Chủ Nhật, 3 tháng 1, 2016

CỘT ĐÈN HUẾ - TRẦN BẢO ĐỊNH

cà khịa chuyện đời đầu năm 2016

CỘT ĐÈN HUẾ
Gửi nhà báo nguyễn Đức Tô

 Cột đèn ngã giữa Phan Bội Châu, Huế.
do cựu nhà báo Nguyễn Đức Tố cung cấp
.

Sài Gòn.
Một sớm mai, trời không đẹp lắm. Nhà báo Nguyễn Đức Tố lấy ngón tay trỏ mỗ lên phím iPhone, nhắn tin tui và Nhà thơ Phan Cát Tường đi uống cà phê. Tường nói nhỏ với tui, Tố chém vè trốn vợ. Tui ngạc nhiên, hỏi tại sao?Tường rằng, Nhà báo Tố và vợ ký giao kèo:Hễ chủ nhật, Tố được mần nhiệm vụ Trưởng Bếp. Tui à lên một tiếng, bầy chim đậu trên hàng cây trước chùa Linh Bửu vụt bay tứ tán, nghe một cái rần!
ĐứcTố từ Huế vô lại Sài Gòn được mấy hôm. Cát Tường chiêu ngụm trà buổi tinh mơ, hỏi:
- Huế ta, có chi lạ?
- Lạ, cái cột đèn!
Đức Tố xẵng giọng. Tui chẳng biết ất giáp, chẳng biết hai cha nội nầy nói bạch văn hay hắc văn?Có điều, tui chỉ tin Nhà báo Tố chính gốc Huế, áng chừng trên bảy mươi phần trăm lẻ nửa. Sở dĩ tui đánh giá như vậy, là dựa vào lý lịch trích ngang thời Đức Tố mần trí vận, do mấy tay tổ ''Ngày ký giả ăn mày'' tại Đô Thành Sài Gòn trước 75. Cứ theo gia phả, nội tổ Tố người Kinh Bắc, làm quan đời Hậu Lê, di dân và dắt tù vào Phú Xuân mở đất.
- Nầy, cha nội! Nói thì, nói toạc móng heo. Nói dai, nói dài, nói nín thở...nói dở. Nói như, dân miền Tây Nam Bộ, xé áo cái tẹt, lộ mẹ cái cần coi cho rõ. Úp mở, chịu đời sao thấu?
Có người anh em ngồi nghe, tức cái mình, cáu lên.
Xin thưa, tui phải nói vòng vo Tam Quốc là cốt câu giờ, bởi chuyện cột đèn Huế thuộc về chuyện thâm căn cố đế. Vả lại, hồi Tướng Tô Ký còn sinh thời, ông thường gọi báo là nhựt trình. Dân xích lô, xe kéo ở Sài Gòn, gọi dân mần nhựt trình là Phóng viên mà, theo họ:Phóng viên là Nhà báo mà, ‘’Nhà báo nói láo ăn tiền’’!?Thiệt tình, chẳng biết đúng sai nhưng, miệng đời cứ lai rai nói vậy và dễ gì mòn nhanh từ bia miệng?
*
Nói cột đèn Huế, không nói một tí gì đến sông Hương, núi Ngự thì, chẳng là Huế. Và, người Huế trầm mặc trong cái cộng hưởng thiên nhiên của trời đất. Kẻ thiếu tấm chơn tình sẽ mù mờ về Huế, rồi ăn nói bậy bạ khiếm nhã dẫu là vua quan.
- Hương Bình dính dáng chi tới cột đèn?Chuyện nọ xọ chuyện kia, hỡi ông nhà báo?
Cát Tường vừa hỏi vừa hút thuốc. Đức Tố tỉnh bơ như ‘’người Hà Nội’’-tỉnh bơ chớ không phớt tỉnh Ăng-lê-
Đức Tố nói tiếp:
- Hồi học cuối năm Đệ nhất cấp, thầy Trần Trọng San có nói về núi Ngự Bình. Đại thể, rằng Đại Nam nhất thống chí, ghi: ''Ở phía đông bắc Hương Thủy, nổi vọt lên một quãng đất bằng như bức bình phong, làm lớp áo thứ nhất trước kinh thành, tục gọi Bằng Sơn. Đời Gia Long đặt cho tên hiện nay (Ngự Bình), đỉnh núi bằng phẳng, nơi nơi trồng thông''.
Đức Tố nhâm nhi cà phê, ngưng giọng, không nói tiếp, tui nóng ruột định có ý kiến ý cò. Chưa kịp khai khẩu, Đức Tố nói:
- Vạn vật chúng sinh trong cõi trần ai đều có dính nhau, người có chữ gọi là tương tác. Đừng nghĩ cột đèn Huế chẳng ăn nhập gì với sông Hương núi Ngự. Có đấy! Đừng nghĩ phương ngữ Huế không dính dáng tới tiếng Chăm. Mọi hiện tượng vật chất đều mang cái chiều sâu vốn riêng nó: Như Ngự Bình.
- Ngự Bình thì sao? Cái ông Nhà báo nầy, đúng là lắm chuyện trên trời dưới đất.
- Nghe cái đã, ý nghĩ và lời nói khác mình đâu hẳn bạn chống mình, thù mình. Cát Tường ném đá hơi sớm.
Rồi, Đức Tố giải lý: Trong hệ thống Thái Cực có Ngự Bình. Vương triều nhà Nguyễn bắt Ngự Bình bảo vệ ngai vàng vĩnh cửu, là tài sản riêng của dòng tộc. Trong khi, dân Huế coi Bằng Sơn là tài sản của núi sông Đại Việt. Vì thế, dù Phu Văn Lâu xây 2 tầng, tượng trưng âm dương (Lưỡng nghi); Kỳ đài 3 cấp, biểu tượng Thiên-Địa-Nhân (Tam Tài), 5 cửa Ngọ Môn ứng với Kim-Mộc-Thủy-Hỏa-Thổ (Ngũ Hành)...cũng không giữ nổi ngai vàng triều Nguyễn trước sự chuyển dịch của cơ trời, trước sự bức bối lòng người. Và, điều tất yếu phải đến, đã đến: 2 giờ 30 phút chiều 24.8.1945, Hoàng Đế Bảo Đại điện cho Chính phủ lâm thời xin thoái vị. Sau đó, tại lễ thoái vị, Người nói:''Trẫm muốn được làm Dân một nước tự do, hơn làm Vua một nước bị trị''.
Thời đó, như thế đó! Chiều Huế, một buổi chiều trước cửa Ngọ Môn tuyệt đẹp và cao thượng! Tới đây, Cát Tường và tui hiểu ra phần nào vế cái cột đèn Huế. Tay nhà báo họ Nguyễn chẳng là tay mơ, cách dẫn chuyện không thua gì dắt kịch.
Cát Tường rót nước trà mời nhà báo.
- Ngự Bình là vậy, Sông Hương thời sao?
Đức Tố cười tủm tỉm.
- Nếu Ngự Bình thuộc về vua quan thì, sông Hương thuộc về dân. Vì vậy, sông Hương chảy qua địa phận nào, mang luôn tên địa phận đó. Kẻ nào, làm xấu sông Hương, kẻ đó có tội với dân Huế.
Trầm ngâm một lúc khá lâu, nhà báo buông tiếng thở dài:
- Nếu tinh ý, ta sẽ thấy dân Huế nhắc nhiều về con sông Hương mà, ít khi nhắc nhớ núi Ngự Bình. Bởi, cái gì thuộc về họ thì họ nhắc nhớ; còn thuộc về vua chúa, quan lại thì, họ dại chi mà nhắc nhớ! Nhưng, phải khẳng định rằng: Kẻ Huế nào làm xấu con sông Hương, kẻ đó đã bóp chết tâm hồn Huế trong trái tim của chính mình!Họ có thể Thừa Thiên, không là Huế!
Hớp ngụm trà Hương Lài, Đức Tố bảo:
- Không phải ngẫu nhiên trời đất tặng dân Huế ''Song kiếm hợp bích'' Hương Bình và Sông Hương! Việc sông Hương, xin nhường lại Tổng biên tập và Ban biên tập Tạp chí Sông Hương, một tạp chí có tuổi đời 70 năm đáng phục và kính nễ. Núi Ngự, âu phải cầu đến chư vị ‘’Sư phụ’’Huế học uyên thâm…Chẳng hạn, nhà Huế học Nguyễn Đắc Xuân.
*
Nhà máy đèn Huế được Pháp thành lập năm 1920, do La-Gơ-Răng làm Giám Đốc. Buổi chiều định mệnh vua thứ 13 triều Nguyễn, khi quân Nhật còn chiếm đóng một số đồn trong nội thành, công nhân Nhà máy đèn Huế cùng một số lính áo đỏ Nam Triều (chuyên canh gác các cửa ra vào thành), xỏ đòn khiên trụ điện sắt (loái quý hiếm thời bấy giờ) đến trồng xuống ngã 3 Trần Hưng Đạo - Gia Long (Phan Bội Châu) để thắp sáng Kinh thành và làm rực rỡ sông Hương. Triều đại năm thứ 143 nhà Nguyễn , rụng như chiếc lá vàng thu Huế.
Cột đèn mang những bóng đèn tròn vàng nhạt bể dâu theo dân Huế. Những thắng lợi vẽ vang, những tang thương mất mát, cột đèn là chứng nhân. Bom đạn và cái ác của con người vẫn không đánh gục đổ nổi cái trụ đèn nhỏ bé, trơ vơ ấy!
Có cụ 90 tuổi ở Phường Trường An, TP Huế nói với tui: Người ta có thể nghĩ đến xây dựng những tượng đài nghìn tỉ, những công trình thế kỷ khắc dấu tên mình, nhưng ít ai để ý quan tâm tới cái cột đèn đứng từ buổi chiều cờ Quẻ Ly kéo xuống trước mặt Ngự Bình thúc thủ, tính ra ngót nghét cũng 70 năm bằng tuổi với Tạp chí Sông Hương. Thói thường, người đời chuộng phần xác mà bỏ phần hồn, lo chưng diện mặt mày thân thể mà, quên giữ tâm an lạc. Hoa có sắc không hương thì, hoa ấy bướm ong cũng chê chớ nói chi thiên hạ ngó ngàng tới.
Nhà báo Nguyễn Đức Tố, nói: Hồi 1952, Tố tóc còn để chỏm mỗi lần chạy lon xon theo mạ ra nhà o Năm mang nhãn hiệu Tiệm vàng An Phú số 47 Gia Long, sau đổi 49 Phan Bội Châu đã thấy ''Ông cột đèn'' đứng chình ình, rất oai phong tại ngã giữa. Mặt cột đèn ngó Hàng Bè, lân la dựa sông Gia Hôi chui qua cầu Gia Hội đổ về sông Hương, vỗ trụ cầu Trường Tiền và nghe tiếng xe trên đường Trần Hưng Đạo. Hồi đó, cả nhà Đức Tố và nhiều người thân, muốn sắm cái xe đạp đều sắm ở Tiệm xe đạp Thanh Tâm do ba của Trịnh Công Sơn mần chủ. Tiệm nằm trên đường Phan Bội Châu gần rạp Việt Nam Phim. Người mua xe đạp không quan tâm đến anh Sơn vì, có ai biết anh Sơn là cái anh nào?Vả lại, anh Sơn thích để tóc dài, áo quần thiếu tươm tất khi ra đường, một điều khó chịu với phong cách Huế thời đó. Còn nếu nói anh Sơn nhạc sĩ thì, xin lỗi chưa phải!Ướt Mi, có thấy anh ấy ''mi ướt'' đâu; nói chi đến ''Diễm xưa''...trên tầng tháp cổ...những bước chim di...và, cái ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau...!? Có điều, những đêm trăng vằng vặc sáng kinh thành, người chung dải phố Phan Bội Châu thường nghe Sơn đàn và hát nơi cột đèn. Phải nói Sơn đam mê nhạc hơn cả sự đam mê của người nghệ sĩ. Huế nhập hồn Sơn mang tình yêu đất nước và, đời Sơn trôi giạt về phương Nam khi bạn bè lần lượt nhảy núi...Trong đó, có Hoàng Phủ Ngọc Tường!
Đức Tố nhớ, người mua xe đạp ở tiệm Thanh Tâm vì ông chủ tiệm tử tế, giá phải chăng, nếu người sắm xe khó khăn, ông chủ cũng có thể gia giảm, bớt tiền chút ít.Giữa tiệm vàng An Phú và tiệm xe đạp Thanh Tâm có mối thân giao. Đức Tố không dám gọi ''tâm giao''bởi sợ miệng đời sủa: Dựa hơi anh Sơn, bắt quàng làm họ. Nhiều khi, nghe kẻ bá vơ bá láp tự xưng ''bạn nhạc sĩ Trịnh Công Sơn''chen vào ghi sổ tang, tiễn đưa linh cửu chụp ảnh để lấy số má...nhiều người Huế ''đúng chất Huế'' ngửi mùi muốn mửa. Có anh bạo miệng, rằng Tết Mậu thân 68, thấy Trịnh Công Sơn đang ngồi vừa sáng tác, vừa đàn và ...''Hát trên những xác người…''Nói như thiệt, người nghe có cảm giác đang coi phim! Có lẽ, một trong hai nhà văn Ng.Ng. và PNTcó tầm cỡ trước 75, đủ tư cách xác định chuyện nầy sai đúng.
Việc đời, nhiều lúc ‘’vàng thau lẫn lộn’’là vậy!
*
Trong tâm thức của Tô, nói đến Huế là, Tố nhớ ngay cái cột đèn. Một cái cột đèn trung tâm Tp. Huế thời đó!
Sông Hương có sự mê diệu của thiên nhiên thì, cột đèn có sự sáng Thái Cực nhằm soi đường, mở lối cho Huế trong đêm dài tăm tối. Biết đâu, cái cột đèn bề ngoài tầm thường ấy, chính là cái diệu cơ của càn khôn thế vào chỗ phong thủy Ngự Bình? Vì thế, có thể nói mà không sợ lỡ đà: Bất chấp chiến tranh, thời thương phế binh, thời hỗn quân hỗn quan trước 75, đến Bình Trị Thiên, Thừa Thiên Huế...với ngần ấy quy hoạch phát triển, giải phóng mặt bằng, mở rộng đường...cột đèn ngã giữa Trần Hưng Đạo-Phan Bội Châu (cũ)vẫn ''thi gan cùng tuế nguyệt!''. Cột đèn, biết đâu đó là món quà linh khí của núi sông, tặng người con Huế vượt qua ‘’tâm viên ý mã’’?
Cột đèn đem ánh sáng phẩm giá, rọi tâm hồn mỗi đứa con Huế dù đang ở quê nhà hay ở quê người đất khách. Huế có cốt cách Huế. Thói thường nhịn nhục. Huế nhịn nhưng, không chịu nhục. Và, Huế là Huế. Huế không có chỗ cho những kẻ mạo danh mình làm những việc trái ngược lương tri Huế. Trong sử sách hoặc, những câu chuyện đời thường đầy rẩy tấm gương và hành động để chứng minh điều đó. Một người con gái Huế nghèo khó, đi làm thuê bưng bê và hầu bàn, dám xáng vào mặt tên đại quan Huế cái tát tay nhân cách. Há chẳng xứng Huế trong Huế sao?
Xin thưa bạn:Dẫu người có lòng thay dạ đổi, cột đèn Huế 1945 vẫn còn đó với núi Ngự, sông Hương!
Và, cũng xin bạn nhớ cho rằng, cà khịa chuyện đời của người miệt ruộng Nam Kỳ cốt mua tiếng cười lúc đầu tắt mặt tối trên đồng. Tuyệt nhiên, không chứa nội hàm, ngoại hàm chi cả!
TRẦN BẢO ĐỊNH
Sài Gòn, tháng 8.2015.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét