐS mới dắt cả vợ con bỏ lên rừng sống cuộc đời “hái lượm” như nhiều người vẫn nghĩ. NĐS vốn chỉ biết sinh sống bằng nghề dạy học và sáng tác. Mà cả hai, vào nhiều năm đầu sau chiến tranh, đều phải ép vào khuôn khổ. Cuộc đời mỗi người đều phải gánh chịu mọi diễn tiến khi lựa chọn một cách sống. NĐS vì thiên bẩm nghệ thuật thi ca, nên ông rất quyết liệt. Ông phải chịu nhiều sự bất hạnh và tai tiếng của người đời. NĐS có lúc đã tự “mắng” mình như “cây bông” trồng “chật chỗ”. Và khoảng năm 1988, ông phải chịu nỗi đau lớn khi một đứa con vì đói ăn trúng nấm độc mà chết. Thể thơ “hai chữ” như dưới đây được ông sử dụng nhiều từ khi sáng tác ra bài thơ dài “Du Sỹ Ca”-1973:
BÀI THƠ LÀM TRÊN ĐƯỜNG ĐƯA ĐÁM ĐƯÁ CON TRAI CHẾT  ĐÓI ĐẾN NƠI NGÀN THU AN NGHỈ

Bao năm
Thui thủi
Mần cuỉ
Cuốc đất
Quên mất
Trời xanh
Ném nhanh
Sách vở
Người ở
Cùng đá
Vui quá
Nhà cây
Tới đây
Thiên đường
Hý trường
Đâu phải
Sao cãi
Lời cha
Bò ra
Gò mả.
                
Có lẽ nỗi đau ấy rồi cũng sẽ phôi phai. Vì từ những ngày đầu làm thơ, ông đã sớm nhận ra rằng :
MỘT TÂM ẢO TƯỢNG

xe chênh bánh giữa luân hồi
ưu bi chở ngập bên trời bao la
ngày chưa sụp bóng ta bà
đã nghe chừng Hội Long Hoa đến rồi
một ngài Di Lặc xa xôi
một tâm ảo tượng tôi ngồi thâu đêm.
                                  (Lời Ru- Những Bài Tình Đầu)
Từ năm 1972, nhà thơ Viên Linh, thư ký tòa soạn tuần báo văn  nghệ Khởi Hành đã cho rằng :… “Theo tôi thì ở Miền Nam Việt Nam hiện nay chỉ có vài thi sĩ: Bùi Giáng, Nguyễn Đức Sơn, Trần Tuấn Kiệt…”  (Kỳ báo 18-5-1972).
Theo quan niệm được nhiều người công nhận thì nhà thơ có thể nhiều, còn thi sĩ là người có cuộc sống và làm thơ hòa lẫn. Nhận định ấy đến nay vẫn đúng.
Và vẫn còn đó, “Sao Trên Rừng”./.

Thứ Ba, 28 tháng 1, 2014

NHỮNG CON NGỰA NỔI TIẾNG TRONG SỬ SÁCH TRUNG QUỐC

Ngựa Xích Thố của Quan Vân Trường có màu đỏ nổi bật, Ô Vân Đạp Tuyết của Trương Phi lại có màu đen như chủ nhân... là đặc điểm của những con ngựa nổi tiếng thời cổ đại.

1. Ngựa Xích Thố
Ngua-Xich-Tho.jpg
Anh hùng có Lã Bố, tuấn mã có Xích Thố. Tranh: Baidu
Trong số những con ngựa nổi tiếng thời cổ đại, đầu tiên phải nhắc đến Ngựa Xích Thố thời Tam Quốc. Con ngựa này dài một trượng, cao tám thước, màu đỏ rực như lửa, tuyệt không có một sợi lông tạp, ngày đi ngàn dặm, trèo non vượt suối dễ dàng.
Ngựa Xích Thố từng qua tay rất nhiều chủ. Chủ nhân đầu tiên của Xích Thố là Đổng Trác (132-192), tướng nhà Đông Hán (năm 25-220). Trong triều đình lúc bấy giờ, có rất nhiều người khinh thường con người tàn bạo như Đổng Trác, trong đó có Đinh Nguyên, cũng là một tướng nhà Đông Hán. Trong một lần họp triều, Đinh Nguyên đã chửi thậm tệ vào mặt Đổng Trác, Đổng Trác định chém Đinh Nguyên thì con nuôi của Đông Nguyên là Lã Bố từ phía sau xông lên, khí chất anh hùng của Lã Bố đã khiến cho Đổng Trác sững lại, đành phải nhượng bộ. Từ đó, Đổng Trác nảy sinh ý định thu phục Lã Bố.
Vì muốn tiếp cận và thu phục Lã Bố, Đổng Trác đã đem Xích Thố tặng cho Lã Bố. Lã Bố sau khi có được ngựa quý quả nhiên đã giết chết chủ cũ của mình là Đinh Nguyên, quy phục dưới chân Đổng Trác, và trở thành con nuôi của Đổng Trác.
Ngựa Xích Thố đã cùng Lã Bố chinh chiến khắp nơi. Trên chiến trường, ông chuyên cưỡi ngựa Xích Thố, như một mãnh hổ tả xung hữu đột, vạn người không địch nổi. Sau này, Lã Bố bị trúng kế của một đại thần nhà Đông Hán, giết chết Đổng Trác. Sau đó Lã Bố bị Tào Tháo giết, ngựa Xích Thố thuộc về Tào Tháo, một nhà chính trị, quân sự kiệt xuất cuối thờiĐông Hán.
Có lẽ do duyên số, Quan Vũ hay còn gọi là Quan Vân Trường, một trong những người có công lớn thành lập nhà Thục Hán vào thế kỷ thứ 2, vì muốn bảo vệ hai vị phu nhân của người anh em kết nghĩa của mình là Lưu Bị đã tạm thời về phe Tào Tháo. Tào Tháo vô cùng quý mến nhân tài như Quan Vũ, cũng muốn bắt chước Đổng Trác tặng ngựa cho anh hùng.
Nhưng Quan Vũ không như Lã Bố, ông tiếp nhận Xích Thố là để tìm được Lưu Bị nhanh hơn. Sau khi Quan Vũ bị giết, Xích Thố lại rơi vào tay một viên tướng nhà Thục Hán khác là Mã Trung. Nhưng lần này nó không còn ngoan ngoãn đi theo chủ nhân mới như trước, mà tuyệt thực đến chết.
2. Ngựa Tuyệt Ảnh
Ngựa Tuyệt Ảnh hy sinh thân mình cứu chủ
Ngựa Tuyệt Ảnh hy sinh thân mình cứu chủ. Tranh:Baidu
Ngựa Tuyệt Ảnh là ngựa yêu của Tào Tháo (155-220). Tuyệt Ảnh có nghĩa là phi rất nhanh, đến cái bóng cũng không đuổi kịp được.
Tương truyền, khi Tào Tháo tấn công Trương Tú, Trương Tú dâng thành đầu hàng Tào Tháo. Trương Tú là cháu gọi Phiêu kỵ tướng quân Trương Tế bằng chú. Sau khi Đổng Trác bị giết năm 192, Trương Tế cùng các tướng khác của Đổng Trác mang quân đánh vào Tràng An, lại nắm vua Hán Hiến Đế, thao túng triều đình như Đổng Trác trước đây.
Tuy nhiên, Tào Tháo không ngờ lại bị trúng kế của kẻ thù, bị đánh bất ngờ, trở tay không kịp, suýt nữa thì bị mất mạng. May có ngựa Tuyệt Ảnh mới thoát được ra ngoài.
Ngựa Tuyệt Ảnh bị trúng ba mũi tên trên mình mà vẫn cất vó phi nước đại, sau đó bị trúng một mũi tên vào mắt mới gục ngã. Trong trận chiến này, Tuyệt Ảnh đã hoàn tất sứ mạng của mình.
Đây là một thất bại nữa của Tào Tháo kể từ sau trận Xích Bích. Trong trận đánh này, Tào Tháo bị mất một con trai, Tào Ngang, một cháu trai, Tào An, và một con tuấn mã, Tuyệt Ảnh. Có thể nói đây là một thất bại thảm hại của Tào Tháo.
3. Ngựa Đích Lô
Ảnh: Ngựa Đích Lô cứu mạng chủ nhân
Ngựa Đích Lô cứu mạng chủ nhân. Tranh: Weibo
Đích Lô vốn là ngựa của Trang Vũ, vốn là một tướng của một danh sĩ dòng dõi hoàng tộc nhà Hán là Lưu Biểu nhưng sau này phản bội lại Lưu Biểu. Lưu Bị (người sáng lập ra nhà nhà Thục Hán) bị thất bại trong trận giao chiến với Tào Tháo nên về đầu quân cho Lưu Biểu vì hai người cùng trong hoàng thất, đợi thời cơ làm lại sự nghiệp.
Lưu Bị nhìn thấy ngựa của Trương Vũ cho rằng đây là một con tuấn mã, liền hết lời ca ngợi rằng "con ngựa này chắc chắn là ngựa thiên lý". Tướng của Lưu Bị lúc đó là Triệu Vân lập tức hiểu ngay ý của chủ nhân, liền giết chết Trương Vũ để cướp ngựa. Triệu Vân là danh tướng thời cuối Đông Hán và thời Tam Quốc, người góp công lớn thành lập nhà Thục Hán.
Khi Lưu Biểu nhìn thấy con ngựa này cũng khen không ngớt lời. Lưu Bị đang không biết lấy gì để báo đáp Lưu Biểu liền tặng con ngựa này cho Lưu Biểu. Không ngờ, Lưu Biểu lại thấy con ngựa này "có quầng mắt, trên đầu có những đốm trắng, lại tên Đích Lô, ắt là con ngựa sát chủ", còn nói rằng "Trương Vũ cưỡi con ngựa này bị chết" chính là minh chứng, nên vội vàng tìm cớ trả lại cho Lưu Bị.
Người hầu của Lưu Bị đem tin "ngựa sát chủ" nói cho Lưu Bị, nhưng Lưu Bị không tin. Sau đó, khi nhận được mật báo có người định sát hại, Lưu Bị vội vàng thoát ra ngoài, cưỡi ngựa Đích Lô chạy trốn, nhưng bị nhầm đường, ông chạy đến bên suối Đàm Khê.
Phía trước là con suối rộng lớn, phía sau là quân địch truy đuổi, lúc này Lưu Bị mới nhớ đến lời khuyên "Đích Lô sát chủ" ngày trước, ông vừa điên cuồng quất vào lưng ngựa, vừa hét: "Đích Lô! Đích Lô! Hôm nay mày hại ta đi!". Đích Lô bỗng nhiên vùng lên, phi một phát sang bờ bên kia, lập một kỳ tích chưa từng có trong lịch sử. Sau đó, Lưu Bị càng không tin chuyện "Đích Lô sát chủ" , ông càng yêu quý con ngựa đã cứu mạng mình này hơn.
Khi đem quân đi đánh nước Thục, thấy ngựa của Bàng Thống, một trong những mưu  của Lưu Bị, già yếu quá, nên để thể hiện sự trọng dụng của mình với Bàng Thống, Lưu Bị đã đem ngựa yêu của mình tặng cho Bàng. Ai ngờ Bàng Thống không có phúc được hưởng, vừa mới cưỡi lên Đích Lô đã bị kẻ địch tưởng nhầm là Lưu Bị nên bắn chết. Sau này ngựa Đích Lô cũng không rõ lưu lạc về đâu.
4. Dạ Chiếu Ngọc Sư Tử
Ngua-Da-chieu-ngoc-su-tu-28Ha-My-2c-baid
Dạ chiếu ngọc sư tử. Tranh: Baidu
Dạ Chiếu Ngọc Sư Tử toàn thân lông trắng như tuyết, tương truyền một ngày có thể đi hàng nghìn dặm. Ngay từ khi mới sinh ra phía dưới cổ đã có một hàng lông dày, trông giống như sư tử, tính khí nóng nảy, sau này lớn lên tính khí bớt nóng nảy hơn, buổi tối con ngựa này còn phát ra ánh sáng trắng bạc, vì vậy mới có tên là Dạ Chiếu Ngọc Sư Tử .
Con ngựa này của Triệu Vân, sống vào khoảng thế kỷ thứ hai. Tương truyền, Triệu Vân đóng quân ở trên núi Trường Bản xuất quân đi đánh trận đều cưỡi Dạ chiếu ngọc sư tử, có lần Triệu Vân cùng ngựa bị rơi xuống hố bẫy sẵn của quân địch, tưởng chừng không thể thoát thân. Nhưng sức ngựa rất lớn, cuối cùng cũng nhảy được lên trên miệng hố, cứu chủ nhân thoát chết. Trong bộ tiểu thuyết Thủy hử cũng từng nhắc đến con ngựa này.

5. Ô Vân Đạp Tuyết
O-Van-Dap-Tuyet-28Ha-My-2c-baidu-29.jpg
Ngựa Ô Vân Đạp tuyết. Ảnh: Baidu
Ô Vân Đạp Tuyết còn có tên là Vương Truy Mã, sống ở thế kỷ thứ hai, toàn thân màu đen nhưng bốn vó màu trắng. Đây là ngựa của Trương Phi, người anh em kết nghĩa với Lưu Bị và Quan Công, được coi là anh hùng tuấn mã.
Ngựa của Trương Phi có tên rất ý nghĩa, Vương Truy Mã có nghĩa là con ngựa đi theo hầu hạ Đại Vương. Tương truyền Trương Phi và Ô Vân Đạp Tuyết đều đen như nhau. Trương Phi quý chú ngựa này như con đẻ, thường xuyên tự tay tắm rửa cho ngựa quý.
Người đời về sau thường nói người dũng mãnh cưỡi ngựa dũng mãnh. Quan Công từng nói: "Người tôi nặng nề, ngựa không vác nổi nên thường hay gầy, chính vì vậy mà tôi không thể cưỡi ngựa bình thường được". Trương Phi cũng như vậy, ngựa bình thường thì không thể xứng với hào khí phi thường của Trương Phi được.
Hà My (Theo Baike)
__._,_.___