Một câu
chuyện có thật vừa được đưa lên báo đang gây sự phẫn nộ cực điểm trong dư luận.
Đại ý là vào một buổi trưa, bà L, nhân có việc đi ngang trường
Hùng Vương đã tá hỏa khi nhìn thấy cháu nội là Lã Thị Th V đang đứng bơ vơ
trước cổng trường đóng kín. Hỏi cơ sự thì cháu V nói không được ăn cơm vì chưa
nộp tiền.
Sáng hôm
sau, bà đưa cháu đến trường và khất cô tài vụ hẹn buổi trưa sẽ đến đóng tiền và
được phòng tài vụ đồng ý. Vậy mà trưa hôm đó khi đến trường đóng tiền, bà L một
lần nữa lại thấy cháu nội của mình đứng dưới cái nắng chang chang trước cổng
trường đang đóng kín…
Hóa ra,
nguyên do của việc bị đuổi cổ ra ngoài cổng trường trong giờ các bạn ăn trưa
chỉ là vì chậm nộp tiền. Và chậm nộp tiền là vì cha mẹ cháu V đang xảy ra lục
đục.
Bạn sẽ có
thể có một thứ tình cảm nào khác ngoài sự phẫn nộ. Bạn có bao giờ giật mình mỗi
khi lơ đãng nghe chuyện con nhắc nộp tiền?
Người ta
có thể trách “cha mẹ cháu đã thiếu quan tâm đến con cái”. Người ta có thể nói
“nhà trường không phải là trại tế bần”. Thậm chí, người ta lập luận rằng:
“Không có tiền thì không ăn. Thế thôi. Để đảm bảo công bằng cho những người nộp
tiền ăn”. Nhưng từ bao giờ dưới mái trường XHCN đã sinh ra cái thứ công bằng
bằng cách làm nhục một đứa bé? Từ bao giờ và ai đã nghĩ ra biện pháp sòng phẳng
đến lạnh lùng là buộc một đứa bé phải đứng ngoài cổng để gây sức ép thu tiền?
Và từ bao giờ, đồng tiền trở thành một tiêu chí cho việc phục vụ trong chính
môi trường sư phạm đang dạy dỗ những đứa trẻ rằng đồng tiền không mua được hạnh
phúc.
Còn bảo
đó là “biện pháp” ư? Liệu có thể gọi sự lạnh lùng đến vô cảm, sòng phẳng đến
nhẫn tâm là một biện pháp?
Nhắc lại
rằng, cháu V, 7 tuổi, mới đang chỉ là một học sinh lớp 2. Có lẽ còn quá nhỏ để
có thể khóc trong tủi nhục.
Đã có một
thời, khi buộc học sinh mặc đồng phục, ngành giáo dục đã đưa ra một lý do rất
thuyết phục là để tạo ra sự bình đẳng, để tránh sự phân biệt giàu nghèo trong
môi trường giáo dục.
Sự bình
đẳng ấy đang hiện diện về mặt hình thức trên những tấm áo đồng phục. Nhưng
trong không ít trường hợp, lại thiếu vắng trong chính tư duy của những nhà giáo
dục.
Những học
sinh ở thủ đô phải ngồi trong lớp, không được ra ngoài xem xiếc cùng các bạn do
cha mẹ không đóng 40 ngàn. Và lý do được giải thích là “đảm bảo công bằng cho
những bạn đóng tiền”.
Và giờ,
một đứa trò còn quá nhỏ để biết thế nào là công bằng, còn quá thơ dại để hiểu
nổi tủi nhục, bị đối xử như thể hất kẻ ăn mày ra ngoài cửa nhà.
Đồng tiền
ngoài chợ có mùi hàng tôm hàng cá. Còn nếu đồng tiền ngay trong nhà trường đang
là một thước đo chuẩn mực thì không hiểu đồng tiền đó có mùi gì!
Anton
Makarenko, nhà sư phạm vĩ đại người Ukraina có lần nêu triết lý giáo dục của
ông rằng: “Muốn có những đoá hoa đẹp phải kịp thời dùng kéo cắt những cành khô
hoặc dùng thuốc sát trùng mà tưới cho hoa”.
Chắc
chắn, đó không phải là lưỡi kéo đồng tiền để cắt vào trang giấy tâm hồn còn
đang trắng tinh. Bởi thứ mà “lưỡi kéo đồng tiền” nhận được không phải là một
đóa hoa đẹp mà là một tổn thương của người lớn và một bài học lớn về nổi tủi hổ
của những đứa bé.
Theo Đào Tuấn
Báo Lao Động
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét