Thứ Hai, 2 tháng 2, 2009

CHUYỆN ĐẦU TUẦN -LỄ HỘI CHÙA HƯƠNG


Lối lên động Hương Tích
đông nghẹt

Chuyện cũ ở hội chùa Hương

Năm 1993,trên tuần báo VĂN HOÁ ,tôi đã viết bài phản ánh những tệ nạn chung quanh lễ hội chùa Hương.Mười sáu năm sau,tôi được đọc trên Thanh Niên Online bài viết của Y Nguyên " Chuyện cũ ở hội chùa Hương".Theo tôi đây là chuyện mới ở hội chùa Hương vì những tệ nạn ...mới gấp nhiều lần
Hơn 4,5 vạn khách thập phương đã đổ về Hương Sơn (Mỹ Đức, Hà Tây cũ) trong ngày mùng 6 Tết (31.1) để dự khai mạc lễ hội chùa Hương - một trong những lễ hội lớn nhất đồng bằng Bắc Bộ.
Cũng như mọi năm, trước Tết Nguyên đán, Ban tổ chức lễ hội chùa Hương đều tổ chức họp báo và hứa hẹn cải thiện chất lượng phục vụ. Thế nhưng, cũng như những năm trước, hội chùa Hương vẫn diễn ra cảnh “chặt chém” bừa bãi, tranh giành cãi vã, chen lấn, gây gổ...
Tại ga Thiên Trù, dù đã niêm yết giá bán 70 nghìn đồng/vé và lực lượng bảo vệ đứng ngay bên cạnh, nhưng cò vé vẫn ngang nhiên hoạt động. Trong khi đó, một số cabin cáp treo vẫn chở tới 8 khách mặc cho bảng thông báo ngay cửa nhà ga đã quy định 6 khách/cabin.
Tại bến Yến, giá vé đi đò được niêm yết công khai là 25.000 đồng/người (bao gồm cả lượt đi và về). Thế nhưng không một chủ đò nào nhận khách nếu chỉ chìa vé của Ban tổ chức mà không có khoản “bồi dưỡng” (thường thì khách phải trả thêm 100% giá vé cho chủ đò hoặc thậm chí phải trả số tiền gấp 3, gấp 4 lần giá vé). Và thế là, trái ngược với cảnh du khách hớt hải đi tìm đò, rất nhiều đò vẫn được cột xích ung dung đậu trên bến và chủ đò thì kiên quyết từ chối khách nếu không có “bồi dưỡng” hoặc “bồi dưỡng” quá ít.

Chen lấn để vào ga cáp treo -

Ông Nguyễn Xuân Sinh cho biết lượng du khách đến chùa Hương ngày khai hội năm 2009 tăng hơn 1 vạn người so với năm 2008. Lượng du khách quá tải đã khiến Ban tổ chức “cũng đành chịu” cho dù số lượng bảo vệ, công an đã tăng thêm gấp đôi. Số lượng đò tại bến Yến là 4.000 chiếc. Theo ông Nguyễn Xuân Sinh (thường trực Ban tổ chức), tất cả các đò đều có biển số. Thực tế, rất nhiều đò không có biển số và đều chở quá tải. Với đò nhỏ, trọng tải được phép là 5 người, nhưng chủ đò thường chờ đủ 8-10 khách mới chèo. Với đò lớn, Ban tổ chức quy định chỉ được phép chở tối đa 12 khách, thế nhưng, những đò này thường phải oằn mình gánh gần 30 khách. Trong khi đó, lực lượng tuần tra kiểm soát vẫn vù vù ca nô lướt qua mà không hề biết (hay cố tình không biết!). Trên bến, dưới thuyền, loa của ban tổ chức thì cứ ra rả điệp khúc: “Đề nghị mỗi đò phải có giỏ đựng rác. Không chở quá số người quy định, nghiêm cấm việc ép khách trả thêm tiền”. Còn bập bềnh trên suối Yến là những con đò nhếch nhác vỏ cam, vỏ quýt, vỏ chai, nước bẩn; không số, không địa chỉ, không điện thoại...
Đò quá tải
Một nguyên nhân khác có thể tiếp tay cho tình trạng “chặt chém”, đó là sự “ngây thơ” hoặc tâm lý “muốn được việc nhanh chóng” của nhiều du khách. Ngay tại cửa quầy bán vé Thiên Trù, một cò vé cho biết nếu mua vé từ tay cò này thì khách chỉ phải thêm 5.000 đồng (!) và không phải xếp hàng. Trong khi đó, chỉ cách mấy bước chân, quầy vé vắng lặng và du khách chắc chắn sẽ chẳng phải nhọc công chen lấn. Thế nhưng, nhiều khách lại chịu cho “cò” chặt chém "cho nhanh”. Chưa hết, dù Ban tổ chức đã thông báo giá vé gửi xe máy trong sân là 2.000 đồng/xe, nhiều du khách lại gửi xe ở nhà dân để chịu mức giá “cắt cổ” 20.000 đồng/xe.
Khi chúng tôi trao đổi với Ban tổ chức về tình trạng “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” như trên thì nhận được câu trả lời: “Thế à? Có chuyện đó thật à?”... Còn chuyện an toàn cho khách trên những chuyến đò quá tải? “Trọng tải ghi thế thôi, là vì chưa đo được mức nước, chứ suối Yến nông choẹt, nếu có xô đẩy nhau thì cùng lắm đắm thuyền, đắm đò, chứ không chết được. Du khách ai cũng muốn đi hội nên tự nguyện chịu đông, nhà đò tự nguyện chở. Thế thì Ban tổ chức cũng đành châm chước thôi” - ông Nguyễn Xuân Sinh, Phó chủ tịch UBND xã Hương Sơn kiêm thường trực Ban tổ chức lễ hội, thở dài.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét