Thứ Năm, 30 tháng 7, 2009

TRANG VĂN NGÀY CŨ KỲ 29 - NHÀ THƠ PHẠM TẤN HẦU



Tên thật Phạm Tấn Hầu, sinh năm 1948
Quê quán An Hoà – Huế;
Bút danh: Phạm Trần Nguyên (Văn 1968, 1969)
Dương Tiểu Đoan (Ý thức 1970)
Phạm Tấn Hầu
Thơ ông xuất hiện trên văn đàn miền Nam những năm cuối thập niên 1960 thế kỷ trước.
Tác phẩm chính đã xuất bản:

- Thế giới anh đã ngõ lời (Thơ, 1994)
- Quay vòng với bụi (Thơ, 1999)

Vài suy nghĩ về nghề văn: Đó là một lao động không ngừng của việc xây dựng một thế giới quan riêng biệt.

NHỮNG CON CHIM BẰNG ĐẤT

Hỡi những cơn mưa tháng mười của tuổi thơ tôi
đã trôi đi những con đường đất
những bước chân vất vả hồn nhiên
của bùn đen trộn cùng mơ ước
thành thứ đất dịu dàng
để nặn chơi những con tu huýt
những nàng tiên nho nhỏ
với biết bao cái tên thân thiết
để gọi ra khi buồn khóc một mình

Bao mùa hạ lúa đã gặt xong
sao chẳng ai buộc dây dắt đi con chim cuốc
kêu suốt sau nương nhà
như chẳng còn ai nhớ ra
đứa trẻ bị bỏ lại
giữa chập chờn huyền thoại người cha
bị còng đi giữa khuya cùng lá cờ trong ngực

Từ đó
đêm muốn dài hơn, ẩn náu sâu hơn
như nỗi cô đơn, lần đầu tôi phân biệt được
thế giới còn lại
của mái tranh bên xứ Đồng
ngày một tả tơi như tuổi thơ yếu đuối
để chống trả với tối tăm, và khao khát
tôi muốn nặn ra thật nhiều nàng tiên, nhiều con tu huýt
để thế chỗ bao người thân đã chết
để được gọi tên khi muốn khóc
gọi tên như chờ đợi phục sinh

Hỡi những cơn mưa tháng mười bên xứ Đồng xa tắp
đến đây đi ve vuốt tủi buồn

của tuổi thơ tôi và con hói cạn dần
Và, bao con thuyền vụng về của tôi
chẳng bao giờ gom đủ
những mái chèo đã mất.

DẠ KHÚC

Nếu tôi chỉ hát một mình
Giữa mênh mông không lời phụ hoạ
Chỉ một mình tôi gởi tới lời ca
Để cơn gió kia bớt phần lạnh lẽo
Em biết đấy chim ơi !
Trên ngọn triều điên đảo
Tôi thay em đêm đến một bài ca
Giữa mênh mông không lời phụ hoạ
Tôi hát lời ca cho con sao biển
Sáng lung linh và tan biến bất ngờ
Em biết đấy chim ơi !
Tôi sẵn sàng trao hết
Trái tim tôi cho cuồng nhiệt lời ca
Để hát lên, vút cao
Như niềm kiêu hãnh
Và sẵn sàng trao hết cả cho đêm
Những ngọn đèn quả cảm
Ngoài vô biên như một vết thương

TÔI DỰNG LẠI

Tôi dựng lại từ trong giông bão
một cành cây chưa có lời ca
một cành cây gầy như em bé
muốn nắm một ít ước mơ nho nhỏ trong đời
Xin đưa cho tôi bàn tay nhỏ ấy
cái lạnh của em cơn đói không lời
tôi dựng lại từ trong giông bão
cây của tôi hoa trái sẽ về êm
Cây xanh tươi làm một làn da
trên thân thể em yêu hồi sinh trở lại
và tiếp tục bay lên từ đổ vỡ lời ca
của xứ sở chói ngời trong gian khó
Như gốc rễ kiên trì như bàn tay gắng sức
của cuộc đời giàu có niềm tin
tôi dựng lại từ trong giông bão
một cành cây lòng nặng yêu thương
cho em bé ngây thơ đánh vần trở lại
cây của tôi và hoa trái về em...

HÃY Ở NGOÀI ĐÓ VÀ LẮNG NGHE
Cảm tác chở gió của N.V.P

Hãy ở ngoài đó, xao xác cùng tiếng đêm
Rắc đầy là để nhuốm màu từ biệt
Bởi xác thân ủ dột này
Chẳng thể bao dung
Cho những cơn điên nói lời mặc khải.
Hãy ở ngoài đó khao khát cùng tiếng rao muộn màng
Phố phường kín bưng, giấc mơ không trở lại
Trong bóng dáng lạc lõng này, hãy đánh đồng cùng thượng đế
Ngông cuồng muốn vượt qua
Thời lạnh nhạt
Hãy ở ngoài đó và lắng nghe
Tiếng thở dài của đá
Sisyphe đã lăn qua
Đỉnh cao nhọc nhằn
Sáng loà cơn giông bão
Số phần muốn lặng im theo sông buồn phủ dụ
Trong tối tăm và hủy diệt, lấp lánh một giọt nước
Thuần khiết như sự phản kháng lẻ loi
Đang trở về
Cùng thánh nhân
Và trẻ nhỏ
30/4/03

THƯ GỬI MỘT NHÀ THƠ VÁNG MẶT

rửa Những con đường anh đã đi qua
giờ đây chúng tôi tìm trong sa mạc
với bao nhiêu nghiệt ngã đổi thay
vắt kiệt hết ước mơ
cho đoá sơn trà
một giọt sương
của niềm khát khao
Hỡi thi sĩ !
vòng nguyệt quế của anh giờ đây
đã trở thành một rừng gai tốt
cho những ai muốn đi tìm
những ngôn từ đẹp đẽ của thơ ca
Người ta chết vì một vừng trăng rạo rực
người ta chết vì bánh mì
chết như ả giang hồ
bên những bến Tầm Dương ghẻ lạnh
Sẽ chẳng còn ai hát nữa (?)
bài ca cho đám lưu dân bên bếp lửa tàn
một bài ca buồn về giấc mơ
của những người bị lăng nhục
Vì đây là tất cả
những gì cần gột rửa

Thứ Hai, 27 tháng 7, 2009

CHUYỆN ĐẦU TUẦN : CHÚNG NÓ KHÔNG PHẢI LÀ TRÍ THỨC !

Báo Phụ nữ,cơ quan ngôn luận của Hội liên hiệp Phụ nữ thành phố Hồ Chí Minh,số 56 ra ngày thứ sáu,24.7.2009 có đăng bài : “ Những trí thức “lớn” bạo hành … mẹ già”. Theo nội dung bài báo người bị bạo hành cả thể xác lẫn tinh thần nhiều năm qua là bà Đỗ thị Nhung,77 tuổi,giáo viên nghỉ hưu,ngụ tại số 87/80,Nguyễn Sĩ Sách,KP4,P.15,quận Tân Bình.Những người bạo hành bà là ba người con trai của bà gồm : Nguyễn Thanh Giang, thạc sĩ - luật sư của Đoàn LS TP.HC,Nguyễn Thanh Sơn,kỹ sư cơ khí,từng là giảng viên của một trường Đại học,Nguyễn Thanh Long,cán bô thi hành án huyện Cần Giờ,con dâu Nguyễn Thị Thuyết,vợ Long .Và đặc biệt ông Nguyễn Như Chương chồng bà Nhung,nguyên là chuyên viên Bộ Giáo dục – Đào tạo cũng thùa nhận :”Việc tôi bạo hành bà ấy là có.Tôi cũng đã từng làm đơn ly dị hai lần nhưng vì các lý do khách quan nên chưa được” Về các con bà Nhung bạo hành mẹ mình cụ thể theo nội dung bài báo:
-Nguyễn Thanh Sơn,kỹ sư cơ khí ,bênh vực em dâu vào lúc 1 giờ sáng ngày 27.6.2009 sau khi mắng chửi đã tát tai mẹ mình tới tấp.Chưa đủ, ông còn túm tóc, đấm vào mặt người mẹ đã ở tuổi gần đất xa trời này.Sau đó , ông Sơn dửng dưng như không có chuyện gì xảy ra, để mặc mẹ mình mặt mũi máu me,tự gọi xe ôm đi cấp cứu.Giấy chứng nhận thương tích số 164 của Bệnh viện Nhân Dân 115 cũng ghi rõ : bà Nhung bị sưng bầm hai mắt,cằm và môi dưới,chấn thương đầu và mặt.
Đây là lần thứ hai Sơn có hành vi con đồ với mẹ.Hơn một năm trước,bà Nhung có nhờ ông Sơn mua màn cửa sổ.Khi không vừa ý,bà muốn đổi cái khác,liền bị ông con giật cái màn xuống,ném trả lại tiền và không quên “tặng”mẹ đẻ của mình hai bạt tai.
Bà Nhung nói với PV báo Phụ nữ :”Tôi không thể tưởng tượng con mình lại hành xử thú tính với mẹ như vậy.Không chỉ Sơn,mà những đứa con trai khác cũng vậy” – bà Nhung ôm mặt khóc.

-Nguyễn Thanh Giang,thạc sĩ - luật sư của Đoàn Luật sư thành phố HCM, con trai đầu của bà Nhung đã dùng dây lưng quất bà túi bụi,phần lưng và hông dầy những vết bầm. Theo lời kể của bà Nguyễn Thị Hồng,tổ trưởng tổ dân phố.
Theo trích dẫn của Báo Phụ nữ lời của Giang nói về mẹ mình như sau: “Tôi không coi bà ấy là con người nói gì là mẹ.Nếu luật pháp cho phép,thì chẳng việc gì tôi ngại ngần khi …từ bà ấy!

“ Trong những đứa con,Long có vẻ ổn hơn,không đánh tôi bao giờ,thậm chí còn nhiều lần còn can ngăn chị Thuyết (vợ Long) khi chị lao vào đánh tôi.Nhưng Long cũng nhiều lần chửi tôi thậm tệ”-bà Nhung cho biết.

Ông Trần Quang Tỉnh,Phó ban điều hành KP4 và bà Nguyễn Thị Hồng, Tổ trưởng tổ dân phố 93 đến tìm hiểu sự việc thì các “ông trí thức” bảo họ không đủ trình độ để nói chuyện.

Việc báo Phụ Nữ đăng tải việc bạo hành này ngay trên trang 1 đã chứng tỏ cơ quan ngôn luận của Hội LH PN TP HCM thấy được sự nghiêm trọng của vụ việc Vấn đề đặt ra trước hết là những đứa con ngược đãi người xẻ thịt đẻ ra mình có xứng đáng được gọi với danh xưng là trí thức không.Dứt khoát là không.Chúng là những con thú đội lốt người.Chúng không có quyền đứng chung với những sinh vật gọi là con người .Nhưng đáng tiếc,thực tế chúng là những cán bộ trong các cơ quan nhà nước,là kỹ sư,luật sư,cán bộ thi hành án.Ngưòi cha sinh ra chúng là một chuyên viên của Bộ Giáo dục-Đào tạo,cũng đã bạo hành vợ mình suốt nhiều năm liền,di căn đến con cái..Vói vị trí xã hội như vậy chúng nó có thể là đảng viên,mà nếu chúng là đảng viên thì hết chỗ nói.
Truyền thống đạo lý của người Việt Nam không cho phép bất cứ ai im lặng. Đây không phải là chuyện nhỏ.Nó chứng tỏ truyền thống đạo đức đang lung lay tận gốc rễ.Tôi đề nghị bộ chính Trị,TW đảng CS VN cho đến tổ đảng tổ dân phố phải coi vụ việc này là điển hình,phải làm đến nơi đến chốn để hy vọng khi các ông đứng đọc diễn văn ở đại hội đảng sắp tới được suôn sẻ,không bị vấp.

nguyễn miên thảo

*Những chữ nghiêng là trích nguyên văn trên báo PN

Chủ Nhật, 26 tháng 7, 2009

THƠ NGÔ THIÊN THU

Đêm trăng
Gửi HPNT
Người đi hái ánh mặt trời tắt
Một thưở chiêm bao quá nặng nề
Trường Sơn trải mấy mùa động lá
Ngọt ngào khúc hát thổi buốt tê
Nơi giã từ da vàng mắt đỏ
Cỏng mùa xuân tức tưởi gầy vai
Đêm hớt hãi tâm linh trỗi dậy
Mười mấy trăng buồn rớt xuông ngai
Bên ghế người ngồi thêu áo gối
Màn sương chớp lửa lạnh quanh đầu
Chiếc ghế chừng nghe răng rắc gãy
Sụp mấy khẳng khiu ướt sầu
Người đi hái ánh mặt trời tắt
Đem về nhen lửa quăng lên trời.

Cánh đồng vô danh

Những cánh đồng vô danh
Nuôi dân tộc tôi trưởng thành
Huyền thoại bước ra từ những hạt lúa vàng thơm mùi chiến tích
Trên những cánh đồng vô danh
Máu xương tổ tiên tôi rơi xuống để bảo vệ giống nòi
Ngàn năm đô hộ càng nuôi thêm ý chí căm thù
Dấu chân Lý Thường Kiệt, Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Huệ...
Làm khiếp đảm quân thù đầy đầy lớp lớp xác chết
Thành những bóng ma không nơi dung thân
Hôm nay mùa lúa chín
Óng ánh vàng mùa hạ
Những hạt lúa nhảy múa
Bản hùng ca không tên.

Thứ Bảy, 25 tháng 7, 2009

THƠ HOÀNG THỊ THIỀU ANH


TƯƠNG TƯ CHIỀU

Vệt chiều xuyên đầu cành lá
Hoàng hôn vãi nắng lụa là
Len giữa dòng sông mộng mị
Rụng rơi một chút... ta bà.

Anh đến...rồi đi...trong ta
Trở trăn trăm nghìn con sóng
Lung linh mưa rớt giữa lòng
Có gì...
như là...
hư không...

Thu về dưới đáy mắt trong
Vàng rơi mênh mông lá rũ
Đêm qua giấc mơ không ngủ
Níu hồn tìm bóng lang thang.

Thứ Sáu, 24 tháng 7, 2009

YÊU NƯỚC VÀ YÊU GHẾ


BÙI MINH QUỐC

ĐỒNG THUẬN YÊU NƯỚC &
ĐỒNG THUẬN YÊU GHẾ

Quanh chuyện bô-xit Tây Nguyên, thấy hiện ra hai sự đồng thuận đối nghịch nhau :
- Trên phạm vi rộng, là một sự đồng thuận nói không với việc khai thác bô-xít Tây Nguyên, cứ để dành tài nguyên đó cho con cháu.
Đây là đồng thuận yêu nước.
Tiêu biểu cho khối đồng thuận yêu nước này là ý kiến đại tướng Võ Nguyên Giáp và các tướng lĩnh, lão thành cách mạng cùng mấy ngàn công dân thuộc đủ mọi tầng lớp; trí thức, văn nghệ sĩ, sinh viên, học sinh, những người hành nghề tự do, cư trú trên hầu khắp các địa phương trong nước và cả ở nước ngoài. Rất đáng chú ý là có cả các cán bộ đương chức, các đảng viên đang sinh hoạt đảng, họ đã vượt thoát ra khỏi nỗi e ngại mất chức, mất Đảng vì một chữ ký yêu nước.
- Trong phạm vi hẹp tại hội trường Quốc hội là sự đồng thuận nói có với việc khai thác bô-xít Tây Nguyên, thực chất là chính thức bật đèn xanh cho một “việc đã rồi” (cụm từ của đại biểu quốc hội Dương Trung Quốc) diễn ra lén lút từ 2001 sau tuyên bố chung Nông Đức Mạnh – Giang Trạch Dân.
Đây là đồng thuận yêu ghế.
Những người đồng thuận yêu ghế này hầu hết đều là những người có chức quyền, và hẳn rằng có tài sản lớn (cho đến nay không một người nào dám tự nguyện công khai báo cáo tài sản với quốc dân, nhưng nhân dân thừa biết tài sản họ quá lớn nên mới không dám báo cáo công khai), lòng yêu ghế ( tức là yêu cái tài sản nhờ ghế mà có) buộc họ phải nói có với việc khai thác bô-xít Tây Nguyên. Đơn giản vậy thôi. Mọi lý lẽ vòng vo tam quốc che chắn cho canh bạc năm ăn năm thua cũng là để che dấu cái lòng yêu ghế thiết tha không bao giờ dứt mà thôi.
Các tổng kết chính thức ở cấp tối cao bấy lâu đều nhấn mạnh tình trạng chất lượng yếu kém của hoạt động Quốc hội và đại biểu quốc hội.Theo tôi, cái yếu kém rất căn bản và hầu như không thể tự khắc phục nổi của Quốc hội và đại biểu quốc hội chính là ở chỗ chất lượng yêu nước thì rất thấp, chất lượng yêu ghế thì rất cao, cái yêu ghế là cái sôi sục ngấm ngầm suốt ngày đêm, còn cái yêu nước thì chỉ có trên đầu lưỡi.
Khối đồng thuận yêu ghế tuy là thiểu số trong toàn Đảng toàn dân nhưng chiếm đa số trong bộ máy công quyền, lại ra sức nắm chặt hệ thống truyền thông đại chúng để lung lạc dư luận, đánh lừa một bộ phận dân chúng chưa có điều kiện tiếp cận với các thông tin đa chiều.
Nhưng cũng không thể lung lạc được mãi.
Khối đồng thuận yêu nước ngày càng lớn mạnh theo đà thông tin chính xác đầy đủ lan rộng thấm sâu từng giờ bằng mọi phương tiện từ mạng internet đến bản photo truyền tay truyền miệng không gì ngăn nổi.
Với sức mạnh của thời đại thông tin, với nỗ lực tuyên truyền vận động hàng ngày của những người yêu nước vì dân, tôi tin rằng không lâu nữa nhất định sẽ diễn ra một sự bùng nổ thông tin về mối nguy cho an ninh quốc gia tại các công trường khai thác bô - xít Tây Nguyên và các ngư trường trên biển Đông, lúc ấy các cử tri sẽ dứt khoát gạch phăng những cái tên đã “đồng thuận” nói có với việc khai thác bô-xít Tây Nguyên.
Xin các vị đại biểu yêu ghế trong Quốc hội hiện nay hãy ghi nhớ điều này và kịp thời điều chỉnh ý kiến và thái độ nếu muốn tái ứng cử.

Đà lạt 07.07.09

Nguon : Dao Hieu.com

Thứ Tư, 22 tháng 7, 2009

THƠ NGUYỄN MIÊN THẢO


quy y em

quy y em một ngày
ta đã thành chánh quả
quy y em vạn kiếp
ta thành hạt mưa rơi
khi hoá thành hạt bụi
em tan vào trong tôi
quả đất này trơ trụi
ta còn mãi rong chơi


hôn nhau hành tinh khác

bắt đầu lại loài người

Thứ Sáu, 17 tháng 7, 2009

VĨNH BIỆT NHÀ THƠ TẾ HANH


Vào lúc 12g20 ngày 16-7-2009, nhà thơ Tế Hanh đã ra đi , thọ 88 tuổi.
Nhà thơ Tế Hanh tên thật là Trần Tế Hanh,sinh năm 1921, quê làng Đông Yên, xã Bình Dương, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Ông sáng tác từ rất sớm và đã đứng trong phong trào Thơ mới ,nổi tiếng với tập Nghẹn ngào ( giải khuyến khích của Tự lực văn đoàn). Ngoài thơ, Tế Hanh còn dịch nhiều tác phẩm của các nhà thơ lớn trên thế giới, viết tiểu luận phê bình văn học, thơ thiếu nhi. Nhắc đến nhà thơ Tế Hanh nhiều thế hệ học sinh không thể quên 2 tác phẩm " Nhớ con sông quê hương"và "Quê hương" đã làm lay động tâm hồn của biết bao bạn trẻ trên ghế nhà trường.Tưởng nhớ ông,xin đăng lại bài thơ Quê Hương theo trí nhớ của
một cậu học trò đã học thơ ông cách đây hơn nữa thế kỷ
Quê hương
Làng tôi ở vốn làm nghề chài lưới
Nước bao vây cách biển nửa ngày sông
Khi trời trong, gió nhẹ sớm mai hồng
Dân trai tráng bơi thuyền đi đánh cá

Chiếc thuyền nhẹ hăng như con tuấn mã
Phăng mái chèo mạnh mẽ vượt trường giang
Cánh buồm giương to như mảnh hồn làng
Rướn thân trắng bao la thân góp gió

Ngày hôm sau ồn ào trên bến đỗ
Khắp dân làng lũ lượt kéo ghe về
Nhờ ơn trời biển lặng cá đầy ghe
Những con cá tươi ngon thân bạc trắng

Dân chài lưới làn da ngăm rám nắng
Tỏa thân hình nồng thở vị xa xăm
Chiếc thuyền im bến mỏi trở về nằm
Nghe chất muối thấm dần trong thớ vỏ.

Nay xa cách lòng tôi luôn tưởng nhớ
Mầu nước xanh, cá bạc, cánh buồm vôi
Thoáng con thuyền rẽ sóng chạy ra khơi
Tôi thấy nhớ cái mùi nồng mặn quá!
TẾ HANH

THƠ HOÀNG LỘC


yêu không chịu nổi

có phải tình yêu cứ gấp lên
mỗi ngày lòng lại thấy nhiều thêm
lòng anh, có khác chi trang giấy
tình, vết dầu loang đủ bốn bên

em ạ, như mưa mấy bữa rày
bốn trời căng kín những tầng mây
trời không mưa - trời không chịu nổi
thì đó, tình anh cũng ứ đầy !

anh cũng yêu không chịu nổi rồi
nước nhiều, lửa lớn, cơm đang sôi
trào - xô bật nắp vung - hơi thoát
thì khéo, tình anh phải thế thôi !

em cách xa, anh chẳng được gần
cho anh tuôn bớt những lời thân
lòng anh nhỏ quá, không kham nổi
cả một trời yêu nặng quá chừng !

THƠ THU NGUYỆT

hồn nhiên

Đời còn ở phía ngày mai
Hay là đã ở phía ngày hôm qua?

Bàn tay nắm lại xoè ra
Nắm là thấy có buông là thấy không

Buồn vui như một cái vòng
Điểm đầu tiên,điểm cuối cùng gặp nhau

Ngày qua thì đã qua mau
Ngày mai rồi sẽ bắt đầu sao đây?

Ta ngồi ngắm mãi bàn tay
Ngửa rồi lại úp,ngắn dài trắng đen...

Biếng lười đếm giọt nhớ quên
Nhẹ không - lòng cứ hồn nhiên với buồn

Thứ Tư, 15 tháng 7, 2009

TƯƠNG LAI HÀNH TINH CHÚNG TA TRƯỚC SỰ BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU

Biến đổi khí hậu sẽ “khiến nền văn minh sụp đổ”

Một nghiên cứu mới về tương lai hành tinh với sự tham gia của gần 3.000 chuyên gia đã đưa ra những kết luận khá bi quan về tương lai hành tinh chúng ta đang sống.

Biểu tình đòi hỏi những hành động cụ thể chống biến đổi khí hậu tại Sydney (Úc) giữa tháng 6-2009 - Ảnh: Reuters


Theo báo Independent (Anh) ngày 12-7, nếu con người muốn tìm kiếm cơ hội sống sót trong biến đổi khí hậu, họ cần phải nỗ lực tương tự như muốn đưa người lên mặt trăng ngày trước. “Nếu không có tăng trưởng bền vững, hàng tỉ người sẽ rơi vào đói kém và nhiều nền văn minh sẽ sụp đổ”, báo cáo viết.
Báo cáo quy mô và nghiêm túc
Cảnh báo nghiêm khắc này được đưa ra trong báo cáo lớn nhất từ trước tới nay về tương lai hành tinh do UNESCO, Ngân hàng Thế giới, quân đội Mỹ, Quỹ Rockefeller hỗ trợ thực hiện. Báo cáo mang tên Tình trạng của tương lai năm 2009, dày 6.700 trang, sẽ được công bố vào tháng 8-2009, đưa ra các kết luận và tìm kiếm mà Tổng thư ký LHQ Ban Ki Moon nhận xét rằng: “Đã cung cấp những cái nhìn sâu sắc đầy giá trị về tương lai cho LHQ, các thành viên và xã hội dân sự cân nhắc và xem xét”.
Ảnh hưởng của suy thoái toàn cầu là chủ đề chính của báo cáo. Các nhà nghiên cứu cảnh báo suy thoái đã làm suy yếu tương lai của năng lượng sạch trên thế giới, thực phẩm ít đi, nghèo đói tăng lên, sự phát triển của nền dân chủ trên thế giới bị thụt lùi và giảm chất lượng. “Quá nhiều quyết định mù quáng và tham lam đã khiến thế giới suy thoái, và thể hiện sự phụ thuộc liên thông lẫn nhau về kinh tế và đạo đức”.
Báo cáo đánh giá suy thoái hiện nay khiến mười năm tới một nửa thế giới sẽ phải đối mặt với bạo lực, bất ổn do nạn thất nghiệp gia tăng, cộng thêm tình trạng thiếu nước, lương thực và năng lượng, lại thêm “cú đánh” biến đổi khí hậu. Các tác giả của báo cáo đã đưa ra hàng loạt vấn đề về an ninh môi trường, với cảnh báo rằng những thay đổi về khí hậu khiến thiệt hại sinh mạng tăng cao, và nguy cơ nhiều quốc gia bị xóa sổ đang và sẽ tạo ra những vấn đề lớn về chính trị và xã hội.
Cơ hội trong khủng hoảng
Dù sao mọi việc chưa phải kết thúc hẳn. Các tác giả gợi ý rằng họ cũng thấy một chút tích cực về tương lai. “Tin tốt lành là khủng hoảng tài chính toàn cầu và biến đổi khí hậu sẽ giúp loài người chuyển dịch từ lối cư xử và suy nghĩ ích kỷ, coi mình là trung tâm, sang lối ứng xử trưởng thành hơn, có trách nhiệm hơn với cộng đồng thế giới... Nhiều người tin rằng thảm họa kinh tế hiện nay là một cơ hội để đầu tư cho thế hệ công nghệ xanh tiếp theo, đánh giá lại những lý thuyết về phát triển kinh tế, và đưa thế giới vào quỹ đạo đến một tương lai tốt hơn”.
Báo cáo cũng đánh giá website - Internet là “một lực lượng mạnh mẽ nhất cho toàn cầu hóa, dân chủ hóa, tăng trưởng kinh tế, giáo dục trong lịch sử loài người”. Vấn đề trước mắt là giá lương thực và năng lượng tăng, thiếu nước và di cư liên tục do “các điều kiện chính trị và môi trường, kinh tế” có thể kéo thế giới vào sự bất ổn và bạo lực. Tội phạm có tổ chức sẽ phát triển mạnh, với thu nhập toàn cầu dự báo là 3.000 tỉ USD - gấp đôi ngân sách dành cho quân sự của tất cả các quốc gia trên thế giới cộng lại.
Báo cáo cũng cho biết ảnh hưởng của biến đổi khí hậu sẽ tồi tệ hơn những gì chúng ta biết. Năm 2025 có thể có 3 tỉ người không đủ nước dùng do dân số tăng nhanh. Đô thị hóa nhanh sẽ khiến vùng đất dành cho động vật hoang dã bị thu hẹp, sản xuất sản phẩm từ gia súc tập trung có thể gây nên các loại dịch bệnh mới.
Báo cáo kêu gọi các chính phủ, đặc biệt là Mỹ và Trung Quốc, phải đưa ra các kế hoạch dài hạn và nỗ lực tương tự như nỗ lực đưa người lên mặt trăng, để giải quyết các mối đe dọa sự tồn vong của con người. “Nỗ lực này không chỉ quan trọng với môi trường. Đó cũng là một chiến lược để tăng cường khả năng cho hòa bình quốc tế. Nếu không có thỏa thuận, sẽ rất khó có sự kết nối toàn cầu để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu một cách nghiêm túc”, báo cáo viết.
HẠNH NGUYÊN

(nguồn : Tuổi Trẻ Online)

Thứ Ba, 14 tháng 7, 2009

THƠ CAO THOẠI CHÂU

Ngước lên,nhìn xuống

Ngước lên cho thấy phận người
Thấy luôn cả một bầu trời rất mây
Bầu trời như thể bàn tay
Dọc ngang những nét ngắn dài xen nhau

Ngước lên cho thấy trên cao
Chỉ là không khí không màu mà thôi
Nhìn ra để thấy bên ngoài
Đường đêm xao xác một vài lá khô

Ngước lên cho thấy ngày xưa
Con sông nhỏ tí như vừa mới sinh
Trong thơ có những chuyện tình
Bóng chiều ai tạc lên thành núi cao

Bóng trăng đổ dưới chân đèo
Lòng không cũng gợn ít nhiều mến thương
Cỏ hoa còn rất vô danh
Chưa thành khuê các chưa thành kiêu sa

Thử nhìn theo bóng hôm qua
Nhìn theo cái bóng la đà bóng ơi
Trên cao có một bầu trời
Thấp hơn có một con người đứng trông

Trong lòng gợn chút bâng khuâng
Gợn thêm một chút ân cần với nhau
Và thêm một chút thương đau
Khói sương ở dưới vực sâu đứng nhìn!
11-7-09

Thứ Ba, 7 tháng 7, 2009

THƠ TỪ HOÀI TẤN


một thoáng đời nồng

Còn lối hoa reo ngoài nhà nhỏ
Bốn mùa chim hót không ngưng
Còn vườn cây thơm mùi cỏ
Mở bầu rượu uống rưng rưng

Còn tóc xanh thơm ngày thơ dại
Còn con mắt ướt của đêm nhung
Còn môi nho mọng xuân mười bảy
Còn xác thân chờ phút hiến dâng

Ta biết quen em thời cắp sách
Đường thơm mấy lá ép trong môi
Nhìn miệng em xinh ngần ngại thốt
Lời gió đưa mây tận cuối trời

Và gió đưa mây về cuối trời
Ta cũng biến thành người phiêu lạc
Năm năm rồi em có còn tươi
Những ngày xuân xanh bất tuyệt

Nhưng mây vẫn mong về phương cũ
Có em chờ trong tuổi lớn khôn
Ta mang áo dài cùng sính lễ
Đón em về vui với ta chung

Đêm nay rồi một đêm mai nữa
Chỉ còn bầu rượu cạnh thắt lưng
Trên dặm đường xa thương bạn hữu
Mời hư không một chén rưng rưng

Chủ Nhật, 5 tháng 7, 2009

GIÁNG SINH EM - THƠ NGUYỄN MIÊN THẢO


tuổi ba mươi xanh biếc nỗi yêu ngươi
em lộng lẫy một thời thiếu nữ
nụ cười em buộc bao chân lữ thứ
vẫn mơ hồ báu vật của riêng anh

ngày giáng sinh em đất trời mở hội
có vì sao vụt sáng ở trên trời
mây ngũ sắc và gió lừng thơm ngát
là bắt đầu có một kẻ ngu ngơ

đôi bàn tay của một thời con gái
vẫn còn nguyên tươi tắn tuổi xuân nồng
có một hôm tình cờ anh nắm được
là hiểu rằng nghìn tuổi vẫn u mê

tuổi ba mươi em vẫn mãi xuân thì
anh trẻ mãi để nhìn em đắm đuối
nụ cười em lạc loài trong đôi mắt
anh dại khờ cho đến mãi nghìn sau!
4.7.2009

Thứ Năm, 2 tháng 7, 2009

TRANG VĂN NGÀY CŨ KỲ 28 - NHÀ THƠ LÊ NGỌC THUẬN



Nhà thơ Lê Ngọc Thuận tuổi Tý 1948,quê quán làng cổ Phước Tích,Thừa Thiên Huế.Hiện sống với Kim ở Mỹ Chánh.Đã xuất bản tập thơ Lê Ngọc Thuận năm 2009,nhà xuất bản Thuận Hoá.Thơ ông xuất hiện trên văn đàn miền Nam từ thập niên 1960 thế kỷ trước.Đậm chất giang hồ và hào khí,thơ ông có nét rất riêng làm mê hoặc người đọc.Xin giới thiệu một số bài thơ mới nhất của ông.


NGUYỆT NHẬT

một cuộc tình túng quẩn thiếu tháng hụt ngày
mà thời gian không chịu cho vay - cho mượn
hắn đi - hắn nhảy - hắn chạy
vẫn trong vòng bát quái
hắn đành giở cái cảnh bể hụi - mất trâu
nhịp rượu trong lòng phố chợ
có ngững chiếc lá vàng không phải tại mùa thu
có những kẻ yêu nhau không nhập đề - thân bài - kết luận
hắn vương bờ vai trượng phu
ngựa không có để cầm gươm rong ruổi
dao không còn để ra chiều dọc ngang
ngồi với ngọn lửa đời cơm áo
ngó khói bay trắng toả phù vân
tội cho đôi môi mõi mòn hảo hán
tội cho nụ hôn thất trận hàn binh
tội cho bàn tay trần truồng sự nghiệp
ôi! người đời của tạm
nhưng tình thì không thể ăn gian
chợt nhớ câu thơ chữ hán Đặng tiên sinh gửi
“nguyệt dã vô thềơng như nguyệt mộng
nhật lai nguyệt khứ - nguyệt phiêu bồng”
là trăng? là hằng? là nga? Là nguyệt?
đã là duyên thiện ác đâu cần
hắn nạp rượu và đợi tới trăm năm
chờ tóc vương phi xưa dài trở lại.
2009

PHẢI GIÓ

buồn cũng bị rình mò theo dõi
vui cũng bị xét hỏi điều tra
ngán ngẩm thay tháng tư ở Huế
trời cứ mưa như mưa tháng mười
tội sông Hương ngây thơ trong trắng
đâu biết ma quỷ ở đôi bờ
\nước vẫn cứ vô ưu dòng chảy
trời với trăng vẫn cứ tà tà
trái tim người dụng công nghệ cao
nên nhịp đập lẫn lộn chiêm bao
mộng với thực như mây với gió
mây tan rồi gió lại về đâu?
Ta một mình tự do hơi thở
ngắn hay dài em mãi xa xôi
đâu đó giữa phố xưa đường cũ
tay em còn giỡn với mưa không?
rượu ta uống như kẻ tu hành
nhớ em theo chuông mỏ từng canh
mơ hồ thấy kiếp xưa mình đã
cỡi áo nâu sòng theo bóng ai
2009

KHÔNG KHOANH

Ta làm thơ như tay công tử cuốc đất
Nhát được nhát mất
Ta yêu em như lão già mộ đạo
thầm thì trong miệng lời kinh
cái miệng bao năm lầy lội thị phi
của một đời người ngắn ngủi
đi thẳng vào trọng tâm
tâm không!
vậy đâu là vấn đề?
rượu lại uống
và em người đàn bà hỗn láo
yêu ta như một nhát dao đâm
rồi bỏ ta đi
nhẹ nhàng như ánh trăng về sáng
vẫn là sông Hương
với em ta chưa bao giờ chung chén
những bông mai nở không đúng thời
dẫu tháng giêng chưa hết
cũng như ta
trong cơn say nhớ lẫn lộn
những nhan sắc chay mặn thất thường
mắt ngó một nơi
môi cười một nẻo
trong bàn bạn bè ta
toàn là đại ca
mỗi đại ca đều có vùng tạm chiếm
riêng ta không nơi chốn
với trái tim
đập lẻ loi những hơi thở cũ
bởi em - bóng chim tăm cá
bởi ta – cô quạnh lỗi thời
căn nhà - khu vườn – cây khế
còn đó
nhưng ta đã thành quá khứ
phải không vương phi?



KHI KHÔNG


Có phải ta là đồ con vịt
Nên nỗi buồn lệt bệt lôi thôi
Có phải em ngán ngẩm mặt người
Nên mặc áo đen về theo bóng tối
rượu tháng giêng không ai cụng chén
một mình ta ngơ ngác cơn say
gốc khế già còn không gió cũ
để mưa chiều bay ướt tóc xưa
ta hồ đồ bên thềm Bính Tuất
ngó đời mình mộng trụi mơ trơ
lại nhớ môi em mờ khói thuốc
cái thuở nào mắt biếc vương phi
khi không ta hoá thành quá khứ
để cho em chợt nhớ mà thôi
hình như đâu đó trên đường phố
những bước chân còn giấu xót xa
ta vẫn dở dang từng cuộc rượu
vẫn vui trơ trẻn một mình say
cà lăm ta gọi tên người ấy
gọi mãi thành ma quỷ mất thôi
năm tháng ngà ngà không tịnh dạ
loay hoay lòng lẫn lộn xương da
Quốc ơi! Hãy uống cùng ta nhé
một chén tình tơi tả một gan.