Thứ Tư, 7 tháng 11, 2012

THƠ TỪ HOÀI TẤN VÀ CÂY CẦU DÂY VĂNG - CAO THOẠI CHÂU



        
        Thơ Từ Hoài Tấn 
        và cây cầu dây văng!


       Tôi còn giữ nguyên bút danh Từ Hoài Tấn trong trí nhớ của mình sau năm 1975 dù cho đến khi ấy chúng tôi không biết mặt nhau chưa có một chút liên lạc nào, coi đó như một chút hiểu biết về thơ ca thời kỳ trước đó. Cùng với đó là mấy cuốn tập chép thơ của một số tác giả trên các tạp chí Sài Gòn trước khi thành phố này đổi tên thành như bây giờ. Trong số những cái tên ấy có Từ Hoài Tấn mà cho đến khi gặp anh ngoài đời gần đây tôi vẫn nghĩ tuổi anh cũng tầm tôi, không ngờ hai người chênh tuổi nhau khá nhiều.
Những cuốn vở ghi chép nhiều năm đó đã thành tro khi tôi khăn gói vào trại cải tạo, có thể là do lệnh ở địa phương tôi ở phải nộp sách báo cũ và chúng bị đốt là như vậy.
       Không còn  nhớ chính xác mình ghi gì về người tôi đang nói đây, nhưng đại loại là thơ anh không vần điệu nhưng không phải thứ không vần điệu theo thời. Đơn giản chỉ là một cách trang trải của riêng anh như người ta chọn người để gặp, chọn quán để ngồi… Bây giờ, tôi mới vừa đọc tập thơ mà cái tên gợi cảm giác động “Đi, đứng và chạy…với thời gian” (*) nghe động đậy tay chân theo một tốc độ nào đó, và là cảm giác trước và bây giờ vẫn một cách viết của cùng một con người dù nhiều dâu bể đã đi qua.
      Dâu bể trong thơ Từ Hoài Tấn ở tuyển tập này không nhiều dấu vết thời sự, theo tôi cái dâu bể của anh là việc đến và ra đi của một cặp người, đàn ông và đàn bà. Không hiểu sao tôi lại không nghĩ đó là một cuộc tình, chắc có lẽ do hai người ấy yêu nhau nhưng không nghĩ gì đến những lời hò hẹn, không có những ước mơ như nhiều cặp khác. “Nỗi cô đơn tình yêu đã đưa anh đến tìm em/ Liều lĩnh và sợ hãi/ Bởi mỗi chúng ta đều có cuộc sống riêng/ Với nhiều ràng buộc chưa chấm dứt”. Một tình yêu như thế là một tình yêu “vượt ngục” khỏi những ước hẹn, bóc tách hết những lớp vỏ mà cặp nào yêu nhau cũng thường có. Đó, nó là một tình yêu chỉ gồm có hai chữ, chấm và hết!
      Thật “sạch sẽ” như những gì Từ Hoài Tấn viết trong những câu này về chuyện tình đó “Như cuộc chia tay giữa chúng ta/ Như không bao giờ xảy ra/ Đó là cuộc tạm biệt của những màu sắc/ Vẻ huê dạng của cuộc sống/ Đó là cuộc tạm biệt của sự bình thường/ Của hai người khác giống/ Hãy chia tay để còn có nhau/ Những vì sao trên trời chưa hề bất tử…”. Không đớn đau, không sụp đổ, thơ Từ Hoài Tấn nhẹ nhàng thanh thoát như vậy.
      Tôi nghĩ rắng thơ Từ Hoài Tấn không phải là thơ tự sự, đó chỉ là tâm sự cốt nói cho mình nghe như một hoài niệm của chính mình. Trong tập có một “cụm” thơ nhan đề chung là “Những khúc thơ tình ngày, tháng và năm” gồm những bài mang tựa ghi ngày tháng thuộc về năm 2002 trở về sau. Chạy theo với thời gian? Nói cho mình nghe thay vì giãi bày mong chia sẻ, có in ra cũng là in thôi, không phải lời gửi gắm cho ai. Tôi rất thích thơ như vậy, nó là trò chơi thanh nhã của người cô đơn, cô độc ý thức thật rõ ra khỏi cô đơn là…hết! Như thế thì buồn nhưng không mở tung cửa mời khách vào nhà làm gì!
       Khi đọc những bài trang nhã in ấn một cách trang nhã có phần kín đáo như ngôi nhà ẩn sau những cây xanh này, tự nhiên tôi nghĩ đến một cây cầu, cầu Mỹ Thuận ở cửa ngõ miền Tây. Đó là một cầu dây văng nhìn từ xa thấy những sợi dây thanh bình tua tủa trong những buổi chiều chưa nguôi, chưa phai. Loại cầu dây văng này có những cây cột đứng hai chiếc nhìn mặt nhau, thành cặp, khoảng cách thật gần nhưng nếu chúng nhập vào nhau thì cầu thành cầu…văng mạng!. Và chúng cao, rất cao. Ước gì leo lên được đỉnh cột đó. Từ đỉnh nhìn xuống sông thấy không gian lớn ra nhiều. Ngồi trên cao đó tức là thoát xa mặt nước để nhìn trở lại sẽ thấy sông êm đềm hơn nhiều. Thoát ra khỏi quá khứ, một mối tình càng xa càng nhìn được cái êm ả khi hai người còn có nhau những ngày tháng đắm đuối nhưng thao thức một cách không đau đáu mà thật dịu dàng. Tình đi qua như nước sông, như ngày tháng dưới cầu, càng ở cao hơn mặt cầu càng thấy mặt sông như dải lụa, hay đại loại một thứ gì mềm mại, dịu dàng…
      Nếu phải chọn những câu nào mình thích trong tập này, tôi sẽ nói Cuối tháng này có một cuộc dạo chơi/ Của hai người không hẹn gặp/ Những cây vẫn đứng trên đỉnh đồi/ Mùa hạ hanh nồng nỗi mong đợi ai đó”. Là người cũng có những chờ đợi mà thói quen mách bảo là không nên “mong” bởi vậy tôi muốn đựợc thay chữ “mong” trong câu thơ bằng một chữ khác nghe buồn hơn:  “chờ”. Cứ chờ thôi, không mong gì hết!
---------- 

* Từ Hoài Tấn, Đi, đứng và chạy…với thời gian, tập thơ, NXB  Hội Nhà Văn, 2012

       

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét