Thứ Sáu, 27 tháng 2, 2009

TRANG VĂN NGÀY CŨ - SỐ 12

NGUYỄN TÔN NHAN
Nhà thơ một đời mê chữ...

Nhà thơ Nguyễn Tôn Nhan sinh năm Đinh Hợi (1947), hiện sống ở Sài Gòn, là một thi sĩ mê chữ. Ông là tác giả của khoảng 50 đầu sách, chuyên về Hán học, có thể kể những cuốn tiêu biểu như: Từ điển thành ngữ điển tích Trung Quốc; Từ điển văn học cổ điển Trung Quốc; Từ điển Hán Việt văn ngôn dẫn chứng; Bách khoa thư văn hóa cổ điển Trung Quốc; Nho giáo Trung Quốc… Ngoài ra, những bộ sách do ông dịch và chú giải cũng rất đáng kể như: Nam hoa kinh, Xung hư chân kinh, Hoài Nam tử…Tâp thơ Thánh Ca ông xuất bàn năm ông 20 tuổi như một định mệnh gắn ông với thi ca suốt cuộc đời và ông vẫn nhận mình là nhà thơ hơn là nhà nghiên cứu.Xin giới thiệu một số bài thơ tiêu biểu của ông và một số bài thơ trong tập Thánh Ca.

VƯƠNG THUÝ KIỀU
.
Đạp Thanh buổi ấy quay về
Cô em mười bốn ngứa nghề mười lăm
Rừng phong thu đã ướt đầm
Tiền Đường sông nước sóng ầm ngày xưa
Mà hương xuân sắc đến giờ
Thói quen mất nết vẫn chờ nhân gian

VƯƠNG THUÝ VÂN

Em ngồi lên để chị thưa
Rồi mai trong cõi mịt mờ nhớ nhau

Ngẫm ra cơm muối canh rau
Và chồng con đủ chị đau suốt đời.

LUẬT ĐƯỜNG NHỚ KIỀU
.
Có bóng em về đấy phải không
Sao thu vàng úa cả rừng phong
Hóa kiếp hay là em chuyển kiếp
Lập đông sao ngỡ sớm tàn đông
Mây nổi Lâm Tri buồn lắm chắc
Gió thổi Hàng Châu rụng hết bông
Đã lạnh tiếng tì tay tuyệt kỹ
Còn nghe máu nhỏ mấy dây đồng.

QUỲNH HƯƠNG

Tôi đợi mưa chiều man di
Hương mang phố quạnh hiu về
Một lá me, hai tượng xám
Ba nghìn giọt nước vân vi.


THƠ TẶNG QUỲNH HƯƠNG
.
Ngắt nụ chè dưới mành
Gửi Hương mùi thạch thảo
Trăng một bát mong manh.
.
Tóc Hương tòa sen ngự
Đêm nhớ đủ chín chiều
Trăng một bát vàng xiêu.


MẮT HƯƠNG RẤT DẠI LẠI HIỀN
.
Nụ hoa tầm gởi
Rụng bởi gió lay
Tóc xưa em cài
Đường mưa côi cút.
.
Mắt môi của Phật
Độ lượng anh về
Mưa hiền giọt nước từ bi.
.
Vú em nho nhỏ
Nụ đỏ nụ xanh
Em nhớ tình anh
Xới vun vườn cải
Trời mưa tháng bảy
Tro xám thái dương
Má môi em hườm
Anh đi để nhớ.
.
Mây ơi từ độ
Khói sóng xây thành
Mắt hiền hoa cải còn xanh?


Những bài thơ trong tập Thánh Ca

HƯ VÔ

Tôi có trái tim khô
Treo ngoài vườn đẫm nước mưa
Chiều hôm nay mưa đầu đông
Tôi khóc bên ngoài tôi khóc bên trong
Chẳng còn ai ngồi ở công viên
Chỉ còn tôi ngủ dưới cỏ biền
Tôi mất máu em như nhựa cây
Tôi ăn mặt trăng uống mặt trời
Chẳng còn ai
Để bố thí cho em một chiếc gậy ăn mày
Tôi xuống tôi lên
Máu độc người da đen
Tôi khạc ra biển những đờm xanh

MƯA DỬNG DƯNG

Mưa mưa mưa
Mây bơ phờ tôi bơ thờ
Thở ra máu
Trời ngập đầu trong nước xanh
Dao găm của tôi hay tôi của dao găm
Hãy hát đi trong mộ phần
Bông nắng dửng dưng
Thở ra máu
Tôi đau gan
Chiều đấm vỡ mặt trăng
Sao đi lang thang
Vỡ mặt trời vỡ mặt trăng
Mưa mưa dửng dưng
Tôi về nghĩa địa một mình
Tôi rớt mất tim rồi tôi lặng thinh
Mẹ tôi đi chợ với chiếc giỏ xanh
Mua cho tôi những con búp bê kim khí
Những con búp bê hiếp dâm nhau
Ngay trong chiếc giỏ xanh
Ngay trong chiếc giỏ xanh dửng dưng

ĐÀ LẠT

Nhét mặt trời vào nồi
Sáng mai đem ra luộc
Râu xanh
Tôi vừa trở về nơi tôi chết
Tháng bảy trời mưa trên những đồi thông vàng
Người đàn ông mang thai
Cho tôi một đồng mua thuốc hút
Mưa trên những đồi thông vàng
Người đàn ông mang thai
Tôi thổi sáo
Mưa thều thào trong tim

MƯỜI BA


Nhét nỗi buồn vào mồm nhai
Không nuốt xuống không nhả ra
Nhét vào nhai nhai vào mồm
Tôi oẹ ra chiến tranh
Bông tuyết khô sáng chiều mưa tối nhà mồ
Tôi oẹ ra hòa bình
Bã mật xanh
Người động kinh trên nóc nhà thờ
Tôi trở thành Đức Chúa Trời hát nghêu ngao
một bản
Suốt buổi chiều ngang
Suốt buổi chiều dọc
Tôi không sao không khóc
Hu hu
Nhét vào nhai nhai vào mồm
Em không là nữ tu
Có vú bó
Em không là đàn bà
Chết trong nhà bảo sanh
Nhà bảo sanh nhà thương nhà thờ nhà mồ
Nhà thơ
Tôi mọc trên núi cao
Trổ trái buồn bốn mùa
Mây rơi xuống vực sâu
Lệ đỏ
Nhân loại mù
Hu hu

CHIỀU CHIỀU

Sáng hôm nay mặt trời xanh
Nàng giữ trên môi bông tuyết nhỏ
Lá trong vườn từng lưỡi dao găm
Nàng giữ trên tay bông tuyết đỏ
Chim không bay đến mái hồn tôi
Nơi cô đơn rêu ngàn năm đã phủ
Nơi vinh diệu của nhửng kẻ u buồn
Nơi sáng hôm nay của tôi của nàng
Của hai kẻ đem phơi hồn ủ rủ
Chiều tôi trở về trên đồi cây
Dưới cành khô có bóng nàng treo cổ


NHÁNH ĐỘC

Ở nóc mộ kia người ra đời
Tôi mặc quần jean xanh
Đi giày bố
Mây cắn nát cả hồn
Buổi chiều chưa kịp vỡ
Trên những nhánh cây điên
Tôi thắt cổ
Thắt cổ
Hạnh-Mai vừa chào đời ở nóc mộ kia
Rên như con chó nhỏ
Mỗi ngày tôi đến ngủ ở ngã tư
Tôi mơ thấy Đỗ-Hạnh-Mai đẻ ra tôi
Rên rất nhỏ
Tôi khóc suốt buổi chiều Hạnh-Mai cho tôi bú
Hạnh-Mai phơi tã xanh
Tóc tơi tả
Mưa chập chờn ướt sũng cơn điên
Tôi suốt đời vẫn quấn tã xanh
Của Hạnh-Mai
Của buổi chiều chưa kịp vỡ
Ở nóc một cây khô
Tôi thắt cổ
Thắt cổ
Có dáng ai rất nhỏ
Dưới chân tôi như Hạnh-Mai



MỘT CHÙM BÔNG

Nắng nằm trên nóc nhà ga
Chim có kinh rơi giọt máu nhỏ
Bay về đâu bay về đâu tôi chiều nay
Chim có kinh suốt mùa thu ngủ
Tôi nằm trên nóc nhà ga
Tôi chụp bông nắng khô vỡ
Con chuồn chuồn
Tôi ngạt thở
Tôi nằm thu hiện nóc nhà ga
Chim bơi trong chùm bông nắng khô
Chiều đẻ tôi ngạt thở

TẶNG NỮ TU SĨ


Đừng người đừng khóc tiếng chim
Sớm thu hồng tạt cửa thiền bụi nâu
Chim kêu nhí nhách trong đầu
Thích Ca tượng nọ rụng đầu Giê Su

NĂM MẶT TRĂNG

1

Tôi huýt sáo một mình
Rắn hổ mang rắn hổ mang
Chiều đeo gông tử hình
Đồi thông trời rụng rất nhiều bông
Rất nhiều bông quá nhiều bông
Tôi huýt sáo liên miên
Chiều mưa ráng bóng cầu vòng
Tôi quỳ ngó mãi nước trong tim
Tôi huýt sáo một mình
Rắn hổ mang rắn hổ mang
Tôi leo lên đỉnh ráng cầu vồng
Tôi đái cho vũ trụ mù sương
II
Nhả nọc người
Tôi bay lên rừng sương thu
Dơi về cánh rất mỏng
Biển chìm tôi ngã đè
Tôi phán hãy có những mặt trời
Tôi nhận chìm thượng đế
Động máu tươi
Động chút máu tươi tôi trở về
Biển chìm tôi lượn mãi trong khuya
III
Mưa thều thào sắp chết
Mái nhà trắng xoá sọ người
Tôi chìm vào tôi giàn hoa giấy
Cỏ chạm vào tôi mây chạm tôi
IV
Đi giữa phố một mình
Giày da đen đau tim
Tôi hình như rất xám
Trời thả đầy vật buồn
Nhổ lông ra xỉa răng
Tôi hình như rất đỏ
Tôi hình như rất vàng
Cuộc đời là hình vuông
Dĩ nhiên vui dĩ nhiên
Có khi như hình tròn
Nhổ lông ra xỉa răng
Vũ trụ không hình thù
Nọc ai phun chiều thu
V
Chim đừng kêu chim đừng kêu
Trời đừng chiều trời đừng chiều
Không tôi không biết chết
Chưa tôi chưa ra đời
Một lần thôi cũng nhiều

THĂNG HOA

Nửa đêm xanh trăng nằm cuộn ngọc
Thi sĩ đọc thánh ca
Máu trườn trong óc người vô nghĩa
Tôi khạc hồn tôi ra hư vô
Đâm chết loài người tôi mất ngủ
Tôi ngậm đầu tôi trong hồn tôi
Đêm vỡ nanh dao ác quỷ
Tôi khạc hồn tôi ra hư vô
Không ai là thi sĩ
Không ai là thi sĩ
Đêm vỡ trăng nằm xác tôi ngậm ngọc
Nhân loại đeo tang đen

THỦ TIÊU NGƯỜI TÌNH


Nàng đóng đinh tôi trên thập tự
Chiều quỳ dưới đất khóc vô tư
Tôi xuống rút xương mình đẽo sáo
Tôi lại leo lên
Thập tự nhỏ
Nàng đến quăng cho tôi vật đen
Nàng rất gầy tôi thổi sáo
Mưa xiên thủng hồn nàng
Xác người điên xác người điên
Khóc nức nở
Cười tức thở
Tôi vẫn treo chân trên thập tự
Tôi nhìn mây trắng ngủ lang thang
Không còn gì nói nữa

NGUYỄN TÔN NHAN:
CHÍNH VÌ MÊ THI CA , TÔI HỌC CHỮ HÁN
Đặng Phú Phong

Đặng Phú Phong: Người thì gọi ông là nhà Hán học, người thì gọi ông là nhà thơ. Ông nhận danh xưng nào và tại sao?

Nguyễn Tôn Nhan :Đương nhiên tôi vốn là nhà thơ và có lẽ chỉ là nhà thơ thôi. Tại sao ư? Trời ơi, thi ca làm sao biết được tai sao. Hoặc tại đất trời vừa công bình vừa bất công kia đẻ ra tôi đã lãng đãng như mấy câu thơ hồn hậu nọ “Mẹ nuôi con lớn làm thơ. Để đau thương vẫn như chờ riêng thôi”. Hai câu lục bát này ở đâu đó đến giờ tôi quên cả tên tác giả rồi, xin lỗi nếu tác giả (của nó) đọc được mấy giòng này. Còn Nhà Hán Học? Có lẽ nên đảo ngữ, tôi là “người học Hán” thì đúng hơn. Nhưng sở dĩ tôi học Hán được cũng do nhờ từ thuở 12, 13 tuổi tôi đã mơ thơ rồi. Hồi đó tôi mơ thơ Tây thơ Mỹ (qua nhiều bản dịch ở Miền NamVN) và năm 1969 ( 21 tuổi) đã in tập Thánh Ca. Tập này tôi hoàn toàn thất lạc (năm ấy tôi chỉ được in miễn phí 100 tập). Rất may gần đây được nhà thơ Nguyễn Đăng Thường sưu tập và đăng gần một nửa trên mạng Tiền Vệ. Tiện đây tôi xin phép ông cho tôi được trân trọng cảm ơn nhà thơ Ng. Đ. Thường.

Đặng Phú Phong: Sách về dịch thuật và khảo cứu ông trước tác khoảng vài ba chục cuốn ( nhiều quá không tính ra), cuốn nào cũng dày cộm, chứng tỏ ông là người tinh thâm chữ Hán. Vậy ông học chữ Hán từ bao giờ, bằng cách nào và được bao nhiêu “bồ” chữ? (cười)
Nguyễn Tôn Nhan: Tôi tinh thâm chữ Hán ư? (cười) Trời ơi nghe trầm trọng quá. Thật ra tôi chỉ là kẻ học đòi vậy thôi. Sau cái ngày gọi là “giải phóng” tôi đói quá. Chợt nghĩ ra một ý sao mình không đem chút chữ Hán lỡ học được trước đây ra chui vào cái hang động” văn học cổ điển Trung quốc” để kiếm tiền sống chơi? Tôi áp dụng và có vẻ thành công ngay bước đầu. Khoái quá tôi càng đào sâu chữ Hán, và may thay, hình như tôi đào trúng chỗ. Ít nhất là để “xóa đói giảm nghèo” cho bản thân.

Đặng Phú Phong: Tự điển Hán Việt của ông có thêm câu Văn Ngôn Dẫn Chứng. Ông nói rõ hơn về sự khác biệt của cuốn tự điển này và các cuốn tự điển khác.

Nguyễn Tôn Nhan: Từ điển “Hán Việt Văn Ngôn Dẫn Chứng “ của tôi khác nhiều với các từ điển Hán Việt ở chỗ, cũng vì tôi mê văn chương (nhất là thi ca) nên tôi tìm kế đẩy thi ca chữ Hán vào từ điển để trước hết, tự thỏa mãn “thú tính” của riêng tôi, thứ hai, để mong tăng cường tính văn chương cho loại từ điển khó sử dụng này.

Đặng Phú Phong: Trong mấy chục cuốn dịch thuật và khảo cứu ấy ông thích cuốn nào nhất? tại sao?

Nguyễn Tôn Nhan: Trong vài chục cuốn sách tôi đã dịch in, thú thật tôi chẳng thích cuốn nào cả. Có chăng là tôi đang “thích lắm” cuốn “Đại Từ Điển Thơ Đường” mà tôi đang biên dịch. Chỉ vì tôi tự coi tôi, mắc nợ với thi ca . Chính sự mê thi ca từ thủa mới lớn là động cơ để tôi học chữ Hán, để rồi với mớ chữ Hán tự học ấy tôi nuôi được bản thân (và cả vợ con luôn). Lần này, tôi quyết chí “trả nợ song phẳng” nàng thi ca (nếu thực sự có nàng ấy) mà tôi thầm yêu trộm nhớ (chỉ tiếc không hiểu nàng ta… có yêu tôi hay không thôi).

Đặng Phú Phong: Ông thích là nhà thơ, trong khi ông sống nhờ vào chữ Hán mấy chục năm nay (thơ thì không). Vậy nếu cho làm lại từ đầu thì ông có làm khác đi không? (chỉ làm thơ và không học chữ Hán).

Nguyễn Tôn Nhan: Vâng, tôi “rất rất thích” là nhà thơ (nhà thơ có “thích” tôi không?) và đúng là tôi sống nhờ vào chữ Hán như đã kể với ông. Dĩ nhiên, tôi cũng nặng ân với chữ Hán lắm chứ. Nhưng ông hỏi câu này làm tôi hơi… buồn cười. Xin nghiêm chỉnh trả lời: Nếu cho “mần lại từ đầu” tôi vẫn học chữ Hán, chính vì “từ đầu” tôi vẫn xin mần thơ, và vì muốn mần thơ chữ Việt đỡ khỏi “sái” đương nhiên tôi hay bất kỳ ai vẫn phải học chữ Hán, vì ông biết không, theo thống kê vớ vẩn của mấy nhà ngôn ngữ học chính quy (tôi chỉ là kẻ tự học “bàng môn tả đạo”) về từ nguyên , trong chữ Việt có tới 70% là gốc chữ Hán lận, Xem ra tỉ lệ “hơi bị cao” có phải không ông? “chỉ làm thơ và không học chữ Hán” ? Ủa, sao có định lý kỳ dị vậy? Cho phép tôi sửa chút đỉnh: “Vừa làm thơ vừa cố học chữ Hán: như tôi đã và còn làm, có được không ông?

Đặng Phú Phong: Nhưng tại sao muốn làm thơ (Việt) khỏi “sái” thì chỉ phải học chữ Hán, mà không là chữ Anh, chữ Pháp. Người Việt cũng rất sính thơ Anh thơ Pháp lắm đấy chứ?

Nguyễn Tôn Nhan: Tại sao chữ Hán? Nếu xét về ngữ âm học, lịch sử chữ Hán, ít nhất là từ đầu đời Đường (khoảng thế kỷ thứ 8, 9 gì đó) âm Đường đã có dấu ấn sâu đậm đến âm Việt (mà bây giờ giới ngôn ngữ gọi là Đường Âm). Nếu không học chữ Hán làm sao ta có thơ Việt lồng lộng cỡ như truyện Kiều hay Chinh Phụ Ngâm, Cung Oán Ngâm v,v, Còn chữ Anh chữ Pháp hay chữ Miên chữ Ấn cũng ghi dấu trên ngôn ngữ Việt nhưng rõ ràng dấu ấn ấy nó mờ nhạt hơn chữ Hán nhiều. Ở đây tôi không có ý ca tụng chữ Hán đâu nhé. Tôi cũng mê chữ Miên, chữ Ấn lắm chứ , nhưng vì duyên nghiệp hay cái gì tương tự như thế không đưa đẩy đến đó mà thôi. Đành hẹn kiếp sau cố gắng thêm vậy.

Đặng Phú Phong: Thơ lục bát đã có lâu lắm rồi, nhưng có người nói rằng ông sáng chế ra “ thể lục bát 3 câu” . Ông nghĩ sao về ý này? Và nói rõ thêm về lục bát 3 câu của ông.

Nguyễn Tôn Nhan: Cái vụ lục bát 3 câu này cũng có phần ấm ớ. Tôi đã làm thơ lục bát nhiều và từ lâu. Năm 1990 tôi có nhận tiền dịch một cuốn sách mỏng về các giai thoại liên quan đến ứng nghiệm của quẻ Dịch “Dịch Học Cận Đại” theo kiến giải của đại sư Thượng Bỉnh Hòa, tôi buộc phải học cho biết tổng thể kinh Dịch. Tôi thấy Dịch học uyên áo quá. Tôi mê. Và đẩy luôn lục bát vào 3 hào của một quẻ Tiên Thiên. Nhưng trong giới văn nghệ có người cho rằng có nhà thơ cùng thời và là bạn của tôi đã làm lục bát 3 câu trước tôi. Đối với tôi làm thơ trước hay sau không có gì đáng nói. Vì thơ, tiên quyết là thơ hay , hoặc dở chứ đâu có trước hay sau gì cả. Tôi không cãi vì buồn cười quá. Nhưng tiện đây, xin nhắc nhà thơ đó, lúc ấy có in một loạt thơ lục bát ngắt đoạn đột ngột ( không theo truyền thống lục bát là phải chấm dứt bằng câu Tám) và đặt tựa chung là”Những bài thơ mười bốn chữ”. Một câu 6 chữ một câu 8 chữ cộng lại thành 14 chữ, tức là lục bát 2 câu chứ câu thứ ba mò ở đâu mà ra? Đếm đi đếm lại cũng chỉ có 14 chữ chứ chẳng có “ba câu” (20 chữ) gì ráo. Nói vậy, tôi hoàn toàn không có ý tranh giành gì cái chữ “sáng chế ra thể lục bát 3 câu” đâu. Ba câu hay ba vạn câu đối với tôi đâu có quan trọng bằng câu hỏi này: Từ ba vạn kiếp anh có mần được một câu nào ra hồn hay chưa? Thế thôi!

Đặng Phú Phong: Tháng Tư, 1967 ông xuất bản tâp thơ Thánh Ca, đúng hơn là Thánh Ca một, vì bìa sau có ghi là: “ Mùa Đông 67 sẽ in Thánh Ca thứ hai nếu chưa chết hoặc chưa lang thang trên các tinh cầu khác”. Cho đến bây giờ là 2008 Thánh Ca vẫn còn hiện tiền nhưng Thánh Ca thứ hai chưa xuất hiện. Như vậy có phải ông đang lang thang trên một tinh cầu nào đó chăng. Hãy kể cho tôi về hành tinh ông đang lang thang.

Nguyễn Tôn Nhan: Ồ, hành tinh tôi đang lang thang ông không lên được đâu, ông Đặng Phú Phong ơi. Vì nó có tên là “Làng Rỗng Không”:
Lỡ rong chơi với Lão Trang.
Nên chưa rời nổi cái làng rỗng không.
Lòng như trời trống mênh mông.
Lòng tôi sau này nó rổng rang quá. Có thực thơ tôi “vẫn còn hiện tiền” như ông khen tôi không? Chắc tôi không dám nhận đâu. Tôi đang mắc nợ với thi ca, ông cho tôi hưỡn hưỡn chút đỉnh, tôi sẽ thanh toán nợ nần. Cảm tạ ông lắm lắm.

Đặng Phú Phong: Tập Thánh Ca, sao lại Thánh Ca? mặc dù không thấy Thánh - hiểu theo nghĩa ông Thánh, hay hiểu theo nghĩa thánh thót - xuất hiện trong thi tập. Ông gửi gắm gì trong Thánh Ca ?

Nguyễn Tôn Nhan: Tại sao "Thánh ca"? Như đã kể ,Tôi viết những bài thơ này vào thủa mới làm thơ, Lòng điên cuồng u minh nhiều lắm. Ngày ấy nhà bố mẹ tôi ở gần nhà thờ Thánh Mẫu, Gia Định. Chiều chiều nằm trên căn gác gỗ nghe tiếng chuông nhà thờ thánh thót. Ông biết đấy, tiếng chuông nhà thờ không âm trầm như chuông chùa, Thanh âm của nó cao như muốn kéo người ta lên cái nước Thiên đường nào đó. Xin lỗi lúc trẻ dại ấy tôi đã có ác cảm với tiếng chuông nọ nên tôi làm một loạt thơ, theo tôi là dữ dội để tỏ ý phản cảm , đặt tên là Thánh Ca. Đến tuổi này tôi không còn ác cảm với bất cứ tôn giáo nào nữa hay thực tình hơn tôi yêu thích mọi tôn giáo trên đời (kể cả ông Đạo Dừa mà vào năm 1972 có lần tôi định quy y theo ông ta. Nam Mô A men Đà lạt.)

Đặng Phú Phong: Đọc tập Thánh Ca do Nguyễn đăng Thường sưu tầm gồm 15 bài (theo ông thì nhiều hơn). Dù với những tựa đề rất bình thường như : Đà Lạt, Hư vô… hay những tựa nghe phát rùng mình như Nhánh Độc, Thủ Tiêu Người Tình…. Nhưng 15 bài này là 15 nhát búa khủng khiếp nện vào đầu vào lồng ngực người đọc. Chữ chữ, câu câu đều có sức đè ma quái. Như bão cát sa mạc âm u vần vũ trên đầu. Tôi đưa ra vài đoạn nhé:
……..
Tôi phán hãy có những mặt trời Tôi nhận chìm thượng đế Động máu tươi Động chút máu tươi tôi trở về Biển chìm tôi lượn mãi trong khuya …….. (Năm mặt Trăng II) …. Mưa xiên thùng hồn nàng Xác người điên xác người điên Khóc nức nở Cười nức nở Tôi vẫn treo chân trên thập tự ……. (Thủ tiêu người tình) Thật tình khi tôi đọc những dòng này tai tôi như ù lên vì âm thanh của nó , vâng, âm thanh của nó không đơn giản là của chữ mà nó có vô vàn âm vọng, từ một cõi nào đó xô trường lên nhau, thúc bách lẫn nhau, ầm ầm kéo về. Mắt tôi hoa lên vì vô số những vòng tròn đỏ như máu người, mờ mịt như cơn mưa xám xịt. Ông đã làm những bài thơ như vậy khi mới tuổi đôi mươi, ông có nghĩ nó vận vào người rồi phải điên. Nhưng thực tế ông vẫn sống khỏe. Ông có thể giải thích được tại sao không, chẳng hạn như là nhờ mổ não hai mấy năm về trước? (cười thật to). Và, thi tập Thánh Ca có đưa ông vào thế giới siêu thực không?


Nguyễn Tôn Nhan: Năm tôi xuất bản Thánh Ca, tôi khoảng 20, 21 gì đó nhưng thơ thì đã làm xong trước vài ba năm. Thời gian ấy tôi đang ở trên gác gỗ cao 1m 5 trong nhà bố mẹ tôi ở xóm Vườn Cau, Bà Chiểu, Gia định. Buổi trưa cơn nhập đồng thi ca lên tới đỉnh, căn gác gỗ ấy nóng như lò Bát Quái, tôi phát điên lên và ói ra mấy câu có “ sức đè ma quái” như ông nói. Đám thi nhân Trung quốc đời lục triều Ngụy Tấn có đẻ ra cái thứ “huyền học” mà lúc đó tôi mê dữ quá.Tôi cho rằng thứ huyền học này mới chính tạo ra “âm vọng” cho thơ của tôi. Bây giờ tôi vẫn còn mê huyền học Ngụy Tấn, nhưng tôi lại tự cho đã luồn ra được đàng sau cái “huyền học” kinh khiếp kia nên tôi tạm bình tĩnh hơn. Có lẽ cũng nhờ vậy mà hai mươi mấy năm trước tôi bị mổ sọ não và bác sĩ y khoa tuyên bố não của tôi rổng rang chẳng có gì để “chỉnh lý” nữa cả! Tôi thoát án tử, vẫn sống nhăn và vẫn đang có “âm mưu” làm Thánh Ca 2. Chúng ta hãy chờ vậy được không ông Đặng Phú Phong? (cười) Tôi là kẻ tự học, đọc đủ mọi thứ sách tạp pí lù đông tây kim cổ chẳng có hệ thống gì ráo, nên trả lời ông loạn xà ngầu, nửa đầu nửa đuôi cộng lại thành đười ươi(cười). Nếu có lỡ mồm lỡ miệng , xin ông rộng lòng tha thứ!.
Cuối tháng 7/08.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét