Thứ Bảy, 24 tháng 11, 2012

GIẢI TRÍ CUỐI TUẦN : ÔI GIÁO DỤC



SUY NGHĨ NHÂN ĐỌC THƯ CHÚC MỪNG NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM (20/11/2012) CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC & ĐÀO TẠO
 Nguyễn Trọng Bình
1.Thư của Bộ trưởng Bộ giáo dục và đào tạo
Kính gửi: Các đồng chí Giám đốc Sở GDĐT các Tỉnh, Thành phố;
   Các đồng chí Hiệu trưởng các trường Mầm non,
    Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông,
Trung cấp chuyên nghiệp, Cao đẳng, Đại học.
Nhân dịp ngày Nhà giáo Việt Nam 20 - 11- 2012, thay mặt Ban Cán sự Đảng và lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, tôi trân trọng gửi đến các Đồng chí và qua các Đồng chí tới các Thầy giáo, Cô giáo, Cán bộ quản lý giáo dục lời cảm ơn chân thành về những đóng góp bền bỉ, to lớn của các Thầy Cô cho sự nghiệp trồng người.
Kính chúc các Thầy Cô và gia đình dồi dào sức khỏe, thành đạt, hạnh phúc, tiếp tục đóng góp cho sự nghiệp giáo dục và sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa của chúng ta.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo
GS. TS Phạm Vũ Luận


2. Vài suy nghĩ
Đọc xong bức thư chúc mừng trên của GS Phạm Vũ Luận – Bộ trưởng Bộ giáo dục và đào tạo nhân ngày Nhà giáo VN 20/11/2012 bỗng dưng lòng thấy buồn buồn. Vì lẽ, qua bức thư này một lần nữa cho thấy trong cuộc sống có những chuyện chúng ta cho là nhỏ nhưng sự tác động và ảnh hưởng của nó đối với xã hội thì không nhỏ chút nào. Hay nói cách khác, như lời của cố thủ tướng Võ Văn Kiệt (theo lời kể của nhà thơ Nguyễn Duy) là: “Cái tế nhị ở đây là nhìn nhận đúng các giá trị, cái nào lớn, cái nào nhỏ. Có sự nhầm lẫn giữa lớn và nhỏ. Cái tưởng lớn hóa ra là nhỏ, cái tưởng nhỏ lại là lớn...”
Lẽ ra, người viết cũng không muốn nói đến những “chuyện nhỏ như con thỏ” này đâu (bởi không khéo bị mang tiếng là “vạch lá tìm sâu”) nhưng vì đây thư kí tên Bộ trưởng – người đứng đầu ngành Giáo dục nước nhà nên dù muốn dù không trước sự thật này chúng ta không thể không nhìn thẳng như một lời góp ý chân thành theo tinh thần “phê và tự phê” của của Đảng.
Thứ nhất, bức thư tuy không dài lắm (đúng 3 câu được phân ra làm ba “đoạn”) nhưng cảm nhận ban đầu của người viết là có một số lỗi sai về mặt câu cú, ngữ pháp, cách diễn đạt... nhất là ở câu cuối khá lủng củng vì có 3 chữ “và”. Thêm nữa, lẽ thường người ta gửi lời kính chúc sức khỏe nhau là đúng rồi nhưng “kính chúc tiếp tục đóng góp cho sự nghiệp...” nghe có gì đó không ổn cho lắm.
Thứ hai, đây là thư chúc mừng thầy cô giáo nhân ngày 20/11 nhưng mở đầu bức thư ở phần“Kính gửi” chỉ thấy Bộ trưởng “gửi” đến các đồng chí là những quan chức lãnh đạo địa phương (“Các đồng chí Giám đốc Sở và các đồng chí Hiệu trưởng...”) mà không có dòng nào “kính gửi” đến “toàn thể quý thầy cô giáo trên cả nước” mà lẽ ra (hay đúng ra) việc này phải là như thế. Bởi đây mới là đối tượng quan trọng nhất mà với tư cách là người đứng đầu ngành giáo dục, Bộ trưởng phải có trách nhiệm gửi lời chúc mừng, hỏi thăm và động viên họ.
Thứ ba, câu thứ hai trong bức thư là lời cảm ơn của Bộ trưởng gửi với tư cách người đứng đầu ngành giáo dục gửi đến toàn thể quý thầy cô giáo trên cả nước nhưng buồn thay lời cảm ơn này chỉ được gửi một cách... gián tiếp qua “trung gian” là các “đồng chí” lãnh đạo (như ở phần “kính gửi”). Tức là Bộ trưởng nhờ các đồng chí lãnh đạo ở địa phương chuyển lời cảm ơn của mình đến toàn thể quý thầy cô giáo chứ không phải đích thân Bộ trưởng trực tiếp đứng ra nói lời cảm ơn:
 “Nhân dịp ngày Nhà giáo Việt Nam 20 - 11- 2012, thay mặt Ban Cán sự Đảng và lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, tôi trân trọng gửi đến các Đồng chí và qua các Đồng chí tới các Thầy giáo, Cô giáo, Cán bộ quản lý giáo dục lời cảm ơn chân thành về những đóng góp bền bỉ, to lớn của các Thầy Cô cho sự nghiệp trồng người.”
Thôi thì cứ cho là Bộ trưởng có quyền “nhờ” các “đồng chí” lãnh đạo Sở và Hiệu trưởng các trường học chuyển lời cảm ơn đến toàn thể quý thầy cô giáo đi. Nhưng nếu vì lý do nào đó các “đồng chí” này... quên không chuyển lời đến quý thầy cô giáo thì sao? Lúc ấy không biết Bộ trưởng có cách gì để kiểm tra lời cảm ơn của mình đã thực sự đến với toàn thể quý thầy cô giáo trong ngày 20/11 không?
Ngoài ra, từ góc nhìn văn hóa ứng xử, đằng sau câu chữ của bức thư của Bộ trưởng là một vấn đề lớn đã và đang tồn tại trong xã hội ta rất đáng để mỗi người cùng nhìn lại và suy ngẫm. Cụ thể, đó văn hóa ứng xử đặt trong mối quan hệ giữa những lãnh đạo với quần chúng nhân dân (trong khuôn khổ của bức thư này là mối quan hệ giữa vị Bộ trưởng đứng đầu ngành giáo dục với toàn thể quý thầy cô giáo trên cả nước – những người trực tiếp thực thi nhiệm vụ “trồng người” đầy gian nan vất vả hiện nay).
Các vị lãnh đạo ai cũng bảo nhân dân là quan trọng nhất (tất cả phải vì nhân dân mà phục vụ) tuy nhiên trong thực tế (rất nhiều trường hợp) cái vị thế  này của nhân dân có khi lại không phải vậy. Điều này có thể thấy trong bất kỳ hội nghị, hội thảo hay trong bất kỳ một buổi lễ khai mạc, lễ khánh thành một sự kiện, một công trình văn hóa, xã hội lớn nhỏ nào đó được tổ chức trên khắp đất nước thì nhân dân bao giờ cũng được “ưu ái” giới thiệu... sau cùng trong phần nghi thức giới thiệu “thành phần đại biểu tham dự”.
Thậm chí trong một trận bóng đá với tính chất giao hữu tuy ai cũng nói thành phần làm nên không khí cuồng nhiệt sôi động của một trận đấu là hàng triệu nhân dân – hàng triệu khán giả trên sân nhưng buồn thay hàng triệu khán giả ấy chỉ được người dẫn chương trình giới thiệu một cách qua loa, chiếu lệ sau cả hàng lô hàng lốc những “ông chủ” của các đơn vị kinh doanh nào đó bỏ tiền ra tài trợ cho trận cầu ấy.
Tại sao nhân dân luôn luôn bị đối xử như vậy? Tại vì trong tâm thức văn hóa - cái tâm lý xã hội nói chung ở nước ta hiện nay, thật ra nhân dân chưa phải là “ông chủ” thực sự và các vị lãnh đạo cũng không phải là những “công bộc” tận tụy mà có khi là ngược lại.
Ngoài ra, phải chăng sở dĩ xã hội ta đang tồn tại những hành vi ứng xử như trên là vì trên thực tế mối quan hệ giữa lãnh đạo với nhân dân còn quá nhiều “khoảng cách”. Một cái “khoảng cách” có thể rất nhỏ (như cái “khoảng cách” mà Bộ trưởng Bộ Giáo dục phải nhờ đến các “đồng chí” lãnh đạo địa phương chuyển tới các thầy cô giáo lời cảm ơn nhân ngày 20/11/2012 – ngày cả nước tôn vinh họ) nhưng một lần nữa cho thấy có không ít lãnh đạo vẫn chưa thật sự tôn trọng nhân dân, chưa thật sâu sát với nhân dân; chưa thật vì dân mà phục vụ, hay rộng hơn là vẫn chưa phát huy hết cái quyền được làm chủ thật sự của nhân dân;...
Vì thế, trở lại vấn đề bức thư chúc mừng của Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo, giá như ngay sau hai từ “Kính gửi” là dòng chữ: “Toàn thể quý thầy cô giáo đã và đang hoạt động trong ngành giáo dục” thì chắc là hàng triệu thầy cô giáo cảm thấy an ủi và ấm lòng biết dường nào nhất là với những người đã nghỉ hưu. Bởi như đã nói, họ mới là đối tượng chính mà Bộ trưởng cần vinh danh trong ngày 20/11. Rõ ràng trong trường hợp này câu nói của cố thủ tướng Võ Văn Kiệt ở trên rất xác đáng và vô cùng sâu sắc

1 nhận xét:

  1. Nói làm chi nữa dù anh nói quá đúng. Là vì ông bộ trưởng này được nhiều giáo chức coi là bộ trưởng GDĐT ú ớ kém cỏi nhất từ trước đến nay!

    Trả lờiXóa