Thứ Hai, 30 tháng 6, 2014

EM, MÃI MÃI LÀ NIỀM HẠNH PHÚC - NGUYỄN MIÊN THẢO

Hai ly cà phê lặng lẽ nhìn nhau
Anh nhìn vào mắt em
Nỗi buồn
Mai anh đi rồi em biết không ?

Buổi sóm mai
Thời gian như đọng lại
Không gian như đọng lai
Em
Với chiếc áo dài thướt tha
Màu xanh của tình yêu

Sáng nay
Những hạt mưa tan trên mặt hồ
Anh tan trong em
Nỗi buồn bay đi
Chỉ còn lại em
Với niềm  hạnh phúc

Không có gì có thể chia lìa
Anh và em
Em mãi mãi là niềm hạnh phúc
 Anh yêu em.

Thứ Bảy, 28 tháng 6, 2014

SÀI GÒN MƯA -TRUYỆN NGẮN CỦA NGUYÊN QUÂN





Trở lại Sài Gòn lần nầy. không còn gặp anh. Người đàn ông tử tế hình mẫu lý tưởng một thời, đã gần như bị tuyệt chủng, hiếm hoi trên cái thành phố chất chứa hàng chục triệu con người, chen lấn dẫm đạp trong cuộc mưu sinh đầy thực dụng. Cái chân ý thực dụng tất yếu của một xã hội toàn trị đào luyện khả năng vô cảm nhân tính.

Những cơn mưa buổi chiều. Ì ạch xuyên suốt qua đêm, để lại trên mặt đường vốn ngập ngụa người, những vũng nước ố bẩn.

Sự ố bẩn chẳng thể làm dịu xuống cơn nóng. Cơn nóng đặc hữu những ngày cuối tháng năm của thành phố cực nam.

Chẳng thể làm dịu cái nóng từ những ngọn khói còn ngún lên trên nền những nhà máy treo bảng hiệu bằng con chữ tượng hình, thứ khung vuông bành trướng bị cuồng đốt bởi lòng căm phẩn.

Nước ố bẩn chẳng thể làm dịu cái nóng ngột ngạt từ vô số bộ sắc phục an ninh nêm chặt cứng trên những ngã tư đường phố.

Cái nóng bong lóc hình hài từ những ánh mắt nghi ngại liếc nhìn nhau.

Tôi biết chẳng thể gặp được gì ngoài tấm chân dung hồn hậu bị niêm cứng sau tấm kính thủy tinh khô cứng như cuộc sống thực đang vần vụ chung quanh.

Sài Gòn bây giờ thật buồn!

Quán café trong con hẽm nhỏ, được mang tên Chậm.

Cô nhà văn rất trẻ vẫn thả lòa nhòa khuôn mặt u buồn sau màn tóc nâu. Thẩn thờ nối dài từng điếu thuốc trên đôi môi nhờn nhợt màu son. Những dòng chữ khao khát tự do bản thể mang đầy nổi loạn đăng tải trên mạng cứ lẫn quất đâu đó trong ánh mắt rờn rợn man dại của loài mèo hoang.

Bất chợt tôi nhớ anh, người đàn ông tử tế vẫn thường ngồi trầm lặng với ảnh tượng ký ức treo ngược, như bầy dơi quá khứ từ tấm la phông kẽ từng vạch sơn trắng phân chia không theo thứ trật tự nào, những di ảnh cái thành phố thủ phủ của nhiều thập niên trước. Một ánh chói rực của Hòn Ngọc Viễn Đông. Anh vẫn thích ngồi đó trong hoài cảm thời hoang kim của một đời người biến thể sát na.

Cô nhà văn vẫn như lẫn trốn ý niệm sống sau từng lọn khói trắng. Chiếc áo mỏng trễ tràng khoét rộng phần cổ, nhễu nhại vòm ngực nâu óng lên từng giọt mồ hôi.

Tôi lại bất chợt quên dáng ngồi trầm lặng của anh dưới những bức ảnh Saigon xưa. Cảm giác muốn được úp mặt lên phần ngực trần âm ẩm những giọt mồ hôi trong suốt.

Nỗi cô đơn trào chảy  tinh thể mặn chát.

Saigon bây giờ thật buồn.

Trưa đứng bóng nhễ nhại, mồ hôi chảy thành dòng cuốn theo bao buồn tủi nhức nhối.

Tôi vừa khóc cho người đàn ông đã bỏ ra đi, khóc cho sự thèm muốn bất lực vòm ngực nâu nâng cao ngang tầm mắt.

Saigon những ngày cuối tháng 5 nóng không thể tả…Mai có đi biểu tình không anh? Đừng để bị rơi vào trạng thái khốn cùng…Tôi đang muốn bật khóc. Mai đi đòi quyền làm người không anh? Dĩ nhiên tôi phải đi một mình, sẽ đi qua những con đường bị phong tỏa, đôi chân trần không định hướng trên những vòng rào kẽm gai giữa giờ ngọ tròn bóng. Loại bóng đen được mặc định chỉ quẩn quanh những ngón chân giao nhau.

 



Hôm qua.

Ừ chỉ mới chiều hôm qua, ở giữa ngã tư đường. Con bé bán vé số, chừng như cũng cở tuổi cháu ngoại tôi, chắc chỉ mới vừa biết đọc biết viết, đã hỏi “Thống trị thế giới là gì…” Tôi hơi chửng lại. nuốt vội ngụm khói cay đắng vào trong vòm họng, một chút suy nghiệm về câu chữ nào có thể giải thích cho một đứa bé con hiểu được, nôm na rằng là muốn vơ vét tất cả thiên hạ để nhét vào túi riêng. “của ai?” Tôi xoa mái tóc lòa xòa hâm hấp nắng và gượng gạo cười.

Tôi không dám trả lời cho dù đó là một đứa bé bán vé số hay là đứa cháu ngoại. Tôi vẫn quá sợ! nỗi sợ hãi thâm trầm ám ảnh hàng chục năm dài cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc. Lê la cái tư duy khiếp nhược thời thượng trong thể trạng thừa mứa của thằng người thất nghiệp, thất cơ.



Saigon, những bức ảnh xưa treo ngược trên đầu đang dần bong lóc. Thật buồn. Cô nhà văn xòe bàn tay ngón thậm thượt dài vuốt mái tóc xòa ngang vành trán.

Con gái em… Con bé thật dễ thương hồn nhiên chưa biết nhìn vào túi quần người khác để định lượng quyền lực thống trị. Con bé giống em không?

Tôi lại sợ, không dám trả lời.

Cái bóng  mặt trơi ngoài hiên quán - Chậm - đã tròn xoe quanh chân lũ người qua lại. Một chốc nữa thôi tôi sẽ không còn quyền được nhớ anh. Người đàn ông tử tế hiếm hoi giữa hàng chục triệu người chen lấn chòi đạp mưu sinh
Đồ điên, gã nhà thơ đi qua gần hết đoạn đường trần gian. Đang tủi hổ kể chuyện về mình, hình như mình có một thời ở trong  nhúm ngợm người thích ôm hôn thắm thiết, thích vỗ tay tự sướng đỉnh cao “trí uế”!Lời thở than rơi chùng vào sự lặng im nóng bức.

Gió vẫn đứng phắt, điện vẫn còn bị cắt trong ánh mắt của đứa bé gái phải gánh còm vai cái quyền lực thống trị mà không hiểu được nó. Giống mẹ. Tôi lại bất chợt thèm được úp khuôn mặt đờ đẫn dại ngây khiếp nhược lên vòm ngực nâu bóng, trút hết tận cùng sinh lực u ám còn sót lại sau hàng chục năm sống mỏi chui rúc như lũ chuột.



Quán Chậm vẫn bị cúp điện. Biển đông giờ này chắc đang nổi sóng. Màn hài kịch với những chiếc loa vẫn ra rã thứ than âm đĩ bợm hữu nghị, ngữ ngôn của lũ ma cô, đã bán sạch thân xác, linh hồn.

Hãy cho tôi một cây súng, tôi sẽ tự bắn vào đầu, thứ não trạng hèn nhược nô dịch văng tung tóe với lúc nhúc dòi bọ.

Hình như không có giọt máu nào. Chắc chắn không có giọt máu nào trong cái màu đen nhờm tởm bốc mùi thum thủm.

Máu của em màu gì. Màu trắng…cô nhà văn thở từng ngụm khói trắng. Saigon bất chợt thật buồn.

Tôi lại nhớ anh, người đàn ông tử tế trong cái thành phố mất tên.

Ngoài ô cửa mặt trời vẫn đứng bóng. Từng bước chân người dỡ dang như tập bản thảo chưa hoàn chỉnh không còn ai kế tục.

 Anh đã viết những gì của những ngày cuối cuộc đời, viết… viết về cái thành phố bị ăn cắp tên. Viết về những tấm biểu ngữ uất hận, hay viết về cô nhà văn  ngồi thở ra từng làn khói trắng. Tôi biết anh đã viết bằng sức lực cạn kiệt cơn đau bên trong và bên ngoài sựu tồn vong bất thức.

Ngoài khung cửa quán. Mặt trời vẫn quay tròn hàng chục triệu đôi chân con người trong cơn nóng ngột ngạt.

Nước mắt. Không phải. Chỉ là những giọt nước mưa còn sót lại đêm qua. Tôi dụi đôi mắt cay xé. Cô nhà văn đều đặn thở khói, đều đặn thảy rừng hạt café đen đủi vào cái máy xay. Rào rạo rào rạo. thứ âm thanh vật thể bị nghiền nát trong một cổ máy kim loại. chẳng khác gì thanh âm của óc não bị nghiền nát giữa chiều vận hành định hướng tập thể.

Anh có buồn không?

Không. Sự kiêu hãnh từ quá khứ không có nỗi buồn. Chỉ lũ mối mọt gặm nhắm xác thân quá khứ mới đáng buồn.



Quán cafe anh vẫn thích ngồi. Nhìn những gương mặt cũ, rất cũ trong nỗi niềm lưu vong ở mảnh phố hỗn độn không tưởng với hàng mớ người nhập cư từ phương bắc như loài chim trốn lạnh tìm đất lành ấm áp. Quê anh cũng ở đó. Sự hỗn độn phi lý, không lối thoát cứ kéo dài gần hết nửa cuộc đời sau của anh, của họ.

Nhiều khi anh nhếch mép cười thật buồn thảm. Bức di ảnh trong ngôi nhà tuềnh toàng bất cần thứ trật tự thường tình, cũng nhếch mép cười buồn thảm. mấy cọng hương, dòng nước mắt thương tiếc và lời khấn nguyện của tôi có theo anh lên tận chốn thiên đường, hay sẽ truy đuổi tôi tới tận cùng địa ngục trần gian.



Tôi lại quay ngược về góc quán. Buổi sáng cúp điện. Thành phố đứng gió. Ok mai xuống đường. Mày thích gì ? Tao muốn chửi bọn xâm lược. Rởm ! dư hơi, đằng nào cũng là chó mữa. Tốt hơn hết là ra bờ kênh nốc vài chai rồi nhảy chúi xuống cái dòng nước ố bẩn. Nước bẩn không thanh tẩy được sao gột rửa được tủi nhục hả mày. Kệ mẹ nó, cứ để cái đầu cắm thẳng trong bùn, may ra cũng còn hai cái chân hướng thẳng lên trời vùng vẫy ngọ nguậy chút ảo cảm tự do cho đở buồn. Mày nói cũng phải, thứ có mặt có mày mới bị phân biệt. Còn chỉ hai cái bàn chân giao chỉ… đứa nào cũng bị treo ngược...tha hồ vùng vẫy  nha.



Bị cúp điện, Bị toát đầm đìa mồ hôi và bị mấy câu thoại rỗng tuếch, tôi cảm thấy mình quá thảm hại thừa mứa.

Tôi ngữa mặt nhìn lên. Cái trần nhà dán kín chân dung Saigon. Bỗng nhiên tôi lại nhớ sự từ tốn của anh. Người đàn ông tử tế đích thực.

Mai em đóng quán. Lại xuống đường à. Ừ thì ngày mai những gã côn đồ sẽ kéo thép gai trước cửa quán.

Em sẽ vén cao váy nhảy qua đầu bọn chúng. Bọn nó chẳng thương tiếc gì dung nhan em đâu, sẽ đánh gãy tay, gãy chân « cho mày hết đi... » Bọn này nói tiếng gì vậy anh,.. Tiếng mẹ đẻ. Vậy thì em cóc sợ. Nhưng anh sợ, thà bị chết chìm giữa dòng nước bẩn. Có một vị vua trả lời  « tay bẩn thì dùng nước rửa sạch, vậy nước bẩn ? Lấy máu mà rửa. Những ngư dân chết vì bị tàu lạ đâm chìm, có phải là máu không anh ?.

Cô nhà văn vẫn thở ra từng ngụm khói trắng, đôi chân dưới chiếc váy thổ cẩm thon nuột dài ngoẵng. Cái đót dính chút son môi màu máu vừa bị cắm ngược trong chiếc gạt tàn đầy tro cốt. Tôi xót thương đôi chân sắp bị đánh gãy « để cho mày hết xuống đường... »

Cái đót thuốc cắm ngược trong chiếc gạt tàn, không còn gợn lạn khói trắng.

Bất chợt tôi lại nhớ anh. Nhớ cái cọng nhang cắm xuôi trong cái bát chật cứng trước gương mặt hồn hậu của người đàn ông tử tế hiếm hoi sót lại trong thành phố bị mất tên.

Sài Gòn vẫn đang là mùa mưa. Cafe Sống Chậm. Tháng 5. Thật buồn…

                                               

Thứ Sáu, 27 tháng 6, 2014

DỖ DÀNH DIÊU BÔNG - LÊ NA

Chàng gọi em : lá diêu bông
Trách năm tháng để chờ mong mõi mòn .
Khát khao gặp đến héo hon
Vầng trăng lẻ cứ chon von lặng thầm .

Xin tự thú : rất xa xăm
Mối tình xưa vẫn lâm thâm khuyết tròn .
Chàng thư sinh mắt thoáng buồn
Vần thơ óng mượt hốt hồn người ta .

Tình hai đứa ngát hương hoa
Thần tiên hò hẹn , ngọc ngà gấm thêu .
Thoắt bỗng dưng , ngẩn ngơ chiều
Chuyến xe bão táp trớ trêu...cướp chàng .

Hụt hẫng đau , nén bàng hoàng
Đò em từ ấy lỡ làng bến sông .
Gom thủy chung hứa với lòng
Nguyện tôn thờ , chẳng đèo bồng...dẫu ai...

Tìm câu chữ mong lãng phai
Nhặt trăng cổ tích ngóng hoài mùa xưa .
Mê cháy lòng những vần thơ
T . T. KH - thầm mơ được là...

Thương tham vọng thuở xưa xa
Mình đâu có chút tài hoa mà hòng .
Eo ôi tình có như không 
Thôi về đóng kịch dối lòng ...từ nay .

Giấu thua thiệt , nuốt chua cay
Cái giai thoại ấy đúng sai cũng đành !
Lời nầy tạ lỗi cùng anh 
Nếu còn thương - gọi diêu bông - dỗ dành .

Thứ Năm, 26 tháng 6, 2014

TỰ NHIÊN NHỚ - HOÀNG LỘC

đã em xuống phố qua phường
có bao con mắt đời còn ngó theo?
đã em nắng sớm mây chiều
để trên tóc áo quá nhiều hợp tan

tôi đi xuống núi lên ngàn
lôi theo chừng ấy gian nan với tình
biết vì sao lá tan xanh
vì sao tôi đã không dành được em

mây trời như thể nhiều thêm
lòng trôi tứ xứ tự nhiên nhớ người

6-2014

Thứ Tư, 25 tháng 6, 2014

BẤT CHỢT - HOÀNG THỊ THIỀU ANH

Bất chợt một ngày
Bất chợt nắng…
Bất chợt một ngày
Bất chợt mưa…

Bất chợt xa Anh
Bất chợt nhớ
Bất chợt mộng về
Bất chợt
Yêu !

Thứ Ba, 24 tháng 6, 2014

CHIẾN TRANH VIỆT NAM VÀ TÔI - NGUYỄN BẮC SƠN

Lòng suối cạn phơi một bầy đá cuội
Rừng giáp rừng gió thổi cỏ lông măng
Đoàn quân anh đi những bóng cọp vằn
Gân mắt đỏ lạnh như tiền sắc mặt
 

Bốn chuyến di hành một ngày mệt ngất
Dừng chân nơi đây nói chuyện tiếu lâm chơi
Hãy tựa gốc cây hãy ngắm mây trời …
Hãy tưởng tượng mình đang đi picnic
 

Kẻ thù ta ơi các ngài du kích
Hãy tránh xa ra đừng chơi bắn nheo
Hãy tránh xa ra ta xin tí điều
Lúc này đây ta không thèm đánh giặc
 

Thèm uống chai bia thèm châm điếu thuốc
Thèm ngọt ngào giọng hát em chim xanh
Kẻ thù ta ơi những đứa xâm mình
Ăn muối đá mà điên say chiến đấu
 

Ta vốn hiền khô ta là lính cậu
Đi hành quân rượu đế vẫn mang theo
Mang trong đầu những ý nghĩ trong veo
Xem cuộc chiến như tai trời ách nước
 

Ta bắn trúng ngươi vì ngươi bạc phước
Vì căn phần ngươi xui khiến đó thôi
Chiến tranh này cũng chỉ một trò chơi
Suy nghĩ làm chi cho lao tâm khổ trí
 

Lũ chúng ta sống một đời vô vị
Nên chọn rừng sâu núi cả đánh nhau
Mượn trời đất làm nơi đốt hỏa châu
Những cột khói giả rừng thiêng uốn khúc
 

Mang bom đạn chơi trò chơi pháo tết
Và máu xương làm phân bón rừng hoang...
Nguyễn Bắc Sơn

Thứ Hai, 23 tháng 6, 2014

HẸN EM VỀ - NGUYỄN MIEN THẢO



Anh hẹn em về nắng tháng tư
đỗ quyên còn thắm ủ sương mềm
dấu xuân còn đọng bên thềm cũ
còn có chút gì của tháng Giêng

Anh đưa em ra ngồi bến sông
để nghe con nước chảy xanh lòng
để nghe em hát bài thương nhớ
để thấy trăng mềm giữa sáng xuân

Ta về Cầu Ngói thăm ngày cũ
lên khuất Trường An gọi núi rừng
ghé qua An Cựu thăm mùa lúa
chắc bữa nay đồng gặt sắp xong

Anh cùng em thăm lại trường xưa
bao năm lặn lội một thân cò
hỏi thăm có kẻ nào thương nhớ
mỗi sáng mỗi chiều say ngẩn ngơ

Anh sẽ về thăm đêm nguyệt tận
dắt tay em dạo khắp cổ thành
lắng nghe chìm khuất từ thiên cổ
khúc tuyệt tình ca của tháng năm

Anh hẹn em về nắng tháng tư
anh đã về thăm Huế trong mơ
nghe tiếng cười em,cơn gió thoảng
thổi tạt hồn anh đến dại khờ

Chủ Nhật, 22 tháng 6, 2014

HỌ VẪN GỌI NHAU LÀ " ĐỒNG CHÍ " ĐẤY ! - TÔ VĂN TRƯỜNG


ư
Anh mắt “rực lửa” của Bộ trưởng Phạm Bình Minh khi bắt tay Ủy viên quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì rất khí phách, thể hiện phong cách ngoại giao trong quan hệ thực chất hiện nay với Trung Quốc. Tiếc rằng trong bài phát biểu của ai nấy đọc , họ lại vẫn còn gọi nhau là  “đồng chí”. Nghe rõ chán!



Luận bàn hai từ “đồng chí” 

Ngôn từ nào cũng phải hợp ngữ cảnh thì mới có sức sống. Dùng sai ngữ cảnh thì nó lãng nhách như  Trung Quốc hiện nay đã không dấu giếm bộ mặt xâm lược đối với Việt Nam mà hai bên vẫn gọi nhau bằng "đồng chí" thì chẳng khác nào "sấm giữa trời quang". Cách gọi đó không chỉ vô duyên, mà còn  rất phũ phàng, ghẻ lạnh với các chiến sĩ bảo vệ biển và ngư dân ta đang vật lộn, kiên cường bám biển, không quản ngại hy sinh, gian khổ bị tàu Trung Quốc “đâm húc” ngoài Biển Đông, nhất là từ gần hai tháng nay. Người dân có quyền đặt ra câu hỏi với những người đang giữ trọng trách quản lý điều hành đất nước: phải chăng hai chữ "đồng chí" trong hoàn cảnh nầy chứa đựng sự bí ẩn cũng như “sự kiện  Thành đô", như cụm từ "nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai bên", "vì đại cục" vv....

Dường như  một loạt chữ ĐỒNG như đồng chí, đồng đội, đồng bào… đang bị lặng lẽ thủ tiêu hoặc thay thế bằng đồng tiền và đồng bọn! Thật kinh hoàng! Hay là việc sử dụng từ đồng chí trong ngôn ngữ ngoại giao là để đấu tranh, mang ý nghĩa cao siêu mà dân không hiểu chăng!? Chẳng biết nên hi...hi, ha...ha hay hu...hu đây !!!

Gọi nhau là "đồng chí"  trong hoàn cảnh hiện nay, phải chăng là muốn  tái khảng định  Việt Nam và Trung Quốc vẫn  cùng chung một ý thức hệ vì đồng là cùng và chí là chí hướng hay ý thức hệ . Không lẽ  lãnh đạo Đảng và Nhà Nước Việt Nam hiện nay vẫn  cố xích lại gần giới cầm quyền và bành trướng Trung Quốc dù bị nó lừa, khinh rẻ, ngang nhiên xâm phạm chủ quyền quốc gia và bộc lộ rõ mưu đố biến Biển Đông thành ao nhà của chúng?. Nếu duy danh định nghĩa thì Việt Nam và Trung Quốc hiện nay chẳng đồng với nhau  về chí hướng cũng như quan điểm tôn trọng độc lập chủ quyền của nhau, có “đồng” chăng là  trong một số trường hợp các vị tham nhũng có quyền lợi mờ ám gắn bó với nhau thôi!

Bàn về hai chữ " đồng chí ", ngay từ hơn 50 năm trước đây, nhà thơ Việt Phương trong bài thơ nổi tiếng mọi thời "Cuộc đời yêu như vợ của ta ơi" (trong tập thơ Cửa mở) đã viết những dòng thơ rất sâu sắc và rất đáng suy ngẫm về hai từ  "đồng chí" này : 

" Ta cứ tưởng đã là đồng chí rồi thì không ai xấu nữa
Trong lòng ta chỉ có chỗ của yêu thương
Đã chọn đường đi không ai dừng ở giữa
Mạc Tư Khoa còn hơn cả thiên đường !".

Có lẽ đây là dòng thơ bất hủ lột tả sự ngộ nhận tệ hại của cả một thế hệ về hai từ đồng chí. Khác với Việt Phương, nhà thơ Tố Hữu cùng thời, lại mơ mộng,  lãng mạn với hai từ " đồng chí " đậm tính cách mạng  trong bài thơ " Xuân 61 " :

" Rồi hai đứa hôn nhau, hai người đồng chí ..."  

Cho đến bây giờ, nếu cứ tiếp tục thực sự vẫn coi Trung Quốc là  đồng chí  thì chắc chắn sẽ bị một "phát đạn đồng chí" bắn thẳng vào tim và hậu quả sẽ thảm khốc và không thể tránh khỏi một dòng máu đỏ!. Việt Nam sẽ chết một cách tức tưởi trong u mê và lú lẫn! Đừng để sau này lịch sử và con cháu viết lại những dòng cay đắng " Ngu thì chết, chứ bệnh tật gì đâu " hay " Chết vì ngu, chết vì lú lẫn "! 

Đại biểu Quốc hội phải như thế!

Liên quan đến tình hình Biển Đông, ngày 19/6, tại nghị trường, Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa dõng dạc phát biểu : “Nếu Quốc hội không có tuyên bố hay nghị quyết chính thức gì cả về Biển Đông, tôi tin rằng nhân dân ta sẽ rất thất vọng, thậm chí hoang mang”. 

Tiếng nói khảng khái của đại biểu Trương Trọng Nghĩa “đột phá”  trên hội trường phản ánh tâm và tầm của vị đại biểu Quốc hội hiểu thấu lòng dân, đồng thời làm cử tri cả nước thấy nhớ và tri ân các vị đại biểu quốc hội các khóa trước như  Nguyễn Quốc Thước, Nguyễn Minh Thuyết, Lê Văn Cuông, Phạm Thị Loan vv... 



Nhiều cử tri nhắn nhủ với các vị đại biểu Quốc hội hãy hành xử đúng vai trò, vị thế của người đại diện cho dân, “cộng hưởng” cùng với đại biểu Trương Trọng Nghĩa. Nghị sỹ là cương vị dân cử vào trong nghị trường để có chức năng nghị bàn, nghị luận, chất vấn chứ đâu phải là chỉ cho đủ số, đủ chỗ và ... "bấm nút" – kiểu "nghị gật"!

Đại biểu Quốc hội chưa phải là ngự sử nhưng với đại biểu Dương Trung Quốc vừa là nghị sỹ, lại vừa là sử gia chắc chắn ông đã nhìn thấy tấm gương chức quan ngự sử trong những triều đình xưa, cái chức sắc hệ trọng biết chừng nào - khi mà triều đình thay đổi (bây giờ gọi là đảo chính) thì người ta có thể sẽ thay cả loạt các quan chức cũ nhưng riêng quan ngự sử thì cấm chỉ không được động đến (luật bất thành văn), bởi vì quan ngự sử đó chính là pho sách sống của sự thật, của quốc gia! Cho nên, với những vị này thì "lời nói là đọi máu"! 

Sự kiện Biển Đông là thách thức lớn đồng thời tạo cơ hội lớn cho Việt Nam  cải tổ thể chế, đoàn kết và hòa giải dân tộc, thực hiện dân chủ hóa để hòa nhập với cộng đồng thế giới văn minh.  Nếu cứ tiếp tục u mê, lú lẫn và ngộ nhận coi Trung Quốc là đồng chí, là cùng chung một ý thức hệ thì hậu quả sẽ khôn lường. Việt Nam sẽ ngày càng thụt lùi, xa rời thế giới văn minh và lấn sâu vào vũng bùn của Trung Quốc.

Thay cho lời kết

Cái bí ẩn trong từ "đồng chí" cũng như cái bí mật của "Thành Đô", hay nhận thức chung ở tầm cao, vì đại cục...Muốn giải mật mã này, suy cho cùng chỉ duy nhất có một chữ "KIỆN" có nghĩa là  phải kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế về xâm chiếm Hoàng Sa và bành trướng phi lý “đường lưỡi bò” ở biển Đông. 

Chỉ có KIỆN thì toàn dân mới biết, sẽ biết người làm sai, nhất là làm rõ "đồng chí", bốn tốt, 16 chữ chữ vàng...là cái gì. Không kiện là mất lòng dân, mà kiện lỡ nó lòi ra cái gì thì còn có thời gian mà sửa. Kể cả nhận lỗi để thành tâm mà sửa. Chậm trễ, hết thời cơ thì dân tộc ta sẽ mãi mãi bị trầm luân.