Thứ Năm, 13 tháng 11, 2008

TRANG VĂN NGÀY CŨ - SỐ 1

NHÀ THƠ NGUYÊN SA
TRẦN BÍCH LAN
( 1932 -1998 )

Nhà thơ Nguyên Sa tên thật là Trần Bích Lan,còn có bút danh Hư Trúc.Ông sinh ngày 1-3-1932 tại Hà Nội và mất ngay 18-4-1998 tại Hoa Kỳ.

Tổ tiên nhà thơ gốc ở Thuận Hoá ( Huế ),ông cố là Thượng Thư Trần Trạm,giữ chức Hiệp tá Đại Học sĩ trong triều đình thời Tự Đức,đến đời ông nội mới ra ở Hà Nội.
Ông tốt nghiệp Đại học Sorbonne khoa Triết.Năm 1956 ông về nước mở trường day học(trường tư thục Trung học Văn Học và Văn Khôi ),giảng dạy môn triết tại các trường Trung học và Đại học Văn khoa Sài Gòn.
Ông được xếp trong lớp nhà thơ lãng mạn từ thập niên 1950 với những bài thơ tình nổi tiếng được nhiều người đọc yêu thích như Áo lụa Hà Đông,Paris có gì lạ không em,Tuổi mười ba,Tháng sáu trời mưa,Tương tư ...
Bên cạnh dòng thơ lãng mạn,nhà thơ Nguyên Sa từng cộng tác với Tạp chí Trình Bầy,tờ báo chuyên về chính trị,văn hoá,xã hội được liệt vào loại đối lập,thân cộng sản.Ông đã viết những bài thơ hừng hực lửa đấu tranh,về thân phận con người trong chiến tranh,khao khát tự do,hòa bình và chống áp bức.

Xin được giới thiệu 2 bài thơ tiêu biểu của nhà thơ Nguyên Sa viết trong thập niên 1970

THƠ NGUYÊN SA

BA MƯƠI SÁU SỐ TRÌNH BẦY

Dù những ngày tháng như lúc này
Những ngày tháng viết văn thật khó
Những ngày tháng làm báo thật khó
Những ngày tháng làm người thật khó
...
Em đừng buồn
Đừng thương xót
Đất nước này có gì không bị tịch thu
Đời sống còn bị tịch thu

Huống hồ trí óc

Ở tạp chí Trình Bầy có chiếc máy in
Có chồng giấy cao
Có mưc đen
Thỉnh thoảng có những cô gái tên Vân
Mỗi ngày có chàng làm thơ tên là Thái

Ở đó có cặp kính cận của Diễm Châu
Có ông Nguyễn Trường Tộ của Ngữ
Có chiếc xe cũ của Nhậm
Có khòi thuốc lá đen
Chiều buồn có la-de sủi bọt

Có thằng ốm nhom
Có thằng nông phu
Thằng cài thánh giá trên ngực áo
Thằng lạc lõng giữa miền đất hung bạo cũa Mỹ châu
Thằng hội hoạ
Thằng râu ria
Thăng hiền lành như Phật Thích Ca
Mỗi ngày chúng tới đó
Đứng ở chỗ đó
Mỗi ngày chuyến xe chạy
Một lần

Xe lửa kỳ lạ
Giống y như chiếc xe lửa của cháu nhỏ của Dũng
Động vật cơ giới tuyệt diệu
Biết đứng
Biết đi
Biết phẫn nộ
Biết hân hoan
Biết tựa vai
Cúi đầu
Nghiêng môi
Biết dừng lại buông lời tình tự

Xe lửa biết khóc
Như trẻ con trong chiến tranh
Biết đói
Biết no
Biết ngẩn ngơ
Như đồng bào trong hiện tại
Xe lửa biết khát khao
Biết nói lên niềm khát khao
Như cây mọc
Mặc kệ mưa
Như núi đứng ngang nhiên
Mặc dù gió
Xe lửa khi chạy khi bay
Có cánh có chân
Như chim hồng chim nhạn

Chuyến xe có lúc bước qua bình nguyên
Quê hương ta đó em
Cỏ cây xanh tốt
Chuyến xe có ngày chạy qua núi non
Quê hương ta đó em
Núi đá già cỗi

Trong chiêm bao
Em nghe tiếng hát tiếng reo vui
Đó là bình nguyên rực rỡ
Em thấy chói sáng mặt trời
Đó là tuổi trẻ vô cùng
Đó là quê hương vô cùng bát ngát

Chiều nay ngồi làm thơ cho em
Chuyến xe vẫn còn chạy
Bạn bè vẫn còn đi
Chỗ kế bên ống khói chiếc máy in vẫn còn đứng
Ở trong mỗi toa những tờ bản thảo vẫn đầy tay
Không chừng chuyến xe đã tới chân trời
Không chừng anh em đã ngồi bên cửa biển
Cửa biển,em biết không
Chỗ dòng sông hẹn hò mặt biển
Sông có chỗ đã lẫn lộn từng mảng nước mặn
Như ngày tháng lẫn lộn sự sống và sự chết
Có tình yêu và cơn phụ rẫy
Có hy vọng và thống khổ
Có thần thánh có thợ thuyền
Có báo chí như tỉnh như say
Như thơ hiện ra
Như đời hiện ra
Có khói có sương
Có thiên đàng và địa ngục

Anh vẫn thích đi chuyến xe
Như chuyến xe đó
Từ ngày còn trẻ
Em đã giận rỗi
Đã khóc
Đã thề thốt đoạn tuyệt
Đã xếp quần áo vào rương
Đã bỏ nhà ra đi

Này em
Anh vẫn đi chuyến xe đó
Chuyến xe có bằng hữu
Có văn nghệ
Có thơ
Thơ ngất ngư
Như anh
Như quần áo xếp vào rương
Hãy khóc
Hãy giận rỗi
Hãy thề thốt đoạn tuyệt
Hãy bỏ nhà ra đi
Như tình yêu thức dậy

Chuyến xe đầy nhóc những người
Anh là đứa lãng mạn
Anh thích xương thịt
Thích hơi thở
Thích cầm tay
Thích tóc
Thích vai
Thích tim đập
Thích mặt người
Làm sao anh nằm ngửa trong lâu đài kia
Làm sao anh ôm trong tay những khuôn mặt bằng chất dẻo
Khuôn mặt vênh váo lố bịch đê tiện
Khuôn mặt khi thẳng khi cong
Khuôn mặt đội trên đạp dưới
Khuôn mặt vô luân cất lời đạo đức

Ôi bọn quái đản
Khi đọc diễn văn
Khi đi máy bay
Khi đóng dấu
Khi ký tên
Khi chuột khi dơi
Khi trổ móng hung hăng
Khi rắn cuộn tròn gian xảo

Anh thích chuyến xe đầy nhóc người
Anh thích nhiều thứ
Tỷ như ái tình
Tỷ như rượu
Ôi rượu
Chắc rồi
Giống như chữ in
Giống như bản vỗ
Dù những ngày tháng như lúc này
Những ngày tháng viết văn thật khó
Những ngày tháng làm báo thật khó
Những ngày tháng làm người thật khó

Anh đang kể chuyện tạp chí Trình Bầy cho em nghe đó
tờ báo,tính đến nay,ra được ba mươi sáu số
Ba mươi sáu lần sắp chữ
Ba mươi sáu lần vỗ bản
Ba mươi sáu lần sửa bài
Ba mươi sáu lần Thế Nguyên chạy tiền trả thợ
Ba mươi saú lần những thằng viết bài tự tay đóng báo
Ba mươi sáu lần những thằng viết báo tự tay phát hành
Ba mươi sáu lần
Những thằng phát hành
Trở về nhà
Chờ đợi
Tịch thu

Em đừng buồn
Đừng thương xót
Đất nước ta có gì không bị tịch thu
Em nghĩ coi
Này gạo này sữa
Này đêm này ngày
Này giờ giới nghiêm
Này khu quân sự
Này tuổi trẻ
Này tình yêu
Này động viên
Này kiểm duyệt
Đời sống còn bị tịch thu
Huống hồ trí óc

Em đừng buồn
Đừng thương xót
Đừng xúc động
Mọi sự xúc động lúc náy đều thừa thải
Em hãy thay quần áo
Hãy nằm lên giường
Hãy ngủ
Anh sẽ trở về từ chuyến xe đó
Sẽ nghiêng đầu
Với khói
Với than
Với mồ hôi có vị mặn của muối
Hôn lên môi em
Em thấy không
Chuyến xe lửa vẫn chạy rất đều
Qua bình nguyên
Qua cửa biển
Chuyến xe vẫn chạy rất đều
Anh vẫn hôn em
Rất nhẹ
(Trình Bầy Xuân Nhâm Tý,số 36 ,1972)


THƯ CHO BẠN

Bây giờ mày ở trong tù
Đêm nằm muỗi cắn nhớ nhà không con
Chúng nó nói chuyện văn chương
Tao nghe nóng mặt cởi quần nhìn sông
Sài Gòn trông vẫn mịt mùng
Làm thơ tao thấy trong lòng xót xa
Sài Gòn chưa hết mùa mưa
Ở nhà tao vẫn nhớ nhà mỗi đêm

Không nói tao sợ mày phiền
Nói ra,với rượu,tao buồn gấp hai
Em mày đi lấy chồng rồi
Gặp tao ngoài phố ngậm ngùi nhìn nhau
Tao nhìn tao thấy mày đau
Nó nhìn nó thấy trong tau có mày
Mẹ già phơ phất lá bay
Những ngày về phép thay mày tao thăm
Tao đi lính được bốn năm
Mày nghe chuyện lính tưởng rằng tao gân
Tưởng tao trấn thủ lưu đồn
Một tay cờ kiếm anh hùng chí cao
Bốn năm Đỗ Phủ nằm khoèo
Rượu say thơ cũng mệt nhoài tứ chi
Mười phương vẫn một bọn hề
Những thằng lưng điếu vác cờ chạy quanh
Tao nhìn chẳng thiết nói năng
Miệng cười nước mắt lưng tròng gió đưa
Mày nghe lũ hạc tới chưa
Tao đi sao đã tà tà cánh bay
Trong tù mày có thấy mây
Thấy tao đứng đó những ngày gió đông
Sao tao thấy có thấy không
Thấy tao trùng điệp bão bùng biển khơi

Nhìn tao tao thấy rồi đời
Nhìn mày tao cất tiếng cười như điên
Một đời, đành vậy,nghe con
Ngựa hay mày khổ thôi đừng nói chi
Vợ chê xương thịt tao già
Tù ra nếu thấy tao đi mất rồi
Uống xong ngửa mặt lên trời
Hai vai ngất ngưỡng là mày có tao

( Trình Bầy , số 2 ,1970)
-----------------------------------------------------

NHỮNG BÀI THƠ CUỐI CÙNG CỦA NGUYÊN SA (Trích)
TUY HÒA
...
Có thể do sự tình cờ hữu duyên, những bài thơ phổ nhạc của Nguyên Sa lan tỏa rất nhanh vào đời sống, và cho đến tận hôm nay, nhắc Nguyên Sa là người ta nghe vang lên trên môi Anh vẫn nhớ em ngồi đây tóc ngắn. Mà mùa thu dài lắm ở chung quanh (Áo lụa Hà Đông), hoặc Áo nàng vàng tôi về yêu hoa cúc. Áo nàng xanh tôi mến lá sân trường (Tuổi mười ba); hoặc Vẫn hỏi lòng mình là hương cốm. Chả biết tay ai làm lá sen (Paris có gì lạ không em) và Hãy biến cuộc đời thành những tối tân hôn. Nếu em sợ thời gian dài vô tận (Tháng sáu trời mưa).
Những bài thơ được phổ nhạc ấy cứ bồng bềnh từ thế hệ này sang thế hệ kia, khiến nhiều bài thơ khác của Nguyên Sa ít nhiều bị che khuất, kể cả những câu thơ độc đáo miêu tả chiếc áo dài dân tộc Có phải em mang trên áo bay. Hai phần gió thổi, một phần mây. Hay là em gói mây trong áo. Rồi thở cho làn áo trắng bay. Tuy nhiên, nếu đọc thơ Nguyên Sa viết sau năm 1975 ở hải ngoại, vẫn nhận ra nét hào hoa riêng biệt. Trong tập Hoa sen và hoa đào được sáng tác khoảng thời gian 1982-1988, có những câu thơ mang đậm phong cách Nguyên Sa như Anh nhớ em ngồi áo trắng thon. Ngàn năm còn mãi lúc gần quen. Em gầy như liễu trong thơ cổ. Anh bỏ trường thi lúc Thịnh Đường hay Phương Đông vào chỗ hồng lên má. Chiều xuống lưng chừng mái tóc thưa.
Nguyên Sa từng xuất bản cuốn sách biên khảo triết học Descartes nhìn từ phương Đông, nhưng trả lời phỏng vấn của nhà văn Vũ Bằng vào năm 1972, thì ông vẫn khẳng định: "Nói triết lý sa sả, e rằng sẽ là người tự kiêu. Nhất là trong thơ, càng nhiều triết lý càng mất tính cách của thơ. Theo tôi, thực chất của thơ là cái linh hồn, là sự sống của những chữ ta dùng".
Suy nghiệm đó được Nguyên Sa thể hiện rất rõ trong những bài lục bát. Thơ Việt Nam đã từng tự hào về lục bát Nguyễn Du, lục bát Nguyễn Bính, lục bát Huy Cận thì có lẽ những ai yêu thể thơ truyền thống cũng cần lưu ý lục bát Nguyên Sa. Sáu chữ và tám chữ được Nguyên Sa vận hành khá tự nhiên và nhịp nhàng đến mức phẩm chất thi ca tuôn chảy vào lòng độc giả một cách bất ngờ. Khi gặp Mây hồng bâng khuâng Những chiều sương kín đầu non. Hỏi nhau nhè nhẹ sao buồn chi em, khi muốn Tháo gỡ giăng mắc ngậm ngùi Ta nằm tháo gỡ cơn mưa. Cầu vồng tràn núi cũng vừa bắc ngang. Trong thơ ta gọi là nàng. Nói năng lẫm liệt, tình càng thâm sâu. Trời cao có núi bắc cầu. Trong ta vực thẳm cúi đầu nghe mưa, hoặc khi đăm đắm Hiu quạnh thân phận Bỏ tay vào túi buổi chiều. Lấy ra hiu quạnh với nhiều bản thân. Còn hiu quạnh chỗ mộ phần. Tấm bia màu trắng mấy lần quạnh hiu, và khi hân hoan Ngày khỏi bệnh nhận ra: Thương ghê màu áo hoa cà. Mộng mơ bật sáng trên da thịt người.



Những câu thơ mềm mại, linh hoạt và ấm áp theo suốt cả cuộc đời Nguyên Sa, và lúc đến chặng đường hoàng hôn số kiếp thi sĩ thì ông chợt ngộ Hiện tượng toàn diện để thả hồn tràn theo nghĩ suy không kịp kết nối vần điệu: Lau khô một bông hoa không phải chỉ là động tác của tay. Công việc đòi hỏi sự chú ý của thị giác, sự nhịp nhàng của hô hấp và cả sự di chuyển trong một không gian. Đối mặt với căn bệnh ung thư dạ dày hành hạ từng ngày, Nguyên Sa vẫn không rời bỏ thơ. Bài thơ Hóa học trị liệu có thể xem như một cột mốc để đánh dấu những sáng tác tạ từ nhân gian của ông.
"Tôi biết cây phong đứng ở trước cửa bệnh viện nghĩ gì?

Khi những chiếc lá phong buông tay ra

Làm thành những vòng tròn nhỏ

Những chiếc lá phong màu rượu chát rơi xuống một vị trí tên là mặt đất

Gió đưa những chiếc lá phong sang một vị trí khác cũng tên là mặt đất

Như thể vật nào cuối cùng cũng chỉ có cùng một tên"
Không thể nói khác hơn rằng, 22 bài thơ viết từ đầu năm 1998 đến lúc chia tay vĩnh viễn với Nàng thơ, đã cho hậu thế thấy được một dòng chảy khác của thơ Nguyên Sa. Những câu thơ ngổn ngang và giàu chất trí tuệ, không phải đến thình lình, mà có mạch nguồn trong thao thức Nguyên Sa. Trên giường bệnh, có lẽ hơn một lần ông ưu tư về những bài thơ mình viết đã được phổ nhạc truyền tụng khắp nơi: "Tôi đã làm xong bài thơ để phổ nhạc. Nhưng bài nhạc chưa tới. Đến khi nó tới. Bài thơ nhất định bỏ đi". Thật vậy, những bài thơ sau chót của Nguyên Sa hầu như không dành cho âm nhạc, chỉ dành cho những chột dạ.
Nguyên Sa chột dạ về Mật khẩu đời mình:
"Mỗi lần Thượng đế mở toang lồng ngực và bước vàoTôi sợ đến nín thởTôi sợ ông gọi cửa không đượcTôi sợ ông quên mật khẩuTôi sợ ông quay ra hỏiTôi sẽ không biết trả lời saoVì tôi cũng không nhớ"
Nguyên Sa chột dạ về Ký ức người vợ sắt son đi cùng ông suốt hành trình long đong duyên nợ:
"Em làm cho tà áo lượn bay màu trắng ở quê hương xưa /
trở thành màu hồngEm làm thắp lên ngọn bạch lạp vào buổi sáng /ở trong lớp học /trong những giờ khắc yêu đương"
Nguyên Sa chột dạ về những Mặt nạ chập chờn lẩn khuất
"Chiếc mặt nạ ngay sát lần da mặt, gắn vào hay tháo gỡ/
đều đòi hỏi nhiều thời gian/Làn da mặt dính vào thịt xương gắn vào hay tháo gỡ càng lâu hơn/Không thể đo được thời gian tìm kiếm những chiếc mặt nạ/Ở dưới làn da mặt dính vào thịt xương"Nguyên Sa chột dạ về Con sông ngược xuôi bất tận miền khát vọng
"Suối cạn là nghĩa trang biết thở dài của dòng sông
Sa mạc là nghĩa trang khác, nghĩa trang biết khóc của dòng sôngVật nào cũng có hai nghĩa trangMột vật bao giờ cũng có hai tênTên nó và tên ước mơ của nóNghĩa trang của nó và nghĩa trang của ước mơCó lúc tôi thích được gọi bằng tên tôiCó lúc tôi thích được gọi bằng tên ước mơ của tôiĐó là lý do tôi ký tên em khi làm thơ"
Thế nhưng, niềm riêng day dứt nhất, đau đáu nhất của Nguyên sa trong những bài thơ cuối cùng là nỗi mong ngóng thăm thẳm cố hương. Như "bài thơ" Nguyên Sa đón Tết ở Wichita Falls giữa cơ hồ run rủi: Nửa khuya nàng đánh thức tôi dậy, nói dậy đi, dậy đi, giao thừa rồi. Tôi ngồi dậy. Chúng tôi mặc quần áo mới. Chúng tôi thắp nhang. Chúng tôi ngồi uống trà với nhau, ngồi tựa lưng vào nhau, hát cho nhau nghe bằng ánh sáng của những ngày mới gặp nhau. Khi nàng quay đầu lại, tôi thấy mắt nàng đỏ hoe. Mắt nàng ngơ ngác giống như mắt con vành khuyên một mình, để định hướng, bay theo những màu vàng của một rừng mai. Dường như, Nguyên Sa không còn muốn ngắt dòng hay ngắt câu, ông cứ để cảm xúc lênh loang cho kịp nhịp điệu hối hả từ trái tim mình. Và ông nghĩ về một sự Thủy chung giản dị khi hóa thân vào tro bụi: anh chỉ xin em ném dùm anh xuống những mảnh đất đầu đời, chỗ bãi phù sa anh tắm mỗi chiều, con lộ mỗi ngày chúng mình cùng nhau đi học. Riêng với quê nhà thơ ấu, Nguyên Sa tỉ mỉ viết sáu câu chia biệt:
"Ngọn đèn chiếu xuống bức tranh

Cầm lên Hà Nội thấy đình miếu xưa

Tiễn nhau nhớ Tháng Giêng, mưa

Sông Hồng nước động bóng chưa nhập hình

Tiễn anh linh hiển u linh

Cấu vào da thịt thấy mình bỏ đi"




Vậy là Nguyên Sa đã yên nghỉ mười năm ở California. Mọi vui buồn và được mất cũng đã lắng dịu đi, đủ để những người bây giờ bình tâm phác thảo một chân dung thơ Nguyên Sa. Ông đã đến với chúng ta, đã sống với chúng ta, đã rời xa chúng ta, và đã gửi lại những câu thơ dâng hiến cả cuộc đời. Gần nửa thế kỷ miệt mài với thơ, Nguyên Sa canh cánh "luôn luôn làm sao để không giống mình, để trở thành một người khác mình, thì đó chính là cách thức, cách thế để trở thành chính mình". (Nguồn : EVĂN )

*************************************

VÀI TƯ LIỆU VỀ NHÀ THƠ NGUYÊN SA

GIÁO SƯ ĂN THỊT BÒ KHÔ, ĐÁ BÓNG VỚI HỌC TRÒ

Hình ảnh lý thú về ông Trần Bích Lan, lúc ông ở Pháp về Sàigòn 1956, dạy trường Chu Văn An, mà khi đến giờ ra chơi, giáo sư Trần Bích Lan cũng ra… chơi luôn với học trò, đá bóng với học trò, và cũng ăn thịt bò khô với học trò, đến nỗi ông hiệu trưởng xin: “Thầy Lan đừng như vậy nữa, vui lòng vào phòng giáo sư mà nghỉ ngơi, uống nước trà.”. Ông dậy Triết như người ta đi chơi, đi dạo. Dễ hiểu. Rõ ràng. Như người ta nói chuyện với nhau. Không có lòng thòng, tối mù, “dọa-dẫm-đầy-triết-lý”. Hai người dậy Triết đại học và trung học thảnh thơi nhất, có lẽ là hai ông giáo sư đều tên Lan, cựu linh mục Nguyễn Ngọc Lan và giáo sư Trần Bích Lan dễ hiểu, nhưng không kém phần sâu sắc, , nhất là ông Trần Bích Lan, nhà thơ Nguyên Sa, mà khi từ Paris về Sàigòn, ông đã mang cả một luồng thơ mới, tám chữ và tự do, cho những người yêu thơ lúc đó và cả cho đến bây giờ, sau nửa thế kỷ. Nguyên Sa được gọi là “thi sĩ của tình yêu”, lúc đó và chắc bây giờ cũng vậy.Cái ông về từ Tây ấy, chẳng Tây tí nào cả. Ði dạy học thì giờ ra chơi đá bóng, ăn thịt bò khô trước cổng trường với học trò. Ðến dự những buổi họp văn học, lúc nào áo chemise cũng bỏ ra ngoài, đi dép và đội nón ni-lông rộng vành.

KHOẢNG CÁCH

“Nguyên Sa từ Paris mang về cùng với thơ, không khí tự do mà chúng ta mong nhớ.”Trích dẫn câu nói của nhà thơ Thanh Tâm Tuyền trong nhóm “Sáng Tạo” như vậy không có nghĩa là nhà thơ Nguyên Sa không gặp khó khăn với những bạn văn của mình. Chúng ta hãy mở Hồi ký của Nguyên Sa, trang 188: “Chúng tôi không có sự gần gũi của tình bạn và cũng không có sự xa cách của đối chọi. Dù vậy, có một khoảng cách. Khoảng cách của ngộ nhận. Một trái núi hiểu lầm đã vô tình được dựng lên giữa Nguyên Sa và các bạn trong Sáng Tạo, trông thì chỉ như núi giả sơn, mà vượt qua không được. Thời kỳ cộng tác với Sáng Tạo, chỉ có sự gần gũi tình bạn đến mức với Mai Thảo.” Và như sách đã dẫn, ở trang 190, ông viết, bày tỏ: “Tôi không thích chống trả những ngộ nhận. Tôi vẫn nghĩ Albert Camus (tác giả cuốn Le Malentendu – Ngộ nhận) có lý khi nhấn mạnh ngộ nhận không phải chỉ là một kinh nghiệm của con người, ngộ nhận điều kiện nhân sinh, là yếu tính của kiếp người.”(Trong cuốn hồi ký này, nhà thơ Nguyên Sa có nhắc đến một số những nhà văn, thơ, họa sĩ trong nhóm Sáng Tạo như: Mai Thảo, Doãn Quốc Sĩ, Thanh Tâm Tuyền, Ngọc Dũng, Duy Thanh, Trần Thanh Hiệp.)

MỘT LỰC SĨ CHẠY VIỆT DÃ

Trần Bích Lan, nhà giáo. Nguyên Sa, nhà thơ, nhà báo. Sức viết của ông, từ những sách giáo khoa, cho đến thơ văn, là một sức viết của một lực sĩ chạy marathon. Ðầu năm 1960, ông chủ trương tạp chí Hiện Ðại, song song với các tạp chí Sáng Tạo, Thế Kỷ 20. Nhà báo Vũ Bằng, trong một cuộc phỏng vấn với Nguyên Sa, năm 1972, tại Sàigòn, đã viết: “Từ năm 1956, tới nay, Nguyên Sa bật hẳn lên trong thời thơ văn. Mấy cuốn sách xuất bản gần đây như “Một bông hồng cho văn nghệ”, “Descartes nhìn từ phương Ðông” và nhất là Thơ Nguyên Sa tái bản tới năm lần, cùng nhiều bài đăng trên các báo chí như “Ðất Nước”, “Văn Học”, “Hiện Ðại”, “Quần Chúng” đã dành cho anh một địa vị cao trong làng nghệ thuật.”
Người Ghi Chép (
Nguồn Việt Weekly )









Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét