Thứ Sáu, 30 tháng 11, 2012

20 NĂM GẶP LẠI THI SĨ NGUYỄN ĐỨC SƠN TẠI THÀNH PHỐ BẢO LỘC - NGUYỄN MIÊN THẢO

Ảnh 1     : (từ trên xuống) Sơn Núi và Nguyễn Miên Thảo gặp lại sau 20 năm tại đồi Vạn thông, Bảo Lộc
                 ngày 27.11.2012
Ảnh 2     : Viêm Tịnh, Sơn Núi và Nguyễn Miên Thảo
Ảnh 3     : Viêm Tịnh, Sơn Núi , Nguyễn Miên Thảo và Sư Nguyễn Đức Vân ở quán cà phê Cõi Xưa thành
                  phố Bảo Lộc
ãnh 4 , 5 :  Sơn Núi, Nguyễn Miên Thảo, Viêm Tĩnh, Sư Nguyễn Đức Vân ở quán cơm chay thành phố Bảo
                 Lộc

Thứ Năm, 29 tháng 11, 2012

BỌT SÓNG - VÔ BIÊN



Bọt sóng
Tặng Jim Gion

Ta đuổi bắt mệt nhoài bọt sóng
Sóng và ta ẩn hiện chập chùng
Trong sóng đã, có ta từ vạn kiếp
Ta đi - về, nơi sóng biển mênh mông

Anh cũng vậy tự nghìn xưa đó
Hóa đại dương chảy vạn bến bờ
Nuôi hạt cát lớn dần sa mạc
Nuôi tình yêu từng giọt mát tinh khôi

Để hôm nay trăm sông về biển
Để hôm nay bọt sóng vô cùng
Hiện rồi tan như tình ta đó
Xa nhau rồi nhưng có tự vô chung

Thôi biển nhé! ngày bình minh nữa
Ta gặp nhau trong ánh mặt trời
Ta gặp nhau chung dòng cát bụi
Dẫu xa lìa vẫn hiện hữu muôn nơi.
V.B

Thứ Ba, 27 tháng 11, 2012

GIỚI THIỆU TÁC PHẨM MỚI : LỜI TÌNH BUỒN - CHU TRẦM NGUYÊN MINH



NGỎ

·       Thơ là tình yêu, không chỉ dành cho nam-nữ, yêu ta, yêu người…thơ còn có một chút hơi thở của cuộc sống, một chút thái độ người viết đối với lịch sử của thời đại họ đang sống .
·       Thơ được đọc và được cảm nhận bằng nhiều cảm xúc của từng người đọc, không ai giống ai, đó là chưa nói đến người đọc đặc biệt, người không thích thơ nhưng phải đọc thơ .
                              
                                Úp khuôn mặt đầm đìa nước mắt
                                Đợi một thời sẽ đến mai sau.
            Đó chỉ là tâm trạng cô đơn, buồn, khắc khoải… của một người trong  Đêm Thánh Vọng năm 1968, nhưng nếu nó được viết vào một thời khác, nó – có thể - sẽ  được hiểu khác,  ngộ nhận. Tôi vốn nhát, nên rất sợ điều này, vậy nên xin minh định rõ: những bài thơ in trong tập thơ này tôi viết trước 1975 .
·       Trong thời gian chuẩn bị in tập thơ này, tôi được “góp ý” và phải tự bỏ đi một số bài không “phù hợp “…,như một người mẹ muốn sinh con phải tự nắn đứa con từ trong bụng cho đúng với ni tấc của thời đại nó sắp ra đời ... .Lời Tình Buồn là đứa con như vậy.
·       Sau năm 1975, tôi không viết, không đọc hơn 30 năm, dù có lúc muốn viết đến điên cuồng mà không thể viết được. Trong thời gian này, thỉnh thoảng tôi nhớ đến các bạn cầm bút cũ … Chỉ có một người tôi đi tìm suốt ngần ấy năm không gặp, tình cờ một buổi chiều lang thang trên phố Sài Gòn, tạt vào một phòng triển lãm tranh, hỏi “cầu âu” một người lạ. Cảm ơn đời, tôi tìm ra hắn.
Từ hắn, tôi tìm lại được các anh, các bạn…những người cầm bút trước 1975, có mặt khắp nơi, đông vui quá chừng… Tôi thấy phấn kích vui mừng rồi thật sự mất ngủ nhiều đêm…nhìn bạn trên mạng, vẫn đôi kính cận, vẫn nụ cười hiền, nhưng ốm hơn, già hơn, nhăn nheo hơn… Tôi tự hỏi cái gì trong thân thể ấy làm nên sức mạnh cho anh đi tìm, giữa mịt mù xa cách, trong mênh mông đất trời, từng câu thơ, bài viết… Anh góp nhặt lại làm nên kho tài liệu quí cho nền văn học Việt Nam. Tôi nhìn anh gánh trên vai hàng ngàn, hàng ngàn trang sách …và muốn nói cùng anh, chúng tôi những người mê văn chương đứng bên anh, anh không cô đơn, cô độc một mình. Ngày sau, khi nói đến nền văn học Việt Nam nhất định tên anh sẽ được nhắc đến...
Và hắn, tôi nhìn hắn bằng xương, bằng thịt, hắn ốm, nhỏ và nhẹ như mây trời… và cũng tự hỏi cái gì đã làm nên sức mạnh…Ngày xưa, khi làm Ý Thức hắn vì “yêu văn chương chữ nghĩa” thực lòng, hắn muốn dấn thân…Hôm nay, hắn vật lộn với Quán Văn vì “yêu chữ nghĩa”. Thực lòng, hắn muốn làm ngọn lửa để hâm nóng lại một thời đã rất xa, đã ngụi lạnh, hắn muốn là nơi anh em lui về, hắn muốn góp lại những tiếng cười xưa cũ…hắn muốn anh em cầm lại bút …Mỗi khi nhắc đến bạn hữu và kỷ niệm xưa, hắn đang nói bỗng dừng lại, lúc ấy trong đôi mắt hắn đầy nước, chỉ chực trào ra…
 Và như vậy, nhìn lại thời gian bỏ phí đến nửa đời người, tôi ân hận, tiếc nuối đến đắng lòng. Tập thơ này, như lời tạ lỗi, và cũng là một minh chứng hiện hữu, tôi trở về, dù chỉ làm người gác già đứng bên hắn, bên  bằng hữu năm xưa.
·       Cảm ơn các bạn đã quen hay chưa quen, các bạn đã, đang và sẽ tiếp sức cho tôi đi hết đoạn đường còn lại ngắn ngủi này của cuộc đời.
·       Xin được ôm và hôn  các bạn đã về đây, đứng bên tôi trong tác phẩm nhỏ bé này.
Trân trọng ,
Saigon 1/11/2012
Chu Trầm Nguyên Minh


Thứ Hai, 26 tháng 11, 2012

LOANH QUANH SÀI GÒN - NGUYỄN MIÊN THẢO



LOANH QUANH SÀI GÒN

buổi sáng bắt đầu chuyến xe buýt chật
người thiếu nữ nhường chỗ ta ngồi
đời vẫn còn lắm điều tốt đẹp
nghe trong lòng ấm một niềm vui

ta ghé vào quán xép bên đường
uống ly cà phê mùng buổi sớm
tán gẩu chuyện trên trời dưới đất
nhớ bạn bè đang ở muôn phương

đi qua đường ngang một công viên
gặp nhiều người đang tập đi tập thở
ta thấy trong nhịp đời hối hả
vẫn lắm người yêu cuộc sống vô biên

vui chân ta tạt qua quán sách
những buồn vui trên trang chữ nằm yên
những người viết hiện đang còn sống chết
chữ nghĩa bây giờ cũng lắm buồn tênh

xế trưa ta đi vào thư viện
thấy các em đọc sách thánh hiền
ôi trí thức một thời khốn khó
các em coi chừng sẽ hóa khùng điên

chân vô tình bước ra phố chợ
người đông vui hối hả nói cười
ta chợt thấy riêng mình lạc lỏng
giữa chợ đời mua bán bon chen

ra vĩa hè tìm xe mì gõ
cuộc sống bình yên cho những kiêp nghèo
mấy mươi năm chẳng có gì thay đổi
bao tâm hồn vẫn cứ trong veo

xế chiều ta vào dinh Độc Lập
ngồi nghỉ chân dưới bóng phượng già
bao triều đại nổi chìm suy thịnh
ngước nhìn trời một áng mây qua

trở về nhà với chuyến xe buýt chật
một chàng trai nhường chỗ ta ngồi
đời vẫn còn lắm điều tốt đẹp
bữa cơm chiều hạnh phúc nhân đôi

nơi đây xe cộ vẫn đi vòng (*)
ngồi đọc lại câu thơ người bạn cũ
nhớ da diết một thời tuổi trẻ
ngó lên trời một ánh sao rơi

*thơ TNS


Thứ Bảy, 24 tháng 11, 2012

GIẢI TRÍ CUỐI TUẦN : ÔI GIÁO DỤC



SUY NGHĨ NHÂN ĐỌC THƯ CHÚC MỪNG NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM (20/11/2012) CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC & ĐÀO TẠO
 Nguyễn Trọng Bình
1.Thư của Bộ trưởng Bộ giáo dục và đào tạo
Kính gửi: Các đồng chí Giám đốc Sở GDĐT các Tỉnh, Thành phố;
   Các đồng chí Hiệu trưởng các trường Mầm non,
    Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông,
Trung cấp chuyên nghiệp, Cao đẳng, Đại học.
Nhân dịp ngày Nhà giáo Việt Nam 20 - 11- 2012, thay mặt Ban Cán sự Đảng và lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, tôi trân trọng gửi đến các Đồng chí và qua các Đồng chí tới các Thầy giáo, Cô giáo, Cán bộ quản lý giáo dục lời cảm ơn chân thành về những đóng góp bền bỉ, to lớn của các Thầy Cô cho sự nghiệp trồng người.
Kính chúc các Thầy Cô và gia đình dồi dào sức khỏe, thành đạt, hạnh phúc, tiếp tục đóng góp cho sự nghiệp giáo dục và sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa của chúng ta.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo
GS. TS Phạm Vũ Luận


2. Vài suy nghĩ
Đọc xong bức thư chúc mừng trên của GS Phạm Vũ Luận – Bộ trưởng Bộ giáo dục và đào tạo nhân ngày Nhà giáo VN 20/11/2012 bỗng dưng lòng thấy buồn buồn. Vì lẽ, qua bức thư này một lần nữa cho thấy trong cuộc sống có những chuyện chúng ta cho là nhỏ nhưng sự tác động và ảnh hưởng của nó đối với xã hội thì không nhỏ chút nào. Hay nói cách khác, như lời của cố thủ tướng Võ Văn Kiệt (theo lời kể của nhà thơ Nguyễn Duy) là: “Cái tế nhị ở đây là nhìn nhận đúng các giá trị, cái nào lớn, cái nào nhỏ. Có sự nhầm lẫn giữa lớn và nhỏ. Cái tưởng lớn hóa ra là nhỏ, cái tưởng nhỏ lại là lớn...”
Lẽ ra, người viết cũng không muốn nói đến những “chuyện nhỏ như con thỏ” này đâu (bởi không khéo bị mang tiếng là “vạch lá tìm sâu”) nhưng vì đây thư kí tên Bộ trưởng – người đứng đầu ngành Giáo dục nước nhà nên dù muốn dù không trước sự thật này chúng ta không thể không nhìn thẳng như một lời góp ý chân thành theo tinh thần “phê và tự phê” của của Đảng.
Thứ nhất, bức thư tuy không dài lắm (đúng 3 câu được phân ra làm ba “đoạn”) nhưng cảm nhận ban đầu của người viết là có một số lỗi sai về mặt câu cú, ngữ pháp, cách diễn đạt... nhất là ở câu cuối khá lủng củng vì có 3 chữ “và”. Thêm nữa, lẽ thường người ta gửi lời kính chúc sức khỏe nhau là đúng rồi nhưng “kính chúc tiếp tục đóng góp cho sự nghiệp...” nghe có gì đó không ổn cho lắm.
Thứ hai, đây là thư chúc mừng thầy cô giáo nhân ngày 20/11 nhưng mở đầu bức thư ở phần“Kính gửi” chỉ thấy Bộ trưởng “gửi” đến các đồng chí là những quan chức lãnh đạo địa phương (“Các đồng chí Giám đốc Sở và các đồng chí Hiệu trưởng...”) mà không có dòng nào “kính gửi” đến “toàn thể quý thầy cô giáo trên cả nước” mà lẽ ra (hay đúng ra) việc này phải là như thế. Bởi đây mới là đối tượng quan trọng nhất mà với tư cách là người đứng đầu ngành giáo dục, Bộ trưởng phải có trách nhiệm gửi lời chúc mừng, hỏi thăm và động viên họ.
Thứ ba, câu thứ hai trong bức thư là lời cảm ơn của Bộ trưởng gửi với tư cách người đứng đầu ngành giáo dục gửi đến toàn thể quý thầy cô giáo trên cả nước nhưng buồn thay lời cảm ơn này chỉ được gửi một cách... gián tiếp qua “trung gian” là các “đồng chí” lãnh đạo (như ở phần “kính gửi”). Tức là Bộ trưởng nhờ các đồng chí lãnh đạo ở địa phương chuyển lời cảm ơn của mình đến toàn thể quý thầy cô giáo chứ không phải đích thân Bộ trưởng trực tiếp đứng ra nói lời cảm ơn:
 “Nhân dịp ngày Nhà giáo Việt Nam 20 - 11- 2012, thay mặt Ban Cán sự Đảng và lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, tôi trân trọng gửi đến các Đồng chí và qua các Đồng chí tới các Thầy giáo, Cô giáo, Cán bộ quản lý giáo dục lời cảm ơn chân thành về những đóng góp bền bỉ, to lớn của các Thầy Cô cho sự nghiệp trồng người.”
Thôi thì cứ cho là Bộ trưởng có quyền “nhờ” các “đồng chí” lãnh đạo Sở và Hiệu trưởng các trường học chuyển lời cảm ơn đến toàn thể quý thầy cô giáo đi. Nhưng nếu vì lý do nào đó các “đồng chí” này... quên không chuyển lời đến quý thầy cô giáo thì sao? Lúc ấy không biết Bộ trưởng có cách gì để kiểm tra lời cảm ơn của mình đã thực sự đến với toàn thể quý thầy cô giáo trong ngày 20/11 không?
Ngoài ra, từ góc nhìn văn hóa ứng xử, đằng sau câu chữ của bức thư của Bộ trưởng là một vấn đề lớn đã và đang tồn tại trong xã hội ta rất đáng để mỗi người cùng nhìn lại và suy ngẫm. Cụ thể, đó văn hóa ứng xử đặt trong mối quan hệ giữa những lãnh đạo với quần chúng nhân dân (trong khuôn khổ của bức thư này là mối quan hệ giữa vị Bộ trưởng đứng đầu ngành giáo dục với toàn thể quý thầy cô giáo trên cả nước – những người trực tiếp thực thi nhiệm vụ “trồng người” đầy gian nan vất vả hiện nay).
Các vị lãnh đạo ai cũng bảo nhân dân là quan trọng nhất (tất cả phải vì nhân dân mà phục vụ) tuy nhiên trong thực tế (rất nhiều trường hợp) cái vị thế  này của nhân dân có khi lại không phải vậy. Điều này có thể thấy trong bất kỳ hội nghị, hội thảo hay trong bất kỳ một buổi lễ khai mạc, lễ khánh thành một sự kiện, một công trình văn hóa, xã hội lớn nhỏ nào đó được tổ chức trên khắp đất nước thì nhân dân bao giờ cũng được “ưu ái” giới thiệu... sau cùng trong phần nghi thức giới thiệu “thành phần đại biểu tham dự”.
Thậm chí trong một trận bóng đá với tính chất giao hữu tuy ai cũng nói thành phần làm nên không khí cuồng nhiệt sôi động của một trận đấu là hàng triệu nhân dân – hàng triệu khán giả trên sân nhưng buồn thay hàng triệu khán giả ấy chỉ được người dẫn chương trình giới thiệu một cách qua loa, chiếu lệ sau cả hàng lô hàng lốc những “ông chủ” của các đơn vị kinh doanh nào đó bỏ tiền ra tài trợ cho trận cầu ấy.
Tại sao nhân dân luôn luôn bị đối xử như vậy? Tại vì trong tâm thức văn hóa - cái tâm lý xã hội nói chung ở nước ta hiện nay, thật ra nhân dân chưa phải là “ông chủ” thực sự và các vị lãnh đạo cũng không phải là những “công bộc” tận tụy mà có khi là ngược lại.
Ngoài ra, phải chăng sở dĩ xã hội ta đang tồn tại những hành vi ứng xử như trên là vì trên thực tế mối quan hệ giữa lãnh đạo với nhân dân còn quá nhiều “khoảng cách”. Một cái “khoảng cách” có thể rất nhỏ (như cái “khoảng cách” mà Bộ trưởng Bộ Giáo dục phải nhờ đến các “đồng chí” lãnh đạo địa phương chuyển tới các thầy cô giáo lời cảm ơn nhân ngày 20/11/2012 – ngày cả nước tôn vinh họ) nhưng một lần nữa cho thấy có không ít lãnh đạo vẫn chưa thật sự tôn trọng nhân dân, chưa thật sâu sát với nhân dân; chưa thật vì dân mà phục vụ, hay rộng hơn là vẫn chưa phát huy hết cái quyền được làm chủ thật sự của nhân dân;...
Vì thế, trở lại vấn đề bức thư chúc mừng của Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo, giá như ngay sau hai từ “Kính gửi” là dòng chữ: “Toàn thể quý thầy cô giáo đã và đang hoạt động trong ngành giáo dục” thì chắc là hàng triệu thầy cô giáo cảm thấy an ủi và ấm lòng biết dường nào nhất là với những người đã nghỉ hưu. Bởi như đã nói, họ mới là đối tượng chính mà Bộ trưởng cần vinh danh trong ngày 20/11. Rõ ràng trong trường hợp này câu nói của cố thủ tướng Võ Văn Kiệt ở trên rất xác đáng và vô cùng sâu sắc

Thứ Sáu, 23 tháng 11, 2012

TRIỀN MIÊN ĐÊM - ĐỨC PHỔ

TRIỀN MIÊN ĐÊM

Nếu mốt mai trời không sáng nữa
Thế giới màu đen, vạn vật sẽ vô hồn
Là lúc ngày đêm chung giấc ngủ
Và em/ anh chung giấc ân tình.

Sẽ không còn em trên cầu buổi sáng
Ngắm một mình dòng nước buồn trôi
Dòng nước trôi không hẹn ngày trở lại
Khi xa nguồn chỉ ngậm ngùi thôi!

Sẽ không còn em dưới tàng phượng đỏ
Mùa cũ phai rồi! Ai níu dấu tình phai?
Như hôm nao gặp nhau rất vội
Giấu nỗi niềm buồn sau cái vẫy tay!

Ngày đó sẽ không là ngày nữa
Đêm triền miên vô ngại nhân sinh
Em và anh rất đỗi nhân tình
Và thế giới yêu không biên giới.

Khi không còn ngày mà chỉ là đêm
Thì thế giới sẽ chập chùng bóng tối
Và nhân loại không còn chi để nói 
Thì yêu người yêu mãi nhé em!...

ĐỨC PHỔ

Thứ Năm, 22 tháng 11, 2012

NGÀY BUỒN WESMINSTER - HUỲNH NGỌC THƯƠNG

bolsa  phố dài
nắng không muốn tắt
để lòng vắng ngắt
bóng đổ chiều phai
mắt nâu mấy người

em xa thuở nào
vàng sân cỏ úa
ta về ngơ ngẩn
bước chân thật gần
đời vọng về đâu

lắng tiếng kinh cầu
hòa trong nhịp thở
dáng người muôn thuở
ta nhớ ơn sâu
gối chăn nhiệm mầu

cỏ hoa trước ngỏ
ủ tiếng ai cười
bao giờ có được
tiếng người ngày xưa
chìm theo mấy mùa

chênh vênh tháng ngày
lá rụng chiều nay
buồn lên mấy phố
xa em từ độ
gió bỏ đường mây...

 

HUỲNH NGỌC THƯƠNG

Thứ Tư, 21 tháng 11, 2012

HỌC TRÒ THẦY VÀ HỌC TRÒ EM - CAO THOẠI CHÂU

Cao Thoại Châu
Học trò Thầy và học trò em


Ngày ấy một lần em bị điểm không
Lời phê: "Hay nhưng lạc đề, đáng trách"
Thầy bắt em bảo vệ cô Loan Đoạn tuyệt
Khi lòng em chỉ yêu mến cô Mai

Một cô Mai như bản nhạc không lời
Dịu ngọt hồng hào bên ánh lửa
Và nhà thơ đừng viết câu nào như thế
Nửa chừng xuân thoắt gãy cành thiên hương*

Dốt về những môn học tự nhiên
Cửa vào đời của em không rộng lắm
Chiếc xe cũ khó lòng chở nặng
Một tâm tư không nhẹ bao giờ

Thuở ấy em băn khoăn câu hỏi
Diện tích trường, lớp, sách được bao nhiêu
Những bùng binh ngoài phố thật nhiều
Những vòng xoay không hề thẳng tắp...

Băn khoăn ấy em mang vào lớp
Khi đã thành thầy giáo tuổi hai mươi
Buổi sáng vàng rực nắng mùa thu
Chiều tan trường mưa rơi nhoè nhạt

Dường như đã vượt ra ngoài trang sách
Nói thế nào với học trò em
Khi thầy giáo nhìn ngoài cửa lớp
Thấy không có gì thật sự trang nghiêm

Bảng của Thầy và bảng của em
Giống nhau chứ? Không, khác vài thế hệ
Dù viên phấn vẫn dài như thế
Sách hai ông thầy bốn góc đều vuông

Tâm tư Thầy chia sớt sang em
Học trò Thầy, học trò em rất khác
Chúng thực dụng không bao giờ dám cãi
Sợ điểm không như em nhận của Thầy

Xưa cứ nghĩ nhẹ như là cơm áo

Giờ phải mang thân đỡ lấy mình

Bưng chén cơm nặng như bê tảng đá

Đứng trên nỗi buồn vì thế rất chông chênh!



Em đã về nhưng không nghỉ, Thầy ơi
Băn khoăn mãi như ngày xưa ấy
Đời thật sự có gì là mới
Chiếc đèn cù xoay tít ở bùng binh?
9-8-2011
--------------------
* Thơ Nguyễn Du

Thứ Ba, 20 tháng 11, 2012

LẠY THẦY, TRẢ CHỮ - HOÀNG LỘC

lạy thầy, trả chữ


thầy dạy chữ cho anh, anh đọc thơ thất tình
em dạy anh thất tình, anh giỏi chữ
đôi khi lật bất ngờ trang sách cũ
nét đa đoan anh thầm biết ơn thầy

thầy đã qua đời chữ hãy còn đây
em đi lấy chồng bỏ tình lữ thứ
anh ôm một bồ thơ, một bồ chữ
nghĩ chuyện mất còn lòng lại đau hơn

ơn chữ của thầy - ơn tình là em
tình đã mất mà chữ còn - chẳng lẽ ?
anh muốn cúi lạy thầy, xin trả chữ
để suốt đời được có thể cùng em....

20-11


hoàng lộc

Thứ Hai, 19 tháng 11, 2012

Thứ Bảy, 17 tháng 11, 2012

BÊN BỜ - CHU TRẦM NGUYÊN MINH



BÊN BỜ

Rượu chưa tàn cuộc đã say
như chuông gióng phúc chưa đầy đã vơi
cúi trông ta ngẩng nhìn trời
như niềm hiu quạnh quanh đời cưu mang
phút kia đã đến bàn hoàng
như đêm xác úa hồn còn bóng xa
lúc gằn đời lúc hỏi ta
dù trăm năm cũng sẽ qua tình cờ
thật chăng kiếp đã xa bờ
như nghiêng mộng xuống cõi mờ nhân gian
tai nghe trống đánh canh tàn
đời chưa nụ biếc vội vàng bay xa ./

Chu Trầm Nguyên Minh

Thứ Sáu, 16 tháng 11, 2012

HUẾ, SƯƠNG MÙ - TRẦN HOÀI THƯ

HUẾ, SƯƠNG MÙ

http://trenews.net/MediaResources/Pictures/tai_lieu_van_hoc/web_tlvn_742.jpg
Buổi sáng ra đường nhìn không rõ
Pha đèn. Xe chậm. Trời mù sương
Xe ta mở sưởi, sao hồn lạnh
Mắt ta mờ, có phải cố hương ?

Xe chạy đi, mà tâm trí đâu
Hình như ta thấy Huế sương mù
Hình như có một dòng sông sữa
Thấp thoáng Hương Giang giữa xứ người

Xe lên. Cầu dẫn lên cao mãi
Đóng cửa sao lòng lại lãng du
Dưới ấy, sương đùn che mấy cửa
Ơi Trường Tiền 12 nhịp bơ vơ

Ở đây trời đất đang mê ngủ
Nơi ấy em còn lược với gương
Em ạ, ta thằng không tổ quốc
May mà còn một Huế mù sương.


TRẦN HOÀI THƯ
Không có nhận xét nào:

Thứ Năm, 15 tháng 11, 2012

KHÔNG ĐỀ 27 - NGUYỄN THỊ ANH ĐÀO



KHÔNG ĐỀ 27

Em ngồi đan chùm hoa nguyệt quế
Kết trong đêm tân hôn
Nến hồng và rượu ngọt
Anh ở phía này sông
Mùa đông đang vẽ nỗi buồn
Dòng đời lặng sóng.

Em ngồi may một thiên đường áo cưới
Có đính hoa hồng
Với sắc trắng ti-gôn
Mùa hạ nhạt từng viên phấn trắng
Áo học trò tiễn cánh phượng bay đi

Em đã nhốt trái tim anh
Trong bình hoa cẩm thạch
Đun nóng bằng lửa phía mặt trời
Ngọn gió tan trong bàn tay nắm vội

Em đã yêu
Bên này sông
Bên này núi
Và anh
Có ngọn sóng liếm sạch từng bãi cát
Không còn dấu chân hôm nào
Chỉ còn vệt cỏ non

Chiều nay trời chuyển bão
Gió quất lên ngược phố hốc mặt người
Anh ở núi có nằm mơ tiếng sóng
Phía biển lòng dâng kín giấc mơ khuya?

                                                Chiều 27-10-2012
                                                          N.T.A.Đ


Thứ Ba, 13 tháng 11, 2012

TÌNH LẶNG - HOÀNG THỊ THIỀU ANH

TÌNH LẶNG

Gịot buồn rơi trong vắt
Len lỏi…buồn đi hoang
Khẽ rơi một tiếng đàn
Cho mưa xanh tình tứ
Nắng đã vàng vỉa phố
Gió đã mềm tóc ai
Và anh như hàng cây
Chờ em bên phố vắng
Tình ơi!
Tình dù lặng.
Để đêm về…ăn năn?!?

Thứ Hai, 12 tháng 11, 2012

TỪ SÀI GÒN NGHE GIÓ SÔNG HƯƠNG - NGUYỄN MIÊN THẢO



TỪ SÀI GÒN
NGHE GIÓ SÔNG HƯƠNG


Từ Sài Gòn anh nghe gió sông Hương
Thổi tạt vào thành nội
Trưa nay em ngồi giặt áo
Nhớ về một cuộc tình buồn
Lòng trống rỗng chứa đầy hư vô
Mười ngón tay em hát

Ngọn lửa anh thổi vào tim em
Chắc chắn có một ngày nồi cơm sẽ chín

Anh muốn làm ngọn gió sông Hương
Giữa mùa hè oi bức
Thổi tạt giùm em nỗi muộn phiền
Thổi tóc em bay giữa thành quách cũ

Nhưng ngọn lá tình cờ như môi hôn
Rơi vào nỗi nhớ
Mùa xuân

Có những lúc lòng em trống trải
Nỗi buồn vây kín thanh xuân
Em gỏ bước giữa đêm khuya một mình xa vắng
Thu bay

Từ Sài Gòn anh nghe gió sông Hương
Thổi tạt vào thành nội…

Thứ Bảy, 10 tháng 11, 2012

PHƯƠNG THUỐC TRỊ BỆNH BẠI NÃO



 Nói tới việc uống rượu Lệnh Hồ Xung là bậc cao thủ thượng thừa,uống rượu thành danh như nhà thơ Vương Từ cũng phải đứng xa mà bái phục.  Cuối tuần mời các bạn đọc một chương trong Tiếu Ngạo Giang Hồ để giải phóng cái đầu, một phương pháp trị bệnh bại não khá hữu hiệu


Tiếu Ngạo Giang Hồ

Hồi 109
Huyền Thiên Chỉ Biến Nước Thành Băng
Lệnh Hồ Xung thấy trong nhà la liệt những vò rượu, bình rượu, bầu rượu, chung rượu bầy ra trước mắt, liền nói:
- Những loại rượu tiền bối tàng trữ nào phải chỉ có ba thứ mà thôi. Ðây là Thiệu hưng nữ nhi hồng, trân quí cực phẩm! Kìa rượu Bồ đào ở Thổ lồ phồn bên Tây Vực phải cất bốn lần mới được. Trên đời hiện nay tìm đâu cho thấy.
Ðan Thanh tiên sinh vừa kinh hãi vừa mừng thầm hỏi ngay:
- Rượu Bồ đào ở Thổ lồ phồn ta đóng kín vào trong thùng gỗ mà sao lão đệ vừa ngửi đã biết ngay?
Lệnh Hồ Xung cười đáp:
- Thứ hảo tửu này đừng nói là đóng vào thùng, dù chôn sâu xuống đất mấy trượng cũng chẳng thể lấp được mùi hương của nó.
Ðan Thanh tiên sinh lại la lên:
- Giỏi lắm, giỏi lắm! Thế thì bây giờ chúng ta hãy uống thứ rượu Bồ đào phải ướp, phải cất bốn lần này mới xong.
Lão liền lấy một thùng gỗ ở trong góc nhà ra. Thùng gỗ để lâu màu gỗ đã đen lại. Trên mặt thùng viết đầy những chữ Tây Vực ngoằn ngoèo. Nắp gỗ gắn bằng keo sơn đóng ấn tỏ ra rất trịnh trọng.
Ðan Thanh tiên sinh thò tay vào nắp gỗ khẽ nậy lên. Lập tức hương rượu tỏa ra ngào ngạt khắp cả gian nhà.
Thi Lệnh Oai trước nay không nhắp môi một giọt rượu, hắn vừa ngửi thấy mùi hương sực nức bất giác ra chiều ngây ngất.
Ðan Thanh tiên sinh vẫy tay cười nói:
- Ngươi ra đi! Ngươi ra đi! Nếu còn đứng đó thì say đến ngã lăn ra bây giờ.
Lão bày ba cái chén lên mặt bàn rồi bưng thùng rượu rót ra.
Thứ rượu này đỏ như máu, rót cao hơn miệng chén mà vẫn không tràn ra giọt nào.
Hướng Vấn Thiên reo thầm trong bụng:
- Hay quá! Võ công lão này ghê gớm thật! Lão ôm cái thùng gỗ nặng hơn đến trăm cân để rót rượu vào chén nhỏ xíu đầy thế kia không để tràn ra ngoài thì thật là tuyệt!
Ðan Thanh tiên sinh cắp thùng rượu vào nách. Tay trái nâng chén lên nói:
- Nào mời!
Cặp mắt lão đăm đăm nhìn vào mặt Lệnh Hồ Xung để coi vẻ mặt chàng nếm rượu.
Lệnh Hồ Xung nâng chén rượu lên uống một nửa, thưởng thức mùi vị. Mặt chàng đổ lớp phấn rất dày nên vẫn trơ ra tựa hồ chẳng thích thú cho lắm.
Ðan Thanh tiên sinh nghĩ thầm trong bụng:
- Chẳng lẽ tay sành rượu này cho là thứ rượu của ta hãy còn tầm thường chẳng có chi kỳ lạ.
Lệnh Hồ Xung nhắm mắt lại hồi lâu mở ra nói:
- Lạ thiệt! Lạ thiệt!
Ðan Thanh tiên sinh hỏi ngay:
- Ðiều chi quái lạ?
Lệnh Hồ Xung đáp:
- Vụ này thật là khó hiểu. Vãn bối không sao đoán ra được...
Ðan Thanh tiên sinh cặp mắt chiếu ra những tia sáng vui mừng, ngập ngừng nói:
- Lão đệ muốn hỏi...
Lệnh Hồ Xung ngắt lời:
- Trong đời vãn bối mới được uống thứ rượu này một lần ở thành Trường An, tuy nó cực kỳ thuần mỹ song trong rượu hơi có mùi chua. Theo lời lão sư ở tửu trang thì đó là vì lúc chuyển vận làm rượu sóng lên. Thứ rượu Bồ đào ở Thổ lồ phồn này bốn lần ướp, bốn lần cất mới thành, hể một lần làm rung động là một lần kém đi. Từ Thổ lồ phồn đến Hàng Châu đường xa kể mấy vạn dặm, vậy mà sao rượu của tiền bối đây tuyệt không thấy mùi chua chút nào? Cái đó... cái đó...
Ðan Thanh tiên sinh nổi lên tràng cười khanh khách ra vẻ cực kỳ đắc ý nói ngay:
- Ðây là một bí quyết không tiết lộ ra ngoài. Ta phải dùng ba chiêu kiếm pháp để đánh đổi với một tay kiếm khách bên Tây Vực là Mạc Hoa Nhĩ. Lão đệ có muốn biết không?
Lệnh Hồ Xung lắc đầu đáp:
- Vãn bối được nếm thứ rượu này trong lòng rất lấy làm mãn nguyện lắm rồi. Nó là bí quyết của tiền bối thì vãn bối không dám hỏi tới nữa.
Ðan Thanh tiên sinh giục:
- Uống đi! Uống nữa đi!
Lão lại rót ra thêm ba chén, nhưng thấy Lệnh Hồ Xung không hỏi đến bí quyết thì ngứa ngáy khó chịu nói:
- Thực tình bí quyết này nói ra không đáng một đồng chẳng có chi ly kỳ.
Lệnh Hồ Xung biết mình càng không muốn nghe thì lão lại càng muốn nói. Chàng liền xua tay đáp:
- Xin tiền bối đừng nói ra. Tiền bối đã phải đánh đổi bằng ba kiếm chiêu thì nhất định không phải chuyện tầm thường. Tiền bối đã trả nó bằng một giá rất đắt mà vãn bối học được một cách dễ dàng thì trong lòng cực kỳ áy náy. Người ta thường nói: Không có công trạng thì đừng huởng lộc...
Ðan Thanh tiên sinh ngắt lời:
- Lão đệ bầu bạn với ta uống rượu lại nói rõ được lai lịch của thứ rượu này thế là công lao lớn lắm. Lão đệ phải nghe bí quyết mới được.
Lệnh Hồ Xung nói:
- Vãn bối được tiền bối tiếp kiến đã là may mắn. Huống chi tiền bối còn ban cho mỹ tửu đến cực phẩm thì lòng cảm kích nói sao cho xiết? Thì nào còn...
Ðan Thanh tiên sinh ngắt lời:
- Ta nguyện ý nói cho lão đệ nghe, hà tất lão đệ phải bận tâm.
Hướng Vấn Thiên cất tiếng khuyên chàng:
- Ðây là mỹ ý của tứ trang chúa. Phong huynh đệ không nên khước từ.
Ðan Thanh tiên sinh nói:
- Phải lắm! Phải lắm!
Lão cười híp mắt nói tiếp:
- Ta còn muốn khảo nghiệm lão đệ một phen nữa. Lão đệ có biết rượu này đã cất bao lâu?
Lệnh Hồ Xung nâng chén rượu lên uống cạn, phân biệt mùi vị hồi lâu rồi thủng thẳng đáp:
- Thứ rượu này còn một chỗ lạ nữa tựa hồ đã cất đến 120 năm mà lại giống như mới cất 12, 13 năm mới kỳ. Mùi vị mới mẻ mà có chỗ thấm thía rất lâu, tức là trong cái cũ có cái mới trong cái mới có cái cũ. Ðem nó so với thứ rượu ngon thông thường cất đã trên trăm năm, nó còn có một phong vị khác.
Hướng Vấn Thiên khẽ nhún vai nghĩ bụng:
- Chú này lòi đuôi rồi! Một đằng 120 năm với một đằng 12, 13 năm, quãng cách thời gian có dư trăm năm thì sao lại so sánh với nhau được?
Lão băn khoăn chỉ lo Ðan Thanh tiên sinh sẽ bất mãn về câu của chàng. Ngờ đâu tiên sinh cười ha hả rất lớn thổi hất tung chòm râu dài cho chổng ngược lên, cất giọng oang oang:
- Hảo huynh đệ! Hảo huynh đệ! Tay này quả nhiên gớm thiệt! Bí quyết của ta là ở chỗ đó! Ta nói cho lão nghe: tay kiếm hào bên Tây Vực kia là Mạc Hoa Nhĩ tặng cho ta mười vò rượu Ðồ đào ở nước Thổ lồ phồn mới ba lần ướp, ba lần cất và đã để lâu 120 năm. Chục vò rượu này được tải đến Hàng Châu bằng 20 con ngựa Ðại Uyển. Về tới Hàng Châu ta mới đem ướp và cất lại một lần nữa. Mười vò rượu ngon cất lấy một thùng. Bấm đốt tay tính lại từ ngày đó đến nay đã được 12 năm rưỡi. Thứ rượu ngon này vận tải quan san muôn dậm mà vẫn không chua. Mùi rượu trong cái cũ có cái mới, trong cái mới có cái cũ là ở chỗ đó.
Hướng Vấn Thiên cùng Lệnh Hồ Xung vỗ tay reo:
- Té ra thế! Té ra thế!
Lệnh Hồ Xung nói tiếp:
- Cần được thứ rượu này thì có phải đem 10 chiêu kiếm pháp ra mà đổi cũng còn là rẻ. Vậy mà tiền bối mất có ba chiêu đã đổi được thì thật là món hời hiếm có ở đời.
Ðan Thanh tiên sinh rất đỗi hả hê nói:
- Lão đệ đúng là tri kỷ của ta! Ngày đó đại ca cùng nhị ca ta đem lòng oán hận vì đã đổi kiếm chiêu lấy rượu, khiến cho tuyệt chiêu của Trung Nguyên truyền ra đến đất Tây Tạng. Còn tam ca khi đó chỉ cười ruồi chứ không nói gì, song ta e rằng trong lòng y cũng bất phục. Chỉ có mình lão đệ là biết ta
được gi hời. Hay lắm! Chúng ta lại uống chén nữa.
Lệnh Hồ Xung uống cạn chung nữa rồi nói:
- Tứ trang chúa! thứ rượu này còn có một cách uống đáng tiếc hiện giờ không thể làm được.
Ðan Thanh tiên sinh vội hỏi:
- Cách uống đó thế nào? Tại sao lại không làm được?
Lệnh Hồ Xung đáp:
- Nước Thổ lồ phồn là đất nóng nhất trong thiên hạ. Nghe nói ngày trước Ðường Huyền Trang sang Tây Trúc lấy kinh phải đi qua Hỏa Diệm Sơn tức là nước Thổ lồ phồn...
Ðan Thanh tiên sinh nói xen vào:
- Phải rồi! Nơi này nóng quá thiệt. Về mùa hạ suốt ngày người ta phải dầm mình vào trong thùng
nước lạnh mà hãy còn thấy nóng. Ðến mùa đông thì lại rét quá, lạnh buốt thấu xương. Vì khí hậu đặc biệt nên trái bồ đào khác hẳn mọi nơi.
Lệnh Hồ Xung nói:
- Khi vãn bối uống thứ rượu này tại thành Trường An đã gặp mùa đông mà vị lão sư trong tửu trang còn sai gia nhân lấy một khối băng lớn để đặt chung rượu lên. Rượu ngon có hơi lạnh thấm vào thành ra một mùi vị khác. Hiện giờ đang buổi sơ hạ lấy đâu ra được băng để hấp rượu?
Ðan Thanh tiên sinh nói:
- Khi ta ở Tây Vực cũng gặp mùa hạ, Mạc Hoa Nhĩ cũng đã nói đến chuyện dùng băng hấp rượu mới là tuyệt diệu. Lão đệ! Cái này cũng dễ thôi. Lão đệ ở đây với ta quá nửa năm là đến mùa đông chúng ta sẽ thưởng thức lần nữa.
Lão ngừng lại một chút rồi tiếp:
- Có điều phải chờ lại lâu ngày kể cũng nóng ruột.
Hướng Vấn Thiên xen vào:
- Ðáng tiếc là một giải Giang Nam không có nhân vật nào luyện "Âm hàn chưởng", "Âm phong trảo" là những công phu thuần âm. Nếu không thì....
Lão chưa dứt lời Ðan Thanh tiên sinh đã la lên:
- Có chứ! Có chứ!
Lão nói xong đặt thùng rượu xuống hối hả chạy ra.
Lệnh Hồ Xung đưa mắt nhìn Hướng Vấn Thiên, đầy lòng ngờ vực, nhưng Hướng Vấn Thiên vẫn mỉm cười chứ không nói gì.
Chỉ trong khoảnh khắc Ðan Thanh tiên sinh dắt một lão già cao nghểu cao nghều mà gầy khẳng gầy kheo đưa vào phòng rồi nói:
- Nhị ca! Bất luận thế nào nhị ca cũng giúp cho tiểu đệ một phen.
Lệnh Hồ Xung thấy người này mày thanh mắt sáng, có điều mặt trắng bợt mà hơi xanh lướt, trông chẳng khác cái mặt thây ma, khiến người nhìn vào không khỏi ớn da gà.
Người mà Ðan Thanh đưa vào đây là Nhị trang chúa ở Mai trang mang danh hiệu Hắc Bạch tử.
Ðầu tóc lão đen nhánh mà da mặt lại trắng bệch, quả nhiên hắc bạch phân minh.
Hắc Bạch Tử lạnh lùng hỏi:
- Ngươi muốn giúp chuyện gì?
Ðan Thanh tiên sinh đáp:
- Xin nhị ca phát huy công phu hóa nước thành băng để cho hai vị hảo hữu của tiểu đệ coi.
Hắc Bạch Tử đảo cặp mắt quái nhỡn lạnh lùng đáp:
- Cái tài vặt đó phỏng có chi đáng kể, chẳng bõ làm cho người ta phải cười đến trẹo quai hàm.
Ðan Thanh tiên sinh nói:
- Nhị ca ơi! Chẳng giấu gì nhị ca. Phong huynh đệ đây nói là thứ rượu Bồ đào ở Thổ lồ phồn này phải có băng để hãm mà uống mới là tuyệt thú! Trời nóng thế này thì đi đâu kiếm được băng giá bây giờ?
Hắc Bạch Tử hỏi lại:
- Rượu này mùi hương cực kỳ thuần túy hà tất phải dùng băng để hãm?
Lệnh Hồ Xung đáp:
- Thổ lồ phồn là nơi cực nhiệt...
Ðan Thanh tiên sinh ngắt lời:
- Phải rồi! Khí hậu tại đó nóng nhiệt vô cùng!
Lệnh Hồ Xung nói tiếp:
- Thứ nho mọc ở đất này không khỏi bị khí nhiệt thấm vào.
Ðan Thanh tiên sinh nói xen vào:
- Ðúng lắm! Cái đó nhất định không tránh khỏi được.
Lệnh Hồ Xung nói tiếp:
- Khí nóng thấm vào rượu để lâu trăm năm nay đã giảm đi nhiều, nhưng người sành rượu vẫn cảm thấy mùi cay.
Ðan Thanh tiên sinh nói:
- Phải lắm! Phải lắm! Lão đệ không nói thì ta cứ tưởng là lúc cất họ để lửa mạnh quá, thành ra mắng oan tên ngự trù kia.
Lệnh Hồ Xung hỏi:
- Làm sao lại có ngự trù?
Ðan Thanh tiên sinh cười đáp:
- Ta sợ nấu không để lửa đúng độ làm hư 10 vò rượu ngon nên phải lẻn vào hoàng cung ở Bắc Kinh bắt một tên ngự trù đem về cho y cất rượu.
Hắc Bạch Tử lắc đầu nói:
- Thật là chuyện nhỏ nhặt mà làm cho thành quan trọng.
Lệnh Hồ Xung cười nói:
- Té ra là thế! Nếu là những anh hùng hiệp sĩ tầm thường mà uống thứ rượu quí này có mùi cay một chút cũng không đáng kể. Nhưng nhị trang chúa và tứ trang chúa ở ẩn nơi phong cảnh tuyệt mỹ trên bờ Tây Hồ là những bậc thanh cao khác đời không thể tự hạ mình như những nhân vật quê mùa trong võ lâm. Rượu này cần có băng hãm cho hết mùi cay gắt mới xứng với thân thế cao cả của nhị vị.
Hướng Vấn Thiên xen vào:
- Tỉ như đánh cờ chỉ chen lấn bắt quân thì là hạng tầm thường. Còn những bậc cao thượng chơi cờ lúc nào cũng có những nước tuyệt diệu mà đi.
Hắc Bạch Tử lại đảo cặp mắt quái nhỡn nắm lấy vai Hướng Vấn Thiên hỏi:
- Lão huynh cũng biết đánh cờ ư?
Hướng Vấn Thiên đáp:
- Tại hạ bình sinh rất thích chơi cờ, đáng tiếc mình không may. Tại hạ liền đi khắp miền Trung Nguyên để kiếm kỳ phổ. Hơn ba chục năm trời nghiên cứu những cục thế nổi danh đã nhớ rất nhiều...
Hắc Bạch Tử ngắt lời:
- Lão huynh nhớ được nhiều danh cục ư? Những danh cục nào thử nói nghe!
Hướng Vấn Thiên đáp:
- Tỉ như cuộc cờ mà Vương Chất đã gặp tiên trên núi Lạn Kha, hay cuộc Lưu Trọng Phủ đấu với tiên mỗ ở núi Ly Sơn, hoặc cuộc Vương Tích Tân gặp Hồ tiên...
Lão chưa dứt lời, Hắc Bạch Tử đã lắc đầu quầy quậy nói:
- Những chuyện thần thoại đó khó mà tin được. Làm gì có những kỳ phổ này?
Lão nói rồi buông tay ra.
Hướng Vấn Thiên nói:
- Ban đầu tại hạ cũng cho là bọn hiếu sự bịa ra những thiên cố sự đó. Song 25 năm trước đây, tại hạ được coi kỳ phổ Lưu Trọng Phủ đấu cờ với bà tiên trên núi Ly Sơn, đi nước nào cũng tuyệt diệu, người thường không thể bì kịp. Rồi từ đó, tại hạ mới quyết tâm tin là sự thực không phải nói ngoa. Tiền bối cũng ưa món này lắm phải không?
Ðan Thanh tiên sinh cười ha hả, bộ râu cằm lão vuốt cho dài thưỡn ra.
Hướng Vấn Thiên giả vờ không hiểu hỏi:
- Sao tiền bối lại bật cười?
Ðan Thanh tiên sinh đáp:
- Lão huynh hỏi nhị ca có thích cờ không? Ha ha! Nhị ca ta đạo hiệu là Hắc Bạch Tử thì lão huynh bảo y có thích hay không thích? Ta thích rượu thế nào thì nhị ca ta thích cờ cũng vậy.
Hướng Vấn Thiên nói:
- Chết chưa! Tại hạ nói nhăng rồi! Thật là múa rìu qua mắt thợ. Xin nhị trang chúa min trách cho.
Hắc Bạch Tử hỏi:
- Lão huynh lấy được bản đồ phổ về cuộc cờ Lưu Trọng Phủ đấu với Linh San tiên mỗ thật ư? Ta xem bút ký của tiền nhân để lại có nói Lưu Trọng Phủ là một tay quốc thủ đương thời bị đại bại về tay một mụ già thôn quê, y tức quá thổ huyết mấy thăng, nên cuộc cờ đó kêu bằng "ấu huyết phổ". Chẳng lẽ trên đời quả có cuộc ẩu huyết phổ thiệt ư?
Lúc lão mới đến ra chiều lạnh nhạt, nhưng bây giờ lại tỏ ra rất nồng hậu.
Hướng Vấn Thiên đáp:
- Hơn hai chục năm trước tại hạ ở thành đô tỉnh Tứ Xuyên vào một nhà thế gia tìm được kỳ phổ này có những nước kinh tâm động phách. Vì vậy mà sự việc cách đây 25 năm vẫn còn nhớ cả toàn bộ 125 nước.
Hắc Bạch Tử hỏi ngay:
- Cả thảy 125 nước ư? Lão huynh thử bày ra cho ta coi. Nào! vào trong kỳ thất của lão phu để bày cờ.
Ðan Thanh tiên sinh liền đưa tay ra cản lại nói:
- Khoan đã! Nhị ca mà không chế băng cho tiểu đệ hâm rượu thì tiểu đệ nhất định không để nhị ca đi.
Lão vừa nói vừa cầm cái chậu sứ trắng đưa lại. Trong chậu đựng đầy nước trong.
Hắc Bạch Tử thở dài nói:
- Tứ đệ cũng có cái say mê, thôi ta đành chịu vậy.
Lão đưa ngón tay trỏ dúng vào trong chậu nước.
Bỗng thấy mặt nước sủi lên những chấm trắng li ti. Chẳng bao lâu mặt chậu nổi lên một làn sương trắng, rồi mặt nước kết lại thành từng miếng băng mỏng. Những miếng băng này mỗi lúc một dầy thêm.
Trong khoảng thời gian chừng uống cạn tuần trà, chậu nước trong biến thành băng hết.
Hướng Vấn Thiên và Lệnh Hồ Xung lớn tiếng hoan hô.
Hướng Vấn Thiên nói:
- Nghe nói công phu "Hắc phong chỉ" này thất truyền đã lâu. Té ra nhị trang chúa...
Ðan Thanh tiên sinh ngắt lời:
- Ðây không phải là "Hắc phong chỉ", mà là "Huyền thiên chỉ". Hai môn này tương tự như nhau, nhưng "Hắc phong chỉ" thuộc về bá đạo và trình độ cũng còn kém Huyền thiên chỉ.
Lão vừa nói vừa đặt bốn chén lên trên mặt chậu băng, rót rượu vào.
Bỗng trên mặt rượu sủi tăm sắc trắng.
Lệnh Hồ Xung nói:
- Ðược rồi!
Ðan Thanh tiên sinh nâng chén lên uống một hơi cạn sạch, quả thấy hương rượu vừa đậm vừa ngon, mất hết mùi chua chát, mà thêm vị thanh lương thấm vào tâm phế. Bất giác lão lớn tiếng reo:
- Tuyệt diệu! Rượu của ta đã ngon mà nhân phẩm của Phong lão đệ lại cao hơn. Cách chế băng của nhị ca mới là tuyệt diệu.
Lão nhìn Hướng Vấn Thiên cười nói:
- Lão huynh ngồi bên, lúc tung lúc hứng lại càng tuyệt nữa.
Hắc Bạch Tử cũng cầm chén rượu lên uống nhưng không lý gì đến mùi rượu có ngon hay không.
Lão kéo tay Hướng Vấn Thiên giục:
- Ði! Ði! Ði bày cuộc "ẩu huyết phổ" của Lưu Trọng Phủ cho ta coi.
Hướng Vấn Thiên kéo tay Lệnh áo Hồ Xung. Chàng hiểu ý liền nói:
- Tại hạ cũng đi coi.
Ðan Thanh tiên sinh nói:
- Coi cờ có chi là thú? Sao bằng ở đây uống rượu với ta?
Lệnh Hồ Xung đáp:
- Chúng ta vừa uống rượu vừa coi cờ.
Dứt lời chàng đi theo Hắc Bạch Tử cùng Hướng VấnThiên.
Ðan Thanh tiên sinh không sao được đành cắp thùng rượu đi theo vào kỳ thất.
Ðây là một gian phòng, ngoại trừ chiếc kỷ đá và hai chiếc ghế êm, trống rỗng không còn vật gì nữa.
Trên kỷ đá khắc 19 đường bàn cờ. Bên cạnh đặt một hộp cờ đen và một hộp cờ trắng. Trong kỳ thất, ngoài ghế ngồi và bàn cờ không bày đặt vật gì là để người đối cục khỏi phân tâm.


VNthuquan