Thứ Bảy, 30 tháng 11, 2013

BÊN QUÁN CÀ PHÊ BỜ KÈ CỦA C.A.N - TỪ HOÀI TẤN

 

bên quán cà phê bờ kè của C.A.N
tặng  NT
gặp em
để nhớ nhung một chút xa cách
những ngày hoang đàng cùng đồng cỏ
ngang tàng với ánh trăng khuya
cuộc ruổi dong của định mệnh
nghĩ rằng em
với đôi mắt ươn ướt màu nho
vẫn thường để tóc tự do leo luống bờ vai
hay có thể tưởng tượng thêm
đôi bàn tay không bao giờ ngửa mặt lên
úp vào thân thể ngọt
nghĩ rằng em
dẫu không anh
vẫn còn anh
trên những dấu tích cũ ấy
***
gặp em
dòng kênh đã đổi màu
đã rất nhiều ngày
hay mười mấy năm rồi nhỉ
không biết chúng ta đã vượt qua nhau chưa ?

  SG XI.2013 

THT

 

Thứ Sáu, 29 tháng 11, 2013

BẤT CHỢT TÌNH - NGUYÊN HẬU

Ngày sẽ dịu dàng khi có tiếng chim 
           bên kia đầu nỗi nhớ
anh chào em giữa mộng vàng êm ả
           bất chợt tình
                         bất chợt nồng say


Ngày sẽ nhẹ nhàng khi có tiếng cười anh
          hiền hòa bên em tóc xõa
em ươm sợi tơ vàng trên ngọn đồi tình ái
để anh – chàng lãng tử dại khờ đi tìm nụ tầm xuân
lạc đường
 bên em
       …. bất chợt


Và ngày sẽ nồng nàn hơn
     nếu anh đến bên em
        thì thầm trong em - nỗi nhớ
em sẽ giấu ánh bình minh, 
        cho anh miền bất tận
        bất chợt ngọt ngào
                        tan biến 
                               những ngày đau…

Thứ Năm, 28 tháng 11, 2013

MẶC KHẢI - CHIÊU ANH NGUYỄN

Mặc khải !
Cởi chiếc áo ngực vướng víu từ độ dậy thì
núm ngực trần hoang vu đòi thở
đường cong ướt ngày mơ bé nhỏ
thèm bàn tay anh
tóc xõa, môi son, chân trần
tim loạn nhịp
gió mướt như ánh mắt người đàn ông lướt trên da thịt
dốc chiều nay
ngược bão
rã rời đôi chân ai
quẳng lại mấy mươi năm
tiết hạnh
trả cho loài người
có gì vui !
mùi nồng nàn giống nòi
là hơi thở anh phía bên kia tai ương
sẽ dùng quỹ thời gian sót lại
chỉ để nhấm nháp những nỗi đau
ảo diệu
trả tất cả cho buổi chiều rất chậm
ngắm mình qua phút buông tay
Eva cũng thế
và Adam cũng chỉ là người đàn ông
dù có mang hình hài thiên chúa
vẫn lỡ dại mấy mươi lần
nên bắt đầu có vô khối kẻ ngu tình
vô tội đi sau

chiều thả những vòng thép gai rơi trên cỏ dại
bật máu
nụ hôn môi cho bài kinh chiều
chùng tay lần chuỗi
thánh giá đã về tới nơi cần dựng lên
nơi có anh và em
đợi sẵn...


C.A.N
11-2013



Thứ Tư, 27 tháng 11, 2013

DỌC ĐƯỜNG - VÕ CHÂN CỬU


BÀI 6
Nhà  Văn  Làm  Thơ…

“Có những khi buồn, có những khi chẳng còn ai để tâm sự, tôi lại chìm đắm vào thơ. Hình như nơi ấy, cái bàng bạc hư ảo của thơ có lúc nó như là biển nước mà tôi, con cá suýt mắc cạn được trở về bơi lội nhởn nhơ…”
          Đó là câu trả lời phỏng vấn của Trương Đạm Thủy, được ông cho in trong “Vượt Vũ Môn”, tập văn xuôi thứ 7 kể từ khi ông được in tác phẩm đầu tiên- tập truyện Miền Đất Hồi Sinh (Nhà xuất bản Sông Hậu, 1964).
Nếu tính từ năm 1975, thì đây là tác phẩm thứ 5, tập văn xuôi thứ 4 của Trương Đạm Thủy. Cột mốc lịch sử năm 1975 rất quan trọng đối với những những người đã sống hoàn toàn bằng viết lách ở Miền Nam.
Sinh năm 1940, chịu cảnh mô côi từ bé, Trương Đạm Thủy được cô nhi viện tỉnh Bến Tre nuôi nấng. Đến tuổi vào đời, ông trôi dạt lên Sài Gòn. Từ niềm say mê và nhiều cơ duyên đưa đẩy, ông vào nghiệp viết lách. Lúc này ngoài các tạp chí chuyên về sáng tác văn học như Sáng Tạo, Hiện Đại, Thế Kỷ 20, các tờ nhật báo (hầu hết là của tư nhân) đều dành đất cho những người làm thơ, viết truyện. Năm 1963, Trương Đạm Thủy được giải thưởng truyện ngắn của nhật báo Tiếng Chuông. “Vòng hoa” này đã đưa chàng trai 23 tuổi mê viết lách chính thức gia nhập “làng văn-trận báo”. Ông vừa làm nghề sửa bản in (chấm mo-rát), vừa viết các tin tức, phóng sự và truyện dài đăng hàng ngày (feuilleton) cho một số nhật báo. Lúc này, truyện dài “feuilleton” bị nhiều giới “trí thức” thành kiến cho là truyện “diễm tình ba xu”. Nhưng nó lại giúp nuôi sống những người viết lách. Ngoài các tác giả chuyên viết truyện diễm tình có sách bán chạy như An Khê, Thẩm Thệ Hà, Ngọc Linh…, những người làm văn chương “chính thống” như Sơn Nam, Bình Nguyên Lộc, và các cây bút thuộc thế hệ kế tiếp như  Viên Linh, Nguyễn Xuân Hoàng, Cung Tích Biền…cũng đều tham gia viết feuilleton trên nhật báo. Điều này cho thấy trong lĩnh vực nghệ thuật nói chung và sáng tác văn học nói riêng, việc đổ lỗi rằng “hoàn cảnh hay sự bó buộc của thể loại đã tạo ra những tác phẩm dở” chỉ là sự ngụy biện. Tất cả đều do con người, cụ thể là cái tâm và “nội lực” của người cầm bút.
Ông là nhà văn đã có chút ít tên tuổi, lại không bị quy kết là “tác giả có tác phẩm phản động, đồi trụy”. Nhưng trong thời kỳ mới Trương Đạm Thủy đã không hề giả giọng ca ngợi một chiều để kiếm chút bổng lộc hay tiến thân. Từ khi viết văn, ông đã tâm niệm rằng người cầm bút phải “sống thực và sống đẹp”, và coi đó như một “cảnh giới tâm linh”, nên ông tiếp tục “viết để trải lòng”. Vì vốn yêu những mảnh đời mà ông bắt gặp ở vùng đất Nam bộ phì nhiêu và còn nhiều hoang dã, cũng như giữa chốn đô thành Sài Gòn tụ hội nhiều tinh hoa-nghịch lý, ông vẫn tiếp tục viết văn theo phong cách riêng của mình. Tác giả Thiên Hà, một người bạn văn của ông từ nhỏ nhận định: nhà văn đã thể hiện những nguyên mẫu hiện đại bằng mạch văn nhẹ nhàng thành cổ tích, liêu trai…Và có những nguyên mẫu chừng như hoang đường, huyền thoại…cũng được nhà văn “biến hóa” thành thực tại thần kỳ…Trương Đạm Thủy đã làm chủ được ngòi bút của mình, làm chủ được đường biên phận số, để tỏa sáng những khát vọng của con người một cách chân thành lung linh…”
Một người bạn, cũng là “độc giả” chí tình của ông là Kiến trúc sư Nguyễn Tài My cho rằng tập truyện Vượt Vũ Môn (tác phẩm mới nhất do NXB Thanh Niên in, phát hành đầu năm 2012) tái diễn thâm thúy đời tác giả: Tìm vào rừng sâu ẩn dật, ngày ngày câu cá, chịu ảnh hưởng giá rét mùa đông, bỗng một hôm ngộ được đàn cá chép vượt vũ môn về cố hương, thực hiện hành trình vượt dòng về sinh nở…”
Trong truyện ngắn “Vượt Vũ Môn”, tôi bắt gặp những câu văn tả chân khá đẹp: … “Có một dạo ông chèo thuyền đi câu trên hồ lớn và đã từng gặp những con cá mẹ đang giờ sinh nở. Ông thấy chúng bơi vòng tròn bên những đám rong xanh mọc sát bên đám cây u du, lau sậy. Sau mỗi vòng lượn, chúng lại quặn mình bắn ra những cái trứng màu trắng ngà trong đám rong tảo mềm mại. Gần nửa ngày như vậy mới xong những cái trứng cuối cùng. Cái bụng căng của cá mẹ trong buổi sáng, khi đến giữa trưa thì đãke5p lép. Bấy giờ, cá mẹ như đã kiệt sức hoàn toàn, nó bơi lờ đờ quanh đám rong như để kiểm tra lần cuối cùng chỗ an toàn sẽ ấp ủ những đứa con bé bỏng thân yêu. Xong, nó lặng lẽ bơi ra giữa hồ, đuôi quẩy nhè nhẹ một lúc, miệng ngáp ngáp mấy cái rồi lật nghiêng mình, ngửa bụng lên trời. Cá mẹ đã thở hơi sau cùng của đời cá.
          Những lần nhìn cảnh ấy, ông lão buồn thương vô hạn, và ông không bao giờ bắt những con cá mẹ đã chết trên hồ ấy đem về cho những bữa cơm của ông. “Ăn sao đành”, ông nói.”
          …….
          Hình như qua đoạn văn này, Trương Đạm Thủy cũng muốn diễn đạt một triết lý về nghệ thuật cũng như quan niệm sống của một số người cầm bút ! Nên không lạ khi những nhà văn như vậy lúc có tuổi cao lại say đắm tìm gặp “Nàng Thơ”.
          Dưới đây là một bài thơ của Trương Đạm Thủy in trong tập thơ đầu tay “Hát xẩm Giữa Đời” –NXB Hội Nhà Văn 2008 :
          Dòng Cạn
          con đò rất buồn, con đò ngắc ngư
          quạnh vắng một dòng sông cạn nước
          phù sa có buồn mấy tầng rễ đước
          ôm bãi bồi van tu hú gọi triều lên

          giữa rừng ta bật hú gọi em
          vọng âm xa vang tiếng gào của gió
          tiếng ta kêu với vô vàn tia máu
          chảy xanh bờ hiu quạnh một rừng thu
         
          đưa ta về chốn nào đất lạ trời cao
          đi tìm câu thơ náu mình xứ khách
          vụt một cánh chim buồn đến khóc.

          ta đi mơ hồ như trong chiêm bao
          về đến bến nào trên dòng sông nhỏ
          tìm em ở đâu góc đời giông bão

          sông ơi, dòng phù sa nước cạn nửa vời
          ta ở đây hú gọi người ở đó
          thôi đậu lại con thuyền ôm nỗi nhớ
          đành ngồi hát vu vơ câu dạ cổ bên rừng đước mồ côi.

“vụt một cánh chim buồn đến khóc” là câu thơ quá hay và lạ. Hình như nó chỉ hiện ra trong lòng của một người đang nuối tiếc những “rừng đước mồ côi”, “mấy tầng rễ đước”,xót xa nhớ tiếng “tu hú gọi triều lên”.

Tôi thua ông Trương Đạm Thủy hơn mười tuổi, nhưng ở các điểm uống bia Sài Gòn, nhiều người vẫn cho rằng “hai cha này giống nhau ở điểm thích ngồi một mình; ít bàn chuyện văn chương thế sự”.Từ hơn ba mươi năm nay, ông kiếm tiền tiêu vặt, uống bia bằng những bài báo ngắn, thường là điểm sách, tạp bút trên những tờ báo nhỏ đây đó. Nhà thơ nữ Phan Ngọc Thường Đoan trong lời tựa cho tập thơ “Hát Xẩm Giữa Đêm” cho rằng : “Có lẽ vì chạm phải những ngang trái và bầm dập của cuộc đời quá sớm, đã quá dạn dày với thế thái nhân tình, hình thành một sự trầm tĩnh nơi anh Trương Đạm Thủy…Anh như cụm mây trắng giữa đời loay hoay không biết bay về đâu”…
Có một bài thơ trong tập nói về tâm trạng này:

          một ngày không biết ở đâu
          gió về phương nào
          vạt chiều lên khúc thu vọng tấu
          nhẹ tênh mắt lá cười buồn

          người đàn ông đi qua khoảnh sân
          nhặt những chiếc lá
          nhặt những dấu chân…
          em bước

          người đàn ông đi quanh những hòn đá
          nơi bầy mèo hoang tha thẩn dạo chơi
          có tiếng đá thì thầm
          hoài niệm sơn khê
          người đàn ông nhặt lên hạt lệ
          …….
                                        (Bước Chân)

Bài thơ mang âm hưởng buồn, nỗi buồn khó hiểu được ? Hình như là tâm trạng của một lớp người bị thời cuộc trói buộc, không được thỏa niềm đam mê trong cuộc sống. Nhưng ông âm thầm chịu đựng, không trách móc, giận dữ chửi đời !
          Nhà văn đến một tuổi nào đó lại thích làm thơ. Có lẽ vần thơ diễn tả được những điều nào đó mà văn xuôi không nói hết.
          Gặp Trương Đạm Thủy lần mới nhất, ông cho biết đang chuẩn bị để …in tiếp tập thơ thứ 2: Mùa Hoa Cải Trắng. Người ta thường nói mùa hoa cải vàng. Chỉ có loại “cây cải trắng” thôi chứ ! Thơ Trương Đạm Thủy, cũng như nhiều người làm thơ Miền Nam, khi in xong, thường vẫn “ở trong lặng lẽ”. Nhưng tôi tin với những câu thơ như vậy, vẫn có những người lặng lẽ tìm đọc.
                                                                                Võ Chân Cửu

          

Thứ Ba, 26 tháng 11, 2013

ĐÀI TRUYỀN HÌNH VIỆT NAM KHÔNG NÊN ĐỂ CÔ KIỀU TRINH TIẾP TỤC LÊN SÓNG

Vũ Kiều Trinh, kẻ ăn cắp siêu thị


Đây quả là Chuyện buồn nhà Đài! VTV thiếu gì người trẻ, đẹp, giỏi hơn Vũ Kiều Trinh, vì sao cứ phải để cho cô Kiều Trinh xuất hiện trên màn ảnh. Thật tội nghiệp cho cô ấy, và cả gia đình cô ấy!

Mỗi lần xem chương trình "Văn hóa dân tộc", của Đài truyền hình Việt Nam VTV, tôi lại cảm thấy nhức mắt. Bởi vì người phụ trách chương trình ấy luôn xuất hiện với cái vẻ mỹ miều, cặp mắt sắc xảo, và giọng nói rất đanh. Đó chính là Kiều Trinh. Dân mạng không còn lạ gì Kiều Trinh là con gái nguyên Uỷ viên trung ương Đảng, Tổng giám đốc đài truyền hình Việt Nam Vũ Văn Hiến. Cô sinh năm 1975, nguyên phóng viên văn hóa Ban thời sự.

Năm 2001, Kiều Trinh được cử sang Thụy Điển 3 tuần. Ngay tuần đầu, ngày 11-2-2001, cô đã bị cảnh sát thành phố Kalmar bắt vì tội ăn cắp hàng trong siêu thị. Lúc đầu cô nàng chối bai bải, nhưng khi mở băng ghi hình thì phải cúi đầu nhận tội. Cô nàng đã ăn cắp ở Orebro, Kaimar số mỹ phẩm trị giá 400 đô la. Số tiền đó không lớn, nhưng ở Thụy Điển người ta trị ăn cắp, tham nhũng rất nghiêm, nên theo luật Kiều Trinh phải ngồi tù.

Vì Kiều Trinh là con của Tổng giám đốc đài truyền hình Việt Nam, nên Đại sứ quán Việt Nam ở Thụy Điển phải ra tay. Và sau một tuần bị giam, ngày 16-2-2001, cô nàng được tha, sau khi có giấy của bác sỹ xác nhận nhận Kiều Trinh bị bệnh tâm thần từ Việt Nam gửi sang. Ngày 18-2-2001, Kiều Trinh bị trục xuất về nước. Đón cô ở sân bay, diễn viên điện ảnh Trần Lực đã tặng một cái tát, chấm dứt quan hệ vợ chồng từ đó. 

Ông Vũ Văn Hiến chả hề hấn gì sau sự kiện đó, vẫn đủ tiêu chuẩn vào Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, và tiếp tục làm Tổng giám đốc đài truyền hình Việt Nam. Cô con gái Kiều Trinh vẫn làm phóng viên của VTV.

Năm 2006, Kiều Trinh được sang nước Anh công tác. Bệnh tâm thần lại tái phát và cô nàng đã thó chiếc máy ảnh kỹ thuật số trong shop. Một lần nữa ông Hiến lại phải cứu con gái bằng việc nhờ Đại sứ quán can thiệp và tờ giấy của bác sỹ chứng nhận bệnh tâm thần lại đưa ra sử dụng!

Năm 2009, Kiều Trinh được kết nạp đảng và được đề bạt làm Trưởng phòng Văn hóa dân tộc, Ban thời sự. Thật mỉa mai khi có những nhà báo chống tham nhũng tiêu cực , chỉ vì phạm một vài lỗi kỹ thuật nhỏ, thì phải vào tù, hoặc bị tước thẻ nhà báo, còn kẻ cắp con gái ông Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng giám đốc đài truyền hình Việt Nam lại được đề bạt. 

Từ bấy đến nay, một nghi án vẫn chưa có lời giải: Kiều Trinh bị tâm thần hay kẻ cắp?

Dư luận cho rằng, có lẽ ông bác sỹ nào đó được ăn, hoặc bị ép mới ký giấy chứng nhận bệnh tâm thần cho Kiều Trinh, vì nhìn hình ảnh chải chuốt óng mượt, và nghe cô nói sắc lẻm trên TV thì không ai nghĩ bị tâm thần cả. Mà nếu bị bệnh tâm thần thì đưa vào bệnh viện, chứ sao lại đưa lên làm MC trên TV?

Vậy chắc chắn là kẻ cắp! 


Nước ta có 54 dân tộc, mỗi dân tộc có một nền văn hóa khác nhau, phong tục tập quán mỗi nơi một vẻ rất phong phú, đa dạng, nhưng tuyệt nhiên không hề có nền văn hóa và phong tục tập quán ăn cắp. Ăn cắp, ăn trộm, ở đâu cũng ghét, cũng khinh. Dù đói ăn vụng, túng làm liều mọi người vẫn chê cười chứ đừng nói tiểu thư con quannhư Kiều Trinh. Vậy mà cô nàng không biết ngượng cứ xuất hiện trên TV nói văn hóa, đạo đức? Phải chăng quý vị muốn truyền bá cho dân thứ văn hóa ăn cắp và nghệ thuật chạy tội?

Nên nhớ, hình ảnh cô Kiều Trinh không thể bôi xóa được trong hồ sơ của cảnh sát Thụy Điển, Anh quốc, và nó đã được phơi ra cho nhân dân nước họ biết rồi. Họ sẽ nghĩ gì, khi ở Việt Nam, kẻ cắp lên mặt dạy đạo đức người lương thiện? Nói như Giáo sư Ngô Bảo Châu, nếu có hình ảnh nào làm nhục Việt Nam tốt nhất thì chính là hình ảnh cô Kiều Trinh trên TV. 

Trần Đức Thắng

Thứ Hai, 25 tháng 11, 2013

CÓ MỘT NGÀY ĐẦU ĐÔNG NHƯ THẾ - NGUYỄN MIÊN THẢO

CÓ MỘT NGÀY ĐẦU ĐÔNG NHƯ THẾ

Ngày đầu đông suốt buổi chiều anh ngồi đợi em
Em không đến
Điện thoại trên bàn lạnh ngắt
Trái tim anh lạnh ngắt
Nỗi buồn lạnh ngắt
Trời mưa

Thứ Bảy, 23 tháng 11, 2013

NHỮNG NGÀY CUỐI THÁNG MƯỜI Ở HUẾ - LÊ NGỌC THUẬN

NHỮNG NGÀY CUỐI THÁNG MƯỜI Ở HUẾ

Không có ngọn gió đứng đắn
Thoáng qua mái tóc tề chỉnh của em
Và anh cuốc bộ bậy bạ
Qua những con đường thành nội
Bức tường cao
Không thấy được khung cửa sổ lay cay ngày nào
Có đôi môi khế mơ hồ khói tỏa
Nỗi tuyệt vọng cuối cùng
Thấm theo từng hớp rượu
Lay lất nơi bến xe đò
Giữa trưa đứng bóng
Có lẻ phải đi thôi
Bởi thế nào thì em cũng biến mất
Chỉ còn lại anh
Những ngày của tháng mười
Với cơn mưa lè nhè

Khuôn mặt Vương phi ngoài tầm mắt với

Thứ Sáu, 22 tháng 11, 2013

DỌC ĐƯỜNG - VÕ CHÂN CỬU

BÀI 5
Về “Mặt Tiền Nghệ Thuật”
Thấy tôi chọn tiêu đề mang hàm ý xem Thơ ca là “Mặt Tiền” của cụm nhà Nghệ Thuật, nhiều bạn bảo coi chừng…lạc hậu. Bởi lẽ, xu thế mới trong thiết kế các khu dân cư ở đô thị cũng như nông thôn, nhất là ở các nước phát triển, thì căn nhà nào cũng ở … mặt tiền.
Ngay cả Việt Nam, trên các đường cao tốc, “mặt tiền” cũng không còn là một lợi thế nữa ! Xã hội coi trọng khái niệm này có lẽ do hướng tới mục tiêu thương mại bán buôn. Người làm việc bằng trí óc thì ngán ngẩm các mặt tiền ồn ào tấp nập. Nói gì thì nói, mặt tiền vẫn là phần quan trọng của một ngôi nhà, ai cũng phải lo chăm chút. Như các chàng trai “chấm điểm” các thiếu nữ, thì vẻ mặt bao giờ cũng phải chiếm tới…70 % tổng số điểm!
7 ngành nghệ thuật đang được con người công nhận là văn chương, âm nhạc, hội họa, sân khấu, kiến trúc, điêu khắc, điện ảnh. Với sự phát triển của xã hội, tương lai có thể có thêm một số ngành sẽ được công nhận, như nghệ thuật sắp đặt chẳng hạn. Do thói quen tự coi mình là “trung tâm” nên con người vẫn thường xem ngành nghệ thuật mình tham dự là cao cả nhất; các môn nghệ thuật khác vẫn phải nương vào đó thể hiện. Nhà thơ vẫn cho rằng nghệ thuật của mình ở vị trí “mặt tiền” bởi vì bằng nhịp điệu của ngôn ngữ, họ có thể diễn tả, truyền cảm những rung động mà các nghệ thuật khác không diễn tả hết ! Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng một khi xã hội biến đổi, sự suy nghĩ và rung động không còn theo nếp cũ nữa, thì ngôn ngữ và cách diễn đạt, nói chung là hình thức thể hiện của thơ cũng phải khác trước. Có vậy, nó mới “sống” được trong lòng người đọc. Một số nhà thơ tự xưng là “hậu hiện đại” của Việt Nam hiện tại cũng nhìn ra điều này, nhưng họ “cóc cần” người đọc cảm hay không cảm, nên thường dùng từ ngữ thô ráp và thô tục không đúng chỗ. Có người in tác phẩm với những…trang giấy trắng, hoặc bôi quẹt lên hàng chữ, thêm hình vẽ của kẻ lạc thần…
Bàn bạc, tranh luận về nghệ thuật thơ ca có lẽ là chuyện vô cùng, nói hoài không hết. Có lần, cùng một vài bằng hữu ngồi luận về thơ và thơ có dịch sang ngôn ngữ khác được không, tôi đã mượn một tập sách của nhà nghiên cứu nổi tiếng Nguyễn Quảng Tuân qua tập Thơ Đường-Tản Đà dịch để đưa chuyện.
Bài Thơ Đường nổi tiếng của Vương Duy (701-761) dưới đây rất quen thuộc với nhiều người :
                   Quá Hương Tích tự
                  
                   Bất tri Hương Tích tự,
                   Sổ lý nhập văn phong
                   Cổ mộc vô nhân kính,
                   Thâm sơn hà xứ chung.
                   Tuyền thanh yết nguy thạch,
                   Nhất sắc lãnh thanh tùng.
                   Bạc mộ không đàm khúc,
                   An thiền chế độc long.
Bản dịch của Tản Đà đăng trên: báo Ngày Nay số 97 ngày 13-2-1938 như sau:
                   Qua chùa Hương Tích
                         Chẳng hay Hương Tích chùa đâu,
                   Đi đôi ba dặm, lên lầu non cao.
                         Cây um, đường tắt vắng teo,
                   Núi sâu chuông vẳng nơi nào tiếng đưa.
                         Suối kêu, nghẽn đá ria bờ,
                   Lạnh lùng bóng nắng chui lùa thông xanh.
                         Trời hôm, tấc dạ thanh minh,
                   Quy y đạo Phật sửa mình là hơn.
Trước khi đưa ra nguyên bản  và bản dịch, có lần tôi chỉ giới thiệu bản dịch nghĩa (cũng của Tản Đà):
                  
Qua chùa Hương Tích
          Không biết chùa Hương Tích ở đâu ?
          Đi mấy dặm lên(/) đến chỗ núi cao mây ngất.
          Cây cổ thụ mọc um tùm(/) không có vết đường tắt người qua
          Núi sâu, (/)có tiếng chuông ở đâu ngân lên ?
          Tiếng nước suối đập(/) vào gành đá nghe như bị nghẹn lại.
          Sắc mặt trời có vẻ lạnh lẽo(/) luồn qua lùm thông xanh.
          Chiều hôm vắng vẻ trên khu đầm nước
          Muốn chế ngự con rồng độc ác(/) thì phải quy y nơi cửa thiền.
Bản dịch lấy đưa ra, tôi đã tự động ngắt câu, xuống dòng ở các dấu (/) như một cách đánh đố, nhưng không nói tên tác giả. Vài bạn trẻ có xu hướng “cách tân” sau hồi ngẩm nghĩ đã chắp miệng cho rằng “Bài thơ có kết cấu thật hiện đại !”
         
Người yêu thơ mỗi ngày lại có thêm khao khát những ý tứ, cách thể hiện mới trong thơ. Nói chung là nhu cầu thẩm mỹ luôn luôn đòi hỏi những sáng tạo mới. Nhưng phân định mới, cũ để khen ngợi hay chê bai từ hình thức biểu hiện của một bài thơ, có lẽ là điều không hoàn toàn đúng trong thưởng ngoạn thơ ! Người xưa vẫn hay nói rằng con người và ngay cả một hiện vật, đều có 2 phần: thể xác và linh hồn, nói gọn là hình thức và nội dung, tức cái vẻ bên ngoài và những chứa đựng bên trong. Nếu chỉ “xem mặt mà bắt hình dong” thì có khi sẽ bé cái lầm, vì “chiếc áo không làm nên thầy tu”. Vậy thì nhà thơ phải làm thế nào để sự sáng tạo luôn luôn thành đạt vì lúc nào tác phẩm cũng mang hơi thở mới, mang nét đẹp mới mà mọi người trông đợi ?
Các ngành nghệ thuật hiện đại đều có khuynh hướng xích lại để hàm chứa nhiều mặt của nét đẹp. Nhưng tất nhiên trong một tác phẩm, phải xác định nghệ thuật nào là chủ lực. Với công cụ ngôn ngữ, người ta có thể làm ra những bài văn, thơ hoặc một bài, điệu ca. Đâu là sự phân biệt giữa các loại hình ? Chỉ tính trong nghệ thuật văn chương, các nhà nghiên cứu tạm phân định ra 2 loại hình. Văn xuôi thuộc về nghệ thuật tạo hình, còn thơ ca thuộc về nghệ thuật biểu cảm. Ngôn ngữ thơ do vậy về căn bản phải khác với ngôn ngữ văn xuôi; cách hành văn cũng phải khác. Nhưng mọi thứ chỉ là tương đối. Một nhà văn vẫn có thể dùng những câu, những đoạn văn đầy chất thơ, câu văn tượng hình đẹp hay nhiều nhạc điệu…Các câu thơ cũng có lúc diễn tả theo cách tả chân, cụ thể hóa, nhưng linh hồn bao trùm của toàn bài thơ phải có thi vị, tức hướng con người đến những cái đẹp mà chỉ có thơ mới diễn tả nổi: cảm xúc về cái đẹp lành, làm thăng hoa tâm hồn.
Có trang Web do một nhà thơ chủ biên, mới đây khi phê bình số ra mắt Tạp chí Nhà Văn &Tác Phẩm đã trích dẫn bài thơ tự do của một tác giả, ghép nó lại liền câu như một bài văn xuôi; rồi lại diễn ca nó thành một bài thơ lục bát. Đáng tiếc là bài viết lại kèm theo những bươi móc về lý lịch tác giả, rằng nhà thơ này trước 1975 là “lính ngụy”, nhưng dấu không khai khi làm hồ sơ, được kết nạp vào Hội Nhà văn VN. Đáng lo thay về một cung cách phê bình văn chương !
Nhìn ra mình
Mỗi người làm thơ phải làm thế nào để sức sáng tạo trong người vẫn luôn luôn mới mẻ và tràn trề ? Có lẽ mỗi người phải có cách riêng của mình. Ở nhiều nơi, tôi may mắn tìm thấy câu trả lời bằng tác phẩm. Nhà thơ Lê Phương Châu là một ví dụ. Quê ở miền thành cổ Diên Khánh, Khánh Hòa, chị có tác phẩm đầu tay in từ năm 1969, khi còn là một nữ sinh ở Nha Trang. Trước 1975, chị có những bài từng được nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tuyến lựa chọn đưa vào tuyển tập thơ hay. Sau biến cố 1975 cuộc sống của chị trải qua những vất vả thăng trầm, phải ngừng bút suốt 23 năm. Sau đó, khi tuổi đã khá, chị lại làm thơ trở lại và xuất bản đến nay thêm được 4 tập. Mới đây nhất, chị cho tôi xem  bản thảo thi tập “Như Dòng Sông Trôi Xa”, gồm những bài thơ liên tục tuôn trào trong vòng hơn 4 tháng nay.
Tuổi đã cao, chị tự nhìn lại mình. Những cảm xúc không xa lạ với nhiều người nhưng cách diễn đạt khá thực, nên mới mẻ.
Một bài lục bạt chị làm hồi tháng 7-2013 khi chị sang Mỹ thăm người em trai và người con gái ruột đang định cư ở California:
                   Rủ Bóng Đêm
                   Chân non bóng rủ trăng hờn
                   Tay trong tay đọng giọt mềm chiếu chăn
                   Xong rồi, bóng rụng xa xăm
                   nhìn ta như đã sóng giăng ngút ngàn
                   tà dương soi mấy nẻo đường
                   Nước tràn bờ lũ, tứ phương cúi đầu
                   Liếc quanh gương mặt nhám sầu
                   Gõ quanh ngực mỏng ngàn sao trở mình
                   Luân hồi-biển ngọt-sóng êm
                   Ném bầu thơ dại bên triền vô ngôn !
Hai câu thơ cuối là lời tự sự về cách sống an bình.
Một bài thơ khác, qua một loài hoa chị đưa nhiều cảm xúc về hình bóng những miền quê hương in dấu:
                   Huyền sử Đỗ Quyên
                   hắt hiu bên tường rên lã chã
                   ôi đỗ quyên!
                   đã khuya-vọng âm tìm người
                   gió thiên thu chao nghiêng hàng cổ thụ
                   nát tan thời vàng son chạm trổ xa cừ
                   khắc ngọc bội bên án thư gia phả
                   tiếng gọi chiêu hồn
                   máu thịt rã tan
                   ta âm thầm phun châu
                   em hờn ghen nhả lệ
                   bờ sông ngân ngàn thu tràn đá vỡ
                   dòng Dakla chảy ngược đậu bờ ngực thẳm cao nguyên
                   dòng sông Cái trầm tư xuôi về phố chợ
                   trăng viễn khơi đậu bến chân em
                   hồ cô lữ mông lung
                   tìm đỗ quyên-thánh nữ
                   mời em ngắm trăng thu
                   đọc thiên tình sử
                   ta gửi em xâu chuỗi tùy duyên
                   trôi xa miền thiên định
                   thâu đêm nghe huyền sử đỗ quyên
                   nhắm mắt lại chông chênh nỗi buồn
                   cơn lốc mùa phượng đỏ Tây nguyên !
Thơ tự tạo dựng nên “mặt tiền” trên con đường nghệ thuật mỗi người.
                                                                                         Võ Chân Cửu