Khi đời sống xã hội phát triển thì việc uống rượu là một nhu cầu tất yếu, thậm chí người ta còn cổ xúy cho một hình thái “văn hóa uống rượu”.
Từ trên 7.000 năm trước, khi mà loại thức uống có cồn được tình cờ tạo ra (đầu tiên là sản phẩm lên men từ trái cây), tổ tiên ta đã hân hoan, gọi sản phẩm này như là “quà tặng của Thượng đế”.
Trong những ngày chuẩn bị đón Tết Nguyên đán, chúng ta cũng nên dành một chút thời gian suy ngẫm đôi điều về rượu.
Rượu với đời sống xã hội:
Chúng ta rất dễ đồng tình với vai trò của rượu trong nghi thức ngoại giao, lễ Tết, tiệc tùng...
Trong cuộc sống thường nhật, rượu đôi khi là tri kỷ khi ta buồn, vui;nhưng uống rượu và cung cách uống là hoàn toàn khác nhau.
Kiểu “độc ẩm” là của kẻ có tâm sự (chẳng hạn bị vợ mắng!) hoặc khi thất tình!, kiểu uống “đa ẩm” là khi thù tạc với bạn bè…
Nói chung là có cả nghìn lý do để người ta uống rượu!
Vậy nên:
Khi buồn đối bóng nâng ly,
Khi vui bè bạn ly bì cuộc say
Sau đây xin trích dẫn một số câu thơ bất hủ có hơi hướng từ rượu.
Rượu và thơ:
Trước hết hãy xin trích lại đoạn thơ của Đại thi hào Nguyễn Du, qua tâm sự nàng Kiều lúc nâng chén rượu tiễn đưa Thúc Sinh trở lại quê nhà:
Thương nhau xin nhớ lời nhau,
Năm chầy cũng chẳng đi đâu mà chầy.
Chén đưa nhớ bữa hôm nay,
Chén mừng xin đợi ngày này năm sau.
Còn đây là phong thái phóng túng của cụ Tản Đà:
Có tiền chưa dễ mà tiên,
Ham danh lắm kẻ như diều đứt dây.
Thương ai cho bận lòng đây
Cho vơi hũ rượu, cho đầy túi thơ!
Chúng ta cũng dễ thông cảm với lời tự biện ngông nghênh của chính cụ:
Say sưa nghĩ cũng hư đời
Hư thì hư vậy say thời cứ say!
Ai đã từng yêu, hãy cùng chia sẻ cảm xúc qua vần thơ của chàng “thi sĩ tình yêu” Hàn Mặc Tử:
Bóng hằng trong chén ngả nghiêng
Lả lơi tắm mát làm duyên gợi tình
Hay da diết, cuồng si của Vũ Hoàng Chương:
Em ơi lửa tắt bình khô rượu
Ðời vắng em rồi say với ai!
Nhiều người yêu mến cụ Tú Xương qua sự chí tình với vợ:
Mỗi năm Tết có một lần
Mời em ly rượu tay nâng ngang mày
Rồi tiếp lời trần tình, an ủi “hiền nội” thật cảm động:
Tóc loay hoay bạc bạc dần
Mỗi năm Tết có một lần thôi em!
Những người lớn tuổi dễ có sự đồng điệu với triết lý về cõi nhân sinh của cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm qua bài “Nhắp rượu”:
Rượu đến gốc cây ta sẽ nhắp
Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao
Trong Đường thi, Lý Bạch là bậc thầy của “rượu và thơ”. Ở ta, Tản Đà cũng có cái “ngông” của Lý Bạch. Ông mượn thơ và rượu để nói lên cái u uất, khát vọng và tình người qua bài thơ “Ngày xuân thơ rượu”:
Trời đất sinh ra rượu với thơ
Không thơ không rượu sống như thừa
Công danh hai chữ mùi men nhạt
Sự nghiệp trăm năm nét mực mờ
Đối với cụ Nguyễn công Trứ, khi trời đất vào Xuân thì sau thú chơi đàn, đánh cờ là uống rượu, ngâm thơ.
Đây cũng là thú tiêu khiển tao nhã của các bậc hiền nhân:
Đàn năm cung réo rắt tính tình đây,
Cờ đôi nước, rập rình xe ngựa đó,
Thơ một túi phẩm đề câu nguyệt lộ,
Rượu ba chung tiêu sái cuộc yên hà
Còn nhiều vần thơ, câu hát nói về rượu thâm thúy, thi vị không kể hết…
Dẫu sao đó cũng là nét chấm phá sinh động trong đời sống con người.
Chỉ tiếc trong xã hội ngày nay nhiều người uống rượu kiểu “tửu hoại”, nghĩa là mượn rượu để quậy “tới bến” từ gia đình ra xã hội!
Vì vậy nên xin can với kiểu uống bạt mạng như một Blogger trên diễn đàn Internet:
Một chai cảm thấy bình thường.
Hai chai cảm thấy tình thương dạt dào.
Ba chai cảm thấy nao nao.
Bốn chai cảm thấy … thằng nào cũng chơi!
Rượu với sức khỏe:
Nếu uống rượu kiểu tao nhân, mặc khách; uống rượu vì nghi thức, xả giao hay chúc mừng có lẽ không ai trách. Nhưng mượn rượu như phương cách quên đời; tệ hại hơn là chôn vùi đời trai trẻ suốt ngày trong bình rượu kiểu Lưu Linh là không ổn.
Hậu quả là cơ thể suy nhược, ngộ độc, viêm loét dạ dày, xơ gan, loạn thần…
Vì vậy trong dân gian đã từng cảnh tỉnh về sự thái quá:
Anh ơi uống rượu thì say /Bỏ ruộng ai cày, bỏ giống ai gieo /Mang bầu đến quán rượu dâu /Say hoa đắm nguyệt, quên câu ân tình /Rượu lạt uống lắm cũng say /Người khôn nói lắm dẫu hay cũng nhàm!
Anh ơi uống rượu thì say /Bỏ ruộng ai cày, bỏ giống ai gieo /Mang bầu đến quán rượu dâu /Say hoa đắm nguyệt, quên câu ân tình /Rượu lạt uống lắm cũng say /Người khôn nói lắm dẫu hay cũng nhàm!
Tóm lại uống rượu có văn hóa và điều độ là điều không xấu, nhưng phải biết tự chủ.
Hải Thượng Lãn Ông từng đã dạy:
“Bán dạ tam bôi tửu, bình minh nhất trản trà, nhật nhật ư như thử, Lương y bất đáo gia”
(Nghĩa là: Buổi tối uống ba ly rượu (nhỏ), sáng ra uống tách trà, ngày nào chỉ như vậy, thầy thuốc khỏi đến nhà)
Đàm Hồng Hải
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét