Thứ Hai, 30 tháng 11, 2015

CÓ MỘT NHÀ BÁO NHÀ VĂN CHU TỬ RẤT CHU TỬ ! - TRẦN BẢO ĐỊNH


Gửi nhà thơ Triệu Từ Truyền,
người hoạt động cách mạng nội thành Sài Gòn-Gia Định
từ những năm 60 thế kỷ trước(Thành Đoàn)
*
Xin có đôi lời thưa trước, rằng:
- Viết về nhà văn, nhà báo Chu Tử(1) tôi ''chỉ múa riu qua mắt thợ''. Việc đó, đã có nhiều nhà văn, nhà báo, nhà nghiên cứu và phê bình...chuyên nghiệp, cùng thân hữu, bạn bè hoặc cộng sự cộng tác với ông ...viết dưới nhiều dạng, nhiều góc độ cảm xúc khác nhau; chính kiến, biểu kiến khác nhau từ nửa thế kỷ trước và, có thể đến bây giờ còn đang viết cũng nên.
Vậy thì, anh viết mần chi?
- Xin thưa!Vì, có một nhà văn, nhà báo Chu Tử rất Chu Tử!
*
Thầy giáo Chu Văn Bình nghỉ nghề gõ đầu trẻ trường Trung Tiểu học Lê Văn Trung ở Tây Ninh, về Đô thành Sài Gòn mần Báo, viết Văn với cái tên Chu Tử. Tự thân, Chu Tử mần sao không biết mình đang dấn thân vào chốn ''gió tanh mưa máu''của ''trường văn, trận bút''Miền Nam trong thời kỳ hỗn loạn.
Rồi, y như rằng,Tòa soạn báo Sống được ''dàn chào'' bởi một số đông người ''cuồng nộ'' đập phá, đốt Tòa soạn báo ở đường Gia Long cháy phừng phừng giữa ban ngày ban mặt mà, chính quyền Sài Gòn lúc bấy giờ im re, nín như nín địt, không có một động thái nào can thiệp cứu giúp. Chu Tử bơ vơ và cô đơn giữa bộ máy ''chạy hết công suất'' chiến tranh, của các tướng lãnh Sài Gòn đang tập hợp nhau thành băng đảng''tranh bá đồ vương''
Nhiều người căm tức, thề trả đũa và chơi tới bến!
Chu Tử với thân hình gầy gò, cao dong dỏng. Mỉm cười, xăn tay áo cùng ê kíp cật lực mần lại. Có lẽ, đó là khí chất của con người Chu Tử. Mỗi lần té ngả là, mỗi lần đứng dậy. Mỗi lần đau thắt lòng, cố nở nụ cười để đời nở một đóa hoa. Ngày đau thương tột cùng của đời ông là, cái ngày đứa con út Chu Trọng Ly đã dùng súng Carbine bắn đạn vào đầu tự sát, khi chưa tròn 15 tuổi. Chu Tử ôm xác con khóc không thành tiếng, nước mắt người cha đẫm ướt mặt đứa con mà ông yêu thương nhất. Ngày đó, Chu Tử ở nhà mượn của người bạn là Thẩm phán Phạm Hải Hồ, phía sau chợ Bà Chiểu để ở. Chu Tử gần như hoảng loạn mất hồn, các người bạn:Dịch giả Phan Huy Chiêm, nhà thơ Hà Thượng Nhân, ...và một số thân hữu đã cận kề động viên, an ủi.
Rồi, một Chu Tử kiên cường đã đứng dậy từ ''tai nạn''đau đớn tận cùng để sống, để viết văn, để làm báo...Một nghị lực phi thường và hiếm có trong một cái thể xác ốm yếu, gầy gò...sẵn lòng hào sảng, hồn nhiên.
Khi phải đối đầu với một thế lực cường quyền, Chu Tử chẳng hề ngán và sợ. Sẵn sàng chơi với đối phương tới lúc''đứt chếnh''. Số là, cuối 69 đầu năm 70 của thế kỷ trước, báo Sống viết một loạt bài phóng sự điều tra nẩy lửa về chuyện nhà cầm quyền Nguyễn Văn Thiệu buộc dân chúng di dời nơi khác, giao Quân đội Mỹ toàn quyến sử dụng căn cứ Cam Ranh. Nhà đương cuộc lúc ấy, đề nghị Chu Tử ngưng loạt bài phóng sự ''chết chế độ'', Chu Tử bất chấp lời đề nghị mang nội hàm đe dọa, cương quyết xấn tới. Và, báo Sống bị thu hồi giấy phép vĩnh viễn.
Rõ là, Sống thành Chết!
*
Tin nhà báo Chu Tử bị ám sát lúc 8 giờ sáng ngày 16.4.1966, lan nhanh khắp Miền Nam và thế giới. Sài Gòn như trong cơn địa chấn.Tại sao, Chu Tử bị ám sát?
Về vấn đề nầy, nhà thơ Du Tử Lê, viết:
''...ông đã không ngừng thổi một luồng sinh khí mới cho sinh hoạt báo chí miền Nam thời đó vốn hiền lành, ngại đương đầu với chính quyền hoặc, những nhân vật có quyền thế về tôn giáo, chính trị cũng như những tệ nạn xã hội...
Cũng chính vì chủ trương làm một cuộc cách mạng đầy nguy nan cho xã hội miền Nam mà, nhà báo Chu Tử đã có không ít kẻ thù.
Kẻ thù của ông đủ loại. Từ một ông tướng quyền uy nghiêng đất, lệch trời, tới một vị lãnh đạo tôn giáo... Từ nhân vật số một, số hai của miền Nam, tới quý vị tổng trưởng, bộ trưởng trong chính phủ... ông đều không tha một ai, nếu ông có tài liệu trong tay.
Cụ thể, chủ nhiệm nhật báo Sống từng bị ám sát hụt vào tháng 4 năm 1966; sau loạt bài ông viết trong cột mục “Ao Thả Vịt” về một vị lãnh đạo tôn giáo thời đó. Lại nữa, trước đấy là loạt bài ông viết, cũng trong mục Phiếm hàng ngày, có tên “Ao Thả Vịt” về một ông tướng “trấn nhậm” một vùng ở miền Trung mà, ông gọi là “Quê Tướng Công,” và, nhiều nhân vật hét ra lửa khác... Nhưng giới chức hữu trách thời đó đã không điều tra ra phe phái hay, cá nhân nào đứng đằng sau những vụ ám sát ấy!!''
(Trích:''Báo Sống và những lần nhà văn Chu Tử bị ám sát''Du Tử Lê)
Chu Tử tạo ''Ân oán giang hồ''từ mục ''Ao thả vịt''của báo Sống, với bút danh Kha Trấn Ác, một tay nghĩa hiệp giang hồ, đầu đàn ''Giang Nam thất quái''trong Tiểu thuyết ''Anh hùng xạ điêu'' tác giả Kim Dung. Lắm bạn bè trong giới, ngoài giới báo chí khuyên ông ''nương tay''hoặc ngưng lùa ''bọn người dơ dái'' đầy quyền lực, thế lực vào ''Ao thả vịt''tắm rửa, kỳ cọ kỹ lưỡng. Bởi, hậu quả khó lường. Thời chiến, chúng có thể giết người như mồi thuốc hút một điếu Salem, rồi liệng tàn thuốc cho ai đó...Chìm xuồng! Những lần nghe bạn bè khuyên như vậy, Chu Tử cười:...thì, có sức chơi sức chịu, liệu sức mà chơi!Chu Tử cóc cần ''liệu sức'' mà chơi.
Theo tin tức các tờ báo Sài Gòn thời bấy giờ, giật tít lớn ở trang nhất:
Khoảng 8 giờ sáng, ngày 16.4.1966, Chủ Nhiệm báo Sống-Chu Tử bị bắn 4 phát đạn vào đầu, đang trong cơn nguy kịch! Tin sau đó, rằng Chủ Nhiệm Chu Tử rời nhà ở cư xá đường Trương Tấn Bửu, Phú Nhuận, ra xe hơi đến Tòa báo Sống. Kẻ giết người, bắn 4 phát đạn súng Colt 9 vào ông, có một phát trúng sau ót trổ ra cửa miệng. Nhưng, ông không chết!
Theo nhà văn Trùng Dương:
''...Số ông Chu Tử còn cao, nên dù trúng đạn gãy xương quai hàm, mất mấy cái răng, song không có viên đạn nào đi vào chỗ phạm. Và ông đã thoát chết nhờ sự chữa trị tận tâm của các y sĩ và nhân viên tại Bệnh viện Cơ Đốc gần nhà ông ở vùng Phú Nhuận''.(Trích:''Nhân kỷ niệm 38 năm ngày giỗ Chu Tử...'').
Rồi, nhà văn Trùng Dương còn cho biết thêm:
''...chưa đầy một tuần sau ngày ông Chu Tử bị ám sát hụt, toàn thể làng báo Miền Nam đồng loạt nghỉ ra báo một ngày, đó là ngày thứ Năm 21.4.1966, tức số báo đề ngày 22.4.66''(Trích:''Nhân kỷ niệm 38 năm ngày giỗ Chu Tử...'')Và, ngày 21.4.66. theo Chu Tử, viết:
''...để tỏ tình đoàn kết báo chí trong việc tranh đấu chống đàn áp và kềm chế báo chí'', đồng thời,''nêu cao tinh thần tranh đấu chung cho tự do, dân chủ''(Trích:''Chu Tử không hận thù")
*
Trong lúc một số người quyết đoán và kèm theo tin đồn VC bắn Chu Tử. Ngược lại, ông khẳng định, rằng:Kẻ bắn 4 phát đạn súng Colt 9 vào ông, không thể là VC.
Sau khi ông hồi phục và bình phục, cơ thể ông yếu và đặc biệt, đôi bàn tay ông run. Tuy vậy, để xác tín điều ông khẳng định:''Kẻ bắn ông, không thể VC'' nên ông viết bài đăng công khai nhiều kỳ trên báo Sống. Về sau, Ban biên tập báo Sống in thành sách với tựa''Chu Tử Không Hận Thù''(2). Trong đó, ông viết:
''...trong vụ ám sát tôi, tôi nhận thấy kẻ sát nhân của tôi không những là một tay ''non'', khờ khạo, chưa có kinh nghiệm gì, tôi còn nhận diện rõ sát nhân của tôi là một ''anh em quốc gia(!)''. Ở điểm hắn còn lúng túng, vương vấn đôi chút lương tâm, nên đi ngang mặt tôi mà không dám bắn, chỉ đủ can đảm bắn vào sau xe, vào lưng, vào cổ gáy tôi,chứ không dám nhìn thẳng vào mặt tôi để bắn''.
Nên nhớ rằng, hồi nhỏ ở quê nhà, Chu Tử từng theo Việt Nam Quốc Dân Đảng của Nguyễn Thái Học, từng là ''đệ tử'' Nguyễn Khắc Nhu trong Đội ám sát và tham gia đánh đồn Hưng Hóa. Những nhận xét của ông là có cơ sở.
Thế nhưng, nhà cầm quyền Sài Gòn thuở ấy, không tích cực mở cuộc điều, cà lớt phớt phơ chiếu lệ cho qua chuyện. Thời cuộc rối như tơ vò, Mỹ ồ ạt đổ quân, Sài Gòn tràn ngập Snack Bar...Chiến sự mỗi ngày một ác liệt, Sài Gòn nghe ''Đại bác ru đêm'', Sài Gòn run bởi dư chấn bom rải thảm của B52...Tâm trí đâu nghĩ đến chuyện Chu Tử bị ám sát hụt.
*
Cái mà tôi muốn viết về ông là, có một Chu Tử rất Chu Tử, vừa bao dung vô lượng, vừa hào sảng và chí tình, lãng mạn và rất Người...hồ dễ mấy ai trong cõi trần gian nầy đạt được!?Có lẽ, ông vốn là nhà giáo với trái tim sư phạm của mình, ông hiểu rằng mọi tai họa khổ đau, xuất phát từ tham lam vô độ, say quyền lực và danh vọng, biến mọi thứ thành cực đoan, cuồng tín...Đã sa vào chốn đó là, sa vào cõi mê; ắt sinh thù hận và giết người. Với ông, sau lần đứng giữa đôi bờ sinh tử, ông nhận thấy rất rõ bất cứ sự cực đoan nào, dù có nhân danh thứ mỹ ngữ cao siêu cũng chứa cái ác, cái ngu muội mà trước hết, làm cho người cực đoan trở thành kẻ ác và là, kẻ thù của mọi kẻ thù!Nguy hại hơn, nó làm cộng đồng phân liệt, xã hội chia rẽ và lòng người ly tán...nó là loài nấm cực độc, đẻ ra một loại người vong nô, sẵn sàng mồi lửa cho bọn ngoại bang xăm lược, bất kể bọn ngoại bang nào miễn, thỏa mãn được cái cực đoan. Không dám dút bỏ cái cực đoan, hận thù ''thiệt''hay hận thù ngụy trang ''cơ hội dở hơi''ra khỏi trái tim mình thì, đừng hòng nói thương ai, nói chi đến thương nòi giống!? Chỉ là, sự lừa phỉnh hào nhoáng!Mất sự đoàn kết thì, sao có Bình Than, Diên Hồng?
Ông vừa là nguyên nhân, vừa là hậu quả của cuộc chơi tự mình chơi không ''liệu sức mà chơi''. Bởi vậy, từ cõi chết trở về, ông vẫn tươi cười và trong ''Ao thả vịt'' ông lạc quan ra câu đố:''Chu Bình sứt miệng bình!'' rất Chu Tử.
''Ông sẵn sàng tha thứ, mong gặp người đã bắn ông để...cảm ơn''(Trùng Dương)và,'' không phải một lần mà tới 3 lần, vì kẻ sát nhân đã giúp tôi 3 điều vô giá, dù có núi tiền núi bạc, cũng không mua nổi!''(Trích:''Chu Tử không hận thù''). Ông cũng ngộ ra rằng, không hiểu tại sao khi ông cầm bút thì cái nhẫn tâm đến độ ác, độ đểu, xỏ lá ba que...đối với những gì ông viết mà, thật tâm con người ông chẳng hề như thế?Một thứ ma quỷ trong văn chương hình như bám miết ở ngòi bút của ông. Chu Tử cũng không quên xin lỗi những ai đã từng bị ông lùa vào cái ''Ao thả vịt''...Tận đáy lòng, ông tha thiết muốn cái xã hội ông đang sống tốt hơn, đáng sống hơn. Rồi, ông hiểu ra, dễ gì?Dù là ''Biển thả vịt'' cũng chẳng ăn thua, huống hồ ''Ao thả vịt''?
Bốn viên đạn oan nghiệt bắn vào ông, giúp ông tỉnh ngộ và có đủ thời gian nhìn lại chính mình. Ông liệng thù hận ra khỏi tâm, ông buông thị phi miệng đời thiên hạ, ông thong thả rước sự bình an về trú ngụ ở tâm hồn. Ông để lại đời một tấm gương biết sống.
Chu Tử đích thực là, con người như thế!
TRẦN BẢO ĐỊNH

(1) Chu Tử tên thật Chu Văn Bình(1917-1975)gốc nhà giáo trước khi trở thành nhà văn, nhà báo. Tửng nổi tiếng với những Tiểu thuyết:Yêu, Ghen...và là, Chủ nhiệm Nhật báo Sống.
(2)Tác phẩm''Chu Tử không thù hận'' gồm bài viết đăng nhiều kỳ trên báo Sống, với những bản tin, bài viết, thông báo, tuyên ngôn...vụ Chu Tử bị bắn. Tất cả in chung thành sách. Sống 1966.
*
Ảnh:
1. Nhà văn, nhà báo Chu Tử
2. Tòa soạn báo Sống bị đám đông ''cuồng tín''đốt(cháy gần 20 chiếc xe máy).Nguồn:minhduc7.blogspot.com.
3. Nhật báo Sống(Nguồn:minhduc7.blogspot.com)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét