Thứ Năm, 27 tháng 11, 2008

TRANG VĂN NGÀY CŨ - SỐ 3


thơ tình
HOÀNG LỘC

Nhà thơ Hoàng Lộc quê quán Quảng Nam,từ thập niên 1960,ông đã có thơ đăng trên các báo văn học có uy tín ở Sài Gòn như Văn,Bách Khoa,Khởi Hành..v.v..Để hiểu thêm về thơ Hoàng Lộc,xin trích giới thiệu bài nói cùa nhà thơ Trần Doãn Nho về thơ ông nhân buổi ra mắt tập thơ Qua Mấy Trời Sương Mưa

. . .
Những bài thơ trong tập "Qua mấy trời sương mưa" (QMTSM) in theo thứ tự thời gian. Đó là những bài thơ chắc lọc trong ba mươi năm làm thơ, trải qua bao nhiêu thăng trầm của số phận một đời người."Thơ trải dài qua ba thập niên, mà thi tập như một khối nhất quán, như tác giả vừa chụp lấy bút viết một mạch trong một đêm" (Văn Học).Bài thơ đầu tiên đề năm 1969 và bài thơ cuối đề năm 1999. Tuy đề cập tới nhiều chủ đề khác nhau, QMTSM rõ ràng vẫn là một tập thơ tình. Hầu hết các bài thơ đều nói lên những bâng khuâng, e ấp, những day dứt, những sầu, những nhớ, những giận hờn, tiếc nuối, những rung động về tình yêu. Anh làm thơ tình trong bất cứ hoàn cảnh nào, ngay cả trong hoàn cảnh thân tàn ma dại của một tù nhân, của một người lính thất trận hay trong thân phận lưu lạc xứ người. Cái tình đeo đẳng lấy anh như một loại "sinh tử phù".Một đoạn thơ làm năm 1972: Khi anh về bất ngờ anh biết khóc Qua hiên nhà người bé vào lớp học Bé đâu hay thành phố đã lên sương Là khi anh cúi xuống một đời buồnNăm 1987, khi ở tù về: Em có bàn tay dịu dàng mấy ngón Có ngón nào của cô bé ngày xưa Chỉ một lần vuốt nhẹ trái tim thơ Mà vết xước đủ một đời máu ứa Khi ở Hoa Kỳ: Em phía hoàng hôn, anh bình minh Hai bìa trái đất gió chênh vênh Một sao lấp lánh đôi bờ lệ Từng sớm hôm soi một chữ tìnhChúng ta vừa đọc qua ba đoạn thơ của Hoàng Lộc qua ba chặng đời khác nhau: một Hoàng Lộc trẻ, một Hoàng Lộc ở tù về và một Hoàng Lộc lưu lạc. Ý thì có khác, dĩ nhiên. Nhưng tứ thơ, không khí thơ và trái tim nhà thơ thì dường như vẫn thế: yêu. Chan chứa yêu, đằm thắm yêu, say sưa yêu. Yêu không biết mệt mỏi. Ta có thể nói, anh bày ra "cuộc yêu" trong đời của anh và trong thơ của anh. Ở hoàn cảnh nào, Hoàng Lộc cũng có thể làm thơ tình một cách hồn nhiên, một cách bình thường, y như thể thế giới này không có gì khác hơn ngoài tình yêu trai gái, bởi vì suốt đời anh là một "đời tình":Ta mãi lơ mơ suốt một đời tình Mãi lưu lạc những hiên nhà gái đẹp (tr 88)Tôi không rõ nhà thơ đa tình Hoàng Lộc đã trải qua bao nhiêu hiên nhà gái đẹp, nghĩa là trải qua bao nhiêu lần yêu và thất tình và yêu và thất tình - nhưng rõ ràng là tình anh bao giờ cũng nóng hôi hổi. Yêu một lần nóng đã đành, yêu lần hai lần ba lần bốn cũng cứ nóng. Nóng, và da diết.Bài thơ đầu trong tập: Mịt mù cõi thế Ngơ ngẩn đường chim Công hầu coi nhẹ Nhớ màu mắt em (tr. 10) Bài thơ cuối tập: Đã yêu ở Hội An Tình đã ra cửa Đợi (198) Lúc chừng hăm mấy: Trải cho em cả tấm lòng Mất toi đến cái khốn cùng của taLúc chừng năm mươi mấy: Để biết yêu em từ thuở ấy Đời ta rồi nỗi khổ vô lường Biết, ta biết trước mà hay vậy Không có em càng sợ khổ hơn (129) Bởi chỉ vì em Ta dính dáng với đời này (145) Trong những ngày thua trận: Đã vắng đầu lâu treo cổ ngựa Mất em, cũng ý lạnh sa trường Khi về tình rã theo tay mỏi Nhìn bóng tàn quân rủ khói sương (tr. 37) Lúc ở tù về: Về, ta gặp phố sầu u Ta yêu em với ta tù tội đây (49)Như thế, cũng như nhiều nhà thơ khác, tình yêu của anh không hề có tuổi. Có lẽ vì người yêu (hay nhiều người yêu) của HL dường như không có tuổi. "Em" có thể lớn lên, khác đi, nhưng không già. Em bao giờ cũng thế, lãng đãng nhưng mặn mòi. "Em"(cũng như "cá thể hóa" như Hoàng thị Ngọ của Phạm Thiên Thư, Tố của Vũ Hoàng Chương) là một hình tượng vĩnh cửu. "Ta" hay "anh" cũng thế. "Em" hay "ta" hay "anh" được đẩy lên thành một mẫu, một dáng, một nét, một tính cách. "Em" là một cái khác của "ta", của "anh". Bắt chước lối nói của Mai Thảo, ta có thể cho rằng "em" trong thơ HL là một hoài hoài tìm kiếm, một hoài hoài đuổi bắt, một hoài hoài lạc nhau và một hoài hoài tiếc nuối.Bởi thế mà tình của HL dường như lúc nào cũng là một thứ tình lỡ, tình trễ, tình mất, tình phụ. Anh viết:Muôn năm, anh là người đến trễ Chỉ vì: Ta kiếm quẩn quanh trời cố xứ Hồng nhan, hồng nhan - ta chiêm bao (28) Tình anh, rốt cuộc, bao giờ cũng quạnh vắng, hiu hắt: Em hãy đốt lên giùm anh ngọn lửa Thử ngọn tình hiu hắt tới bao lâu (108) Cho nên, cuối cùng: Yêu vô vàn cũng rớt giọt tình không (19)Tình yêu đó là "ngọn tình", "giọt tình". Ngọn hay giọt là một cái gì mong manh, chập chờn, thoáng chốc. Tất cả chỉ vì người tình của anh luôn luôn trốn chạy, luôn luôn có đó và không đó, luôn luôn không bao giờ bắt được, luôn luôn thoát khỏi anh:Mưa ngày xưa bây giờ chưa biết Buồn đời ta, không đời ai bằng Ngày xưa, ôi cái ngày xa lắc Mà em đi chẳng nói chẳng rằng (54) Đã tới ngày em bỏ quên ta Che tay kỷ niệm ngó mơ hồ Nắng gió trong lòng em bất chợt Em vừa giết một đứa làm thơ (32) Không những chỉ thế. Thử nghe HL tâm sự trong những giòng khác: Những sớm qua cầu, ta gọi bớt hơi sương Những trưa khô che dùm tóc mỏi Con đường quen bụi lầy cố xứ Em về, ta lặng lẽ mưa bay (145) Áo trắng em qua trời phố nhỏ Khi lòng ta còn muốn làm mây Dẫu nhiều năm cùn mòn vó ngựa Vẫn hí tương tư những tiếng đầy (126)Vậy thì đã rõ, đâu phải chỉ mình em trốn khỏi tôi, mà ta cũng trốn khỏi em. Nói đúng hơn, anh và người tình của anh luôn luôn trốn khỏi nhau.Trên sân khấu cuộc đời, hình như họ luôn luôn đánh mất nhau. Và có thể vì vậy mà họ yêu nhau, cần phải yêu nhau. Hay nói một cách khác nữa, tình yêu vốn ở chỗ hoài hoài thất bại:Về, ta sững cuộc đổi đời Đổi đời ta nhỏ hơn đời đổi em Còn nhau đâu mà trông tìm Mất nhau từ thuở chưa chìm nổi kia (50)

Tình của Hoàng Lộc còn dính dáng đến rượu. Có lẽ ít tập thơ tình nào có nhiều rượu như tập thơ tình HL. Tôi hơi tò mò: toàn tập thơ có 12 bài có tựa đề mang từ "rượu". Và ít nhất 12 bài khác có "hơi rượu". Tất nhiên, hầu hết là "rượu tình" (hay là tình rượu?). Theo tôi, nhưng bài thơ có hơi rượu nằm trong số những bài hay nhất trong tập thơ của Hoàng Lộc. Tình nhiều. Mà rượu cũng lắm! Đối với người đông phương, rượu mang nhiều ý nghĩa. Và do đó, nó đã đi vào văn chương từ ngàn xưa:Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi Dục ẩm tỳ bà mã thượng thôi Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi.Và nay: Chén tiễn chén đưa Cho rã rời một đêm hẹn ước Xếp áo tìm vui nơi chiến trường có bạn có thù (Trầm Tử Thiêng)Rượu, hay chén rượu đã thành tập tục, hơn thế nữa, một nghi lễ, một sinh hoạt khá thiết thân: rượu khi vui, rượu khi buồn, rượu dành lúc tiễn đưa, rượu mừng ngày hội ngộ. Nhiều khi chén rượu được rút gọn thành chén: chén quan hà, chén ly bôi, chén hoàng hoa, chén tiễn chén đưa, đánh chén. Rượu giúp con người hưng phấn, quên buồn và đa tình như HL. Rượu của HL dính với tình, quanh quẩn với tình. Anh uống khi chia xa, lúc gặp gỡ, khi tiếc nuối, lúc buồn phiền, khi thất chí. Anh uống một mình hoặc với bạn hoặc với người yêu. Nhiều lúc anh uống tưởng tượng và say tưởng tượng.Ta chẳng biết anh uống rượu hay uống tình, anh say rượu hay say tình. Tôi tò mò tìm xem cái loại rượu của anh HL là loại gì và cách anh uống như thế nào. Này nhé, trong HL, ta có: rượu hồng nhan, rượu hoàng hoa, rượu tàn đông, rượu tống mùa thu, rượu buồn, rượu đắng, rượu nồng, rượu thất tình, rượu chiều, rượu tàn niên, rượu khốn cùng, rượu điêu tàn - và có lẽ còn nữa, nhưng tôi tìm chưa hết.Vài đoạn thơ có rượu: Đời nhỏ tưởng chừng dăm hớp rượu Ai hay sầu chật một hồn đời Ta kiếm quẩn quanh trời cố xứ Hồng nhan, hồng nhan, ta chiêm bao (28) Mặc những lần xuân tuyệt mù trước ngõ Mặc những loài chim không hề hót nữa Rót rượu buồn đi - hồng nhan, hồng nhan Anh uống giùm cô chỗ rượu điêu tàn(100) Bữa rượu chiều ta,em ở đâu? Mang mang lưng chén cái thương sầu (130) Giá có em cùng chia chút rượu Dễ khi gió đã lặng bên trời (151)

Hoàng Lộc yêu, Hoàng Lộc thất tình, Hoàng Lộc uống rượu. Yêu đủ cách mà uống rượu cũng đủ cách. Đa đoan quá chăng? Nát rượu quá chăng? Không ! Bên dưới những tình, những rượu đó chứa đựng một cái gì khác. Những bài thơ của Hoàng Lộc, rốt lại, y như một tiếng thở dài sâu lắng của cuộc tồn sinh. Tình của anh, như anh có lần bảo, đâu chỉ là tình, mà còn là một "nhịp thở trần ai": Chia cho nhau từng nhịp thở trần ai.Những cô em mười sáu tuổi hay những cô em "đổi đời" không có tuổi, những mối tình thấp thoáng hay mặn nồng, những gặp gỡ và dang dở tình cờ hay những chén rượu tình nồng chỉ là hình ảnh hiện thân cho nỗi bất an, khắc khoải trước những đổi thay liên tục , trước định mệnh, trước những phù phiếm, hư huyển của thời gian, của cuộc lữ. Chả thế, mà nhiều lần Hoàng Lộc nhắc đến chữ "biển dâu" trong thơ. Đời biển dâu mà tình cũng biển dâu :Lúc anh về bé vừa lên mười sáu Rất dịu dàng nhưng rất lạ đời anh Khi đưa tay gõ vội trái tim mình Nghe sai lỡ như một lần dâu bể (19)Gió bên đời bỏ mặc lá thu bay Rồi nếu cần em sẽ biển dâu ngay Tình và rượu chứa đựng cái mất, cái còn: Dễ những nương dâu bảo dừng biển lại Mà cái mất cứ xui lòng khổ mãi (101) Giá có em ngồi, ta kể lại Mỗi biển xanh từng hóa ruộng dâu (151)Cũng là dâu biển, nhưng trong một bài thơ khác, anh nói đến cuộc thăng trầm: Rượu tàn niên chừ gió xa xăm Gió chi thổi riết mấy mươi năm Quán cô hồn một ta chớ mấy Sợ - mà khinh - những cái thăng trầm (150)Thăng trầm, biển dâu, đó là ám ảnh không nguôi chuyên chở trong những giòng thơ tình ngấm rượu của nhà thơ đất Quảng Hoàng Lộc, một "hào sĩ" như anh tự nhận trong một lần say khước ở Hội An, quê anh: Nhớ em, nhớ buổi trăng tàn khuyết Quán cuồng, hào sĩ cũng rưng rưng Như ta, dễ một lần ta khóc Em hát liêu trai khúc nguyệt cầm (29)
Trần Doãn Nho

thơ Hoàng Lộc

THƠ HĂM DỌA

em thất đức một lần yêu giỡn mặt
bãi thu khô rụng trái nhớ xanh dờn
khi quyết chí đi truy tìm chứng tích
bữa nổi xùng- anh kiện chết em luôn

có lắm thứ chẳng cần chi phỉnh gạt
như câu thơ thơm lựng những ân tình
cánh hoa tím trang thư nào em ép
(gửi cho nhiều chỉ bầm dập đời anh !)

và lắm thứ rất cần anh mê muội
như môi còn bẫm máu nụ hôn xưa
lúc quạnh quẽ anh giật mình tự hỏi
em không yêu sao lại biết yêu đùa ?

sao lại cứ nuốt lời rồi hoá ngọng
cứ hẹn gần rồi vẫy vẫy rời xa
anh tức tối trong sợi tình thắt họng
liệu hồn em – em có bữa…ra toà !

RƯỢU MỜI SINH NHẬT

mời em chút rượu mừng sinh nhật
chắt ở đời ta - chắt của thơ
em thắp trăng thề khêu hẹn ước
yêu thương nán lại đến bao giờ?

có thể rồi em không uống kịp
nỗi riêng vấp phải lòng ta đau
đã thu trên lá , phai từng chiếc
và cõi muôn trùng đã mất nhau

có thể rồi ta không uống được
rưng rưng nhớ mẹ một phương về
cuối chiều lưu xứ ta vô phúc
chẳng ngõ sau mà gọi gió quê

đã chắt đến khi không thể chắt
chỉ bấy nhiêu-thơ cỗi,đời già
tưởng khóc,mới hay không thể khóc
ngồi giữa ngày sinh một bóng ta

hớp mời em chừng cay dâu bể
hớp mừng ta vẫn đắng tình si
thương em , cũng thương mình vô kể
rượu chắt rồi kia-lại đổ đi?

NGÓN ÚT BÀN TAY

em có bàn tay năm ngón thon dài
anh chỉ ngập ngừng xin em ngón út

con mắt cuối đời vàng hoe mộng ước
có lẽ yên lòng khép giữa thiên thu ?

cây hồn anh – thôi lá rách cành hư
năm bảy trái tình chưa xanh đã rụng
qua thời đất chai tới mùa nước úng
tiếng chim hoài yên lặng một đời cây

năm ngón thon dài hiền dịu bàn tay
ngón út cho anh đợi ngày vuốt mắt
ngày dẫu thảnh thơi đi về cõi khác
biết tay em có một ngón đang buồn

từng vô tâm với lắm thứ-không-còn
sao nỡ thấy đau với điều có được?
mấy lóng nhỏ từ ngón tay nhỏ nhất
lại bất ngờ ân oán với đời anh














Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét