Thứ Tư, 30 tháng 11, 2011

MƯA HUẾ ...HUẾ MƯA - TRẦN KIÊU BẠC


Huế như dài ra theo cơn mưa
Huế khoác khăn che mỏng bụi mờ
Huế thả chùm mây theo vạt áo
Nhón bàn chân nhỏ gót tiểu thư

Mưa rót cô đơn lòng thiếu phụ
Mưa chìm phố cổ đợi ai qua
Mưa trải rộng thêm ngàn tâm sự
Mưa nhả vào tim nỗi nhớ nhà

Mưa Huế hình như chỉ bắt đầu
Mà dài se sắt mãi về sau
Trầm ngâm một bóng ai ngồi đợi
Chỉ thấy mưa rơi đỏ mắt sầu

Huế xa xôi mà Huế thật gần
Mưa qua khuấy động cõi tình nhân
Mưa siết tay cho tình thêm ấm
Mưa tạt vào lòng những bâng khuâng

Nì hỏi nhỏ, khi mô trời mưa tạnh
Huế buồn khẽ nói, biết khi mô
Có lẽ mưa tuông chưa dứt hạt
Mưa hoài nên Huế đọng thành thơ

Hỏi nhỏ, khi mô trời mưa tạnh
Huế buồn khẽ nói, biết khi mô
Có lẽ mưa tuông chưa dứt hạt
Mưa hoài nên Huế đọng thành thơ.

TRẦN KIÊU BẠC

Thứ Ba, 29 tháng 11, 2011

CÂU CHUYỆN THIỀN THẬP MỤC NGƯU ĐỒ

10 Bức Tranh Chăn Trâu

Chúng tôi xin giới thiệu về "Mười bức tranh chăn trâu" hay "Thập mục ngưu đồ" để chúng ta cùng nhau tư duy, quán chiếu Giáo lý Phật Đà.
Bộ tranh được phát hiện sớm nhất tương truyền là của thiền sư Quách Am (Kakuan hay Kuoan Shihyuan, 1100-1200, cũng thường được gọi là Khuếch Am Sư Viễn) người Trung Quốc, sinh vào thời nhà Tống thế kỷ XII.
Thiền sư dựa vào các bản luận cũ của tiền nhân rồi họa 10 bức tranh chăn trâu, mượn hình ảnh tượng trưng của trâu trong Lão giáo, rồi viết bài tụng và lời bàn bằng văn xuôi. Bộ tranh của ngài thuần chất thiền, sâu sắc hơn các bộ tranh của các bậc tiền bối và từ đấy trở thành nguồn cảm hứng sâu xa cho các thế hệ sau này phỏng theo đó mà vẽ ra thêm nhiều bức họa khác nữa.
Từ đó ngày càng có thêm nhiều bộ tranh mới khác hoặc màu, hoặc đen trắng, bắt đầu xuất hiện ở các chốn già lam, thiền viện .
Và những bộ tranh này cũng phản ảnh được nhiều khuynh hướng khác nhau trong sự tu tập, không thống nhất một cách khô khan, mà lại uyển chuyển sáng tạo, tùy duyên truyền pháp.
Như vậy là không phải chỉ có một bộ, mà có nhiều bộ “mục ngưu đồ” khác nhau, tất cả đều đượm nhuần tinh thần Phật giáo Bắc Tông.
Tuy có nhiều bộ tranh nhưng về hình thức thời bộ nào cũng như bộ nào, mỗi bộ đều có 10 bức, mỗi bức có một bài tụng bằng thơ tứ tuyệt và một bài chú giải bằng văn xuôi cho cả tranh và bài kệ.
Còn về tinh thần thì tranh tuy có nhiều, nhưng có thể xếp thành hai loại: Đại thừa và Thiền tông.
Loại tranh theo khuynh hướng Đại thừa vẽ lại quá trình tu chứng, từ việc tự thắng bản năng mình, đến tự tri và cuối cùng là đạt đến tự tại. Loại tranh theo khuynh hướng Thiền tông khắc họa tiến trình thực nghiệm tâm linh với ba giai đoạn: sai tâm bắt tâm, tâm vô tâm và tâm bình thường.
Trong mỗi loại, tranh vẽ khác hết ,nhưng bài tụng và bài chú riêng cho mỗi loại vẫn không thay đổi. Hình ảnh người mục đồng tượng trưng cho giới thể, cho thiền định, cho chính trí, nói chung là cho chánh pháp của đức Phật.
Con trâu tượng trưng cho cái tâm của chúng sinh, cái tâm ấy là cái tâm vọng tưởng, tâm phân biệt, chất chứa đầy phiền não, mê lầm và dục vọng. Chúng sinh lấy giáo pháp chân chính của đức Phật để chữa trị các sự mê lầm và dục vọng này thì cũng tương tự như người mục đồng trị con trâu hoang dã đầy tật chứng vậy!
Dưới đây là 10 bức tranh chăn trâu, trâu chuyển dần từ đen (trâu đen tức là tâm còn buông thả) sang trắng (tâm được thuần phục dần).
10 bức tranh chăn trâu của Thiền sư Quách Am và của giáo sư thiền học Daisetz Teitaro Suzuki.

Tranh 1. Tìm trâu
Click chuột để phóng to ảnhThật ra con trâu chẳng bao giờ thất lạc. Nó vẫn sờ sờ ra đó, đâu phải kiếm tìm? Chẳng qua chỉ vì ta rời xa thực tướng cuả mình nên ta không hề thấy nó. Trong sự mê muội của sắc tướng mà ta mất dấu vết của nó.
Ở xa căn nhà, ta thấy nhiều ngỏ đan nhau, nhưng đâu là con đường chính. Lòng tham và sợ hãi, tốt và xấu ràng buộc lấy ta.
Tranh 2. Thấy dấu
Click chuột để phóng to ảnhHiểu được lời dạy, ta thấy dấu chân của trâu. Rồi ta biết rằng, như nhiều dụng cụ được chế từ kim lọai, muôn vàn sắc tướng đều do ngã tạo ra.
Làm sao ta thấy được thực và ảo nếu ta không phân biệt? Khi chưa vào được cửa, hẳn nhiên ta phải tìm cho ra con đường
Tranh 3. Được trâu
Click chuột để phóng to ảnhNó sống trong rừng đã lâu, nhưng ta bắt được nó hôm nay! Sự đắm say cảnh sắc đã làm nó lạc đường.
Vì ham muốn cỏ ngon hơn, nó lang thang phiêu bạc.
Tâm của nó còn bướng bỉnh và không chịu thuần phục. Nếu muốn nó nghe lời, ta phải dùng roi.

Tranh 4. Chăn trâu
Click chuột để phóng to ảnhTrâu bị kiềm chế bấy giờ có lẽ đã đau đớn vì bị dây vàm kéo lỗ mũi, lại sợ lãnh thêm những đòn roi, nên bắt đầu dần dà chịu phép, chịu khuất phục.
Trâu bị giơ roi dắt đi, nhưng đầu đã sạch trắng ra. Tuy là trâu hết chạy tới chạy lui hung hăng hùng hổ, nhưng trẻ chăn trâu vẫn phải nắm chặt sợi dây vàm xỏ mũi mà kéo nó đi, chưa dám buông thả, tay chưa dám bỏ cây roi.
Chú dắt trâu đi nhẹ nhàng, không còn phải dùng sức lực lôi kéo hay roi vọt đánh đập nữa.
Tranh 5. Thuần phục
Click chuột để phóng to ảnhĐến đây là đươc chút nhàn rỗi vì đã tu được nửa chặng đường rồi, ít còn phải dụng công nhiều nữa.
Người luyện tâm lúc này đã hoàn toàn điều phục được tâm ý mình và sống trong tỉnh thức.
Tâm ý đã thanh tịnh, người tu thật an lạc, thấy được sự mầu nhiệm của cuộc sống.
Thấy ra tu là hướng nội, là chuyển chính nội tâm mình trở nên thanh tịnh tốt đẹp, không phải là chuyển cảnh vật bên ngoài theo ý mình.

Tranh 6. Cỡi trâu về nhà
Click chuột để phóng to ảnhCởi trâu, ta thong thả quay về nhà. Tiếng tiêu của ta réo rắc chiều tà. Ngón tay láy nhịp, ta hòa điệu không ngừng.
Ai nghe nhạc khúc du dương này xin tấu cùng ta.
Cuộc tranh đấu đã qua; được hay thua đều không khác.
Ta hát bài ca của tiều phu và thổi điệu đồng giao. Cởi trâu, ta ngắm mây trôi bồng bềnh.
Ta đi tới dù ai có gọi giật lại.
Tranh 7. Quên trâu còn người
Click chuột để phóng to ảnhPháp bất nhị. Ta chỉ tạm mượn chuyện trâu. Nó cũng như sự tương quan giữa thỏ và bẫy, giữa cá và lưới, giữa vàng và cặn, hay trăng vừa ló khỏi mây.
Một tia sáng xuyên suốt vô thỉ vô chung.
Ta điều phục tâm nhưng thật ra chẳng có chi để điều phục.
Bởi tánh giác là của ta, theo ta suốt dọc đường sinh tử.
Giờ ta có thể ung dung tự tại với tánh giác của ta, bỏ mặc roi thừng là thứ tạm bợ.

Tranh 8. Dứt cả hai
Click chuột để phóng to ảnhVòng tròn tượng trưng cho “Viên Giác”.Trâu và người chăn, tâm và cảnh dứt hết là hiển hiện ánh chân như lung linh trong màu cỏ nội hoa ngàn.
Nhiễu sự đã qua.Tâm không còn chướng ngại. Ta không mong cầu cõi giác ngộ.Ta cũng không trú vào nơi không giác ngộ.
Vì ta không vướng mắc vào cả hai, mắt không hề nhìn thấy ta. Nếu hàng vạn chim cúng hoa trên đường ta đi, sự tán thán đó cũng chỉ là hư vô.
Tranh 9. Trở về nguồn cội
Click chuột để phóng to ảnhNgay từ ban đầu, chân lý đã sáng tõ. Qua thiền định, ta quán đến sắc tướng hợp tan.Cội nguồn là tâm thể chân thật, nó vốn sẵn như vậy, không cần phí công để tìm, không cần phí sức để trở lại.
Thấy nghe mà không phân biệt tốt xấu, hay dở, cũng giống như mù như điếc nên nói mù câm.
Trong am là chỉ cho tâm thể thênh thang trùm khắp không có một vật gì ngoài nó. Chừng đó mới thấy tự tại, thấy nước mênh mông, thấy hoa tự nở hồng nở tía mà không bận tâm không vướng mắc.
Đó là phản bổn hoàn nguyên, gọi là vào cảnh giới Phật
Tranh 10. Thỏng tay vào chợ
Click chuột để phóng to ảnhThiền Sư mặc áo bày ngực, chân không dày dép đi vào chợ để làm những việc rất tầm thường như người đời. Miệng cười hỉ hả, không cần gìn giữ giới hạnh mẫu mực của người tu, không thuyết giảng giáo lý cao sâu mầu nhiệm.
Chỉ làm con người rất bình thường để dạy cho những người bán cá, bán thịt ở ngoài chợ, ở quán rượu, là những con người không có chút đạo đức, khiến cho họ có chút đạo đức biết tu hành.
Đó là trọng trách giáo hóa của người tu đã đến chỗ viên mãn.Chỗ này là chỗ thiết yếu, hành giả cần phải hiểu cho rõ, người tu sau khi vào cảnh giới Phật tức là đã triệt ngộ, rồi mới vào cảnh giới ma để lăn xả vào đời, làm lợi ích cho đời.

(Thiền sư Quách Am và của giáo sư thiền học Daisetz Teitaro Suzuki.)

Thứ Hai, 28 tháng 11, 2011

PHÁP MÔN CHĂN TRÂU



Pháp môn Chăn Trâu

Trong một bài hát quen thuộc với mọi người chúng ta, có câu: "Ai bảo chăn trâu là khổ? Chăn trâu sướng lắm chứ!". Ðó là lời mở đầu của một ca khúc nói về sinh hoạt của các mục đồng chăn trâu ở thôn quê. Trong Phật giáo, đặc biệt là thiền tông, chư vị Tổ Sư chỉ dạy một phương pháp tu hành gọi là "Pháp Môn Chăn Trâu".
Pháp môn này áp dụng triệt để lời dạy của Ðức Phật, trong cuộc sống hằng ngày của người Phật Tử, tại gia hay xuất gia. Khi hiểu được và hành được pháp môn này, người Phật Tử sẽ thấy được con đường vào đạo, tâm sẽ được nhập lưu, tức là nhập vào dòng thánh, khác với dòng đời, tuy thân vẫn sống ở đời, như bao nhiêu người khác, mà tâm không hề khổ đau lụy phiền.
Khi hiểu được và hành được pháp môn này, trí tuệ sáng ra, cuộc đời thay đổi kể từ ngày này, người Phật Tử đối với Chánh Pháp, sẽ không còn thoái chuyển, phát tâm tu dưỡng, phát nguyện chăn trâu, việc ác ngưng làm, quyết làm việc thiện, không còn mặc cảm, tự tôn tự ti, chân trời an lạc và hạnh phúc bắt đầu ló dạng.

_Khi hiểu được và hành được pháp môn này, người Phật Tử không còn đi vòng vòng bên ngoài, vừa vui chơi thích thú, cười nói hả hê, cũng vừa kêu khổ, kêu khổ chưa xong, cầu nguyện van xin, khấn vái khẩn cầu, vừa mê tín dị đoan, vừa tiền mất tật mang, chẳng lợi ích gì, hết cầu an cầu siêu, đến cầu đoàn tụ, cầu buôn may bán đắt, cầu trúng số độc đắc, thực sự có được gì đâu?
_Khi hiểu được và hành được pháp môn này, người Phật Tử tại gia không còn thấy chuyện tu tâm dưỡng tánh là chuyện của những người xuất gia vào ở trong chùa, mà tu tâm dưỡng tánh chính là chuyện của mọi người, chuyện của chính mình, chuyện của bất cứ ai muốn giảm bớt khổ đau, muốn xuất phiền não gia, muốn ra khỏi căn nhà lửa, muốn được an lạc và hạnh phúc ngay hiện tại, trên thế gian này, trong mọi hoàn cảnh, trong cuộc sống hằng ngày.

Con người luôn sống trong mộng tưởng, cho nên luôn luôn mơ ước cảnh giới thiên đàng cực lạc, mà không biết mình đang sống trong hiện tại, không biết mình đang sống một cuộc đời hết sức vô nghĩa, chẳng làm gì ích lợi cho ai, chỉ biết ăn ngủ hưởng thụ, đấu tranh giành giựt, hơn thua phải quấy, rồi chờ ngày chết!Bởi vì sống trong điên đảo, cho nên con người nhận lầm cái giả tưởng là thực, cái khổ lại cho là vui.Chẳng hạn như nhiều người cứ tưởng cái xác thân này là "mình" và sẽ mang cái xác đó lên thiên đàng hưởng phước, hoặc đem cái xác đó lên cực lạc cho sướng tấm thân!
Ðâu chẳng biết rằng, sau khi hết thở, chính cái xác này, gọi là thây ma, ai dám đến gần?
Cát bụi sẽ trở về cát bụi! Chỉ có nghiệp báo thiện ác theo "mình", như hình với bóng, không bao giờ rời, qua bao nhiêu kiếp sau nữa.Còn "mình" thực ra là ai, thì lại chẳng biết! "Con Người Chân Thật" đã bị vô minh che lấp tự lâu lắm rồi, mà chúng ta vẫn không chịu tỉnh thức để nhận ra!
Con người thức tỉnh biết "dừng nghiệp và chuyển nghiệp" thì trí tuệ bừng sáng
Ðiều quan trọng hơn hết trong việc tu tâm dưỡng tánh, chính là chúng ta phải biết cách chăn trâu.
Nghĩa là: chúng ta phải biết cách dừng các vọng tâm, vọng tưởng, vọng thức, vọng niệm. Ðó chính là công phu tu tập theo đạo Phật, để cải thiện cuộc đời mình, để chuyển hóa những ưu tư phiền muộn, trở thành vô tư tự tại. Chẳng hạn như khi, tâm tham nổi lên, lợi mình hại người, muốn được bạc triệu, xài chơi cho sướng, nghĩ cách hại người, bất chấp thủ đoạn, chúng ta liền biết, lập tức dừng ngay, không nên tiếp tục, theo đuổi vọng tâm, vọng tưởng vọng thức, vọng niệm đó vậy, tức là chúng ta, đã dừng được nghiệp, và chuyển được nghiệp.
Khi đó, con người sẽ tự tại bước ra khỏi màn vô minh, thoát ra khỏi sanh tử luân hồi, không còn phiền não và khổ đau, sống trong an lạc và hạnh phúc. Ví như khi nào mây đen tan hết, bầu trời lại trong sáng, mọi cảnh vật hiện rõ ràng trước mắt, nhìn thấy muôn sự mọi việc "đúng như thực", không còn mơ hồ, không còn điên đảo, mình sẽ nhận biết rõ ràng "mình là ai", không còn nghi ngờ gì nữa cả.
Nhưng làm sao để thức tỉnh, làm sao để trí tuệ bừng sáng?

Lúc nào mình làm chủ được con trâu của mình, tức là làm chủ được thân và tâm mình.
"Thấy cũng như không thấy, nghe cũng như không nghe, nói cũng như không nói." Khi tiếp xúc với cảnh trần, nhưng không ý kiến, không lập tri, không khởi tâm phân biệt, tức là không dấy khởi vọng tâm, vọng tưởng, vọng thức, vọng niệm, cũng như lúc không tiếp xúc với trần duyên vậy.
Trong Kinh Thủ Lăng Nghiêm, Ðức Phật có dạy:

"Tri kiến lập tri tức vô minh bổn.
Tri kiến vô kiến tư tức Niết bàn".

Nghĩa là khi sống ở đời, chúng ta hiểu biết tất cả mọi việc, nếu dấy khởi vọng tâm, vọng tưởng, vọng thức, vọng niệm thì gặp phiền não khổ đau, đó là gốc của vô minh. Nhưng nếu không dấy khởi vọng tâm, vọng tưởng, vọng thức, vọng niệm, thì chúng ta sống được trong cảnh giới niết bàn.
Pháp môn chăn trâu trình bày phương pháp tu tâm dưỡng tánh qua mười giai đoạn
Giai đoạn này là lúc hành giả đã biết dừng nghiệp và chuyển nghiệp.
Mắt trông thấy sắc rồi thôi, không còn lưu giữ bất cứ hình sắc nào trong kho tàng tâm thức, dù đẹp dù xấu, dù dễ thương dù thấy ghét.
Tai nghe thấy tiếng, nghe rồi thì không, không giận không hờn, không yêu không hận.
Trong lòng, trong tâm thức, không khởi lên bất cứ một niệm nào, khởi lên là liền biết, không theo, niệm đó sẽ lặng đi.
Không theo có nghĩa là: không để cho con trâu dẫn dắt mình đi tạo nghiệp!
Chư Tổ có dạy:
"Nội cần khắc niệm chi công.
Ngoại hoằng bất tranh chi đức".

Nghĩa là: Bên trong khắc chế được tâm niệm lăng xăng lộn xộn, tức là luôn luôn chăn trâu, được gọi là công phu tu tập. Bên ngoài hành trì đức độ của người không tranh cãi. Ðó là những việc phải làm của người chân tu thực học.
Chăn trâu nghĩa là: Không theo sức mạnh, sức kéo sức lôi, của tánh tham lam, sân hận si mê.
Chăn trâu nghĩa là: Phải biết kềm giữ, xỏ mũi kéo lại, đừng để con trâu, dẫn mình đi đâu, tạo tội tạo nghiệp.
Nghĩa là: con người vì lăn lộn trong cuộc đời, bị vọng tâm, vọng tưởng, vọng thức, vọng niệm lôi cuốn, che lấp bản tâm thanh tịnh, quanh năm suốt tháng cả ngày, quên mất con người chân thật của chính mình .Trong kinh sách gọi là "nghiệp thức che đậy", lúc làm người tốt, khi làm kẻ xấu, sanh tử tử sanh mãi mãi, không biết đến bao giờ mới chịu dừng nghiệp và chuyển nghiệp.
Ðến đây, hành giả nhận ra rằng, hạnh phúc của mọi người trên thế gian cũng là hạnh phúc của mình.
Tâm địa bồ tát, tấm lòng vị tha, vì người quên mình, của hành giả tăng trưởng. Hành giả mang đạo vào đời, làm sáng đẹp cho đời, mà không bị đời làm ô nhiểm.
Hành giả thanh thản, thảnh thơi, thơi thới, nhẹ nhàng bước ra khỏi cảnh trầm luân, sanh tử luân hồi. Ðến đây, hành giả nhận ra rằng:
Hạnh phúc của mọi người trên thế gian cũng là hạnh phúc của mình.

"Mắt trông thấy sắc rồi thôi
Tai nghe thấy tiếng nghe rồi thì không
Trơ trơ lẵng lặng cõi lòng
Nhẹ nhàng ta bước khỏi vòng trầm luân".
"Ðó chính là mục đích, cũng là kết quả của "Pháp Môn Chăn Trâu".

Cư-sĩ Chính-Trực
(Toronto - Canada)

Chủ Nhật, 27 tháng 11, 2011

KHI EM VỀ LÀM DÂU XỨ NẪU - HỒ NGẠC NGỮ


Đừng giả giọng miền Nam kẻo nẫu lại cười
Ngữ đó mới đi mà đổi tiếng
Miếng thịt em đừng kêu miếng thịch
Con cá rô đồng đừng nói cá gô

Có những điều mong em nhớ cho
Khi em về làm dâu xứ Nẫu
Chiếc áo hai dây ra đường đừng mặc
Kẻo ngọn gió nồm kêu em lẳng lơ

Gặp những người già em phải dạ thưa
Để khỏi bị chê là người vô phép
Ăn trái chuối phải bẻ đôi mới lột
Tập uống chè xanh đỡ nóng mùa hè.

Ăn những món nẫu mời em đừng có chê
Người xứ Nẫu quí nhau mới đãi
Anh phải dặn em vì em là con gái
Sinh ở trong Nam nhưng gốc quê mình

Sống với nhau có nghĩa có tình
Có lẽ ở đâu người mình cũng vậy
Nhưng nếu về quê lâu ngày em sẽ thấy
Dẫu có khó nghèo, chồng vợ vẫn thương nhau !

Thứ Bảy, 26 tháng 11, 2011

NGUYỄN TUÂN VỚI HUẾ - NGỌC TRAI


Nhà văn Nguyễn Tuân - Ảnh: Thế Hùng
Một số anh chị em ở Huế biết tôi có ghi chép được ít nhiều về Nguyễn Tuân, bảo tôi viết lại và gửi cho Tạp chí Sông Hương. Riêng tôi, muốn tạo một dịp để anh Nguyễn nói trực tiếp với bạn đọc Sông Hương, nên xin được hỏi anh Nguyễn chung quanh chuyện Huế, được anh Nguyễn nhận lời, tôi xin trung thành ghi lại toàn bộ cuộc trò chuyện đó.

HỎI: Thưa Anh, trong tác phẩm của anh người đọc bắt gặp thấp thoáng nhiều ngôn ngữ, thậm chí cốt cách Huế, xin anh nói cho đôi điều về hiện tượng đó.

ĐÁP: Tôi cứ vấn vương với Huế vì đã có nhiều thời kỳ sống ở Huế. Hồi nhỏ tôi đã ở Huế, thầy tôi làm ký lục ở Tam tòa, nhà bên Gia Hội. Thầy tôi hay đi đây đi đó đi đò trên Sông, lên Tuần, về chợ Dinh... lúc nào cũng dắt tôi đi theo ; thế là những hình ảnh điện Hòn Chén, chùa Thiên Mụ, chùa Diệu Đế bốn lầu ba chuông nhập vào mình lúc nào không biết.

Xin lộ một điều này nữa: Ông nội tôi có mấy bà, trong đó có một bà người Huế. Thầy tôi, Cụ Tú Hải Văn, chính là con bà Huế đó. Như vậy, Huế là quê ngoại của thầy tôi. Chắc là tôi có được thừa hưởng ít nhiều máu Huế đó.

(Bỗng Nguyễn Tuân gật gù hóm hỉnh) Bây giờ, sau trận chảy máu dạ đày suýt chết vừa rồi, được bệnh viện Việt-Xô chuyền cho ba lít máu, không hiểu tôi được thừa hưởng thêm dòng máu và tính nết tốt đẹp của những ai đây?

Thầy tôi lại còn đèo bòng thêm một bà Huế. Vì vậy, sau này về hưu, thỉnh thoảng thầy tôi vẫn trở lại Huế và thường dẫn tôi theo. Tôi còn bé nhưng dường như cũng có thông đồng với ông cụ về chuyện này. Tôi hiểu được đôi nét ứng xử tinh vi, tế nhị của người Huế một phần là thông qua những nhận xét của thầy tôi.

Có lần ăn cơm nhà bà Huế, bố con tôi được bà thết một “bữa cơm muối”, tôi nhớ đúng là có mười hai đĩa muối: muối tiêu, muối ớt, muối mè, muối đậu phụng, muối sả, muối riềng, muối khuyết khô... Khi ra về, ông cụ bảo: Bà ấy nhắc khéo là bà ta hết tiền rồi đấy. (Tôi nhớ là chi tiết này Nguyễn Tuân đã viết trong bài “Nhớ Huế”, năm Mậu Thân. Đúng là Huế đã để lại trong Nguyễn Tuân những dư vị khó quên như vậy. Nguyễn Tuân lại nói sang những nhận xét của anh về Huế). Người Huế có cái kiểu complexe lạ lắm. Chị cũng là người hoàng phái, tôi kể cho chị nghe câu chuyện của các “mệ” (Nguyễn Tuân dừng lại một lúc khá lâu, như để hồi tưởng lại kỷ niệm cũ, sau khi nhấp một ngụm rượu anh kể, không, phải nói là anh diễn lại) Mệ đến hiệu thợ may, lân la một hồi rồi lấy cắp cái quần. Anh thợ may trông thấy nhưng sợ uy mệ không dám nói ngay, khi mệ ra về, tiếc của, anh thợ may chạy theo ra gãi đầu gãi tai và rụt rè thưa: (Đến đây, Nguyễn Tuân chuyển sang giọng Huế, nhiều lần anh nhắc cho tôi nhớ anh đã từng là diễn viên thì ở đây cái tài nghệ diễn viên của anh đã được bộc lộ một cách sắc sảo. Anh diễn lại đoạn đối thoại này bằng cả động tác và ngôn ngữ của người trong cuộc, đặc biệt là điệu bộ và giọng nói của mệ, tiếc là tôi không đủ khả năng để thể hiện lại đúng được hết hoạt cảnh này).

- Dạ, thưa mệ...

Mệ trợn mắt, quát to, dồn dập:

- Chi? Mi xin cái chi? răng không nói ngay, mi xin cái chi? hứ?

Anh thợ may nhỏ nhẹ, rụt rè:

- Dạ, khi hồi... mệ có khuấy chơi cái quần... dạ, mệ cho con xin.

Mệ tỉnh khô và phản công tiếp:

- Có rứa thôi mà mi mở miệng không ra, cứ dạ với thưa hoài làm tau bắt mệt!... Bây ngu lắm! Răng tau lấy trước mắt bây mà bây không biết hứ!... Đây, mệ cho! lần sau mà cứ như rứa là mệ chém ba cái đầu nghe!

(Và anh Nguyễn Tuân đưa ra lời bình) Ghê chưa! Từ một complexe d'inferiorité(1), mệ chuyển ngay thành một complexe de superiorité (2) một cách thông minh, láu lỉnh. Giá bây giờ khoa học có cách chi tiêm thuốc mà giữ cho sống mãi được thì phải tiêm mà giữ lại vài mệ như rứa để đưa vào bảo tàng thằng người cũ!

HỎI: Sau này, khi viết văn, làm báo, anh vẫn thường vô ra Huế?

ĐÁP: Hồi xưa tàu hỏa tốc hành Hà Nội - Sài Gòn chỉ mất 48 tiếng, tức hai ngày hai đêm tròn. Về sau, nó rút xuống còn 40 tiếng. Hễ buồn tình là tôi lại xách cái cặp da, trong chỉ có mỗi bộ pyjama, chống cái ba-toong là lên tàu đi thôi. Hồi đó chưa đau chân, cầm ba-toong là một lối chưng diện kiểu công tử ăn chơi. Đi Sài gòn tôi hay ghé Huế vì Huế ở trung độ. Tổ chức tàu bè hồi đó cũng thuận tiện. Anh cứ mua vé Hà Nội-Sài Gòn, qua Huế anh muốn xuống cứ việc xuống, anh vào ga đóng cái dấu, thế là khi cần đi tiếp thì cứ thế lên tàu mà đi. Có khi tưởng ghé lại chơi một hai ngày, tôi ở lại hàng tháng. Đôi khi cũng chả cần mua vé, đi lại nhiều như mình, cứ tiền mua vé cũng đủ chết. Tôi làm quen với nhiều bạn xe lửa. Khi thích đi thì tìm hỏi xem ngày nào bạn mình đến phiên trực tàu, cứ thế theo bạn lên tàu mà đi cùng cả nước!

HỎI: Xin anh kể lại một vài kỷ niệm về Huế hồi đó.

ĐÁP: Một lần tôi làm phóng viên cho Trung Bắc Tân Văn vào dự lễ Nam Giao. Cũng mặc áo đen, đội khăn đóng, đi dày hạ lên đàn xem tế. Chắc Chị cũng biết ngày hội Nam Giao đối với Huế là như thế nào. Mấy anh nhà hàng được một dịp xoay dân tứ xứ về xem hội tế. Ngày đó, tôi ở khách sạn Hương Giang gần chợ Đông Ba. Nước Sông Hương trong vắt, thiếu chi, rứa mà sáng ra, lấy cốc nước đánh răng, chủ khách sạn là Tôn Thất Đề tính tôi hai giác. Tôi hỏi: Tính toán kiểu chi mà kỳ cục rứa? Hắn tỉnh khô: - Dạ bẩm quan, là ngày tế Nam Giao! (Những đoạn đối thoại với người Huế này anh Nguyễn nói giọng Huế rất trúng kiểu Huế).

Kỷ niệm trên sông Hương thì nhiều lắm. Có khi trong túi không có tiền nhưng cứ chiều chiều là vào khách sạn Morin ngồi uống rượu. Cứ ngồi đó, gọi bồi thật dõng dạc, vừa uống, vừa chờ, thế nào cũng có vài thằng bạn kéo đến, anh nào có tiền, hôm ấy phải bao. Tối, tất cả rủ nhau xuống đò, xuôi về rạp hát Bà Tuần. Tôi đi thẳng vào sau cánh gà tìm cô Ba Vĩnh, cô đào nhất của rạp hát Bà Tuần. Cô Ba đưa ra ít tiền lẻ, tôi dắt túi, rồi đàng hoàng ra ngồi ở hàng ghế hạng nhất, trước cái trống chầu, sắp đến giờ hát, người hầu bưng ra cái khay trên để dùi trống, quan chơi sang là phải cho tiền rồi mới cần chầu. Tan buổi hát ở rạp Bà Tuần, lại rủ cô Ba Vĩnh xuống đò, lại giong ra giữa dòng Hương giang đàn hát suốt đêm. Đêm trên sông Hương có nhiều thuyền bán quà bánh. Một chiếc thuyền con, trước mũi treo ngọn đèn đỏ, cô lái đò hai tay thoăn thoắt bơi chèo, miệng rao lảnh lót: nem nướng, chè thịt quay, chè cá thu, dấm nuốt… Có khi các quan không có đồng nào vẫn gọi thuyền quà đến, chén xong, đuổi: - Thôi đi đi, mai trả!

Đó cũng là một kiểu, sống “bụi đời” bô-hê-miêng, chứ chi nữa?

Đò trên sông Hương cũng là một thứ khách sạn nổi. Có lần tôi sống hàng tháng trời dưới những khách sạn nổi ấy. Ngồi dưới đò viết feuilletons gửi từng kỳ ra tuần báo ngoài Hà Nội, rồi lại ra bưu điện săn đón mandat nhuận bút. Một phần của Thiếu quê hương được viết dưới đò Huế. Một số truyện trong Vang bóng một thời lấy cảnh sinh hoạt ở Huế có khi tên nhân vật cũng là tên một số người quen nổi tiếng ở Huế. Có lần mình sống dưới đò lâu quá, cụ lái muốn vòi thêm tiền lại thưa: Bẩm quan, đến hạn phải hui đò(3). Thế là lại phải đưa thêm tiền cho cụ lái không thì cụ buộc phải lên bờ thật.

Sống ở Huế, ra vô nhiều lần với Huế rồi thì lời ăn tiếng nói, cách xưng hô, ứng xử của Huế cứ vào mình lúc nào không biết. Lối xưng hô của Huế cũng có cái khác lạ làm tôi chú ý. Trước hết là cách xưng hô của các “mệ”, đàn ông cũng xưng mệ. Mình làm báo, người ta gọi là “quan tham nhật trình”, lại có quan tham lục lộ, quan thương, quan thị... Lại từ “cụ” mới rầy rà chứ: Cụ thượng, cụ tuần, cụ lái, cụ xe...

Thầy tôi, cụ Tú Hải Văn, có làm mấy câu thơ vui về cụ lái, cụ xe ấy:

Ối cụ xe ơi cụ lái ơi.
Xa nhau nhắn nhủ một đôi lời.
Con đường lục bộ sông Hương Thủy
Mấy kẻ đi về, kẻ ngược xuôi.

***
Dã viên cây cỏ chiều êm gió
lăng tạ lâu đài lúc tạnh mưa
Con sông có nhớ ta chăng?
Ta về ta nhớ cái thằng đò đưa

HỎI: Nghe chuyện Anh, và đọc tác phẩm của anh, mặc dù anh luôn tự hào tự phê phán, thậm chí có lúc tự phủi nhận cái quá khứ của mình, nhưng tôi vẫn cứ cảm thấy Nguyễn Tuân trước và sau Cách mạng vẫn là một. Hay nói cách khác việc anh tham gia cách mạng như là một điều tự nhiên hay tất yếu. Theo anh cảm nghĩ đó có đúng được phần nào không?

ĐÁP: Trước 1945, tôi không hề biết gì về cách mạng. Ngày ta đánh chiếm Phủ Khâm Sai tôi còn khăn đóng, áo đen “đi xem”! Hồi học năm thứ tư ở Collège Carreau Nam Định, bị bọn giáo viên tây đầm sà-lù, mẹc, xúc phạm đến tinh thần dân tộc của mình, tôi hô hào bãi khóa - bị tù. Phải nói rằng việc làm đó là một sự bột phát, nó cũng là do cái máu nổi loạn trong người mình chứ chưa phải do giác ngộ cách mạng gì cả.

Năm 1941 diễn ra cuộc tranh cãi sôi nổi giữa phái nghệ thuật vị nghệ thuật và nghệ thuật vị nhân sinh, tôi vẫn còn theo phái vị nghệ thuật. (Nguyễn Tuân lại nhắp một ngụm rượu và gật gù hóm hĩnh) Mình phải nhận cái tội của mình như thế.

Đến Kháng chiến Nam Bộ, Hội văn hóa cứu quốc tổ chức một đoàn văn nghệ sĩ vào mặt trận khu 5, đoàn gồm có Nguyên Hồng, Sĩ Ngọc, Nguyễn Văn Tỵ, Nguyễn Đình Lạp và tôi. Anh Trần Huy Liệu đưa cho mỗi người một nghìn đồng tiền Cụ Hồ. Khi cầm tiền tôi hỏi anh Liệu: - Như thế này là tôi phải viết mấy bài? Ấy cái tính của tôi nó cứ hay sục sặc như vậy! Thế là mình cà khịa với cách mạng chứ gì nữa? May sao anh Liệu lại tỏ ra rất thoải mái. Anh cười và bảo: Anh cứ cầm lấy mà tiêu còn có viết hay không là tùy, thích thì viết không thích thì thôi.

Trước lúc lên đường, ông Tố Hữu lại đưa thêm một nghìn nữa. Tôi từ chối và nói: Anh Liệu đưa cho rồi. Anh Lành trả lời: Số tiền này anh đưa về cho chị và các cháu. Sự thật tôi đã không đưa đồng nào về cho vợ con mà mang theo cả vào mặt trận Khánh Hòa - Phú Yên.

Tôi kể một vài chi tiết nho nhỏ ấy để nói rằng chính những thái độ ưu ái, cởi mở ấy của ông Tố Hữu và ông Trần Huy Liệu là những yếu tố thêm vào cho mình dứt khoát đi với cách mạng và chuyển hẳn sang quan điểm vị nhân sinh.

Từ mặt trận Khánh Hòa trở về, tôi ghé Huế để nói chuyện chiến đấu ở mặt trận với đồng bào. Huế dưới mắt tôi lúc này đã có nhiều đổi mới. Những cô gái Huế trước đây mặc áo tím, đội nón bài thơ thì bây giờ là những cô nữ tự vệ thành phố, mặc áo ka ki, cắt tóc ngắn, đội mũ ca-lô. Trên các đường phố học sinh, các bà bán chợ Đông Ba, các cụ xe, cụ lái... rầm rập đi biểu tình ủng hộ Nam Bộ kháng chiến và đây đó các cô nữ du kích áo quần bà ba đen, tập côn tập kiếm, múa rất dẻo.

Đoàn tôi về đến Thanh Hóa thì ta phá đường tàu, tiêu thổ kháng chiến. Lúc này, ông Đặng Thai Mai tập hợp anh em văn nghệ sĩ để hoạt động kháng chiến, ông Tố Hữu cũng về đó. Tôi theo đoàn kịch “Tiền Tuyến” đi biểu diễn khắp khu IV.

Hồi vỡ mặt trận Huế, người Huế tản cư ra khu IV đông lắm. Đi biểu diễn, tôi thường gặp gỡ các gia đình Huế này để trò chuyện. Tôi lại xin kể về một nhân vật Huế: tôi kể về chuyện quan thương làm cách mạng (quan thương tá hiệp thương giữa nam triều và bảo hộ tên là Hoàng Phùng). Quan Thương tản cư ra khu IV, ngồi tán gẫu với bọn tôi, quan nói trạng. (Nguyễn Tuân lại bắt chước giọng Huế của Quan Thương và thái độ sừng sộ, làm phách của một ông công chức cũ để diễn lại chuyện này. Nhiều lần Nguyễn Tuân đã viết về chuyện mình từng là diễn viên điện ảnh. Giá lúc này có băng vi-đê-ô cát-xét mà ghi lại thì mới hiện lên hết cái hay của giọng Huế mình qua “diễn xuất” của Nguyễn Tuân).

- Chừ các anh làm cách mạng sướng như tiên, chứ cứ nghĩ lại cái thời của tụi tui, ui chao, hắn cực cách chi là cực! Tui làm ở tòa công sứ Thanh Hóa. Cứ nguyên cái chuyện phải đến sở đúng giờ phăm phắp là đã làm mình bắt mệt rồi rứa mà có hôm cái thằng công sứ, hắn bực cái chuyện chi mô ở nhà, đến sở hắn cứ xà lù mẹc nhắng cả lên. Tui mới bỏ ra khỏi phòng, đóng cửa đánh cái rầm! Nghĩ đi nghĩ lại tui vẫn chưa hết tức, quay vào nhìn thẳng vào mặt nó tui uấy me-xừ lơ Rê-di-đăng! (le Résident) lại đóng cửa đánh cái rầm to rồi bỏ đi thẳng. Rứa mà ngày hôm sau, sở mật thám hắn đã biết rồi đó! Có mệt không?

HỎI: Người ta nói anh có ăn tết ở Huế? Có cái Tết nào đáng ghi nhớ xin anh kể lại với bạn đọc Sông Hương.

ĐÁP: Hồi tôi theo Cha tôi vào Huế cứ sắp đến Tết là bà cụ lại vào đón cậu con trai đầu lòng trở về Hà Nội. Không bao giờ cụ bà chịu để tôi ăn Tết ở Huế cùng với ông cụ. Cụ làm điều đó để chứng tỏ quyền lực của cụ đối với gia đình, nhưng có lúc làm mình đến khổ. Có năm, ngày 30 Tết vẫn còn lềnh đềnh dọc đường, tôi có viết ở đâu đó về một cái Tết ở ngoài nhà mình thì coi như không có Tết. (Ngẫm nghĩ một lúc, anh Nguyễn nói tiếp): Tôi kể cho chị nghe về một cái Tết Tây. Bây giờ nghĩ lại cũng hay, nhưng lúc đó thì không phải như thế! (Anh Nguyễn lại cười hóm hỉnh).

Cách đây đúng 44 năm. Có thể nói tính từng năm, từng tháng, từng ngày và nếu không ngoa thì có thể từng giờ. Vì cũng đúng cái chiều hôm nay (chiều hôm ấy lúc tôi ngồi hỏi chuyện tại nhà anh Nguyễn là chiều 31-12-1985) một người lính tập giải tôi từ Sở mật thám Nam Định lên Hà Nội, đến đây là vừa đúng hết năm tây 1941. Mình đi bộ theo người lính tập, thấy xung quanh mọi người đạp xe mang hoa đến sở Tây để biếu các sếp. Tối nó ký tôi vào Hỏa lò. Sáng hôm sau, đúng Tết Tây, người lính tập lại áp giải tôi đi tù, đi bộ qua thị xã Hòa Bình, qua Vụ Bản rồi lên Nho Quan. Cũng chuyến đi căng ấy, có rất đông nhóm “Ngày nay”, họ đi bằng ô tô.

Thế là được ăn một cái Tết tây trên đường đi căng cùng với một anh lính tập! Bây giờ thì có thể uống rượu mà nhớ lại cái kỷ niệm ấy và coi như một chuyện vui chứ gì nữa! (Lúc này, anh Tô Hoài, vừa đi họp với đại biểu nhân dân Thủ đô để báo cáo về cuộc họp Quốc Hội, ghé vào. Chị Tuân mang ra một đĩa lòng gà mới luộc đang bốc khói. Anh Nguyễn mời anh Tô Hoài cạn chén rượu, còn tôi thì được uống bia.

Tôi vẫn còn muốn khai thác tiếp nên trong lúc những người uống rượu uống tiếp thì tôi vẫn tiếp tục hỏi)

HỎI: Một nhà văn chuyên nghiệp thường có ba việc chính là đi, đọc, viết. Vậy xin Anh cho biết cụ thể ở anh công việc đó được tiến hành như thế nào? Ở Anh hình như việc viết văn làm báo cũng không tách rời nhau bao nhiêu?

ĐÁP: Đúng là cái nghề viết văn cũng chỉ quanh quẩn ở ba việc: Đọc, đọc sách của nước mình và phải đọc nhiều của nước ngoài, phải đọc cả Đông, Tây, Kim, Cổ. Còn đi thì đối với tôi, người ta đã coi như một cái bệnh - bệnh xê dịch. Trong nước tôi đã đi khắp, lên đến chóp Lũng Cú. Cao nhất là đỉnh Phăng-xi păng cũng đã leo đến nơi rồi, nhưng còn mũi Cà Mau thì chưa ra tới. Hồi chưa giải phóng có về đến thị xã Minh Hải nhưng đò giang khó khăn, tôi chưa ra được đến đất mũi. Chính ra, nhà văn cần phải đi rộng nữa ra cả thế giới, đi theo kiểu đi du lịch cơ. Tôi cũng vào loại được đi ra nước ngoài nhiều nhưng chỉ đi họp hành, tham quan, nghỉ mát đó chưa phải lối đi hay nhất của nhà văn. Còn việc viết là tất nhiên rồi. Có khi cả ba việc cùng làm được, có khi chỉ làm hai việc và có lúc chỉ làm một việc. Tôi nhớ, tôi có viết một câu như thế này: “Đi để mà viết, viết để lấy cái mà đi, có đồng nào cho đi hết!” (Anh Nguyễn lại chậm rãi châm thuốc lào và rít một hơi rõ kêu. Tôi cứ tưởng anh chỉ nói thế, định hỏi thêm thì anh như sực nhớ lại, từ tốn kể tiếp)

Hồi ở tù về, bà cụ muốn giữ chân mình ở nhà, mới lấy cho bát họ để mở hiệu sách. Tôi làm đại lý cho các báo: Trung Bắc Tân Văn, Thanh Nghệ Tĩnh, Tiểu thuyết thứ bẩy... và cũng làm luôn chân thông tin viên cho các báo. Cứ mỗi tin của tôi đăng ở trang nhất thì Trung Bắc Tân Văn trả cho hai xu một dòng, đăng ở các trang sau thì cứ hai dòng một xu (hồi đó một bát phở giá hai xu).

Tôi nhận viết cho nhiều báo; dần dần viết truyện feuilleton rồi nhận một chuyên mục cho tạp chí Tao Đàn, số nào cũng phải có một bài. Chính viết những bài cho chuyên mục Vang và bóng một thời ở Tao Đàn sau này tập hợp lại thành sách, bỏ chữ và đi thành Vang bóng một thời. Truyện ngắn đầu tiên của tôi đăng ở báo Đông Tây của Hoàng Tích Chu lấy tên là “Bể hoạn bao giờ bằng lấp” nhằm chửi bọn quan lại. Cái tên nghe rất biền ngẫu vậy mà Hoàng Tích Chu đã trả tôi ba mươi đồng nhuận bút về cái truyện ngắn đó. Chả là hồi này Hoàng Tích Chu mới ở Pháp về, muốn khuyến khích thể văn xuôi mới để chống lại lối văn phú lục (hồi đó ăn cơm tháng thật sang chỉ mất 3đ5 một tháng: một bộ complet bình thường giá 25đ).

Đối với tôi việc làm báo và viết văn luôn luôn có mối quan hệ chặt chẽ, có khi nó là một. Tất nhiên báo chí đòi hỏi tính kịp thời, chất thông tấn, nhưng bài báo hay, có tính nghệ thuật mới đi vào lòng người được. Người làm báo cũng đòi hỏi phải hiểu biết rộng. Anh mà có nhiều tích lũy, có vốn hiểu biết về văn hóa và đời sống sâu sắc phong phú thì anh càng ứng phó nhậy bén đối với tình hình và viết bài sắc sảo. Lao động nghệ thuật là sự đánh nhau với chữ nghĩa nhưng anh phải tích lũy, phải lao động như thế nào để khi viết ra người đọc cảm thấy nhẹ nhàng. Phải tỏ rõ được sự hàm dưỡng trong bài văn của mình. Đừng lộ cho người đọc thấy mình phải thở hồng hộc, bở hơi tai ra. Đúng là mình phải bở hơi tai làm việc cật lực, nhưng để đem đến cho người đọc một bài văn nhẹ nhàng, thanh thoát. Đọc xong bài văn, câu hết chữ rồi, nhưng ý vẫn còn dư.

HỎI: Xin anh cho một vài lời khuyên đối với người viết trẻ?

ĐÁP: - Phải đọc nhiều. Đi thực tế là cần thiết nhưng chưa phải là đủ. Phải đọc nhiều đọc rộng thì mới có kiến thức để lý giải những điều mình thấy. Theo tôi vốn đọc sách cũng là một nguồn thực tế. Đó là một cách tích lũy thực tế qua kinh nghiệm của người khác.

- Về viết thì tôi muốn nhắc lại lời của hai nhà văn (tôi quên tên) nhưng tôi luôn cố gắng làm theo lời của hai nhà văn đó:

Một người nói rằng: Anh phải viết như thế nào để khi người ta đọc đi đọc lại thật kỹ vẫn thấy không thể thêm vào được một chữ nào.

Nhà văn nói câu sau này tôi cho là đáng sợ hơn: Anh phải viết như thế nào để khi người ta đọc đi đọc lại thật kỹ vẫn thấy không thể bớt đi được chữ nào.

- Về sống: Nhà văn trước hết phải trung thực.

HỎI: Được biết anh thường theo dõi và đọc Tạp chí Sông Hương khá đều đặn. Anh có nhận xét gì về Tạp chí này?

ĐÁP: Ngoài Hà Nội và một số báo ở thành phố Hồ Chí Minh, Sông Hương là tờ tạp chí hay - có nội dung mới, súc tích chịu chấp nhận nhiều phong cách và trình bầy đẹp. Việc in phụ bản đầu kỳ là một cố gắng lớn của anh em làm tạp chí. Tôi biết đó là việc làm tốn kém và mất nhiều công phu, nhưng nó làm cho tờ Tạp chí sang trọng lên nhiều lắm. Tôi rất thích những tranh phụ bản của Phạm Đăng Trí, của Bửu Chỉ, Đinh Cường... Bìa của Bửu Chỉ đã tạo được dáng nét riêng cho Sông Hương. Nên cố duy trì việc in phụ bản. Có khi người ta mua tờ tạp chí là để giữ được một phụ bản quí.

Tòa soạn Sông Hương có những người biết làm báo. Việc ra tờ phụ trương về cơn bão số 8 là việc làm đáng khích lệ. Đáng lẽ các báo khác, kể cả báo Văn Nghệ của chị, phải nhân đó mà tuyên truyền rộng ra nữa để động viên sức người, sức của đóng góp cho Huế và Bình Trị Thiên khắc phục thiên tai. Tôi đọc số báo này một mạch và hết sức xúc động. Con số hơn ba ngàn cây cổ thụ bị đổ trong cơn bão đã gây ấn tượng mạnh mẽ đối với tôi. Tôi nghĩ ngay là phải có một hành động gì đó hưởng ứng với anh em ở Huế. Vì còn đau chân không ra bưu điện được tôi đã bảo cái Giang đi đánh ngay bức điện vào Huế như chị biết đó! Những bức ảnh (tuy còn phải in giấy đen) và những số liệu thông báo kịp thời về sự thiệt hại là rất cần thiết. Đó có thể gọi là sự nhạy bén trong nghề làm báo.

Nhân dịp đầu xuân, nhờ chị chuyển đến tòa soạn Tạp chí Sông Hương và bạn đọc Sông Hương lời chúc khai bút của độc giả Nguyễn Tuân.

Ngọc Trai: Xin cảm ơn Anh đã dành thì giờ cho buổi trò chuyện lý thú này.

NGỌC TRAI thực hiện
(18/4-86)
-----------------
1. Mặc cảm tự ti
2. Mặc cảm tự tôn
3. Hui đò: đưa thuyền lên bờ, dùng rơm đốt dưới đáy thuyền để diệt con hà ăn mòn đáy thuyền.


nguồn:http://tapchisonghuong.com.vn

Thứ Sáu, 25 tháng 11, 2011

CÒN NẮNG TRÊN ĐỒI - ĐÔNG HÀ

Mở giấc mơ ra gặp ngay khoảng nắng
nắng còn chạy trên đồi
như giấc mơ một thuở

Thuở ấy em chưa biết yêu
Thuở ấy anh chưa biết già
Thuở đôi ta chưa ngần ngại

Nên nắng hồn nhiên ru bầy cỏ dại
như tình dịu dàng ấm áp bàn tay

Hai mươi năm em xa nơi đây
khoảng nắng long lanh nụ cười con gái
đi đâu đi đâu
để mắt môi bơ phờ ái ngại
để tim mình vỡ xuống thành tro

Hai mươi năm không xa hơn một đời người
nhưng đủ hết một thời áo trắng

Để sớm nay mở giấc mơ gặp nắng
nắng long lanh cười
em ấm cả bàn tay...

Thứ Năm, 24 tháng 11, 2011

TÌNH YÊU CỦA NGƯỜI CÓ TUỔI - HOÀNG LỘC



anh có tuổi rồi, lòng như con nít
khi không hờn hờn giận giận đâu đâu
chi cũng muốn nhiều mà em cho quá ít
lo cái không nên mà hoá bạc đầu ?

có những bài thơ viết khi nào không nhớ
lật ra dòm - bỗng thấy bóng em trong
có một loài hoa một đời chưa chịu nở
bỗng vì em mà phải nở rất buồn

anh có tuổi rồi, đường trường không bước nổi
đi một hồi - ngồi lại - ngó mây bay
mắt em xanh trong, màu trời vời vợi
cũng vì anh, đã một thuở ai hoài ?

ngày xế bóng bên đồi khô những lá
hành trang anh rơi rớt lại bên đường
mai mốt em qua đây khi rối bời tóc gió
chắc bồi hồi biết mấy những cành không...

HL

BÓNG HOA XƯA - HẠC THÀNH HOA

Người đến dịu dàng như ngọn gió
Người đến mơ hồ như ánh trăng
Đêm xanh một đóa Quỳnh hoa nở
Trắng ngần mấy cánh mỏng như sương.

Đóa hoa chỉ nở trong chớp mắt
Rồi lặng lẽ tàn lúc nửa đêm
Gió đã đi rồi trăng cũng lặn
Bình minh ngơ ngẩn dáng sương mềm.

Đóa Quỳnh đã lặn vào đêm tối
Tưởng đâu khép cánh ngủ muôn đời
Những đêm trời đất mênh mông quá
Lại trở về trong bóng nguyệt soi.

Thứ Tư, 23 tháng 11, 2011

NẾU - TRẦN DZẠ LỮ

Nếu ngày mai em biến khỏi vườn địa đàng
Thì anh sẽ là người câm cùng cuối
Và sẽ là người điên không nói
Sửng sốt bên lòng nỗi nhớ mang mang…

Nếu ngày mai không thấy bóng người thương
Anh sẽ mỏi mòn trên đồi ân ái
Nắng nhạt dần và chiều phai rất vội
Con chim buồn gõ mỏ gọi mùa xuân !

Nếu ngày mai không thấy dấu nai ngoan
Nghĩa là em tạ từ rừng cổ tích
Anh sẽ rớt vào đêm quay quắt
Khi kiếm tìm một ánh sao hôm…

Nếu ngày mai sông cạn đá mòn
Em nghẽnh ngãng cuối đường ngờ ngợ..
Anh vẫn là anh-con người nặng nợ
Cuộc tình sầu-lệ đá chon von !

Nếu ngày mai em biến khỏi vườn địa đàng
Anh chúa buồn đóng đinh trên thánh giá
Soi dung nhan thấy mình kẻ lạ
Vẫn yêu em-từ thuở hồng hoang…

Trần Dzạ Lữ
(Sài Gòn 11 . 2011 )

Thứ Ba, 22 tháng 11, 2011

BÊN TRỜI LƯU LY - ĐỨC PHỔ

Hai nhà thơ Đức Phổ và Hoảng Lộc

Với Uyên Hà ,Hoàng Lộc và bạn bè gặp Atlanta

Chừng đã lâu hung chưa ra phố
người quen lắm kẻ lạ nhau rồi
Đường phố nhận chìm bao nhân dáng
giữa lòng xe mát rượi tiếng cười

Đếm bước ngu ngơ từng bước lạc
lầm nơi phố xá tưởng nương quê
Nhìn bóng đời lăn mà chóng mặt
cơ hồ thiên địa cũng điên mê!

Gặp bạn mới hay còn tỉnh táo
nỗi lòng xưa cũ bỗng xôn xao
(Mới hay trong máu còn tinh huyết
để tạ ơn đời buổi gặp nhau !)

Một bữa,hai hôm…Ôi!Vẫn thế
khi đòi dài mắc cửi nhiêu khê!
Phố trước mặt vầy vui như hội
mà mỗi lòng muối xát…Nỗi quê !

Mặt giáp mặt nghẹn lời thân ái
thôi cười xòa cùng men rượu cay!
Ai hiểu bên trời lưu ly ấy
có dăm người hồn níu may bay

ĐÚC PHỔ

Thứ Hai, 21 tháng 11, 2011

MỘT CHUYẾN VỀ THĂM - BẢO QUYẾN


Nhân ngày Nhà Giáo Việt Nam 20.11,
HTTV xin đăng bài thơ của Thầy Nguyễn Phước Bảo Quyến
nhân chuyến về thăm trường cũ Vinh Lộc sau 40 năm xa cách,
Xin kính chúc Thầy Cô sức khỏe an khang

MỘT CHUYẾN VỀ THĂM


Thương tặng các em học sinh Vinh Lộc năm xưa
để nhớ ngày trở lại Vinh Lộc sau hơn bốn mươi năm xa cách.

Thương tặng Tôn Thất Hiệp,
người đã đưa tôi từ Đà Nẵng về Vinh Lộc
để được thăm lại mái trường xưa, gặp lại học sinh cũ của mình.

Bao năm ao ước những trông chờ,
Thăm lại một lần chỗ dạy xưa.
Bốn chục năm ngoài xa cách mãi,
Bóng hình Vinh Lộc vẫn còn mơ.

Hôm nay có dịp về nơi ấy,
Bánh chuyển xe lăn lắc ngã nghiêng.
Thương nhớ nén dồn trong ký ức,
Bỗng òa dâng với sóng Tư Hiền.

Vinh Hiền, đây chợ cạnh đường qua,
Linh Thái là đây, ngọn núi Rùa,
Thanh tĩnh Thánh Duyên[1]chùa cổ kính
Thúy Vân[2] mây biếc, cảnh nên thơ …

Xôn xao kỷ niệm dọc đường quê,
Náo nức thấy lòng xao xuyến ghê.
Đơn Chế, Nghi Giang tràn gió bụi,
Về đây Vinh Mỹ, mấy sơn khê?

Các em đợi ở quán cà phê,
Tụ tập chờ thầy, tin nhắn nghe,
Trông ngóng từ xa qua điện thoại,
Nôn nao trong dạ suốt đường về.

Mừng rỡ ôm chầm, tay nắm tay,
Thầy trò cách biệt biết bao ngày…
Nào Vy, nào Chuẩn, nào Trương Khả,
Nào Cảnh, Thái, Hồng … cảm động thay!

Tóc bạc thầy đây chuyện đã đành,
Các em tóc cũng chẳng còn xanh.
Tóc xanh, tóc bạc … ôi, năm tháng,
Mới đó …, thời gian trôi quá nhanh!

Rôm rả chuyện trò lúc hội ngộ,
Chuyện đời, chuyện học tháng ngày qua.
Rưng rưng kỷ niệm trào lên mắt,
Bạn hữu, thầy cô … một thuở xa …

Ta đã về đây Mỹ Lợi ơi!
Bao năm cách trở, cảm ơn đời
Cho ta gặp lại trò xưa cũ,
Kỷ niệm buồn vui của một thời …

Đến thăm trường cũ, bán công đây,
Cánh cổng giăng ngang lưới sắt dày.
Cây phượng trong sân không thấy nữa,
Trường nay vắng ngắt, vẻ buồn thay!

Tìm thăm thầy Huấn mà không gặp,
Cửa trước nhà sau chẳng thấy ai.
Đáng tiếc thầy ơi, đành lỡ hẹn,
Làm sao có dịp lại thăm thầy!

Thôn Một trời trưa nắng chói chang,
Biếc xanh biển cả, cát mênh mang,
Phi lao vi vút vờn theo gió,
Quán nước bên đường tạt ghé ngang.

Nghỉ mệt thầy trò đón gió xa,
Ly bia giải khát giữa trưa hè.
Hàn huyên tâm sự bao nhiêu chuyện,
Hội ngộ mừng vui … thật chẳng ngờ!

Chia tay thôn Một, lại ra đi,
Lưu luyến cầm tay níu biệt ly.
Thôi hẹn các em vào dịp khác,
Rồi đây, xin hứa, một ngày về ...

Diêm Trường, chốn cũ ta đang đến,
Dương liễu còn đâu rợp bốn bề.
Trường của ta ru êm bóng mát,
Xưa đây có lớp học tranh tre …

Còn đâu cát trắng với rừng dương
Mát mẻ quanh năm cạnh mái trường.
Cảnh cũ người xưa chừ vắng bóng,
Mình ta phiêu bạt, sống tha phương …

Về lại trường xưa lòng bỗng nhớ,
Nguyễn Viêm ơi, bạn bỏ xa đời …
Bùi ngùi tưởng nhớ hương hồn bạn,
Còn mất bạn, trò … ôi, những ai ?

Kỷ niệm ùa về, đây xóm nhỏ,
Đường thôn xuyên dọc giữa hàng tre,
Bê ơi, còn nhớ ta qua lại,
Biết mấy năm ròng nơi chốn quê ?

Rát bỏng chân, hè, giữa nắng trưa,
Rét run áo mỏng sáng đông mờ,
Thầy trò hối hả băng qua rú<
Để đến trường nhanh kẻo trễ giờ …

Ôi nhớ những lần say bắn chim,
Mình đi dưới những bóng cây im.
Tụng, Hồi ơi, các em còn nhớ ?
Hình bóng xưa, ta mỏi mắt tìm …

Ngày nay trường cũ vẻ khang trang,
Phòng học nhiều hơn, dãy dọc ngang,
Mái ngói tường vôi khoe sắc mới,
Nhưng lòng vẫn thấy nỗi buồn vương …

Rời xa Vinh Lộc buồn hiu hắt,
Tạm biệt Diêm Trường, Mỹ Lợi thương,
Cát trắng, biển xanh … bao nỗi nhớ,
Về đâu muôn dặm bóng chiều buông !

Bốn chục năm hơn, một quảng đường
Tóc xanh, tóc bạc, ngậm ngùi thương.
Nhân sinh, thế sự, bao dâu bể,
Kỷ niệm một thời cứ vấn vương …

Xa rồi kỷ niệm trường xưa cũ,
Dăm lớp học sinh học sớm chiều,
Dăm bảy thầy cô về cộng tác,
Hết lòng dạy dỗ học trò yêu …

Xa rồi năm tháng thời trai trẻ,
Trở lại trường xưa cảm xúc nhiều.
Tình nghĩa của trò sao cảm động!
Cho thầy sống trọn giữa thương yêu …

Mong mỏi bao năm chừ mãn nguyện,
Ngồi đây lặng lẽ lắng tâm tư,
Bâng khuâng nhớ lại lòng xao xuyến,
Biết mấy yêu thương buổi tạ từ!

Làm sao nói hết được lòng mình,
rước việc đón đưa nặng nghĩa tình,
Chỉ biết tỏ bày niềm cảm kích,
Trò ơi, nhớ mãi vẫn đinh ninh …

Rạch Giá 10.6.2010

NGUYỄN PHƯỚC BẢO QUYẾN
---------------------------
( 1) Thánh Duyên : Ngôi chùa cổ kính ở vùng núi Thuý Vân. Trong khuôn viên chùa có gác Đại Từ, tháp Điều Ngự và đình Tiến Sảng.
( 2) Thúy Vân : Tên ngọn núi ở Vinh Hiền (Thúy Vân = 翠 雲 có nghĩa là mây biếc), tọa lạc trên bờ bắc cửa Tư Hiền, người dân ở đây quen gọi là Túy Vân, có lẽ do đọc nhầm.

Chủ Nhật, 20 tháng 11, 2011

NGÀY VỀ - THANH TRUNG



Em chọn lối vào đời nghề dạy học
Như khi xưa thầy quyết chí “luyện vàng”
Ba mươi năm đứng trên bục giảng
Tóc của thầy đã nhuốm trắng thời gian

Rồi một ngày kia em trở lại
Mái trường xưa cùng với những học trò
cầm phấn kẻ đậm đề bài học
Lại bắt đầu với “đại cáo bình Ngô”

Chan chứa tình thương thầy gọi em:”Đồng nghiệp”
Mái đầu xanh bên tóc trắng bềnh bồng
Cô giáo trẻ ngượng ngùng , khép nép
Con vẫn dại khờ trong ánh mắt bao dung

Người trẻ, người già đưa nhau về lớp
Nắng mây xưa cũng dắt díu theo về
Chỗ thầy ngồi kia, chỗ em còn đó
Kí ức một vùng sương khói mờ che

Thứ Sáu, 18 tháng 11, 2011

HUẾ GỌI TÔI VỀ - TRẦN HOÀI THƯ

Có một dòng sông mềm như giải lụa
Có hai ngôi trường như đôi tình nhân
Có một con đường mỗi ngày hai bận,
Anh theo em về qua bến qua sông.

Có một chiếc cầu bắc qua thành phố.
Thành phố mù sương,phố cổ mù sương.
Có anh tội tình như loài cổ thụ.
Em đậu trên cành làm anh bâng khuâng.

Có buổi trời mưa, trời mưa không ngớt,
Có em xăn quần bên đập chờ ghe,
Không biết nhìn lên hay là nhìn xuống,
Thôi thì quay về để khỏi u mê.

Có một ngôi nhà muốn vào không dám.
Có một nỗi buồn cứ bám chung thân.
Con sóc dại khờ gặm hoài trái đắng,
Còn anh dại khờ nên mới yêu em.

THT

TỪ KHÚC - NGUYỄN QUỐC THÁI



Em yêu dấu như đường gươm oan nghiệt
Chém lòng ta trăm mảnh tả tơi bay
Cà phê tím ly gầy thêm ngấn gió
Giữa cuộc tình em náo nức chia tay

À chia tay! Ta lui về cô tịch
Làm thơ tình loạn nhịp hát nghêu ngao
Bông nguyệt quế mùa trăng xưa ai nhớ
Tóc tơ người thơm ngát cõi ta đau

Chia tay ư! Tình sầu ta không trả
Ôm hết đời bay liệng nhớ thương em
Vết thương ấy em nô đùa hớn hở
Ta bạc đầu đau đớn vẫn chưa quen

NQT

Thứ Năm, 17 tháng 11, 2011

HOA

White Chrysanthemum

81 ...KHÔNG CÒN NỮA . . .

NGẬM NGÙI…81

Ngày 17.11.2011, 81 bị xóa sổ hay nói cho đúng,điểm hẹn của giới văn nghệ sĩ Sài gòn không còn nữa. sau khoảng 36 năm tồn tại.

Tạm gọi là CLB hội Văn nghệ TP Hồ Chí Minh,thành lập sau ngày 30.4.1975,tại số 81 Trần Quốc Thảo ,quận 3,giới văn nghệ sĩ có một nơi để uống cà phê,nhậu và bốc phét,cũng là điểm hẹn của anh em văn nghệ sĩ cả nước đến Sài Gòn.

Ba mươi sáu năm kẻ còn người mất,chỉ trong số bạn bè tôi đã có những người có mặt thường xuyên ở đây dã ra đi rong chơi cõi khác như Nguyễn Tôn Nhan,Nguyễn Mai,Hoàng Ngọc Tuấn ,có bạn đi xa thỉnh thoảng trở về như Nguyễn Lương Vỵ, Đinh Trầm Ca.Bây giờ điểm hẹn không còn nửa.

Hôm 15,16 .11, anh em không ai rủ ai kéo đến 81 rất đông Bùi Chí Vinh,Trần Áng Sơn,Từ Hoài Tấn,Bảo Cường,họa sĩ Ngéo ,Hoàng Linh,Mặc Tuyện,Lê thị Kim,Lê Hồng Thái...Trước đó một ngày,Cao Huy Khanh,Văn Viết Lộc đến nhậu suốt buổi chiều để từ giả 81 trước khi về Huế,vì khi trở lại Sài Gòn 81 không còn nữa. .Tôi hỏi cảm nhận củaLê Hồng Thái,người lập kỷ lục có mặt thường xuyên ở 81 suốt 36 năm ,thậm chí bị một số anh em chup mũ là công an chìm theo dõi VNS. Anh trả lời : một chút ngậm ngùi…

CAO HUY KHANH - VN HỒ SƠ HẬU CHIẾN 1975 - 2011 (KỲ 93)



NHỮNG SỐ PHẬN KỲ LẠ



931 – Ngô Thụy Miên
VƯỢT BIÊN CHO TRỌN CUỘC TÌNH
Nhạc sĩ Việt kiều Mỹ tên thật Ngô Quang Bình sinh 1948 tại Hải Phòng. Sống ở Mỹ (2011).
Di cư 1954 vào Nam, học ĐH Khoa học Sài Gòn đồng thời với trường Quốc gia Âm nhạc Sài Gòn.
Trong thời gian theo học nhạc có một cuộc tình đẹp với một bạn cùng trường con một diễn viên điện ảnh. Từ đó có cảm hứng bắt tay sáng tác nhạc với bài “Chiều nay không có em” 1963. Sau đó là một loạt ca khúc trữ tình trong đó nhiều bài phổ thơ Nguyên Sa thành công như “Áo lụa Hà Đông”, “Paris có gì lạ không em?”, “Niệm khúc cuối”…

Sau khi tốt nghiệp đại học ra làm nhân viên không lưu sân bay Tân Sơn Nhất. Lập ban nhạc trình diễn đài phát thanh.

Chuẩn bị làm đám cưới với người yêu trường nhạc thì xảy ra biến cố 30.4.1975 khiến người yêu theo gia đình di tản qua Mỹ bỏ lại mình kẹt ở Sài Gòn. Buồn nhớ tình xưa mới làm bài tưởng niệm “Em còn nhớ mùa xuân”.

Năm 1978 quyết định vượt biên để tìm người yêu. May mắn cập bến Malaysia rồi được nhận vào Canada.

Biết tin, người yêu vội từ Mỹ bay qua tái hợp. Năm 1979 hôn lễ mới chính thức cử hành rồi theo vợ chuyển qua định cư Mỹ.

Đi học làm chuyên viên vi tính làm việc tại Thủ đô Washington.

Và tiếp tục viết nhạc nay càng thêm cảm hứng hạnh phúc cuộc đời tình yêu cứu chuộc được trải qua bao gian nan trắc trở vạn dặm sơn khê, sáng tác hơn 50 ca khúc nữa (“Mưa trên cuộc tình tôi”, “Riêng một góc trời”…) như một lời cảm tạ cuộc đời ban cho cuộc tình trọn vẹn: “Tôi không viết nhạc để sống mà sống để viết nhạc”.


932 – Ngô Vũ Dao Ánh
“TÌNH CHỊ DUYÊN EM” VỚI TRỊNH CÔNG SƠN
Công chức Việt kiều Mỹ về hưu sinh 1948 tại Huế. Sống ở Mỹ (2011).

Là em gái của “Diễm xưa” (Ngô Vũ Bích Diễm, nay ở Mỹ) mối tình đầu thời trẻ ở Huế của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

Nhưng mối tình với “Diễm xưa” vì nhiều lý do khách quan không được đáp lại như mong mỏi nên sau khi Diễm vào Sài Gòn học, họ Trịnh quay qua cô em như một cách “tìm quên”. Và được cô em chấp nhận trong thời gian nhạc sĩ đi dạy học ở Blao (Lâm Đồng) những năm 1964-1967.

Đó là nguồn cảm hứng làm nên một số ca khúc tuy không nêu tên rõ như “Diễm xưa” song đều phảng phất bóng dáng cô em như “”Tuổi đá buồn”, “Phúc âm buồn”, Lời buồn thánh”, “Như cánh vạc bay”, “Mưa hồng”…

Sau đó nhạc sĩ về Sài Gòn bắt đầu tạo lập sự nghiệp âm nhạc thì đôi bên xem như chia tay.

Đến 30.4.75 người em đi Mỹ lấy chồng. Nhạc sĩ vẫn ở lại Sài Gòn mới hoài nhớ bóng dáng xưa “Em đi để lại con đường”.

Qua những năm 1980 đôi bên mới nối lại liên lạc. Nhưng mãi đến năm 1993 người xưa mới trở về tái ngộ trong cảnh khá bẽ bàng riêng mình đã sang ngang. Có lẽ vì vậy mà sau đó qua lại Mỹ, người tình – em gái ấy đã ly dị chồng để từ đó được rảnh rang hơn tìm đường về thăm kỷ niệm.

Một tháng trước khi Trịnh qua đời, “người ấy” đã có mặt suốt ngày ngồi đó nhìn anh thở hơi thời gian tàn tạ, lắng nghe “Xin trả nợ người” gần như là bài hát “móc cả ruột gan” cuối cùng anh gửi đến mối tình thủa em còn là cô nữ sinh Đồng Khánh.

Đầu năm 2011 đã cho công bố hơn 300 bức thư tình Trịnh gửi cho mình ngày xưa, in thành một cuốn “Thư tình gửi một người”.


933 – Nguyễn Bá Cẩn
THỦ TƯỚNG CUỐI CÙNG
Chuyên viên máy tính Việt kiều Mỹ sinh 1930 tại Cần Thơ – Mất năm 2009 ở Mỹ (80 tuổi).

Từng đi lính sĩ quan VNCH rồi giải ngũ làm công chức chính quyền tới chức quận trưởng, phó tỉnh trưởng. Sau đó ra ứng cử đắc cử dân biểu Quốc hội được bầu làm Phó Chủ tịch Hạ viện.

Vốn là người bản tính hiền lành, sống đạo đức thanh bạch không nghiêng về phe phái nào rõ rệt nên đầu tháng 4.1975 trong cơn khủng hoảng chính trị nội bộ chính quyền Sài Gòn đã được Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu mời giữ chức thủ tướng thay tướng Trần Thiện Khiêm “hết vai trò” rồi.

Nhưng nhậm chức chưa được ba tuần lễ chưa làm được gì thì cộng sản tiến vào Sài Gòn buộc bản thân phải di tản gấp rút qua Mỹ, vợ và con gái ở lại sau mới qua theo đường Paris, Pháp.

Trên đất Mỹ ban đầu mở trạm bán xăng song được ba tháng không quen nghề lỗ vốn đành chuyển qua đi học đại học ngành công nghệ cao dù lúc đó đã 46 tuổi.

Tốt nghiệp năm 1979 ra làm chuyên viên lập trình máy tính. Đến 1998 về hưu.

Dù là cựu thủ tướng cuối cùng của chế độ VNCH song hầu như ít tham gia hoạt động chính trị hải ngoại, chỉ có viết hồi ký nhằm mục đích “nói về sự thật mà thôi” chứ “không tấn công chê trách ai cả, không thành kiến với ai cả”.

Với tâm hồn nay đã nhẹ gánh của một người công chức mẫn cán chấp nhận an phận thủ thường sau cơn bão tố lịch sử, không vướng bận danh vọng gì nữa: “Tổng kết cuộc đời, tôi đã làm việc 30 năm cho VNCH và 20 năm cho đại tư bản Hoa Kỳ. Suốt 50 năm không nghỉ ngơi! Mỗi ngày tôi phải lái xe trên 100 dặm đi làm, về nhà thì giặt giũ, phụ giúp việc nội trợ, vệ sinh… Tôi làm mọi việc mà vẫn thấy yêu đời, yêu cuộc sống bởi lương tâm tôi thanh thản vì đã phụng sự Tổ quốc mà chưa hề làm gì tổn hại cho Tổ quốc và đồng bào.”

Duy chỉ có một nỗi đau đời riêng thầm lặng không nói ra là có thời gian khi người con gái bị tai nạn giao thông chết đã buồn khóc đến gần mù mắt, sau nghe lời khuyên mới đi hành hương đến tượng đài Đức Mẹ tại TP Lourdes ở Pháp cầu nguyện xin cho khỏi bệnh. Trở về quả là bệnh có thuyên giảm thật nên mới bỏ đạo Phật cải qua đạo Thiên Chúa.


934 – Nguyễn Bạt Tụy

NHÀ VĂN HÓA CÔ ĐƠN TRƯỚC THỜI CUỘC
Học giả sinh 1920 tại Hà Nội – Mất 2007 ở Đà Lạt (88 tuổi).

Di cư 1954 vào miền Nam, chọn Đà Lạt làm nơi đóng đô suốt đời để một mình cặm cụi làm công việc nghiên cứu dân tộc học và ngôn ngữ học VN dựa vào kiến thức tự học là chính. Nhưng vào thời đó đây được xem là 2 ngành khoa học xã hội – nhân văn mới mẻ mà lại thuộc loại “khó nhằn”.

Dù vậy vẫn thầm lặng say mê bám trụ làm một cách hết sức nghiêm túc, công phu bằng vô vàn chuyến đi điền dã đến vùng các dân tộc thiểu số vùng này (đồng bào dân tộc trên cao nguyên, người Chăm), thâm nhập quan sát, tìm hiểu, tìm tài liệu rồi về bắt tay soạn thảo nhiều công trình vừa giá trị vừa hiếm có. Hoàn toàn tự thân xoay xở để làm chứ không được ai hay cơ quan nào giúp đỡ, tài trợ.

Tuy nhiên những công trình trên không được công bố rộng rãi có lẽ một phần do tính khoa học quá cao mà bản thân mình lại không thuộc giới hàn lâm, không xuất thân từ các đại học trong nước. Chỉ in thành sách cuốn “Ngôn ngữ học VN” 1959, còn lại một số ít bài viết công bố rải rác trên tạp chí ở Sài Gòn hay gửi qua Trường Viễn Đông Bác Cổ ở Pháp.

Công việc đang dở dang thì xảy ra biến cố 30.4.1975. Không khí chính trị thời điểm này buộc bản thân phải ngưng các cuộc đi điền dã đến vùng xa vùng sâu dân tộc thiểu số đương nhiên bị cấm vì lý do trật tự trị an thời Hậu – VNCH.

Bức xúc quá nên dù không quan tâm gì đến chuyện thời cuộc, chính trị – bản thân không dính líu hưởng ơn mưa móc gì của chế độ cũ, cũng không chống Cộng – ngay tháng 7.1975 vẫn viết một lá thư gửi lãnh đạo Tố Hữu phụ trách văn hóa – tư tưởng lúc đó xin cấp cho một giấy phép được đi đây đi đó tác nghiệp dân tộc học và ngôn ngữ học VN. Kèm theo là 12 trang đánh máy kê khai danh sách những công trình đó đã và đang làm.

Nhưng không hề nhận được hồi âm. Dễ hiểu thôi, vào thời đó ai mà để ý tới chuyện nghiên cứu những đề tài thuộc loại bác học “trên trời” mơ hồ phi thực tế như thế. Chưa kể tác giả lại là dân di cư sống trong lòng chế độ cũ mà không có quan hệ gì với Cách mạng cả (có một người em ở miền Bắc là một dịch giả tiểu thuyết Nga nổi tiếng, đã mất 2007).

Thế là đành bó tay bó chân một chỗ gom bao tư liệu đã thu thập được để tiếp tục nghiên cứu và biên soạn trong hoàn cảnh vẫn đơn thân độc mã làm khoa học không vợ con hay người thân bên cạnh. May mà được phép mở lớp dạy ngoại ngữ tại nhà lấy đó làm kế sinh nhai qua ngày.

Cứ thế kéo dài đến hơn 30 năm tới khi qua đời cô độc, đám tang do học trò lo liệu.

Để lại một sự nghiệp chuyên môn cao cấp đồ sộ gồm những công trình dân tộc học và ngôn ngữ học VN quy mô tầm cỡ mà từ đó đến cả bây giờ vẫn không ai được biết: Về bản thảo là 2 tác phẩm về dân tộc học dày 500 trang đánh máy, 4 tác phẩm về ngôn ngữ học trong đó có cuốn quan trọng “Ngữ âm học VN”; về tài liệu gồm khoảng 15.000 tấm phim đen trắng, gần 4.000 tấm phim màu, hơn 5.000 phim đèn chiếu, vô số băng ghi âm, phiếu tư liệu…

Tất cả đều được tác giả bảo quản trong nhiều “tủ sắt” nhỏ cực tốt cũng là dấu ấn ghi lại một thời khói lửa loạn lạc chính là những… thùng (chứa) đạn Mỹ!

935 - Nguyễn Bắc Ngọc
17 NĂM TRỞ VỀ… LÃNH ÁN TÙ!
Doanh nhân Việt kiều Úc sinh 1950 tại Phú Thọ. Sống ở Úc nhưng đang bị tù ở VN (2004).
Sĩ quan bộ đội sau 75 xuất ngũ về quê sinh sống lỡ phạm tội giết người bị bắt lãnh án 20 năm tù năm 1987.

Tìm cách vượt ngục trốn thoát rồi tìm đường vượt biên qua Úc làm ăn khá thành công, vào quốc tịch Úc đàng hoàng.

Nhưng mãi 17 năm sau một phần vì lòng nhớ quê và phần khác tưởng rằng tội trạng xưa đã rơi vào… quên lãng nên năm 2004 lên đường về thăm cố quốc. Ai ngờ tội ấy vẫn còn bị người khác ghi nhớ nên phát hiện bắt lại tiếp tục thụ án cũ cho hết thời hạn!

936 – Nguyễn Cao Thăng
OPV MỘT THỜI VÀ BÂY GIỜ
Dược sĩ sinh tại Thừa Thiên – Huế - Mất 1975 ở Sài Gòn.
Dân Công giáo nhưng đã tham gia kháng chiến chống Pháp ở chiến khu Quảng Trị – Thừa Thiên.
Năm 1951 bỏ chiến khu về Huế mở nhà thuốc Tây gần cầu Tràng Tiền.

Do bên nhà vợ có bà con xa với gia đình Tổng thống Ngô Đình Diệm nên được chế độ Diệm ưu ái đưa ra ứng cử dân biểu. Đồng thời thành lập Công ty Dược phẩm OPV rất thành công trên thị trường, trở thành một trong những doanh nhân giàu nhất VNCH.

Đến chế độ Nguyễn Văn Thiệu vẫn giữ được vị trí làm kinh tài – chính trị cho Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, còn làm trợ lý liên lạc với Quốc hội. Một bà vợ cũng đắc cử dân biểu thời NV Thiệu.

Nhưng bên cạnh đó cũng mang tai tiếng dựa thế tổng thống để trốn thuế. Lại có giả thuyết nghi ngờ bản thân vẫn dính líu đường dây “tình báo nằm vùng” cho cộng sản, thậm chí còn ngầm tổ chức bán thuốc Tây cho… Việt Cộng!

Đầu năm 1975 đi Pháp công tác rồi mắc bệnh đột tử ngay trên chuyến bay trở về Sài Gòn.

Đến biến cố 30.4.1975 vợ con sớm di tản ra nước ngoài (chú ý có rất nhiều vợ, khoảng 6 vợ trong đó có 2 cặp… chị em ruột!).

Nhưng giữa những năm 1980 hai người vợ đã trở về VN khá sớm ngay khi VN mới bắt đầu Đổi Mới để tái lập thương hiệu OPV cũng đạt thành quả tốt đến bây giờ. Được Nhà nước biểu dương, tặng huân chương lao động.

937 -
Nguyễn Công Phương
THƯƠNG PHẾ BINH RA ĐIỀU TRẦN QUỐC HỘI MỸ
Thương phế binh VNCH sinh 1942 tại Quảng Nam. Sống ở Quảng Nam (2010).
Lính VNCH năm 1974 đạp phải mìn bị cụt chân.
Sau 1975 không còn chế độ thương phế binh chế độ cũ khiến phải bò lê lết trên đường ăn xin thê thảm.

Năm 1992 may mắn được đại diện Hội Cứu trợ người tàn tật VN (ở Mỹ) gặp tại bến xe mới cấp cho một chiếc xe lăn đổi qua nghề bán vé số cho đỡ hơn. Rồi được tìm cho việc làm thêm gác cổng một xưởng làm nước đá đỡ đần cho vợ nuôi 2 con.

Vậy mà có lúc cũng bị địa phương tìm cách o ép bắt nộp tiền phạt vì không … “đăng ký” xe lăn hợp pháp!

Năm 2009 được đại diện hội đưa qua Mỹ ra làm nhân chứng trong buổi điều trần trước Ủy ban của Quốc hội Mỹ về tình trạng thương phế binh VNCH khốn khổ mất trợ cấp của chế độ cũ đang rất cần được giúp đỡ.

938 – Nguyễn Duy Xuân
VIỆN TRƯỞNG ĐẠI HỌC CHẾT CẢI TẠO
Giáo sư đại học sinh 1925 tại Cần Thơ – Mất 1986 tại Hà Nam Ninh (62 tuổi).
Du học Pháp, Anh, Mỹ tốt nghiệp tiến sĩ về miền Nam năm 1963.

Ban đầu dạy ĐH Luật, Học viện Quốc gia hành chánh, từ đó dần trở thành nhà trí thức khoa bảng làm quan chức lớn chế độ Sài Gòn giữ nhiều trọng trách như tổng giám đốc thông tấn xã, viện trưởng đại học, bộ trưởng, tổng giám đốc ngân hàng, cố vấn cho Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu…

Đặc biệt được xem là người góp công nâng cấp thành lập ĐH Cần Thơ năm 1966 rồi trực tiếp làm viện trưởng 1972 đến ngày giải phóng.

Đến ngày giải phóng đó đã tự nguyện không đi di tản nhưng vẫn phải đi cải tạo dài ngày hơn 10 năm tận ngài miền Bắc xa xôi rét mướt do bị đánh giá là quan chức lớn của chế độ cũ. Và rồi tuổi già sức yếu mòn mỏi đã khiến không qua khỏi bệnh tật qua đời trong trại cải tạo.

GS Phạm Hoàng Hộ nhà khoa học nổi tiếng cũng chấp nhận ở lại (nay đã ra nước ngoài) đã trang trọng đề tặng công trình lớn “Cây cỏ miền Nam” của mình cho người bạn thân “người đã chết trong tù vì tháng 4.1975 đã quyết định ở lại để tiếp tục đóng góp cho đất nước”.

Đáng tiếc thiện chí “đóng góp” đã không được tiếp nhận hay tiếp nhận một cách phũ phàng tàn nhẫn đối với một nhà trí thức kỳ cựu.

Sau khi mất, vợ đã tìm đường đưa 2 con gái qua Pháp.

939 – Nguyễn Đạm Phong
NẠN NHÂN CỦA “DIỆT CỘNG HƯNG QUỐC ĐẢNG”
Nhà báo Việt kiều Mỹ sinh 1934 tại VN – Mất 1982 ở Mỹ (49 tuổi).
Năm 1975 di tản đến Mỹ làm chủ nhiệm tuần báo tiếng Việt “Tự do” lớn nhất Houston thuộc bang Texas.

Năm 1982 đã cho đăng một loạt bài tố cáo hoạt động gây quỹ mờ ám của một số tổ chức chống Cộng nên nhận được nhiều lời đe dọa sát hại. Vẫn bất chấp tất cả nên trong một lần lái xe về tới nhà thì bị bắn chết tại chỗ.

Sau đó tổ chức “Diệt Cộng hưng quốc đảng” (VOECRN) tự nhận mình là thủ phạm song cảnh sát Mỹ vẫn không điều tra ra tông tích (hoặc có thể chỉ điều tra… qua loa do thời này chưa lập lại quan hệ bình thường với VN).

940 – Nguyễn Đan Quế
BẤT ĐỒNG CHÍNH KIẾN CHẤP NHẬN Ở LẠI VÀO TÙ
Bác sĩ sinh 1942 tại Hà Nội. Sống ở TPHCM (2011).
Theo gia đình di cư 1954 vào Nam.
Du học Bỉ và Anh tốt nghiệp bác sĩ chuyên về bệnh ung thư. Về miền Nam làm Bệnh viện Chợ Rẫy và dạy ĐH Y khoa.

Sau 1975 vẫn tiếp tục hành nghề tại BV Chợ Rẫy.

Song song đó bắt đầu hoạt động chính trị chống chế độ cộng sản, đấu tranh cho tự do dân chủ và chế độ đa nguyên đa đảng. Bởi vậy năm 1978 bị bắt đi cải tạo 10 năm đến 1988.

Ra tù rồi vẫn tiếp tục con đường “bất đồng chính kiến” đối lập chế độ hiện hành bằng cách thành lập tổ chức “Cao trào nhân bản”. Vì thế năm 1990 bị bắt lần thứ hai ra tòa về tội “xâm phạm an ninh quốc gia” bị kết án 30 năm tù.

Tuy nhiên năm 1998 được các tổ chức nhân quyền nước ngoài vận động được giảm án trả tự do.

Dù vậy, về nhà lại chiến đấu tiếp tục chủ yếu viết tài liệu phản kháng chế độ gửi ra nước ngoài, nơi có một ông anh ở Mỹ tiếp sức. Thế là năm 2004 bị ra tòa xử thêm 30 tháng tù tội “âm mưu lật đổ chính quyền”.

Thụ án được 6 tháng thì lại được vận động ân xá.

Lúc đó Mỹ sẵn sàng nhận bảo lãnh qua Mỹ như nhiều trường hợp các nhân vật chống chế độ khác song lại từ chối, chấp nhận ở lại trong nước để tiếp tục sự nghiệp đấu tranh dũng cảm thay vì “bỏ chạy”! Với quan điểm đấu tranh tại chỗ mới có hiệu quả, tuy không thay đổi được chế độ song ít ra cũng làm chế độ từng bước chuyển biến tích cực hơn mà cụ thể là đổi mới cởi mở hơn để hội nhập với thế giới.

Quan điểm đấu tranh phi bạo lực kể trên (dường như có thay đổi uyển chuyển “nhẹ” hơn) được Đại sứ Mỹ ủng hộ, đến nhà thăm động viên, còn mời đến lãnh sự quán ở TPHCM dự lễ Quốc khánh Mỹ!

Đầu tháng 2.2011 lên mạng hô hào biểu tình bắt chước phong trào quần chúng biểu tình lật đổ chế độ khởi phát từ Ai Cập lan qua Trung Đông và Bắc Phi nên lại bị bắt lần thứ tư. Nhưng lần này chỉ vài ngày thì cho về với lý do già yếu bệnh tật (cao huyết áp và đau bao tử).

(Còn tiếp)

Thứ Tư, 16 tháng 11, 2011

NHÀ THƠ NGÀN THƯƠNG ; THONG DONG NHẶT NHỮNG ÂN TÌNH - NGUYỄN THỊ ANH ĐÀO

Nhà thơ Ngàn Thương (thứ hai từ trái qua) với các bạn văn

Quen ông ở Huế từ thời còn sinh viên, tôi vẫn hay đùa ông rằng khi nhà thơ Ngàn Thương làm thơ, hình như trong lòng ông có sóng đang tràn chảy. Ông cười: "Có đâu, thơ đến bất chợt khi ta nắm được cái lõi của mỗi ngày, khi ta ngồi tiếc thời gian vô thức trôi đi trên sông Hương hay mỗi buổi sớm sương chăng đầy Thành nội". Người thơ lặng lẽ đó, vẫn lần lượt cho ra đời nhiều tập thơ mang nặng nỗi niềm. Vui với bạn văn, đôi khi ông quên bẵng ngoài kia cuộc đời mệt nhoài bước chân. Đôi khi ông tĩnh tại để rồi trong cái tĩnh tại đó, lại hát ca một mình rằng nương câu hát cũ gởi buồn chân mây.
Trong chuyến vào Đà Nẵng cùng mấy bạn văn, ông gửi tặng tôi tập thơ mới nhất của mình vừa xuất bản với cái tên "hiền khô": "Thủng thẳng qua cầu". Đọc thơ ông, nhận ra, sau từng câu chữ, có lẽ, đối với ông, cuộc sống này đúng là bình thản thật! Không ồn ào, câu nệ. Không ghen ghét tị hiềm. Không nặng lời trắc ẩn. Và như thế "ngẫm cho cùng- thơ vẫn là trò chơi con chữ-Cái của tôi, con người tôi-không thể khác - Giữa chập chùng hồn vía- thơ tôi" (Với thơ).
Mấy mươi năm làm thơ, sống với thơ sau những ân tình bầu bạn, từ tập thơ đầu tiên Trong vườn trí tưởng, NXB Sài Gòn 1973 đến nay, ông lần lượt trình làng những tập thơ như Lắng giữa chiêm bao (NXB Thuận Hóa 1998), Nến chiều (NXB Thuận Hóa 2002); Dấu chân phố (NXB Thuận Hóa 2006), Thủng thẳng qua cầu (NXB Thuận Hóa 2011). Mỗi tập thơ là một nỗi niềm, một cung bậc tình cảm, nhưng đằng sau đó, người đọc dễ nhận ra chân dung một người thơ bình dị. Không cầu kỳ, không trau chuốt, ông cũng có thế mạnh làm thơ lục bát, nhưng cũng rất say lòng khi đổi mới, cách tân những đứa con tinh thần của mình để bước vào nhịp phát triển chung của nền văn học nước nhà.
Thơ Ngàn Thương mang nặng một nỗi lòng. Đó là cái trăn trở của người cầm bút luôn neo trong mình nỗi đa mang. Vẫn cười đó, vẫn hoan ca nhưng đôi khi nụ cười chợt lịm. Rồi như thể, mọi sự trên đời này đều vô ngôn. Thế giới im bặt. Con người náu mình trong cô đơn mà viết nên đôi câu thơ trải lòng: "Dưới tầng - tháp cổ chiều nao - khói sương hư ảo - thả vào hoàng hôn - ta thành tượng đá - vô ngôn - niềm riêng điếng tận ngàn phương - cũng đành..." (Vô ngôn). Như ông vẫn vui nói rằng, thơ sống với mình như hơi thở, đi đến đâu cũng có bầu bạn thơ văn sẻ chia đôi điều. Đó là hạnh phúc. Đó là may mắn. Nên chi ông vẫn thủng thẳng bước đi trong bao chộn bộn lo toan thường nhật hằng ngày: Cọng tóc chênh - mình tôi cảm nhận - ước mơ bay xa đậu chỗ em nằm - con nhện buồn buồn giăng giăng mãi - sợi tơ ngỡ ngàng - nghe tiếng vọng trăm năm (Bóng đời).

Đà Nẵng, tháng 10-2011

Nguyễn Thị Anh Đào
(Theo CADN)