Thứ Năm, 7 tháng 11, 2013

LỤC BÁT TÌNH SI CỦA NGUYỄN MIÊN THẢO

Lục bát tình si của Nguyễn Miên Thảo

Hồ Đăng Thanh Ngọc

Tôi thật sự giật mình khi nhìn thấy bài thơ đầu tiên của nhà thơ Nguyễn Miên Thảo in trong tập “Thơ tình” – bài “Tuổi mộng” ghi năm 1966. Thì ra phải sau 48 năm, kể từ sau tập thơ “Hãy thức dậy cùng ta thầm lặng đêm nay” được xuất bản giữa không khí sục sôi của phong trào đô thị miền Nam, tập thơ thứ hai của anh mới xuất hiện. Mặc dù giữa hai lần xuất bản này, nửa thế kỷ đi qua, biết bao thăng trầm cuộc đời, biết bao trang viết đã được anh Nguyễn Miên Thảo thực hiện, từ những trang nhật trình nóng hổi đến những trang văn thao thức, ray rứt bên đời.
Có lẽ với Nguyễn Miên Thảo, thơ trong cuộc đời không là cứu cánh, nên cái sự rỉ rả làm thơ, rồi thủng thẳng mới in thơ là cách giải thích cái sự thơ của anh có vẻ hợp lý nhất. Nhưng đó là nói vậy thôi, chứ thực ra không phải vậy.
Với tập “Thơ tình” này, nhà thơ Nguyễn Miên Thảo có vẻ như là một đạo sỹ giáo phái tình si đi hát rong những khúc tình ca giữa đất trời, qua bao nắng mưa. Giáo phái tình si ấy, anh vừa là giáo chủ đạo trưởng, vừa là đạo sỹ, vừa là tín đồ, bởi như anh nói: “Thấy em xỏa tóc ngả nghiêng bên trời/ Anh cầm một sợi lên chơi/ Ai dè suốt cả một đời lao đao”…
Ai đọc kiếm hiệp Kim Dung hẳn nhớ chất độc “Tình Hoa”của hoa hồng. Ai lỡ bị gai Tình Hoa đâm vào, kẻ đó khi nhớ người yêu thì phải thổ huyết cho đến chết. Cái sợi tóc lỡ cầm chơi đó cũng như cái chất độc “Tình Hoa” khi các giang hồ lãng tử ngày xưa lỡ để chạm tay vào gai hoa hồng vậy. Để phân biệt, xin gọi nó là Tóc Tình Hoa của Nguyễn Miên Thảo.:
            “Chỉ vì yêu em mái tóc
            Cuộc đời lận đận trăm năm”
                                    (Nghìn năm cô độc)
Nguyễn Miên Thảo đi hát rong những đoản khúc tình si bằng đủ các chiêu pháp là các thể loại thơ anh có: Thơ vần, thơ không vần, thơ tự do, ngũ ngôn, thất ngôn… Nhưng có lẽ phải với lục bát, các chiêu thức thi triển “Thơ tình” của Nguyễn Miên Thảo mới thể hiện hết cái lạ và đằm sắc vô cùng, là một thứ “lục bát dương chỉ” của riêng anh. Theo đó, “Thơ tình” thật sự là một “diễn từ lục bát yêu”, bởi như anh viết:
            “Trong mơ Phật nói rõ ràng
            Anh yêu em đã nghìn năm trước rồi”
Lục bát là tiếng lòng thoát thai từ trái tim và cũng biểu hiện sự minh triết chiêm nghiệm sống của dân gian. Với một người đi tới tuổi thất thập cổ lai hy, cái tình của tín đồ Tóc Tình Hoa, các chiêm nghiệm ắt hẳn phải khác người.
Vì lỡ cầm sợi tóc để Tóc Tình Hoa ngấm tận tim, nên cái sự đảo điên bắt đầu cuộc phiêu lưu riêng của nó:
            “Ngày em giáng xuống chữ tình
            Tôi điên đảo cũng một mình đấy thôi”
                                    (Một mình)
            Cái lao đao như anh nói, cứ trở đi trở lại trong suốt tập thơ, không quá đau đớn mà sao cũng cứ rười rượi buồn, không quá mê muội mà sao cứ đắm đuối làm vậy:
            “Dù ai nói ngả nói nghiêng
            Anh ngồi tĩnh lặng hành thiền nhớ em”
                                    (Đóa lặng thầm)
            Bởi vì sao vậy? Bởi vì cái khí hạo ngất trời của gã tình si biết mình đang chết vì Tóc Tình Hoa. Với gã tình si, được nàng cho phép yêu là đã hạnh phúc, huống chi là được em yêu:
            “Cảm ơn em đã cho anh
            Tình yêu với những tươi xanh cuộc đời
            Tim anh chết lặng lâu rồi
            Từ em thức dậy đất trời…lãng du”
                                    (Cảm ơn em)
            Cho nên dễ hiểu trong tập thơ, ngoài 3 bài “tạ tội” viết bằng lục bát được đánh số thứ nhất, thứ hai, thứ ba, Nguyễn Miên Thảo còn có bài “Tạ ơn em”. Tạ tội vì được yêu mà tạ ơn là cũng bởi vì yêu:
“Anh chừ tóc trắng bông lau
            Em còn xanh mướt nỗi đau dậy thì”
(Bài tạ tội thứ nhất)
Và cũng vì yêu mà đạt ngộ tình si:
“ Bởi vì kiếp trước chăm tu
Kiếp này anh được ở tù trong em”
(Ca dao mới)
Cho nên bao giờ cũng sẵn sàng hành hiệp:
            “Anh xin làm bóng trăng tà
            Để che khuất cái nõn nà giùm em”
                                    (39o C)
            “Hôn em sợi tóc rối nhàu
            Anh xin gánh hết nỗi sầu thế gian”
                                    (Hình như Huế đã…)
Yêu đến thế cho nên mới có bài “Ghen” dài đến 34 câu lục bát toàn nói chuyện ghen:
“Ghen em ghen đến bơ phờ
Ghen chi sớm ngẩn chiều ngơ thế này…
…Anh là một gã tình si
Ghen em đọa xuống A tỳ cũng vui…”
            Và đây đúng là yêu quay yêu quắt, đến cả cái sự mưa cũng được vơ vào:
            “Ngày xưa chỉ có mưa bay
            Sài gòn giờ lại mưa ngày mưa đêm
            Từ ngày anh gặp được em
Sài gòn với Huế mưa đêm mưa ngày”
                                    (Mưa)
            Và nhớ nữa, sao mà nhớ quắt quay tội nghiệp thế:
            “Nhớ em anh tự dỗ dành
            Nhớ em anh tự dỗ dành anh thôi”
(Nhớ trời tháng Giêng)
            Cái cách yêu đó, vừa tận cùng mà lại như cà rỡn, đúng là ít ai chịu nổi:
            “Yêu em trì chú đại bi
            Mở mắt ra Phật bỏ đi mất rồi
            Yêu em ngày rộng tháng dài
            Yêu em Phật Chúa đứng ngồi không yên”
                                    (Yêu em)
            Cứ thế cho đến khi:
“Từ ngày em bỏ ta đi
Câu thơ cũng úa huống gì là ta”
(Từ ngày em bỏ ta đi)
Đúng lúc này đây, độc Tóc Tình Hoa như đã phát tán khắp châu thân, khiến nhà thơ ngã gục. Các chiêu thức võ công bị phế bỏ. Nhà thơ lại lang thang cô đơn trên bước đường hành hiệp tình si, có lẽ không còn nỗi cô đơn nào lớn hơn:
“Đã xoay đủ cả trăm chiều
Phía nào ta cũng cô liêu một mình”
(Từ ngày em bỏ ta đi)
            Gã tình si đã u sầu bỏ đi. Chúng ta tạm thời dừng nói chuyện yêu của gã, bây giờ thử xem ngoài tình yêu, giáo chủ tình si có gì? Ồ, thì ra nhiều cái rất đỗi tài hoa:
            Như một thảng thốt nhớ Mẹ của một đứa con nơi xa xứ. Viết về nỗi nhớ mẹ mà kêu thốt hồn nhiên như đứa trẻ khi trên đầu hai thứ tóc là chuyện ít ai làm được:
“Câu thơ làm mới giữa chừng
Bỗng dưng nhớ Mẹ vô cùng Mẹ ơi”
(Nửa chừng)
            Hay một khoắt khuya đi qua vùng di sản, cũng thấy rất ít người có được những câu thơ về Huế thế này:
“Hoang vu mấy góc cổ thành
Hồn xưa vọng tiếng lạnh tanh kiếp người”
                                    (Nhẹ bước chân khuya)
            Hay một thảng thốt tự chiêm nghiệm khác trong đời:
“Tập cười sao lại buồn tênh
Tập làm thinh để mình quên chính mình”
                                    (Tập thiền)
            Và tiếp đây là hai câu có lẽ hay nhất trong số những câu thơ lục bát:
“Em ơi thế giới quá buồn
Có con chim chết trong vườn sáng nay”
(Dạo vườn)
            Có lẽ chỉ cần đọc lên thôi, không cần phải bình luận gì thêm.
            (xin đọc lần nữa)
           
            Vậy đó. Tài hoa là thế, nên yêu cũng lắm tài nhiều tật là chuyện đương nhiên. Như giáo chủ Tóc Tình Hoa một hôm bỗng tuyên bố “Quy y em”
Em cười
xóa cả vô mình
Anh trong kinh kệ
giật mình bước ra
mõ chuông
gửi lại trăng tà
anh xin phiêu hốt
bên tà áo em
(Quy y em)
Lại thế nữa rồi, cuộc rong ruỗi của kẻ tình si lại bắt đầu. Xin chúc nhà thơ lên đường chân cứng tình mềm…
H Đ T N

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét