Chủ Nhật, 28 tháng 3, 2010

LÝ ĐỢI - PHÁN XÉT THẾ NÀO VỚI SỢI XÍCH


PHÁN XÉT THẾ NÀO VỚI SỢI XÍCH ?

Hơn tuần qua, giông tố đã xảy đến với Sợi xích (NXB Hội Nhà văn và You Books liên kết) của Lê Kiều Như, tác phẩm đầu tay.
Ban đầu cuốn sách này đã bị NXB niêm phong với lý do chưa nhận được sách lưu chiểu (Luật Xuất bản quy định 10 ngày sau khi sách nộp lưu chiểu mới được phát hành).
Dư luận (thông qua sự chụp mũ của một số tờ báo, đa phần là chưa đọc, do sách chưa phát hành) thì gán tội cho Sợi xích là… “dâm thư”, cần phải tẩy chay và lên án.
Đến nay, vì dư luận quá ồn nên các tờ báo chính thống buộc ngừng lên tiếng (ngay cả chê) vì việc này.
Quyền viết dở
Từ thực tế của giới cầm bút hiện nay cho thấy cái quyền bất khả xâm hại và gần như ai cũng thực hiện được, đó là quyền viết dở.
Ngày xưa, khi xã hội với đa phần chưa biết chữ, thì việc ai đó biết đủ chữ để cầm bút viết văn thơ, dù có viết dở, thì cũng được xã hội xem như người biết dùng chữ thánh hiền.
Ngày nay, khi mà văn chương đã kém đi nhiều phần thanh cao, vị thế của nhà văn trong xã hội bị tuột dốc thê thảm, tưởng như vậy thì phần nhà văn còn lại sẽ chỉ tập trung viết những gì hay ho, tâm huyết, nhưng không, đa phần tác phẩm in ra cũng chỉ thuộc hạng “gần sạch nước cản”.
Tuy vậy, nhưng vấn đề được đặt ra ở tình trạng vô thiên lủng này là gì?
Phải chăng với công việc cầm bút (vốn khó đoán trước được kết quả, vì ngoài tài năng, còn có cả cảm hứng và cơ may), cái đích duy nhất mà ai cũng có thể đạt đến được, đó là viết dở!
Vậy viết dở thì có tội gì không? Xin thưa rằng chẳng có tội gì cả, vì thế gian này có được mấy người viết hay.
Nếu nhìn như vậy thì tác phẩm Sợi xích (NXB Hội Nhà văn và You Books liên kết) của Lê Kiều Như cũng chẳng có tội gì cả!
Tội duy nhất của cuốn sách này, xin chưa bàn đến thi pháp và nội dung, là do một kiều nữ sexy viết.
Ở ta lâu nay vốn có định kiến rằng chân dài thường ít đọc sách, nói chi đến chuyện viết sách, tự nhiên Lê Kiều Như ra sách, nghe nói còn sắp ra phiên bản tiếng Nhật tại Nhật Bản, thì bị soi mói là đúng rồi.
Cũng từ dư luận đây đó, nghe nói sắp tới “người đẹp dao kéo” Phi Thanh Vân và “công chúa Bạch Tuyết” Trúc Diễm sẽ in mỗi người một cuốn hồi ký nóng bỏng, chắc thiên hạ sẽ được thêm mấy dịp dèm pha.
Nếu giả dụ tác giả của Sợi xích không phải là Lê Kiều Như mà là một nữ tác giả mới nào đó, chỉ đủ khả năng viết một tác phẩm hạng làng nhàng (giống với rất nhiều tác phẩm mà mấy đại diện của giới xuất bản như: NXB Văn học, Hội Nhà văn, Văn nghệ… đã in), thì chắc chắn dư luận sẽ chẳng có gì làm rầm rộ.
Câu chuyện xuất bản
Theo cá nhân tôi, cái tài tình của Lê Kiều Như trong Sợi xích là biết cách kéo dài câu chuyện, rất giống thủ pháp của phim truyền hình ở ta, dù “nồng độ” của nó chỉ xứng đáng với một truyện ngắn.
Nhà làm sách cũng đã tiếp tay với cách chọn in co chữ thưa và to để kéo dài 9 chương thành 186 trang, khổ 20x12cm (chiều cao nhân với chiều rộng).
Phần cuối sách là phụ lục 16 trang hình chân dung của Lê Kiều Như trên giấy 4 màu, do Ngô Nhật Huy và Coban chụp.
Giá bán lại chịu lỗ tiền in: 39 ngàn đồng.
Tuy nhiên chuyện ồn ào quanh cuốn sách chưa qua phát hành này lại ở cái tên của cơ quan xuất bản: NXB Hội Nhà văn.
Lâu nay người ta vẫn có suy nghĩ rằng Hội Nhà văn thì phải xuất bản cái gì đó văn vẻ và cao cấp một chút.
Thế nhưng làm sao để phân biệt một tác phẩm cao cấp và “thấp cấp” khi Việt Nam chưa có một cơ quan chuyên thẩm định làm việc hiệu quả.
Thử nhìn vào danh mục tác phẩm được in ra trong một năm, của phần lớn các NXB, thì có bao nhiêu tác phẩm không phù hợp với tiêu chí mà NXB đó đề ra, chắc chắn là không ít.
Còn chuyện in sách đúng tiêu chí mà kém chất lượng thì nhiều không kể xiết.
Riêng sách của NXB Hội Nhà văn cũng thế, nếu không phải sách của “hot girl” Lê Kiều Như thì cũng chẳng mấy khi có cái “vinh dự” được bới móc, mổ xẻ.
Việc bới móc hoàn toàn dựa vào cái tên tác giả, chứ ít khi đi vào “nội tình” tác phẩm, đây là thói quen thường thấy ở cái gọi là “dư luận”.
Bằng chứng, NXB Hội Nhà văn và các NXB khác cũng đã có những cuốn sách giá trị, chất lượng, hoặc có vấn đề thực sự, nhưng mấy khi được độc giả quan tâm, được báo giới tập trung phân tích.
Trong bối cảnh đa phần các NXB chỉ dừng lại ở việc kiểm duyệt và bán giấy phép xuất bản, mà không có ý định phân khúc thị phần, chứng minh đẳng cấp của mình, thì việc một tác giả viết văn gởi tác phẩm đến NXB Hội Nhà văn và được cấp phép, ấy cũng là chuyện bình thường.
Đó là chưa nói, trước khi Sợi xích gặp“sự việc” như hôm nay, khiến e dè, thì trong quang cảnh xuất bản ngày một nhiều đầu sách nhưng khá đìu hiu về mặt quảng bá, NXB nào cũng muốn có một tác phẩm nóng để tạo cú hích.
Sòng phẳng mà nói, dưới góc độ của Luật Xuất bản thì Sợi xích chẳng có vấn đề gì để hạn chế xuất bản cả.
NXB Hội Nhà văn khi cấp phép cho tác phẩm này đã ở thế 50-50, nghĩa là họ có dự kiến được dư luận, nếu im re thì xem như mình đã “chơi đẹp”, đã ủng hộ cho một nghệ sĩ trình diễn ra sách – một hành động thanh cao; còn nếu dư luận ồn ào thì cũng chẳng sao, vì chẳng có quy định nào bắt buộc họ chỉ được cấp phép xuất bản cho các tác phẩm hay(!?).
Nhìn rộng hơn, ngày nay sự liên kết xuất bản, tự cân bằng thu chi đã cho thấy nhiều NXB đang phải tìm cách tồn tại, hạn chế bán giấy phép cũng đồng nghĩa với làm ăn kém hiệu quả.
Phân loại độc giả
Xét về thi pháp và nội dung, Sợi xích là một tác phẩm bình thường, được viết bởi một người non tay nghề.
Việc non tay nghề này không chỉ xảy ra với trường hợp Lê Kiều Như mà còn hiện diện ở khá nhiều cây bút trẻ viết tiểu thuyết của Việt Nam, những người tự xem mình là chuyên nghiệp và được độc giả xem là đã cầm bút quen tay hơn.
Sợi xích cũng rất giống với nhiều tiểu thuyết hạng ba của Trung Quốc (do các tác giả trẻ viết trên mạng, sau đó in thành sách) mà gần đây được dịch ra tiếng Việt ồ ạt, và được xem là “hiện tượng văn học”, là sách “nóng”.
Cũng như phần lớn tiểu thuyết đang bán ngoài thị trường, thao tác cấu thành Sợi xích khá đơn giản, đó là có một câu chuyện muốn kể và đã được kể ngây ngô trên giấy; cách kể này chưa có được giọng văn, sự ẩn ý và cách dùng ngôn ngữ ở mức độ tinh tế, sắc bén.
Thông thường ở các nước phát triển, các NXB, các cơ quan truyền thông có tên tuổi thường biết từ chối và phân loại các sản phẩm, các tác phẩm không đủ đẳng cấp hoặc không phù hợp với tiêu chí của mình.
Ở Việt Nam thì thật là khó, vì từ các chuyên mục, các chương trình nhỏ đến các NXB, các cơ quan truyền thông lớn… thì đẳng cấp và tiêu chí không bao giờ được giữ vững.
Các chương trình phỏng vấn định kỳ trên các phương tiện truyền thông là dễ nhận thấy sự đánh lận này nhất; ví dụ hôm trước phỏng vấn một chuyên gia đầu ngành, có nhiều đóng góp thì hôm sau lại phỏng vấn một người mà trong giới biết tỏng là “đạo chích”, chẳng có công trình nào mà lại không dùng “thủ pháp”… đạo văn, thì đâu cần phải nói tới đẳng với cấp!
Cho nên, trước câu hỏi là phải “phán xét” thế nào với Sợi xích? Có lẽ cách trả lời dễ nghe là chẳng có gì phải phán xét cả, vì ở Việt Nam chuyện này đang diễn ra hàng ngày.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét