Thứ Hai, 22 tháng 3, 2010

HOÀNG PHỦ NGỌC PHAN - HƯỚNG VỀ 1000 NĂM THĂNG LONG : ĐÔI ĐIỀU XIN CÂN NHẮC


Hướng về 1000 năm Thăng Long
Đ Ô I Đ I Ề U X I N
C ÂN N H Ắ C
hoàng phủ ngọc phan

1. Về phim Trần Thủ Độ và người tình
Kế hoạch làm phim kỷ niệm 1000 năm Thăng Long đã được khởi động cách đây 10 năm. Cuối cùng thì phim Trần Thủ Độ và người tình đã được đưa vào sản xuất. Như thế đôi tình nhân nầy mặc nhiên đựơc tôn vinh như là những tấm gương người tốt việc tốt, tiêu biểu cho nhân vật và sự kiện của đất Thăng Long nghìn năm văn vật. Tạm gác một bên cái gọi là “mối tình” – (thực ra là sự loạn luân giữa Thủ Độ và Trần Thị, hai người là chị em họ) - trước hết cần phải dựa lên chính sử mà đánh giá công và tội của Trần Thủ Độ qua những hành động sau đây của ông ta :
Làm tôi nhà Lý mà cướp ngôi nhà Lý: ấy là tội soán nghịch của kẻ gian thần.
Vua cuối cùng của nhà Lý là Lý Huệ Tông đã bỏ đi tu mà Thủ Độ còn vào tận chùa bức tử để sau đó đoạt luôn vợ của vua. Bước kế tiếp là lập mưu tận diệt con cháu họ Lý. Đến năm Nhâm Thìn (1232), nhân làm lễ Tiên hậu nhà Lý, Thủ Độ sai đào hầm, làm nhà lá ở trên, đến khi các tôn thất nhà Lý vào tế lễ thì sụt cả xuống hố rồi đổ đất chôn sống cả. Lại lấy cớ ông tổ nhà Trần tên Trần Lý, bắt cả nước, những ai có họ Lý đều phải đổi thành họ Nguyễn. Đây là loại tội ác diệt tộc.
Lấy cớ cần phải có một dòng họ Trần thuần chủng, bắt người trong họ Trần phải lấy nhau, không được lấy người khác họ. Đây là cách làm cho mọi người cùng vấy bẩn để che dấu tội loạn luân của mình.
Trong lịch sử chưa từng thấy nhân vật nào đại gian, đại ác, bại hoại cương thường luân lý, bất trung, bất nghĩa, bất nhân đến như vậy.
Trong cuộc kháng chiến chống giặc Nguyên Mông lấn thứ nhất, đúng là Thủ Độ có vai trò tích cực được ghi nhận qua câu nói: đầu tôi chưa rơi xuống đất, xin bệ hạ đừng lo.Nhưng vào đời Trần, không chỉ Thủ Độ mà cả trăm vạn con dân nước Việt cũng đều có được tinh thần quyết chiến quyết thắng ấy. Vả lại không có thứ công lao nào xóa được những tội ác trời không dung đất không tha của Thủ Độ. Càng không thể có thứ mục đích nào biện minh được cho nhân cách của ông ta.Trong những đợt khủng bố trắng của Thủ Độ, có một đối tượng may mắn trốn thoát. Đó là hoàng tử Lý Long Tường cùng đoàn tùy tùng vượt biển sang tỵ nạn chính trị ở lãnh thổ Kô-Ry-Ô, nước Cao Ly - nay thuộc Hàn Quốc. Trước đó còn có hoàng tử Lý Dương Côn, em vua Lý Thần Tông cũng đã sang tỵ nạn ở Cao Ly. Cả hai hoàng tử nầy đều có công giúp triều đình Cao Ly đánh thắng giặc Nguyên Mông, dẹp yên phản loạn, được ghi tên trong sử sách nước nầy. Dòng họ Lý ở Triều Tiên đến nay đã truyền được hơn 30 đời, con cháu đều là công dân Hàn Quốc, nhiều người thành đạt. Tuy vậy họ vẫn không quên nguồn gốc nước Việt và rất tự hào về triều Lý của mình trong lịch sử Việt Nam. Những hậu duệ họ Lý ở Hàn Quốc đã từng thuê bao một chiếc tàu về Hà Nội để chiêm bái tổ tiên. Trong đại lễ 1000 năm Thăng Long sắp tới, cuộc hành hương của họ chắc càng qui mô hơn.· Với việc đánh bóng nhân vật Trần Thủ Độ qua bộ phim Trần Thủ Độ và người tình - liệu tiền nhân và hậu duệ của nhà Lý – từ 9 đời vua cho đến những người họ Nguyễn gốc Lý ở Việt Nam cũng như phái đoàn khách quí người gốc họ Lý ở Hàn Quốc – có còn tình cảm “hướng về đại lễ 1000 năm Thăng Long” nữa không?· Ban Tuyên Giáo Trung Ương đã có chỉ thị nêu rõ: “Từ nay đến thời điểm kỷ niệm 1000 năm Thăng Long vào năm 2010 - Ủy ban toàn quốc các hội Văn Học Nghệ Thuật Việt Nam và Hội LHVHNT Hà Nội cùng các thành phố cả nước gắn với cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, đẩy mạnh và triển khai cuộc vận động, tuyển chọn các tác phẩm có giá trị về đề tài nói trên.”Xin hỏi một người cầm quyền như Trần Thủ Độ có gắn được với tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh không?
2. Về vở kịch nói “Anh hùng và Mỹ nhân” (Huy Chương Vàng Hội diễn sân khấu toàn quốc)·
Nội dung cũng lại xoay quanh chuyện Trần Thủ Độ, Trần Cảnh, Lý Chiêu Hoàng… Riêng Lý Chiêu Hoàng được các tác giả sân khấu đề cao như là nhân vật vừa là anh hùng vừa là mỹ nhân trong ván cờ chính trị thời chuyển giao Lý-Trần, như người mẹ của mình là Trần Thị Dung (Việt Hoài – Đan Huyền – tinnhanhvn.net). Theo chính sử thì Lý Chiêu Hoàng lên ngôi năm 1224. Qua năm sau bị Thủ Độ ép nhường ngôi cho Trần Cảnh. Lúc bấy giờ Chiêu Hoàng mới lên 7 và Trần Cảnh lên 8. Thời kỳ chuyển giao Lý-Trần kéo dài không đầy một năm. Trong vòng một năm đó, không hiểu cô bé 7 tuổi Chiêu Hoàng được chế tác làm sao mà có thể trở thành vừa anh hùng, vừa mỹ nhân được? Trên sân khấu, người ta thấy Nghệ sĩ Ưu tú Trung Anh (vai Trần Cảnh) và diển viên Thanh Giang (vai Lý Chiêu Hòang) đều là những khuôn mặt không còn bé bỏng chút nào. Khi Lý Chiêu Hoàng và Trần Cảnh ở vào tuổi đó, mọi âm mưu thủ đọan của Trần Thủ Độ xem như đại công cáo thành, họ Lý còn gì để mà chuyển giao? Chẳng lẽ sáng tác đề tài lịch sử mà không cần dựa vào chính sử? Chẳng lẽ đất Thăng Long ngàn năm văn vật không còn ai đáng mặt tài tử giai nhân, anh hùng liệt nữ sao mà cứ xúm xít quanh ông Trần Thủ Độ để khai thác đề tài?
3. Về pho tượng cố đạo Alexandre de Rhodes
Nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng ở TP. HCM đã hoàn thành pho tượng cố đạo Alexandre de Rhodes bằng đá hoa cương, nặng 43 tấn và có nhã ý làm quà tặng thành phố Hà Nội để góp phần tôn vinh lễ hội 1000 năm Thăng Long. Chính quyền Hà Nội liền hứa sẽ cử phái đoàn vào Nam để thẩm định giá trị tác phẩm. Đúng ra trước tiên phải nhận thức đầy đủ về vấn đề nầy:· Nền văn minh Việt Nam thời Lý-Trần gắn liền với văn hóa Phật giáo. Vậy pho tượng ông cố đạo nầy có ý nghĩa gì trong Lễ hội 1000 năm Thăng Long?· Alexandre de Rhodes tuy có công lao nhất định trong việc hình thành chữ quốc ngữ nhưng cũng có nhiều hoạt động nguy hại, tiếp tay cho thực dân xâm chiếm nước ta. Riêng đối với Phật giáo, toàn thể tín đồ rất sốc khi biết ông từng phát biểu trong phép giảng ngày thứ năm, đòi chém Thằng Thích Ca và còn nhiều lời lẽ rất ác khẩu khác…Việc ông Phạm Văn Hạng có nhã ý tặng pho tượng làm quà cho đại lễ không có gì đáng trách. Nhưng chính quyền Hà Nội đáng lẽ phải từ chối ngay món quà nầy thì lại tính cử một phái đoàn vào thẩm định giá trị của pho tượng. Thẩm định làm gì? Chẳng lẽ nếu thấy tượng đẹp thì có thể chở ra đặt bên cạnh chùa Một Cột?Chúng tôi rất trân trọng tâm huyết của các tác giả làm phim, làm kịch và làm tượng. Ba công trình nói trên tất nhiên đều có những mặt thành tựu nghệ thuật nhất định. Tuy nhiên nếu nhận ra những vấn đề nhạy cảm của lịch sử, của văn hóa và của tôn giáo ở Việt Nam thì chắc không chỉ riêng tôi mà còn có nhiều người – nhất là người Hà Nội – sẽ đồng ý rằng không nên sử dụng ba công trình (phim Trần Thủ Độ ̶ kịch Anh hùng và Mỹ nhân – pho tượng Alexandre de Rhodes) phản cảm nói trên làm làm phẩm vật cúng tế trong lễ hội 1000 năm Thăng Long. Phim ấy, kịch ấy và tượng ấy nếu đã lỡ làm xong thì vẫn có thể tùy nghi sử dụng trong những dịp khác, nhưng trong dịp lễ hội thì rất không thích hợp. Xin hãy cân nhắc trước khi quá muộn.
HPNP (Viet - Studies)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét