Thứ Bảy, 2 tháng 3, 2013

MẶT TIỀN NGHỆ THUẬT - VỎ CHÂN CỮU


Kỳ III
         Về đi thôi ?  
(Bài 2)

Đọc được bài thơ hay, như trời đang nắng hạn bỗng hiện một cơn mưa !
Mỗi sáng, nàng đi tưới hoa thật sớm ngay khi vừa thức dậy. Mùa khô cao nguyên năm nay kéo dài từ trong tháng chạp, nhưng cây cỏ vẫn có linh hồn. Những nhành vũ nữ đã đùa cánh bung ra đón nắng dưới vuông giếng trời. Có những loài cây gắn bó riêng với mỗi người như sứ mệnh.
Giữa tháng 10 năm qua, rời góc phố Bolsa (Nam California) xuôi miền viễn tây, dừng chân lại nhà bạn tôi ở ngoại thành Phoenic, tôi đã hưởng được cơn mưa đầu tiên giữa ngày oi bức.

Võ Chân Cửu

Xương rồng Arizona
                                  
Bạn tôi năm “học tập”
Hàm Tân truông cát dài
Trái xương rồng tươm mật
Lùa tay rứt vội, nhai

Tới ngày bạn ra trại
Tình cờ nơi phố đông
Anh giả vờ che mặt
Không muốn chào người thân

Ở thời buổi đảo điên
Có người giả giọng Bắc
Tôi nhắc bài thơ xưa
“Đầu gai như muốn khóc”

Giọng tôi thường quê rặt
Đâu nào ai trách ai
Giữa dòng đời chia cắt
Hiểu thêm mùi đắng cay

Rồi bạn đi xa xứ
Chọn đất hoa xương rồng
Viết nên bài ca nguyện
Tôi mơ ngày ghé thăm

Thì  Saguaro
Xương rồng đeo dính bạn
Như nghìn năm trôi qua
Chờ nhau trong một sáng

Nhớ lại nhành hoa xưa
Hãy cùng nhau  uống cạn

Năm 2012 thành phố Phoenix vừa kỷ niệm ngày 100 năm thành lập. Không như California, người Việt ở bang Arizona  rất thưa thớt, lại sinh sống cách biệt nhau trong những thị tứ mới hình thành trên các vùng hoang mạc. Bạn tôi, nhà thơ  Nguyễn Thanh Châu đã chọn định cư nơi miền oi bức này. Đi làm, lấy vợ rồi mua nhà. Sau giờ ở sở làm, cuộc sống anh gắn với những chồng sách vở, các tạp chí cũ, mới mà anh thu nhặt được. Cũng từ miền xa vắng này, anh đã liên lạc và phụ sức cùng anh Trần Hoài Thư (ở tận New Jersey-miền đông bắc nước Mỹ) để sưu tập và in ấn, phát hành một số đầu sách trong Thư Ấn quán.
Một thời oan khốc
Tôi gặp Nguyễn Thanh Châu từ năm 1970. Anh vốn là dân “con nhà giàu”, nhưng lại bước chân vào văn chương, đã xem đời như giấc mộng. Năm 1972 anh rời trường vì phải động viên nhập ngũ; từ năm 1975-1980  phải đi “cải tạo” qua các trại học tập. Những bài thơ anh làm khi đã sang Mỹ định cư dù có mang dấu ấn những ngày lao khổ, nhưng hồn thơ vẫn như  những bài đầu tay đã đăng trên Tập san Tư Tưởng của Viện Đại học Vạn Hạnh:
ca  nguyện. gửi cây xương rồng trong gió
đêm. đêm tĩnh lặng
tôi cất lời ca nguyện
như gió. lang thang qua những hàng saguaro
trần trụi. với cánh tay bị đóng đinh trong gió
vẫn cháy bỏng. bởi mùa hè sa mạc
chỉ nơi đây, da diết chỉ mùa hè
trắng rộ, những nụ hoa bất tận
mười năm. tôi đốt lửa lòng tôi
bập bùng những mảnh vụn ký ức
một thời oan khốc
….
đêm. đêm tĩnh lặng
tôi cất lời ca nguyện
theo gió. cuộc viễn du không đích cuối cùng
này em có biết. mê lộ nào lẫn khuất
những ốc đảo hồi sinh
hồn cựu kinh rập rờn cánh hạc
về đi thôi. nhưng về đâu kiếp hư
trời xa. thổi tàn rụng
đêm. giọt máu khô tượng hình những đồi trọc. xương rồng. xây xát gió
dầu dãi thiên thu
xế đời như  xóa cơn hôn thụy
nhã nhạc còn nghe. lòng thuở nào…
                                                                                (2004)
Tựa đề bài thơ được anh chọn làm tên cho tập thơ đầu tay do Thư Ấn quán xuất bản năm 2009.
Nguyễn Thanh Châu ít giao thiệp nhưng đã đọc và có hầu hết các sách văn học của người Việt Nam ở Mỹ. Anh không quan tâm lắm về sự phân chia các trường phái. Thơ anh rất tự nhiên theo cảm xúc vốn có. Hình thức thể hiện còn dáng dấp cổ điển của thể thơ phong, nhưng trong lối ngắt câu đã pha nét “tân hình thức”. Tựa đề, câu mở đầu bài hay đầu khổ, sau dấu chấm (.) hay đã xuống hàng, đều không hề được viết hoa.  Anh không quá chú trọng  vào chỗ chấm câu hay cho khoảng cách giữa các từ như các nhà thơ các. Mạch thơ đi liền, không lệ thuộc nhiều vào hình thức biểu hiện. Chữ nghĩa chỉ là phương tiện cho cảm xúc.
          Một nhà thơ nhiều tuổi hơn, ông Trần Vấn Lệ hình như chú trọng hơn đến việc phân bài thơ theo từng khổ 4 câu, chữ mở đầu một đoạn lục bát lại được cẩn thận viết hoa:
Trần Vấn Lệ
Khi tới Mỹ
Cái gì làm tôi bâng khuâng ?
làn mây buổi sớm hay vầng trăng khuya ?
tới đây lỡ chuyến đi về
nửa vòng trái đất sầu tê điếng người !

Ngó lên trời vẫn là trời
mà sao nước mắt lại rơi xuống lòng ?
đâu rồi hỡi biển hỡi sông
những cây liễu rũ chiều đông quê nhà !

Quê người lắng bụi đường xa
thấy trong đáy mắt ánh tà huy soi…
uống ly bia bỗng ngậm ngùi
môi cay lưỡi đắng biết rồi hợp tan !

Tới đây nuốt lệ ngỡ ngàng
người quen kẻ lạ rộn ràng ngựa xe
tại sao con mắt cay sè ?
mà bàn tay ấm như kề cố nhân

Cái gì làm tôi bâng khuâng ?
làn mây buổi sớm hay vầng trăng khuya ?
tới đây thở đứt  hơi lìa
Quê Hương đâu nữa để kề môi hôn ?
                                  (Trích từ  Mây khói quê nhà, thơ nhiều tác giả do Nguyễn  
                                       Dương Quang tập hợp, xuất bản tại Việt Nam 11-2012)
Trên đây là 2 bài thơ hay của hai nhà thơ ly hương đang  mang tâm trạng “Về đi thôi” Người đọc tinh ý sẽ nhận ra rằng cảm xúc thật sẽ tạo nên cái hay, cái đẹp trong thơ.
Ta viết cho ta đọc ?
“tới đây lỡ chuyến đi về-nửa vòng trái đất sầu tê điếng người” . Nếu Trần Vấn Lệ khi phải đi khỏi quê hương, “uống ly bia bỗng ngậm ngùi”, thì ở trong nước, Hồ Ngạc Ngữ  lại diễn tả nỗi cô đơn đau xé lòng khi uống rượu:
Hồ Ngạc Ngữ
Uống rượu ở Bà Rịa
Giang hồ hào kiệt quanh bàn rượu
Uống đế Hòa Long chợt đắng lòng
Núi có sông cùng tên chồng vợ
Ta xa người, người nhớ ta không ?

Còn nhớ cái hồi lên Thị Vải
Chặt củi khô về đổi gạo đồng
Đọc sách thánh hiền nhờ rau dại
Câu kinh buồn tụng với mênh mông

Bây giờ vuốt mặt làm kẻ chợ
Tình bằng như có cũng như không
Câu thơ ta viết cho ta đọc
Tri âm còn một bóng trăng trong

A ha ! Trời đất đi không mỏi
Sao ta đi chỉ biết đi vòng
Nhếch môi mép nói lời gian dối
Tung bạc tiền dụ đám mỹ nhân

Ta ư ! Không phải là ta nữa
Kẻ sĩ ngày xưa đã đổi lòng
Thôi hãy uống quên đời đốn mạt
Rượu là bằng hữu tự vô chung !

Bài thơ này mới được Hồ Ngạc Ngữ công bố vào đầu năm mới 2013. Những người quen biết anh đều rất ngạc nhiên là người không hay rượu như ông lại làm nên bài thơ khá hay về rượu. Phải chăng số mệnh của các nhà thơ thường cô độc,  khi nhìn thấy “Kẻ sĩ ngày xưa đã đổi lòng” ?
                                                                                                        (Còn tiếp)



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét