Thứ Năm, 25 tháng 3, 2010

VIỆT NAM HỒ SƠ HẬU CHIẾN ( KỲ 14 )


VIỆT NAM
HỒ SƠ HẬU CHIẾN

1975 - 2010
NHỮNG SỐ PHẬN KỲ LẠ
Kỳ Mười Bốn

141 - Lê Hữu Dũng
TỪ TRUNG RA BẮC VÀO NAM
Thường dân sinh 1948 tại Huế. Sống ở TPHCM (2010).
Trong biến cố Mậu Thân 1968 ở Huế, con một nhà làm kinh tài cho Cách mạng nên đi theo ra Hà Nội như một điển hình thanh niên tiến bộ ở đô thị đi theo tiếng gọi Cách mạng. Lấy vợ tại đây và được biên chế vào làm đài truyền hình, cơ quan trọng yếu của chế độ.
Sau 75 về lại Huế với đầy hào quang chiến thắng vinh quang, vẫn làm đài truyền hình. Nhắm bước phát triển cao hơn nên xin chuyển vào TPHCM tiếp tục làm đài truyền hình với tương lai rộng mở. Có máu kinh doanh gặp thời đổi mới kinh tế muốn bung ra làm ăn, vì thế bỏ đài truyền hình qua làm sếp cơ quan kinh doanh nhà nước tham gia hùn vốn đi… buôn lậu trầm. Có chuyến gặp xui bị bể sô khiến phải 2 lần ra tòa… ngồi tù!
Nhưng ra tù vẫn sống an nhàn vui chơi thoải mái đều đều như một… đại gia từng một thời Cách mạng “nổ” rầm trời.

142 - Lê Hựu Hà
NỐT NHẠC CÔ ĐƠN
Nhạc sĩ sinh 1946 tại Huế – Mất 2003 ở TPHCM (58 tuổi).
Một thủ lĩnh sáng tác của phong trào nhạc trẻ “Việt hóa” thành công ở Sài Gòn trước 75 (cùng Elvis Phương, Đức Huy, Tuấn Ngọc). Sau 75 sống khép mình trong sự quên lãng chẳng được ai đoái hoài biết tới.
Nhưng vẫn không từ bỏ sự nghiệp, chưa bao giờ xa rời niềm đam mê âm nhạc của mình bằng cách chuyển hướng từ sáng tác qua hòa âm đồng thời góp phần dẫn dắt giới nhạc sĩ trẻ. Còn viết lời Việt cho gần 100 ca khúc nước ngoài.
Cuối đời thêm nỗi buồn gia đình quay về sống lặng lẽ chiếc bóng, vợ là một ca sĩ vang bóng một thời đã chia tay sống riêng cùng con. Cho đến một ngày về nhà đóng cửa nằm một mình bị đột quỵ ra đi không lời từ giã mà mãi hơn 3 ngày sau người ta phá cửa vào mới phát hiện ra. Cái chết giống như quan niệm của mình lúc sinh thời thường nhìn nó một cách bình thản.
Có một điều lạ là nhạc trước 75 không hiểu sao lại “ứng” vào cuộc đời sau 75 ở điểm luôn có sự mâu thuẫn giữa ước mơ tươi sáng và thực tại buồn đau khi “Em không thấy hoa kia mới nở/ Trong giây phút nhưng đẹp tuyệt vời” lại “Như hạnh phúc thoáng qua mất rồi...” Nhưng vẫn “Cười lên đi em ơi/ Dù nước mắt có dâng đầy mi/ Hãy ngước mặt nhìn đời/ Vì tha nhân ta cất tiếng cười…”

143 - Lê Long
NHÀ BÁO GIANG HỒ
Nhà báo sinh 1941 tại Đà Nẵng – Mất 2007 ở TPHCM (67 tuổi).
Xuất thân từ tầng lớp dân nghèo bụi đời ở Sài Gòn đã vào khu tham gia chống Mỹ từ những năm 60 (từng là đồng chí sát cánh với Chủ tịch nước sau này) vì lý tưởng “Đòi sách vở cho trẻ em, cơm ăn cho người nghèo, bông hồng cho tình yêu/ Lý tưởng cháy trên đầu ngọn súng” (Từ Nguyên Thạch).
Sau 75 về TPHCM làm quan chức đài phát thanh một thời gian thì vì chuyện tình cảm nên mất chức trôi giạt xuống Vĩnh Long được đồng chí cũ đưa vào làm báo văn nghệ. Được một thời gian cũng lại mất việc vì bắt đầu thời đổi mới bị xem là có hơi hướng “nổi loạn” chống tệ nạn tiêu cực ở địa phương.
Quay lại TPHCM đi bán cà phê lề đường nuôi vợ con rồi được bạn chiến đấu cũ thu nhận vào làm báo tiếp “đánh” tiêu cực xã hội, “những thằng cơ hội, chúng ăn sắt thép nghìn tỉ, chúng đánh bạc triệu đô, chúng mua quan bán chức trao tay như món đồ”à. Nhưng tạm ổn định chưa bao lâu lại bỏ đi theo tiếng gọi của tình cũ cố nhân.
Khi tình yêu cũ chấm dứt chia tay, hết đường lại quay về làm báo: “Để lý tưởng kia không bao giờ tắt/ Để tình yêu trong trái tim không bị đánh mất/ Anh chấp nhận làm người công dân hạng hai/ Không chứng minh thư, không tờ khai hộ khẩu…” (TNT).
Tuy nhiên sức người có hạn, đã hết thời rồi, tuổi già sức yếu, bệnh tật nên làm hết tờ báo nhỏ hết tờ này đến tờ báo nhỏ khác khác thi nhau yểu mệnh. Cuộc đời hoạn lộ gặp nhiều trắc trở liên miên một phần vì bản tính ngang tàng thẳng thắn và phần khác do vướng chuyện tình ái quá nhiều.
Cứ thế sống dật dờ qua ngày với niềm vui bạn bè quán xá và thêm vài… mối tình qua đường tạm bợ nữa. Cuối cùng ra đi trong cảnh khốn khó, qua đời vẫn 2 bàn tay trắng …

144 - Lê Ngọc Bình
ANH HÙNG TỬ TRẬN IRAQ
Việt kiều Mỹ sinh 1984 tại VN – Mất 2004 ở Iraq (20 tuổi).

Được bố mẹ gửi đi vượt biên một mình năm 1988.
Qua Mỹ được nhận làm con nuôi. Lớn lên mong mỏi có tiền bảo lãnh cha mẹ qua nên 18 tuổi tình nguyện gia nhập quân đội Mỹ (lương cao so với lứa tuổi đó). Mang lon hạ sĩ được gửi đi chiến đấu trên chiến trường Iraq.
Đến cuối năm 2004 mới tròn 20 tuổi đã tử trận trong một nỗ lực chận đứng quân nổi loạn Iraq âm mưu đánh bom cảm tử. Được Tổng thống Mỹ J. Bush (con) truy tặng huy chương như là anh hùng đầu tiên trong cuộc chiến Iraq được tôn vinh hy sinh để bảo vệ đồng đội.
Lúc còn sống vẫn ấp ủ giấc mơ dành dụm đủ tiền để bảo lãnh cha mẹ qua song chưa thực hiện được, nay Chính phủ Mỹ đã hoàn thành tâm nguyện đó bằng cách cho cha mẹ nhập cư vô điều kiện. Và 2 ông bà đã kịp bay qua có mặt trong lễ tang được cử hành trang trọng tại Nghĩa trang quốc gia Arlington ở Thủ đô Washington.
Trước đó đã có 2 lính Mỹ gốc Việt bỏ mình trên chiến trường này (một Việt kiều trung sĩ 26 tuổi và một binh nhất Việt gốc Hoa 22 tuổi).

145 - Lê Như Khoa
LIỆT SĨ SỐNG LẠI 5 (hay TRỞ THÀNH NGƯỜI DÂN TỘC 3)
Nông dân sinh 1930 tại Hà Nam. Sống ở Gia Lai (2008).
Năm 1966 theo bộ đội vào Nam chiến đấu trên chiến trường Gia Lai, khi ra đi để lại 2 con một trai một gái sau khi đã ly hôn với vợ.
Năm 1971 được phân công về Tỉnh đội làm nhiệm vụ cấp dưỡng. Tại đây yêu một cô gái người dân tộc Jrai tên Rơma H’Choah kém mình 15 tuổi làm việc chung trong tổ và được phép cưới làm vợ.
Năm sau bị thương trong một trận địch càn vào căn cứ nên được đơn vị cho chuẩn bị về Bắc an dưỡng nhưng đúng lúc đó vợ mang thai cũng được cho về làng cũ chuẩn bị sinh nở. Không nỡ xa vợ khi đang măng nặng đẻ đau nên tự ý… bỏ đơn vị không chấp hành lệnh về Bắc để theo vợ về làng Tung Amô buôn làng của người Jrai.
Từ đó dần dần đồng hóa thành người Jrrai luôn, đổi tên họ thành Rơ Chăm Khoa người dân tộc, cũng mặc khố đeo gùi làm nương rẫy, nói tiếng Jrai còn sõi hơn tiếng Việt. Sinh được tới… 7 đứa con người dân tộc!
Nhiều lúc nhớ quê cũ nhưng không dám có ý nghĩ tìm về vì sợ mang tội đào ngũ. Vì vậy hiếm khi gặp được người Việt lên đây cũng cố tình trốn tránh ngại bị “nhận mặt” cựu bộ đội.
Mãi đến năm 2001 nhờ tình hình đổi mới chính quyền đưa người lên thôn bản khảo sát tình hình phát triển kinh tế xã hội nơi đây mới tình cờ gặp một người đồng hương (cùng huyện cũ ở Hà Nam) mới đánh bạo kể hết sự tình với mong ước được dò hỏi tin tức về 2 người con đời vợ truớc ở ngoài Bắc còn sống hay không. Mới hay vẫn còn sống, từ đó mới cầm bút viết lá thư đầu tiên gửi về quê sau 30 năm con tưởng bố đã chết rồi (năm 1975 chính quyền đã trao bằng Tổ quốc ghi công, xây Nhà Tình nghĩa cho gia đình).
Hai người con đã vào tận làng Tung Amô rước cha về quê. Nhưng chỉ về thăm thôi chứ sau đó vẫn quay lại với buôn làng dù nơi đây đời sống còn thiếu thốn thua xa thôn Đại Hưng tỉnh Hà Nam ngày nay. Vì “Với tôi, căn nhà sàn, mùi mồ hôi của bà H’Choah và những đứa con đen đúa núi rừng mới thực sự là cuộc sống của tôi.”

146 - Lê Phước Huệ
NGHI ÁN NỮ BIỆT ĐỘNG “GIẢ”
Cán bộ về hưu sinh 1938 tại miền Nam. Sống ở Bà Rịa – Vũng Tàu (2009).
Từng là nữ biệt động Sài Gòn – Gia Định được cài vào hàng ngũ địch làm nội gián hoàn thành nhiệm vụ được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến.
Đầu những năm 1990 được thừa kế ngôi nhà do người anh để lại (có di chúc đàng hoàng) nhưng bất ngờ lại bị chính quyền địa phương… sung công! Lấy lý do đương sự mạo nhận chiến sĩ biệt động có huân chương mà thực chất là… “đầu hàng theo địch”. Kiện cáo thì bị thi hành cưỡng chế nhà đất, đập phá tài sản và còn bắt giam con gái với lý do “cản trở người thi hành công vụ”.
Từ năm 1994 cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Văn phòng Quốc hội lẫn Chủ tịch tỉnh đã ra lệnh trả nhà đất nhưng vẫn… không thi hành. Năm 2001 công an vào cuộc điều tra xác nhận đúng là chiến sĩ biệt động có cống hiến và năm 2005 Phó thủ tướng chấp nhận kết quả điều tra song chuyện trả nhà cũng… như không. Thậm chí năm 2008 một Phó Chủ tịch tỉnh lại ký văn bản… không trả!
Đến giữa năm 2009 tất cả vẫn giữ y nguyên trạng. Còn đương sự thì suy sụp tinh thần nằm liệt giường từ vài năm nay rồi.

147 - Lê Phước Thúy
BẤT HẠNH BẤT CÔNG
Cán bộ giáo dục sinh 1941 tại Huế – Mất 2002 ở Huế (63 tuổi).
Tốt nghiệp đại học ở Huế ra đi dạy ở Quy Nhơn quay về Huế bỏ “lên núi” tham gia kháng chiến. Sau đó được đưa ra Bắc, nổi tiếng là một người cực tả.
Sau 1975 trở về quê hương Huế trên cương vị lãnh đạo ngành giáo dục đã có nhiều sự giúp đỡ, cảm thông với bạn bè sống trong chế độ cũ – dân “tại chỗ” -- để cùng nhau bắt tay hợp lực xây dựng xã hội mới bất chấp sự không đồng tình của nhiều đồng chí quan chức cùng thời.
Đặc biệt ngay từ thời đó đã có tầm nhìn xa chống những biểu hiện tiêu cực quan liêu chậm phát triển, có tư tưởng đổi mới rất sớm, thậm chí kề cận với quan điểm “đa nguyên”! Có lẽ phần nào cũng vì thế mà dẫn đến việc bị “đánh” mất chức, giáng chức qua làm phó ngành khác (vin vào lý do một phụ tá dân “tại chỗ” phạm tội tham nhũng).
Mang nỗi buồn chung ưu thời mẫn thế, thất vọng trước lý tưởng nhạt nhòa cộng với nỗi buồn trong đời sống riêng (người yêu cũ đi lấy chồng, vẫn sống độc thân, cháu gái bệnh chết khi còn quá trẻ…), đã đột ngột qua đời vì bệnh phổi (hút thuốc lá quá nhiều) để lại nhiều thương tiếc cho giới trí thức Huế.

148 - Lê Quang Vịnh
SUÝT VÀO NHÀ THƯƠNG ĐIÊN
Cán bộ hưu trí sinh 1936 tại Thừa Thiên – Huế. Sống ở Huế (2010).
Cha là liệt sĩ chống Pháp nên đã có máu Cách mạng từ thời còn học sinh ở Huế.
Sau đó vào Sài Gòn học đại học và tham gia phong trào học sinh sinh viên đấu tranh đô thị chống Mỹ . Bị bắt 3 lần ra tòa lĩnh án tổng cộng 16 năm tù từ 1962-1975 - là “tù chuồng cọp” Côn Đảo nổi tiếng - đến 30.4 mới được giải phóng.
Sau 75 đảm đuơng nhiều chức vụ quan trọng ở TPHCM.
Đến năm 1986 trong xu thế Đổi mới vừa mở đầu được điều trở về làm lãnh đạo “cố hương” Côn Đảo. Nhưng không ngờ chính tại đây một lần nữa lại ghi thêm một dấu ấn oan nghiệt cuộc đời nữa như thời tù đày khi vì chủ trương chống tiêu cực địa phương nên đã bị nội bộ chống đối cô lập, gán tội phá hoại đòi khai trừ. Thậm chí còn bị đổ cho bệnh hoang tưởng đề nghị cho đưa vào… nhà thương điên luôn!
Sự cố gây khủng hoảng tinh thần trầm trọng làm tái phát bệnh cũ thời ở tù phải nằm viện 2 năm và đương nhiên… mất chức.
Mãi đến năm 1993 mới được giải oan khôi phục danh dự, kết luận đánh tiêu cực hồi đó là… đúng! Được đề bạt trở lại làm Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ đi Mỹ tranh luận về vấn đề tôn giáo và nhân quyền ở VN.
Năm 2003 hưu trí lui về quê nhà Huế lập Nhà lưu niệm tù Côn Đảo tại gia và… làm thơ tổng kết đời mình: “Cuộc đời tôi cũng có những vấp ngã nhưng ngã xuống lại biết đứng dậy để vươn lên. Tôi cũng có những sai sót nhưng tôi không gục ngã trước oan trái…” .

149 - Lê Thanh Bùi
NGHI ÁN CÁN BỘ VƯỢT BIÊN
Cán bộ ngành giao thông vận tải sinh 1935 tại Quảng Bình. Mất tích năm 1982 (47 tuổi).
Con mồ côi từ nhỏ phấn đấu vào làm ngành vận tải đường biển. Trước 75 là thuyền trưởng đảng viên chuyên lái tàu hoa tiêu dẫn tàu tránh ngư lôi dọc tuyến sông biển Quảng Bình trong cuộc chiến tranh phá hoại vùng biển miền Bắc. Em trai cùng nghề đã hy sinh năm 1965 khi làm nhiệm vụ vận chuyển vũ khí theo đường biển vào chi viện cho chiến trường miền Nam.
Sau 75 vào dịp trước Tết năm 1982 đang nằm viện dưỡng bệnh ở Đông Hà thì được lệnh của Cty Vận tải thủy Bình Trị Thiên làm thuyền trưởng – cùng 6 thuyền viên - ra Hải Phòng nhận một chiếc tàu vừa sửa chữa xong tại đây chở hàng từ đó về cảng Quy Nhơn. Dự kiến chuyến hải trình đến Quy Nhơn chỉ kéo dài 5 ngày nhưng chờ mãi vẫn… không thấy tàu về. Từ đó hầu như toàn bộ tàu và thuyền viên trên tàu bỗng nhiên… mất tích luôn!
Vậy nhưng một thời gian dài các cơ quan chức năng liên quan vẫn không có tin tức hay thông báo gì hết. Đến khi gia đình các thuyền viên yêu cầu, khiếu nại thì mãi đến năm 1986 công an Bình Trị Thiên mới ra công văn khẳng định các thuyền viên này phạm tội… phản quốc vì đã lợi dụng đưa tàu… vượt biên!
Tuy nhiên phía công an hoàn toàn không đưa ra được một chứng cứ nào hết mà cũng không biết có điều tra đến đâu trong khi thực tế cho thấy nếu quả là họ vượt biên thì sao từ đó đến hơn 20 năm sau cả 7 gia đình không có gia đình nào nhận được tin tức gì về họ? Chưa kể họ đều là cán bộ đảng viên lâu năm từng có thành tích chống Mỹ đáng kể.
Nhưng vào thời đó mọi thắc mắc khiếu nại về vấn đề “nhạy cảm” này – vượt biên đang từ một “hiện tượng” đã trở thành “phong trào” -- rất khó. Bởi vậy các gia đình thân nhân phải hứng chịu biết bao hậu quả của vụ án vượt biên không rõ ràng này. Như trường hợp đương sự, trong 6 đứa con có 2 con trai đi bộ đội bị ngưng xét lý lịch vào Đảng, một con trai khác bị gác hồ sơ không cho đi thi đại học…
Cùng lâm vào hoàn cảnh bi đát oái oăm như vậy còn một số thuyền viên khác:
+ Thuyền phó Trần Mạnh Hà: Vợ bị cho nghỉ việc, 2 con trai thì đứa đầu bỏ học, đứa sau lớn lên cũng bỏ xứ vào Nam kiếm sống.
+ Thuyền viên Nguyễn Ngọc Hới (sinh 1948): Bộ đội từng tham gia chiến dịch Mậu Thân 68, 1972 đến ngày giải phóng miền Nam, 1980 mới chuyển qua ngành GTVT. Không chịu nổi dư luận chòm xóm, vợ đành ôm con nhỏ vào Bình Thuận tìm đường sống.
+ Thuyền viên Dương Thanh Hải: Đảng viên. Cả 3 con trai đều bỏ học đi làm thuê làm mướn quanh vùng.
Các gia đình “nạn nhân mất tích bất đắc dĩ” đành chọn một ngày trong khoảng thời gian chồng mình ra đi làm nhiệm vụ vào giữa tháng giêng âm lịch hàng năm để làm đám giỗ đồng thời lập bàn thờ và mộ gió tưởng niệm họ.
Mãi đến năm 2007 các gia đình mời nhờ luật sư làm đơn yêu cầu Nhà nưóc trả lời vụ việc này, kể cả nhờ sự giúp đỡ của cơ quan Cảnh sát quốc tế Interpol. Nhưng có lẽ khó có kết quả vì vụ việc xảy ra đã lâu trong khi hồ sơ, tài liệu liên quan đã thất tán hết rồi sau khi Bình Trị Thiên được tách tỉnh, công ty cũ giải thể.
Giả thuyết hợp lý hơn cả là có thể tàu đã bị bão tố đánh chìm ngoài khơi xa vì vào thời điểm đầu năm âm lịch thường có đợt gió mùa đông bắc mạnh cấp tập trên biển Đông. Hơn nữa tàu đã cũ được xác định trước đó là bị thủng phải sửa chữa nhiều không biết đạt chất lượng thế nào. Nhưng cơ quan công an Bình trị Thiên lúc đó đã không điều tra kỹ mới vội vàng đưa ra một kết luận võ đoán dựa vào cảm tính “theo thời” biến nó thành một án treo oan khuất cho biết bao người.

150 - Lê Thành Nhơn
TỪ PHAN BỘI CHÂU ĐẾN PHẬT THÍCH CA
Nhà điêu khắc sinh 1940 tại Bình Dương. Mất 2002 ở Uc (63 tuổi).
Bức tượng đồng Phan Bội Châu – hoành tráng, sáng quắc, vạm vỡ – của ông làm trước 75 còn ở Huế (nhưng lâu nay nằm tại một địa điểm khá hẩm hiu) như thể hiện qua đó một Lê Thành Nhơn đầy nhiệt huyết yêu nước. Nhưng có vẻ như càng về sau cùng với cuộc chiến kéo dài càng mất lòng tin vào thực tế chiến tranh không như ý muốn nên bắt đầu hướng về đạo Phật với tư tưởng hòa bình (2 giai đoạn này đều có dấu ấn của Huế nơi ông dạy mỹ thuật thời đó).
Từ đó có tham vọng làm tượng Phật Thích Ca vĩ đại như dự án tượng Phật ngồi thiền cao 25m nhưng rốt cuộc trước khi rời VN di tản qua Uc năm 75 chỉ để lại tượng Phật cao 4,5m nặng 100 tấn may mà nay vẫn còn được lưu giữ ở chùa Huệ Nghiêm, TPHCM.
Đến khi qua Úc (lúc đầu từng không nề hà làm tái xế lái xe điện ngầm mà nay trong Bảo tàng quốc gia Úc treo bên cạnh các tác phẩm của ông là chiếc áo khoác và dây nịt tài xế của ông) giấc mơ tượng Phật vẫn tiếp tục bằng một tượng Phật cao 2,5m và một loạt tượng Phật nhỏ hơn hiện được trưng bày trong Bảo tàng quốc gia Úc bên cạnh loạt tranh liên hoàn mang tên “Sinh lão bệnh tử” đậm triết lý Phật giáo. Nay thì đúng là “Đức Phật bao trùm tôi”.
Nhờ thế cuối đời đã tìm được sự thanh thản tâm hồn, vẫn sống thanh bạch như trước kia. Vẫn với phong cách sống hài hước cuộc đời, ngước nhìn trời khen trời đẹp, nắng đẹp rồi một chút buồn ngậm ngùi nhớ quê xa… Nhìn thấy ảnh trên báo bức tượng Phật còn tồn tại ở quê nhà đã buộc miệng “Thật không tin đứa con của tôi vẫn còn sống. Tôi hạnh phúc quá…”
Đáng tiếc không còn được hưởng niềm hạnh phúc nhìn thấy bức tượng Phan Bội Châu sắp được cho phép đưa vào đặt trang trọng trong công viên sát dưới chân cầu Tràng Tiền nhìn ra dòng sông Hương lưu dấu đậm đà một thời nhiệt huyết tuổi thanh xuân…

CAO HUY KHANH
(Còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét